Sống như Tiểu Cường
Old 09-03-2010, 18:49  

V.I.P
 
Join Date: 23-05-2009
Posts: 1.010
KL$ (TOP! 14): 6.822
Awarded 81 time(s)
Sent 118 thank(s)
Received 60 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A12 (2006-2009)

“Sống như Tiểu Cường”

Sống bằng nghề lừa đảo, nhưng Tiểu Cường lại là người rất thông minh, những chiêu thức lừa đảo của cậu mang đầy tính trí tuệ, khiến người đọc cất tiếng cười sảng khoái. Điều đặc biệt và hấp dẫn độc giả có lẽ chính ở chỗ, “kẻ lừa đảo vĩ đại” Tiểu Cường luôn chọn đối tượng để lừa, và tất nhiên, không phải ai cũng có “may mắn” được trở thành nạn nhân của y...
“Sống như Tiểu Cường” Viết bình luậnLưu bài này

Bukla là một tác giả trẻ, một cây viết thần bí trong thế giới blogger. Khi vừa mới xuất hiện trên cộng đồng blog Trung Quốc, Bukla đã thổi vào thế giới ảo này một luồng sinh khí mới mẻ, với những trang văn mang đậm chất triết học nhưng hài hước và gần gũi. Chính vì vậy mà tác giả trẻ này được ca ngợi trên rất nhiều diễn đàn và được mệnh danh là người mà “mỗi câu nói ra đều trở thành kinh điển”.

Sống như Tiểu Cường là câu chuyện xoay quanh nhân vật Tiểu Cường và những người sống trong “thôn lừa đảo”. Ngay từ khi còn nhỏ, Tiểu Cường đã được coi là “nhân tài kiệt xuất” trong cộng đồng chuyên sống bằng nghề lừa đảo của mình... Và khi mới chỉ 8 tuổi, cậu đã có cơ hội đi cùng mẹ để thể hiện tài nghệ của mình, đó là cùng mẹ thể hiện vai diễn của một đứa con đáng thương bị mất mẹ do tai nạn giao thông. Khuôn mặt đáng thương và những câu nói não lòng khiến cho người “gây nạn” không khỏi day dứt vì những gì đã xảy ra.

Nếu chỉ đọc những trang đầu tiên, hẳn độc giả sẽ cho rằng, đây là chuyện chẳng có gì đáng đọc, đáng ca ngợi, bởi 1 thằng bé nhỏ tuổi mà chuyên sống bằng cách lừa gạt người khác. Thế nhưng, nếu kiên nhẫn một chút, chúng ta sẽ tìm ra ngay câu trả lời.

Ẩn sau câu chuyện về những phi vụ làm ăn của Tiểu Cường và dân cư trong thôn lừa đảo, đó chính là mặt trái của xã hội Trung Quốc với đầy rẫy những chuyện đáng phê phán như: Chuyện về những ông quan tham, chèn ép dân chúng ẩn núp dưới danh nghĩa nhân đạo để vơ vét tiền của dân và những người hảo tâm đóng góp ủng hộ người nghèo.

Không chỉ đề cập đến những chuyện to tát, tác giả còn đề cập đến nhiều chuyện rất nhỏ nhặt nhưng mang nhiều ẩn ý. Toàn bộ câu chuyện là những vụ lừa đảo của Tiểu Cường và những người trong trị trấn Tam Thủy, nhưng đó lại không phải là một môi trường tệ nạn, mà ẩn chứa trong đó là là những câu chuyện nồng ấm tình người…

Vẫn là cốt truyện cũ, nhưng tác giả của Sống như Tiểu Cường lại tập trung vào phản ánh những câu chuyện của cuộc sống hiện đại với một giọng văn hài hước và dí dỏm, có lẽ vì thế mà cuốn sách hấp dẫn khán giả từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng. Và khi gấp sách lại, chắc hẳn ai cũng có chung một suy nghĩ rằng: Nếu trong mỗi chúng ta đều có 1 Tiểu Cường nho nhỏ, thì hẳn cuộc sống này sẽ có nhiều điều thú vị.



"Thế gian này đấy ắp những lời nói dối, có người nói rằng nói dối để sống tốt hơn, nhưng với tôi, nói dối là để sống." Tự truyện của một kẻ lừa đảo bậc thầy trên đường phố.


CHƯƠNG I.

Bố mẹ tôi là những “nhà kinh doanh”, và tôi cũng là một “nhà kinh doanh thiên tài”, từ lúc năm tuổi tôi đã biết giúp bố mẹ làm ăn.


Lần đầu tiên tôi đi làm là một ngày đông giá lạnh, tuyết rơi đầy trời, mẹ dắt tay tôi đứng bên đường cái, từng dòng xe cộ chạy qua, có một chiếc xe chạy không nhanh lắm, rất hợp cho việc làm ăn của chúng tôi, khi xe gần đến nơi, mẹ tôi chạy ra lòng đường lao thẳng vào chiếc xe, sau một tiếng hét lớn, bà nằm vật ra trên lòng đường không động đậy. Chủ xe là một người to béo, tuy lúc đó mới năm tuổi nhưng tôi còn nhớ rất rõ dáng vẻ căng thẳng vội vàng của người đàn ông này khi ra khỏi xe, ông ta lo lắng đi từng bước về phía chúng tôi. Lúc này tôi bắt đầu vào vai, tôi ôm chặt lấy mẹ và khóc toáng lên.


Trên nền đất phủ đầy tuyết trắng, một phụ nữ nằm bất động, thêm vào đó là tiếng khóc đứt ruột đứt gan của một đứa trẻ đáng thương khiến người đàn ông mập mạp ấy mất hết ý chí, tôi thấy ông ta đang run, đây là lần đầu tiên tôi thấy một người đàn ông trong bộ dạng sợ hãi đến vậy, ông ta quỳ xuống bên cạnh, hốt hoảng nhìn hai mẹ con tôi. Sau lần đó, mẹ nói: “Tiểu Cường, con không là một ngôi sao nhí xuất sắc thì quả là đáng tiếc”. Thực ra không chỉ tôi diễn xuất tốt mà mẹ tôi cũng là một diễn viên có hạng, bộ dạng của bà làm người ta phải lo lắng, bà thật biết cách kéo tôi vào vở kịch này.


Mẹ khẽ nhúc nhích rồi chầm chậm mở mắt ra, ông lái xe mừng rối rít: “Chị không sao chứ, không sao là tốt rồi, không sao là may lắm rồi”. Sau đó, mẹ tôi nôn đầy máu, tất nhiên không phải là máu thật, đó là thứ thuốc nước chú Bảy đưa cho.


Người chú mà tôi quý nhất chính là chú Bảy, những câu chuyện của chú không bao giờ kết thúc, chú là một diễn viên dám nhận những vai diễn quan trọng trong rất nhiều vở kịch, tuy vậy con đường sự nghiệp của chú không bằng phẳng cho lắm, mỗi lần vở diễn sắp kết thúc, vai chú diễn sẽ bị bắn chết bởi một viên đạn, nếu trong kịch cổ trang thì bị người ta chọc thủng bụng bằng một nhát dao hoặc một cây thương dài. Do đó đạo cụ diễn của chú nhiều lắm, và thứ thuốc nước mà chú cho mẹ tôi là một trong số đó.


Thấy mẹ tôi hộc máu, ông lái xe lại càng cuống hơn.


Mẹ nhìn tôi, đột nhiên rơi nước mắt (bà khóc thật, lúc đó không phải bà dùng thuốc nước, đó là do tài năng diễn xuất): “Tiểu Cường, mẹ không qua được rồi, con phải ngoan, nghe lời bố”.


Ông lái xe lo quá cứ xoa xoa hai tay: “Chị à, tôi xin lỗi chị và gia đình”. Ông ta khóc, trông còn thương tâm hơn cả chúng tôi, tiếng khóc cũng to hơn, đúng là người có sức khoẻ thì khoang phổi cũng lớn thật.


“Nếu chị có mệnh hệ gì tôi hứa sẽ thay chị nuôi nấng cháu thành người.”


Mẹ tôi thều thào: “Không cần đâu, xem ra tôi phải vào viện khám, chi bằng anh cứ cho chúng tôi ít tiền”.


Ông béo lại nói: “Thế sao được chứ, tôi không thể mặc kệ mẹ góa con côi nhà chị ngoài đường thế này, làm vậy tôi cũng chẳng phải con người.”

Cuối cùng, lái xe đưa chúng tôi năm mươi đồng và đi, ông này cũng không yên tâm bỏ đi nên quay lại xin địa chỉ của chúng tôi và nói sau này sẽ đến thăm.


Địa chỉ đương nhiên là giả, mẹ bảo làm cái nghề kinh doanh này chỉ gặp một lần thôi, không tiếp khách quay lại.


Mảng kinh doanh của bố mẹ tôi vô cùng phong phú, có khi mẹ tôi trang điểm rất đẹp và cùng bố tôi đi làm việc “giăng bẫy đàn ông”, những lúc ấy mẹ chẳng bao giờ cho tôi đi theo, bà bảo trẻ con nhìn thấy những thứ ấy không hay.


Thực ra việc họ làm tôi đều biết cả, mẹ tôi thường cùng dì Quế Hoa đứng bên đường để kiếm khách, việc đong đưa là của dì Quế Hoa, còn mẹ tôi chỉ cần dẫn khách vào phòng, sau đó bố tôi và các chú khác sẽ xông vào, về điểm này thì dì Quế Hoa vô cùng khâm phục mẹ tôi, mỗi lần như thế thu nhập gấp mấy chục lần so với công việc của dì mà lại không mất sức.


Những lúc không bận công chuyện làm ăn, mẹ tôi thường cùng các dì ngồi đánh mạt chược. Tôi quanh quẩn phục vụ rót trà cho họ, lúc đi qua chỗ mẹ, tôi ra ám hiệu để mẹ biết họ thiếu quân nào, và chiến thắng với mẹ thật dễ dàng.


Khi tôi đến tuổi đi học, mẹ tôi cũng cho tôi đến trường, thực ra lũ trẻ con trong thị trấn Tam Thủy chúng tôi phần lớn không đi học, học ở trường không thú vị bằng học nghệ thuật móc túi. Mẹ nói với tôi, công việc làm ăn của chúng ta là phải dựa vào cái đầu, học hành làm cho đầu óc linh hoạt, có thể tính chuyện làm ăn lớn, con không giống như Tứ Mao và mấy đứa nhỏ kia.


Bố mẹ Tứ Mao chỉ làm một “trò” duy nhất, ngày nào họ cũng đợi bên đường chờ khi có xe chở khách du lịch nào chạy qua là mẹ Tứ Mao ngồi ở giữa đường, ưỡn cái bụng làm ra vẻ đau quằn quại như sắp sinh em bé. Mẹ tôi không làm vậy, mỗi lần thổ huyết bà đều nhìn tôi bằng dáng vẻ trìu mến nhất khiến người khác cảm thấy hết sức đau lòng. Mẹ Tứ Mao diễn xuất rất tệ, giỏi lắm chỉ biết lăn lộn, nhưng cũng chỉ cần có thế, hầu hết các xe đều dừng lại, ngay lập tức bố Tứ Mao cùng các anh em xông lên xe giở trò xin đểu khách.


Có ngày thu nhập của họ rất cao, đến mẹ tôi nhìn còn phải phát ghen, và những lúc như thế bà thường than thở: Xã hội ngày nay giá trị của chất xám bị đảo lộn nghiêm trọng quá..

Tuy thế bà vẫn cho tôi đi học, thành tích học tập của tôi cũng không đến nỗi nào nhưng giáo viên chẳng ai quý tôi, họ chỉ thích những đứa trẻ ăn mặc gọn gàng, đẹp đẽ, bố mẹ luôn đến nhà thầy cô chơi vào mỗi dịp lễ tết.


Sau khi tan học, có thời gian tôi lại đi theo giúp mẹ trong việc làm ăn, hai mẹ con phối hợp ngày càng ăn ý, nhưng cũng có một lần bị phát hiện, đó là trường hợp ngoài dự tính vì hôm đó mẹ tôi bị cảm cúm. Lẽ ra đối phương đã tin, nhưng sau đó mẹ tôi bị một trận ho dữ dội đến nỗi ho ra cả túi nilon đựng thuốc nước vốn dĩ được giấu kín trong miệng.


Người lái xe này cũng là một anh béo, tôi phát hiện ra rằng những người lái xe đều béo, lý do có lẽ vì thời gian ngồi trên xe nhiều và lười vận động.


Anh ta lôi cổ mẹ tôi ra ngoài và nói sẽ đưa mẹ đến sở cảnh sát, mẹ tôi khóc như mưa, tôi vừa khóc vừa chạy theo. Tôi nhớ đến cuốn sách về những kẻ tiểu nhân hôm trước viết về việc Bao Công xử vụ Trần Thế Mỹ thế là tôi ôm lấy chân anh béo mà khóc, nói là bố tôi đã bỏ hai mẹ con rồi, ông ấy có vợ bé, còn có thằng con trai bé nữa, hai mẹ con tôi đã hai ngày nay không ăn uống gì, lúc đầu tôi định nói là năm ngày nhưng suy xét đến tính sát thực nên tôi đổi thành hai ngày.


Anh chàng béo cuối cùng đã không dẫn mẹ tôi đến trụ sở cảnh sát, trước khi bỏ đi anh ta đưa cho chúng tôi hai mươi đồng và còn nói nếu gặp người đàn ông nhẫn tâm như bố tôi, anh ta sẽ đánh cho chết luôn.


Thật ra bố tôi là người đàn ông rất thật thà, nếu đi trên phố mà ông lỡ nhìn kỹ mấy cô gái đẹp thế nào cũng bị mẹ tôi vả vào miệng, ông chỉ tranh thủ những lúc mẹ tôi không có ở đó để nhìn trộm thôi. Bố tôi không nỡ bỏ hai mẹ con vì tôi và mẹ đều rất được việc.


Năm ấy tôi tám tuổi.
vinhthanh1991 is offline  

Re: Sống như Tiểu Cường
Old 09-03-2010, 18:51  

V.I.P
 
Join Date: 23-05-2009
Posts: 1.010
KL$ (TOP! 14): 6.822
Awarded 81 time(s)
Sent 118 thank(s)
Received 60 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A12 (2006-2009)

Chương 2



…Có lúc tôi cũng mắc phải sai lầm, năm ấy tôi viết cho chính mình một bức thư tình vào một đêm trăng không sao, rồi đem thả vào cửa sổ phòng nàng Hương Tú nhà cô Tư, mãi chẳng thấy nàng hồi âm, gặp tôi vẫn như không có chuyện gì. Mối tình đầu của tôi thất bại như vậy đấy, sau này tôi đã tìm ra nguyên nhân, thường thì thư tôi viết hộ toàn thư nặc danh nên bức thư của chính mình tôi cũng quên không kí tên…..
Có lúc xe đâm người, họ không thèm dừng lại mà vẫn nhẫn tâm phi xe qua, nếu không phải vì mẹ tôi cao số thì đã bỏ nghề từ lâu rồi.

Mẹ tôi khi ấy vừa nhảy lên vừa chửi bới ầm ĩ ở phía sau: “Đồ trời đánh kia, đâm phải người ta cũng không biết dừng xe lại xem thế nào à?”

Nhà Tứ Mao còn tệ hại hơn nhà tôi, hầu như tất cả các xe chẳng bao giờ thèm đỗ lại, nhưng cũng phải thôi, 10 năm nay ngày nào cũng diễn đi diễn lại 1 trò, họ đã quá quen rồi, đến như chúng tôi xem thôi cũng đã phát chán rồi.

Sau này có “cao nhân” mách nước bảo mẹ Tứ Mao phải ăn mặc gợi cảm một chút, nhưng mẹ Tứ Mao sau khi sinh thêm đứa nữa lại phát phì ra, mặc quần áo càng thiếu vải càng không chấp nhận nổi. Năm lớp mười tôi bị đuổi học vì tội đánh giáo viên ngay trong trường. Về nhà tôi cũng bị bố nện cho một trận, ông còn mắng tôi: “Đồ mất nết, không lo học hành tử tế, mà nếu có muốn đánh thầy giáo thì cũng phải đợi tốt nghiệp xong chứ! “Chỉ còn có hai năm nữa mà cũng không đợi nổi, ngu lắm con ạ”.

Mẹ dẫn tôi đến trường tìm thầy giáo, bà cúi mặt ngồi trước mặt thầy, như một người phụ nữ nhẫn nhục và chịu đựng, bà ngồi trước mặt thầy giáo và bắt đầu vai diễn đầy chuyên nghiệp của mình.

Mẹ tôi hỏi: “Thưa thầy, lẽ nào không thể rộng lòng một chút được sao?”

Thầy giáo trả lời: “Không được, việc này nhà trường đã báo cáo lên sở giáo dục rồi.”

Mẹ tôi năn nỉ hồi lâu cuối cùng cũng nhận ra đã hết cách.

Bà lại hỏi: “Vậy có thể cấp cho cháu nó một tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp được không ạ?”

Thầy giáo hết cả kiên nhẫn tỏ ra bực bội: “Vừa khai giảng được có mấy ngày con trai chị đã đánh thầy giáo, giờ lại còn đòi giấy chứng nhận nữa à? Tôi khuyên chị về giáo dục lại nó cẩn thận, nếu không chẳng mấy mà trở thành kẻ cặn bã của xã hội”.

Mẹ tôi biết xin xỏ cũng vô ích, bà đứng phắt dậy, vung tay tát bốp vào mặt thầy giáo: “Con ông mới là cặn bã của xã hội!”

Cũng vào năm đó, do tình hình làm ăn trong huyện ngày càng khó khăn, bố tôi phải một mình ra ngoài kiếm sống ở lãnh địa mới, ông thường xuyên gửi đồ về cho hai mẹ con tôi. Mỗi lần có người về lại thấy bố tôi ở những nơi nhau nên chúng tôi cũng không biết nhiều về tình hình của bố.

Tôi không còn đi học nữa và bắt đầu lang thang khắp thị trấn, tuy vậy tôi không phải kẻ vô công rồi nghề, dù thế nào chăng nữa tôi cũng có chín năm cộng mấy ngày ngồi trên ghế nhà trường, cũng là phần tử trí thức, những người không biết chữ thường đến nhờ tôi viết thư mà toàn viết không công, chỉ có chú Ba là tốt bụng, mỗi lần nhờ tôi xong đều cho tôi mấy thứ đồ rất hay. Chú ấy cần viết rất nhiều thư, mỗi bức đều cực ngắn, đại loại thế này: “Ông chủ Lý, nếu trong ba ngày mà ông không đem 30 ngàn tới thì con ông sẽ mất mạng.” Hoặc là: “Cô Mai, 10 ngàn mua lại bức ảnh đó là rất rẻ, nếu tôi bán nó cho giới báo chí thì chắc tôi còn kiếm được hơn đấy.”

Chú Sáu cũng hay nhờ tôi viết thư, nhưng chú toàn mang đến một quyển sổ hát, bên trong dán đầy những lời bài hát cắt trên báo, chú ấy cắt từ đống báo phế liệu cô Ba mua về, cô Ba mỗi lần xót của đều nói với chú: “Một chữ bẻ đôi không biết, cắt mấy thứ ấy làm gì cơ chứ!”.

Chú Sáu mang quyển vở đến bảo tôi đọc, nghe đến câu nào tâm đắc chú lại nói với tôi: “Chính câu này đấy, hay lắm, chép lại cho chú.”, thế là tôi lại chép ra: “Nếu có kiếp sau, chúng ta dù chết cũng sẽ luôn ở bên nhau”. Chú Sáu đem mấy tờ giấy này của tôi cho một giáo viên trường dân lập tên là Thuý Hoa.

Năm tôi 19 tuổi thì họ kết hôn, không phải hoàn toàn do công của mấy tờ giấy tôi viết mà nghe nói chú Sáu cùng Thím Hoa vào một đêm thanh vắng đã làm cái chuyện “ăn cơm trước kẻng”. Một lần nữa chân lý làm thật hơn nói suông đã được chứng minh rõ ràng.

Có lúc tôi cũng mắc phải sai lầm, năm ấy tôi viết cho chính mình một bức thư tình vào một đêm trăng không sao, rồi đem thả vào cửa sổ phòng nàng Hương Tú nhà cô Tư, mãi chẳng thấy nàng hồi âm, gặp tôi vẫn như không có chuyện gì.

Mối tình đầu của tôi thất bại như vậy đấy, sau này tôi đã tìm ra nguyên nhân, thường thì thư tôi viết hộ toàn thư nặc danh nên bức thư của chính mình tôi cũng quên không kí tên.

Khi tôi viết thư, mẹ thường ngồi bên nhìn một cách đầy tự hào, có lúc bà nói: “Tiểu Cường nhà ta rất có dáng của một vị giáo sư, có trình độ thế này mai sau có thể vào thành phố làm ăn được”.

Giấc mơ đầu tiên hồi bé của tôi là được làm một thầy giáo mẫu mực, năm lớp hai tôi bị thầy giáo phạt đứng ngoài sân vận động vì nói chuyện với đứa bạn cùng bàn, khi ấy tôi đã thề sau này lớn lên nhất định phải trở thành thầy giáo, mà phải trở thành giáo viên chủ nhiệm lớp con trai thầy giáo tôi, khi ấy tôi sẽ có cơ hội đuổi con thầy ra khỏi lớp.

Mẹ nấu cho tôi món mì trứng vào dịp mừng sinh nhật tôi vừa tròn 20 tuổi, món này làm đơn giản với một túi mì ống mua ở cửa hàng trong thị trấn, hai quả trứng cùng với dầu hào và hành hoa, những lần trước mẹ chỉ cho tôi 1 quả trứng nhưng lần này lại là 2 quả.

Đến chiều, chú Năm tặng tôi một món quà, đó là một cái hộp nhỏ được gói bằng giấy màu, tôi háo hức mở quà, bên trong là một chiếc điện thoại di động. Tôi chỉ mới được nhìn di động trên phim ảnh, giờ đã có một cái của riêng mình, màu hồng xinh xắn, bên trên có dán hình một con mèo, vỏ điện thoại hơi cũ, có lẽ đã dùng qua rồi.

Tôi nhìn chú Năm với chút ngờ vực, chú hơi ngượng ngùng nói: “Hôm qua khi vào thành phố có một cửa hàng mới khai trương, người đông như trảy hội, tao móc trộm được của một cô gái đấy”.

Hóa ra là vậy, nhưng dù thế nào đi nữa nó cũng là một chiếc điện thoại di động, tôi vào phòng, nằm trên giường và rút điện thoại ra chơi. Tôi nghe đi nghe lại những bản nhạc chuông vui tai, càng nghe càng mê tít, bỗng chuông điện thoại kêu làm tôi giật bắn mình, tôi thử nhận điện thoại xem thế nào, phía đầu dây bên kia là giọng một đứa con gái nhẹ nhàng: “Alô”, thấy có người nghe máy, nghe giọng cô ta có vẻ như hơi lo lắng.

Cô ấy hỏi tôi: “Xin hỏi anh là ai vậy? Đây là điện thoại của tôi”.

Tôi trả lời: “Vậy à, tôi mua nó ở cửa hàng điện thoại bên đường”.

Tôi nghe tiếng thở dài thườn thượt phía bên kia, cô ấy nói: “Anh có thể trả lại cho tôi được không, đây là món quà mà bố tôi mua tặng, nó rất quan trọng đối với tôi…”

Quà của bố tặng đúng là rất quan trọng. Nếu tôi làm mất món quà của mẹ tặng, tôi cũng sẽ rất lo lắng và buồn, vì thế tôi nghĩ ngay đến việc bán nó, một vật vừa có giá trị vừa là vật kỷ niệm, nếu đưa ra giá quá thấp chẳng khác nào hạ thấp tình cảm tốt đẹp giữa hai bố con cô ấy, do đó tôi quyết định nâng cao giá bán chiếc điện thoại.
vinhthanh1991 is offline  

Re: Sống như Tiểu Cường
Old 09-03-2010, 18:52  

V.I.P
 
Join Date: 23-05-2009
Posts: 1.010
KL$ (TOP! 14): 6.822
Awarded 81 time(s)
Sent 118 thank(s)
Received 60 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A12 (2006-2009)

Sống như Tiểu Cường - chương 3


Trong thị trấn có nhiều trẻ con lắm nhưng cô Năm và bố cô thích đem tôi theo nhất, vì trình độ diễn xuất của tôi kiếm được số tiền nhiều gấp vài lần những đứa trẻ khác, nhưng mỗi lần trở về thị trấn, họ lại lột sạch tiền của tôi và đưa lại cho bố mẹ tôi một ít.
Tôi trả lời: “Cũng được thôi, nhưng tôi đã mua nó với giá 500 đồng đấy.”
Tôi bắt đầu gợi ý: “Tôi không thể trả không cho cô được, cô phải chuộc lại.” Lúc đầu tôi định đưa ra giá 1.000 tệ nhưng nhìn cái điện thoại cũng cũ rồi nên chắc cao nhất cũng chỉ đáng giá 500 tệ.
“Vậy tôi trả cho anh 500 tệ anh sẽ trả lại điện thoại cho tôi chứ?” Cô ấy nói.
Tôi lại nói: “Nhưng hiện tại tôi không ở trong thành phố, tôi đang ở thị trấn Tam Thủy, nếu bạn muốn lấy lại máy thì tôi phải đến đưa cho bạn, vậy còn tiền phí đi đường thì...”
Cô ta nói luôn: “Tôi sẽ trả.”
“Thế tám trăm được không?”, tôi bắt đầu thăm dò cô ta, cái di động cũ này bán với giá tám trăm cũng đáng lắm chứ.
“Được!” Cô ấy chẳng suy nghĩ gì đồng ý ngay.
Tôi ân hận quá, biết cô ta chấp nhận đề nghị của tôi dễ dàng đến vậy tôi đã đòi cao hơn một chút.
Mẹ tôi đã từng nói: “Làm người không được nhân đạo quá”, tiếc là tôi lại quên lời mẹ dạy, thật đáng hổ thẹn.
Tôi tìm mẹ thương lượng về việc tôi vào thành phố. Ngày bé tôi đã vào đó, nghỉ hè phải vừa học vừa làm. Tôi đi dạo trên phố cùng cô Năm và bố cô, nếu thấy người nào thật thà là chúng tôi lao đến, cô Năm nói: “Anh ơi (chị ơi), chúng tôi vào thành phố tiêu đến đồng xu cuối cùng rồi, đứa trẻ này đã mấy ngày phải nhịn đói, xin anh chị làm ơn làm phúc!”.
Tôi chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhìn họ một cách rụt rè, mồm méo xẹo, làm như sắp khóc, chỉ dùng ánh mắt và vài động tác đơn giản là tôi đã thể hiện một cách hoàn hảo thế giới nội tâm của của một đứa trẻ đã trải qua bao đau thương. Khi tôi làm mọi người rung động bằng ánh mắt đầy thương cảm ấy, thường thì họ chẳng suy nghĩ thêm giây nào nữa mà móc tiền trong túi ra giúi vào tay tôi, có người còn cho tôi đồ đạc của họ như đồng hồ hoặc cái gì đó, và còn thêm thắt vào đó chút nước mắt thương hại nữa chứ.
Tôi nhớ chỉ có một lần duy nhất tôi thất bại đó là khi gặp một người phụ nữ bị cận rất nặng, do không đeo kính nên phải nhìn gần mới thấy và vì thế diễn xuất của tôi bị bại lộ.
Trong thị trấn có nhiều trẻ con lắm nhưng cô Năm và bố cô thích đem tôi theo nhất, vì trình độ diễn xuất của tôi kiếm được số tiền nhiều gấp vài lần những đứa trẻ khác, nhưng mỗi lần trở về thị trấn, họ lại lột sạch tiền của tôi và đưa lại cho bố mẹ tôi một ít.
Tiền thật lạ, để trong người lâu sẽ nảy sinh tình cảm với nó, chính vì tôi không cam lòng đưa hết toàn bộ số tiền kiếm được cho bố con cô Năm, lần nào tôi cũng giấu một ít vào trong quần áo lót, cô Năm và bố cô chẳng bao giờ biết được điều đó.
Lần nào về nhà bố con cô Năm cũng khen tôi nức nở, chỉ vài câu khen ngợi đại loại như: “diễn rất có sức truyền cảm”, hay “đã đạt đến trình độ không cần diễn đạt bằng lời”, thế là mẹ tôi mãn nguyện lắm, vừa xoa tay bà vừa khiêm tốn nói “đâu có, đâu có”, có lúc bà lại tru mỏ lên mà rằng: “Tôi đã nói rồi mà.”
Tôi bảo với mẹ: “Con định vào thành phố một chuyến mẹ ạ!”
Mẹ hơi bất ngờ: “Vào thành phố làm gì vậy?”
Tôi bảo với bà việc tôi định vào thành phố bán lại cái điện thoại cho chủ nhân cũ của nó.
Mẹ nói: “Con đúng là người có lương tâm, chỉ nhận được có chút tiền vậy mà đã đem trả lại, thời buổi hỗn loạn này, sống trong giang hồ kị nhất là lòng khoan dung!”
Rồi mẹ lại thở dài: “Thật ra mẹ cũng giống con, hay nghĩ cho người khác quá, thôi con cứ yên tâm vào thành phố đi, đôi lúc làm chút việc thiện cũng được, nhưng giờ trong thành phố đang là thời gian hoạt động của bọn tội pham hình sự nên môi trường không được an toàn, con phải hết sức cẩn trọng.”
Tôi trả lời mẹ: “Con biết rồi, con định lần này ở lại thành phố một thời gian để đi chơi, tiện thể đi thăm Tứ Mao luôn mẹ ạ”.
Ngành cướp bóc cạnh tranh hết sức khốc liệt, nên lợi nhuận ngày càng nhỏ mà nguy hiểm không ngừng tăng, năm ngoái Tứ Mao cùng mấy chiến hữu vào thành phố hy vọng tìm được công việc gì đó có ý nghĩa một chút. Lần trước chú Năm về cũng mang theo thư của Tứ Mao, trong thư nó mời chúng tôi khi nào có cơ hội vào thành phố chơi.
Chú Năm nói cuộc sống của Tứ Mao và các anh em rất ổn, dạo này làm văn bằng, giấy chứng nhận giả, do nhu cầu của thị trường lớn nên công việc làm ăn rất phát đạt.
Số tôi đúng là may mắn vì vừa hay chú Hai, chú Sáu và chú Chín cùng vào thành phố có công chuyện nên cho tôi đi cùng luôn. Tôi đem theo mấy bộ quần áo rồi ngồi lên xe các chú nhằm hướng thành phố thẳng tiến.
Trên xe có mùi hơi khó chịu vì các chú để rất nhiều thùng sơn, hàng ngày họ bằng mấy thùng sơn đó mà mưu sinh.
Nhưng đừng nghĩ họ là thợ sơn, những ông chú của Tiểu Cường này sao có thể làm mấy việc đơn giản và kém hấp dẫn thế được.
Chú Hai là một “nhà thư pháp”, tuy chú chỉ mới học hết lớp ba và biết chữ không quá 300 từ, vậy mà chú lại là nhà thư pháp hàng đầu đấy. Chú điêu luyện nhất 8 chữ bởi 8 chữ này chú viết thường xuyên. Mọi người đã đọc truyện ông lão bán dầu chưa? Thường xuyên luyện tập một thứ như nhau sẽ dễ dàng đạt đến trình độ điêu luyện.
Chú Hai tôi viết chữ bằng một phong cách độc đáo, chú không dùng bút mà dùng chổi, như vậy chữ mới có khí thế.
Hình như tôi vẫn chưa nói cho mọi người tám chữ đó là gì nhỉ, đó là: “Vẫn, không, trả, tiền, giết, sạch, cả, nhà”.
Chú Sáu là một “họa sĩ”, sở trường của chú ấy là vẽ tranh thủy mặc, sau khi chú Hai đã viết chữ lên tường, chú Sáu sẽ vẩy lên nền đất hoặc cửa nhà những bức tranh thủy mặc bằng sơn đỏ.
“Thư pháp” của chú Hai và “tranh” của chú Sáu được thị trấn Tam Thủy chúng tôi phong là “lưỡng tuyệt thư hoạ”.
Chú Chín còn đáng nể hơn, chú ấy là một kỹ sư chuyên nghành đốt nổ, nếu những cảnh cáo của chú Hai và chú Sáu không có tác dụng, chú Chín sẽ khóa cửa nhà đối tượng lại, chú Sáu phụ trách đổ xăng còn chú Chín phụ trách châm lửa.




tổng cộng có 105 chương nhưng mình đưa 3 chương lên các bạn đọc tạm
vinhthanh1991 is offline  
 

KLNetBB - Member of Kimlien Network
Copyright © 2002-2009 by dcuongtran
Skin designed by Kusanagi - Banner designed by FunkyJan
Powered by vBulletin® Version 3.6.8
Copyright ©2000 - 2016, Jelsoft Enterprises Ltd.