Người (X) xấu xí!
Old 09-03-2009, 09:55  

New Member
 
Join Date: 26-11-2008
Posts: 41
KL$: 405
Awarded 3 time(s)
Sent 7 thank(s)
Received 10 thank(s)
Class: Xfile (2006-2009)

Lấy ý tưởng từ topic của Chiensiquocxa, nhân tiện cũng là mảng mà em khá tâm đặc, tình cờ cũng có nhiều tư liệu liên quan. Sau đây xin đưa ra vài tư liệu tham khảo của tác giả Bách Dương. Mấy cái này đã rất nổi tiếng rồi. Kieuphong tôi chỉ mạo muộn copy rồi mạn phép edit lại chút xíu (phần nhiều là để cho ngắn gọn lại) rồi đưa ra đây cho các bác tham khảo. Có mấy lời mạn đàm thêm:
- Đố các bác (X) trong đây là gì?
- Nếu topic này (trời thương cho) được phát triển, em rất muốn phát triển thành tên topic cụ thể "Người Việt Nam xấu xí". . Người mình còn xấu nhiều quá, phải biết nhìn ra và nhìn thẳng vào những cái xấu xí đó, thì mới có cơ ngẩng mặt lên được. Đấy, ý em là vậy.

Ba câu nói

Lễ phép, lịch sự kiểu người Mỹ, là phiền hà lớn nhất đối với người Trung Hoa mới đến sinh sống ở nước Mỹ. Rảo bước trên đường phố, sượt qua vai người khác, hình như chạm phải, cũng hình như chưa chạm phải, họ vẫn cứ ngại ngần rồi "xin lỗi". Nếu là trận giáp lá cà, da thịt đụng chạm thật sự, thì lời "xin lỗi" của họ càng giống như lời ai điếu vậy. Dù biết là anh cắm đầu cắm cổ mải đi mà va phải giời động phải đất ấy, họ cũng cứ "xin lỗi" anh lia lịa. Tình trạng động một tí là "xin lỗi" thật khó mà đương đầu nổi.

Nhưng ở (X), cảnh tượng thì khác hẳn, một khi hai người va đụng như con rùa rơi xuống tảng đá, cứng lại gặp rắn, thì phản ứng nhanh như chớp, mắt mũi ai nấy đều nứt toác ra, còn biểu diễn nhẩy cao cho mà xem nữa chứ, câu đầu tiên hẳn là: "Mù đấy hả ?". Phường kia lập tức nhẩy cao hơn cãi trả: "Này, tôi không cố tình đâu nhé, anh cũng đụng vào tôi, tôi đã không nói thì thôi, anh la cái gì ?" Ðối phương lại dài giọng ra : "Ðâm phải người ta còn hung hăng cái gì, anh là người có giáo dục không đấy ?" Phường kia cũng dài giọng không kém : "Ðụng vào anh chứ có phạm tội giết người đâu, anh muốn gì, muốn tôi quỳ xuống chắc. Anh bảo tôi đụng vào anh hở, hừm, lạ thật đấy, sao tôi lại không đụng phải người khác, rõ là xô vào người ta trước, còn vu vạ". Câu chuyện phát triển đến nước này, yếu thế một chút thì vừa đi vừa chửi, vừa chửi vừa đi, gọi là khua chiêng rồi thu quân kéo về. Rắn rỏi một chút, thì cho cú đấm thẳng thừng, gọi đâm gọi chém, lập tức xúm đen xúm đỏ, hô hoán ầm ỹ.

Xin các ngài độc giả lưu ý, từ cú va đụng đầu tiên cho đến cảnh cuối cùng tan tác như lợn gà ấy, tôi chưa hề nghe thấy một tiếng "xin lỗi" đâu nhé. Học thuyết uyên thâm - Chết cũng không chịu nhận lỗi được phát huy cao độ và đầy đủ trong màn tiểu phẩm đầu đường xó chợ này. Bởi thế Bách Dương tôi cho rằng đồng bào của chúng ta đã đánh mất khả năng nói lời "xin lỗi", mỗi người (X) cứ như là một vòi phun lửa, chỉ có can trường dốc sức lực để đua tranh. Một trong những đặc trưng của văn minh phương Tây là sự thừa nhận người khác với mình cùng tồn tại như nhau, cùng được tôn trọng như nhau, cho nên họ mới thể hiện sự tôn kính ấy một cách cẩn trọng như vậy. Giẫm phải bàn chân vàng của quý ngài, họ "xin lỗi" là chuyện đương nhiên, nhưng thực tế chưa chắc đã giẫm phải, chẳng qua suýt nữa giẫm phải thôi cũng "xin lỗi". Vô tình ho lên một tiếng, họ "xin lỗi" cũng bình thường thôi, nhưng hắt hơi một cái nhẹ như tiếng muỗi kêu cũng "xin lỗi". Ðang dở câu chuyện buồn đi tiểu "xin lỗi" đã đành, nhưng thấy bếp bị cháy, họ vội đi dập lửa cũng "xin lỗi".

Khách du lịch thường xuyên được nhìn thấy một tiết mục là anh đang chăm chú chụp ảnh, có người vô tình đi ngang qua tầm ngắm, nhất định họ phải "xin lỗi" anh. Mà đa số người phương Tây, một khi thấy anh giơ cao máy ảnh, thì lập tức đứng dừng lại cười ngô nghê như những chàng ngốc, chờ cho đến khi anh bấm nút xong rồi họ mới đi tiếp. Người chụp ảnh nếu là bà con (X) của tôi, thì bệnh tê dại đã thành tập quán, không bao giờ có phản ứng gì. Nếu người chụp hình là những Tây đại nhân, thì họ chẳng chịu nín tiếng đâu, thế nào cũng hắng ra một điệu. Lúc này thì không phải điệu "xin lỗi" nữa, mà là "cảm ơn".
Cảm giác bị đe dọa từ "cảm ơn" và cảm giác bị đe dọa từ "xin lỗi", đối với tôi đều nặng nề như nhau. Trên thế giới sao lại có người chịu phung phí nước bọt cho hai câu nói này đến thế, thật khó mà hiểu nổi. Bách Dương tôi dù rằng tinh thông những mười tám môn võ nghệ, nhưng đến nước Mỹ, muốn chạy trốn khỏi tấm lưới bủa vây của hai câu nói này, thật tình còn khó khăn hơn cả lên trời. Anh càng chạy trốn, họ càng "cảm ơn" anh. Khi lái xe trót tăng tốc hoặc rẽ sang đường không đúng quy định, ông cảnh sát vừa giao biên lai phạt tiền vừa nói "cảm ơn" anh (nếu ở (X)?...). Khi ở Los Angeles, tôi cùng ông vào nhà gửi xe, khi đánh xe ra cổng nộp tiền lấy biên nhận, bạn tôi cũng bật ra một câu "cảm ơn", tôi trách khéo : "Lễ phép không phải lối, ông anh thử không đưa tiền liệu hắn có tha cho nước này không, có gì mà phải cảm ơn ?" Ông ta nghĩ mãi cũng không trả lời được lý do tại sao không đừng được mà phải "cám ơn". Nhưng lần thứ hai đi lấy xe, ông bạn vẫn "cám ơn" như cũ, làm tôi tức chết đi được.

Bách Dương tôi có ấn tượng sâu sắc nhất với câu "cảm ơn" là do vụ "kỳ án cửa lò xo". Mọi khi lão tôi đi qua cánh cửa lò xo, thường là đẩy cửa đi khỏi rồi buông tay bỏ mặc nó. Sang tới nước Mỹ, hồi đầu vẫn như thế. Có bạn nhắc nhở : "Ông ơi, đây là bang mũi lõ, ông đừng đem văn hóa truyền thống năm ngàn năm của (X) nhà ông sang cả bên này, cần phải xem đằng sau có người hay không đã, rồi từ từ buông tay". Ðùa ! Tôi đến Mỹ tham quan du lịch, chứ có phải đến trông coi cửa nẻo cho các người đâu, tôi đi qua cửa lò xo còn nhiều hơn cửa lò xo mà ông nhìn thấy đấy, chẳng nhẽ còn phải mượn ông lên lớp giảng dạy nữa sao ! Cứ như thế một lần, tôi vừa buông tay, cánh cửa bật mạnh ra phía sau, ông già da trắng đứng sau lưng hét lên một tiếng, tôi và ông bạn suýt nữa phải quỳ xuống xin được tha thứ (đáng lẽ tôi định bôi mỡ dưới chân, nhưng oái oăm thay lúc ấy toàn những người rách việc ở đâu mà đổ xô đến lắm thế, tôi không thoát nổi). Rất may cho tôi là ông ta chưa đến mức bị chấn thương sọ não, qua tướng mạo và cách ăn mặc của tôi, chắc ông ta nhầm với một nhân vật quan trọng của bộ lạc ăn thịt người Tân Ghine, nên không dám truy cứu.

Sau chuyện đó bạn tôi lại nhắc nhở : "Ông chưa ăn qua thịt lợn, cũng phải xem qua con lợn nó đi đứng thế nào chứ, học hỏi Tây đại nhân, mới là đạo yêu nước chân chính đấy ông ạ". Ô hô, hóa ra là khi Tây đại nhân bước qua cửa, đều phải dừng chân giữ cánh cửa, chờ đến khi người sau bước vào suôn sẻ, hay có người nối tay đón lấy mới từ từ buông tay mình ra. Không kinh qua sự việc, không lớn nổi trí khôn, không bao lâu lão Bách tôi đã thuộc làu quy luật này. Cũng vì vậy mà không ngừng được nghe các ông Tây bà Ðầm "cám ơn" rối rít, kể ra cũng khoái. Về đến (X), tôi vẫn tiếp tục kiểu sính Tây như vậy. Nhưng không được ba ngày, lại đâu vào đấy, không phải vì tôi thiếu kiên trì, mà là mỗi khi tôi dừng chân xin hầu các vị thì các vị bạn hữu da vàng đứng sau tôi, như bị cứt khô nhét đầy mồm, không có một người nào biết nói "cảm ơn" cả. Thế là tôi rút tay bỏ mặc, cánh cửa đập vào sống hay đập vào chết, kệ mẹ nó. Than ôi, nếu muốn moi một câu "cám ơn" từ lỗ miệng người (X), khéo phải trưng dụng đến chiếc bồ cào của bạn tôi Trư Bát Giới mới xong.

Sự thực câu "cảm ơn" và câu "xin lỗi" ở nước Mỹ đều giống nhau, đều đã trở thành một bộ phận sinh hoạt của người dân nước Mỹ, khiến nó phát triển đến mức tràn lan. Ngay cả đứa trẻ mới tập tọe, khi bà mẹ chùi đít cho nó, cũng biết nói "cám ơn mẹ". Các ngài có xem đoạn phim quay cảnh cướp nhà băng chưa, bọn hung đồ cao to chĩa súng ngắn, đang buộc mụ đứng quầy nhà băng xếp hết tiền bạc, xong rồi ngả mũ "cám ơn" rồi mới tháo lui. Theo ý Bách lão, thà để tràn lan còn hơn, chứ đừng để cứt khô nhồi đến ngạt thở.
Còn phải nhấn mạnh một điều rằng, khẩu ngữ "xin lỗi" và "cảm ơn" đều bật ra đồng thời với nụ cười nở miệng. Cho nên, một câu nói khác được nối đuôi rất hồn nhiên là "Tôi có thể giúp ngài được không) ?" Lão già tôi sống đến từng này tuổi, từ bi bô tập nói đến hùng biện như sấm, câu "xin lỗi" hoặc câu "cảm ơn" dù hiếm hoi như vẩy rồng lông phượng, cũng còn thi thoảng được nghe thấy. Chỉ duy có câu "Tôi có thể giúp ngài không?" thật tình chưa hề nghe ai xuất khẩu bao giờ. Ngày thường, chúng tôi đều được bạn bè đánh xe đưa đón, oai phong lắm, điệu bộ lắm, nhưng có một lần thì đúng như cặp đui mù, tôi và bà lão từ khu trung tâm Wasington đáp tàu điện ngầm đến thị trấn Xuân Ðiền, Xuân Ðiền là ga cuối, phải đi tiếp một đoạn bằng taxi nữa, mới tới được quý phủ của ông bạn mời cơm. Không ngờ xe taxi ở nước Mỹ lại ít ỏi đến mức ít hơn cả số tiền trong túi của Bách lão, ngoài trời lại sẩm tối dần, chúng tôi chạy ngược chạy xuôi quanh khu nhà ga để vẫy xe, thảm hại như hai con chó mất chủ. Một bạn trẻ người Mỹ đi ngang qua, chắc đoán ra sự cố, anh ta đến hỏi chúng tôi có thể cho phép anh ta giúp đỡ được không? Ðúng là ngốc ngếch, còn gì phải hỏi. Thế là anh ta trút bỏ tay nải, ra giữa đường cái, mắt đảo tứ phía, tai ghếch tám phương, cuối cùng cũng chặn được một chiếc xe. Hình như lái xe vội về nhà trước bữa tối, không chịu chở, thấy ông bạn cúi xuống cửa xe nói năng mãi mới vẫy chúng tôi sang. Chờ đến khi tôi tỉnh đòn, muốn hỏi thăm đại danh của vị cứu tinh ấy, thì anh ta đã khuất nẻo đường xa, nếu không có anh ta kịp thời giúp đỡ, vợ chồng tôi khéo phải nằm đất qua đêm ở đó.



------------------------------
喬峰
Họ là tôi
kieuphong1991 is offline  

Re: Người (X) xấu xí!
Old 22-03-2009, 20:39  

New Member
 
Join Date: 26-11-2008
Posts: 41
KL$: 405
Awarded 3 time(s)
Sent 7 thank(s)
Received 10 thank(s)
Class: Xfile (2006-2009)

Mấy hôm nay bận quá không, định viết mấy cái mà không làm được. Nhân tiện đọc được một bài mới trên Dân trí, em copy để bác nào quan tâm thì coi.

Hội thảo về sự "xấu xí" của người Việt
Dù còn nhiều quan điểm bất đồng về nguyên nhân dẫn đến tâm thế, tư duy và lối sống của người Việt hiện nay nhưng hầu hết các học giả đều cho là: người Việt hiện nay… xấu xí.

Ngày 20/3 và 21/3, Viện Triết học Việt Nam đã kết hợp cùng CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức hội thảo “Đặc điểm tư duy và lối sống của người Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế” tại TPHCM. Nhiều học giả về văn hóa và triết học của cả nước đã bàn luận về lối sống người việt hiện nay và phải làm gì để hòa hợp với xã hội hòa nhập trong tương lai.

Thạc sĩ Lê Minh Tiến, Giảng viên ĐH Mở TPHCM, đưa ra hàng loạt lối tư duy xấu xí của người Việt hiện nay như: không hề thấy có lỗi khi đến trễ hay làm việc trễ; xét đoán mọi việc lẫn lộn giữa tình và lý; đùn đẩy trách nhiệm vì xem trách nhiệm tập thể cao hơn trách nhiệm cá nhân; chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến cái lợi lâu dài; thích làm theo hơn là sáng tạo; trọng “danh” và “sĩ”…

Theo ông Tiến, cái gốc của lối tư duy này phát sinh từ lối sống nông nghiệp bao đời nay của người Việt vẫn chưa sửa được, lối sống cộng đồng phát sinh thành tâm lý bầy đàn, “ai sao tui vậy” che mờ đi trách nhiệm cá nhân nên dẫn đến nhiều hệ lụy vì không phù hợp với xã hội công nghiệp hóa hiện nay.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích thì lấy tâm lý của bộ phận công chức ra để chứng minh cho tư duy trọng tập thể, né tránh trách nhiệm cá nhân. Ông cho là mọi cải cách thủ tục hành chính đều vô hiệu nếu người thực hiện (công chức) không có tư duy tốt.

Vì chính tư duy sợ trách nhiệm cá nhân nên họ không tin cả người dân đến làm việc với mình, đòi hòi đầy đủ giấy tờ thủ tục một cách máy móc và khô cứng, thiếu linh động dẫn đến trì trệ và mất thời gian cho người dân. Bởi họ sợ sai một chút gì là mình chịu, dẫn đến việc nước ta cải cách hành chính mười mấy năm qua nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.

Còn Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, một nhà hoạt động xã hội, thì lấy một hình ảnh thực tế để chứng minh cho tư duy “xấu xí” của người Việt. Đó là sự hỗn độn và xô bồ của điểm kẹt xe, ai cũng tranh nhau tiến về phía trước, chẳng ai nhường ai, để rồi ai cũng kẹt lại.

Theo bà, đó là tâm lý cái lợi giành cho mình, cái hại đẩy người khác. Từ việc sợ trách nhiệm cá nhân đã đẩy lên thành một chủ nghĩa cá nhân cực đoan trong lòng người Việt. Sự bất lực của các tổ chức quản lý giao thông chứng tỏ sự bế tắc và thiếu tầm trước một xã hội đang hiện đại hóa và thay đổi từng ngày. Và cũng chính những bon chen, bực bội ấy ngoài đời mà người Việt đem về nhà để trút giận lên người thân, gây tổn thương cho nhau, bạo lực gia đình gia tăng…

Nhiều học giả cho là người Việt cần đổi mới tư duy và lối sống để thích nghi tốt trong thời kỳ hội nhập. GS.TS Tô Duy Hợp cho là: “Thực trạng tư duy của chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cần phải thực hiện đổi mới…”.

Nhưng Thạc sĩ Oanh lại đang lo lắng về sự “đổi mới” quá nhanh theo chiều hướng tiêu cực của giới trẻ. Bà kể, một chuyên gia Việt kiều mới về nước, thấy cảnh giới trẻ ùn ùn đi chơi ngày lễ Valentine đến nỗi kẹt đường phải thốt lên: “Người Việt Nam còn Mỹ hơn cả người Mỹ ở Mỹ”.

Cách ăn mặc hở hang dù trời nắng gắt hay lạnh giá, những ngôn ngữ lạ kỳ và lối sống đua đòi… Đó là sự ngoại lai, tây hóa không chọn lọc. Theo bà, nguyên nhân chính là từ nền giáo dục gia đình và nhà trường yếu kém hiện nay không trang bị cho các em đủ bản lĩnh để thích nghi và phát triển theo chiều hướng tính cực trong xã hội phát triển chóng mặt như hiện nay.

GS Nguyễn Tài Thư cho rằng, lối sống của người Việt hiện nay không đơn thuần là lối sống nông nghiệp, mà trước sự hội nhập của kinh tế đất nước, nó cũng đang đổi mới và hội nhập.

GS Trần Ngọc Thêm cũng cho là mô hình văn hóa Việt Nam đang có cuộc chuyển đổi. Tuy nhiên, sự chuyển đổi ấy hiện nay và tương lai như thế nào, tốt hay xấu, còn tùy thuộc vào ngành giáo dục, văn hóa và cả bộ máy hành chính cũng như gia đình mỗi người.



------------------------------
喬峰
Họ là tôi
kieuphong1991 is offline  

Re: Người (X) xấu xí!
Old 18-01-2010, 20:32  

Member
 
Join Date: 03-11-2009
Posts: 98
KL$: 1.069
Awarded 4 time(s)
Sent 4 thank(s)
Received 4 thank(s)
School: Kim Lien
Class: A6 (2009-2012)

... sao mà buồn thế không biết... !!!



------------------------------
em là em nhất quyết không ký đâu
__sick__ is offline  
 

KLNetBB - Member of Kimlien Network
Copyright © 2002-2009 by dcuongtran
Skin designed by Kusanagi - Banner designed by FunkyJan
Powered by vBulletin® Version 3.6.8
Copyright ©2000 - 2016, Jelsoft Enterprises Ltd.