Go Back   KLNetBB > DIỄN ĐÀN CÁC LĨNH VỰC > Thơ phú - Văn học > Kho Lưu Trữ

 

icon1 Tuyển tập truyện ngắn X-mas♥
Old 25-12-2008, 17:59  

V.I.P
 
Join Date: 14-08-2008
Posts: 1.714
KL$ (TOP! 7): 9.386
Awarded 74 time(s)
Sent 342 thank(s)
Received 245 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A15 (2007-2010)
Location: Neverland

Đó là đêm trước Noel-Mary Maredante

Hai lần Giáng Sinh trước, bố vẫn gọi điện để hỏi tôi muốn quà gì cho ngày lễ. Tôi nói tên của một cuốn sách nhưng ngừng ngay lại và nói: “Không phải, con muốn bố ghi âm cho con cuốn ĐÊM TRƯỚC NOEL”. Bố im lặng một lúc lâu rồi mới nói bằng giọng chắc nịch của mình: “Ồ lạy Chúa, Mary, sao con lại muốn thế chứ? Con đã bốn mươi tuổi rồi!
Tôi ngừng lại, cảm thấy bối rối nhưng cương quyết: “Bố à, con nhớ lúc được bố ẵm hết mấy anh chị em trên ghế trường kỉ và đọc cho chúng con nghe cuốn ĐÊM TRƯỚC NOEL thật là vui. Con vẫn nhố giọng nói khoẻ khoắn của bố, cảm giác bình yên bên cạnh bố và cái cách bố giả giọng nhân vật. Con thật sự muốn bố làm điều đó, vì hiện nay con đang sống cách nhà gần hai ngàn năm trăm dặm và không thể về, vì vậy được có bố ở bên cạnh, con sẽ hạnh phúc lắm!

Bố trả lời với giọng dịu dàng hơn, nhưng vẫn ngạc nhiên: “Ý con là muốn bố kể chuyện giống hệt ngày xưa, với những tiếng chuông, tiếng huýt sáo và những thứ khác nữa?
- Vâng vâng, đúng đấy bố ạ.

Ông lại im lặng một lúc, rồi nói: “Bố sẽ đọc cho con nghe cuốn sách đó”
Tôi nghe rõ ràng có sự quả quyết và chút nhượng bộ trong giọng nói của ông, “Được rồi, bố sẽ gọi lại cho con vào Giáng Sinh”. Chúng tôi nói thương yêu nhau rồi gác máy. Tôi cảm thấy man mác buồn và cố gắng nghĩ xem tại sao. Có thể là tôi đòi hỏi một người đã bảy mươi sáu tuổi làm một việc nhiều chất tình cảm quá, và có thể bố đang nghĩ về một người lớn như tôi mà đòi hỏi chuyện đó thì hơi điên rồ. nhưng cũng có thể không phải vậy. Tôi chỉ biết rằng cứ mỗi lần nói chuyện với bố, tôi cảm thấy giọng bố dần mệt mỏi hơn. Và tôi bắt đầu biết chấp nhận, nhưng không biết vào lúc nào, rồi sẽ đến cái ngày chúng tôi chẳng bao giờ được nghe giọng nói ấy nữa…
Trước đêm Giáng Sinh, một gói quà nhỏ gói giấy nâu được buộc kĩ lưỡng với rất nhiều băng dán và con dấu được gửi tới. Tên và địa chỉ của tôi được viết bởi nét chữ hoa mỹ của bố với những dấu nhấn hơi là lạ. Bên trong là một cuộn băng có tựa đề viết tay: “ĐÓ LÀ ĐÊM TRƯỚC NOEL.

Tôi bỏ cuộn băng vào máy và lắng nghe giọng nói bố vang lên thật to: “Đó là vào một đêmmmm… trước Giáng Sinh khi tất cả những ngôiiiiiii… nhà… “giống y như hồi chúng tôi con nhỏ! Đến đoạn cuối cùng ông nói tiếp, “Và bây giờ bố sẽ đọc cho con nghe truyện CÁI MÁY NHỎ DIỆU KÌ”. Tôi hiểu ý bố khi ông quyết định gửi kèm cho tôi một trong những mẩu chuyện được yêu thích nhất của chúng tôi ngày xưa. Đó cũng là câu chuyện mà chúng tôi đã đọc cho mẹ nghe lúc bà mất vì một căn bệnh ung thư ba năm trước.
Cuộn băng còn tiếp tục với tiếng hát của ca đoàn Mormon Tabenacle trong bài hát “Silent Night”, bài hát yêu thích mà gia đình chúng tôi cũng đã từng hát với nhau trong đêm Giáng Sinh trước khi đi ngủ. Rồi bài “ Oh Come All Ya Faithful”… hết bài này tới bài khác cho đến cuối cuộn băng. Tôi đi ngủ thật ngon trong đêm Giáng Sinh và thầm cám ơn Thượng đế đã mang lại một phép màu nữa cho bố.

Tháng Năm sau đó bố mất thật bất ngờ. Không còn những cú điện thoại vào những ngày Chủ nhật, cũng không còn ai gọi điện hỏi tôi: “Gia đình Gospel thế nào rồi, Mary?” và cũng không còn ai nói “Bố yêu con” nữa. Nhưng giọng nói của ông thì vẫn còn và luôn nhắc nhở tôi rằng, tôi có thể thực hiện được những điều tôi đã quyết, và tôi cũng có thể dùng tình cảm của mình để bao bọc, chở che người khác, ngay cả khi có khó khăn. Đó là sức mạnh của tình yêu.

Giáng Sinh năm nay tôi sang lại cuộn băng của bố và gửi cho các anh chị em của tôi, điều đó làm họ rất bất ngờ. Em gái út của tôi gọi điện đến và nghen ngào nói: “Mary, em mới nhận được cuộn băng. Chị có để ý là bố bảo đó là ngày mười chín tháng Mười hai trong cuốn băng không? Hôm nay đấy. Lúc em mới bỏ cuộn băng vào máy ở phòng khách, thì Holden, đứa con trai hai tuổi rưỡi của em từ nhà bếp chạy ra kêu thật lớn: “Ông ngoại đến, ông ngoại đến!” Có lẽ chị có thể thấy được bố đấy! Mary, nhìn xung quanh xem. Bố đang ở đây đấy!
Tôi nhớ mãi lời nói đó của em tôi.



------------------------------
With a cup of coffee,a book and a pair of green shoes.
Trang is offline  

icon1 Đồng bạc 5 hào
Old 25-12-2008, 18:02  

V.I.P
 
Join Date: 14-08-2008
Posts: 1.714
KL$ (TOP! 7): 9.386
Awarded 74 time(s)
Sent 342 thank(s)
Received 245 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A15 (2007-2010)
Location: Neverland

Đồng bạc 5 hào -Huangau Zhengshư (Nhật Bản)

Ông B là một trong các nhà tiểu thuyết nổi danh đưong thời. Một bài viết của ông tên là “Thần bảo hộ của tôi” không ngờ lại dẫn đến một vụ án khủng khiếp.
Bây giờ, trước hết xin giới thiệu một chút về nội dung bài viết đó.
Đó là đêm lạnh lẽo của mấy năm trước, ông B có chút việc phải lên phố. Nhìn thấy có người xem tướng tay, ông ta bước tới.

Theo lời chỉ dẫn của người xem tướng, ông rút bao tay và xoè bàn tay trái ra. Người xem tướng tay ngạc nhiên nhìn bàn tay ông ta hồi lâu, sau đó nói một thôi một hồi, thao thao bất tuyệt. Cuối cùng, ông B rút ra một Yên. Người xem tướng đưa trả lại đồng bạc 5 hào mà mắt cứ lơ láo đảo quanh, ý tư như muốn bảo ông B hãy rời xa nơi đó cho nhanh thì hơn!
Khi đó ông B đeo khẩu trang, cổ áo khoác dựng đứng lên, người xem tướng chắc chắn không nhìn rõ mặt của ông. Chắc là vì thế mà đưa nhầm đồng bạc đó cho ông. nguyên nhân dẫn tới sự lầm lẫn này là bàn tay trái của ông B có thiếu ngón tay út. Người xem tướng, vào buổi tối hôm đó, có thể đang chờ để trao đổi đồng bạc 5 hào đó cho người nào đó cũng bị thiếu ngón tay út ở bàn tay trái chăng?

Ông B cảm thấy sự tình có chút gì uẩn khúc, khi về tới nhà bèn xem kĩ đồng bạc 5 hào cảm thấy nó nhẹ một chút và tiếng kêu cũng không được bình thường. Ông ta ném đồng tiền xuống đất thì thấy đồng tiền bật nắp ra. Ở phần lõm của đồng tiền có găm mảnh giấy nhỏ, có viết những hàng chữ số latinh.
Ông B xem ngang, xem dọc, đoán rằng, những chữ số đó là mật mã. Ông chắc rằng sẽ có một ngày nào đó cần dùng tới đồng tiền này nên cẩn thận cất đi. Người Nhật Bản có tập tục mê tín là kẻ trộm mà lấy đồ vật ai đó bỏ quên thì tức là họ gặp được vận may. Thế là ông B, xem đồng bạc như “thần bảo hộ” vậy, giấu đi. Ở Nhật Bản thần bảo hộ là thần may mắn, hạnh phúc. Chính vì thế, ông B đã đem cuộc gặp kì lạ của mình viết tất cả ra, dưới đề bài là “Thần bảo hộ của tôi” (chỉ có lược đi những con số cụ thể ghi trên tờ giấy để chỉ mật mã), đăng trên tờ tạp chí “Bắc cực quang”.

Tạp chí xuất bản được một tuần thì có một người khách lạ tới thăm ông B, tự xưng là S, biên tập viên tiểu thuyết của tạp chí nọ, tới mời viết bài cho tạp chí. Ông B có quan hệ thân thiết với tờ tạp chí mà S nói, biết ngay S là kẻ giả danh, nhưng lờ đi như không biết chỉ từ chối nói khéo là đang quá bận, chưa thể có bài ngay.

- Thôi cũng được, - S nói nghe rất hợp tình, hợp lí - gần đây ngài viết bài đăng trên tạp chí “Bắc cực quang”, tôi đọc cảm thấy tuyệt quá, cho nên tới đặt vài ngài viết cho tạp chí chúng tôi, Giờ ngài đang bận thì về sau ngài nhất viết cho chúng tôi. Ha haha… Trong bài viết có nói tới đồng bạc. Đó là thật, hay là hư cấu?
- Đương nhiên là thật- Ông B nói rồi, lấy đồng bạc 5 hào từ trong ngăn kéo ra: - Tôi viết là về đồng bạc này!
- Đồng bạc này quả nhiên là không giống như các đồng bạc khác. Có thể cho tôi xem một chút được không?
- Được!

Ông B đưa đồng bạc cho anh ta, nói tiếp:
- Ngửa mặt đồng bạc lên, cậy sang bên phải là có thể mở nắp ra.
- Ủa! Đồng bạc này tuy là đồ giả mà chế tạo tinh xảo quá, vượt rất xa giá trị của bản thân nó! - S mở đồng bạc ra, nói - Tờ giấy ở bên trong có viết mật mã hay không? Tôi có học qua chút kiến thức về mật mã, có cần giúp ngài dịch ra không? Chưa chừng tôi có thể phát hiện ra thứ gì có giá trị đấy!
- Không! - Ông B thu đồng bạc lại, thuận tay cất luôn vào ngăn kéo bàn sách:
- Đó là mật mã, chẳng ai nhìn thấy. Có thể phiên dịch ra cũng tốt, nhưng chỉ sợ sau đó gây phiền phức cho người khác, tệ hơn là tạo nên chuyện gì không hay!
- Đúng! Đúng! Ngài nói rất đúng! - S luôn mồm xin lỗi - Tôi vô duyên quá, xin lỗi Ngài!
- Không có gì! Không sao!

Hai người sau đó còn trò chuyện lan man một lúc rồi S chào cáo từ, ra đi.
Lúc đó, bé A vẫn ngồi yên theo dõi cuộc nói chuyện, mới hỏi:
- Thưa chú, xét cho cùng thì người này tới đây làm gì? Phải chăng là tới xem đồng bạc chứ đặt bài chỉ là mượn cớ thôi!
Ông B mỉm cười nói:
- Chúc cũng nghĩ thế. Cháu có chú ý không đấy? Anh ta đi bao tay suốt. Điều đó có ý nghĩa gì nào, cháu có nghĩ ra không?
- Đó là… - Bé A ôm lấy đầu, suy nghĩ rất lung, rồi bỗng vui mừng như Christop Columb tìm ra lục địa mới, nói - Lẽ nào anh ta cũng khuyết ngón tay út bàn tay trái?
- Đúng! Đúng thế! Chủ nhân của đồng bạc này phải là chính anh ta!
- Thế thì chú cháu ta nên làm gì? Có cần báo cho cảnh sát? - Bé A lộ rõ vẻ căng thẳng.
- Không cần! - Ông B nói rất khẽ khàng - Chú là nhà viết tiểu thuyết trinh thám, lẽ nào không được như những cảnh sát còn it kinh nghiệm sao? Chú viết bài viết là cốt “dẫn rắn bò ra khỏi hang”, Chú cháu ta chuẩn bị một chút đi. Trong vòng mất ngày, vào ban đêm, tên S hoặc ai đó nhất định sẽ tới ăn trộm đồng bạc ở nhà chúng ta!
Ông B đã đoán như thần. Ngay trong đêm đó, tên S không nán đợi được, đã hành động ngay. Đương nhiên chú cháu nhà đó chẳng hề làm gì để tên trộm kinh sợ. Họ chỉ nấp trong bóng tối mà quan sát. Tên S. dò dẫm tới ngăn kéo bàn viết, mò mò tìm đồng bạc, hắn kiểm tra lại một lượt rồi bỏ đồng bạc vào túi, sau đó theo đường đã vào mà rút lui.
Khi hắn từ nóc nhà nhảy xuống, đứng chưa vững, thì một bóng đen xông ra từ phòng bên trái nhằm hắn xỉa luôn một nhát dao.

- A! Một tiếng rú hãi hùng rú lên. Đầu tên S bị cắt phăng, như không xương! Bóng đen, nhanh như con khỉ, soát xét lấy gì trên người tên S., rồi chạy biến đi mất, như làn khói!
Ông B nhìn thấy có án mạng, lúc đó mới gọi điện thoại báo cảnh sát.
Cảnh sát trưởng Đ. tới. Ông B đem chuyện xảy ra giới thiệu khái quát những điều chính:
- Những điều đó tất thảy do tôi mà dẫn đến. Do đó tôi có nghĩa vụ, không thể chối từ là giúp các ông phá án. Có điều, hiên giờ chưa thể để ầm ĩ lên, nếu không, kế hoạch của tôi trở thành công cốc mất!

Phá án là việc của cảnh sát mà một nhà viết tiểu thuyết lại thò gậy vào, lại nhận kẻ đứng ra làm chủ sự việc, Điều này làm cho cảnh sát trưởng Đ không vui vẻ gì. Song, trước sự việc xảy ra, cảnh sát trường cũng bằng lòng theo yêu cầu của ông B.
Thế là, mọi việc tiến hành theo cách sắp xếp của ông B. Ngày hôm sau, các báo ở địa phương đều đăng mẩu tin thế này: “Tối hôm qua, một người đàn ông lạ mặt bị sát hại ở gần nhà của nhà viết tiểu thuyết B. Vụ án chưa rõ manh mối, khiến cảnh sát đau đầu!”.
Mẩu tin đó là để mê hoặc hung thủ, nếu không hắn ta sẽ dừng ngay hoạt động. Tiếp đó lại cần biết rõ về thân phận kẻ bị giết. Hắn ta chẳng phải là S, mà là T, em trai của tên chuyên cướp đá quí, tên là H. Tên H đã bị bắt, rồi ốm chết trong tù. Trước khi bị bắt, hắn đã thuê nhà của người xem tướng tay.

- Đúng! - Ông B phân tích - Trước khi tên H bị bắt, hắn nôn nóng muốn nói với đứa em việc gì nên viết mật mã, giấu vào đồng bạc được chế tạo đặc biệt, nhờ người xem tướng tay chuyển cho em hắn.
- Thế tên H muốn bảo tên T điều gì? - Bé A hỏi
- Nó nói cho em hắn biết đá quí để ở đâu! - Ông B nói.
- Chú ơi, bây giờ chúng ta làm gì? - Bé A hỏi.
- Chúng ta cần tới Sở cảnh sát điều tra xem trong những năm gần đây có nhà ai bị cướp mất châu ngọc quí giá mà tới nay chưa phá được án- Ông B nói.
Vừa lúc đó có một cô gái, tên là L, đi tới nhà họ. Cô L năm nay mới 18 tuổi, gia đình vốn phong lưu, sung túc, song những năm gần đây lại trở nên nghèo túng. Nhà cô ở gần đấy, và cô là người đọc nhiệt tình các tiểu thuyết của ông B, vẫn thường tới thăm ông.
Có điểu hôm nay nhìn thần sắc cô có vẻ không bình thường.
- Làm sao vậy, cô L? - Ông B hỏi - Hôm nay cô không được khoẻ sao?
- Không ạ. Cháu chỉ muốn được bác giúp cho một lời khuyên.
- Có chuyện gì xảy ra vậy? Cô đừng vội, cứ từ từ kể nhé!
Cô L dần dần bình tĩnh, kể:
- Là thế này ạ. Hôm qua có một ông già tới hỏi nhà cháu có bán chiếc tủ lớn đựng quần áo hay không. Nếu có bán thì ông ta xin mua. Cháu thấy ông ta là lạ thế nào, không để ý tới ông ta. Ông ta nấn ná mãi hàng giờ, trước lúc ra đi còn nói ngày mai lại tới. Thật đáng sợ quá!

- Người đó hình dạng thế nào? - Ông B hỏi.
- Ông ta quãng 60 tuổi, cháu có lẽ đã nhìn thấy ở đâu rồi mà chưa nghĩ ra. Cô L nói.
Ông B trầm tư suy nghĩ một lúc, nói:
- Là ông lão xem tướng tay chăng?
- Có lẽ thế - Cô L trả lời
- Hừm! Đúng rồi! - Bỗng ông B hỏi to - Cô L, nhà cô đã bao giờ bị mất đồ vật thuộc loại đá quí chưa?
- Có mất rồi ạ - Cô L tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi - Thưa bác, làm sao bác biết? Đó là việc xảy ra 8 năm trước đây. Buổi tối một ngày, cha cháu chiêu đãi rất đông khách, tổ chức cả vũ hội. Trong vũ hội, chiếc ghim kim cương, đeo trước ngực mẹ cháu không cánh mà bay mất. Mọi người đều ái ngại, song cho tới lúc tan hội, vẫn chẳng tìm thấy chiếc ghim quí đó. Mẹ cháu thường nói là nếu có nó, sinh hoạt của gia đình cháu nhất định sẽ sung túc rất nhiều.
Nghe cô L kể, ông B mừng lắm, nói:
- Ha ha…! Xem ra cá đã cắn câu!
Rồi ông dặn dò cô L phải làm những gì, những gì.
- Cám ơn bác! - Cô L vui mừng ra về.
Sau đó, ông B gọi điên thoại cho cảnh sát trường Đ yêu cầu chuẩn bị tốt để bắt hung thủ.
Ngày hôm sau, ông già hỏi mua tủ đựng quần áo lại tới nhà cô L, quấn lấy cô ta. Do đã được ông B dặn dò từ trước cách ứng xử, cô L hết sức chối từ, nói rằng dù có nghèo đến mấy cũng không bán tủ.

Ông già vừa đi khỏi, cô L vội vàng tìm ông B.
Vừa rồi, ông B nấp ở nơi gần nhà cô L, đã nhận ra ông già đích thực là người xem tướng tay đã đưa nhầm cho ông đồng bạc 5 hào đó. Cho nên ông B nói với cô L:
- Cô L, nói không chừng đêm nay ông già đó sẽ tới nhà cô ăn trộm đấy!
- Thật sao? Thế thì phải làm thế nào ạ? - Cô L rất hoang mang.
- Chẳng phải việc làm cô lo lắng. Tôi đã sắp đặt xong cả rồi. Chỉ cần gia đình cô tắt đèn sớm một chút, bình tĩnh đi ngủ là được. Nhưng gia đình đừng ngủ, chẳng hề gì, chớ có làm cho kẻ trộm sợ mà chạy mất. Hiểu chưa nào?
- Vâng! - Cô L gật đầu.
Sự việc xảy ra đúng như dự đoán của ông B mà tiến triển. Vào lúc khuya khoắt hôm đó, có một bóng đen mò vào nhà cô L.
Bóng đen trấn tĩnh một lát, quan sát xung quanh, sau đó bật đèn pin tiến tới bên chiếc tủ to đựng quần áo.
Bóng đen kéo ngăn kéo tủ ra thì cảnh sát trưởng Đ từ chỗ tối phía sau nhảy ra, đánh ngã ngửa bóng đen ra, nhanh chóng còng tay hắn.
Khi đó, cô L lập tức bật công tắc đèn điện, làm căn phòng sáng trưng lên.
- Hắn ta là ai? Hắn lại ăn trộm cái gì? - Cảnh sát trưởng Đ chưa hiểu chân tướng sự thật ra sao, cảm thấy kì lạ hỏi.
- Hắn là người xem tướng tay- Ông B giải thích - Hắn ta tới để lấy chiếc ghim gắn kim cương!

Rồi ông B cười, bảo người xem tướng tay:
- Thưa ngài, lâu lắm không gặp, ngài quên tôi ròi sao? Có phải ông đã nhầm xem tôi là tên T, nên giao cho tối đồng bạc 5 hào, phải không nào?
Người xem tướng tay đó “a” lên một tiếng, căm hờn nhìn ông B, nghiến răng kèn kẹt, không nói năng gì.
- Ôi! Mi chính là người cho tên H. thuê nhà à? - Cảnh sát trưởng Đ cũng đã nhận ra hết sức ngạc nhiên.
- Thế là người giết tên T, em của tên H cũng chính là hắn ta! Soát túi áo của hắn có thể lấy đồng bạc 5 hào ấy! - Ông B nói.
Cảnh sát trưởng Đ, quả nhiên soát thấy trong túi áo tên đó có đồng bạc 5 hào đặc biệt.
Lúc này người xem tướng tay chỉ còn cách cung khai thật. hắn vốn chỉ là người đưa truyền tin cho anh em tên T và tên H. Về sâu long tham lam của hắn không kìm lại được bèn giết chết tên T, mong một mình nuốt lấy chiếc ghim kim cương quí giá.
- Cô L sao còn đứng như thế? Mau đi lấy chiếc ghim kim cương đi thôi nào. Ông B nói to - Kim bị kẻ trộm ăn trộm 8 năm trước đây vẫn còn trong nhà này. Nó đã giấu ở trong chân bên phải của chiếc đàn dương cầm!
- Thật sao? - Cô L quì xuống chỗ chân bên phải chiếc đàn dương cầm, sờ sờ đoá hoa khắc trên chân đàn, bống thấy cánh hoa rung rung, dùng tay khẽ đỡ ra thì thấy một miếng gỗ rời ra. Cô ta lấy được một vật nhỏ từ trong hốc ấy. Đó chính là một chiếc ghim nạm kim cương, toả sáng long lanh, thật thích mắt.
Vốn là khi tên H ăn trộm được rồi, sợ luỵ thân lúc bị lục soát, nên giấu ở đó, đợi sau này tim dịp tới cướp mang đi. Không ngờ chưa kịp hành động thì tên H bị bắt.
Cô L vui mừng đưa chiếc ghim kim cương cho mọi người xem, nước mắt vui mừng rơi lã chã.
Người xem tướng tay thấy lạ lùng lắm, nói bô bô:
- Lẽ nào tôi phiên dịch mật mã sai?

- Đâu có sai! - Ông B trả lời, cười hà hà - Thưa ngài xem tướng, ngài chỉ mắc lừa tôi một tí thôi! ha ha…! Để tôi nói thật cho ngài biết nhé! Cái đêm hôm tên T tới ăn trộm thì đúng là đồng bạc 5 hào ở đó thật, nhưng tờ mật mã thì tôi đã tráo thay từ sớm rồi. Kỳ thực là tôi đã giải mật mã đó từ năm xưa rồi. Thế nhưng chỉ biết chiếc kim cương giấu ở chân đàn thì có tác dụng gì, còn phải biết là đàn của nhà ai nữa chứ! Tôi nghĩ rằng chỉ có chủ nhân của chiếc đồng bạc là biết điều đó nên mới nghĩ ra cách viết ra bài viết này, và nhấn mạnh rằng câu chuyện không hề hư cấu, để dẫn dụ tên cướp tới nhà mình mà bắt, từ đó tìm ra chiếc đàn đó. Thật cám ơn ngài đã chỉ đường vẽ lối cho tôi và làm cho gia đình cô L trở lại sống sung túc. Về điểm này mà nói thì ngài là kẻ có công lao thật to tát đó…

- Chú ơi, thế mật mã giả thì chú viết thế nàọ ạ! - Bé A hỏi chen vài.
- Viết thế này: “Kim cương để ở khe ngăn kéo bên phải của chiếc tủ to đựng quần sao”- Ông B nói vẻ đắc ý - Tôi nghĩ, nhà nào có đàn dương cầm thì nhất định có tủ quần áo nên viết liều câu đó. Đâu ngờ ngài xem tướng lại cho là thật! Ha ha!
Sau đó ông B lại nói với cô L:
- Cô gái! Cô chẳng mất công không khi đọc nhiệt tâm các tiểu thuyết của tôi, phải không nào? Bác xin đền đáp cháu bằng chiếc ghim kim cương đó nhé! ha ha…! Nhân gian là bao la, nhưng mà cũng lại là rất nhỏ hẹp! 8 năm rồi tôi tìm chiếc dương cầm, đâu ngờ lại ở chính nhà của cháu!
- Bác ơi, cháu làm sao tạ ơn bác được đây!
Nói xong cô L chạy tới ôm lấy ông B cảm ơn rối rít. Khi cảnh sát trưởng Đ dãn người xem tướng đi, ông B bỗng nhớ ra điều gì, vội nói:
- Vị cảnh sát trưởng, còn đồng bạc 5 hào, xin đưa lại cho tôi.
- Còn dùng nó để làm gì vậy? - Cảnh sát trưởng ngạc nhiên, nói.
- Nó có thể làm “thần bảo hộ” cho tôi mà! - Ông B vui tươi, nói -Tôi muốn mãi giữ nó!
(Theo nguyên tác cùng tên của Huangau Zhengshư- Nhật Bản)



------------------------------
With a cup of coffee,a book and a pair of green shoes.

1 Thank(s) WCnu Thanks Trang For 9 KL$: Truyện này đọc như conan ý nhỉ
Trang is offline  

icon1 Re: Tuyển tập truyện ngắn X-mas♥
Old 25-12-2008, 18:06  

V.I.P
 
Join Date: 14-08-2008
Posts: 1.714
KL$ (TOP! 7): 9.386
Awarded 74 time(s)
Sent 342 thank(s)
Received 245 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A15 (2007-2010)
Location: Neverland

Đồng đô la bất hạnh-Khuyết Danh

Tôi gọi điện cho Heisen Kin-chơ xem ông ta có phải định đi vào thành phố không.
- Có, sẽ đi! - Ông ta trả lời tôi với một giọng khô khan, lạnh lùng.
- Tôi có việc cần phải giải quyết ngoài ấy, - tôi trả lời và tỏ ý cho ông ta biết là tôi sẽ rất thích nếu được đi cùng xe với ông ta.
- Được, ta có thể đi cùng.
Tôi biết Heisen Kin-chơ sẽ chẳng bao giờ đồng ý đi với bất kỳ ai ở quanh đây và chịu chấp nhận một điều gì tương tự như thế.
- Mười phút nữa tôi sẽ có mặt ở chỗ anh.
Tôi vội vàng mặc quần áo và chạy tới nhà ông ta. Mùa đông năm nay, ở chỗ chúng tôi lạnh khủng khiếp. Từ cửa sổ của nhà tôi có thể nhìn rõ cái vịnh lớn của con sông đóng băng trải dài mười ba dặm, từ phía Nam lên phía Bắc. Mọi người có thể đi xe trượt trên mặt sông đã đóng băng tới những đảo xa. Ô tô đuổi nhau trên con đường trước kia tàu thuỷ vẫn chạy. Tuyết trắng phủ kín hai bờ sông. Chỉ có màu sáng của cây cối nổi bật trên nền trắng của một miền tuyết phủ.
Như tôi đã nói, xung quanh đây có lẽ chẳng ai được Heisen cho đi nhờ xe bao giờ. Thậm chí trên thế giới này cũng chẳng có ai bao giờ được hưởng một cử chỉ thân thiện của ông ta. Đó là một người keo kiệt và cô độc hiếm có. Loại người như ông ta có lẽ chẳng bao giờ có chỗ đứng trong một xã hội công bằng.
Nhưng Heisen Kin-chơ không những sống đầy đủ, mà cũng có thể nói, ông ta chết đuối trong sự giàu có của mình. Cũng chính vì thế mà tôi muốn biết rõ hơn về ông ta. Ông ta có một sức hấp dẫn kỳ lạ, một sức mạnh đặc trưng cho những người dũng cảm đi trên dây qua sông Ni-a-ga-ra hay nhào lộn trên không. Những người mà ngắm nhìn họ, chúng ta thấy sợ hãi đến tim ngừng cả đập, chúng ta lo sợ cho cuộc sống của họ và không muốn nhìn thấy họ rơi xuống, chết. Đôi khi tôi có cảm tưởng là Heisen đoán biết được những ý nghĩ của tôi về ông ta. Chẳng rõ bằng cách nào, ông ta trông có vẻ chân thành một cách trơ tráo, có lẽ quan hệ của tôi với ông ta là đã làm ông phấn khởi chăng? Tôi cho rằng tôi là người duy nhất trên thế giới này được ông ta tin như thế.
***
Lúc tôi đến, đứa con trai nhở của ông ta ngồi trên sàn. Người vợ chuẩn bị nước giải khát bằng sữa, trứng và rượu Rum. Khi chúng tôi uống xong, Heisen quỳ xuống trước mặt đứa con. Trong mắt đứa bé toát lên cái gì đó có vẻ căm thù. Đó là một đứa bé tàn tật. Hàng xóm vẫn bàn tán thà rằng nó chết đi thì có lẽ đỡ khổ hơn. Nhưng Heisen yêu con một cách đặc biệt. Ông ta âu yếm bế con trên tay. Thằng bé chỉ trợn tròn đôi mắt, nhìn, rồi khóc ré lên khi người mẹ tiến đến gần.
- Cút đi! Cô đừng có quấy rầy chúng tôi…
Người vợ lùi lại và Heisen chỉ tay vào đứa con, nói một cách huênh hoang:
- Một thằng bé tuyệt diệu, phải không?
Chẳng có ai trả lời ông ta. Heisen gầm gừ cái gì nghe không rõ trong cổ họng và chơi với con một lúc nữa. Sau đó ông ta đặt con xuống sàn nhà và ra lệnh cho vợ:
- Cô trông lấy nó!
Người vợ gật đầu một cách sợ hãi, đôi mắt lộ rõ nỗi đau khổ và khuất phục. Chẳng thèm chia tay vợ, ông ta đi ra khỏi bếp. Tôi theo Heisen ra ngoài. Chúng tôi ngồi vào xe trượt và lấy chăn trùm lên người. Phía trước chúng tôi là chặng đường khá dài, những sáu dặm trên tuyết. Cơn bão tuyết lại gần. Heisen lập tức hiểu ngay tôi nghĩ gì khi thấy tôi nhìn ông ta.
- Bão tuyết tôi cũng không sợ! - Ônh ta nói khẽ và nhếch mép cười.
Tôi biết rõ rằng chả mấy chốc bão tuyết sẽ đuổi kịp chúng tôi. Tiếng rạn nứt lạo xạo của mặt tuyết đã đóng băng đổ dài theo vó ngựa. Xe trượt lướt trên mặt băng phát ra những âm thanh kỳ quặc. Chúng tôi đi vòng quanh hàng rào rồi hướng về phía phía thung lũng đằng xa. Chúng tôi dừng lại trước cửa ngôi nhà cũ của Rây-boóc cho ngựa nghỉ hơi. Ngôi nhà đã lâu không có người ở, cửa khoá chặt. Những cánh cửa sổ được giữ chặt bằng các thanh gỗ đóng đinh chắn ngang.
- Đó là một gia đình xấu xa, bỉ ổi và ngu ngốc, - Heisen nói gầm gừ, giơ roi ngựa chỉ vào ngôi nhà.
Con trai cả của gia đình Rây-boóc thì tôi biết. Đó là một con người tuyệt diệu. Một lần vào mùa thu, anh ta thu hoạch táo chẳng may bị ngã từ trên cây xuống chết. Vợ anh ta muốn làm ăn tiếp tục nhưng đã không cẩn thận vay tiền của Heisen. Nhờ thế mà ông ta chiếm được cả trang trại này. Tất nhiên đấy không phải là trường hợp tội lỗi duy nhất của Heisen.
Gió đã bắt đầu rít lên. Trên đường xuất hiện thêm nhiều đống tuyết bị đóng băng. Khi đi qua một đống tuyết to, lên đến đỉnh thì chiếc xe bị nghiêng và cả hai chúng tôi ngã xuống. Con ngựa sợ hãi hí lên, nhưng Heisen vẫn cầm chắc dây cương. Chúng tôi rũ tuyết, kéo xe trượt từ trong đống tuyết ra, thắng ngựa, rồi tiếp tục lên đường. Gió rét nổi lên mạnh hơn nữa. Mặt trời lúc nãy còn chiếu, giờ đã bị mây đen che kín.
Trước khi đi tiếp, Heisen tiến lại gần con ngựa. Thông thương khi giận dữ người ta đánh hay mắng con vật. Nhưng Heisen thì khác hẳn. Ông ta nắm chặt hai tai con ngựa xoáy mạnh làm cho con vật đáng thương oằn cả người và cúi đầu sát tận đất. Đặc biệt ông ta không hề nói một câu nào.
Con ngựa vùng vằng giận dữ. Lúc này Heisen mới lấy roi quất vào đầu gối con vật. Sau đó ông ta túm lấy tai ngựa vặn và nói:
- Bây giờ chắc mày sẽ không đi nhầm đường nữa chứ!
Nói xong ông ta lên ngồi cạnh tôi. Tôi im lặng. Tôi có thể can thiệp, nhưng có gì đấy nhắc tôi không nên dính vào. Con ngựa đi có vẻ khập khiễng, nhưng Heisen thúc nó đi không thương tiếc. Càng bị thúc, ngựa càng đi chậm, nên khi chúng tôi tới được văn phòng của Hay-sen thì tuyết đã rơi phủ kín mọi nơi.
Tôi chia tay với Heisen trên bậc thềm rồi đi vào phố giải quyết việc riêng. Đi một quãng xa tôi thấy Heisen nói to:
- Ba giờ quay lại đây nhé!
Tôi gật đầu, tuy biết rằng ngày hôm nay chúng tôi không thể quay trở về được. Giải quyết xong mọi việc, tôi đi đến chuồng ngựa của nhà trọ xem tình hình con ngựa. Má chảy ri rỉ từ chỗ sưng phồng ở đầu gối nó. Bên ngoài, bão tuyết nổi lên càng mạnh hơn. Chủ nhà trọ nhổ nước bọt và nói:
- Chân ngựa sưng to lắm. Ngày hôm nay chắc chắn các anh không về nổi đâu.
- Tôi biết thế, - tôi trả lời.
- Đồ man rợ, - chủ nhà trọ chửi đổng, nhưng tôi biết là ông ta ám chỉ Heisen.
Trước ba giờ, tôi đã có mặt ở văn phòng của Heisen. Đó là một căn phòng sát mái, tối tăm và lạnh lẽo. Ở vào địa vị như thế, Heisen thừa khả năng có một địa điểm xứng đáng hơn. Khói từ lò sưởi bốc lên mù mịt đến khó thở. Trong phòng chẳng có gì để thông gió. Đồ đạc trong phòng chỉ có một cái bàn, hai cái ghế tựa và một cái két sắt chắc chắn đứng ở góc nhà. Heisen tin rằng cất tiền ở đây là chắc chắn, còn tôi thì nghĩ chỉ cần tuốc-nơ-vít thông thường cũng mở được.
Tôi gặp Heisen ở bậc thềm. Nhận ra tôi, ông ta cau có vẻ khó chịu:
- Tôi đi gọi điện thoại một tý. Đường nghe đâu không thể đi nổi.
Heisen không có điện thoại trong phòng. Mỗi khi cần, ông ta lại xuống nhờ máy của cửa hiệu ở tầng mặt đất. Ông ta giữ thói quen đó và chẳng bao giờ chịu thay đổi.
- Tôi sẽ đợi trong văn phòng. - Tôi trả lời Heisen.
- Ừ.
Vừa bước vào phòng, tôi vội đến che miệng lò sưởi và tìm cách thông gió. Nhưng chiếc cửa sổ duy nhất đã được đóng chặt bằng đinh. Một lúc sau Heisen quay lại…
- Quỷ tha ma bắt những đống tuyết ấy đi! - Heisen nói với giọng bực tức. - Đường dây không liên lạc được.
- Đường dây nào?
- Điện thoại. Tới trại…
- Anh muốn báo tin rằng…
- Rằng ngày hôm nay tôi không trở về nhà được. Anh sẽ ngủ lại khách sạn.
- Còn anh thì không ư?
- Tôi ngủ ở đây. - Ông ta cắt ngang.
Tôi nhìn lại căn phòng một lần nữa. Giường thì không có, chỉ có hai chiếc ghế tựa. Heisen đoán được ý nghĩ của tôi.
- Tôi vẫn thường ngủ ở đây, tất nhiên là trên sàn!
Quan tâm đến suy nghĩ bên trong của Heisen, tôi hỏi:
- Anh định báo cho vợ anh biết là anh không về chứ gì?
- Ồ, đời nào! Tôi muốn hỏi xem sức khoẻ thằng bé ra sao…
Có tiếng chân bước thận trọng lên cầu thang. Heisen theo dõi và căng mắt nhìn ra cửa. Người đi lên dừng lại trong hành lang tối, chắc là đang tìm nắm đấm cửa.
Cánh cửa bỗng mở, và Đin Mác-say bước vào. Nhà của ông ta nằm bên cạnh trại của Heisen. Đin sống với vợ và năm đứa con trong một ngôi nhà nhỏ được ngăn cách với chuồng ngựa bằng một hàng rào gỗ. Gia đình ông ta nghèo và sống vô cùng vất vả, mặc dầu phải làm việc từ sáng đến tối. Đin gầy như cò hương, cổ dài ngoằng, hai gò má nhô cao, bộ ria phủ kín cả môi trên. Ông ta có đôi mắt chân thành, thật thà nhưng mệt mỏi.
Đin dừng lại trước cửa, hai mắt nhấp nháy, từ từ cởi chiếc khăn quàng cổ đã rách ra. Hai tay đi găng vẫn để nguyên.
- Vào nhanh lên! Anh nghĩ tôi có lò sưởi ở đây để sưởi ấm cho cả thành phố chăng?
Đin đập đập gót chân vào nhau và đóng cửa lại.
- Xin chào ông Kin-chơ, - ông ta cười gượng gạo và sợ hãi nhìn chủ trại.
- Anh muốn gì? - Heisen hỏi, không thèm chào lại. - Anh muốn trả tiền lãi hả?
- Vâng, thưa ông Kin-chơ. Nhưng bây giờ tôi không thể trả hết được.
- Lại vẫn bài hát quen thuộc! Thế thì bao nhiêu? - Heisen hỏi một cách giận dữ.
- Mười một đô la và năm mươi xu…
- Anh nợ hai mươi cơ mà!
- Tôi sẽ trả nốt khi nào gà nhà đẻ trứng.
Heisen phá lên cười mỉa mai:
- À, thế là quá kéo dài. Nếu như trang trại của anh đáng giá vài đồng tiền rách thì tôi đã tống cổ anh ra khỏi đó từ lâu rồi, thằng đểu cáng ạ.
- Xin ông rủ lòng thương, ông Kin-chơ. Tôi sẽ trả đến đồng xu cuối cùng.
Heisen đặt tay xuống mặt bàn:
- Đồ nói dối! Nào hãy đặt lên bàn xem có bao nhiêu. Cuối tháng này là anh phải trả hết nợ!
Mác-say tiếng lên gần bàn. Tôi ngồi cạnh lò sưởi. Đôi mắt cận thị của Mác-say nhìn Heisen rồi nhìn tôi. Dễ thấy là ông ta toàn thân lạnh cóng. Ông ta tháo găng tay, và lúc đó tôi nhìn thấy rõ đôi bàn tay sần sùi tím ngắt. Đặt găng lên bàn. Mác-say rút từ túi chiếc áo khoác rách ra cái túi nhỏ đựng thuốc lá. Lắc lắc trong túi, Mác-say móc tiền ra. Ông ta vừa đặt hai đồng năm mươi xu lên vàn là Heisen lập tức vồ ngay lấy.
Từ trong túi rơi ra một cái gì đấy. Chắc chắn là tờ giấy bạc. Tôi muốn nhắc cho Mác-say biết thì Heisen đã dùng lòng bàn tay che lại rồi từ từ kéo về phía mình. Khi Heisen nhấc tay lên thì tờ giấy bạc cũng không còn ở đấy nữa.
Mác-say móc những tờ giấy bạc cũ nát còn lại đưa cho Heisen. Heisen tính rất nhanh:
- Mười một đô la và năm mươi xu, đúng rồi. Đợi tý, tôi sẽ viết giấy chứng nhận cho anh. Đừng quên là anh phải trả hết nợ cuối tháng đấy nhé…
Mác-say thẫn thờ nhìn Heisen viết giấy chứng nhận. Cất túi thuốc lá vào túi áo khoác, Mác-say đứng chờ. Heisen xé đôi tờ giấy đưa cho con nợ một nửa.
- Cám ơn ông! - Mác-say khẽ nói.
Heisen gật đầu:
- Đừng có quên đấy nhé!
- Tôi sẽ cố gắng, thưa ông Kin-chơ.
Mác-say quay người đi ra.
- Anh ta đánh rơi cái gì trong túi ra vậy? - tôi hỏi.
- Một đô la. Thằng ngốc, nó mất một đô la…
- Anh có trả lại cho anh ta không?
Heisen cười ngất:
- Sao? Của cải của mình mà không biết giữ gìn, tôi phải trả lại cho nó ấy à? Nó sống khổ như vậy là vì thế…
- Nhưng đồng đô la ấy là của anh ta!
- Hắn nợ tôi nhiều hơn thế nhiều.
- Thế cũng được, nhưng anh sẽ ghi thêm một đô la vào số tiền trả rồi.
- Thế anh cho tôi là thằng ngu à?
- Anh ta có thể buộc anh vào tội ăn trộm, - tôi nói mặc dù biết sẽ chẳng làm cho Heisen nao núng. Tôi thấy rõ tôi đã đem lại niềm vui cho Heisen khi tôi tỏ ý kinh tởm về ông ta.
- Nếu như hắn không là thằng ngốc thì hắn đã không trả tám mươi đô la tiền lãi hàng năm vì nợ bốn trăm đô la. - Heisen trả lời với giọng kẻ chiến thắng.
Tôi tò mò không hiểu anh ta có quay lại không khi biết mất tiền.
- Ngoài ra, hắn còn nói dối tôi nữa. Hắn nói có mười một đô la và năm mươi xu thôi mà. - Hây sen tiếp tục.
Sau đó Heisen cúi xuống viết cái gì đó trên bàn. Tôi vẫn ngồi chăm chú theo dõi. Bỗng tôi nghe tiếng chân trên cầu thang.
Mác-say bước vội vào phòng với nét mặt hốt hoảng. Ông ta chăm chú nhìn lên sàn, nhìn tôi, nhìn lên bàn rồi nhìn Heisen.
- Tôi đánh mất một đô la, - ông ta nói - Chắc chắn là tôi đánh rơi nó trong phòng này.
Heisen cau mặt:
- Rõ ràng anh chỉ có mười đô la và năm mươi xu.
- Đó không phải là đồng đô la của tôi…
- Anh nghĩ là tôi tin anh à? Ai có thể đưa cho anh một đô la? Có nghĩa là lúc nãy anh lừa dối tôi?
- Không phải tiền của tôi, - Mác-say nhắc lại. - Tôi phải mua thuốc hộ người khác.
- Thế anh nghi cho tôi ăn cắp của anh phải không?
Mác-say buông thõng tay một cách bất lực.
- Không, không, làm sao tôi dám nghi như thế được. - Mác-say nhìn quanh phòng một lần nữa rồi lắp bắp: Có thể là tôi đánh mất ở chỗ khác…
Mác-say quay người và cúi đầu ủ rũ đi ra. Heisen nhìn tôi, nở nụ cười đắc thắng.
- Anh đã thấy chưa? - ông ta nói.
Tôi rời khỏi văn phòng đi về khách sạn. Dọc đường tôi ghé qua hiệu thuốc mua một ít thuốc ngủ. Mác-say đang đứng cạnh quầy nói chuyện với người bán thuốc.
Bỗng tôi nghe thấy tiếng người bán hàng trả lời:
- Tôi không thể giúp anh được đâu, Mác-say ạ. Bao nhiêu lần anh không trả tiền tôi rồi…
- Biết làm thế nào bây giờ khi anh không tin tôi, - Mác-say buồn rầu nói rồi bỏ đi.
Nằm mãi trong khách sạn, tôi không tài nào ngủ được. Tôi luôn nghĩ đến Heisen.
Sáng ngày thứ ba, bão tuyết đã tan. Tôi gặp Heisen ở bưu điện.
- Chúng ta đi chứ? - Ông ta nói.
- Có đi nổi không?
- Chắc chắn là có! - ông ta trả lời và cười vui vẻ.
- Tại sao anh lại vội vã như vậy?
- Chẳng saoi cả, tôi nhớ thằng bé quá!
Khi chúng tôi lên đường thì con ngựa vẫn còn khập khiễng. Nhưng đi được chừng hai ba dậm, nó bắt đầu phi nước đại. Như mọi lần, sau cơn bão tuyết, mặt trời chiếu sáng. Ánh nắng chiếu xuống nền tuyết trắng xoá phản chiếu lại chói chang. Cành cây, hàng rào, đường dây điện… Tất cả đều phủ một lớp tuyết mỏng. Rừng thông dưới thung lũng xanh thẳm…
Dọc đường, Heisen kể nhiều về đứa con. Còn tôi chỉ im lặng.
Khi dừng lại trước nhà, Heisen vui vẻ mời tôi:
- Nào, chúng ta hãy vào nhà làm miếng gì cho ấm người đã. Để xem chàng công tử của tôi đang làm gì.
Tôi theo Heisen vào nhà.
Mùa đông, bếp của Heisen cũng là nhà ăn và phòng ngủ, vì ông ta rất tiết kiệm củi đốt trong lò sưởi. Bước vào nhà, tôi thấy vợ Heisen từ giường nhỏm dậy. Tôi không thể nhận ra cô ấy nữa. Trông cô ta thiểu não, rõ rượi, đau khổ.
- Chúng ta đã ở nhà. Con đâu? - Heisen nói giọng oang oang.
Bà vợ nhìn chồng và bỗng đôi môi rung rung. Chị mở miệng nhấp nháy và không ra lời rồi lại mím môi lại. Cố gắng lắm, mãi sau chị mới nói được:
- Con… chết rồi…
Trong bếp, sự sống như ngừng lại. Tôi nhìn lên thân hình thấp lùn của Heisen, lúc này tôi có cảm giác là ông ta còn lùn thêm nữa. Mặt ông ta xám ngắt như người chết. Chỉ có các thớ thịt trên má khẽ động đậy.
- Con đâu? - Heisen hỏi với giọng người cúm.
Người vợ nhìn lên giường. Heisen nhìn theo vợ. Bước mấy bước loạng choạng, tới gần giường, chúng tôi nhìn thấy thân hình co quắp của đứa bé. Chắc cô ấy nằm ôm sưởi ấm cho thằng bé cho tới tận lúc chúng tôi về. Chiếc giường ngổn ngang chăn gối nhàu nát, chứng tỏ cô ấy đã trải qua một tấn thảm kịch lớn.
Heisen ngắm nhìn con nhưng không động vào người nó. Ông ta giận dữ nhìn vợ.
- Em đã làm tất cả những gì em có thể…
- Cô đã làm những gì? - Ông ta hỏi.
- Con bị ho, - người vợ lời. - Em biết là con bị sưng phổi. Anh còn nhớ… em đã bảo anh mua thuốc cho con, nhưng anh nói là không cần, rồi con sẽ khỏi…
Người vợ tiến tới cửa sổ.
- Em đã nhờ vợ Mác-say giúp đỡ. Cách đây không lâu con chị ấy cũng bị sưng phổi. Chồng chị ấy có việc phải đi vào thành phố. Chị ấy hứa là sẽ mua hộ thuốc. Em không dám nói là cho con chúng ta, vì như thế chắc họ sẽ mua hộ. Em có đưa cho chị ấy một đô la. Ngày hôm qua Mác-say trở về. Lúc đó tình hình của con đã rất nguy kịch. Em tới ngay nhà họ hỏi thuốc, Mác-say chỉ nhìn em rồi nói là không có.
Người vợ im lặng một chút rồi nói tiếp:
- Khi Mác-say trở về cũng còn chưa muộn lắm nhưng sau đó thì không còn kịp nữa rồi…
Trông Heisen như hoá đá. Ông ta đờ đẫn nhìn căn phòng, sau đó dần dần hồi tỉnh lại. Chắc là ông ta cảm thấy mối liên quan gì đó.
- Tại sao hắn không mang thuốc về? - Heisen hỏi thầm.
- Bác sỹ không muốn bán chịu cho anh ta.
Nét mặt của Heisen trở nên nhúm nhó, hai tay giơ lên, Heisen hét to:
- Còn tiền? Chuyện gì đã xảy ra đồng đô la?
- Mác-say nói rằng anh ta… đánh mất… trong phòng của anh…
Lão keo kiệt loạng choạng ngã dựa vào bức tường. Da ông ta trông như da ngỗng, và trên mặt ông ta in rõ những nét nhăn nhó kinh khủng. Ông ta mở to mồm và rú lên khủng khiếp.



------------------------------
With a cup of coffee,a book and a pair of green shoes.
Trang is offline  

icon1 Đổi quà
Old 25-12-2008, 18:08  

V.I.P
 
Join Date: 14-08-2008
Posts: 1.714
KL$ (TOP! 7): 9.386
Awarded 74 time(s)
Sent 342 thank(s)
Received 245 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A15 (2007-2010)
Location: Neverland

Đổi quà
Diane Rayner
Niềm tin là tin những gì không thấy và rồi
niềm tin sẽ cho thấy những gì đã tin
Thánh Augustinô
Tôi lớn lên với một niềm tin rằng những chuyện kỳ diệu và tuyệt vời thường xảy ra trong ngày lễ Giáng Sinh, khi những nhà thông thái từ phương Đông đến, khi gia súc thì thầm với nhau trong chuồng vào lúc nửa đêm, và khi ánh sáng từ ngôi sao lạ trên bầu trời cao báo hiệu Con Thiên Chúa đã sinh xuống trần. Giáng Sinh trong tôi lúc nào cũng là một dịp reo mừng, vui hưởng hạnh phúc, và chưa bao giờ tôi hạnh phúc cho bằng lễ Giáng Sinh năm đó, năm mà đứa con trai của tôi, Mẫn, vừa tròn tám tuổi.
Đó cũng là năm mà mẹ con tôi dọn vào căn nhà xe (trailer) ở vùng đồi núi ngoại ô Redmond, tiểu bang Washington. Vào những ngày gần lễ Giáng Sinh, chúng tôi không mấy háo hức lắm; mặc dù không phải vì cơn mưa giông kéo dài mấy ngày gây sình lầy đường sá và làm sàn nhà chúng tôi ướt đẫm bùn. Từ đầu tháng 12, Mẫn trông vui tươi hẳn ra, và có vẻ bận rộn nhất nhà. Nó là con út của tôi, một thằng bé vui tính, mẫn tiệp và thân thiện với mái tóc vàng hoe. Mẫn có tật khi nghe ai nói cứ nghiêng nghiêng cái đầu về một bên trông như con chó nhỏ. Đúng ra là vì Mẫn bị điếc bên tai trái nên phải nghiêng đầu để nghe cho rõ nhưng chẳng bao giờ thấy nó mở miệng than phiền về khiếm khuyết bẩm sinh đó cả.
Tôi để ý đến nó cả mấy tuần nay. Tôi biết chắc là Mẫn đang giấu tôi một điều gì đó. Tôi nhận thấy nó siêng năng dọn giường chiếu, đổ rác, hăng hái phụ dọn bàn ăn với các anh chị. Nó âm thầm để dành tiền ăn quà, cất giữ cẩn thận. Tôi không hiểu nó đang toan tính chuyện gì nhưng tôi biết rõ một điều là chuyện nó đang toan tính chắc chắn phải liên quan đến Kha.
Kha là bạn của Mẫn và chúng nó rất thân nhau từ đầu mùa xuân. Chúng thân nhau đến nỗi nếu gọi tên một đứa, cả hai đều lên tiếng. Thế giới của chúng nằm gọn trong cánh đồng cỏ có con suối nhỏ róc rách chảy ngang, nơi mà chúng mải mê bắt ếch nhái, nơi mà chúng cứ tưởng tượng là một ngày nào đó sẽ tìm thấy một mẩu tên đã rỉ sét hoặc đào được một kho tàng của bọn cướp đã chôn dấu lâu năm. Cũng là nơi chúng thường rong chơi suốt buổi trưa, ngồi tựa gốc cây vung tay ném những hạt đậu cho bầy sóc nâu nhỏ.
Cuộc sống của mẹ con tôi trong thời gian đó vất vả, và chúng tôi cố gắng bước đi từng ngày. Lương lãnh ra từ hãng gói thịt chỉ đủ tạm cho mẹ con chúng tôi có những bữa cơm thanh đạm. Nhưng so ra vẫn tương đối sung túc hơn gia đình của Kha. Gia đình Kha rất nghèo, và bà mẹ thật chật vật mới nuôi đủ từng ấy miệng ăn, chưa kể quần áo, sách vở cho con cái. Bù lại gia đình vẫn giữ được nề nếp cổ truyền. Riêng mẹ Kha rất tự hào về nếp sống thanh bạch, đôi khi pha chút tự ái qua những luật lệ bà đặt ra cho con cái.
Tôi cố kiếm cho được một cây thông nhỏ dựng ở góc nhà, trang hoàng đèn đóm khiến căn nhà trông ấm cúng hẳn ra. Mẫn và Kha đôi khi phụ giúp tôi làm món bánh ngọt hoặc đan những rổ nho nhỏ để treo lên cây thông. Nhưng chỉ thoáng một chốc là chúng lại chay bay ra khỏi nhà, chui qua dãy hàng rào truyền điện, ngăn chia căn nhà tồi tàn của chúng tôi và nhà của Kha, và băng mình vào cánh đồng cỏ non xanh rì.
Vài đêm trước lễ Giáng Sinh, tôi đang bận rộn với những món bánh ngọt pha quế, Mẫn nói với tôi bằng một giọng vui tươi pha chút hãnh diện:
- Mẹ xem này, con mới mua cho Kha món quà Giáng Sinh. Mẹ muốn biết là cái gì không?
Ồ! Hoá ra nó để dành tiền là để mua quà cho Kha, tôi nghĩ thầm. Mẫn tiếp tục:
- Đây là món quà mà Kha mong ước từ lâu rồi.
Chùi vội tay vào cái khăn, Mẫn trịnh trọng lôi trong túi ra một hộp nhỏ. Tôi mở hé nắp hộp và thấy một cái la bàn bỏ túi, cái la bàn mà Mẫn đã nhịn ăn vặt trong nhiều tuần, để dành tiền mới đủ mua cho Kha. Chúng nó rất cần một cái la bàn như vậy để định phương hướng khi đi sâu vào khu rừng nhỏ phía sau nhà.
- Món quà thật dễ thương, con ạ!
Vừa nói xong, tôi cảm thấy một cái gì không ổn vì tôi biết mẹ Kha rất nghĩ ngợi về sự nghèo túng của gia đình họ. Trong nhà đã không dám nói đến vấn đề quà cáp cho con cái vào dịp lễ thì làm sao Kha có thể trao đổi quà với Mẫn khi nó nhận được cái la bàn. Tôi tin chắc rằng mẹ Kha sẽ không cho phép nó nhận món quà Giáng Sinh từ Mẫn, vì Kha sẽ không có gì để đổi lại. Tôi nhẹ nhàng giải thích cho Mẫn về vấn đề đó và thằng bé tỏ ra rất hiểu biết.
- Con biết, mẹ ạ! Nhưng con đã có cách. Nếu Kha không biết ai tặng quà thì mẹ nó sẽ cho nó giữ cái la bàn.
Tôi không biết phải trả lời sao với con tôi. Tôi thật sự không biết phải nói thế nào với nó.
Một ngày trước lễ Giáng Sinh, bầu trời âm u, lạnh lẽo và mưa tầm tã. Trong căn nhà nhỏ hẹp, mẹ con tôi ngồi chống cằm buồn buồn nhìn bầu trời u ám ngoài kia và không tránh được tiếng thở dài ảo não. Nhưng bốn mẹ con tôi cũng sửa soạn lại phòng khách, dựng lại cây thông có bóng đèn điện nhấp nháy cho ngay ngắn, và chuẩn bị bữa cơm chiều để chờ đón thân nhân hoặc bè bạn có thể ghé thăm.
Đêm xuống. Mưa vẫn rơi. Đứng ở bồn rửa bát, qua lớp cửa kiếng mờ hơi sương, tôi nhìn mông vào bóng đêm và lòng cảm thấy buồn bã lạ thường. Sao lại có thể mưa vào đêm áp lễ Giáng Sinh được? Mấy nhà thông thái phương Đông có thể rong ruổi trên lưng ngựa đến viếng Chúa Hài Đồng vào đêm mưa gió như thế này không? Tôi nghĩ là không! Theo tôi, những chuyện kỳ diệu và tuyệt vời chỉ xảy ra vào những đêm quang đãng, những đêm trong sáng để có thể thấy ngôi sao lạ trên bầu trời.
Khi xoay người lại nhìn nồi thịt heo hầm và khay bánh nướng trong lò, tôi thấy Mẫn mở cửa biến mình vào màn đêm. Thằng bé chỉ khoác vội chiếc áo mưa, bên trong phong phanh một bộ đồ ngủ và nó nắm chặt hộp quà trong tay. Mẫn băng qua cánh đồng cỏ sũng nước, trườn mình qua dãy hàng rào điện và tiến dần về phía nhà Kha. Căn nhà Kha kia rồi, Mẫn nhủ thầm. Nó nhón chân đi thật nhẹ đến trước cửa, nín thở mở cánh cửa lưới, đặt nhẹ hộp quà ngay ngưỡng cửa, rồi nhấn mạnh chuông.
Và nhanh như một con sóc, Mẫn quay người, chạy phăng xuống những bậc thềm, cúi đầu, cắm cổ chạy biến vào màn đêm để không ai thấy nó. Bằng bất cứ giá nào Mẫn phải chạy khỏi khu đồng cỏ nhà Kha để không một ai biết nó lảng vảng trước nhà thằng bạn. Trong đầu óc của nó chỉ còn tiếng thúc dục chạy, chạy nhanh lên… Mẫn mải miết chạy băng qua cánh đồng và thình lình nó đâm người vào dãy hàng rào điện.
Cường độ dòng điện đủ mạnh đẩy Mẫn bật ngược về phía sau, ghim cắm thân hình nó xuống mặt đất. Mẫn nằm chết cứng trên thảm cỏ ướt. Cả người Mẫn run lẩy bẩy và nó đang ôm lấy ngực, cong người để cố hớp lấy chút dưỡng khí. Nằm chết rũ một lúc khá lâu, Mẫn mới gắng gượng ngồi dậy, khuôn mặt nó vẫn còn tái mét vì sợ hãi, cố chống tay đứng lên và chậm chạp lê bước chân yếu ớt đi về nhà.
- Mẫn! - chúng tôi la lên và đâm bổ về phía cửa. “Sao vậy con?” Môi thằng bé run tái vì lạnh, đôi mắt thất thần nhìn chúng tôi mãi lúc sau mới thốt lên lời:
- Con quên mất hàng rào điện. Nó giật con mạnh quá!
Tôi ôm vội lấy thằng út người đầy những bùn. Tội nghiệp con tôi! Người nó vẫn còn run rẩy và tôi thấy rõ một vệt đỏ cháy phỏng chạy từ miệng ra đến tận mang tai. Tôi lấy ngay thuốc mỡ xoa lên vết thương rồi pha cho Mẫn một ly ca-cao nóng. Uống xong ly sữa ca-cao, Mẫn lấy lại vẻ vui tươi thường ngày. Khi ủ Mẫn vào giường ngủ, thằng bé nhìn tôi và nói:
- Mẹ ơi! Kha không thấy con đâu! Con tin chắc là nó chẳng thấy con!
Buổi tối hôm áp lễ Giáng Sinh đó, tôi buồn phiền đi vào giấc ngủ và chán nản tự hỏi tại sao một tai nạn quái ác như thế lại có thể xảy ra cho một thằng bé hết lòng vì bạn, tìm cách san sẻ niềm vui Giáng Sinh đến cho người khác kém may mắn hơn nó, làm theo đúng như lời Chúa đã dạy - làm phúc không cho tay trái biết. Cả đêm tôi nằm trằn trọc với nhiều ý nghĩ. Trong tôi đã nhuốm lên một chút tuyệt vọng về ý nghĩa truyền thống của ngày lễ Giáng Sinh: lễ an hoà, lễ tình thương. Những ý nghĩa tươi đẹp đó đang chết trong hồn tôi và tôi cũng mất hẳn niềm tin về một ngày lễ kỳ diệu, tuyệt vời nhất của đời người.
Nhưng tôi đã lầm.
Buổi sáng hôm sau, mưa tạnh hẳn và ánh nắng chiếu rọi chan hoà trên muôn vật. Vết cháy phỏng trên khuôn mặt Mẫn vẫn còn rõ nét nhưng tôi biết chắc là không còn nguy hiểm nữa. Chúng tôi mở quà và không ngờ Kha đang đứng trước cửa nhà, gõ cửa. Nó nhanh nhẩu khoe với Mẫn cái la bàn và kể lại câu chuyện bí ẩn tối hôm qua khi nó nghe tiếng ai bấm chuông và chạy ra mở cửa. Rõ ràng là Kha không thể nào ngờ Mẫn là người tặng quà vào tối hôm trước và trong khi Kha liến thoắng kể chuyện, Mẫn chỉ mỉm cười.
Và tôi để ý thấy khi hai thằng bé khoe quà với nhau - gật đầu, ra hiệu, chuyện trò, Mẫn không còn nghiêng đầu về một bên nữa. Lúc Kha nói chuyện, hình như Mẫn đang nghe bằng tai trái, bên tai bị điếc. Vài tuần sau, cô y tá ở trường báo cho tôi một chuyện mà tôi đã biết trước là Mẫn đã nghe rõ bằng cả hai tai.
Làm thế nào mà Mẫn nghe được bên tai trái vẫn là điều bí ẩn. Các bác sĩ cho rằng, khi Mẫn bị điện giật, cường độ của dòng điện đã khai thông hệ thống thính giác bị tắc nghẽn. Có thể lắm chứ! Nhưng cho dù giải thích thế nào đi nữa, tôi chỉ biết cảm tạ Thiên Chúa đã trao đổi quà và tặng cho con tôi một món quà Giáng Sinh vô giá vào đêm hôm đó.
Các bạn thấy không, những chuyện kỳ diệu và tuyệt vời vẫn tiếp tục xảy ra vào đêm Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Và người ta cũng không cần một đêm trong sáng để bước theo ngôi sao lạ trên bầu trời.
“An Exchange of Gifts”
Hải Ngữ chuyển dịch



------------------------------
With a cup of coffee,a book and a pair of green shoes.
Trang is offline  

Re: Tuyển tập truyện ngắn X-mas♥
Old 25-12-2008, 19:33  

V.I.P
 
Join Date: 06-09-2007
Posts: 1.050
KL$: 1.328
Awarded 63 time(s)
Sent 102 thank(s)
Received 59 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A16 (2006-2009)
Location: Sở thú - Chuồng dê

Em ơi, edit lại chút đi, chữ nhỏ đọc đau mắt quá



------------------------------

Hãy khám phá: Trang web chính thức của KDC
www.kimliendsclub.info
WCnu is offline  

Re: Tuyển tập truyện ngắn X-mas♥
Old 25-12-2008, 23:45  

V.I.P
 
Join Date: 14-08-2008
Posts: 1.714
KL$ (TOP! 7): 9.386
Awarded 74 time(s)
Sent 342 thank(s)
Received 245 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A15 (2007-2010)
Location: Neverland

Quote:
Originally Posted by WCnu View Post
Em ơi, edit lại chút đi, chữ nhỏ đọc đau mắt quá
Cỡ chữ to thế đc chưa ah . Để mọi người dễ đọc. Sorry em post hơi vội nên chưa chỉnh cỡ chữ^^



------------------------------
With a cup of coffee,a book and a pair of green shoes.
Trang is offline  
 

KLNetBB - Member of Kimlien Network
Copyright © 2002-2009 by dcuongtran
Skin designed by Kusanagi - Banner designed by FunkyJan
Powered by vBulletin® Version 3.6.8
Copyright ©2000 - 2016, Jelsoft Enterprises Ltd.