Go Back   KLNetBB > DIỄN ĐÀN CÁC LĨNH VỰC > Thơ phú - Văn học

 

icon1 20 năm ngày mất Xuân Quỳnh
Old 27-08-2008, 22:19  

Manager
 
Join Date: 03-05-2007
Posts: 1.217
KL$ (TOP! 3): 14.166
Awarded 94 time(s)
Sent 119 thank(s)
Received 214 thank(s)
School: School of Rock
Class: A3 (2004-2007)
Location: Nirvana

(TT&VH) - 29/8/1988- 29/8/2008. Dấu gạch nối giữa 2 con số này không đơn thuần là khoảng thời gian 20 năm. Với người thân và bè bạn của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, đó là một chuỗi ngày dằng dặc để vượt qua nỗi đau - khi cặp vợ chồng tài hoa bạc mệnh ấy không còn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng, chắc chắn có một điều sẽ không thể thay đổi và ngày càng dày mãi cùng thời gian. Đó là ký ức của họ về Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, trong lần gặp mặt cuối cùng.
Như một nén nhang tưởng nhớ 20 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh, TT&VH đã gặp người thân và bạn bè của họ, để ghi lại những ký ức ấy...



Kỳ 1: Ngày định mệnh!


Theo lời nhà văn Hà Đình Cẩn, người nán lại cuối cùng tại nghĩa trang Văn Điển sau lễ mai táng gia đình Lưu Quang Vũ là một ông già. Ông đứng đó, giữa ba nấm mồ phủ vong hoa tang, dáng gầy khô, đôi mắt trũng sâu, bàng hoàng và thăm thẳm buồn. Nhiều người thấy ông đã đến viếng hương hồn gia đình nghệ tài năng này tại 51 Trần Hưng Đạo từ sáng sớm 31/8/1988 với bó nhang trên tay. Rồi ông lẫn giữa mọi người, cả ngày lầm lì rồi lầm lũi xuống nghĩa trang, đứng kia, hai tay vái lên trời, xin được tạ tội.

Ông già đó là bố của người lái xe chở than đã gây ra tai họa vào chiều 29/8/1988.
Chuyện xảy ra tại đầu cầu Phú Lương (Hải Dương) vào khoảng 15 giờ chiều. Chiếc xe com măng ca chở gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và họa sĩ Doãn Châu đang trên đường về Hà Nội. Xuống dốc, xe đi chậm, phía trước là một chiếc xe Kamaz. Đúng vào thời điểm chiếc Kamaz ấy dừng lại, một chiếc xe ben chở than từ đỉnh dốc lao xuống đã mất phanh, đâm sầm vào đuôi chiếc xe com măng ca, đẩy nó vào gầm xe phía trước.


Gia đình Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và các con (chụp năm 1986)

Chừng nửa tiếng sau tai nạn, Lưu Quang Vũ qua đời tại bệnh viện Hải Dương. Câu hỏi cuối cùng của anh: Mí (Lưu Quỳnh Thơ) có sao không? Rồi thiếp đi vĩnh viễn. Nhà viết kịch tài năng ấy mãi mãi không biết rằng trái tim của nhà thơ Xuân Quỳnh và cháu Mí đã ngừng đập từ trước đó. Họa sĩ Doãn Châu, khi kể lại câu chuyện ấy, vẫn ngậm ngùi: Hình như số phận đã sẵn lòng ghen ghét, đố kỵ với tài hoa nên cả 6 người cùng ngồi trên một xe, cùng một khoảnh khắc nghiệt ngã. Vậy mà Vũ, Quỳnh, cháu Mí thì đã vĩnh viễn bị cướp đi…

Tin dữ đến với những người thân

Năm 1988, nhà báo Lưu Minh Vũ (Đài THVN), con trai của tác giả Lưu Quang Vũ, đang là sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Sân khấu điện ảnh. Anh sống cùng cả 3 người trên chuyến xe oan nghiệt ấy tại căn hộ trong tập thể 96 Phố Huế. "Nhà thơ Xuân Quỳnh không phải là mẹ ruột, nhưng thương tôi chẳng khác gì Quỳnh Thơ. Tôi vẫn gọi là má Quỳnh" - Vũ kể - "Ngày 29, tin dữ báo về, tôi đang ở nhà một cậu bạn trên phố Trần Nhân Tông. Phương tiện liên lạc khi ấy chưa có, người thân đi khắp phố Trần Nhân Tông để tìm tôi mà không được. Cuối buổi chiều, tôi từ nhà bạn ra về. Qua cửa Viện mắt Trung ương là nhà của cô Kim Oanh, diễn viên kịch. Cô Oanh hớt hải chạy ra: Bố có sao không, Vũ?".


Nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Tuấn Anh (chụp năm 1969).


Vũ ngừng lại, cố nén sự xúc động vào lòng. Rồi anh kể: Tôi loáng thoáng hiểu rằng có chuyện chẳng lành, nên co cẳng chạy thật nhanh về nhà. Dọc đường về, rất nhiều người quay sang nhìn tôi. Thoảng bên tai là những lời gọi: "Về mau Minh Vũ ơi"; "Con trai ông Vũ đấy, nó về đây rồi".

Tới nhà thì biết tin. Từ phút ấy, tôi sa vào một cơn mê khủng khiếp. Mụ mị, đờ đẫn, gần như không còn ý thức được nhiều về những gì đang xảy ra xung quanh. Tôi nằng nặc đòi lên xe cùng về Hải Dương. Mọi người giữ lại. Được một lát, người của cơ quan bố qua nhà, bảo tôi tìm quần áo để thay cho bố, má và em. Bà nội tôi khi ấy đang ở trong Sài Gòn. Người nhà giấu, chỉ dám báo tin rằng má Quỳnh bị ốm, bà phải ra sớm. Qua điện thoại, bà bảo cho gặp thằng Vũ, thằng Mí một chút. Ở nhà phải nói là 2 bố con chăm mẹ mệt, đi nghỉ rồi. Sợ bà không chịu đựng nổi, gia đình phải nhờ người khéo giữ bà lại, để khi đáp máy bay ra thì đám tang đã xong rồi...

Giới sân khấu bàng hoàng

16h 15, tin dữ từ Hải Dương bay về 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở của Hội Nghệ sĩ sân khấu - nơi Lưu Quang Vũ làm việc. Tất cả lặng đi. Họ lập tức đổ về Hải Dương. Thi hài của cả gia đình Lưu Quang Vũ được đưa vào bệnh viện Việt Đức rồi vào Việt Xô. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Đình Quang, các nhà văn Xuân Trình, Ngô Thảo trực tiếp nâng giấc cặp vợ chồng tài hoa yểu mệnh vào bệnh viện hữu nghị Viêt Xô.

Nhớ lại ngày ấy, NSND Phạm Thị Thành kể: "Tôi chỉ biết tin Vũ và Châu bị tai nạn, chứ không rõ gì hơn. Chạy vội tới nhà Châu, anh em đã ở đấy cả rồi. Biết tin Vũ mất, tôi ngất đi. Tỉnh lại, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đưa tôi vào Việt Đức. Gặp Vũ nằm trên băng ca, tôi lại xỉu đi lần nữa. Xung quanh, anh em trong giới đều nước mắt ròng ròng. Bây giờ, trong đầu tôi vẫn mơ hồ tiếng gào của nghệ sĩ Đoàn Dũng khi ấy. Anh úp mặt vào tường, khóc nấc lên như trẻ con..."

Những thành viên của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nơi Lưu Quang Vũ làm việc, kể rằng: đêm 29/8 ấy là đêm ngơ ngác của bạn bè giới sân khấu văn học và nhiều khán giả, độc giả ở Hà Nội. Số nhà 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở của Hội, như thức trắng. Bao nhiêu người lặng lẽ đến rồi lặng lẽ đi mang trong lòng nỗi mất mát không gì có thể bù đắp. Rồi, trong ngày hôm ấy, từ khi tai nạn xảy, nỗi đau xót đã truyền từ tỉnh này qua tỉnh khác, từ phố nọ đến phố kia. Trong công sở, trường học, ngoài bến tàu, rạp hát, mọi người nhắc tới sự kiện này như một mất mát quá lớn.

Tại thị xã Hải Dương, ngay khi Lưu Quang Vũ được đưa vào bệnh viện, người dân quanh đó đã kéo tới chật cứng để thăm tin. Họ hiểu rằng các bác sĩ trong bệnh viện không chỉ cứu một con người mà đang thật sự giành giật một tài năng sắp mất đi. Bởi, từ lâu Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đã thật sự là đại diện của nhân dân, bằng ngôn từ nghệ thuật đã nói hộ bao điều muốn thốt lên từ những người dân bình thường... (còn tiếp).



------------------------------

Award
+25 KL$
Chủ đề hay
Awarded By GemLeaf
1 Thank(s) GemLeaf Thanks Shiho For 100 KL$:
Shiho is offline  

20 năm ngày mất Xuân Quỳnh
Old 27-08-2008, 22:23  

Manager
 
Join Date: 03-05-2007
Posts: 1.217
KL$ (TOP! 3): 14.166
Awarded 94 time(s)
Sent 119 thank(s)
Received 214 thank(s)
School: School of Rock
Class: A3 (2004-2007)
Location: Nirvana

Ngày 31/8/1988, những lễ tưởng niệm vợ chồng Lưu Quang Vũ nối nhau được tổ chức tại các chi hội VHNT trên toàn quốc. Tại Hà Nội, gần như toàn bộ giới sân khấu thủ đô đều có mặt tại trụ sở 51 Trần Hưng Đạo. Và trong dòng người lặng lẽ đi theo thi hài của vợ chồng Vũ, có rất đông người chưa một lần gặp anh ngoài đời. Họ chỉ là những khán giả bình thường. Thậm chí, là những người làm cái nghề mà thời ấy người ta gọi bằng "phe vé"...

Kỳ 2: Ngày buồn nhất của sân khấu Việt Nam


Ba ngày cuối cùng bên nhau

Nhà văn Ngô Thảo (nguyên Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu VN) là người trực tiếp xuống Hải Dương và đưa gia đình Vũ về trong ngày 29/8/1988. Ông kể rằng khi ấy, mọi người chỉ biết Vũ có mặt trên chiếc xe gặp nạn. Chạy xuống Hải Dương, anh em trong Hội đều lo lắng: Xuân Quỳnh vốn bị bệnh tim, chị sẽ chịu đựng sao khi nghe tin này? Tới đầu cầu Phú Lương, Vũ đã được chuyển vào bệnh viện. Trên bờ ruộng chỉ còn lại hai chiếc quan tài bằng gỗ mộc, trong đó là thi hài của nữ nhà thơ và cháu Mí.


Cặp vợ chồng tài hoa Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh


Ông Thảo kể: gần nữa đêm, xe chở gia đình Vũ mới về tới Hà Nội. Vào bệnh viện Việt Đức, họ lách qua hàng trăm nghệ sĩ sân khấu đã biết tin từ chiều. Tiếng khóc, tiếng gào vỡ ra từ dòng người ken chặt phố Phủ Doãn. Trời hè oi bức, Thứ trưởng Đình Quang vội liên hệ với bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô - nơi duy nhất có nhà lạnh chứa thi hài khi ấy. Vũ, Quỳnh và cháu Mí được xe chuyển tiếp tới đây. Vợ chồng nhà thơ được chuyển vào ngăn trên. Phía dưới, Quỳnh Thơ được gửi nhờ vào ngăn của một nhà sư vừa tạ thế. Trong buổi tối hôm ấy, đạo diễn Hoàng Quân Tạo,Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, thuyết phục mọi người thay quan cho gia đình Vũ. Dù biết rằng đó là điều kiêng kỵ, giới sân khấu vẫn không đành lòng để họ nằm trong những chiếc quan bằng gỗ mộc như thế.

Ba ngày từ 29-31/8/1988 là quãng thời gian anh em, bè bạn chạy vạy, nhờ can thiệp để gia đình Vũ được táng chung tại khu A, Nghĩa trang Văn Điển. Những quy định về tiêu chuẩn khiến họ có nguy cơ phải xa nhau: nhà thơ Xuân Quỳnh là Ủy viên BCH Hội nhà văn nên đủ tiêu chuẩn vào khu A, trong khi Vũ chỉ là cán sự ba. Còn cháu Quỳnh Thơ, theo quy định, sẽ được đưa vào khu riêng dành cho các em nhỏ.

Đó cũng là ba ngày cuối cùng, gia đình nhỏ của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và cháu Mí ở cạnh nhau trên dương thế. Để rồi, sự tận tụy của bạn hữu đã giúp cho họ cùng được mãi ở cạnh nhau khi từ giã cuộc đời.

Vành khăn chung

Sinh tử chia lìa, đó là điều không ai muốn nhưng không thể nào cưỡng lại. Tại 51, Trần Hưng Đạo, ngôi nhà lịch sử đã chúng kiến bao niềm vui và lo âu, nơi tạo nên những tài năng và cũng là nơi đau đớn tiễn biệt những tài năng, lại một lần nữa chúng ta phải vĩnh biệt nhà văn Lưu Quang Vũ, nhà thơ Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ. Lời mở đầu trong lễ truy điệu được bắt đầu như thế.
Rất nhiều người dân tại Hà Nội vẫn còn nhớ ngày hôm ấy. Họ kể rằng trời ngày ấy âm u và không có nắng, dù đang vào tiết hè. Yên ắng hơn mọi ngày, Hà Nội như ngập trong nỗi buồn. Tại trụ sở Hội sân khấu, hàng vạn người đến đưa viếng ùa nghẽn cả một dãy phố trước cửa nhà 51. Dòng người lặng lẽ chen vai nhau, xếp hàng hai, hàng bốn, hàng sáu... Rồi cả sân nhà chật không còn một khoảng trống nhỏ. Hàng trăm vòng hoa tang phải đội lên đầu. Gần như toàn bộ giới văn nghệ sĩ Hà Nội đều đổ về đây.


Đám tang gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ

Và không chỉ có văn nghệ sĩ. Trong ký ức về ngày đau đớn của mình, nhà báo Lưu Minh Vũ vẫn nhớ được sự có mặt của những người mà thời ấy được gọi bằng cái tên "con phe". Họ là phe vé tại hầu hết các rạp hát trên địa bàn Hà Nội. Một thời gian dài, khi sân khấu khủng hoảng, những người buôn vé lậu gần như thất nghiệp. Để rồi, khi tự phát tới viếng gia đình Vũ, thắp hương cho anh, những người vẫn bị trí thức nhìn bằng con mắt e dè ấy quay sang ngậm ngùi chia buồn cùng gia đình: anh Vũ là ân nhân, là người cứu cuộc sống của gia đình chúng tôi.

Các bạn hữu của vợ chồng Quỳnh - Vũ kể rằng: theo phong tục, xe chở gia đình Vũ qua nhà riêng tại tập thể 96 phố Huế. Chính trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, nỗi đau chung không thể nén xuống và chợt vỡ tung ra. Một quãng đường phố Huế - Trần Nhân Tông tắc nghẹn với tiếng gào thét tiếc thương của cả vạn con người. Rất đông và rất đông, những người qua đường dừng lại, lặng lẽ ngả mũ, dắt xe đạp, hòa vào dòng người đi theo thi hài của gia đình Lưu Quang Vũ. Cũng như hàng trăm trường hợp có mặt tại đám tang, đa phần những người dân bình thường ấy chưa một lần gặp Quỳnh và Vũ ngoài đời. Họ chỉ là khán giả, là độc giả, và hòa vào dòng người khổng lồ ấy với gương mặt của người vừa mất đi một niềm an ủi lớn: niềm an ủi được Quỳnh và Vũ bênh vực, thông cảm và động viên trong một giai đoạn tưởng như khó khăn nhất với những gì đang diễn ra trong môi trường của cuộc sống quanh mình...
Với đoàn kịch Hải Phòng, nơi Vũ xuống làm việc và trở về bằng chuyến xe oan nghiệt vào ngày 29/8, các nghệ sĩ đất Cảng cũng có mặt trong cuộc tiễn đưa đau đớn ấy. Họ kể rằng: đi qua chân cầu Phú Lương, nơi xảy ra tai nạn, cả đoàn dừng lại thắp hương cho vợ chồng anh. Ven đường, một nấm mộ tượng trưng đã được người dân quanh đó lập nên để tỏ lòng thương tiếc Quỳnh và Vũ. Trên mộ, hoa và hương vẫn phủ đầy từ trước đó mấy ngày.



------------------------------

2 Thank(s) mookkl Thanks Shiho For 200 KL$:
ngocxit_hocyeu Thanks Shiho For 77 KL$: "Tôi thấy quanh tôi và tất cả, Châu thành Hà Nội chít khăn xô"
Shiho is offline  

Re: 20 năm ngày mất Xuân Quỳnh
Old 27-08-2008, 22:29  

Welcome to KLnet
 
Join Date: 23-05-2004
Posts: 695
KL$: 195
Awarded 38 time(s)
Sent 79 thank(s)
Received 171 thank(s)
School: Kim Lien Hs
Class: A (1990-1993)
Location: Hanoj

"Em trở về đúng nghĩa trái tim em"



------------------------------
Tạp chí Thời trang và Phong cách sống dành cho giới trẻ:

[Runway] Devilicious Mag - www.songtremag.com
[Realway] Sống Trẻ Mag is going "Say Hi!" at September 2009
Warm welcome to www.facebook.com/songtre
mookkl is offline  

Re: 20 năm ngày mất Xuân Quỳnh
Old 27-08-2008, 23:02  

Manager
 
Join Date: 03-05-2007
Posts: 1.217
KL$ (TOP! 3): 14.166
Awarded 94 time(s)
Sent 119 thank(s)
Received 214 thank(s)
School: School of Rock
Class: A3 (2004-2007)
Location: Nirvana

Những ngày ấy, trời đã vào tiết thu, lạnh và rất buồn. Mỗi sáng tỉnh dậy, tôi thấy cay đắng vô cùng. Sự công bằng của số phận là một cái gì đó thật mỉa mai và vô lý. Chúng ta cố gắng sống tốt, dù cơ trời chẳng bảo vệ cho những con người vẹn toàn và có ích cho xã hội như gia đình mẹ!

Kỳ 3: 20 năm cho một cuộc sống khác

Anh em ruột một nhà

Trước khi đến với nhau, cả Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đều đã có gia đình và những người con riêng. Đó là Tuấn Anh (con riêng của Xuân Quỳnh) và Minh Vũ (con riêng của Lưu Quang Vũ). Hiện, Tuấn Anh đang là giám đốc một công ty tư nhân. Với Minh Vũ, có lẽ khán giả truyền hình đã quá quen mặt anh trong vai trò MC của những "Đường lên đỉnh Olympia" và "Hãy chọn giá đúng".

Bố mẹ chia tay, Tuấn Anh sống cùng bố tại tầng bốn, tập thể 96 - phố Huế. Cũng tại đó, căn phòng của vợ chồng Xuân Quỳnh nằm ở tầng ba. Anh kể: Khi ấy, cuộc sống vất vả nhưng tình cảm giữa mọi người luôn đủ đầy. Mẹ tôi coi Kít (ấu danh của Minh Vũ) như con ruột. Còn bố tôi thì chiều Mí (Quỳnh Thơ - con của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ) hơn tôi nhiều. Cụ thường xuyên làm đồ chơi cho Mí và dạy thêm về nhạc mỗi khi nó lon ton chạy lên. Mí ăn cơm và ngủ cùng với hai bố con tôi là chuyện thường xuyên. Ngược lại, có món gì ngon, mẹ tôi vẫn sai Mí mang lên tầng bốn.

Theo lời nhà báo Minh Vũ, không chung cha mẹ, nhưng ba anh em coi nhau chẳng khác gì anh em ruột một nhà. "Bố và má Quỳnh mua quà bao giờ cũng tính đến cả ba. Mí bé nên được ưu tiên chọn trước, Tuấn Anh lớn nhất nên phải chọn sau cùng. Tôi và anh Tuấn Anh chơi thân với nhau nhưng thỉnh thoảng cũng hục hặc cãi cọ. Những khi ấy, má Quỳnh buồn lắm. Má viết chuyện Đứa trẻ nhút nhát cũng là để nhắc anh em chúng tôi thương nhau hơn". "Còn bố anh thì sao, có bao giờ đánh mắng các con?" "Chỉ quát thôi, chứ đánh thì không bao giờ. Những lúc cáu mấy đứa chúng tôi, bố giận quá đấm tay vào giường rầm rầm. Nhưng chỉ vài phút thì ông bình tĩnh ngay và cười như không có chuyện gì".

Cả Tuấn Anh và Minh Vũ đều xúc động khi nhớ về Quỳnh Thơ. Và không chỉ có họ, rất đông người bạn hữu của vợ chồng Lưu Quang Vũ đều thừa nhận: Quỳnh Thơ là đứa trẻ gần như hấp thụ đầy đủ những tinh hoa của bố và mẹ. Sinh năm 1975, hơn 3 tuổi, Thơ đã giành giải Nhì cuộc thi "Năm 2000 em sống thế nào" do UNESCO tổ chức. Thơ được bố mẹ cho học nhạc, học vẽ, học ngoại ngữ và đều thể hiện một sự thông minh đáng ngạc nhiên. Rồi viết truyện ngắn, đăng trên các tạp chí dành cho thiếu nhi.

Sự ra đi của Quỳnh Thơ đã khiến cả hai người mất đi đứa em ruột mà số phận dành cho mình. "Mí ngoan, hiền, học giỏi. Và nói thật là có trách nhiệm với mẹ hơn nhiều - nếu so với sự đểnh đoảng của anh em tôi. Khi chuyện xảy ra, bố tôi cũng suy sụp và khóc nhiều. Cụ thương Mí lắm"

Cuộc sống khác sau 20 năm


"Nghĩ lại, đó là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Có thể, cuộc sống của tôi không thật sung túc về vật chất, nhưng luôn đủ đầy về tình cảm và sự yêu thương từ bố, em và má - nhà báo Minh Vũ chia sẻ - Khi chuyện xảy ra, tôi đang ở tuổi 18, và chuẩn bị đi học ở Liên Xô. Tuổi ấy, tôi cũng vừa biết yêu, nhưng cũng lơ đễnh trong việc biết quan tâm tới những người thân quanh mình. Rồi chuyện xảy ra, và tôi không bao giờ gặp lại họ nữa…

Ở tuổi ấy, so với những đứa trẻ con, tôi đã đủ nhận thức để không thể quên mọi chuyện. Nhưng cũng không đủ bản lĩnh để sớm vượt qua cú sốc mà số phận đẩy mình vào. Sau cái tang lớn, tôi trượt vào một cơn khủng hoảng dài. Anh Tuấn Anh cũng vậy thôi. Mọi người đều khuyên tôi cố gắng lên, chịu khó tự vực dậy mình để mà sống. Nhưng, tôi chẳng biết phải vươn lên kiểu gì... Tôi sống một quãng thời gian ngắn bằng tiền của bố để lại. Rồi sang Đức học về quay phim. Nhưng, cảm giác chán chường và khủng hoảng vẫn ám ảnh tôi mãi. Học được 4 năm, tôi quay về, rồi bỏ nghề quay phim, thi vào trường Tổng hợp khoa Báo chí. Bây giờ, khi là một biên tập của Đài THVN, cuộc sống với tôi khá ổn định. Nhưng từ trong lòng, tôi biết rằng mình vẫn không thể thoát ra cái vực thẳm mà số phận đẩy vào từ 20 năm trước. Nếu không có nó, cuộc sống của tôi đã khác nhiều.

Còn Tuấn Anh, người con của nhà thơ Xuân Quỳnh, lặng lẽ nhớ lại: Nếu bảo để lấy lại sự cân bằng tối thiểu, tôi mất khoảng 3 năm trời. Năm đầu tiên gần như là vứt đi, tôi không còn mong muốn để làm một chút gì. Tinh thần và sức khỏe suy sụp, mỗi sáng thức dậy, tôi lại nằm khóc một mình. Rồi lại khóc, khi tôi và Minh Vũ nhìn thấy nhau. Tôi cố gượng để động viên Vũ, dù bản thân cũng chẳng hơn gì.

Tôi nằm nhà mất mấy tháng. Khi đó, tôi 22 tuổi và đang làm việc tại Thông tấn xã. Các đồng nghiệp tại cơ quan tôi rất thông cảm, động viên tôi sớm đi làm. Có công việc, mọi chuyện cũng qua dần. Rồi theo thời gian, tôi cũng đọc lại thơ của mẹ. Không dám đọc nhiều, vì sợ nỗi đau lại khuấy lên trong lòng. Tôi hiểu thêm về mẹ mình, về tình cảm, về sự nhân ái của bà...

20 năm là dài, tôi và Minh Vũ cũng phải gượng dậy. Nhưng chắc chắn,những chấn thương tâm lý sẽ còn mãi với cả hai người. Bây giờ, cùng nhau đi qua những ngày ấy, tôi và Minh Vũ gắn bó với nhau hơn anh em ruột. Vũ giàu tình cảm và rất quý mến tôi. Mỗi lần sinh nhật, thậm chí là sinh nhật con tôi, không cần hẹn trước, Vũ đều nhớ và qua nhà...



------------------------------
Shiho is offline  

Re: 20 năm ngày mất Xuân Quỳnh
Old 27-08-2008, 23:07  

Manager
 
Join Date: 03-05-2007
Posts: 1.217
KL$ (TOP! 3): 14.166
Awarded 94 time(s)
Sent 119 thank(s)
Received 214 thank(s)
School: School of Rock
Class: A3 (2004-2007)
Location: Nirvana

Kì 4: Kịch Lưu Quang Vũ và những cuộc "mổ xẻ"


"Nhiều người xem đã phàn nàn vở này chửi đổng nhiều quá, móc máy toàn những chuyện tiêu cực từ thượng đình đến thứ dân. Đặc biệt, người ta nói thẳng cái thiên đình kia chính là bộ máy lãnh đạo... Đừng vội quy chụp cho người xem đó là tư duy cũ. Họ có lý đó. Vì chính các anh đã tuyên ngôn vở diễn xưa để nói nay..."


Đó là bài viết của một tờ báo lớn, tham gia cuộc hội thảo về vở diễn "Hồn Trương Ba da hàng thịt", được tổ chức 6 tháng trước khi Lưu Quang Vũ qua đời (năm 1988)

“Một vở diễn "kháy" tới... 28 cơ quan (???)”

Nhà văn Ngô Thảo nhận xét: trong cuộc đời nhiều rủi ro của mình, Vũ chỉ có một lần gặp may duy nhất. Đó là việc anh bước vào làng sân khấu đúng thời điểm đất nước bắt đầu mở cửa. Ở không khí ấy, người ta bắt đầu có nhu cầu xét lại, bàn lại về những hạn chế và trì trệ của cơ chế bao cấp, của những cách tư duy khô cứng - vốn đã phủ bóng lên cuộc sống của bao người suốt một khoảng thời gian dài. Đất đai màu mỡ có sẵn, chỉ chờ một hạt giống tốt để nảy mầm.....
Sau một loạt những thành công, năm 1984 Vũ viết Tôi và chúng ta. Cùng 4 vở diễn của các tác giả Xuân Trình, Tất Đạt, Hoài Giao, báo chí ví von rằng 5 vở diễn ấy có sức mạnh to lớn. Rồi, hàng chục kịch bản khác nối nhau ra đời. Lần lượt, gần như toàn bộ những bấp bênh, trắc trở và vô lý của một thời đã được Vũ đưa vào kịch bản của mình. Và bên cạnh sự đón nhận của người xem, những phản ứng trái chiều cũng bắt đầu.


"Hội thảo, phê bình rồi ý kiến phản đối đều đủ cả. Có vở diễn, người ta tỉ mẩn ngồi thống kê là Lưu Quang Vũ "kháy" tới 28 cơ quan. Có hết từ các ngành giáo dục, công nghiệp, giáo dục, y tế, phát thanh, chiếu bóng, xí nghiệp quốc doanh, công an…" - nhà báo Minh Vũ kể lại- " Đó là vở Mùa hạ cuối cùng. Đi xem, tôi nhớ mãi vai nam chính do Đức Hải đóng. Đang cảnh ngồi xem truyền hình, anh ta bỗng đứng phắt dậy, giơ tay hướng về khán giả: Dừng lại! Giả dối! Tất cả đều là giả dối! Dưới khán phòng, người xem lặng đi, quên cả vỗ tay".

"Vậy, có bao giờ bố anh mệt mỏi vì những ý kiến ấy không?”. Trả lời câu hỏi này của phóng viên, Minh Vũ cho biết: “Tôi cũng ít nghe chuyện của bố. Chỉ nhớ, bố vẫn nói rằng viết kịch phải có cái tâm, có sự nhân ái và đừng dìm nhân vật xuống bùn đen. Nhưng tôi cũng tình cờ nghe bố nói chuyện với má Quỳnh. Bố kể rằng buổi hội thảo hôm ấy rất căng. Cuối buổi, lên phát biểu, bố cười nói: Em mới vào nghề, tất nhiên viết còn nhiều khiếm khuyết...”


"Đại phẫu" Hồn Trương Ba

Nếu để lựa chọn, có lẽ "tâm bão" trong những cuộc tranh luận về kịch Lưu Quang Vũ nằm ở Hồn Trương Ba da hàng thịt - kịch bản được coi là tiêu biểu nhất của anh. Năm 1987, vở diễn ra đời tại nhà hát kịch Việt Nam dưới sự dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Quãng thời gian gần một năm sau đó là sự xuất hiện những luồng ý kiến khác biệt tới mức trái ngược nhau.

Đỉnh cao của những ý kiến trái ngược ấy là cuộc Hội thảo tổ chức vào tháng 2/1988- 6 tháng trước khi anh gặp nạn. Bài tham luận của một nhà báo, đang công tác tại một tờ báo lớn, có những lời phê bình rất gay gắt:

"Nực cười thay một tác phẩm nghệ thuật như thế mà Hồ Ngọc (nhà phê bình sân khấu, có mặt tại hội thảo) dám cả gan ví với Truyện Kiều và Hamlet. Tôi có thể nói thẳng ra rằng vở diễn này thuộc loại thương mại kiểu mới. Sân khấu thương mại kiểu cũ là chiều nịnh một thứ thẩm mỹ thấp kém, còn sân khấu thương mại kiểu mới là chiều nịnh những thấp kém về mặt tư tưởng của một bộ phận công chúng bức bối, bất mãn trong khó khăn của đời sống hôm nay.
Cái xã hội thiên đình và hạ giới các anh miêu tả rất đen, từng câu nói của nhân vật nêu ra sự việc hoặc nhận xét tình hình xã hội đều khiến cho người xem liên tưởng đến hôm nay... Đất nước ta lúc này không cần đến những thứ nghệ thuật kiểu đó”.

Đi xa hơn, nhà báo này khẳng định về Lưu Quang Vũ và những người làm vở: "Các anh không chỉ là người ngoài cuộc mà còn là những người thiếu tinh thần trách nhiệm của người xây dựng. Trung ương có thiếu sót nhưng không cho phép các nghệ sĩ được cười cợt chế giễu"

Rất may, sau ý kiến ấy, bà Thùy Chi, nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đã đứng ra "gỡ rối". Bà cho rằng vở diễn không có dụng ý xấu, còn Lưu Quang Vũ là một tác giả trẻ nhạy bén với hiện thực. "Vở diễn phê phán tình trạng chắp vá trong sửa chữa sai lầm. Nam Tào, Bắc Đẩu trong vở là một kiểu cán sự tổ chức thôi, chứ không phải là như một số đồng chí tiếp nhận".
Rồi tiếp đó, các diễn viên Trọng Khôi, Đoàn Dũng, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, tác giả Tào Mạt... đều lên tiếng bênh vực cho Hồn Trương Ba. Cuối buổi diễn, nhà báo nọ và nhà phê bình Hồ Ngọc bắt tay nhau. Nhưng, nhiều tháng sau, những cuộc tranh luận về vở diễn này vẫn rải rác diễn ra trên các báo, ngay cả khi Lưu Quang Vũ qua đời...


Quote:
Người đầu tiên viết kịch bản về Phạm Xuân Ẩn

Năm 1983, Lưu Quang Vũ hoàn thành kịch bản Nữ kí giả. Rất ít người biết: nguyên mẫu nữ kí giả Hà Thu trong kịch bản chính là huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn. Theo lời kể gia đình, đó là kịch bản đầu tiên Vũ viết theo "đặt hàng" của Bộ Nội Vụ. Những tài liệu ở dạng "mật" về Phạm Xuân Ẩn đã được chuyển tới tay Vũ để xây dựng kịch bản này.
Năm 1985, Đoàn Kịch Bộ Nội vụ đã mang Nữ kí giả tới tham dự Hội diễn sân khấu toàn quốc. Đó cũng là lần duy nhất trong đời, Lưu Quang Vũ bước lên sàn diễn với vai trò... diễn viên. Thiếu diễn viên quần chúng, cả anh và họa sĩ Doãn Châu đều được huy động vào vai binh lính của quân đội Sài Gòn cũ trong ngày thất trận, và xuất hiện trên sân khấu chỉ trong vài phút.



------------------------------

1 Thank(s) ngocxit_hocyeu Thanks Shiho For 217 KL$: Cho một bài đóng góp rất giá trị!
Shiho is offline  

Re: 20 năm ngày mất Xuân Quỳnh
Old 27-08-2008, 23:36  

New Member
 
Join Date: 14-08-2008
Posts: 35
KL$: 1.804
Awarded 2 time(s)
Sent 7 thank(s)
Received 42 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A12 (2008-2011)
Location: Hà Nội có Hồ Gươm xanh xinh đợp :x

ông Lưu Quang Vũ là ông trẻ bên họ ngoại của em đấy ạ.
nhưng hồi đấy ông mất thì em còn chưa đc sinh , với lại, mẹ em mấy tháng trước mới kể



------------------------------

1 Thank(s) mookkl Thanks baongan_265 For 1 KL$: Nice to meet u
baongan_265 is offline  

Re: 20 năm ngày mất Xuân Quỳnh
Old 28-08-2008, 15:19  

V.I.P
 
Join Date: 10-09-2005
Posts: 1.651
KL$: 556
Awarded 32 time(s)
Sent 11 thank(s)
Received 12 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A14 (2005-2008)
Location: Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa :)

29.8.1988...

Những người sinh ra và những người mất đi...

Một vòng quay bất tận...


Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay
Ta đã có những ngày vui sướng nhất
Đã uống cả men nồng và rượu chát
Đã đi qua cùng tận của con đường
Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên
Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt...


[Bài hát ấy vẫn còn dang dở]
Lưu Quang Vũ



Con chim sâm cầm ai giết!



------------------------------
Ta sẽ nhắn ngàn lau phơ phất trắng
Khe khẽ giùm kẻo gió cuốn em đi
angry_bee is offline  

20 năm ngày mất Xuân Quỳnh
Old 28-08-2008, 17:32  

Manager
 
Join Date: 03-05-2007
Posts: 1.217
KL$ (TOP! 3): 14.166
Awarded 94 time(s)
Sent 119 thank(s)
Received 214 thank(s)
School: School of Rock
Class: A3 (2004-2007)
Location: Nirvana

Kì cuối: Đi vào huyền thoại


Một bạn văn của Lưu Quang Vũ kể lại: thập kỷ 70, trước khi đến với sân khấu, Vũ đã có một chuỗi ngày buồn tủi khi tìm nghề kiếm sống, tìm đường đi trong cuộc đời và tự tìm kiếm năng lực sáng tác của mình. Quãng thời gian khó khăn ấy, anh và Vũ đã nghĩ tới chuyện bỏ ra nước ngoài. Để rồi, sau khi suy nghĩ, đêm cuối cùng trước khi xuống tàu, Vũ lắc đầu: chúng ta không thể bỏ đi. Chúng ta không thể rời tổ quốc trong những năm khó khăn thế này. Hãy ở lại đi! Hãy tiếp tục viết để tự chứng minh: chúng ta là những người tử tế trong số những người tử tế...

Nếu có thật, câu chuyện ấy càng làm độc giả hiểu và thương Lưu Quang Vũ. Nhưng, rất có thể, đó chỉ là một trong những "huyền thoại" mà những người quá yêu Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ dựng lên....



Bí ẩn của định mệnh!

Nói về tai nạn thương tâm xảy ra với gia đình Lưu Quang Vũ, người ta thường nhắc tới hai từ: định mệnh. Định mệnh khiến tai nạn xảy ra. Định mệnh khiến họ đi xuống Hải Phòng bằng chiếc xe com măng ca - loại xe chỉ có 2 băng ghế đặt dọc thân xe. Định mệnh khiến gần tới cầu Phú Lương, Vũ chuyển lên ngồi ghế trước trong khi mẹ con nhà thơ Xuân Quỳnh ngồi một bên băng ghế. Để rồi, cách tai nạn diễn ra đã dồn hết tai họa lên đầu gia đình anh...

Nhưng, cũng từ hai chữ "định mệnh", các bạn của Vũ trong ngành sân khấu đã nhớ ra: anh đặt tên cho kịch bản đầu tiên của mình là "Sống mãi tuổi 17". Và vở cuối cùng, còn đang viết dở khi tai nạn xảy ra, có tên "Chim sâm cầm đã chết". Mở ra nghề viết kịch bằng "sống" và khép lại bằng "chết", có phải "một lời là một vận vào"?

Rồi, trong nhật ký của mình, năm 17 tuổi, Lưu Quang Vũ có viết: "Rất có thể sẽ có một điều vô lý nào đó tới cắt đứt cuộc đời ta. Cái chết, ta không sợ nó, nhưng nếu chết bây giờ thì uổng quá... Độ 20 năm nữa, khi ta đã trả nợ xong, khi có thể coi là đã làm được chút gì đó cho đời, ta sẽ chẳng ân hận gì khi nhắm mắt. Đấy là chỉ tiêu của ta, có ngắn ngủi không? Chỉ 20 năm thôi mà...". Đúng, Vũ chỉ có gần 20 năm lóe sáng trên đỉnh cao, kể từ khi anh bắt đầu viết "Sống mãi tuổi 17" vào năm 1979 cho tới năm 1988, khi xảy ra tai nạn

Thương tiếc người bạn văn của mình, nhà văn Ma Văn Kháng đã viết truyện ngắn "Người đánh giậm đồng chiêm". Đó là chuyện về chàng trai đánh giậm tình cờ gặp Vũ, khi chuyến xe định mệnh tạm dừng lại trên đường. Người nông dân bình thường ấy được nghe Vũ tâm sự về ý nghĩa của cuộc sống và nghệ thuật. Rồi, 5 phút sau, tai nạn xảy ra. Đau đớn, anh chạy tới túm cổ người lái xe gây tai nạn: Khốn nạn! Mày vừa giết một thiên tài!

Dường như, sự ra đi đột ngột của Vũ đã khiến cho những người yêu quý anh đau đớn và muốn tin rằng đó là một sự sắp đặt của định mệnh


Đi vào huyền thoại

"Trước ngày ấy, bố tôi rất vui vẻ và chẳng nghĩ gì giống với điều người ta vẫn nói" - Nhà báo Lưu Minh Vũ kể lại. "Những tin đồn về chuyện nọ chuyện kia, tôi có nghe nhưng chẳng hề tin. Chỉ một điều có thật thôi, đó là chuyện người ta trách bố tôi cả nể. Những năm cuối đời bố, ông được các đoàn kịch trên toàn quốc đều cố sức "đặt hàng". Lôi kéo có, năn nỉ có, trách mắng có, bố cả nể nên thường nhận lời. Rồi công việc chồng chéo, không giao kịch bản đúng hẹn, bố thường treo biển đi vắng và "nấp" trong nhà để viết, trong khi anh em sân khấu đang "truy lùng" ngoài kia...


Xuân Quỳnh (trái) và chị gái Đông Mai khi còn nhỏ

"Vậy còn má Quỳnh của anh, trong những ngày cuối cùng ấy? "Năm đó, má tôi nằm viện nhiều vì bệnh tim. Má là người nhân ái, đa cảm và cả nghĩ. Trước bệnh tình của mình, má lo lắm, nên có nhiều ý nghĩ bi quan. Vậy thôi. Thật ra, bố thương má lắm. Những gì người ta đồn về chuyện tình cảm của bố, theo như tôi biết thì không có. Bao nhiều tình cảm có trên đời, ông dồn cả vào thơ rồi".

Bây giờ, nếu để chọn nhà thơ nữ được người yêu thích và quen thuộc gần gũi nhất, hẳn rất nhiều người sẽ chọn Xuân Quỳnh. Còn trên bản đồ địa lý cả nước, hiếm một tỉnh có các đơn vị nghệ thuật nào chưa từng dàn dựng một vài vở của Lưu Quang Vũ hoặc chèo, hoặc kịch, hoặc dân ca, cải lương. Và cứ mỗi kì hội diễn, trước sự khủng hoảng của một nền sân khấu, bạn nghề lại thường ca điệp khúc: nhớ Lưu Quang Vũ, tiếc Lưu Quang Vũ...



------------------------------
Shiho is offline  

Re: 20 năm ngày mất Xuân Quỳnh
Old 30-08-2008, 13:02  

Manager
 
Join Date: 09-09-2005
Posts: 1.700
KL$: 1.430
Awarded 109 time(s)
Sent 784 thank(s)
Received 589 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A2 (2005-2008)
Location: ღSomewhere over the rainbowღ

Hôm qua đã đọc thêm nhiều thơ XQ :p
Nhờ anh Mook đấy



------------------------------
Giống như là nước-Lấp lánh trong veo

tiamo_milan is offline  
 

KLNetBB - Member of Kimlien Network
Copyright © 2002-2009 by dcuongtran
Skin designed by Kusanagi - Banner designed by FunkyJan
Powered by vBulletin® Version 3.6.8
Copyright ©2000 - 2016, Jelsoft Enterprises Ltd.