Go Back   KLNetBB > DIỄN ĐÀN CÁC LĨNH VỰC > Thơ phú - Văn học > Kho Lưu Trữ

 

"Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 28-12-2007, 00:19  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Truyện này đọc giới thiệu lâu rồi, nhưng chưa có thời gian đọc. Để lâu tự nhiên quên mất Hôm nay thấy em Gem nhắc mới nhớ ra, post vào đây đọc và share luôn này ^^

Đọc đến đâu sẽ post đến đấy


*


Tựa đề: Cô đơn trên mạng
Tác giả: JannuszLeon Wisniewski
Dịch giả: Nguyễn Thanh Thư

Giới thiệu về tác phẩm:

Một tình yêu đẹp, bắt đầu từ trên mạng Internet. Một tình yêu dịu dàng, bất tận, một tình yêu dường như tất thảy đều mơ ước, để được "khóc và nghẹt thở"...
Một bài ca tôn vinh trí tuệ và tri thức: những câu chuyện thú vị về máy tính, e-mail và SMS, về ADN, giải mã gien và bộ não, về những phân tử của cảm xúc... được đan quyện tinh tế với nỗ lực tìm kiếm cảm xúc và nhu cầu lớn lao được gần gũi yêu thương chống lại sự lạnh lùng, cô độc của con người trong xã hội hiện đại.
Một tác phẩm đương đại lãng mạn và đang khuấy động bạn đọc trẻ Việt Nam qua bản chuyển ngữ tinh tế của Nguyễn Thanh Thư. Để rồi khi gấp trang sách lại, sự nuối tiếc khiến bạn muốn lật trang đầu để đọc lại. Tác phẩm viết về sự cô đơn, về những con người sống trong không gian ảo và cũng là nơi để tình yêu chấp cánh cho hai nhân vật chính, dù cái kết để lại trong lòng người đọc sự xót xa.
Một lối kể chuyện rất hấp dẫn, văn phong tinh tế, sang trọng và cho thấy kiến thức sâu rộng và uyên thâm của tác giả, một nhà khoa học, nhà văn, cử nhân vật lý, cử nhân kinh tế, tiến sĩ tin học, tiến sĩ khoa học về hoá học, Giáo sư đại học sư phạm, người viết chương trình máy tính cho viện Hoá của Mỹ trụ sở tại Đức. Tiểu thuyết được viết theo kiểu song tuyến, xen lẫn từ đầu đến cuối là những dòng tự sự, độc thoại, hồi ức của hai nhân vật chính…
“Cô đơn trên mạng” từng là tác phẩm best – seller tại Ba Lan, được dịch ra nhiều thứ tiếng và mới nhất, đến bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của Nguyễn Thanh Thư, con gái nhà văn Nguyên Hồng và đã từng chuyển ngữ nhiều tác phẩm của văn học Ba Lan ra tiếng Việt.
Tiểu thuyết được Janusz Leon Wisniewski bắt đầu bằng một cuộc tự tử không thành, từ đó những diễn tiến cứ cuộn xoắn lại, với những tuyến nhân vật đan cài vào nhau. Nhân vật là những nhà khoa học trẻ tài năng, và những phụ nữ vô cùng đặc biệt. Jakub với ba mối tình, ba mảng đời như ba cõi nhân sinh lồng vào nhau trong một đời người. Những gặp gỡ, những bùng nổ, những khám phá dây chuyền khẳng định cuộc sống là cả một bí ẩn to lớn, không ai có thể tiên lượng những gì của tương lai, ngay những người thông minh tài giỏi nhất.
Natalia, cô gái câm. Tình yêu không cần đến tiếng nói lại dạy cho Jakub thứ ngôn ngữ giúp anh khám phá phần tốt đẹp nhất trong cuộc sống và nhìn thế giới người một cách cao cả hẳn lên. Jennifer, bằng thân xác đã ào ạt chiếm cứ mọi thứ, kể cả nghệ thuật, nhưng hoàn toàn không đủ mãnh lực để ôm giữ những gì muốn có, kể cả người đàn ông cô say mê. Christiane, người chỉ định nhờ một kẻ ẩn danh trong thế giới ảo giúp trút bỏ những gì không thể giải quyết trong đời thật: những điều bất như ý trong quan hệ vợ chồng mà bất cứ người đàn bà nào cũng nhận biết nhưng không đủ khả năng và quyết tâm để thay đổi. Rất từ từ, thế giới ảo trở thành phần quyết định trong cuộc đời cô, không dành cho cô khoảnh khắc nào nữa để sống trong thế giới thật.
Bởi vì dù họ chỉ nói với nhau "về Chúa, về tiền nong, về thời tiết ở Warszawa..., về internet, về gien và chromosom.., về âm nhạc, về sự suy tàn của triết học, về toán học...", thì cuối cùng, vẫn không thể tránh được con đường dẫn đến nhục thể, bởi họ đều nhận ra rằng: "Có thể quan trọng nhất không phải là muốn cùng ai lên giường, mà là muốn sáng mai cùng ai dậy và pha trà cho nhau". Và vì thế cô sợ: "Cô không muốn bất cứ một tình yêu nào. Tình yêu chứa trong nó sự đau khổ… Mà họ thì chia tay nhau hằng ngày... Em CHỈ LÀ ảo. Em không có gì chung với các thiên thần. Em là người đàn bà hư hỏng, tội lỗi...". Đó là sự dày vò về phía cô. Còn phía anh: "Anh muốn cô chỉ nghĩ đến anh khi trải qua niềm vui, khi đưa ra những quyết định, khi xúc động hay mơ mộng... Anh muốn cô nghĩ đến anh khi chọn đồ lót, son môi, nước hoa, hay màu nhuộm tóc... Anh muốn là ý nghĩ duy nhất của cô mỗi sáng khi thức dậy và mỗi tối khi chìm vào giấc ngủ...".
Thế giới nội tâm của các nhân vật cực kỳ phức tạp. Vây quanh Jakub và Christiane là cả một vũ trụ người thẳm sâu bí ẩn từ trong nguồn cội, hay trong từng hành động hằng ngày. Mối tình bị chà đạp giữa cha Andreiz và dì phước Anastazia; quan hệ đầy vẻ kỳ quặc giữa Jim - kẻ buôn ma túy và Kimberley - con gái nhà giải phẫu nổi tiếng; khát khao yêu đương và hạnh phúc của Alicja và Asia... Ngay Jakub cũng từng bị cocainei lôi cuốn không chỉ một lần, Jakub - nhà khoa học mà "sự khát khao được thán phục và sự khát khao đàn bà gây nên trong anh những phản ứng y như nhau", Jakub với cái nhìn về quan hệ giữa hai dân tộc Ba Lan - Đức, là "Thực ra thì toàn bộ lịch sử cũng chỉ là một bản thỏa thuận… Người ta thỏa thuận rằng sẽ dạy về chính sự dối trá này chứ không phải sự dối trá khác…". Cùng với Christiane, Jakub đã hiểu ra rằng "Thực tại ảo không thể nào cũng "đầy rẫy những cám dỗ" như ngoài đời thực được. Cái thực tại ảo ấy nhiều cám dỗ hơn nhiều".
Và vì thế, cuối cùng họ không thể cưỡng lại việc bước ra khỏi thế giới ảo để tìm đến nhau trong thế giới thật, bằng con người xương thịt của mình chứ không phải chỉ là những nickname trên đường truyền Internet. Đoạn kết của tiểu thuyết khá bất ngờ và hình như khá phi lý. Người đàn bà như Christiane lẽ đâu lại dễ dàng quay về ngôi nhà cũ với mối quan hệ nhàm chán, tiếp tục chịu đựng những thất bại hiển nhiên trong đời sống vợ chồng, cho dù đã có sự xuất hiện của đứa con. Những gì Janusz Leon Wisniewski đã mở ra ở phần đầu cho phép người ta hy vọng một hồi kết có ý nghĩa phủ định mạnh hơn, xứng đáng với cả tác giả lẫn nhân vật của ông.


(Theo: VnThuQuan)



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )

Award
+25 KL$
Awarded Point for #199526
Có công sưu tầm. Nên kèm theo comment thì tốt ^o^

Awarded By MrPaint
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 28-12-2007, 00:23  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 1 (A):

Chín tháng trước...
Thềm ga cạnh đường tầu số bốn ở sân ga số mười một của ga Berlin Lichtengerg là nơi có nhiều vụ lao xuống đường tàu tự vẫn nhất. Đó là thống kê chính thức và chi tiết theo đúng kiểu Đức đối với tất cả các nhà ga của Berlin. Với lại có thể nhận thấy điều đó nếu ngồi trên ghế chờ trên đường số bốn ở sân ga mười một. Đường ray ở đấy bóng loáng hơn nhiều so với những chỗ khác. Những cú phanh khẩn cấp luôn luôn xảy ra để lại khá lâu những đường ray nhẵn bóng. Ngoài ra, cái nền bê tông xám xỉn và bẩn thỉu trên toàn bộ chiều dài của sân ga có nhiều chỗ sáng hơn hẳn - đôi chỗ gần như trắng. Ở những chỗ này nhân viên nhà ga đã phải dùng những chất tẩy mạnh để rửa những vệt máu từ những cơ thể bị thương hay bị tàu nghiến đứt của những kẻ tự vẫn.
Lichtenberg là một trong những ga xa nhất của ngoại vi Berlin, thêm vào đó, là ga ít được quan tâm nhất. Tước bỏ cuộc sống của mình ở ga Berlin Lichtenberg, người ta cảm thấy như bỏ lại phía sau cái thế giới bằng vữa đã bong tróc, xám xịt, bẩn thỉu và sặc mùi nước đái chen chúc những con người hối hả, buồn bã hay thậm chí thất vọng. Bỏ lại vĩnh viễn một thế giới như vậy dễ hơn nhiều.
Lối vào theo những bậc thang đá lên sân ga số mười một là lối vào cuối cùng trong đường ngầm giữa phòng vé và trạm biến thế. Đường tàu số bốn là đường tàu xa nhất của nhà ga. Nếu chợt nảy ra ý đồ tự vẫn ở phòng vé của nhà ga Berlin Lichtenberg bằng cách lao vào đoàn tàu, thì việc đi lên đường tàu số bốn ở sân số mười một sẽ kéo dài cuộc sống lâu hơn cả. Do đó mà hầu như bao giờ những người tự vẫn cũng chọn đường tàu số bốn ở sân ga số mười một.
Trên thềm ga cạnh đường tàu số bốn có hai cái ghế gỗ chi chít những chữ grafitô được khắc bằng dao được gắn xuống nền bê tông bằng những cái đinh vít cực to. Một người đàn ông gầy còm, hôi hám ngồi trên cái ghế gần cửa xuống đường ngầm. Ông ta sống trên đường phố đã nhiều năm nay. Người run rẩy vì rét và sợ. Ông ta ngồi, hai chân vặn vẹo một cách không bình thường, tay đút vào túi áo khoác vinilon sờn bẩn với nhiều chỗ dán bằng băng dính vàng có dòng chữ Just do it. Ông ta hút thuốc lá. Trên ghế, mấy vỏ lon bia và một cái vỏ chai rượu lăn lóc cạnh ông ta. Cạnh ghế là cái túi nilon quảng cáo của mạng Aldi mà màu vàng của nó đã bị bong từ lâu, trong đó chứa toàn bộ tài sản của ông. Một cái chăn len thủng lỗ chỗ, vài cái ống tiêm, một hộp đựng thuốc sợi, một gói nhỏ giấy cuốn thuốc lá, một cuốn album ảnh đám tang đứa con trai, một cái mở đồ hộp, một bao diêm, hai bọc nhỏ methadone (1), một cuốn sách của Remarque đầy vết cà phê và máu. Một cái ví da sờn cũ kỹ với những tấm ảnh của một phụ nữ trẻ đã ố vàng, sờn, bằng đại học và một giấy chứng nhận không có tiền án tiền sự. Buổi tối hôm ấy, người đàn ông đã ghim vào một trong số những tấm ảnh của người phụ nữ trẻ một bức thư và một tờ 100 mác.
Lúc này ông ta chờ chuyến tàu từ Berlin ZOO đi Angermuede. Mười hai phút sau nửa đêm. Chuyến tàu tốc hành với những chỗ dự phòng bắt buộc và toa Mitropa cạnh mấy toa hạng nhất. Chuyến tàu này không bao giờ dừng ở ga Lichtenberg. Nó chạy rất nhanh qua đường tàu số bốn và mất hút vào bóng đêm. Đoàn tàu có khoảng hai mươi toa. Về mùa hè thậm chí còn nhiều toa hơn. Người đàn ông biết điều này đã lâu. Ông ta đã nhiều lần đến đây chờ nó.
Người đàn ông sợ hãi. Song nỗi sợ hôm nay hoàn toàn khác. Nó tổng hợp, được biết đến rộng rãi, được đặt tên và được nghiên cứu kỹ. Ông biết rất rõ mình sợ cái gì. Tồi tệ nhất là sợ một cái gì đó không thể gọi tên. Với nỗi sợ không tên thì những ống tiêm cũng chẳng ích gì.
Hôm nay ông đến đây lần cuối cùng. Sau đó sẽ chẳng bao giờ còn phải cô đơn nữa. Không bao giờ. Cô đơn là điều tồi tệ nhất. Ông ngồi đợi chuyến tàu này một cách bình thản, hài lòng với bản thân. Có thể nói là vui sướng nữa.
Trên cái ghế thứ hai, ở đằng sau kiốt bán báo và đồ uống, một người đàn ông khác đang ngồi. Thật khó mà xác định tuổi của anh ta. Chừng ba bảy, bốn mươi tuổi. Da rám nắng, thơm mùi nước cạo râu đắt tiền, mặc một cái áo vét len đen, quần hiệu sáng màu, chiếc sơ mi màu ôliu không cài cúc và thắt cravát màu xanh lá cây. Một chiếc vali kim loại dán đầy nhãn của các hãng hàng không để cạnh ghế. Anh ta bật chiếc máy tính vừa lấy ra từ cái túi da màu đen, nhưng lại đặt ngay sang bên cạnh. Màn hình máy tính nhấp nháy trong bóng tối. Kim đồng hồ trên sân ga đã bỏ qua con số mười hai. Bắt đầu ngày chủ nhật, ba mươi tháng tư. Người đàn ông gục đầu vào lòng bàn tay. Nhắm mắt. Khóc.
Người đàn ông ở cái ghế cạnh lối lên xuống đứng dậy. Với cái túi quảng cáo nhựa, ông ta kiểm tra lại bức thư và tiền trong ví, cầm một lon bia đen và đi về phía cuối thềm ga, ngay cạnh xêmapho (2). Ông đã nhắm cho mình chỗ này từ lâu. Khi đi qua kiốt bán đồ uống, ông nhìn thấy anh. Ông không ngờ lại có ai đó trên sân ga số mười một vào sau nửa đêm này. Bao giờ ông cũng ở đây một mình. Một nỗi bất an khác với sự sợ hãi bao trùm lấy ông. Sự có mặt của người thứ hai này làm hỏng toàn bộ kế hoạch của ông. Ông không muốn gặp bất cứ ai trên đoạn đường đến hết thềm ga. Hết thềm ga... Đó thực sự là hết.
Ông bỗng cảm thấy muốn chia tay với người kia. Ông đi đến chỗ cái ghế. Dịch cái máy tính ra, và ngồi cạnh anh.
- Ông bạn, uống với tôi một ngụm bia chứ? Ngụm cuối cùng. Uống chứ? - Ông hỏi, chạm tay vào đùi anh ta và đưa lon bia về phía anh ta.
ANH: Đã quá nửa đêm. Anh cúi đầu và thấy không thể giữ nổi những giọt nước mắt. Đã lâu rồi anh không cảm thấy cô đơn như vậy. Chỉ tại cái sinh nhật này. Từ mấy năm nay, cô đơn như một cảm giác hiếm khi chạm phải anh trong cái nhịp sống thường nhật điên cuồng. Người ta chỉ cô đơn khi có thời gian cho nó. Anh không có thời gian. Anh cần mẫn tổ chức cuộc sống của mình sao cho không còn thời gian. Những dự án ở Munich, ở Mỹ, làm tiến sĩ khoa học, và những bài giảng ở Ba Lan, hội thảo khoa học, các bài công bố. Không, trong tiểu sử của anh thời gian gần đây không có những quãng nghỉ cho suy ngẫm về nỗi cô đơn, cho sự uỷ mỵ và yếu đuối như anh đang cảm thấy lúc này, ở đây. Ở đây, ở cái nhà ga trống trải xám xịt này, bị trừng phạt bằng cách không có gì để làm, anh không thể làm một cái gì khác để quên, và cô đơn ập đến như một cơn hen. Việc anh ở đây và có quãng nghỉ không hề kế hoạch trước này chỉ là một sự nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn thông thường, phi lý, vô nghĩa. Giống như một lỗi in. Trước khi hạ cánh ở Berlin Hegel, anh đã kiểm tra giờ tàu trên Internet và không để ý là tàu từ Berlin Lichtenberg đi Warszawa chỉ chạy vào các ngày làm việc. Mà thứ bẩy thì vừa kết thúc trước đây một lúc. Thậm chí anh có quyền không để ý đến điều đó. Khi ấy là buổi sáng và trước mắt anh là hơn chục giờ bay từ Seattle, một chuyến bay khép lại một tuần làm việc không kịp thở.
Sinh nhật vào nửa đêm tại ga Berlin Lichtenberg. Một cái gì đó thật khó tin. Phải chăng anh có mặt ở đây vì một sứ mệnh nào đấy?! Chỗ này có thể là địa điểm cho một cảnh phim, nhất thiết phải là đen trắng, về sự vô nghĩa, ảm đạm và nỗi đau của cuộc đời. Anh dám chắc rằng trong khoảnh khắc như thế này, Wojaczek có thể viết nên bài thơ thê lương nhất của mình.
Sinh nhật. Anh đã ra đời như thế nào nhỉ? Việc ấy đã xảy ra như thế nào? Mẹ anh đã đau ra sao? Mẹ đã nghĩ gì trong cơn đau ấy? Chưa bao giờ anh hỏi mẹ về điều này. Mà tại sao anh lại chưa hề hỏi? Chỉ đơn giản: "Mẹ ơi, lúc sinh con, chắc mẹ đau lắm phải không?"
Giờ đây anh muốn biết điều đó, thế mà khi mẹ còn sống anh lại không nghĩ đến.
Bây giờ thì mẹ không còn nữa. Và những người khác cũng không. Tất cả những người quan trọng nhất, những người mà anh yêu thương, đều đã chết. Bố mẹ, Natalia... Anh không còn ai. Không còn ai quan trọng. Anh chỉ có những dự án, hội thảo, những thời hạn, tiền và đôi khi sự ghi nhận. Nói chung, ai là người nhớ rằng hôm nay là sinh nhật của anh? Điều này có ý nghĩa với ai? Ai quan tâm tới chuyện này? Liệu có ai đó nghĩ tới anh trong ngày hôm nay? Và khi đó nước mắt cứ trào ra, những giọt nước mắt mà anh không kịp ngăn lại.
Anh bỗng thấy bị huých một cái.
- Ông bạn, uống với tôi một ngụm bia chứ? Ngụm cuối cùng. Uống chứ? - Anh nghe thấy một giọng khàn khàn.
Anh ngẩng đầu. Cặp mắt đỏ ngầu, hốt hoảng trên cái trán to của một khuôn mặt gầy guộc, lởm chởm râu và đầy vết thương nhìn anh cầu khẩn. Bàn tay run rẩy của người đàn ông ngồi bên chìa ra lon bia. Người đàn ông để ý thấy những giọt nước mắt của anh, bèn ngồi dịch ra và nói:
- Nghe này ông bạn, tôi không muốn làm phiền ông. Không muốn, thật đấy. Tôi cũng không thích có ai đó xen vào khi mình đang khóc. Tôi đi ngay đây. Cần được khóc trong yên tĩnh. Chỉ khi đó người ta mới có được niềm vui.
Không muốn cho ông ta đi, anh liền túm lấy cái áo khoác. Cầm lon bia từ tay ông ta và nói:
- Bác có làm phiền gì đâu. Bác nghe này, thậm chí bác không biết là tôi rất muốn uống với bác. Sinh nhật tôi đã được mấy phút rồi. Bác đừng đi. Tôi tên là Jakub.
Và anh bỗng làm cái mà vào thời điểm ấy anh cho là hết sức tự nhiên, cái mà anh không thể cưỡng lại được. Anh kéo người đàn ông nọ lại gần và ôm ông. Tựa đầu lên bờ vai được che bằng cái áo khoác vinilon đã sờn. Họ cứ để nguyên như thế một lúc, lòng cảm thấy một cái gì đó trang nghiêm. Sự yên tĩnh bị phá vỡ bởi đoàn tàu ầm ầm lướt qua cái ghế mà hai người đang ngồi ôm nhau. Lúc ấy người đàn ông co người lại như một đứa trẻ hoảng sợ, nép sát vào anh và nói gì đó nhưng bị tiếng lọc cọc của bánh tàu át đi. Sau giây lát, anh cảm thấy xấu hổ. Người nọ chắc cũng cảm thấy thế nên đột ngột dịch ra, đứng dậy không nói một lời và đi về phía lối xuống đường ngầm. Ông ta dừng lại bên một cái sọt rác bằng kim loại, lôi tờ giấy trong cái túi nhựa ra, vò nát rồi ném vào sọt rác. Một lát sau, ông ta biến mất trong đường ngầm.
- Chúc mọi sự tốt lành nhân ngày sinh, Jakub - anh nói to và uống nốt lon bia mà người đàn ông nọ để bên cạnh chiếc máy tính đang nhấp nháy.
Đó là một phút yếu lòng. Một cơn loạn nhịp tim, nó đã qua đi. Anh ngồi thẳng người trên ghế. Với cái túi để lấy điện thoại di động. Rút tờ báo Berlin mua ban sáng để tìm phần quảng cáo của các hãng taxi. Anh bấm số. Rồi cất máy tính và kéo vali lọc cọc qua những ổ gà trên sân ga đi về phía đường ngầm ra phòng vé và ra phố.
Mọi cái đã diễn ra như thế nào nhỉ? Ông ta đã nói gì? "Cần được khóc trong yên tĩnh. Chỉ khi đó người ta mới có được niềm vui..."
CÔ: Đã lâu lắm rồi không có một người đàn ông nào cố gắng như vậy để cô có được tâm trạng như thế này, cô cảm thấy mình hấp dẫn và đang có thứ đồ uống tốt nhất trong cốc.
- Chẳng có ai phủ nhận là Cô bé quàng khăn đỏ đã có một tuổi thơ đặc biệt u buồn. Những cô em cùng cha khác mẹ xấu xa, công việc nặng nhọc quá sức và mụ dì ghẻ khủng khiếp. Ngoài việc em bị ngộ độc vì moi tàn thuốc ra khỏi cái gạt tàn, em thậm chí không có cả kênh MTV - người đàn ông ngồi đối diện cô trong quầy bar nói và bật cười.
Anh ta ít hơn cô mấy tuổi. Có lẽ chưa quá hai nhăm. Đẹp trai. Lịch sự một cách hoàn hảo. Đã lâu cô không nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc hài hoà đến vậy. Chính thế. Hài hoà. Anh ta cũng tao nhã như bộ quần áo đặt may rất đẹp của mình. Tất cả nơi anh ta đều hoà hợp với nhau. Mùi nước cạo râu hợp với màu cravát, màu cravát hợp với màu đá của những chiếc gài măng-sét vàng của cái áo sơ mi xanh thẫm sạch bong. Những chiếc gài măng-sét vàng - bây giờ còn ai dùng những chiếc gài măng-sét ấy nữa nhỉ? - bằng kích thước và tông màu của mình hợp với cái đồng hồ vàng anh ta đeo nơi cổ tay phải. Còn đồng hồ thì hợp với từng thời điểm trong ngày. Lúc này, buổi tối, đến cuộc gặp với cô tại quán bar, anh ta đeo chiếc đồng hồ mặt chữ nhật lịch sự với cái quai da thanh mảnh đồng màu với quần áo. Buổi sáng, trong cuộc họp ở trụ sở của công ty tại Berlin anh ta mang một chiếc roleks nặng, trang nghiêm. Ngoài ra buổi sáng anh ta còn có mùi thơm khác. Cô biết rõ điều này vì cô đã chủ ý đứng dậy và nghiêng người ngay trên đầu anh ta để lấy chai nước khoáng, mặc dù cô có cả một khay với đủ các loại nước để ngay trước mặt.
Cô ngắm kỹ anh ta suốt buổi sáng. Anh tên Jean và là người Bỉ ở "vùng tuyệt đối Pháp của Bỉ", như anh ta nhấn mạnh. Cô không biết vùng Pháp của Bỉ thì khác vùng Flemish những gì, nhưng cô giả thiết rằng rõ ràng là người thuộc vùng Pháp thì có quyền tự hào hơn.
Như sau đó cho thấy, Jean không chỉ là sự hấp dẫn nhất của cái rạp xiếc Berlin này đối với cô. Người ta lôi kéo họ từ khắp Châu Âu đến trung tâm ở Berlin để nói rằng thực ra thì họ chẳng có gì để nói cả. Từ một năm nay, cô tham gia vào dự án cùng với một tương nhiệm Bỉ của họ, ở Ba Lan thì dự án này không thể thành công được. Những thiết bị mà họ muốn bán đơn giản là không phù hợp với thị trường Ba Lan. Thật khó mà bán được kém kéo dài tác dụng phơi nắng cho người Eskimo. Kể cả nếu đó là loại kem chất lượng tốt nhất.
Nói chung là cô không muốn đến đây và làm tất cả để đẩy chuyến đi này cho người khác của ban. Từ lâu hai vợ chồng cô đã lên kế hoạch đi Karkonosz, cô dừng lại ở Praha. Nhưng đã không thành. Theo yêu cầu rất rõ ràng của Berlin thì chính cô phải đi. Thêm vào đó, phải đi tàu hoả, bởi để chuyến đi Berlin của cô nhìn chung có ý nghĩa, thì trước hết cô phải qua chi nhánh của công ty ở Poznan một ngày.
Đi ở đây, từ Warwaszaw - thời gian gần đây cô căm thù việc đi lại bằng tàu hoả - cô có rất nhiều thời gian để chuẩn bị một chiến lược cho phép cô khuyên ngăn trung tâm đừng làm dự án này. Song Jean, cái anh chàng người Bỉ với những chiếc gài măng-sét tay áo có lẽ hợp với cả thời tiết ấy, đã thuyết phục tất cả mọi người rằng "thị trường Ba Lan tự họ chưa biết là họ cần những thiết bị ấy" và rằng anh ta "có một ý tưởng cực kỳ đơn giản khiến cho thị trường Ba Lan biết được điều đó". Sau đó suốt một giờ liền với phim đèn chiếu, anh ta nói về "ý tưởng cực kỳ đơn giản" của mình.
Suýt nữa thì cô đã nói về điều đó trong vòng mười lăm phút mà là nói bằng thứ tiếng Anh tốt hơn nhiều, thêm vào đó chẳng có cái gì - ngoại trừ tấm bản đồ Ba Lan - trên những tấm phim đèn chiếu của anh ta nói lên sự thật. Nhưng điều này chẳng tạo nên một ấn tượng nào đặc biệt cho bất kỳ ai ngoài cô. Có thể thấy rất rõ là bà giám đốc ở Berlin đã có quyết định trước cả phần trình bày. Cả cô cũng đã quyết định trước phần trình bày. Vấn đề là ở chỗ, những quyết định đó hoàn toàn khác nhau. Nhưng làm sao mà bà giám đốc lại có thể nhất trí với cô được? Liệu một người đẹp trai một cách quyến rũ như vậy, nói tiếng Anh với kiểu trọng âm Pháp mê hồn như vậy lại có thể nhầm lẫn? Bà giám đốc nhìn anh chàng người Bỉ đang thao thao những điều nhảm nhí qua những tưởng tượng màu mè như nhìn một gã kẻng trai đang sắp sửa cởi bỏ quần áo. Một trường hợp nặng của mãn kinh. Nhưng biết làm sao được, sự cám dỗ chắc chắn đáng, theo bà giám đốc, với đồng tiền bát gạo của các cổ đông. Ngoài ra, bao giờ cũng có thể thuyết phục những người Eskimo rằng có thể tắm nắng cả trong đêm dài bắc cực. Trong những tia bức xạ vũ trụ. Và chắc chắn mấy thứ kem kia sẽ có ích cho họ.
Sau Jean là đến lượt cô. Bà giám đốc thậm chí không chờ cho đến lúc phần trình bày của cô kết thúc. Bà ta đi ra, cô thư ký gọi bà ra nghe điện thoại. Bằng cách đó, tất cả mọi người hiểu rằng không cần phải nghe cô. Họ đồng loạt cúi đầu trên bàn phím của những chiếc máy tính xách tay và lo vào mạng. Thực ra thì cô có thể đọc thơ hoặc kể chuyện tiếu lâm bằng tiếng Ba Lan - đằng nào thì họ cũng chẳng để ý đến chuyện đó. Chỉ có anh chàng người Bỉ, khi cô kết thúc phần trình bày của mình, anh ta đứng trước mặt cô và nói với nụ cười xoa dịu:
- Chị là một kỹ sư đẹp nhất mà tôi từng biết. Thậm chí nếu chị không có lý thì tôi vẫn hồi hộp nghe chị nói với sự tập trung cao độ nhất.
Khi cô với cái túi để chỉ cho anh ta những tính toán của mình, anh ta nói thêm:
- Chị có thể khiến tôi tâm phục khẩu phục vào buổi tối nay tại quầy bar trong khách sạn của chúng ta được không? Vào khoảng mười giờ chẳng hạn?
Cô nhận lời không đắn đo. Thậm chí cô không thử gây khó dễ bằng bất cứ một lý do bịa đặt nào kiểu như tối nay cô rất bận. Tất cả những gì chính thức có thể làm vào buổi tối thì đã được làm. Tàu đi Warszawa sáng mai cô mới có, lúc gần trưa. Hơn nữa cô cũng muốn cho dù chỉ một lần gặp tay người Bỉ này mà không có bà giám đốc Berlin của họ.
Lúc này, ở đây, trong quầy bar của khách sạn, cô mừgn vì ban sáng đã không phản đối quá quyết liệt về vấn đề trong dự án này. Anh chàng người Bỉ quả rất hấp dẫn. Rõ là anh ta thường xuyên lui tới khách sạn này. Anh ta nói với người chạy bàn bằng tiếng Pháp - hệ thống khách sạn Mercure mà công ty theo thông lệ vẫn thường đặt chỗ cho họ, là của người Pháp nên nhân viên nói bằng tiếng Pháp - và thấy rõ là họ có vẻ thân thiết với nhau.
Bây giờ, khi dự án được hoãn đến năm tới thì cô sẽ có cơ hội để gặp anh ta thường xuyên hơn. Cô thích anh ta. Cô nghĩ đến điều này khi nhìn anh ta gọi thêm đồ uống. Khi người chạy bàn mang đến những cái cốc đầy bọt màu tùng lam mà cô chưa hề nhìn thấy và những cái tên Pháp kỳ cục, anh chàng người Bỉ ghé mặt sát vào mặt cô.
- Lâu lắm rồi tôi không bắt đầu ngày chủ nhật với một người hấp dẫn như thế này. Đã quá nửa đêm. Chúng ta đang có ngày ba mươi tháng tư - anh ta nói rồi chạm nhẹ cái cốc vào tay cô và môi anh chạm nhẹ lên tóc cô.
Như có một luồng điện chạy qua. Đã từ lâu cố không có cái cảm giác tò mò muốn biết cái gì sẽ đến tiếp theo. Cô có nên để anh cho tóc cô vào miệng? Cô có quyền được tò mò như vậy không? Cô thực sự muốn điều gì xảy ra tiếp theo đây? Cô, vợ của một người đàn ông đẹp trai mà tất cả các cô bạn của cô phải ghen tị. Cô có thể đẩy xa hơn bao nhiêu, để cảm thấy một cái gì đó nhiều hơn sự run rẩy đã bị quên lãng từ lâu này, khi lại có một người đàn ông hôn lên tóc cô mà mắt thì khép lại? Chồng cô đã từ lâu rồi không hôn tóc cô và... có thể biết trước là sẽ thật kinh khủng.
Thời gian gần đây cô rất hay nghĩ đến điều này. Nói chung là không cảm thấy yên tâm lắm. Không, không phải mọi cái đã trở nên nhàm chán. Không đến mức như vậy. Nhưng đã không còn cái háo hức ấy nữa. Anh nhao nhác đâu đó trong cái thường nhật. Mọi cái đã nguội lạnh. Thỉnh thoảng lại được hâm nóng lên chốc lát. Vào đêm đầu tiên khi cô hoặc anh trở về sau một chuyến đi dài, sau những giọt nước mắt và cuộc cãi lộn mà họ quyết định chấm dứt ở trên giường, sau khi đã uống rượu hoặc sau những chiếc lá thơm được đốt trong các bữa tiệc, trong một đợt đi nghỉ trên những chiếc giường lạ, những sàn nhà lạ, cạnh những bức tường lạ hoặc những chiếc ô tô lạ.
Chuyện đó thường xảy ra. Cứ cho là vẫn có. Nhưng thiếu sự hoang dại ấy. Sự hờn dỗi của thuở ban đầu ấy. Sự không bão hoà ấy. Cái đói ấy, cái đói mà chỉ cần nghĩ tới nó là máu đã sục sôi chảy xuống phía dưới như điên và cái ướt xuất hiện như được triệu tập. Không! Điều này đã không có từ lâu rồi. Cả sau những ly vang, cả sau những chiếc lá thơm, thậm chí cả ở bãi đỗ xe bên đường cao tốc mà anh đến đó vào một đêm khi họ trở về từ một bữa tiệc nào đó và không để ý rằng họ đi quá nhanh, cô đã cúi đầu - do tác dụng như thế nào đó của âm nhạc phát ra từ chiếc radio - dưới tay anh đang cầm vôlăng và cởi thắt lưng quần anh.
Điều đó chắc chắn là do sự sở hữu ấy. Tất cả đều ở trong tầm tay. Chẳng cần phải vận động vì bất cứ cái gì. Biết từng sợi tóc của nhanh, từng mùi có thể có, từng vị có thể có của da thịt, khô hay ẩm. Biết mọi ngóc ngách của cơ thể nhau, nghe thấy từng hơi thở, đoán trước mọi phản ứng và đã từ lâu rồi tin vào mọi lời tỏ tình. Một số điều đôi khi lặp lại. Nhưng đã không còn gây ấn tượng. Đơn giản là chúng nằm trong kịch bản.
Gần đây cô thấy như đối với chồng cô, "chuyện ấy" cùng với cô mang trạng thái - làm sao mà ý nghĩ như vậy lại chui vào đầu cô được nhỉ?! - của một buổi đọc kinh. Đơn giản là anh lắp ráp, không phân vân trước bất cứ chuyện gì và thế là được yên thân suốt cả tuần.
Hay là ai cũng thế? Liệu có thể đòi hỏi một cái gì đó hoang dại khi đã biết nhau từ bao nhiêu năm nay và khi nhìn thấy anh quát tháo, nôn mửa, ngáy, đi tiểu và để lại cái bồn cầu dơ bẩn?
Hay điều đó không đến nỗi quan trọng như vậy? Có thể nó chỉ cần thiết cho thời gian đầu? Có thể quan trọng nhất không phải là muốn cùng ai lên giường, mà là muốn sáng mai cùng ai dậy và pha trà cho nhau?
- Tôi đã làm điều gì không phải chăng? - Jean bứt cô ra khỏi dòng suy nghĩ.
- Tôi chưa thể biết được - cô trả lời với nụ cười gượng gạo - Xin lỗi anh, tôi ra ngoài một lát sẽ quay lại ngay.
Trong phòng vệ sinh, cô lấy thỏi son từ ví xách tay ra. Nhìn vào gương và nói với chính mình:
- Ngày mai mày còn có cả một chặng đường dài trước mắt đấy.
Cô tô lại môi.
- Và mày còn có cả chồng nữa - cô nói thêm, tay dứ dứ vào hình ảnh trong gương.
Cô ra khỏi toilet. Đi qua lễ tân, cô nghe thấy một người đàn ông nào đó, đứng quay lưng lại phía cô, đang đánh vần tên cho người trực:
- J-a-k-u-b...
Cô không còn thấy tò mò điều gì "sẽ xảy ra tiếp theo" nữa. Cô nhớ chồng. Cô đi đến quầy bar, chỗ người đàn ông đang chờ mình. Cô kiễng chân và hôn lên má anh ta.
- Anh đã không làm điều gì không phải cả. Ngược lại là đằng khác.
Cô lấy từ trong ví xách tay ra tấm danh thiếp và ấn mạnh mặt trái không có chữ lên đôi môi bóng vì vừa được tô lại. Cô để tấm danh thiếp lên mặt quầy bar, cạnh cái cốc của mình còn đầy cái thứ nước màu tùng lam.
- Chúc ngủ ngon - cô khẽ nói.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 28-12-2007, 00:25  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

ANH: Người lái chiếc xe taxi đến ga Berlin Lichtenberg vắng vẻ là một người Ba Lan. Phải đến 30% số lái xe taxi là người Ba Lan.
- Anh đưa tôi đến khách sạn nào có quầy bar, ở gần ga Berlin ZOO và kha khá một tí.
- Thế thì quá dễ ở cái thành phố này - người lái taxi cười vang.
Anh đăng ký ở khách sạn. Trước khi rời khỏi quầy lễ tân anh hỏi:
- Anh có thể gọi tôi dậy một tiếng rưỡi trước lúc chuyến tàu đầu tiên từ ga Berlin ZOO đi Warszawa khởi hành được không?
Người thanh niên trực ở lễ tân ngẩng đầu khỏi đống giấy tờ gì đó và nhìn anh, không hiểu.
- Sao cơ ạ... Một tiếng rưỡi? Tàu nào ạ? Nghĩa là lúc mấy giờ?
Anh điềm đạm trả lời:
- Anh thấy đấy, tự tôi cũng không biết chính xác. Nhưng các anh đã viết rất cảm động trong quảng cáo của khách sạn - anh chỉ vào tờ quảng cáo nằm cạnh hộ chiếu của anh - rằng Mercure không chỉ là mái nhà bình yên trên đầu bạn trong chuyến đi, nó còn là chuyến đi. Vậy anh hãy gọi điện ra ga, hỏi xem mấy giờ có tàu đi Warszawa và gọi tôi dậy chính xác chín mươi phút trước giờ tàu chạy. Tôi cũng rất cám ơn nếu anh đặt trước hộ taxi. Tôi muốn ra ga một tiếng trước giờ tàu chạy.
- Vâng, tất nhiên... - người trực lễ tân bối rối trả lời.
- Anh cho phép tôi chưa lên phòng mà gửi đồ ở đây chứ. Bây giờ tôi muốn tiêu thật nhiều tiền trong quầy bar của các anh. Anh sẽ trông coi để hành lý của tôi được an toàn trong thời gian đó, phải không?
Không đợi câu trả lời, anh đặt cái túi da đựng laptop lên vali rồi đi về phía cửa có tiếng nhạc phát ra từ đó.
Tiếng nhạc êm dịu phát ra từ những chiếc loa tròn gắn trên trần của gian phòng ồn ào. Natalie Cole hát về tình yêu. Anh nhìn quanh. Chỉ có một cái bàn nhỏ hình elip nhô cao cạnh quầy bar là còn trống. Lúc đến đó, nhìn thấy chiếc cốc đang uống dở, anh thất vọng. Anh định đi vì cho rằng chỗ đó đã có người ngồi. Đúng lúc đó người đàn ông ngồi bàn bên ngoảnh lại và nói bằng tiếng Anh:
- Chỗ đó rất tiếc là đã trống rồi. Anh có thể ngồi nếu muốn. - Và anh ta nhìn anh cười, nói thêm - Đó là một chỗ tốt đấy. Người chạy bàn rất hay đến đây.
Anh ngồi và cảm thấy ngay có mùi nước hoa tinh tế. Lancôme? Biagioti? Anh nhắm mắt lại. Có lẽ là Biagioti.
Từ lâu anh đã thích mùi nước hoa. Chúng như một bức thông điệp mà người ta muốn truyền đạt. Mà không cần đến bất cứ một ngôn ngữ nào. Có thể là người khiếm thính, có thể từ một nền văn hoá khác mà vẫn hiểu được thông điệp ấy. Trong nước hoa có một thành phần nào đó bí ẩn và phi lý. Chanel No5, L Air du Temps hay Poeme giống như bài thơ khi người ta mang nó trên mình. Một số loại thì sexy một cách không chuẩn. Chúng buộc người ta phải ngắm, thậm chí thèm muốn người phụ nữ dùng chúng. Anh nhớ hồi anh đến thăm Prado hai năm trước đây. Có một phụ nữ đội mũ đen đi qua anh và đã phủ lên người anh một mùi huyền bí. Anh nhớ đến El Greco, Goi và những loại khác. Anh đi theo người phụ nữ đó. Lúc này anh nghĩ rằng anh cũng sẽ sẵn lòng đi theo người phụ nữ ngồi ở đây lúc nãy và đã để lại mùi của mình.
Anh nghiêng người, tỳ khuỷu tay lên bàn để người chạy bàn mà anh nghe nói là rất hay đến chỗ này chú ý. Lúc đó anh để ý thấy tấm danh thiếp để cạnh cái cốc. Hình đôi môi in rõ trên mặt giấy trắng. Môi dưới rõ ràng là dầy hơn, một hình cung quả quyết của môi trên. Một cái miệng tuyệt đẹp. Natalia có cái miệng đúng như thế này. Anh đưa tấm các lên mũi. Chắc chắn là Biagioti! Nó phải là của người phụ nữ đã ngồi đây vài phút trước. Anh quyết định xác minh xem nó là của ai. Anh lật mặt kia của tấm các lên vừa lúc nghe thấy:
- Xin lỗi anh, nhưng tấm các này là để cho tôi.
- Ồ, tất nhiên rồi. Tôi đang định hỏi anh - anh nói dối và đưa tấm các cho người đàn ông.
Anh đã chậm chân. Anh không biết được tấm các đó là của ai. Người đàn ông cầm tấm các, cất vào túi áo comple, để tiền boa cho người chạy bàn dưới cái ly cà phê rồi đi ra không nói một lời.
- Một chai proseco thật lạnh. Và xì gà. Loại đắt nhất mà anh có - anh nói với người chạy bàn vừa xuất hiện trước mặt.
Mẹ anh cũng có cái miệng như thế. Nhưng tất cả mọi cái của mẹ đều đẹp.
Cái ngày vừa trôi qua, và mấy giờ đồng hồ này theo một nghĩa nào đấy là thuộc về mẹ anh. Và hoàn toàn không phải vì trong ngày sinh của mình, anh đã nghĩ về việc mẹ đã sinh ra anh như thế nào.
Sáng qua anh bay từ Seatle đến Berlin chỉ cốt để cuối cùng được nhìn thấy nơi mà mẹ anh đã ra đời. Thời gian gần đây tiểu sử của bà hấp dẫn anh như một cuốn tiểu thuyết mà anh được tham dự vào một vài chương quan trọng nhất trong đó. Nhất thiết anh phải biết những chương đầu này.
Mẹ anh ra đời ở cách ga Berlin Lichtenberg không xa, trong một nhà thương làm phúc. Ông ngoại trong cơn sức cùng lực kiệt đã đưa vợ đến Berlin với hy vọng là ở đó sẽ tốt hơn cho họ. Bây giờ họ gọi thế nào nhỉ? Dân di tản kinh tế. Vâng. Chính thế. Một tuần sau khi đến Berlin thì bà ngoại đẻ mẹ anh. Trong nhà thương làm phúc. Họ chỉ đưa đến đó những người đẻ rơi ngoài đường. Những người không có tiền. Hôm qua anh đã đến khu nhà ấy. Bây giờ ở đó là một nhà hát thử nghiệm Thổ Nhĩ Kỳ nào đấy.
Sau ba tháng họ quay về Ba Lan. Họ không thể sống ở Đức được. Nhưng chẳng ảnh hưởng gì hết, vì chỉ có ba tháng. Trong giấy khai sinh, sẽ còn lại mãi mãi cái xác nhận lịch sử này: nơi sinh - Berlin. Theo cái cách đơn giản ấy, mẹ anh đã trở thành người Đức. Nhờ đó mà bây giờ anh có hộ chiếu Đức và có thể bay đến Seatle không cần visa. Nhưng dẫu thế anh vẫn bay với hai hộ chiếu. Có lần quên hộ chiếu Ba Lan, anh cảm thấy mình như kẻ không quốc gia.
Bởi anh chỉ có thể là người Ba Lan.
Người chạy bàn mang đến chai proseco xanh thẫm, một cái cốc bạc, xì gà Cu Ba và cái xén giấy nhỏ. Anh châm xì gà và mở chai rượu. Ly đầu tiên anh uống một hơi. Xì gà thật tuyệt. Đã lâu anh không được hút loại xì gà ngon như thế. Từ cái lần ở Dublin. Nhiều năm trước đây.
Anh không thể thôi nghĩ về cuộc đi dạo hôm qua vào quá khứ của mẹ. Bởi tính "Đức" ở bà không chỉ là nhà thương làm phúc ở Berlin thời trước chiến tranh và không chỉ là sự ghi chép ấy trong giấy khai sinh của bà. Nó phức tạp hơn nhiều. Giống như tiểu sử của bà.
Anh sinh vào một ngày ba mươi tháng tư nào đấy, là đứa con thứ ba của người chồng thứ ba của mẹ anh. Trùng vào ngày Jakub. Mọi người đều nghĩ rằng chính vì vậy mà anh có tên là Jakub. Nhưng lại không phải thế. Jakub là tên của người chồng thứ hai của mẹ anh. Một nghệ sĩ Ba Lan, mà năm 1944 trở thành người Đức chỉ vì ông được sinh ra quá về phía tây mất mười hai cây số, mà ở Stalingrad các phòng tuyến cần phải đủ quân. Hồi đó những người Đức đích thực biến tất cả thành ít "Đức" hơn. Ngay sau đó tất nhiên họ sẽ biến những người này thành lính Đức. Khi đó tất cả đều trở thành lính Đức. Những người tàn tật, những người bị tâm thần, bị lao. Thời kỳ đó, tất cả đều có thể và đều phải vào quân đội. Người chồng thứ hai của mẹ không biết điều đó. Ông không thể hình dung cuộc sống mà lại thiếu mẹ anh. Do đó mà trước đợt khám sức khoẻ, đầu tiên ông chủ ý làm cho mồ hôi vã ra rồi chạy chân không trên tuyết ngoài công viên vào ban đêm - ông hy vọng rằng mình sẽ bị lao. Ông lao thật. Nhưng kể cả như thế ông vẫn bị lấy ra mặt trận.
Sau chiến tranh họ không bao giờ tìm thấy nhau. Thậm chí cả tình yêu lớn cũng không giúp được họ. Khi đã thoát khỏi nỗi nhớ và tin rằng chiến tranh đã cướp đi của mình người chồng và rằng đơn giản phải như vậy, thì trong cuộc đời bà xuất hiện cha anh, cha của Jakub. Dong dỏng, đẹp đến mê hồn, một người Ba Lan một trăm phần trăm theo kiểu Stutthop. Bà mang quốc tịch Đức, ông sau ba năm ở trại. Ông bố không bao giờ để anh cảm thấy là ông căm thù người Đức. Cho dù ông rất căm thù. Kể cũng hay, không biết ông có tha thứ cho anh vì tội sống ở Đức không?
Cha mẹ anh là một dẫn chứng tốt nhất về vấn đề sự phân chia Ba Lan-Đức chỉ là một thoả thuận của những nhà sử học đã thành công trong việc thuyết phục cả dân tộc. Thực ra thì toàn bộ lịch sử cũng chỉ là một bản thoả thuận. Nhất là đối với sự dối trá chung. Người ta thoả thuận rằng sẽ dạy chính về sự dối trá này chứ không phải sự dối trá khác trong nhà trường.
Anh lại thấy buồn. Quá đủ buồn cho ngày hôm nay rồi. Mà lại là sinh nhật anh. Anh lôi chai rượu từ cái bình đá bằng bạc ra. Tự rót cho mình một ly nữa. Hôm nay anh sẽ về nhà.
CÔ: Tất cả các chỗ trong các toa hạng nhất đã được bán hết. Cô đã sai lầm khi không mua khứ hồi ngay ở Warszawa. Người bán vé ở ga Berlin ZOO nói:
- Tôi chỉ còn mấy chỗ trống ở toa hạng hai. Tất cả đều dành cho người hút thuốc lá. Chị có lấy không?
Cái cảnh hơn chục giờ ngồi trong khoang tàu ngập khói thuốc khiến cô hãi hùng. Nhưng biết làm sao được?
Cô ngồi cạnh cửa sổ. Cùng chiều tàu chạy. Chỉ có mình cô trong khoang. Nửa tiếng nữa mới đến giờ tàu chạy. Cô lấy trong vali ra cuốn sách và cái kẹp với những tài liệu của cuộc gặp ở Berlin. Máy nghe đĩa, đĩa, pin dự trữ. Cô tháo giầy và cởi hai cúc của chân váy. Trong khoang đông dần. Loa truyền thanh thông báo đã đến giờ tàu chạy, mà trong khoang vẫn còn một chỗ trống. Tàu chuyển bánh, cửa khoang bỗng xịch mở. Cô ngẩng đầu khỏi cuốn sách và mắt họ gặp nhau. Cô cầm cự được ánh mắt anh. Chính anh phải cúi xuống. Trông anh lúc ấy như một cậu bé đang xấu hổ. Anh cho vali vào hốc sát trần. Bỏ máy tính từ cái túi da ra. Anh ngồi vào chỗ trống cạnh cửa. Cô cảm thấy anh nhìn mình. Liền xỏ chân vào giày. Cô phân vân, không biết anh có nhìn thấy mấy cái cúc ở chân váy bị mở ra không.
Một lúc sau anh đứng dậy. Lấy trong túi ra lon coca-cola ăn kiêng và ba cuốn tạp chí màu: Spiegla, Playboy và Wprost. Anh để chúng lên đùi. Cô không biết tại sao, nhưng việc anh là người Ba Lan khiến cô vui vui.
Anh cởi áo comple. Xắn ống tay chiếc sơ mi màu xám sẫm. Da rám nắng. Tóc anh rối bù như thể anh vừa từ giường chạy thẳng đến đây. Anh không cạo râu. Sơ mi hở cúc. Anh không trẻ, nhưng còn thanh niên. Từ lúc anh vào, cô hy vọng bây giờ sẽ không có ai hút thuốc. Anh bước vào, làm đầy khoang bằng mùi nước cạo râu của mình. Cô muốn được cảm nhận cái mùi này thật lâu.
Cô nhìn trộm anh qua kính. Anh bắt đầu đọc. Cô cũng quay lại với cuốn sách của mình. Đến một lúc cô cảm thấy không yên tâm. Cô ngẩng đầu. Anh đang nhìn cô. Đôi mắt xanh, buồn và mệt mỏi. Tay phải chạm lên môi và nhìn cô như xuyên thấu. Cô thấy ấm áp lạ lùng. Cô cười với anh.
Anh bỏ báo và với lấy máy tính. Hành khách trong khoang nhìn anh tò mò. Anh lấy điện thoại di động từ túi áo comple, sau đó cúi về phía trước và cắm điện thoại vào một cái ổ đặc biệt ở phía sau máy tính. Có thể không phải tất cả mọi người trong khoang đều hiểu lúc này anh muốn làm gì, nhưng cô thì biết là anh nối mạng.
Lúc đầu cô nghĩ là cái mà anh làm, ở đây, trên tàu và ngay khi vừa rời khỏi Berlin là để khoe khoang và thể hiện, nhưng khi ngắm kỹ anh chăm chú nhìn lên màn hình thì cô nghĩ rằng đó... rằng anh không phải là người khoe khoang và muốn thể hiện.
Cô luồn tay dưới áo và thận trọng cài lại cúc váy. Cô vuốt lại tóc và ngồi thẳng người lại trên ghế.


Chú thích:

Methadone: một loại thuốc ngủ
Xêmapho: cột đèn tín hiệu xe lửa



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 28-12-2007, 00:28  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 1 (B):

ANH: Nếu ở Đức anh có thể trông cậy vào một ai đó, thì đó là chị tạp vụ người Croatia.
Đương nhiên là chẳng có ai đánh thức anh dậy trước khi chuyến tàu đi Warszawa khởi hành chín mươi phút. Thậm chí chẳng có ai để mà nói rằng đây hoàn toàn là một xì-căng-đan trong cái khách sạn giá 300 đô một đêm này. Tay trực đêm đã không ngồi ở lễ tân từ đời nào, còn cô gái tóc vàng thay ca cho gã kia thì không có vẻ gì là biết Warszawa nằm ở chỗ nào trên bản đồ.
Chị tạp vụ đã làm anh thức giấc, vì cho rằng phòng trống nên định vào để dọn trong lúc anh vẫn đang ngủ. Anh không biết mấy giờ thì có tàu đi Warszawa, nhưng khi biết là đã mười một giờ kém năm thì anh cảm thấy mình không còn nhiều thời gian.
Anh không để ý là chị tạp vụ vẫn đang đứng đấy. Anh nhẩy ra khỏi giường trần như nhộng, vội kêu lên: "Ôi, mẹ kiếp!" và vội vàng mặc quần áo. Vì chị tạp vụ là người Croatia nên rất hiểu "ôi, mẹ kiếp" và khi anh nhét vào túi tất cả mọi thứ để trên giá trong phòng tắm thì chị cho vào vali tất cả những thứ trên bàn ngủ và cạnh TV. Sau vài phút anh chạy ra khỏi phòng. Động tác đầu tiên là anh chạy đến lễ tân nhưng may mắn là tay trực không có ở đấy. Khi hiểu được là cô gái tóc vàng chẳng hiểu mô tê gì, anh thậm chí không cả trả tiền. Họ có số thẻ tín dụng của anh. Hơn nữa có thể vào mạng và trả tiền ngay ở trên tàu. Thẻ của Amercan Express mà công ty làm cho anh cho phép làm điều đó.
Cả dãy taxi đứng chờ trước khách sạn. Người lái taxi thích ứng ngay với tình huống: trong vòng mười phút họ đã có mặt ở ga. Anh không mua vé. Anh chạy ra sân ga và lên luôn toa đứng ngay gần lối từ đường ngầm lên. Anh đã kịp. Tàu chuyển bánh. Anh mở cửa của khoang đầu tiên từ ngoài vào.
Cô ngồi cạnh cửa sổ. Với cuốn sách trên đùi. Cô có cái miệng giống như cái đã in hình lên tấm các trong quầy bar. Tóc buộc lại ở phía sau. Trán cao. Cô rất đẹp.
Anh lấy cái chỗ duy nhất còn trống. Tất nhiên là anh không có giấy đặt chỗ trước. Không quan trọng. Khi nào người soát vé đến, anh sẽ giải quyết việc này. Nhìn tờ giấy dán trên cửa khoang anh biết đằng nào thì những chỗ này cũng phải đến Frankfurt trên Odra mới có khách lên.
Anh lấy báo. Kiốt trong khách sạn bán cả tạp chí Ba Lan! Bên cạnh các tạp chí Pháp, Mỹ, Anh và Ý. Có được Wyborcza (1) hàng ngày như Paris Soir trong kiốt của khách sạn ở trung tâm Berlin còn quan trọng hơn gấp nghìn lần tất cả các quảng cáo về "sự sẵn sàng gia nhập châu Âu của Ba Lan".
Đến một lúc anh không thể giữ mình được nữa. Anh ngẩng lên và bắt đầu ngắm nhìn cô. Ngoài môi, cô không trang điểm thêm một chút nào nữa. Cô đọc, chốc chốc lại sờ vào tai. Bàn tay cô thật quyến rũ. Mỗi khi cô lật trang sách, có cảm giác như chỉ có những ngón tay dài của cô chạm khẽ vào chúng.
Cô ngẩng đầu và cười với anh. Lần này thì anh không xấu hổ nữa. Anh cười lại.
Anh không có hứng thú đọc tiếp nữa. Anh nối điện thoại với máy tính và khởi động chương trình thư điện tử. Anh lần lượt lướt qua toàn bộ quy trình định dạng. Modem ở điện thoại di động có lẽ là loại modem chậm nhất hiện có. Anh luôn tự hỏi, không hiểu tại sao. Bao giờ trở lại Munich, anh sẽ kiểm tra điều này.
Trong hộp thư của anh trong máy tính của Viện ở Munich chỉ có một e-mail. Địa chỉ đề tên miền một ngân hàng nào đấy ở Anh quốc.
Lại một quảng cáo nào đó - anh nghĩ bụng.
Anh muốn xoá ngay, nhưng phần đầu của địa chỉ lại khiến anh chú ý: Jennyfer@. Trong ký ức của anh, cái tên này vang lên như âm nhạc. Anh quyết định đọc.
Camberley, Surrey, England, 29 tháng tư
Anh là J.L, phải không???!!!
Từ trang web của Anh suy ra như vậy. Tôi đã lang thang trên đó suốt cả trưa nay ở nơi làm việc trong ngân hàng. Thay vì phải vào trang chứng khoán London và làm việc, vì việc đó mà ở đây người ta trả tôi không tồi, thì tôi lại đọc hết dòng này đến dòng khác trên trang của Anh. Sau đó tôi đi taxi đến hiệu sách ở trung tâm Camberley để mua từ điển Ba Lan-Anh. Tôi đã lấy cuốn dầy nhất mà họ có. Tôi muốn hiểu được cả những đoạn bằng tiếng Ba Lan được đăng trên trang này. Không hiểu được tất cả, nhưng tôi cảm nhận được không khí. Một không khí như vậy chỉ có J.L. mới có thể tạo ra được, vậy chắc chắn phải là Anh.
Hết giờ làm việc, tôi đến quán bar Club 54 yêu thích của mình ở gần ga và uống say. Tôi đang nhịn ăn ở ngày thứ tư, mỗi năm hai lần tôi tự "làm sạch" bằng cách nhịn đói một tuần. Anh có biết là khi đã trải qua ba ngày đầu tiên nhịn đói hoàn toàn, anh sẽ rơi vào trạng thái hôn mê kỳ lạ? Cơ thể anh không phải tiêu hóa bất cứ một thứ gì. Đến lúc ấy anh mới thấy rằng quá trình tiêu hoá cướp mất của anh cái gì. Anh bỗng có rất nhiều năng lượng. Anh sống như trong cơn say nhẹ. Anh trở nên sáng tạo, hưng phấn, tất cả các giác quan trở nên sắc nhạy hơn và mạnh mẽ hơn. Tri giác của anh như một miếng bọt biển khô, sẵn sàng thẩm thấu tất cả những gì ở gần. Khi ấy người ta viết nên những vần thơ đẹp, nghĩ ra những lý thuyết khoa học mang tính cách mạng, điêu khắc và vẽ theo cách khiêu khích và tiên phong, cả mua chứng khoán với xác suất thành công không thể tưởng tượng nổi. Điều cuối cùng này thì tôi có thể khẳng định chắc chắn. Ngoài ra Bach trong cơn "đói" là... từ, thế nào nhỉ... Là như được chính Mozart thể hiện.
Song trạng thái ấy chỉ đạt được khi người ta đã vật lộn trong hai hoặc ba ngày đầu "trong sự dầy vò". Hai hoặc ba ngày ấy, là cả một cuộc chiến đấu không ngừng với cái đói. Tôi thậm chí đã thức giấc vào ban đêm vì đói. Nhưng tôi đã vượt qua được tất cả những cái đó và sáng nay bắt đầu cảm nhận cái say say của sự "không tiêu hoá". Và trong trạng thái say say ấy tôi đã gặp trang web của Anh. Không thể có khoảnh khắc nào tốt hơn được nữa.
Và tất cả mọi cái khác trở nên ít quan trọng hơn.
Thực ra thì tôi chưa thực sự ngừng nhịn ăn. Bởi tôi không hề ăn gì trong quán bar ấy. Mà chỉ uống. Chủ yếu là vì những kỷ niệm. Anh hãy đừng bao giờ uống - thậm chí đó có là bloody mary ngon như họ mời trong Club 54, và anh có những kỷ niệm đẹp nhất - vào ngày thứ năm của đợt nhịn ăn. Anh hãy ăn một chút gì đó trước đấy.
Sau đó tôi về nhà và viết bức e-mail này. Như một trang nhật ký của một phụ nữ đói (ba ngày không ăn), say (hai bloody mary và bốn guinnessy) sau những biến chuyển (mười hai năm tiểu sử).
Vì vậy mà tôi mong Anh hãy ứng xử với nó một cách nghiêm túc.
Tái bút: "Đảo" trong thư này - nếu Anh quên - là Đảo Wigh của tôi. Một chấm nhỏ tí trên bản đồ giữa Pháp và Anh trên kênh La Manche. Nơi tôi ra đời.
--------------------
(1) Một trong những tờ báo có nhiều độc giả nhất ở Ba Lan



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 28-12-2007, 00:29  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

J.L. thân mến,
Anh có biết rằng tôi đã viết bức thư này ít nhất là 1000 lần rồi không?
Tôi viết nó trong ý nghĩ, tôi viết nó trên cát ngoài bãi biển, tôi viết nó trên loại giấy tốt nhất mà tôi có thể mua được ở Vương quốc Anh, tôi viết nó lên đùi mình bằng bút bi. Tôi viết nó lên vỏ những đĩa nhạc Chopin.
Tôi đã viết nó không biết bao nhiêu lần...
Chưa bao giờ tôi gửi nó đi. Suốt 12 năm gần đây - bởi gần như đúng 12 năm trước đây - tôi đã không gửi ít nhất một nghìn bức thư cho ANH ẤY.
Bởi đây hoàn toàn không phải là thư gửi cho Anh. Đây là thư gửi cho L.Jot. Bởi tôi đảo lại các chữ cái của tên anh ấy, nối chúng lại và gọi là Eljot.
Thực ra anh là J.L., nhưng Anh biết anh ấy. Biết như không một ai biết được như thế. Hãy hứa với tôi là anh sẽ kể lại với anh ấy những gì tôi viết. Anh sẽ kể phải không?
Bởi Eljot là quãng nghỉ giữa hồi thứ nhất và hồi thứ hai của một vở opera. Khi đó tôi uống loại champagne ngon nhất mà họ có ở quầy. Nếu tôi không thể làm được như thế thì tôi sẽ ngồi nhà và nghe đĩa. Anh ấy phải là thứ champagne ấy. Chỉ dành cho lúc giải lao. Phải dội vào đầu. Phải ngon và phải tạo được cái say say ấy cho hồi sau. Để âm nhạc đẹp hơn nữa.
Eljot là như vậy. Như loại champagne ngon nhất và đắt nhất trong quầy bar. Làm tôi ngây ngất. Sau đó cần phải có đợt giải lao thứ hai nữa. Còn sau đấy thì buổi hoà nhạc phải kết thúc. Và champagne cũng thế. Nhưng đã không như vậy. Lần đầu tiên trong đời, cái mà tôi nhớ nhất của cả buổi xem opera là đợt giải lao giữa hồi thứ nhất và hồi thứ hai. Cái quãng nghỉ ấy gần như không bao giờ kết thúc. Tôi nhận ra điều ấy sáng hôm nay, trong câu lạc bộ này. Chủ yếu là do các giác quan đã trở nên nhạy bén hơn vào ngày nhịn ăn thứ tư và sau cốc guiness thứ tư.
Tôi đã cùng với anh ấy trải qua 88 ngày và 16 giờ của đời tôi. Không một người đàn ông nào ít thời gian đến thế và cho tôi nhiều đến thế. Một người cùng với tôi được sáu tháng, mà không biết cách cho tôi cái mà tôi có được với Eljot chỉ sau sáu tiếng. Tôi đã cùng với người này vì tôi cho rằng "sáu giờ" của anh ấy rồi sẽ đến. Tôi đã chờ. Nhưng chúng không bao giờ đến. Vào một ngày nào đó, trong một cuộc đấu khẩu vô nghĩa, hắn bắt đầu gào lên:
- Cái thằng Ba Lan thổ tả ấy đã cho em cái gì nào, khi mà sau đấy em chẳng còn lại chút gì? Thậm chí chỉ một tấm ảnh còm - Còn khi hắn hân hoan nói thêm - Mà liệu gã ta có biết máy ảnh là cái gì không nhỉ?! - thì tôi đã lôi cái vali gần như rỗng tuếch mà hắn mang theo hồi đến chỗ tôi ra ngoài cửa.
Cái anh chàng "Ba Lan thổ tả" ấy đã cho tôi cái gì nhỉ? Đúng thế, cái gì?
Anh ấy cho tôi ví dụ như sự lạc quan này. Không bao giờ anh ấy nói về nỗi buồn, nhưng tôi biết anh ấy đang trải qua một nỗi buồn tột đỉnh. Sự lạc quan thấm đẫm vào anh. Với anh, mưa chỉ là một pha ngắn trước khi mặt trời mọc. Bất kỳ ai ở Dublin đều biết rằng ý nghĩ như vậy là ví dụ về một sự lạc quan tuyệt đối. Chính ở bên anh ấy tôi đã cho rằng có thể mang được những đồ không nhất thiết phải đen. Chính ở bên anh ấy tôi đã tin rằng cha tôi yêu mẹ tôi, chỉ có điều ông không biết thể hiện điều đó. Về điều này thì mẹ tôi thậm chí không bao giờ tin. Cả bác sĩ tâm lý của bà cũng không tin.
Anh ấy cho tôi ví dụ như cảm giác khi anh cho rằng chỉ một tí nữa thôi anh sẽ phát điên lên vì khao khát. Và anh lại biết rằng chắc chắn anh sẽ được toại nguyện. Anh ấy biết kể cho tôi nghe câu chuyện cổ tích về từng li trên cơ thể tôi. Có lẽ không có điểm nào mà anh ấy chưa chạm tới hoặc chưa nếm thử. Nếu có thời gian, có lẽ anh ấy sẽ hôn từng sợi tóc trên đầu tôi. Lần lượt từng cái một. Ở bên cạnh anh ấy, bao giờ tôi cũng muốn cởi thêm nữa. Tôi có cảm giác rằng có lẽ phải đến khi bác sĩ tháo vòng cho tôi thì tôi mới cảm thấy mình thực sự khoả thân.
Anh ấy chưa bao giờ tìm kiếm những điểm nhạy cảm trên cơ thể tôi. Anh ấy cho rằng phụ nữ là một điểm nhạy cảm như một thể thống nhất, còn từ cái thể thống nhất ấy thì não vẫn là điểm nhạy cảm nhất. Eljot đã nghe về cái điểm G nổi tiếng ở chỗ kín của chị em, nhưng anh ấy lại tìm nó trong não tôi. Và hầu như bao giờ cũng tìm thấy.
Tôi đã cùng anh ấy đi hết mỗi con đường. Anh ấy đã đưa tôi đến những điểm tội lỗi một cách tuyệt diệu biết bao. Với tôi, một số điểm giờ đây đã trở thành thiêng liêng. Đôi khi, chúng tôi yêu nhau trong tiếng nhạc Beethoven hoặc những vở opera, tôi tưởng như anh ấy không thể tình cảm hơn được nữa. Như thẻ anh ấy có hai trái tim thay vì hai lá phổi. Có thể thậm chí anh ấy có...
Anh đã cho tôi ví dụ như một cái túi chườm cao su nhỏ hình trái tim màu đỏ. Chỉ nhỉnh hơn bàn tay một chút. Ngọt. Chỉ anh ấy mới có thể tìm được một thứ như thế ở Dublin. Vì chỉ có anh ấy mới để ý đến những thứ như vậy. Anh biết rằng tôi có PMS (1) khủng khiếp, trước kỳ kinh còn tồi tệ hơn và rằng khi đó tôi là một mụ phù thuỷ tầm thường, ích kỷ, tàn nhẫn và bất công mà cái gì cũng làm phiền mụ ta. Thậm chí cả việc mặt trời mọc ở hướng đông và lặn ở hướng tây. Thế là vào một ngày nào đó, anh đi đến tận đầu kia của Dublin để mua nó. Đêm ấy, khi tôi bị đau quá, anh dậy đổ đầy nước nóng vào túi rồi đặt lên bụng tôi. Nhưng trước hết anh hôn vào chỗ ấy. Từng phân một. Chậm rãi, nhẹ nhàng và tình cảm đến không thể tin nổi. Sau đấy anh đặt cái túi lên bụng tôi và khi tôi sung sướng nhìn vào cái vật bé tí ấy, anh ấy bắt đầu hôn và mút những ngón chân tôi. Hết ngón này đến ngón khác. Hết bàn chân này sang bàn chân kia. Anh ấy cứ nhìn vào mắt tôi và hôn. Kể cả nếu anh không có PMS, anh vẫn có thể hình dung ra nó tuyệt vời như thế nào. Rất tiếc là tôi chỉ được cùng anh ấy có ba PMS và ba kỳ kinh.
Anh ấy đã cho tôi ví dụ cái tính tò mò trẻ con đối với thế giới. Anh ấy hỏi về tất cả. Đúng như một đứa trẻ có quyền hỏi. Anh ấy muốn biết. Anh ấy dạy tôi rằng "không biết" tức là "sống trong hiểm hoạ". Anh ấy quan tâm đến mọi thứ. Anh ấy lưu ý tới tất cả, anh ấy nghi ngờ tất cả và anh ấy có xu thế tin vào tất cả chỉ cần thuyết phục được anh ấy bằng các sự kiện. Tôi nhớ có lần anh ấy khiến tôi bị sốc khi hỏi:
- Em có nghĩ là Einstein thủ dâm không?
Anh ấy dạy tôi cần phải chịu khuất phục những mơ ước của mình khi chúng đến và đừng để bất kỳ cái gì đến ngày mai. Như cái lần trong một bữa tiệc tại ngôi nhà của một vị giáo sư đáng kính về gen học nọ, trong lúc đang diễn ra cuộc thảo luận rất quan trọng và buồn tẻ về "sự phụ thuộc về gen trong giao phối của động vật có vú" anh ấy bỗng đột ngột đứng dậy, đi đến chỗ tôi, cúi người - tất cả im lặng nhìn chúng tôi - và nói thầm:
- Ở tầng hai nhà này có một cái phòng tắm mà em chưa nhìn thấy bao giờ đâu. Nhìn em, anh không thể tập trung được trong cuộc hội thảo về tình dục học này. Bây giờ đi với anh lên đó đi.
Và nói thêm:
- Em có nghĩ đây là sự phụ thuộc vào gen không?
Tôi ngoan ngoãn đứng dậy, chúng tôi lên tầng trên. Không nói không rằng, anh áp tôi vào cái cánh cửa tủ có gương, cởi quần, tách hai chân tôi ra và... Và "sự phối giống phụ thuộc vào gen của động vật có vú" mang một ý nghĩa hoàn toàn khác, thật tuyệt vời. Mấy phút sau, khi chúng tôi quay xuống dưới và ngồi vào chỗ của mình, tất cả rơi vào im lặng một lúc. Chị em thì nhìn tôi như xuyên thấu, các ông thì châm thuốc hút.
Anh ấy cho tôi ví dụ như cảm giác rằng với anh ấy, tôi là người phụ nữ quan trọng nhất. Và rằng tất cả những gì tôi làm đều có ý nghĩa đối với anh ấy. Sáng nào cũng vậy, kể cả những hôm chúng tôi ngủ cùng nhau, anh ấy hôn tay tôi để chào buổi sáng. Anh mở mắt, kéo tay tôi từ chăn ra và hôn. Và nói: "Chúc em một ngày tốt lành". Bao giờ cũng bằng tiếng Ba Lan. Giống như anh ấy đã làm vào cái lần đầu tiên mà bọn tôi được giới thiệu với nhau.
Thỉnh thoảng, khi thức giấc vào ban đêm vì bị "tê liệt bởi một ý tưởng nào đấy" - anh ấy gọi thế - anh ấy khẽ ra khỏi giường và đi làm việc với các gen của mình. Đến sáng thì anh ấy về, rúc vào chăn để hôn tôi và nói "Chúc em một ngày tốt lành". Anh ấy ngây thơ nghĩ rằng tôi không biết điều đó. Tôi chú ý tới từng nanô giây không có anh ấy.
Anh ấy có thể chạy đến viện chỗ tôi làm việc để nói rằng anh ấy sẽ đến ăn tối chậm 10 phút. Để tôi khỏi lo. Anh hiểu chứ, cả 10 phút dài dằng dặc không tưởng tượng nổi ấy...
Anh ấy đã cho tôi ví dụ trong tám mươi tám ngày và mười sáu giờ ấy hơn năm mươi bông hồng nhung. Vì tôi thích nhất hồng nhung. Bông cuối cùng anh ấy cho tôi là vào cái giờ thứ mười sáu cuối cùng ấy. Ngay trước giờ bay, ở sân bay Dublin. Anh biết không, khi từ sân bay về, tôi cảm thấy bông hồng ấy là vật quan trọng nhất mà tôi nhận được từ bất kỳ ai cho tới lúc này của cuộc đời mình.
Anh ấy là người tình, nhưng cũng là người bạn thân thiết nhất của tôi. Những cái kiểu như thế này chỉ có thể xảy ra trong phim và chỉ trong những phim của California. Thế mà đã thực sự xảy ra với tôi ở Dublin đầy mưa này. Anh ấy cho tất cả những cái đó mà không hề muốn đòi lại chút gì. Tuyệt đối không. Không một lời hứa nào, không một điều hẹn ước nào, không một lời thề nào, rằng "chỉ anh ấy và không bao giờ một ai khác". Đơn giản là không gì cả. Đó là điểm yếu ghê gớm duy nhất của anh ấy. Với người đàn bà, không có nỗi đau nào lớn hơn là khi một người đàn ông vô cùng tốt, vô cùng yêu, không thể lặp lại nhưng lại không chờ đợi bất cứ một lời hứa hẹn nào. Đơn giản là anh ta ở đấy và làm cho bạn chắc chắn rằng đó là vĩnh cửu. Bạn chỉ sợ rằng sự vĩnh cửu ấy - không có tất cả những lời hứa chuẩn mẫu - sẽ ngắn.
Sự vĩnh cửu của tôi tồn tại tám mươi tám ngày và mười sáu giờ.
Từ giờ thứ mười bảy của ngày thứ tám mươi chín tôi bắt đầu chờ đợi anh ấy. Ngay từ lúc ở sân bay. Từ cửa ra máy bay anh ấy đi bằng xe buýt. Anh ấy thong thả bước lên cầu thang máy bay. Đến bậc cao nhất, ngay lối vào, anh ấy quay người về hướng sân dành cho người đưa tiễn nơi tôi đang đứng - anh ấy biết là tôi đứng ở đó - và đặt bàn tay phải lên ngực trái mình. Anh ấy đứng thế một lúc và nhìn về phía tôi. Sau đó anh ấy biến mất vào máy bay.
Tôi không nhìn thấy anh ấy thêm nữa.
Ba ngày đầu tiên của đợt nhịn ăn không là gì cả so với những gì mà tôi trải qua trong ba tháng đầu tiên sau khi anh ấy đi. Anh ấy không viết. Không gọi điện thoại. Tôi biết là máy bay đã đến Warszawa, vì sau một tuần bặt tin anh ấy, tôi đã gọi điện đến văn phòng LOT (hãng hàng không Ba Lan) ở London để hỏi.
Đơn giản là anh ấy đặt tay lên tim và biến khỏi cuộc đời tôi.
Tôi khổ sở như một đứa trẻ con bị người ta đưa đến trại trẻ và sau đó quên không đón. Tôi nhớ. Không thể tưởng tượng nổi. Vì yêu anh ấy, tôi không thể mong những điều tồi tệ đến với anh ấy nên tôi càng khổ sở hơn. Sau một thời gian nào đó, vì hận mà tôi thôi không nghe Chopin nữa. Sau đó, vì hận mà tôi vứt hết những đĩa opera mà chúng tôi đã cùng nghe. Sau đó, vì hận mà tôi căm thù tất cả những người Ba Lan. Trừ một người. Là anh ấy, đương nhiên. Bởi nói đúng ra là tôi không có khả năng trả thù.
Sau đó thì cha tôi bỏ mẹ tôi. Tôi buộc phải nghỉ học nửa năm để từ Dublin về Đảo giúp mẹ. Điều này đã giúp chính tôi nhiều hơn. Trên Đảo mọi cái đều đơn giản. Đảo đã đưa mọi cái về đúng chỗ của mình. Khi anh ra chỗ cái vách đá đã đứng ở đó từ tám ngàn năm nay, thì nhiều vấn đề mà người ta vẫn theo đuổi bởi với họ chúng là rất quan trọng, bỗng trở nên vô nghĩa.
Sáu tháng sau khi anh ấy đi, ngay trước lễ Giáng sinh, họ gửi đến Đảo cho tôi một gói thư gửi về địa chỉ của tôi ở Dublin. Trong số đó tôi tìm thấy một tờ giấy của Eljot. Tờ giấy duy nhất trong suốt mười hai năm. Trên một thứ giấy xoàng xĩnh của một khách sạn nào đó ở San Diego, anh ấy viết:
Điều duy nhất mà anh có thể làm để kéo dài sự chia ly này là biến mất hoàn toàn khỏi thế giới của em. Em không thể hạnh phúc khi ở đây với anh được. Còn anh sẽ không hạnh phúc nếu ở đó.
Chúng ta là từ một thế giới bị ngăn cách.
Thậm chí anh không xin em tha thứ. Cái mà anh làm không thể tha thứ được. Chỉ có thể quên đi mà thôi.
Mong em hãy quên.
Jakub.
TB: Bao giờ cũng vậy, nếu được ở Warszawa lâu lâu một chút, là anh lại đến Zelazowa Wola. Ở đó, anh ngồi trên ghế trong vườn và nghe nhạc. Đôi khi anh khóc.
Tôi không quên. Nhưng tờ giấy đó đã giúp tôi. Nếu thậm chí tôi có không đồng ý với điều đó, thì tôi cũng biết được anh ấy đã thoát khỏi cái đã có giữa chúng tôi như thế nào. Đó là một quyết định ích kỷ nhất mà tôi từng biết, nhưng ít ra tôi cũng biết rằng anh ấy đã quyết định một cái gì đó. Dẫu sao thì tôi cũng còn có được "đôi khi anh khóc" của anh ấy. Đàn bà sống bằng kỷ niệm. Còn đàn ông thì bằng những cái mà họ đã quên.
Tôi quay lại Dublin và tốt nghiệp đại học. Sau đó cha tôi quyết định là tôi sẽ điều hành công việc làm ăn của công ty gia đình trên Đảo. Tôi cầm cự được một năm. Tôi đảm bảo là cha tôi có chỉ số trí tuệ cảm xúc bằng không. Chỉ số IQ cao của ông chẳng thay đổi được gì ở đây. Để không đến mức hận ông đến xương tuỷ, tôi đã quyết định chạy khỏi Đảo.
Tôi đi London. Làm tiến sĩ về kinh tế tại Queens Mary College, học chơi piano, đi xem bale, tìm được việc ở một cơ quan chứng khoán, nghe opera. Đã không bao giờ có thêm cái đợt giải lao đã từng quan trọng hơn cả buổi biểu diễn ấy nữa. Và cả loại champagne như vậy cũng không.
Sau đó những người đàn ông đến một cách vô nghĩa. Với mỗi người tôi lại ít muốn gần gũi hơn với người tiếp theo. Đến mức, thỉnh thoảng khi tôi ở trên giường với họ và thậm chí cả khi họ hôn tôi "chỗ ấy, ở phía dưới" thì tôi "ở đây, ở phía trên" vẫn cứ thấy cô đơn. Bởi họ chỉ động chạm bề mặt biểu bì của môi tôi hoặc lưỡi tôi một cách cơ học. Còn Eljot... Eljot đơn giản là "ăn" tôi. Ăn ngon lành, cuống quýt như người ta ăn quả dâu tây đầu mùa. Đôi khi anh còn ngâm nó vào champagne nữa.
Tôi không thể yêu bất cứ ai trong số những người đàn ông chỉ có biểu bì ở trên môi.
Sau hai năm ở London tôi nhận thấy mình không có một người bạn gái thân nào và rằng phần lớn những cô bạn của tôi đều là đồng tình ái. Ngoài việc những thèm muốn của họ thật méo mó, họ còn có thể là đàn ông suốt đời. Tôi đã có may mắn gặp toàn người tốt. Nhạy cảm, tinh tế và biết lắng nghe khi bạn muốn được chia sẻ. Họ chẳng phải giả vờ cái gì hết. Nếu họ trả tiền cho bữa tối của bạn, thì không phải là để đảm bảo cho mình cái quyền được cởi đồ lót của bạn. Còn việc mà họ đeo khuyên tai? Đó chẳng phải là một sáng tạo sao - như một cô bạn cùng làm ở ngân hàng với tôi nói - chí ít thì bạn cũng được đảm bảo rằng hắn ta biết thế nào là đau, và hắn biết về đồ trang sức.
Sau đó mẹ tôi mất. Không ai biết chuyện đó đã xảy ra như thế nào. Khi đi phà từ Đảo đến Calais, bà đã bị ngã xuống nước. Xác của bà vẫn không tìm thấy. Nhưng lại tìm thấy trong một cái tráp nhỏ trong phòng ngủ của bà bản di chúc được viết đúng một tuần trước chuyến đi kia và chiếc nhẫn cưới bị cưa đôi bằng chiếc cưa kim loại.
Sau một khoảng thời gian nào đấy, nỗi buồn lớn đến mức tôi không thể chịu nổi vào sáng sớm, mỗi khi tỉnh dậy. Tôi mắc chứng trầm cảm. Thời gian đó tốt nhất đối với tôi là prozac (1). Một cái bảng nhỏ màu xanh-trắng với một cái gì đó rất huyền bí ở giữa. Tôi còn nhớ Eljot đã cố giải thích cho tôi về tác động huyền bí của prozac này. Anh giải thích nó như một nghệ thuật với những quân bài của một trò chơi. Quân bài là những rơ-le truyền dẫn thần kinh nào đấy trong khớp thần kinh. Tôi không hiểu hết. Nhưng tôi biết là nó có tác động. Bác sĩ tâm lý của tôi cũng biết điều đó.
Anh có biết là những người bị trầm cảm hay tự sát nhất là khi prozac bắt đầu hoạt động và họ là những người dễ điều trị nhất? Trong trạng thái trầm cảm thực sự, anh nhu nhược tới mức không cả muốn cắt mạch máu của mình nữa. Anh đi hoặc nằm như trong khối bê tông đang đông cứng. Khi prozac bắt đầu hoạt động, thì cuối cùng anh cũng có đủ sức để xoay xở được với cái lưỡi dao cạo và vào phòng tắm. Do đó mà những người đã rơi xuống đáy trong bệnh viện cần phải dùng prozac và tốt nhất là trói chặt họ vào giường. Để trong vài ngày, họ không thể một mình đi vào nhà tắm. Nhưng có thể đánh lừa sự cảnh giác của hộ lý và leo lên nóc bệnh viện.
Sau khi sử dụng prozac, bác sĩ tâm lý của tôi nói rằng tôi phải "tiến hành một chuyến đi thực tế để hồi tưởng" và đi Ba Lan. Đó là một thử nghiệm về tâm thần học phân tích cốt để rút ngắn thời gian nằm dài trên giường.
Đó là vào tháng năm. Tôi đến vào chủ nhật. Tôi đã có một chương trình "hồi tưởng bằng thực tế" cụ thể cho cả bẩy ngày: Warszawa, Zelazowa Wola (2), Krakow, Cswiecim. Song đó chỉ là chương trình. Ở Warszawa hầu như tôi chỉ ở một khách sạn gần một tượng đài lúc nào cũng có người đứng gác. Hàng sáng tôi gọi taxi đi Zelazowa Wola. Tôi ngồi ở cái ghế cạnh nhà, nghe Chopin.
Thỉnh thoảng tôi không khóc.
Ngày nào tôi cũng đến Zelazowa Wola. Trừ thứ năm. Hôm thứ năm, tôi đi taxi như mọi ngày, trong radio, ai đó nói đến tên anh ấy. Tôi bảo lái xe quay xe và đi Wroclaw.
Trong phòng hành chính của khoa, người ta phải mất cả giờ đồng hồ để tìm một người biết tiếng Anh. Và khi tìm thấy, thì một bà rất dễ thương nói với tôi là Eljot đã đi Đức và chắc chắn sẽ không về, vì "chẳng có ai dại gì mà quay lại."
Làm sao mà anh ấy có thể đi Đức được? Sau tất cả những gì người Đức đã làm với cha anh ấy ở trong trại?!
Cái bà dễ thương ở văn phòng khoa ấy không biết địa chỉ của anh ấy. Với lại tôi cũng không muốn có anh ấy. Chiều hôm đó tôi lại có mặt ở Warszawa. Bệnh trầm cảm của tôi đã ở lại phía sau. Bác sĩ tâm lý đã không có lý. Điều đó chẳng giúp gì được cho tôi.
Có thể anh biết, Eljot có quyền gì, có quyền thổ tả gì mà dám giả thiết rằng tôi sẽ không hạnh phúc ở đất nước này? Bởi sao? Bởi những ngôi nhà xám xịt, bởi trong các cửa hàng chỉ có mỗi dấm, bởi điện thoại không hoạt động, bởi không có giấy vệ sinh, bởi cốc uống soda được treo trên những sợi xích rỉ? Tại sao anh ấy không hỏi tôi thực sự cần gì trong cuộc đời? Bởi tôi nói chung là không gọi điện thoại, không uống soda, còn dấm thì tôi cho vào mọi đồ ăn, kể cả fish n chips.
Không! Anh ấy thậm chí không đến để hỏi tôi.
Anh ấy đặt tay lên một trong hai trái tim ấy rồi đi. Thế mà tôi thì có thể cùng với anh ấy đào giếng nếu chỗ mà anh ấy đưa tôi đến không có nước.
Sau đó, thậm chí cả cái thế giới tưởng như là chia cắt chúng tôi đã ngừng bị tách ra. Rồi đến cái thời, buổi tối đi ngủ, mà đêm đến một đất nước nào đó đã thay đổi hệ thống chính trị.
Đối với tôi áp suất ở London là quá lớn. Để có thể chịu nổi, cần phải được hàn kín. Không thế thì mọi thứ trong người anh sẽ bay đi sạch. Đó là vật lý đơn thuần. Tôi không biết cách làm mình kín được như vậy. Sẽ dễ hơn nếu có hai người để cùng "giữ cái nắp". Tôi không thể chỉ có một mình. Thậm chí cả khi để cho một ai đó ngủ cạnh mình, thì bao giờ cũng hoá ra là mình tôi phải giữ cả hai cái nắp. Ngoài ra, với tôi, khó hơn từ bản chất. Bởi tôi vốn dĩ là người nông thôn. Dublin không làm thay đổi điều đó. Đảo bao giờ cũng là một cái làng. Một cái làng trên vách đá. Một cái làng đẹp nhất mà tôi từng biết. Nhưng tôi không muốn quay về đó. Sau đó mới thấy rằng tôi tuyệt nhiên không phải quay về.
Có lần sau khi xem opera và sau bữa tối, cái bữa tối không là gì khác ngoài việc vừa ăn món trứng cá muối vừa chia nhau "phần lẻ" của một ngân hàng nhỏ giữa hai ngân hàng lớn, giám đốc của một trong hai ngân hàng lớn hỏi tôi có ở Notting Hill không - tôi nhận được giấy mời vì là một "người dự báo phân tích chứng khoán tin cậy của thế hệ trẻ", theo ngôn ngữ thông dụng của ngân hàng thì có nghĩa là tôi có bộ ngực to nhất của phòng ngân phiếu. Khi tôi vừa đùa vừa trả lời rằng tôi không đủ khả năng có nhà ở Notting Hill, thì ông ta cười, chỉ vào hàm răng trắng không thể tả được và nói rằng chắc chắn sẽ sớm thay đổi, còn bây giờ thì đằng nào cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì "bất kể chị ở đâu, tôi cũng sẽ luôn ở bên cạnh". Tôi hiểu điều này rất chính xác. Thậm chí tôi còn thích câu trả lời ấy. Thực ra ông ta là người Pháp, nhưng lại nói - đây là một ngoại lệ đặc biệt - tiếng Anh với trọng âm Mỹ. Ở ông tôi còn thích điều này nữa, tuy là một nhân vật quan trọng nhất trong toàn bộ lĩnh vực ngân hàng này, nhưng khác với tất cả những người khác, ông im lặng suốt buổi tối. Ngoài ra ông còn hôn tay tôi lúc gặp. Sau bữa tối, chúng tôi cùng đi ra.
Ông ở Park Lane Hotel. Ông bị vô sinh. Sau Eljot, không một người đàn ông nào tình cảm đến thế như ông vào cái tối hôm ấy. Buổi sáng khi tôi thức dậy trên giường của ông thì không thấy ông đâu. Một tuần sau ông hỏi, liệu tôi có muốn điều hành một "chi nhánh quan trọng về mặt chiến lược của ngân hàng chúng ta ở Notting Hill" không. Tôi không muốn. Sau bữa trưa tôi gọi điện cho ông để hỏi, liệu ông có một "chi nhánh nào đó quan trọng về mặt chiến lược" ở Surrey không. Surrey cũng như Đảo, nhưng ở trên đất liền. Tối hôm đó ông từ Lyon bay đến để nói với tôi trong bữa tối rằng "tất nhiên là có một chi nhánh như vậy, bắt đầu từ hôm nay". Uống xong ở quầy bar, chúng tôi về phòng ông ở Park Lane, ở đó có một máy nghe đĩa compact tốt nhất có thể mua được trong vòng vài giờ ở London. Bên cạnh, khoảng vài trăm đĩa nhạc cổ điển được xếp trên bốn ngăn. Vài trăm cái.
Tôi nghĩ là ông ta yêu tôi. Ông ta thật tinh tế, nhạy cảm, hay nhìn vào mắt tôi với nỗi buồn đến thế. Ông không thích âm nhạc, nhưng mang về cho tôi tất cả những gì mà cô trợ lý rất có năng khiếu âm nhạc của phòng quảng cáo thuộc ngân hàng ông tìm được trong các công ty chuyên sản xuất đĩa nhạc cổ điển trên khắp thế giới. Thỉnh thoảng tôi có những đĩa chưa kịp có mặt trong các cửa hàng ở châu Âu. Ông có thể bay từ Lyon, gặp tôi ở sân bay và đưa tôi đi xem hoà nhạc ở Mediolan, Rome hay Viên. Đôi khi sau buổi hoà nhạc, thậm chí chúng tôi không đến bất cứ một khách sạn nào. Ông quay về Lyon, còn tôi ông đưa lên máy bay về London.
Lúc xem hoà nhạc, ông không ngừng xiết và hôn tay tôi. Tôi không thích điều này. Chương trình hoà nhạc của Karajan đâu phải là một bộ phim được chiếu trong rạp tối. Nhưng tôi để ông làm điều đó. Đó là một người đàn ông tốt.
Ông không muốn một điều gì đặc biệt ở tôi. Tôi chỉ phải nói tôi khát khao ông như thế nào. Không hơn. Thỉnh thoảng ông kể cho tôi nghe về vợ và những đứa con gái của ông. Ông lấy ví ra và cho tôi xem ảnh của họ. Ông rất chăm sóc tôi, ông là người tốt. Tuần nào tôi cũng nhận được từ ông một bó hoa. Đôi khi thậm chí người ta mang đến vào ban đêm.
Tôi không nói với ông ta là tôi thích hồng nhung. Điều này với tôi là quá riêng tư.
Tôi đã có thể điều hành cái ngân hàng ở Cambrey. Ngay từ sáng mai. Chỉ cần một cú điện thoại. Nhưng tôi không muốn. Tôi thích làm một người "dự báo phân tích chứng khoán tin cậy" và không phải chịu bất cứ một áp lực nào hơn.
Tôi chơi piano ngày một tốt hơn. Đi du lịch nhiều. Ở Cambrey tôi có một ngôi nhà cũ có vườn trồng đầy hoa hồng nhung. Khi không có cuộc thăm ở Lyon, tôi gặp gỡ những người bạn đeo khuyên tai của tôi ở London trong dịp cuối tuần và chúng tôi làm đủ trò rồ dại.
Mỗi năm một lần tôi đi Dublin đến cuộc gặp mặt của khoá chúng tôi. Bao giờ cũng vào ngày thứ bảy thứ hai của tháng năm. Ở Dublin tôi ngủ trong Trinity College. Hầu như ở đó chẳng có gì thay đổi kể từ khi Eljot rời xa nơi đây. Nhưng Trinity chẳng thay đổi gì từ thế kỷ thứ XIX. Đêm thứ bảy, tôi trốn khỏi cuộc gặp khoá và đi dọc hành lang chỗ văn phòng mà ngày xưa anh ấy làm. Bây giờ ở đó là kho. Nhưng cửa vẫn thế. Tôi đứng lại đó một lúc. Hồi ấy tôi cũng nhiều lần đứng đó. Nhưng chỉ có một lần tôi đủ can đảm để gõ cửa. Đó là một đêm hơi khác với đêm hôm nay. Đúng mười hai năm trước đây. Lúc ấy là kết thúc sinh nhật của anh ấy chứ không phải bắt đầu.
Sau đó tôi quay về và dừng lại ở giảng đường, nơi đèn cứ lách cách tắt rồi bật khi anh ấy tựa lưng vào cái công tắc, còn tôi quỳ trước anh. Bây giờ không thể vào trong ấy được. Nhưng có thể nhìn thấy tất cả qua lớp kính bị xước lung tung. Sau đó tôi quay lại cuộc gặp khoá và uống say.
Thời gian gần đây tôi thấy cô đơn quá. Tôi sẽ có em bé. Đã đến lúc phải có con. Tôi đã ba mươi nhăm tuổi rồi còn gì. Hơn nữa, tôi muốn có một cái gì đó của riêng mình. Một cái gì đó mà tôi sẽ yêu. Bởi tôi thực sự mong muốn được yêu ai đó trong cuộc đời này.
Mấy ngày trước đây tôi đã gửi một e-mail đến The Sperm Bank of New York, một ngân hàng tinh trùng tốt nhất ở Mỹ. Họ là những người kín đáo nhất, họ làm các thử nghiệm gen tốt nhất và họ có những catalog đầy đủ nhất. Một tháng nữa tôi sẽ bay đi gặp chuyên gia về gen của họ. Thực ra đó chỉ là thủ tục. Tôi muốn đây sẽ là một bé gái. Tôi đã gửi cho họ tiểu sử cá nhân của mình. Anh không thể tưởng tượng được có bao nhiêu người cho có chỉ số IQ trên 140 đâu! Ngoài ra người cho phải là từ "môi trường âm nhạc", là tiến sĩ và là người gốc châu Âu. Họ gửi cho tôi một danh sách trên 300 người cho. Tôi chỉ chọn những người mang họ Ba Lan.
Tôi phân vân không biết mắt Eljot thực sự có màu gì. Anh ấy bảo tôi là màu xám. Tôi thì lại luôn nhìn thấy màu xanh lục. Khi tôi chọn những người có mắt màu xanh lục và thêm vào đó là bằng tiến sĩ khoa học tự nhiên, thì chỉ còn lại bốn người. Cuối cùng tôi quyết định chọn một trong số đó sau khi nói chuyện với chuyên gia gen học ở New York.
Trời đã sáng. Hôm nay là chủ nhật. 30 tháng tư. Đây là một ngày thực sự đặc biệt. Tôi có hai cái ly riêng cho ngày hôm nay. Nhưng phải đến tối. Tối, tôi sẽ nghe Bohemians của Puccini, hút xì-gà mà tôi mang theo từ Dublin và tôi sẽ uống loại champagne ngon nhất. Trong quãng giải lao giữa hai hồi.
Tôi cũng sẽ uống cạn cả ly của Anh nữa. Chúc mọi sự tốt lành nhân ngày sinh của Anh, Eljot...
Jennifer

TB: Bao giờ sinh con gái, tôi sẽ đặt tên là Laura Jane.
CÔ: Tàu của họ đến Frankfurt trên Odra. Cô lấy chai nước khoáng. Nhìn anh. Cái máy tính của anh ở trên đùi, bật sẵn, còn anh ngồi với bàn tay phải đặt lên tim và nhìn ra cửa sổ. Thỉnh thoảng, những lúc đắm chìm trong suy nghĩ về một điều gì đấy cô cũng nhìn bằng ánh mắt vô hồn. Không chớp mắt, con ngươi mở to và hoàn toàn bất động. Tập trung vào một điểm. Với anh cũng y xì như vậy. Điều này thật không bình thường. Bàn tay đặt lên tim ấy và đôi mắt bất động ấy. Khuôn mặt anh biểu lộ một nỗi buồn. Gần như nỗi đau.
Có ai đó mở cửa. Một ông già thò đầu vào khoang và đọc to số chỗ ngồi. Xong ông ta nói với anh bằng tiếng Đức:
- Anh cũng có vé ở chỗ này à?
Anh không phản ứng gì cả. Người đàn ông hỏi lần nữa và khi anh vẫn không phản ứng lại, ông ta mạnh dạn đặt tay lên vai anh:
- Xin lỗi anh, nhưng tôi muốn hỏi là anh có vé ở chỗ này không?
Trông anh giống như bị đánh thức đang lúc ngủ say. Anh đứng phắt dậy để trả chỗ cho ông già.
- Không. Tôi không có vé. Đây chắc chắn là chỗ của bác.
Anh tắt máy tính và cất vào túi da. Từ tốn để không chạm phải ai, anh đặt vali lên sàn. Đẩy nó ra ngoài hành lang. Anh lấy cái áo khoác trên móc và quẳng xuống cái túi đựng máy tính. Anh quay mặt vào trong khoang và nhìn cô buồn bã. Anh tạm biệt mọi người bằng tiếng Ba Lan và tiếng Đức rồi đi ra. Cô không nhìn thấy anh thêm nữa.


Chú thích:
PMS: Những triệu chứng của thời kỳ tiền mãn kinh
(1) Prozac: một loại thuốc chống trầm cảm.
(2) Zelazowa Wola: quê hương của nhạc sĩ nổi tiếng người Ba Lan, Chopin. Tại đây có vườn Chopin. Du khách có thể được nghe các nghệ sĩ trình diễn các tác phẩm của Chopin ngay tại vườn này.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 28-12-2007, 00:30  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 2 (A):

ANH: Cuộc đời cơ bản là buồn. Còn ngay sau đó là cái chết...
Đến Viện Gen thuộc Quỹ Max Planck dễ nhất là đi đường cao tốc với sáu làn đường chạy ngay cạnh toà nhà hiện đại mà cơ quan anh có trụ sở tại đó. Đây là con đường cao tốc tấp nập nhất ở Munich. Sau đấy nó chạy thẳng vào trung tâm thành phố, còn ở chỗ Viện anh, nó ngăn cách khu vực hội chợ với phần còn lại của thành phố bằng một hàng rào cao. Cách Viện khoảng 100m về phía thành phố là cầu vượt ngang qua đường cao tốc. Một trụ cầu ở ngay trên dải cây xanh ngăn cách các làn đường. Theo quy định của Đức thì chiếc xe máy của anh là quá chậm để được chạy trên đường cao tốc, do đó đầu tiên anh đi qua cầu vượt đến khu chợ rồi từ đó về nhà theo các đường phố bình thường.
Hôm qua anh rời Viện vào khoảng hai mươi ba giờ. Thực ra thì anh định không đi xe máy mà đi tàu điện ngầm. Tháng giêng ở Munick rất lạnh và có thể nhìn thấy băng lấp lánh dưới ánh đèn đường. Xe máy đi trên băng thì khó mà lường trước được. Anh biết điều đó vào mùa đông năm ngoái, anh đã phải nằm viện ba ngày với cái đầu gối bị bó bột vì bị tai nạn trên một vũng nước đóng băng. Nhưng khi nghĩ đến chuyện phải mất mười lăm phút đi bộ ra ga, sau đó chờ tàu, có khi phải đến nửa tiếng, thì anh lại quyết định sẽ đi xe máy "một lần cuối cùng này nữa".
Cạnh trụ cầu giữa, ở bên trái dải phân cách, đúng chỗ đối diện với lối lên cầu vượt, một chiếc ô tô bị cháy và bẹp dúm nằm lật ngược. Trên hè đường, phía bên kia đường cao tốc, một phụ nữ trẻ vận áo lông chạy quanh, tay đẩy một chiếc xe trẻ em. Chị ta kêu la gì đó đầy thất vọng bằng tiếng nước ngoài. Khi chị ta quay về phía anh, anh nhìn thấy chị ta hoàn toàn khoả thân dưới lớp áo lông. Một chiếc Mercedes màu nhũ, đèn báo sự cố nhấp nháy đứng cạnh lối rẽ. Một người đàn ông béo, hói đứng cạnh chiếc Mercedes đang gào vào điện thoại di động, chân thì tức tối đá vào ô tô.
Phía dưới cầu vượt nghi ngút khói, những lưỡi lửa nhỏ vẫn thoát ra từ cốp xe nát vụn. Phản xạ đầu tiên của anh là bỏ chạy. Nhưng chỉ mất một phần giây. Anh dừng lại. Đỗ xe máy lên vỉa hè, cạnh bức tường. Quan sát thấy không có xe nào đi tới, anh từ từ đi về phía trụ cầu. Anh vẫn chưa biết mình phải làm gì. Chỉ biết là mình phải đến đó. Anh sợ. Sợ kinh khủng. Khói làm anh chảy nước mắt.
Bỗng nhiên tất cả sáng như ban ngày. Một chiếc xe cảnh sát lao đến với tốc độ khủng khiếp từ hướng khu hội chợ. Ngoài đèn xanh được bật lên trong những trường hợp như thế này, trên nóc chiếc BMW cảnh sát còn bật một chiếc đèn pha cực mạnh, chùm sáng chiếu vào đống sắt dúm dó của chiếc xe con. Trước khi chiếc BMW dừng lại, bốn người đàn ông mang bình cứu hoả nhảy ra khỏi xe. Chỉ một lúc sau, một lớp bọt trắng đã phủ lên chiếc xe con. Vừa lúc đó, chiếc xe cứu hoả đỏ lao tới. Dòng nước mạnh từ thùng xe rửa sạch bọt. Khi nước từ dưới đống sắt vụn chảy ra, một người lính cứu hoả nằm xuống lòng đường cao tốc và trườn về phía chiếc xe. Trườn được một lúc, anh ta đứng dậy, đi về phía trụ cầu và nôn.
Đứng sau trụ cầu, cách đống vụn của chiếc ô tô chỉ vài mét, anh nhìn thấy tất cả. Bỗng nhiên người đàn ông mặc áo da đến túm vai anh, vừa chạy vừa đẩy anh sang bên kia đường rồi để anh ngay cạnh chiếc Mercedes màu nhũ.
Người phụ nữ vận áo lông vẫn không ngừng chạy quanh, miệng lẩm bẩm điều gì đó. Đứa bé trong xe khóc nấc lên. Cửa xe ô tô đóng. Người đàn ông béo cùng với cái điện thoại di động đã biến mất.
Trong khoảnh khắc, anh có cảm tưởng như đó không phải là sự thật. Rằng anh ngẫu nhiên có mặt trong một cảnh phim giật gân nào đó và một lát nữa anh sẽ được biết là mình được nghỉ giải lao và rằng họ sẽ phải làm lại cảnh này một lần nữa. Nhưng đây không phải là phim. Nó chỉ có thể xảy ra trong đời thực.
Cô gái trẻ là người Rumani - anh biết tất cả những điều này qua viên cảnh sát vận áo khoác da, người sau đó sẽ thẩm vấn anh trong chiếc BMW cảnh sát - là gái làm tiền. Mười tám tuổi. Để kiếm thêm, thỉnh thoảng cô ta lại trốn khỏi chỗ làm cố định ra đứng đường ở trung tâm Munich và đến đây, chỗ gầm cầu vượt. Đây là một chỗ cực kỳ thuận lợi. Ở một địa điểm tuyệt vời. Nhất là những khi ở Munich diễn ra hội chợ. Vào những dịp như vậy, bao giờ cũng có thể kiếm thêm được. Cô gái đứng ở rìa dường, khi có xe nào đến gần thì phanh áo lông ra, cô ta hoàn toàn khoả thân bên trong lần áo lông. Theo kiểu Pháp giá 40 mác, bằng tay giá 30 và theo kiểu thông thường giá 60. Không dùng bao cao su, giá đắt gấp ba về mùa đông và gấp đôi về mùa hè. Áo lông mà cứ bốn cô chung nhau một cái thì mượn ở nhà hát.
Cô gái người Rumani ở Đức không có visa và cô ta đến đây khi đang mang bầu. Thậm chí cả đang mang bầu cô ta vẫn đứng đường. Lúc này đứa con của cô ta đã được sáu tháng. Tối nay, do đang có hội chợ nên tất cả các bạn cô đã "được giới thiệu" và cô không biết gửi con cho ai. Cô quyết định mang theo cả nó đến gầm cầu. Cô đã từng làm như vậy hồi hè. Đứa bé ngủ khi cô ta đẩy xe vào chỗ dốc dưới gầm cầu và giấu sau những bụi cây bao quanh con đê nhỏ bằng đất dọc hai bên cầu vượt.
Một chiếc xe con đi đến. Cô gái chạy vội lên vỉa hè, phanh áo lông. Chiếc Mercedes màu nhũ dừng lại. Cô ta lại gần xe, thò đầu qua cửa kính định thoả thuận giá cả. Đúng lúc đó, xảy ra một cái gì đó thật kinh hoàng. Viên cảnh sát trong chiếc áo da hạ giọng và nhìn anh như thể muốn hỏi anh cứ thực sự muốn nghe chuyện này không.
Chẳng ai biết tại sao lại xảy ra như vậy. Có thể một chiếc xe tải cực lớn đi qua cầu vượt, khiến cho toàn bộ kết cấu của cầu rung lên. Có thể cô gái trong lúc vội vàng hoặc sơ ý đã không khoá cứng phanh của chiếc xe đẩy. Có thể đứa trẻ trong xe đã cựa quậy quá đột ngột. Nói tóm lại, khi cô gái thò đầu vào trong chiếc Mercedes màu nhũ để ngã giá với khách hàng thì chiếc xe đẩy lăn từ gầm dốc của cầu vượt qua hè và xuống lòng đường cao tốc. Chính xác vào khoảnh khắc đó, một sinh viên lái chiếc Mazda từ cầu vượt lao xuống. Chỗ đố tốc độ giới hạn là tám mươi cây số trên giờ, nhưng có ai cảnh báo cho cậu ta đâu. Nhất là lại vào ban đêm. Nhất định cậu ta đã nhìn thấy chiếc xe đẩy lăn ra từ phía sau chiếc Mercedes đang đỗ. Cậu ta đã phanh. Cố tránh. Nhưng mặt đường ẩm quá trơn. Người lính cứu hoả kể rằng trong đống lửa, xác cậu sinh viên chảy thành nước cùng với một mảnh thân xe còn lại sau khi toàn bộ phần nội thất của xe đã bị thiêu trụi. Bé gái trong chiếc xe đẩy không hề hấn gì. Cậu sinh viên chỉ còn lại những mảnh cháy thành than. Cậu này là con một. Được bố mẹ mua xe cho sau khi đỗ đại học. Chưa đầy hai mươi tuổi. Bố mẹ ở xa, ở Erlangen, nên chưa biết tin. Bao giờ lập xong biên bản, viên cảnh sát sẽ đến đó để thông báo cho họ tin này. Rằng con trai của họ đã chết và chỉ để lại vết trên mặt trong của mảnh thân xe và tro của những thứ cậu ta có trên người.
Anh đi tàu điện ngầm về nhà. Để xe máy lại chỗ chân cầu vượt. Anh không sao chợp mắt được. Cố đọc một cách vô vọng. Anh không thể nào tập trung được. Bèn lấy rượu vang ra và bật nhạc. Anh ngồi trên sàn nhà cạnh giường trong phòng ngủ và tu. Anh nghĩ về bố mẹ của cậu sinh viên ấy. Anh muốn nói với họ rằng có thể vượt qua được chuyện này. Anh muốn nói với họ như vậy trước khi viên cảnh sát kia xuất hiện ở chỗ họ. Cả về anh ta nữa, về viên cảnh sát mặc áo da ấy. Anh bỗng thấy anh ta thật anh hùng và cao thượng. Anh nghĩ cả về cô gái Rumani. Làm sao có thể sống được khi đã chứng kiến chuyện ấy mà không phát điên lên?
Sáng ra anh tỉnh dậy trên sàn nhà ngay cạnh giường. Anh đứng lên, vấp phải cái vỏ chai. Anh vừa cởi quần áo vừa vào phòng tắm. Vặn to hết cỡ cái đài treo cạnh cửa sổ. Anh vặn vòi hoa sen. Nghĩ về đêm qua. Radio nhắc rằng hôm nay là ngày ba mươi tháng giêng năm 1996, thứ ba. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Như thể không có gì xảy ra. Lại những số báo mới, lại tắc đường ở đúng những đoạn ấy trên đúng những đường cao tốc ấy. Hồi Natalia ra đi, cái mà anh không thể chấp nhận nhất là ngày mai, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Như thể không có gì xảy ra. Khi đó thế giới chẳng hề dừng lại. Dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi nhất. Và Chúa lại thêm một lần không hề để ý đến điều gì...
Anh coi đây là một sự nhu nhược và vô tích sự đáng xấu hổ. Như thể ở một ông lão ốm yếu. Anh không biết cách để mình không bị rơi vào trạng thái trầm cảm sau một cái gì đó như đêm hôm qua. Với tất cả các triệu chứng: buồn, sợ hãi, lồng ngực bị co thắt, sự nặng nề từng lúc trở nên vô cảm, cảm giác vô nghĩa và tâm trạng của lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Điều đó mang tính bệnh lý và anh biết rằng đó là những đau đớn rơi rớt còn lại từ quá khứ của riêng anh. Chỉ có công việc mới giúp anh được.
Buổi sáng anh lấy hơn chục lon coca ở bếp ăn công ty và ngồi lỳ trong phòng làm việc, không để ai trông thấy. Anh viết chương trình. Anh muốn đến chiều là phải hoàn thành đoạn chương trình mà anh hứa là sẽ gửi cho Warszawa. Viện của anh hợp tác với Viện Warszawa. Đó là sáng kiến của anh, để kéo Warszawa vào một trong số các dự án của họ. Nhờ đó mà anh có thể chính thức gửi phần mềm mà họ mua ở Mỹ cả cho Warszawa, cùng họ công bố và cả thỉnh thoảng đến đó giảng bài - đây là điều đặc biệt quan trọng đối với anh. Kể từ khi làm tiến sĩ khoa học ở Ba Lan, anh rất cần có mặt, chí ít cũng về phương diện khoa học, ở trong nước, mặc dù anh sống và làm việc ở Munich đã hơn chục năm nay.
Chính cậu nghiên cứu sinh trẻ tuổi ở Warszawa đã đưa ra sáng kiến, là anh sẽ cài đặt trong máy tính của mình chương trình gần đây đã làm nên thành công lớn trên Internet. Chương trình do hai sinh viên Izrael viết và - như hầu hết tất cả những chương trình tốt nhất trên Internet - miễn phí, cho phép những người có kết nối mạng trong cùng một thời điểm có thể liên hệ trực tiếp, tất nhiên là tức thời, với nhau. Không phải ngẫu nhiên mà cậu nghiên cứu sinh này viết hoa từ Mạng. Internet đang dần trở thành một cái gì đó rất được sùng bái. Đặc biệt là đối với lớp trẻ. Việc gọi đơn giản là mạng máy tính, giống như một hệ thống cáp vô nghĩa nào đó trong ngân hàng hay nơi công sở, đã tước đi của Internet vẻ đẹp bí ẩn của một cái gì đó có khả năng kết nối tuyệt đối mọi ngăn cách.
Tốt thôi, Mạng cũng được - anh nghĩ. Anh đã để lại đằng sau toàn bộ cái giáo phái này từ lâu rồi. Anh sử dụng Mạng viết hoa từ cái thời Internet còn là một bí ẩn tuyệt đối, một Kamasutra trí tuệ, chứ đâu phải là những cái nhấn chuột vào những chữ hoặc hình ảnh màu mà phần lớn là màu xanh lam. Nhưng cái chương trình mà cậu nghiên cứu sinh giới thiệu thì quả là thú vị. Nó có tên là ICQ. Các tác giả phiên âm các chữ cái tiếng Anh I, C, Q giống hệt như câu tiếng Anh I seek you, có nghĩa là "tôi tìm bạn". Những người có trong máy tính của mình chương trình ICQ - và tất nhiên là phải đang nối Mạng - có thể tìm thấy nhau thông qua ICQ. Trong máy tính của mình, họ lên danh sách những người bạn mà họ muốn tìm, còn ICQ sẽ cho họ biết những người bạn này vào cùng thời điểm đó có đang ở trên mạng hay không. Điều này giống như là khi ta bước vào một phòng nào đó và nhìn quanh xem ai trong số bạn bè cũng có mặt ở đó. Chỉ có điều phòng ở đây là cả thế giới. Việc ai đó ở Sydney, người khác ở Dublin, còn người khác nữa lại ở một góc xa xôi - Krakow hay Gdansk - là hoàn toàn không có ý nghĩa. Có lẽ đây là điều đáng được sùng bát nhất trên Internet. Tất cả dường như ngay bên cạnh.
ICQ điểm danh bạn bè và cho phép trao đổi thông tin với họ. Không có độ trễ. Tức thời. Cuộc trò chuyện thông qua bàn phím là như vậy đấy. Gửi những bức e-mail ngắn, chúng sẽ đến địa chỉ người nhận ngay lập tức. Đây thực sự là sự mô phỏng một cuộc nói chuyện.
Nhưng ICQ không chỉ là sự trao đổi những thông tin ngắn. Nó làm được nhiều hơn thế nhiều. Ví dụ như chat. Một từ tiếng Anh mà thậm chí cả người Pháp, những người không gọi máy tính là máy tính, cũng phải chấp nhận. Nhưng lại chấp nhận chat, bởi chat chỉ có thể được gọi như vậy, để thể hiện cái mà nó thể hiện. Có nghĩa là "tán gẫu", nhưng trong Internet đây là cuộc nói chuyện thực. Không biên giới. Trong trường hợp ICQ, điều này được thể hiện như sau, màn hình máy tính được chia làm hai phần. Mỗi người đối thoại có một nửa màn hình và viết phần nội dung của mình. Mỗi người đều nhìn thấy quá trình viết của người kia. Sự vội vàng của anh ta, lỗi viết của anh ta, sự chờ đợi của anh ta. Có thể điều này không được như nghe thấy sự run rẩy của giọng nói, nhưng cũng rất cảm động. Thêm vào đó, ta không thể rút lại bất cứ điều gì. Không thể phủ nhận một cách thô thiển kiểu "tôi đâu có nói điều đó". Tất cả đều được ghi lại. Có thể quay lại đầu màn hình và đọc lại tất cả. Và cuối cùng, quá trình chat có thể được ghi lại trong ổ cứng máy tính, in ra hoặc thậm chí gửi như một e-mail đến bất cứ địa chỉ nào trên thế giới. Do đó mà với nhiều người, chat là cuộc trò chuyện không thể thay thế. Có giá trị về mặt nguyên tắc. Giống như bản ghi lời khai hay ghi âm phỏng vấn. Mỗi lời thổ lộ, mỗi điều dối trá, mỗi lời hứa hẹn đều có thể được gọi lại. Ngoài ra, để bắt đầu buổi trò chuyện, bạn có thể ở bất cứ đâu. Chỉ cần có máy tính, Internet và chương trình cho phép thực hiện chat. Một chương trình như vậy có thể là ví dụ như ICQ. Có cả những chương trình khác nữa. Rất nhiều. Khoảng cách không giữ vai trò quan trọng. Tín hiệu trên Mạng truyền đi với tốc độ ánh sáng.
Ý tưởng về ICQ thật thiên tài. Tất cả những ý tưởng thiên tài đều khởi nguồn từ những nhu cầu cơ bản đơn giản nhất. Ở đây nhu cầu cơ bản là sự liên hệ không giới hạn. Khi thấy rằng có thể chinh phục được khoảng cách nhờ vào Internet, thì một cái gì đó như ICQ chỉ còn là vấn đề thời gian. Bởi con người từ khởi thuỷ đã thích liên hệ với nhau.
Cậu nghiên cứu sinh ở Warszawa cũng muốn liên hệ với anh, nên mới nảy ra cái sáng kiến về ICQ này. Những khi họ muốn nói về hiện trạng của dự án, về những ý tưởng mới nhất, những lỗi chương trình, hay cả về thời tiết ở Warszawa, về giá bia ở Munich, đơn giản là họ mở chat trên ICQ và nói chuyện.
Sự liên hệ như vậy rất cần thiết, vì họ cùng viết một chương trình. Có nghĩa là mỗi người viết một đoạn của chương trình. Họ đã thoả thuận từ lúc đầu là sẽ ghép hai đoạn đó lại như thế nào để tất cả có thể chạy được. Bây giờ người ta viết những chương trình lớn là theo cách đó. Mỗi người làm một khúc rồi sau đó ghép chúng lại cùng nhau. Hoàn toàn không cần phải nhìn thấy hay thậm chí quen biết gì nhau, vẫn có thể làm được những khúc tốt và sau đó kết hợp lại thành công. Chỉ cần Internet. Anh nhớ mình đã tò mò như thế nào khi đọc về dự án kỹ thuật chung do hãng Mercedes-Benz chủ trì. Dự án được thực thi ở Nhật Bản, trên bờ biển miền tây của Mỹ và ở Đức. Một nhóm ở Nhật bắt đầu lập trình. Khi nhóm này hết giờ làm việc, người Đức sẽ đến nơi làm việc của họ sau bữa sáng, và khi những người này về nhà, tất cả sẽ được những nhà lập trình ở California tiếp nhận. Mỗi người gửi kết quả một ngày làm việc của mình qua Internet cho những người sau: người Nhật gửi cho người Đức, người Đức gửi cho người Mỹ, người Mỹ gửi cho người Nhật. Theo cách đó, công việc cho dự án ở Mercedes-Benz được triển khai suốt ngày đêm.
Anh thử phần của mình trong máy tính lớn của hãng. Vài trăm mét cáp nối máy tính trên bàn làm việc của anh với một máy lớn, tốc độ nhanh nằm trong một phòng có điều hoà nhiệt độ cách nhà ăn của Viện không xa. Nếu cậu nghiên cứu sinh ở Warszawa muốn khởi động "đoạn" của mình trên máy tính ở Munich của họ, sẽ chỉ cần một cáp thật dài. Nói đúng ra là không cần gì thêm. Một cáp như vậy thậm chí không cần phải kéo ra. Nó đã có sẵn. Internet.
Tức là cậu nghiên cứu sinh ở Warszawa thật ra chẳng phải khởi động gì ở Munich. Cậu ta thử đoạn của mình ở Warszawa rồi đơn giản là gửi đi qua một chức năng khác có sẵn của ICQ. Giống hệt như anh làm sau khi thử đoạn chương trình của mình. Nhưng chỉ đến mười bốn giờ. Sau đó bờ biển miền đông Mỹ thức dậy và Internet "giải phóng". Điều này có thể nhận thấy đặc biệt rõ khi so sánh thời gian tiếp cận với các trang Internet www. Ngay sau khi thức dậy, bên Mỹ bật modem của mình, tìm đọc những bức e-mail đến hồi đêm và báo điện tử buổi sáng và mở chat.
Nhờ có Internet và ICQ mà anh có cảm giác như người ở Warszawa đang ở ngay phòng bên cạnh và họ không sang thăm nhau chỉ vì không có thời gian hoặc do lười biếng. Ngày làm việc bắt đầu trên ICQ, họ thoả thuận với nhau kế hoạch liên hệ và có mặt non stop ở trên Mạng. Người ta gọi đó là online. Để đề phòng trường hợp khi có ai đó trong số họ bỗng nghĩ ra được một điều gì đó quan trọng và muốn thông báo ngay lập tức cho đối tác.
Song sáng hôm nay anh muốn ở trong phòng làm việc hoàn toàn một mình. Anh bỗng nhận ra rằng hoàn toàn một mình có nghĩa là không có cả những người bạn trong danh sách ICQ của anh. Những người thực ở các phòng bên đột ngột có mặt một cách không mong muốn giống hệt như những người bạn ảo. Việc họ ở Warszawa, San Diego, Bazylei, Dublin hay Hamburg không đóng vai trò quan trọng. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể hỏi: "Jakub, hôm nay có khoẻ không?"
Thường thì họ hỏi thật. Hôm nay anh không muốn trả lời những câu hỏi như vậy. Cơ bản vì anh bắt buộc phải cân nhắc trước mỗi câu trả lời. Làm việc và không phải cân nhắc trước bất cứ điều gì khác ngoài những gì anh đang viết. Trước hết, anh không phải cân nhắc trước chính mình.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 28-12-2007, 00:30  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Nhưng anh không được phép lựa chọn. Anh không thể tắt ICQ. Họ đang ở trong giai đoạn quan trọng của dự án và anh đã hứa ở Warszawa là mình tuyệt đối sẵn sàng. Vậy là buổi sáng anh ghi danh vào ICQ - nhẩm tính rằng hôm nay sẽ không có ai dễ thương tới mức quan tâm tới tâm trạng của anh. Và anh gần như đã thành công. Cho đến 16.30 anh được yên tĩnh hoàn toàn. Mãi lúc đó một ký hiệu dưới dạng một tấm thẻ vàng nhỏ mới nhấp nháy phía góc phải phía dưới màn hình. Tín hiệu rằng có ai đó trên ICQ gửi thông tin cho anh và rất có thể đang chờ câu trả lời. Anh đưa lon coca lên miệng và nháy vào tấm thẻ vàng.
Tôi vẫn còn yêu đôi chút trong những mẩu rơi rớt còn lại của một tình yêu vô nghĩa và lúc này tôi buồn khủng khiếp nên muốn được chia sẻ cùng ai đó. Đây phải là một người hoàn toàn xa lạ, người không thể làm tôi bị tổn thương. Cuối cùng thì toàn bộ Internet này cũng có được chút ích lợi gì đấy. Tôi đã gặp anh. Tôi có thể nói với anh về chuyện này được không?
Trong chốc lát anh cảm thấy mình như một người vô tình đọc được bức thư gửi cho ai đó hoàn toàn khác. Anh buộc phải xem đây có chắc chắn là gửi cho mình không. Nếu đúng thì anh cũng muốn biết tại sao lại gửi cho chính anh. Anh viết:
Chị có chắc tôi đúng là người mà chị dành cho sự tin cậy như vậy? Nếu đúng, thì chuyện gì đã xảy ra khiến chị gặp đúng tôi?
Vào thời điểm này cô mở chat.
CÔ: Anh hãy nghe này, anh là Jakub, anh là người Ba Lan và đã sống hơn chục năm ở Munich, đúng không? Tôi chọn anh vì anh đủ ẩn danh, đủ xa và anh sống đủ lâu ở Đức. Điều này đảm bảo cho tôi rằng anh sẽ không làm bất cứ điều ngạc nhiên nào với tôi. Anh có muốn tôi cũng gọi anh là ông không? Sẽ bớt kịch và riêng tư hơn. Còn nếu như anh muốn...
ANH: Cô ta có thể biết điều đó! Đăng ký vào ICQ cần phải đưa ra một vài thông tin. Những gì cô ta đưa ra, phù hợp hoàn toàn với những gì anh viết vào mẫu đăng ký. ICQ cho phép tìm thấy ngân hàng thông tin về các thuê bao của mình theo đủ các tiêu chí. Cô ta đã tìm thấy anh theo cách đó.
Cô ta thẳng thắn và đầy khiêu khích. Chính thế. Anh cười. Lần đầu tiên trong ngày hôm nay. Anh viết lại:
Thực ra mà nói thì người Đức làm nên nhiều điều bất ngờ nhất cho thế giới, nhưng tôi không có ý định thanh minh cho họ. Tất nhiên là bạn có thể gọi tôi bằng bạn, kể cả nếu như bạn mới chỉ 13 tuổi.
CÔ: Hãy chỉ cần cho tôi biết, trình độ học vấn của anh thế nào. Đây không phải là sự ngạo mạn. Mà chỉ là sự tò mò. Tôi muốn có cùng tần số với anh.
ANH: Đây không còn là sự thẳng thắn đầy khiêu khích nữa rồi. Đã bắt đầu trơ trẽn. Thật khó để anh tin vào sự thẳng thắn của cô ta "đây không phải là ngạo mạn". Nếu cô ta định khiêu khích anh, thì cô ta đã thành công. Anh bắt đầu viết một cách nóng nẩy:
Trình độ học vấn? Bình thường. Như bất cứ ai. Cử nhân toán, cử nhân triết, tiến sĩ toán và tiến sĩ khoa học tin học.
CÔ: Chúa ơi! Tôi gặp ai thế này! Chắc anh đã ngót nghét bảy mươi? Nếu vậy thì thật tuyệt. Anh kinh nghiệm đầy mình. Anh sẽ lắng nghe và cho tôi những lời khuyên, đúng không?
ANH: Anh cười. Bây giờ gọi thế nào nhỉ - anh nghĩ - theo tiếng Anh là self-conscious, theo tiếng Đức là selbtbewusst, còn theo tiếng Ba Lan? Thuyết tự đề cao mình? Không. Từ đó quá xấu. Tự tin và tập trung vào những nhu cầu của bản thân? Điều này trong tiếng Ba Lan có lẽ rất khó thể hiện chỉ bằng một từ như trong tiếng Anh hay tiếng Đức.
Nếu đó là chuyện buồn thì tôi không nghe đâu. Tôi nghi đó là chuyện buồn. Tôi chưa đến bẩy mươi. Mặc dầu vậy xin đừng kể, ngày hôm nay xin đừng kể bất cứ điều gì buồn. Thậm chí xin đừng thử. Hãy viết e-mail cho địa chỉ Jakub@epost.de. Tôi tự xoay xở được với nỗi buồn trung bình trong 24 giờ. Hôm nay tôi sẽ chỉ tư vấn cho chị những lối thoát cuối cùng, hoá chất hoặc rượu. Còn ngày mai tôi sẽ đọc kỹ e-mail của chị và sẽ đưa ra những lời khuyên.
Vả lại chị đâu có cần những lời khuyên. Đơn giản là chị cần phải kể cho ai đó, phải chia đôi nó ra, còn bác sĩ tâm lý trị liệu của chị hôm nay lại bận hoặc đang nghỉ phép.
CÔ: Anh nghĩ là bác sĩ tâm lý trị liệu có thể có ích cho những người Slavo? Dù gì thì họ chẳng luôn là người biết hơn cả về mọi chuyện sao? Ngoài ra tôi còn có ấn tượng là tất cả các bác sĩ tâm lý trị liệu ở Ba Lan hoặc viết sách, hoặc thành lập các nhà xuất bản, hoặc làm hợp đồng cho truyền hình hay đài phát thanh. Phải chăng anh vẫn luôn là người Slavo?
ANH: Có lẽ tôi không còn là người Slavo nữa. Tôi không uống rượu, rất đúng giờ, giữ lời hứa và không tổ chức các cuộc khởi nghĩa. Nhưng bác sĩ tâm lý trị liệu thì hồi ở Ba Lan tôi đã có. Song chuyện đó đã lâu lắm rồi, từ hồi người ta còn gọi ông ta là bác sĩ tâm thần, còn việc thành lập nhà xuất bản thì bị phạt còn nặng hơn cả nấu rượu lậu.
CÔ: Và vị bác sĩ tâm thần ấy giúp được anh chứ?
ANH: Riêng bác sĩ tâm thần thì không. Nhưng những gì mà tôi nghe được trong phòng chờ của ông ta thì đã giúp tôi rất nhiều.
CÔ: Lý trí hay tâm hồn anh bị bệnh?
ANH: Khoan đã! Không thể như thế này được! Cô bé gõ vào màn hình máy tính của anh như một người lạ gõ cửa và bắt đầu nghe trộm tiểu sử của anh. Anh không kịp phản ứng vì lại một tin nữa của cô xuất hiện.
CÔ: Tôi biết mình đã đi quá xa. Là vì cái sự ảo này đấy. Tôi có cảm giác rằng chính sự quá ẩn danh của chúng ta đã cho phép tôi hỏi về những vấn đề mà tôi sẽ không bao giờ hỏi nếu gặp anh ở trên tàu hay trong quán cafe. Hãy thứ lỗi cho tôi.
ANH: Cô ta có lý. Internet là thế đấy. Anh hơi liên tưởng đến một phòng xưng tội, còn những cuộc nói chuyện - một kiểu xưng tội tập thể. Đôi khi ta là người xưng tội, đôi khi là người nghe xưng tội. Làm được điều đó chính là khoảng cách ấy và sự chắc chắn ấy, rằng lúc nào cũng có thể rút phích điện ra khỏi ổ.
Ở đây không bị cái gì chi phối. Cả mùi, cả hình thức, cả việc bộ ngực quá nhỏ. Trong Mạng, hình ảnh tự tạo nên bằng những con chữ. Những con chữ của riêng mình. Chẳng bao giờ biết được phích điện còn ở trong ổ bao lâu nữa, vậy nên người ta không uổng phí thời gian mà đi thẳng vào vấn đề và đưa ra những câu hỏi thực sự rõ ràng. Đưa ra những câu hỏi đó, có lẽ người ta không dám chờ đợi một sự trung thực hoàn toàn. Tuy nhiên điều cuối này thì anh không dám chắc. Bởi anh bao giờ cũng trả lời trung thực. "Nếu bạn không biết nói gì thì hãy nói thật" - anh không biết nhà triết học nào đã khuyên như vậy, nhưng chắc chắn là ông ta có lý. Hơn nữa anh chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngoài những cuộc nói chuyện với cậu nghiên cứu sinh ở Warszawa, cho tới lúc này anh chưa hề có những cuộc nói chuyện ảo như thế này. Anh viết lại:
Bạn nghĩ là có thể phân biệt được một lý trí bệnh tật với một tâm hồn bệnh tật? Tôi hỏi vì tò mò thôi. Cái gì ở tôi cũng mắc bệnh. Từng phân tử đơn lẻ. Nhưng đã qua rồi. Có thể tôi chưa hoàn toàn khoẻ mạnh, nhưng chắc chắn là tôi đã được điều trị.
CÔ: Anh có biết là anh làm tôi hết sức xúc động không? Tôi chưa biết chính xác vì sao, nhưng anh làm tôi xúc động. Bây giờ tôi phải về nhà đây. Tôi rất vui vì được viết cho anh. Tôi sẽ viết. Hẹn ngày mai gặp lại.
ANH: Hãy bảo trọng. Chị có cái tên rất đẹp.
Cô kết thúc cuộc chat không một lời báo trước. Cô ra khỏi Internet. Cô đang offline. Cô biến mất cũng không hề báo trước như lúc cô xuất hiện. Cô đã không đọc được thông tin cuối cùng ấy. Nhìn vào màn hình máy tính, anh chợt thấy trống trải và im ắng như thế nào đấy khi không có cô. Tấm thẻ vàng lại nhấp nháy ở góc dưới bên phải. Anh nháy vào đó với hy vọng rằng cô quay lại. Theo một nghĩa nào đấy thì đúng như vậy. Mặc dù không phải là chính cô. Cô chỉ để lại trên server ICQ cho anh một đề nghị:
Anh sẽ ghi tên tôi vào danh sách bạn bè của anh chứ? Hiện thời chỉ là danh sách trên ICQ.
Anh trầm ngâm. Cảm thấy cô đột ngột rời bỏ cuộc chat này như thể một ai đó ngắt lời một ai đó. Trong phần lớn các cuộc nói chuyện - trong cuộc sống thực - thì anh là người quyết định sẽ nói về chuyện gì, vào lúc nào và bao giờ thì kết thúc. Ở đây anh có cảm giác rằng trong cuộc gây hấn trên Internet này thì cô ta làm chủ tất cả. Trong vòng mấy phút cô ta đã khai thác được từ anh cái mà anh sẽ không bao giờ nói cho ai biết nếu đó không phải là bạn thân. Vì vậy mà anh ngạc nhiên với chính mình. Mặt khác anh lại vui vui với ngày mai.
Anh quay lại với chương trình của mình. Cậu nghiên cứu sinh ở Warszawa cho biết là phiên bản mới phần của cậu ta đang chờ anh, sẵn sàng để chạy thử. Anh chạy thử và nhận xét cho đến khuya, vậy mà vẫn chưa xong. Anh mở ICQ lần cuối cùng và gửi đi Warszawa thông báo rằng họ sẽ nhận được báo cáo của anh chậm nhất là vào trưa mai. Buổi sáng khi cậu nghiên cứu sinh đến văn phòng và khởi động ICQ của mình, sẽ nhìn thấy ngay thông báo này.
Anh nhìn một lúc vào danh sách bạn bè của mình trên ICQ. Ở trên cùng, dòng đầu tiên là tên cô. Anh nghĩ về cô và có cảm giác rất lạ là buổi chiều nay đã có một sự thay đổi nào đấy trong cuộc đời anh.
Nước mắt ứa ra khi anh tắt máy tính trước khi về nhà. Anh khoác áo jaket và đi thang máy xuống. Anh muốn đến chỗ cầu vượt trên đường cao tốc một lần nữa để cho xe máy vào xưởng. Chiếc xe máy đứng dưới chân cầu vượt, lạnh băng. Vẫn còn mùi cháy khét. Trong ánh sáng của những ngọn đèn pha ô tô đang đi tới, anh nhận thấy phía bên kia, một cô gái đang chạy ra rìa hè, áo lông phanh ra. Bên trong áo lông, cô ta khoả thân. Chiếc ô tô đi qua không dừng lại.
Anh nhận ra cô ta. Cô gái Rumani ấy! Trong khoảnh khắc anh cảm thấy ghê tởm và căm thù. Anh rảo bước, bực bội đẩy chiếc xe máy. Anh gần như chạy.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 28-12-2007, 00:32  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 2 (B):

CÔ: Cô hoàn toàn không phải về nhà vào lúc này. Cô hẹn với chồng tận 17.00. Nhưng nếu ở lại và nói chuyện với Jakub lâu hơn, cô sẽ không kịp làm được cái cứ ngẫu nhiên nẩy ra trong đầu cô. Cô bỗng thiết tha muốn biết về anh nhiều nhất.
Cô đã lập trong máy tính của mình một trang cho phép tìm kiếm trên Internet. Trong phần câu hỏi cô ghi họ tên của anh. Chính xác như anh ghi trên mục thông tin của ICQ. Công cụ tìm kiếm đưa ra hai mươi tám địa chỉ các trang Internet có chứa ít nhất một lần tên họ anh. Cô bắt đầu mở lần lượt từng trang một.
Phần lớn là những chỉ dẫn đến các bài công bố hoặc các bài thuyết trình của anh mà anh đã đọc trong các hội thảo khoa học ở đủ các địa điểm xa xôi nhất. Cô luôn phân vân - cả lúc này cũng thế - tại sao anh tranh luận về các vấn đề khoa học hay đến thế ở tận Honolulu, ở Riwier thuộc Pháp, ở New Orleans, ở Mader, Singapore hay Caim ở Austrailia bên những vỉa san hô lớn. Rõ ràng là ngay cả các nhà khoa học cũng phải có một cái gì đó hay ho ở miền nam. Mà cũng có thể vì các bà vợ của họ đã chán ngấy Paris buồn tẻ.
Ba bài công bố đầu tiên là bằng tiếng Ba Lan. Có từ hồi anh còn ở Ba Lan và làm việc ở Wroclaw, trong trường đại học tổng hợp. Những bài còn lại bằng tiếng Anh và được đăng chủ yếu ở Mỹ. Cô không biết chúng đề cập đến cái gì. Cô chỉ cần biết là anh viết chương trình cho các ứng dụng trong ngành gen học. Cô cố để hiểu một bài ngắn, nhưng rồi đành phải cho qua khi thấy rằng phần lớn những từ chuyên môn anh dùng trong các bài viết đều không có trong cuốn từ điển các từ nước ngoài mà cô có ở văn phòng.
Từ phần tiểu sử trích ngang thì thấy rõ là anh có đủ các danh hiệu "như mọi người" và có thể yên tâm phân phát chúng cho bốn người. Ngoài ra, trên cơ sở ngày tháng đăng tải ba bài bằng tiếng Ba Lan, có thể dễ dàng nhẩm ra anh chưa thể đến bốn mươi tuổi.
Trang với danh sách những bài đã được công bố của anh có dạng của một tiểu sử khoa học điện tử, chỉ chứa một điểm nhấn cá nhân duy nhất. Sau tiêu đề của công bố đầu tiên bằng tiếng Ba Lan có chỉ dẫn đến cuối trang. Phần nội dung được viết bằng phông chữ không rõ lắm mang thông tin:
Công bố này là kết quả những nghiên cứu trong khuôn khổ luận văn tốt nghiệp đại học của tôi. Không một công bố nào khác của tôi quan trọng đối với tôi như công bố này. Tôi dâng tặng tất cả cho Natalia.
Cô đọc mấy lần đoạn này. Người đàn ông mà cô đã gây sự nửa tiếng trước đây trên Internet bắt đầu làm cô ngạc nhiên. Chính thế. Ngạc nhiên. Ít ai dám thú nhận rằng mình đang chìm trong nỗi buồn. Hầu như không ai dám nói mình từng có vấn đề về tâm lý. Nhất là khi lại là người thông minh xuất chúng đến thế. Và sau đó lại còn thế này nữa. Đầu tiên là những "chuỗi gen" nào đấy, một "cách tối ưu hoá các thuật toán phi tuyến tính" nào đấy, một "đệ quy bậc hai" nào đấy, còn cuối cùng là "dâng tặng tất cả cho Natalia" thật lãng mạn. Cô biết anh mới ba mươi phút, thé mà đã bắt được quả tang mình đang ghen với một người phụ nữ nào đấy.
Cô lấy địa chỉ email mà anh đã cho. Jakub@epost.de. Và bắt đầu viết. Mấy phút sau chuông điện thoại reo. Chồng cô đang đợi trong ô tô đậu dưới nhà.
- Anh nghe này - cô nói - anh hãy vào quán cà phê bên kia đường khoảng mười lăm phút nhé. Em đang có việc rất quan trọng phải hoàn thành.
Cô có cảm giác rất lạ là email này gửi cho anh, chính vào lúc này, là rất quan trọng.
ANH: Hôm sau anh là người đầu tiên đến viện. Christiane, trợ lý phòng thư ký, gặp anh ở chỗ automat cà phê trong bếp ăn. Bao giờ cô ta cũng đến trước mọi người, nhưng cũng là người biến sớm nhất. Cô cười nói với anh:
- Em cứ tưởng là các câu lạc bộ đêm phải đến tám giờ sáng mới đóng cửa cơ đấy.
- Chrissie - cô rất thích khi được gọi thế - em làm thế nào để bẩy giờ sáng đã có tâm trạng như những lữ khách ở Seczele vào lúc chín giờ trước bữa ăn sáng thế?
Cô ta thôi cười. Nhìn thẳng vào mắt anh và nói:
- Anh cứ đi với em một đêm nào đấy, rồi sẽ biết.
Cô ta lấy ly cà phê từ automat và ra khỏi bếp. Không bao giờ anh biết lúc nào thì Christine nói thật, khi nào thì đùa.
Anh chọn một espresso đúp rồi về phòng. Trong thời gian đó, chương trình thư tín trong máy tính của anh lấy tất cả email từ máy chủ về. Ngoài những tập san khoa học hoặc tin tức được gửi đến hàng ngày, ngoài đám rác điện tử khiến anh phát khùng dưới dạng các quảng cáo rất dở hơi, như cái quảng cáo rao bán lẻ một lô đất xây dựng ở Bahamy, ngoài cả những liên hệ khoa học thông thường, hôm nay có cả email của cô.
Thậm chí điều này không làm anh đặc biệt ngạc nhiên. Có nghĩa là trong lúc đi tàu điện ngầm đến chỗ làm, đã có khoảnh khắc anh bắt buộc phải để tờ báo sang một bên để nghĩ về điều này, liệu anh có thất vọng và thất vọng ra sao nếu cô không bao giờ hồi âm và biến mất không lý do như cô đã xuất hiện.
Đã lâu rồi anh không phải dừng đọc báo để nghĩ về phụ nữ.
Anh còn nhận thấy là ý nghĩ đó khiến anh vui vui. Và nó hoàn toàn khác với việc nghĩ về biểu thị véc-tơ các nút ngang trong mạng Petry. Cô ta thật khêu gợi - anh nghĩ. Chính xác như vậy. Giống như người phụ nữ mà ta gặp ngoài đời thực, có thể qua hình thức bên ngoài, qua cái cách mà cô ta đi đứng mà nhận định rằng cô ta là quyến rũ, thì ở đây, trong Internet, theo một nghĩa nào đó thì vận hành một cơ chế tương tự. Hình thức khiêu khích, trang điểm quá mạnh và không phù hợp với thời điểm trong ngày, đánh mông rất kịch hoặc cổ áo được khoét quá sâu được thay thế trên mạng bằng những câu hỏi khiêu khích, bằng sự thẳng thắn thái quá hoặc bằng những câu hỏi quá riêng tư, quá đúng chỗ. Cách ứng xử như vậy rất hay che giấu sự thiếu tự tin, sự nhút nhát, nỗi sợ, sự mặc cảm hoặc đơn thuần là sự nhạy cảm. Trong tàu điện ngầm anh đã phân vân, không biết ở cô có vận hành cùng một cơ chế ấy? Anh đã phải bật cười khi nhớ lại câu hỏi của cô "Anh chỉ cần nói cho tôi biết, trình độ học vấn của anh như thế nào?"
Sau đó thì anh muốn cô là một phụ nữ đẹp. Và trong trường hợp này thì cái ảo tuyệt đối không thay đổi bất cứ điều gì. Đàn ông, trong sự trống rỗng của mình, kể cả trên Internet cũng muốn được chỉ những phụ nữ đẹp tấn công. Chẳng sao hết, rằng trong trường hợp này sắc đẹp không có vai trò gì. Bởi mọi cái đâu có thực, đâu có nhìn thấy. Đàn ông, kể cả những người bị tấn công hoàn toàn ngẫu nhiên, muốn tin và phần lớn tin một cách ngây thơ rằng họ là quá đặc biệt đến mức chỉ những cô gái đẹp mới dám quan tâm đến họ. Anh hình dung ra biết bao những người đàn ông như thế óp bụng lại hoặc che cái trán quá cao của mình bằng những sợi tóc lơ thơ còn lại khi ngồi trước máy tính. Phản ứng trực giác ấy ở giống đực thực thụ được biết đến trên các bãi biển, nay được đưa vào Internet. Phải chăng sự tiến hoá dừng lại và chỉ thay đổi cách trang trí? Và có thể cái đang xảy ra, thực ra phải được gọi là eTiến hoá?
Anh không biết trong trường hợp này cái gì có nghĩa là "đẹp". Anh lại nghĩ đến Natalia. Phải chăng chỉ có Natalia là đẹp? Phải chăng sẽ mãi mãi như vậy?
Anh sẽ rất thất vọng nếu cô không viết cho anh nữa. Rất thất vọng. Anh biết chắc thế khi lên khỏi tàu điện ngầm. Vậy nên lúc này, khi nhìn thấy email này, anh cảm thấy... không biết phải nói như thế nào... anh cảm thấy cô đã không làm anh phải thất vọng. Và anh bắt đầu đọc.
Warszawa ngày 30 tháng 1
Tôi biết có một người là anh trên đời lúc 16.30. Bây giờ mới là 17.15 ở Warszawa, vậy mà anh đã kịp khơi dậy trong tôi sự ngạc nhiên, sửng sốt, tò mò, ghen tị, xúc động, nỗi buồn và niềm vui. Thời gian gần đây tôi ít có những sự kiện nên tôi càng cảm nhận mãnh liệt hơn những cảm xúc như thế này.
Anh đã có lý khi nói rằng tôi không cần đến bất cứ lời khuyên nào. Tôi chỉ cần được giải toả và đơn giản là chia sẻ với ai đó. Giờ đây tôi thậm chí biết rằng anh chính là người mà tôi ít muốn chia sẻ nhất. Ngoài ra tôi chợt nhận thấy sẽ thật tầm thường nếu để mất thời gian của anh.
Tôi đã có được ngần ấy thông tin về anh, nên tôi muốn anh biết chút ít về tôi. Tôi 29 tuổi, sống ở Warszawa, từ 5 năm nay với người đàn ông là chồng tôi, tôi có mái tóc đen dài và màu mắt thay đổi theo tâm trạng.
Thậm chí anh không biết được là tôi vui như thế nào khi có ICQ ở đây, trong máy tính của tôi. Và rằng anh có.
Tôi vui như vậy từ 16 giờ 30 phút hôm nay.
Hẹn ngày mai gặp lại.
Nếu anh cho phép.

Anh đọc đi đọc lại email này mấy lần. Lần nào cũng thế, cứ đến đoạn về ông chồng là anh lại nhảy cóc mấy từ. Lần cuối cùng thì đơn giản là anh không đọc đoạn ấy.
Anh nhìn đồng hồ và khởi động ICQ của mình. Có thể cô đã ở đấy - anh nghĩ.
CÔ: Cô đến văn phòng sớm hơn hẳn mọi khi. Chồng cô đáp chuyến tàu sớm đi Lodz nên cô bảo anh chở cô đến văn phòng trên đường ra ga. Chồng cô ngạc nhiên vì biết cô vốn thích dậy muộn như thế nào. Nếu không có hai cái đồng hồ báo thức liên tục đổ chuông thì không bao giờ cô có thể dậy đúng giờ.
Cô đam mê ngủ. Đặc biệt là thời gian gần đây. Cô có những giấc mơ không bình thường. Buổi tối, khi ở phòng tắm ra, cô vào bếp uống một cốc sữa nóng và vui với những giấc mơ sẽ đến. Thỉnh thoảng cô thức giấc vào ban đêm, vẫn nhớ giấc mơ cuối cùng, cô uống sữa và quay lại với giấc mơ. Ở đúng chỗ đó, ở đúng đoạn đó, khi cô thức giấc.
Những giấc mơ như một cuộc trốn chạy. Cô đã có một giai đoạn cực kỳ khó khăn của hôn nhân. Tất cả trở nên hời hợt như thế nào ấy. Ông chồng ngộp thở vì sự giàu có mà những dự án ngoài giờ đem lại cho anh. Anh mắc chứng nghiện tiền và công việc. Trước đây anh chưa bao giờ có tiền và giờ đây anh không biết phải làm gì với chúng. Tất cả mọi thứ có thể mua bỗng nằm ngay trong tầm tay. Khoảng cách giữa hai dự án chỉ là vài dự án ngoài giờ. Ô tô đỗ dưới nhà. Căn hộ mới ở một khu thuận tiện, nơi mà chiếc ô tô đó không còn là một nốt nghịch âm. Những thiết bị mà chỉ sau nửa năm đã trở thành đồ cũ.
Chồng cô làm việc từ sáng hoặc đến rạng sáng, chủ nhật thì nhầm với thứ năm. Anh sắm đồ đạc mới, nhận những dự án mới. Chỉ còn năm nay nữa thôi. Chỉ còn phải mua ô tô cho em và lô đất ven rừng ấy - anh nói, khi thỉnh thoảng cô hỏi liệu có thể kéo dài đợt nghỉ một ngày để đi Zakopane.
Và lại nói chuyện với nhau bình thường như trước kia - cô nói.
Họ đã không "nói chuyện với nhau như trước kia" rất rất lâu rồi. Họ có ngày càng nhiều đồ đạc mới và ngày càng ít quan hệ. Có lần do vô tình cô đã than thở với mẹ. Thì cô được dạy rằng cô là một người vợ buông thả, không có khái niệm gì về việc mình đã vớ được anh chồng vừa tốt nết vừa chăm chỉ như thế nào. Bố mẹ cô vui với mỗi món đồ mới trong nhà cô, cứ như thể là chính họ mua về vậy. Cô có cảm tưởng là nếu có thể, thì bố cô sẽ đến nhà cô vào ban đêm để giúp chồng cô làm tất cả những dự án ngoài giờ ấy. Họ hãnh diện về sự giàu có của cô và hãnh diện kể về điều đó với tất cả những người muốn, và thường là cả những người không muốn nghe.
Họ tự hào về một chàng rể như vậy, còn cô thì lại đầu mày cuối mắt ở Belg. Chưa đầy hai tháng sau cuộc họp ở Berlin họ lại gặp nhau. Tại Warszawa. Khi anh bước vào văn phòng cô với hoa, với nước da rám nắng, với một mùi thơm lịch lãm tinh khiết như thường lệ và nói với cô thư ký rằng sẽ đón mademoiselle (1) - mặc dù anh thừa biết là cô đã có chồng - đến "Bristol dùng bữa trưa công chuyện", thì cô cảm thấy mình trội hơn hẳn.
Anh có thời gian. Lại một người đàn ông nào đó có thời gian dành cho cô! Anh lắng nghe, hóm hỉnh, tinh tế, ân cần và thu hút được sự chú ý của tất cả các cô gái trong nhà hàng. Sau đó anh gửi những bức email và những giấy mời dầy dặn, nhiều màu sắc và thơm nức mùi nước cạo râu mời cô cùng đi Paris, Budapest hay Berlin. Đôi khi cô phân vân, không biết điều gì sẽ thực sự xảy ra nếu cô có đủ can đảm để một lần nào đấy nhận một lời mời như vậy.
Anh gọi điện thoại. Giọng điềm đạm. Anh lắng nghe. Anh thì thầm. Đôi khi anh thầm thì bằng tiếng Pháp. Cô thích nhất thế. Trong cuộc sống ảm đạm và buồn tẻ nơi văn phòng, anh như tấm thiếp được gửi tới từ những đợt nghỉ hè, làm thức tỉnh những mơ ước về một sự thay đổi và một cái gì đó thật lãng mạn. Cô bắt đầu nhận thấy mình là một ai đó thật đặc biệt đối với anh.
Gần một tháng trước đây, ngay sau dịp năm mới, công ty cô tổ chức một cuộc gặp mặt những khách hàng lớn nhất ở Szczyrk. Anh cũng phải có mặt ở đó! Cô biết là anh đã đến đó trước và rằng anh sẽ đón giao thừa ở Szczyrk. Cô vui vì chuyến đi này. Hơi sợ những kịch bản có thể xảy ra hiện lên trong đầu cô có liên quan đến anh, nhưng mặc dầu vậy, mà cũng có thể là nhờ vậy mà cô thấy hạnh phúc và hưng phấn.
Cô đã sắp xếp mọi việc sao cho sẽ có mặt ở Szczyrk trước một ngày. Cô muốn làm anh bất ngờ. Từ ga, cô đi taxi về nhà khách. Mệt mỏi sau cả một ngày ngồi tàu. Người đầu tiên cô nhìn thấy khi bước vào gian sảnh sáng đèn, nơi có quầy lễ tân, là anh chàng người Bỉ "của cô" đang hôn cổ một cô gái tóc vàng đang nôn nóng nghiêng người về phía môi anh. Họ nắm tay nhau. Anh không để ý thấy cô, anh ngồi quay lưng ra cửa. Ngoài những lời chào hỏi xã giao, cô không trao đổi với anh một câu nào trong suốt ba ngày ở Szczyrk. Thực ra cô chẳng có quyền gì đối với bất cứ một sự trung thành nào hay bất cứ cái gì còn ít cơ bản hơn nhiều theo kiểu này. Ngoài sự quý mến, quan tâm từ phía anh và sự si mê của cô thì chẳng có gì gắn bó hai người. Hơn nữa, anh chàng người Bỉ thậm chí có quyền không biết đến sự si mê và anh ta có thể hôn tất cả các cô gái tóc vàng trong cái nhà khách này.
Mặc dầu vậy cô vẫn cảm thấy bị xúc phạm và bị phản bội. Cô lén quan sát anh trong thời gian ở Szczyrk. Cô không còn coi anh là một người không chê vào đâu được nữa. Bây giờ anh thậm chí còn là một gã lùn tì và mắc những lỗi khủng khiếp trong tiếng Anh. Lại còn một tối nào đấy, anh vào quán bar với mái tóc xịt gôm. Cô thấy anh thật buồn cười và hợm hĩnh đầy lúng túng.
Dẫu sao cô vẫn cần có thời gian để quên cái anh chàng người Bỉ ấy. Cô cố gần gũi chồng và tìm lại nơi anh một chút tình cảm mà cô đang cần. Cô thèm một câu chuyện bình thường. Về sách vở, về phim ảnh, về những dự định. Về một cái gì đó không liên quan đến sự thường nhật, đến mua sắm, tiền bạc và những bữa ăn vào chủ nhật ở nhà ngoại. Nhưng anh không có thời gian dành cho cô trong những lúc tạm nghỉ giữa các bản thiết kế ngoài giờ. Thực ra mà nói thì ngay cả những lúc tạm nghỉ ấy anh cũng chẳng có.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 28-12-2007, 00:42  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Và khi ấy cô bắt đầu mơ. Cô uống sữa, lên giường và mơ. Sáng ra, cô thức dậy như vừa được gột rửa. Như thể tất cả những gì dằn vặt hay khiến cô bất an lúc ban ngày đã đi qua một phin lọc của tiềm thức, nó gột rửa tất cả trong những giấc mơ. Có lần, về sau này, cô đã đề cập đến đề tài này trong những câu chuyện với Jakub. Anh đã viết gì đó và cô hoàn toàn nhất trí:
Giấc mơ, mỗi một giấc mơ giống như cơn rối loạn tâm thần. Cùng với tất cả những gì thuộc về nó: rối loạn cảm giác, điên rồ, sự phi lý. Cơn rối loạn tâm thần thoảng qua. Vô hai, được chấp nhận và kết thúc có chủ ý bằng cách tỉnh giấc. Gột rửa. Chí ít thì Freud đã nhận định như vậy. Có lẽ về vấn đề này thì ông ta biết.
Ngoài ra, từ hôm qua mọi cái đã khác đi. Chàng trai người Bỉ bỗng trở nên không quan trọng. Như một bạn trai từ thời mẫu giáo mà tên của hắn chỉ được nhớ như qua một màn sương. Hôm nay cô cũng mơ, nhưng sáng ra cô đã cắt ngang giấc mơ ấy mà không hề nghi hoặc như lẽ thường, rằng đây thực sự là kết thúc và cần phải bắt đầu suy ngẫm. Hôm nay cô muốn đến văn phòng thật nhanh. Hôm qua cô mới mở hơn chục trong số hai mươi tám trang Internet có họ tên anh. Hôm nay trước khi vào ICQ, cô muốn mở nốt những trang còn lại. Nên cô dậy sớm và nhờ chồng chở đến văn phòng. Để có thời gian trước khi mọi người đến.
Cô lần lượt mở hết trang này đến trang khác. Cô đã mất hết hy vọng. Chỗ nào cũng tin học, gen học, những báo cáo về các cuộc hội nghị, các bài viết mà có đọc cô cũng chẳng hiểu gì. Có lẽ đây là trang áp chót trên danh sách hai mươi tám địa chỉ. Cô nhấn chuột và xuất hiện dòng chữ: Lạy Chúa, hãy giúp con được là người giống như trong mắt con chó của con. Cô cười, nghĩ rằng đây là một lời đề nghị thông minh. Sau đấy hình như cô cười liên tục. Đó là trang Internet của cá nhân anh! Cũng gen học. Nhưng lần này là gen của chính anh.
Anh nói về bản thân. Cô biết là không dễ gì chọn được những thông tin thú vị về bản thân và đưa chúng ra trước bàn dân thiên hạ trên trang web. Đã có lần cô nghĩ tới việc chuẩn bị để lập một trang riêng trên Mạng, nhưng rồi đành từ bỏ - cái chính là vì cô không biết phải viết về mình cái gì và viết như thế nào để không quá tầm thường và nhạt nhẽo.
Anh đã làm điều này rất khôn ngoan: tập trung vào những người khác và thông qua họ nói về mình. Anh kể Mozart, Chopin, Morison đối với anh quan trọng như thế nào, anh thuộc lòng những bài thơ nào của Rilky, còn những bài nào trong thời gian tới anh mới học (đây là nói ngoài lề: có ai còn học thơ ở tuổi này? - cô buồn cười nghĩ). Anh kể đã đọc những cuốn sách nào và anh nghĩ như thế nào về chúng, về cả những cuốn mà anh sẽ không bao giờ động tới nữa. Anh trình bày kết cấu hoá học của một số hợp chất và kể một cách rất hấp dẫn rằng anh cảm thấy như thế nào khi thiếu chúng và như thế nào khi có chúng quá nhiều. Cô ngạc nhiên khi đọc đoạn anh viết dopamine có thể làm gì với con người và cần phải chú ý tới những gì để có thể tự mình xoay xở được khi thiếu hoặc thừa testosterol.
Anh đưa lên những bức ảnh đẹp không thể tưởng được từ New Orleans và thuyết phục tất cả mọi người rằng đây là một trong những nơi quan trọng nhất trên Trái Đất này. Ngoài New Orleans anh còn kể ra Dublin, Boston, Wroclaw, Princeton, đảo Wight (cô mù tịt không biết cái hòn đảo này có thể nằm ở đâu), San Diego, Kuala Lumpur và Krakow - giống như những ga trên cùng một tuyến tàu chạy điện nội tỉnh. Thế giới của anh không có biên giới. Anh nói về khoa học, về vũ trụ, về trí thông minh và não. Não là niềm đam mê của anh.
Khi quyết định xem kỹ hơn trang này, cô đi đến kết luận rằng có lẽ anh là một người nhút nhát. Thực ra mà nói thì anh không biết cách viết thẳng về bản thân mình. Anh lấy thơ, lấy các chân dung và khoa học để kể về những gì mình nghĩ, cảm nhận, ngạc nhiên hay thậm chí khao khát.
Cô không biết thêm được bất cứ điều gì có thể làm cô bất an từ trang này. Bởi cô không biết thêm bất cứ điều gì về bất cứ một người phụ nữ nào - bỏ qua người phụ nữ trong thơ của Rilky - hiện tại có hoặc có thể có ý nghĩa đối với anh. Đây quả là thông tin giá trị và khiến cô xúc động!
Nếu phải nhận định về anh thông qua trang Internet cá nhân này chỉ trong một từ, thì cô sẽ dùng chỉ một từ: nhạy cảm. Từ thứ hai, đến ngay sau nhạy cảm, đó là "buồn". Trang này của anh đầy ắp nỗi buồn. Buồn và nhớ. Cô không biết nhớ gì, nhưng cô nhìn thấy nó ở mọi nơi: anh nhớ một cái gì đó và nhớ ai đó.
Ngoài ra trang này còn là sự tôn vinh trí thông minh. Cô đã rất suy tư khi đọc câu cuối cùng: hãy thông minh hơn những người khác và đừng để họ biết điều đó... Đúng lúc này thì cô thư ký xuất hiện. Cô ta không giấu nổi sự ngạc nhiên khi thấy cô ngồi trước máy tính. Một việc chưa từng xảy ra cho đến lúc này - mà họ đã cùng ở văn phòng này đã năm năm - là cô lại có mặt ở văn phòng trước cô thư ký. Cô ta không bình luận một lời nào. Chỉ cố tìm lấy một lý do có thể nào đó để đi đến chỗ cái máy in hay tủ tài liệu gần cửa sổ, như thế có thể đi qua và liếc vào màn hình máy tính của cô.
Cô thư ký này là một cơ thể lăng xăng nhất mà cô từng biết. Kể từ khi cô nhận ra rằng mỗi phụ nữ eo thon do nhịn ăn - mà cô thư ký thuộc về loại này - đều bắt đầu tự động gắn mình với sự lăng xăng vô hạn độ. Và cái eo thon ấy của cô ta! Một cái eo thon chẳng tao nhã chút nào, khiêu khích, mời mọc và không với tới! Họ sợ uống cả nước khoáng vì sợ có quá nhiều calo. Đôi khi cô có cảm giác như người đàn bà ấy gầy đền nỗi có thể gửi cô ta qua fax.
Chỉ đến khi truyền hình Ba Lan chiếu bộ phim dài kỳ Ally Mc Beal cô mới bắt đầu dần nhưng không cưỡng lại được, thay đổi nhận xét của mình về những phụ nữ gầy do nhịn ăn. Khi tìm thấy một phần của mình trong những chuyến lang thang do tâm thần hoặc những cách ứng xử quá nhạy cảm của nữ nhân vật chính, cũng gầy như cô thư ký của họ, thì cô bắt đầu rũ bỏ những định kiến của mình.
Cô không đọc trang Internet của anh nữa và cảm thấy không yên tâm.
Ước gì anh hiện hữu, ước gì anh muốn hiện hữu, ước gì anh đừng biến mất - cô sợ hãi nghĩ.
Cô mở ICQ của mình. Anh đang online.
Cô viết: Jakub, tôi nhớ anh quá.
ANH: Anh làm việc. Chạy thử xong chương trinh cho Warszawa. Tức là anh làm việc và đợi. Cuối cùng thì đã đợi được! ICQ phát tín hiệu rằng cô đang online. Anh kích chuột vào tấm thẻ vàng phía dưới bên phải màn hình.
Chẳng có một "xin chào" nào, chẳng có một "anh có khỏe không" nào. Ngay lập tức là "Jakub, tôi nhớ anh quá". Anh cắn răng. Như thường lệ, mỗi khi gặp phải vấn đề gì đó mà anh không biết phải làm thế nào hoặc không biết phải phản ứng thế nào. Cha anh cũng làm như ậy.
Từ lâu rồi anh đã tin rằng chẳng có ai nhớ mình, và đã như thế từ nhiều năm nay. Anh đã chọn vậy. Không có gì bất công hơn là nỗi nhớ đơn phương.Thậm chí còn tồi tê hợn cả tình yêu đơn phương. Sau Natalia, anh không còn khả năng nhớ bất cứ ai và bất cứ cái gì. Như thể tất cả trong anh đã cháy trụi. Có thể thi thoảng nhớ về bố mẹ anh. Vào ngày sinh của họ, vào ngày giỗ của họ, hoặc ở Zaduszki.
Anh cho rằng, bởi vì tự anh thì không có khả năng để nhớ, hợp lẽ nhất là sống sao cho không ai phải nhớ đến ai. Nhưng cả điều này cũng đã không được kiểm chứng. Từ khi nhận được email của Jennifer thì anh biết rằng không phải bao giờ cũng sống được như vậy. Đó là vào tháng tư hoặc tháng năm năm ngoái. Anh không quên cái cảm giác tội lỗi tê dại khi đọc thư cô trên tàu từ Berlin đi Warszawa. Cho tới lúc đó anh chưa từng đọc một lời mô tả nào về nỗi nhớ gây xúc động đến thế. Anh viết trả lời:
Xin chào. Tôi rất mừng được thấy chị. Tôi đã đợi chị.
Đợi. Nó có đồng nghĩa với nhớ không?
Cô mở chat.
CÔ: Không. Với em thì không. Để đợi, em không thức dậy vào lúc 5 giờ sáng, từ bỏ những giấc mơ đẹp nhất. Cũng không vì lý do đó mà em đến công sở từ trước 7 giờ. Khi đợi, sữa không mất đi mùi vị của nó. Còn khi nhớ thì có.
ANH: Anh sẽ nhớ. Đặc biệt là về sữa. Anh hỏi thế vì cho rằng chẳng có ai nhớ mình, từ nhiều năm nay rồi. Và khi một ai đó viết một cái gì đó như vậy thay cho "xin chào", thì... thì thoạt tiên anh muốn quay đầu lại và kiểm tra xem liệu đó có phải là gửi cho ai đó đang ngồi đằng sau không. Nhưng chẳng có ai ngồi sau anh cả.
CÔ: Đó là gửi cho anh đấy. Chỉ cho anh thôi. Em biết là anh sẽ quen. Rồi anh sẽ thấy.
ANH: Em sẽ kể chút gì đó về mình chứ? Anh đã biết là em hay mơ, em thích sữa và em nhớ anh. Liệu anh có thể biết nhiều hơn được không?
Em có đôi mắt to phải không? Trán em có cao không? Đôi bàn chân nhỏ nhắn? Khi ngủ em thường nằm nghiêng? Tóc em có mượt không? Em có làn da rám nắng không? Em có nói tiếng Anh không? Em có thích đi dưới mưa không? Em có thích opera không? Em có hay liếm môi không? Em có tin vào Chúa không? Em có thích phúc bồn tử không? Em có...

CÔ: Những câu hỏi cứ lần lượt hiện lên màn hình. Như thể anh chuẩn bị sẵn chúng trên một danh sách nào đấy chưa được sắp xếp lại và anh chỉ đơn thuần là chép lại chúng. Cô chắc rằng anh chẳng có một danh sách nào hết. Một số các câu hỏi trong đó trước anh chưa hề được ai đặt ra cho cô bao giờ. Chưa bao giờ. Kể cả chồng cô. Mà cô sống với anh đã năm năm nay. Cô viết lại:
Chỉ cần cho em biết điều này: Tại sao anh lại muốn biết tất cả những điều đó?
ANH: Vì... anh cũng nhớ em.
CÔ: Em sẽ kể cho anh tất cả. Anh có nhiều thời gian phải không?
Ngay từ ngày đầu tiên, những câu chuyện với anh đã giống như những trải nghiệm mà người ta sẽ nhớ. Cô không thể giải thích được điều này, nhưng cô không cho rằng những gì xảy ra giữa họ là quá nhanh. Bằng giờ này hôm qua cô vẫn chưa biết anh. Thế mà hôm nay, chỉ chốc nữa thôi cô sẽ nói với anh khi ngủ cô nằm nghiêng về bên nào. Nếu anh có hỏi cô có nằm khoả thân khi nghiêng về phía ấy, thì cô cũng sẽ trả lời không đắn đo, rằng cô nằm khoả thân. Phải chăng chính Internet, phải chăng sự thiếu những trải nghiệm nơi cô, phải chăng đơn thuần là anh cảm ứng sang cô sự thành thật ấy? Mà biết đâu chính cô cuối cùng cũng muốn nói về mình cho một ai đó và biết rằng người ấy có thời gian để nghe cô?
ANH: Bỗng dưng anh muốn biết tất cả về cô. Bởi việc không nhìn thấy cô đâu có quan trọng. Cô sẽ tự nói cho anh những gì anh có thể nhìn thấy. Nói bằng những con chữ của riêng mình. Và chúng sẽ chính xác như cô muốn anh nhìn thấy. Và anh tin vào điều đó và sẽ đưa cô đúng như thế - trong ý nghĩ - về nhà và trong trí tưởng tượng của mình. Bởi trên Internet thì quan trọng nhất là những con chữ và trí tưởng tượng.
Mỗi cuộc nói chuyện và gặp gỡ với cô trên Internet đều có không khí và tâm trạng của một cuộc hò hẹn. Chúng trang trọng, chờ đợi và không bao giờ biết trước được sẽ kết thúc ra sao, theo cách của mình. Ngoài ra thì "Jakub, tôi nhớ anh quá" thay cho câu chào của cô mỗi buổi sáng luôn làm anh xúc động.
Hầu như sáng nào cô cũng chào anh. Chỉ có thứ bảy và chủ nhật là không. Và do vậy mà vào thứ hai thì "Jakub, tôi nhớ anh quá" như một khẳng định rằng mọi cái vẫn đang tiếp diễn. Nên từ hôm ba mươi tháng giêng, thứ hai đã trở thành ngày yêu thích trong tuần của anh.
Giữa thứ hai và thứ sáu họ nói về mọi chuyện. Về Chúa, về tiền nong, về thời tiết ở Warszawa, về loại kem dưỡng tốt nhất cho loại da hỗn hợp, về Internet, về gen và chromosom, về màu tóc của cô, giọng nói của cô, về những phương pháp tránh thai phổ thông nhất, về âm nhạc, về sự suy tàn của triết học, về toán học, về mùi nước hoa cô dùng vào buổi sáng và tối. Về tất cả. Thực ra thì khi nói chuyện với cô, đề tài nào cũng trở nên hấp dẫn. Đề tài nào cũng tiết lộ một chút gì đó về cô.
Cô đã bị sốc khi anh nói anh không có ô tô, và ngay khi mùa đông chấm dứt, anh sẽ sung sướng quay lại với cái xe máy của mình. Anh không thể quên câu bình luận hài hước của cô.
Anh không có ô tô?!! Ở nước Đức?! - cô viết với sự ngạc nhiên.
Thế thì anh làm gì vào những ngày cuối tuần? Chẳng phải là người Đức dành những ngày cuối tuần chủ yếu cho việc rửa ô tô sao? Tôi nghe nói là ở Đức, chỉ có những người bị bệnh tâm thần, sinh viên và những người cộng sản mới không rửa ô tô vào thứ bảy.
Tiếp theo cô viết rằng song nếu anh có mua một cái gì đó để có cái mà rửa vào thứ bảy thì nhất định phải mua loại xe địa hình off-road, loại tốt nhất của Mitsubishi, có hộp truyền động low-range và động cơ có khả năng chuyển sang kiểu phối hợp.
Nhưng anh thì chắc là biết rõ về tất cả những điều đó - cuối cùng cô viết thêm.
Đương nhiên là anh không biết! Với lại anh chưa bao giờ muốn biết. Những cái đó đã có nhân viên bán hàng của Mitsubishi biết. Nhưng việc cô biết về những vấn đề như thế này, anh thấy có một cái gì đó... sexy. Lúc đó là chiều, khi cô tư vấn cho anh về cái hộp truyền động low-range. Sau bữa chính, anh không tài nào nuốt nổi cái thứ nước merlot mới, rất tuyệt của Chile mà mãi gần đây anh mới phát hiện ra ấy. Anh hình dung ra họ đang có mặt trên một vùng địa hình, rất off-road và có đầy đủ điều kiện để chuyển sang kiểu phối hợp.
Đương nhiên là anh không biết -anh trả lời - nhưng anh sẽ ghi nhớ: kiểu phối hợp.
Và viết thêm, nhưng rồi ngay lập tức thấy hối hận:
Hôm nay em mặc đồ lót màu gì?
Điều này có lẽ quá sỗ sàng. Họ biết nhau mới chỉ có hai tháng. Cô không trả lời. Chỉ hỏi:
Vậy anh thích cởi đồ lót màu gì nhất?
Nếu cô hỏi ví dụ như "Vậy anh thích màu gì nhất" thì đã không tác động như vậy
Màu xanh lá cây. Ở mọi tông màu - lúc ấy anh trả lời.
Màu xanh cây. Em nhớ rồi. Còn bây giờ em phải đi đây. Anh đừng có làm việc quá nhiều trong những ngày nghỉ cuối tuần đấy.
Cô mất hút, không đợi câu trả lời, chỉ để lại sau mình thông báo của hệ thống ICQ:
User went offline.
Sao anh căm thù dòng thông báo ấy thế không biết! Nhất là vào buổi chiều muộn của thứ sáu. Phòng làm việc bỗng trở nên trống trải. Anh cảm thấy một cái gì đó như là sự pha trộn giữa cay đắng, hờn trách cô, thất vọng và cô đơn. Tất cả cùng một lúc.
Anh biết rõ rằng cần phải đơn giản là chờ đợi. Hơn nữa anh cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Cô không thuộc về anh. Cho nên bao giờ anh cũng trữ nhiều rượu vang hơn ở phòng làm việc hay trong tủ lạnh vào thứ sáu. Khi cô rời ICQ và quay về với thế giới thực của mình ở đó, ở Warszawa, thì anh uống một hơi cạn ly vang và rót tiếp ngay ly thứ hai.
Anh bắt đầu làm vậy từ hồi đầu tháng ba. Vào giữa tháng tư thì anh nhận thấy rằng kỳ nghỉ cuối tuần đó là những ngày không được đi làm. Từ cuối tháng tư thì anh nhớ cô thực sự. Đã từng có lần vào tối thứ bảy, anh ngồi lên xe máy và đi qua cả Munich để đến văn phòng, chỉ để kiểm tra xem cô có viết gì không. Có thể cô để quên một thứ gì đấy và cô buộc phải đến văn phòng để lấy, mà máy tính thì nằm đó, và đơn giản là cô viết - anh nghĩ bụng.
Nhưng đã không xảy ra như vậy. Không. Cô chẳng quên thứ gì cả. Trong hộp thư của anh chẳng có lấy một email nào của cô vào tối thứ bảy. Cứ mỗi lần như vậy anh lại hơi thất vọng, nhưng không bao giờ nói với cô điều đó. Với lại sau đó thứ hai cũng sẽ đến. Cà phê sao mà ngon thế. Anh mở máy tính. Tấm thẻ nhỏ màu vàng hứa hẹn kết thúc đợt chờ đợi. Anh kích chuột và đọc "Jakub à, em nhớ anh quá" của cô và lời hứa đã được thực hiện. Cho cả năm ngày dài. Đến thứ sáu.
Chỉ miễn sao anh đừng có quên mua thêm vang vào sáng thứ sáu, khi chuẩn bị đi làm.
CÔ: Kể từ khi gặp anh trên ICQ, phòng làm việc của cô như một địa điểm của những cuộc hẹn hò bí mật. Cô bỗng thích tất cả mọi thứ ở đây. Cái máy tính vốn xám xịt, quá to và quá ồn, những chậu hoa trên cửa sổ mà cô quên tưới, cái bàn làm việc cũ kỹ của cô, mà thậm chí cả mùi nước hoa của cô thư ký mà giờ đây sự gày gò của cô ta không còn là sự dằn vặt của lương tâm những khi cô ngồi ăn sữa chua bên cạnh cô ta nữa. Bỗng nhiên với cô, cô ta không còn là người phụ nữ trong bức ảnh minh hoạ cho bài phóng sự về nạn đói ở Ethiopia nữa. Giờ đây cô có thể ngồi ăn với cô ta cả túi kẹo mà không hề nghĩ tới bất cứ một calo nào!
Cả điều này nữa, cũng bỗng nhiên trở nên dửng dưng đối với cô, rằng chồng cô lại tha về cả chục bản thiết kế cho mấy tháng tiếp theo và chắc chắn là họ sẽ không đi cả Zakopane, cả bất cứ nơi nào khác trước cuối tháng chín. Đại loại là từ cuối tháng ba, quan trọng nhất đối với cô là đọc email của anh vào mỗi sáng, làm nhiều nhất trong số ít ỏi những thứ mà người ta yêu cầu cô cho đến giờ nghỉ trưa và ngay sau đó là gặp anh trên ICQ. Lý tưởng nhất là được nói chuyện với anh cho đến lúc về. Hiếm khi họ được như vậy bởi cả hai đều phải làm việc. Nhưng thỉnh thoảng cũng được. Tuy nhiên bao giờ cũng thế, trước khi cô rời văn phòng - nếu anh đang ở Munich và không đang đi đâu đó thì không bao giờ anh ra khỏi mạng trước cô - họ gặp nhau trên Mạng để tạm biệt.
Họ nói với nhau hầu như về mọi chuyện. Hàng ngày, về tất cả những điều không thường nhật. Với mỗi chữ, với mỗi câu anh lại trở nên gần gũi với cô hơn. Cô không thể nhớ được mình đã làm những gì trong cái văn phòng này trước ngày gặp anh.
Họ chỉ không nói về chồng cô và về những người phụ nữ của anh. Hai đề tài này không cách gì bước vào những câu chuyện của họ được. Việc không xuất hiện một mẩu nào về chồng cô giống như một luật bất thành văn giữa họ. Kể từ khi cô nhận thấy anh hoàn toàn bỏ qua những thông tin về cuộc sống của mình mà trong đó cô dùng số nhiều thì cô chuyển sang dùng số ít. Thoạt đầu cô không hiểu thái độ của anh. Về sau, khi họ đã trở nên cần thiết đối với nhau và tình bạn không được gọi tên ấy đã dần chuyển sang một cái gì đó tình cảm và riêng tư, thì cô hiểu rằng như vậy tốt hơn nhiều. Cả đối với cô cũng vậy.
Cô đề cập đến đề tài những người phụ nữ của anh hoặc trực tiếp, hoặc xen vào các câu hỏi hoặc những câu khiêu khích để anh bình luận. Nhưng anh rất hay bỏ qua những câu hỏi kiểu đó. Tuy nhiên thi thoảng anh cũng phản ứng lại, anh trả lời:
Sẽ có một lúc nào đó anh kể cho em nghe tất cả. Chính xác. Bây giờ thì chưa. Hãy thứ lỗi cho anh.
Cô chỉ biết rằng anh đang độc thân và người phụ nữ duy nhất để anh trao đổi về tình yêu và về giao hưởng Anh hùng của Beethoven là cô. Điều này khiến cô yên tâm, nhưng chẳng được bao lâu. Sự tò mò bất an về quá khứ của anh không lúc nào ngưng trong cô.
Anh mới tinh tế làm sao. Bằng một cách bí ẩn, anh cảm nhận, hầu như không nhầm, tâm trạng của cô. Không bao giờ anh không cố hài hước để cô cười, khi nghĩ rằng nỗi buồn của cô chưa đến nỗi đối lập với nụ cười. Có lần chẳng duyên cớ gì anh hỏi:
Có phải kỳ kinh nào em cũng bị đau không?
Làm sao mà anh biết là cô bị đau và rằng cô đau kinh khủng?! Vào những ngày này anh không đưa ra bất cứ vấn đề gì để tranh luận với cô, vì anh biết rõ rằng những khi đó phụ nữ có thể trở nên khó lường trước được. Anh thường kể cho cô nghe chuyện gì đó mà không hề hỏi về nhận xét của cô. Một cái gì đó kiểu như là: “còn bây giờ em hãy ngồi thật thoải mái nhé, hãy thư giãn, hãy nghe và đừng nói gì cả”. Chính vào một trong những ngày như vậy cô đã hỏi anh:
Jakub, ở đây người ta nói, viết rất nhiều, thậm chí gần đây người ta còn hát về gen. Ai cũng cảm thấy mình có nghĩa vụ phải có một ý kiến nào đó về đề tài này. Em biết là ở Mỹ người ta đã giải mã được toàn bộ bản đồ gen. Đây không chỉ là một đề tài bắt buộc trong các câu chuyện, mà còn là sự mê hoặc. Đúng thế, thậm chí cả cool(*), hiện tại cũng bị mê hoặc bởi bản đồ gen và không chỉ của riêng mình. Anh hãy nói cho em biết đi, người ta giải mã gen như thế nào. Nói làm sao để em hiểu được ấy. Nhưng anh phải nhớ rằng ngoài việc em cũng có gen và em biết anh, thì em tuyệt đối không có gì liên quan đến gen học đâu đấy.
Đoán là sẽ có một cuộc nói chuyện dài, cô mở chat.
ANH: Tại sao em lại muốn biết đúng vào ngày hôm nay?
CÔ: Cơ bản vì đã lâu rồi anh không kể cho em nghe chuyện gì hay ho một tí, mà anh thì biết là em rất thích đọc anh khi anh kể. Ngoài ra, cuối tuần này em mời mấy người đến nhà chơi. Trong đó có một tay mà em không thể chịu nổi, nhưng em tha thứ cho hắn chỉ vì hắn là chồng của cô bạn gái thân của em, - như một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời nó. Tay này đọc được gì đó trong bách khoa toàn thư và tỏ ra thông minh suốt cả buổi tối. Từ lâu rồi em đã muốn cho hắn một bài học. Khi tất cả cùng ngồi bên bàn, em sẽ hỏi hắn thật to rằng trong thực tế người ta giải mã gen như thế nào. Em chắc rằng điều này thì hắn chưa kịp đọc trong bách khoa toàn thư, và khi đó, trước mặt tất cả mọi người em sẽ “bóc mẽ” hắn bằng sự thông minh. Đúng hơn là của anh. Em hy vọng rằng sau tối hôm đó hắn sẽ chỉ dám để vợ đến chỗ em, còn bản thân hắn thì không dám ló mặt thêm một lần nào nữa.
ANH: Một lý do tuyệt vời. Em làm anh ngạc nhiên vì những ý tưởng của mình đấy. Với những gien này, đó là chuyện nhỏ.
CÔ: Khoan đã. Bây giờ thì em ngồi thoải mái rồi đây. Đặt tay lên bụng em thầy đỡ đau hơn. Còn bây giờ thì anh kể đi, Jakub!
ANH: Một tẹo nữa, được không? Nói cho anh biết điều gì đó về bụng em đã. Nó như thế nào? Phẳng, to, rám nắng hay trắng ngần?
CÔ:]Có lẽ từ ngày đó, bao giờ cũng có nhục thể xen giữa các câu hỏi trong các câu chuyện của họ. Những câu hỏi ấy như là – cô nghĩ thế – phép thử xem có thể tiến xa tới đâu khi hỏi về thân thể cô.
Anh có thể tiến xa hơn thế nhiều từ lâu rồi – cô nghĩ, chạnh lòng khi đọc những câu hỏi như vậy.
Sau đó thì thân thể cô là một đề tài thường xuyên trong các câu chuyện của họ. Anh hỏi rất tinh tế, nhưng có hệ thống về tất cả. Mắt, miệng, bàn tay và cánh tay cô hấp dẫn anh hơn cả. Vào một ngày nào đó anh viết:
Hôm qua anh vào một cửa hàng bán nước hoa và đã thấy các bà thích thú xịt vào chỗ cổ tay để thử những loại nước hoa mới như thế nào. Ngắm nhìn họ, anh cảm thấy muốn được hôn vào cổ tay em quá.
Và ngay sau đó anh đưa ra câu hỏi này. Lần đầu tiên anh đủ can đảm cho một cái gì đó như vậy. Còn như từ trước tới giờ, anh vẫn thận trọng lặng thinh trước bất cứ đề tài nào có thể khiến cô bắt buộc phải nói điều gì đấy về một người đàn ông khác trong cuộc đời mình. Cho dù đó là trong quá khứ hay trong hiện tại. Song lúc ấy anh đã hỏi:
Có ai đó hôn cổ tay em không?
Điều này đã làm cô buồn. Cô chạm tay vào màn hình. Cô cảm thấy cần phải làm thế.
Chưa hề có ai hôn cổ tay em, trước đây hay bây giờ. Cả mặt trong lẫn mặt ngoài. Không có ai ngoài anh cho tới lúc này lại quan tâm đến cổ tay em thậm chí chỉ trong một tích tắc – cô trả lời và viết thêm – Bao giờ chúng mình gặp nhau, anh sẽ hôn cổ tay em, phải không?
Lần ấy anh đã không trả lời cô.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 28-12-2007, 00:44  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

ANH: Có lẽ anh không thể đợi được câu trả lời của em. Vậy em sẽ kể về bụng của em vào lần khác nhé.
Còn bây giờ quay về đám gen của em. Kể từ khi có máy tính, thì việc sắp xếp chuỗi AND của người nằm trọn trong nhân mỗi tế bào đã trở thành nhiệm vụ của các chuyên gia tin học hơn là gen học. Anh bắt đầu từ họ, vì thật ra chính họ thực hiện toàn bộ công trình. Các chuyên gia gen học và sinh học nảy ra một ý tưởng, là làm thể nào để cung cấp cho họ dữ liệu để xử lý. Mà dữ liệu thì rất rất nhiều. Anh sẽ cho em biết ngay là nhiều như thế nào.
Như em biết đấy, gen chẳng là cái gì khác ngoài một chuỗi hoàn chỉnh gồm khoảng 3,5 tỷ hợp chất kiềm hữu cơ đơn giản, những hợp chất này căng ra như những bậc thang giữa hai sợi chỉ bằng phốt-pho và đường. Những sợi chỉ cỡ nanomét này quấn vào nhau thành một chuỗi xoắn kép nổi tiếng, mà gần đây ai cũng phải phát biểu dăm ba câu về chúng.
Bằng các mối liên kết hóa học, các hợp chất tạo nên những cặp và tất cả các cặp này làm thành những bậc thang nối hai sợi với nhau. Mỗi hợp chất đều có tên của mình: guanin, cytozyne, adenine và tymine. Nhưng người ta thường biết đến tên viết tắt của chúng nhiều hơn G, C, A, T. Giải mã gen không là gì khác ngoài việc xác định thứ tự các cặp AT và CG trong cái thang ấy. Không là gì khác. Tìm thứ tự của khoảng 3,5 tỷ cặp chữ cái AT hoặc CG. Như vậy có nhiều không? Nếu mỗi chữ cái A, T, G hoặc C có độ dài chỉ một milimét, thì sau khi sắp xếp toàn bộ mã gien người thành một câu, câu này sẽ dài hơn cả dòng Danube xanh. Mà Danube là dòng sông dài nhất châu Âu. Để đọc hết câu này, cần hơn một trăm năm. Như vậy có lẽ là nhiều, phải không?
Để tái tạo lại ngần ấy dữ kiện, cần phải có nhiều máy tính và những phần mềm tốt. Từ lâu, một trong số các hãng chính giải mã gen đã có trong phòng thí nghiệm của mình ở Rockville công suất tính toán lớn hơn toàn bộ Pentagon. Rất may là điều này chẳng gây phiền toái cho ai. Thiếu cái này thì ngay cả nghĩ đến việc giải mã AND cũng không dám. Lượng thông tin sinh ra từ một phòng thí nghiệm gen cỡ trung bình cũng lớn gấp 20 ngàn lần số tác phẩm mà thiên tài Bach, người được coi là đặc biệt “mắn” trong sáng tác, viết ra trong suốt cuộc đời mình.
Đương nhiên là các nhà sinh học cùng với các nhà gen học đã nghĩ cách cung cấp dữ liệu về chuỗi các hợp chất trong AND. Mười lăm người tình nguyện ở Mỹ, được đảm bảo ẩn danh, đồng ý cung cấp các sợi AND lấy từ nhân tế bào máu và tinh trùng của họ. Những sợi này được đưa vào các tế bào của vi khuẩn E.coli vốn được các nhà sinh học thí nghiệm nhân tế bào yêu quý, vi khuẩn này tự nhân lên với AND của người trong nó, với một tốc độ không thể tưởng tượng nổi. Những tập đoàn E.coili bơm AND như những nhà máy tí hon. Trên các tập đoàn này là những robot đi đi lại lại, chúng kiểm tra những AND được nhân lên thông qua E.coli và tìm ra những phiên bản tốt nhất và dệt sợi chỉ thành sáu mươi triệu đoạn ngắn. Mỗi đoạn như vậy có không nhiều hơn mười ngàn cặp AT hoặc GC. Những đoạn này được gửi đến các ống mao dẫn là một phần của các thiết bị công nghệ tinh vi để sắp xếp chuỗi gien. Tất nhiên là anh có thể liệt kê cho em tên chi tiết và những thông số của các robot và các thiết bị này, để em có thể tống khứ vĩnh viễn cái gã thông thái rởm chỉ biết có mỗi cuốn bách khoa toàn thư kia đi. Chỉ cần em cho anh biết, em có muốn hay không?
Cái ống mao dẫn hút các sợi AND nằm trong các mảnh. Các sợi này di chuyển theo thành ống dẫn lên trên và thoát ra ngoài, hết nấc này đến nấc khác. ATCGCGAT… và vân vân. Mỗi nấc thang như vậy hoặc mỗi cặp hợp chất thoát được lên trên cạnh của ống dẫn lập tức bị lóa mắt bởi một tia laser mạnh. Vì nấc thang, đó là hợp chất, một hợp chất hóa học, nên nó phát sáng trong một phổ xác định. Phổ huỳnh quang của cặp hợp chất đã thoát được ra ngoài ngay lập tức được chuyển đổi thành các dữ liệu số và gửi đến các máy tính để phân tích.
Ánh sáng laser chiếu lên các ống mao dẫn nằm trong dải tần ứng với màu xanh, cho nên những phòng thí ngiệm sắp xếp chuỗi gien vốn luôn hơi tôi tối, khi nhìn qua cửa kính thì giống như những phòng màu xanh bí ẩn đang chiếu phim khoa học viễn tưởng. Anh đã từng có mặt mấy ngày trong một phòng thí nghiệm kiểu như thế ở Boxton. Đôi lần vào buổi tối, anh đến gần những tấm cửa kính, mà bên trong chúng, trong ánh sáng xanh mang sắc thái của bầu trời, những robot, những thiết bị sắp xếp đang nỗ lực giải mã cái mà có thể đã được mã hóa bởi Đấng tạo hóa. Khi quên đi tất cả những máy tính, laser và những ống mao dẫn ấy, thì có thể nghĩ rằng mình đang là nhân chứng của một công trình vĩ đại của con người. vào những lúc đó, bao giờ anh cũng nghĩ đến sự thông minh, đến Chúa và rằng anh đã vô cùng may mắn được tham gia vào công trình đó.
Em có biết là cái màu xanh trong phòng thì nghiệm ấy có thể đẹp như màu xanh của biển?
Cứ phải ngồi lì trên ghế và đọc những dòng này, liệu em có chán quá mà ngủ thiếp đi không? Có đỡ đau bụng chút nào không?

CÔ: Khi anh thôi không viết nữa, cô vẫn ngồi im trên ghế và nghĩ rằng mình đã gặp, hoàn toàn ngẫu nhiên, một người không bình thường, rằng cô muốn có anh mãi mãi. Vĩnh viễn. Ở bên anh sao mà cô cảm thấy mình đặc biệt đến thế, duy nhất đến thế, điều mà cô không thể cảm thấy khi ở cạnh bất cứ ai trên thế gian này.
Lần đầu tiên, ngồi thu mình trên ghế, cô bắt đầu sợ rằng có thể anh sẽ không còn là một phần của đời mình nữa. Cô không thể hình dung ra điều đó. Cô phân vân, tại sao mình lại cảm thấy thế vào chính lúc này, khi đọc về màu xanh của căn phòng mà ở đó máy móc đang sắp xếp chuỗi gien…
ANH: Mải nói với em những chuyện này, anh quên biến đi mất cuộc họp mà người ta đã thông báo cho bọn anh từ tuần trước. Dạo này, khi ở bên em anh đâm quên mất nhiều chuyện. Người ta vừa mới gọi điện nói rằng mọi người chỉ còn chờ mỗi mình anh nữa thôi, anh phải đi đây. Bây giờ. Ngay lập tức. Tha lỗi cho anh nhé.
Hẹn gặp lại sau. Hãy bảo trọng.

CÔ: Anh đi khỏi và cô bỗng cảm thấy trống trái và im ắng khủng khiếp. Cô viết:
Thế giới của em vắng anh bỗng trở nên im ắng quá…


*



Hôm nay mới đọc đc đến đấy thôi



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 29-12-2007, 02:10  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 3 (A):

Anh: cuộc họp bị kéo dài .Mãi hơn hai tiếng sau anh mới quay lại được với cái máy tính của mình ở văn phòng.
Anh nhìn đồng hồ. Muộn quá rồi.
Chắc chắn cô ấy không còn online nữa - anh thất vọng nghĩ , nhìn thấy tấm thẻ vàng báo có tin của cô đang nhấp nháy ở góc phải bên dưới màn hình .
Anh kích vào đó và đọc . Anh cảm thấy ngột ngạt. Một sự bất an , nỗi lo sợ và lồng ngực như bị bóp chặt. Tay anh run lên. Anh tưởng rằng mọi cái đã qua rồi, đã bị phủ một lớp bụi dầy những sự kiện của cuộc đời anh , đã được chuộc lỗi hơn cả mong đợi bằng tất cả những gì anh đã trải qua trong những ngày tháng ấy. Nhưng không thể xoá đi dấu ấn của nỗi đau trong vùng này của trí nhớ bằng dấu ấn của niềm hạnh phúc ở những vùng khác được.
Anh đọc cái câu ấy và tất cả lại ùa về. Với cùng một nỗi tuyệt vọng, nỗi đau , những giọt nước mắt, sự đánh hàm lập cập không thể kiểm soát, cái nắm tay và sự bất lực ấy .Giống hệt như lúc anh cảm thấy cái vị mằn mặn của máu khi cắn phải môi. Hơi thở ngắn và nông.Tất cả trở về, tuyệt đối. Thậm chí cả cơn thèm thuốc lá không thể cưỡng lại nổi ấy. Mà anh đã bỏ thuốc từ bẩy năm nay rồi.
Anh tựa cằm lên bàn tay trái, ngồi đờ người trước màn hình, nhìn vào cái câu ấy mà nước mắt ứa ra . Một lát sau thì anh ý thức được rằng anh không muốn lúc này lại có ai đó vào phòng làm việc và nhìn thấy anh trong trạng thái như thế này. Một lát sau , anh đi vã nước lạnh cho tỉnh người, rồi quay lại bàn máy tính và viết e-mail cho cô.
Em đã nhiều lần hỏi anh về những người phụ nữ.Em đã chấp nhận thực tế là anh không trả lời hoặc là để lại câu trả lời vô thời hạn về sau này .Bây giờ em viết một câu ấy và đã đến lúc anh kể với em về chuyện này .Anh làm việc này vì anh nhiều hơn là vì em .Những gì mà em sẽ đọc , nhiều khi gây sốc , và chắc chắn là tràn ngập nỗi buồn.Vì vậy mà em đừng đọc bây giờ , nếu em không muốn buồn . Và cũng vì vậy mà anh viết e-mail thay vì kể với em trên ICQ . Cái chính là để em có thể chọn thời điểm quyết định đọc thư này.
Em đừng đọc thư này nếu em không được khoẻ . Sẽ tồi tệ hơn cho em đấy.Khi nào em thấy mình nghiêm túc và thư giãn thì hãy đọc.Và đừng khóc.Vì nó đã được khóc biết bao lần rồi.
Em có biết rằng thậm chí anh không có tí khái niệm nào về mắt em , chúng trông như thế nào nhỉ với những giọt nước mắt trong đó ?
Thực ra thì cho đến lúc này , trong đời anh mới chỉ có một người phụ nữ. Cô ấy tên là Natalia. Đã gặp anh một cách tình cờ .Và cũng vào tháng giêng. Giống hệt như em gặp anh vậy.
Hàng đến ô cửa lấy súp trong nhà ăn bách khoa hôm ấy dài hiếm thấy. Anh ngồi ngay cạnh cái cửa ấy , chính xác thằng với cái chậu đựng thìa và bánh mì. Một cô gái trong chiếc juýp hoa màu nâu bó sát người , tóc đen được buộc bằng một chiếc khăn lục, đứng trong hàng với một phụ nữ lịch sự, già hơn.Không nói chuyện mặc dù có thể thấy là họ đi cùng nhau. Cô ấy lấy súp. Và khi đi đến chỗ cái chậu đựng thìa thì có một người do sơ ý đã bất ngờ xô vào cô ấy. Anh cảm thấy mặt và tay mình bỏng rát. Tê dại vì đau , anh bật dậy khỏi ghế. Cô ấy để chỗ súp còn sót lại trên bàn anh. Bọn anh đứng đối diện nhau. Anh đang định văng tục , nhưng lại nhìn cô ấy . Cô ấy nhìn anh hoảng sợ. Trông anh chắc phải thảm hại lắm với tóc , mặt và áo dính đầy súp . Cô ấy chắp tay như cầu nguyện và nhìn, cặp mắt hoảng sợ. Cô ấy cắn môi , nước mắt rưng rưng. Cô ấy cứ nhìn anh mà không nói. Rồi cô ấy thốt ra một âm thanh gì đó không thể hiểu được , quay người và bắt đầu chạy. Anh cảm thấy thật khó xử.
-Chị đừng chạy.Không làm sao đâu mà. Hoàn toàn không nóng tí nào. Thật đấy. Không làm sao đâu.
Người phụ nữ chạy theo cô ấy.
Bằng cách ấy anh đã nói chuyện với Natalia lần đầu tiên.
Từ hôm ấy anh rất mong gặp cô ấy. Hình ảnh cặp mắt xanh to đẫm nước mắt và hai bàn tay chắp lại của cô ấy không để cho anh yên. Anh đến nhà ăn ,ngồi đúng cái ghế đối diện với cửa phát súp - khi nào cái ghế ấy có người ngồi rồi thì anh đợi cho đến lúc người ta đứng dậy - và tìm cô ấy.Anh đến vào tất cả các buổi nhà ăn có thể phát cơm.Không thấy cô ấy.Phải hơn một tháng không thấy cô ấy.
Vào một chủ nhật nào đấy anh đi tàu điện đến thư viện.Đông nghẹt người.Mọi nguời đi lễ về.Anh quay mặt ra phía cửa số tàu điện, ở một khúc quành anh cảm thấy có ai đó tựa vào mình và ép vào cửa kính.Anh ngoảnh lại .Cô ấy không thể làm khác được.Đứng tựa cả người vào anh .Không thấp hơn anh bao nhiêu.Mắt cô ấy nhìn vào mắt anh .Anh cảm thấy những sợi tóc của cô ấy trên mặt mình.Anh ngạc nhiên đến ngộp thở:
-Là chị
Cô ấy nhắm mắt lại .Không nói gì . Bọn anh cứ đi như thế , đứng ép sát vào nhau. Anh muốn sao cho tình trạng này chấm dứt . Thật nhanh. Của anh nó lên và chắc chắn là cô ấy nhận thấy.
Anh không xuống bến gần thư viện. Anh xuống bến mà cô ấy xuống. Bí mật đi theo họ. Vì cô ấy lại đi cùng với người phụ nữ lịch sự hôm trước. Họ rẽ vào một phố nhỏ gần bến. Anh để ý xem họ vào nhà nào rồi đi đến cạnh ngôi nhà đó. Anh quan sát cô ấy. Sau vài tuần thì anh nắm được cô ấy ra khỏi nhà vào mấy giờ , về vào mấy giờ, có cái ô như thế nào , đi giầy gì , đi đứng ra sao , cô ấy hay xuất hiện ở ô cửa nào nhất, cô ấy hay lên tàu điện số mấy.Cô ấy đi đâu cũng có ngươi phụ nữ lịch sự kia đi cùng.
Cô ấy đẹp lắm. Mũi hơi hếch , môi đỏ như anh đào , mắt xanh . Tóc hoặc buộc lại hoặc để xõa . Bao giờ cũng mặc chân váy dài chấm gót. Áo sơ-mi sẫm màu hoặc áo len.Luôn luôn quàng khăn.Đeo đôi bông tai nhỏ. Ngực nở. Anh rất thích nhìn mông cô ấy mỗi khi cô ấy đi giầy cao gót. Vì chủ yếu là anh nhìn cô ấy từ đằng sau. Anh cứ phân vân , không biết mùi của cô ấy như thế nào và giọng nói ra sao.
Sau một tháng thì anh quyết định. Đó là thứ năm. Anh biết chính xác là họ không đi đâu vào các thứ năm. Ở cửa hàng hoa , anh mua tất cả số hoa lili có trong quầy.Anh ấn chuông và bỗng muốn bỏ chạy. Nhưng không kịp. Người phụ nữ lịch sự đã mở cửa.
-Cháu có thể nói chuyện với ...-anh quên sạch những điều định nói. -với ... -Với Natalia ? - Bác ấy cười nói.
-Có lẽ thế . Vâng . Với Natalia ạ.-Bác là mẹ của Natalia .Anh không thể .Nhưng anh cứ vào đi.Natalia đang ở phòng nó.
Anh bỏ qua câu trả lời lạ lùng kia và vào nhà, giấu bó hoa lili sau lưng. Mẹ của Natalia dẫn anh đến một cái phòng rộng , trên tường treo không biết bao nhiêu là tranh. Ngồi xoay lưng lại bên cái bàn cạnh cửa sổ ấy là cô ấy . Natalia.
Cô ấy không phản ứng gì khi mọi nguời bước vào. Người mẹ đi nhanh đến chỗ cô ấy và đứng trước bàn như không muốn làm cô ấy giật mình. Bà chỉ tay vào anh.Natalia quay lại và nhìn. Tình thế lạ lùng khiến anh lo ngại. Anh không biết phải làm gì. Natalia ngồi và nhìn anh chăm chú. Không nói gì. Bà mẹ không rời khỏi phòng.
-Cái này là của em . Em có thích lili không ? -anh vừa hỏi vừa rút tay với bó hoa từ sau lưng ra và đưa cho cô ấy.
Natalia đứng dậy .Đi đến chỗ anh.Cầm những bông lili và đưa sát lên môi.Lúc đó mẹ cô ấy đi lại chỗ bọn anh và nói.
-Natalia thích lili lắm,nhưng nó không thể tự nói điều đó với anh đuợc.Nó bị câm điếc.
Natalia với những bông lili bên môi nhìn anh.Chắc chắn là cô ấy biết bà mẹ nói gì vào lúc đó.Anh phân tích tình hình một lúc.
Em có biết anh nghĩ gì không ? Em có biết anh đã nghĩ gì vào cái khoảnh khắc không bình thường đó ?
Anh nghĩ rằng : Vâng , thế thì sao nào ? Thế thì sao khi cô ấy bị câm điếc ?
Và anh nói :
-Dù vậy thì bác có thể ra ngoài một lúc để mình bọn cháu ở lại được không ạ?
Nguời phụ nữ lặng lẽ đi ra .Lần đầu tiên bọn anh một mình.Thực sự là anh chưa ý thức được rằng cô ấy không thể nghe được những gì anh nói .
-Anh tên là Jakub .Kể từ hôm em làm đổ súp lên nguời anh , lúc nào anh cũng nghĩ đến em.Anh có thể thỉnh thoảng gặp em đuợc không ? Được không ?
Điều đó buồn khủng khiếp, phải thú thật với em là anh đã khóc khi viết cho em về chuyện này . Chắc chắn là tại rượu vang và B.B.King mà anh đang nghe. Three o clock blues . Chắc chắn là vậy. Có lẽ không có gì của B.B.King buồn hơn là blues này. Nhưng lúc này anh đang muốn buồn cơ mà. Người ta sáng tác ra blues từ nỗi buồn. Bất cứ một người da đen nào ở New Orleans cũng nói với em như vậy
Natalia đứng nhìn anh , bất động.Cô ấy không giúp anh .Không bao giờ cô ấy không giúp anh trong khi nói chuyện.Cả những lần khác cũng thế.Chỉ lần này là không .Anh phải cảm thấy ngay từ phút đầu tiên và mãi về sau này , rằng cô ấy là người khuyết tật.
Anh đến chỗ bàn của cô ấy , tìm thấy một tờ giấy và bắt đầu viết.
-Để làm gì cơ chứ ? - Cô ấy viết lại , nhìn xuyên thấu vào mắt anh - Tại sao anh lại muốn gặp em ? Anh sẽ đến đây và chúng mình sẽ viết với nhau ? Anh sẽ rủ em đi xem phim và em thậmchí không thể nói với anh rằng em có thích phim ấy hay không ? Anh sẽ rủ em đến chỗ bạn bè anh và em sẽ không nói câu nào ? Anh cần những điều đó để làm gì ?
Cô ấy khóc.Đúng lúc ấy thì mẹ cô ấy vào phòng.
-Anh biết không ? Anh phải về thôi .Bây giờ Natalia phải đi.Mẹ con tôi cảm ơn anh đã tặng hoa.
Khi anh đi ra, Natalia đứng quay lưng ra cửa.
Hai ngày sau trong nhà ăn sinh viên, Natalia ngồi ở chỗ của anh đối diện với cửa phát súp. Cô ấy chỉ có một mình. Anh ngồi xuống bên cạnh. Cô ấy đẩy về phía anh tờ giấy. Anh đọc:
"Em tên là Natalia . Không lúc nào em không nghĩ đến anh kể từ cái lần em đánh đổ súp lên người anh. Em có thể thỉnh thoảng gặp anh được không ?"
Có lẽ anh đã yêu cô ấy ngay từ lúc đó.Một tháng sau thì anh yêu thật sự .Cô ấy là người quí giá nhất , đẹp nhất , nhạy cảm nhất .Duy nhất. Cô ấy đoán được những ý nghĩ của anh. Cô ấy biết khi nào thì anh lạnh , khi nào thì nóng .Cô ấy đọc những cuốn sách mà anh thích.Cô ấy mua tất cả những gì màu xanh lá cây.Khi cô ấy biết được anh thích màu xanh lá cây , thì tất cả đều mang màu lá cây.Váy dài , chân váy , móng tay của cô ấy , trang điểm của cô ấy .Và giấy gói quà cho anh .Cô ấy mua máy nghe đĩa và đĩa để anh có thể cùng cô ấy nghe nhạc.
Em có thể hình dung đuợc điều này không ? Cô ấy mua cho anh những cái đĩa mà chính mình không bao giờ nghe được , và bảo anh kể cho cô ấy về âm nhạc. Mọi cái phải giống hệt như với bất cứ nguời phụ nữ có thính giác bình thường nào khác.
Cô ấy đứng trước đại học tổng hợp hay bách khoa, để là người đầu tiên biết được anh vừa thi ra sao. Và bao giờ cô ấy cũng là người biết đầu tiên. Sao cô ấy tự hào về anh kinh khủng đến thế. Cô ấy viết cho anh về điều này.
Mẹ anh đã không kịp biết cô ấy.Bà ấy mất quá sớm. Sau một tháng thì bố anh không thể gọi cô ấy là gì khác hơn "Natalka của chúng ta".
Tất cả với cô ấy đều đơn giản và tự nhiên.Một hôm , cô ấy mời anh đến nhà ăn tối .Cô ấy đặt ly champagne trên bàn tờ giấy có nội dung:
"Jakub , anh đưa em đến nụ cười , anh đưa em đến nước mắt . Suốt tối nay em cứ phân vân , rằng phải thú thật là gần đây điều em mong muốn nhất là đuợc anh đưa tới đỉnh điểm " .
Quần lót cô ấy cũng không mặc.Cô ấy như đang phát điên. Sự đụng chạm tác động lên cô ấy hoàn toàn khác.Cô ấy đưa hai bàn tay cho anh hôn và mút.Trong lúc cô ấy dùng môi để thực hiện tất cả.
Cô ấy có thể chạm môi hoặc chạm nhẹ đầu ngón tay lên từng milimét da thịt anh. Cô ấy có thể mút từng ngón , từng ngón chân anh . Bằng cách ấy cô ấy đã khiến anh như cuồng dại .Mặc dầu điều này thật phi lý - vì cô ấy đâu có nghe thấy - bao giờ cô ấy cũng đề nghị anh thầm thì , không phải nói , mà là thầm thì , những gì anh cảm nhận mỗi khi anh đặc biệt thích.Thật ra thì anh luôn thầm thì .
Vì cô ấy mà anh đã học tốc ký .Việc này rất đơn giản .Anh học giỏi nhất lớp. Điều này rất có lợi cho anh khi nghe giảng .Chỉ có bạn bè cùng khoá là không hài lòng . Kể từ khi anh tốc ký ,chúng không thể dùng vở của anh được nữa .
Sau đó anh học một khoá ngôn ngữ ký hiệu đặc biệt.Suốt một năm dài dặc .Anh nhớ có một lần anh đến nhà cô ấy vào buổi tối và sau khi ăn bọn anh ở lại một mình trong phòng cô ấy.Anh đứng trước mặt cô ấy .Hai ngón tay trỏ hai lần dưới xương đòn .Sau đó vẫn hai ngón ấy hai lần về phía người đối thoại .Cô ấy khóc. Cô ấy quì truớc mặt anh và khóc .Cô ấy đã quì. Hai lần dưới xương đòn .Hai lần về phía nguời đối thoại .Chỉ đơn giản thế ."Anh yêu em" .Hai lần dưới xương đòn...
Thậm chí bọn anh khác nhau cũng đẹp .Cô ấy không nhất trí với sự sùng bái kiến thức của anh.Cô ấy cho rằng người ta có thể vẫn thông minh mà không cần phải đọc một cuốn sách nào. Đồng thời , cô ấy bí mật đọc những cuốn sách mà anh đọc để có những ý kiến của riêng mình và có thể tranh luận với anh.Cô ấy không nhìn thấy một tí gì hấp dẫn trong môn toán , nhưng lại khiêu khích để anh thuyết phục cô ấy rằng cô ấy có lý. Cơ bản vì cô ấy phát hiện ra rằng anh rất thích thuyết phục và lấn lướt cô ấy. Trong nhật ký của cô ấy mà sau này anh có được , mỗi tờ giấy , mỗi cuốn sổ ,mỗi mẩu giấy với những công thức hay định nghĩa toán học anh viết ra để giải thích cho cô ấy , đều được dán với lòng sùng kính, bên dưới đề ngày tháng mà sự việc xảy ra .Ở một số tờ , trên nền của những tích phân , phương trình và đồ thị là dấu môi cô ấy .
Khi anh mới quen cô ấy , cô ấy chỉ sống với mẹ .Bố mẹ cô ấy ly dị khi cô ấy mới chín tuổi .Ông , tốt nghiệp thiên văn học , nhưng là cán bộ đảng trong uỷ ban địa phương , nơi ông chuyển đến khi không hoàn thành được luận án tiến sĩ theo thời hạn qui định .Bà , một nhà trùng tu di tích , nổi tiếng đến mức cho dù mang tiếng dân "tỉnh lẻ" Wroclaw , vẫn được Bộ Văn Hoá tín nhiệm như một chuyên gia , một cố vấn của Bộ.
Đúng thời điểm họ bắt đầu xây nhà .Sự giầu có và thành công của họ không gợi nên sự hằn học thật thà thường tình rất Ba Lan .Họ có quyền được hưởng hơn một chút .Để bù lại cô con gái câm điếc kia .
Họ là cặp vợ chồng điềm đạm và hoà hợp .Cho tới cái ngày mà ông về nhà , say rượu , đóng cửa phòng lại , trong phòng chỉ có ông và mẹ Natalia , ông nói với bà rằng thực ra ông muốn có ngôi nhà này không phải để sống với bà , mà là với Pavel , một đồng nghiệp , nguời mà ông yêu và ông muốn cùng đi ngủ và cùng thức dậy với người ấy.Natalia chỉ nhớ được là lúc ấy mẹ cô ấy chạy ra khỏi phòng , vừa chạy vừa nôn .Ngay tối hôm ấy cha cô ấy rời khỏi nhà.
Em hãy hình dung , ông ta phải yêu cái tay Pavel ấy đến mức nào mới có thể nói cho chính vợ mình biết điều đó ? Vào cái thời ấy ? Ở một đất nước như Ba Lan này ? Ông ta , một nguời làm công tác Đảng ? Những người làm công tác đảng thì về nguyên tắc là những người tình dục khác giới.Mặc dù không có điều này trong bộ Tư Bản ,nhưng nó là một điều hiển nhiên.Hiển nhiên mang tính giai cấp.Tổng bí thư đảng không thể là người đồng tính ái.Có thể là người thích quan hệ tình dục với trẻ em , nhưng không phải là người đồng tính ái .Chỉ có các mục sư và những tên đế quốc mới là những người đồng tính ái.
Bà có thể làm cho ông thân bại danh liệt. Bản thân ông có thể bị cạo như cạo bằng dao cạo râu ra khỏi lịch sử , tồi tệ hơn nữa là số điện thoại của ông sẽ bị xoá khỏi tất cả những cuốn sổ quan trọng nhất của thành phố này .Chỉ cần một cú điện thoại đến Ủy ban.Bà đã không bao giờ làm việc đó . Dẫu có hận , có cảm thấy bị hạ nhục , bị đau đớn vì bỏ rơi và chắc chắn cả khao khát trả thù.
Em biết không ? Cho đến bây giờ ông ta vẫn khiến anh ngạc nhiên vì điều đó .Không phụ thuộc vào việc Natalia đã phải đau khổ như thế nào về chuyện này , ông ta khiến anh ngạc nhiên vì sự chung thủy với bản thân ấy .
Chưa bao giờ mẹ Natalia kể với cô ấy thực sự thì chuyện gì đã xẩy ra , tại sao họ lại không ở cùng với bố .Cô ấy biết được sự thật là từ bố .Ông ta đã nói cho cô ấy biết chuyện này vào một Giáng sinh nào đó. Lúc ấy tối lắm rồi , khi cô ấy đi đổ rác .Cô ấy nhìn thấy ông trên chiếc ghế dài , say khướt , run lẩy bẩy vì rét .ông ngồi với chai rượu trong tay , mắt hướng về cửa sổ nhà họ.
Mẹ đã nuôi dậy cô ấy mà không có một ai giúp đỡ. Không bao giờ bà nói điều gì xấu về ông bố .Cũng không bao giờ bà cản trở việc Natalia gặp bố . Và bà cũng không bao giờ đồng ý để ông bước chân vào ngôi nhà của họ .
Sau thất bại trong hôn nhân của mình, Natalia đã trở thành mục đích duy nhất và tối thượng của cuộc đời bà .Nếu biết rằng mình thở mất oxy của Natalia , thì bà sẽ học cách để không thở nữa .Và bà còn thuyết phục tất cả những người khác cũng thôi không thở nữa .Để yêu Natalia bên cạnh một người mẹ như vậy thật khó. Bà chấp nhận sự tồn tại của anh như chấp nhận bó bột cho cái chân gãy .Bắt buộc phải có , rồi sẽ qua đi và sẽ lại như trước đây ,khi chưa bị bó bột . Cần phải chờ đợi và cố gắng chịu đựng vật cản một thời gian .
Anh đã không bỏ qua .Anh đã chiếm của bà Natka ,Natunia , Natalka ,Nataleka (*)... Từng mẩu ,từng mẩu một. Đấy là bà cho là vậy . Nhưng sự thật không phải thế . Đã có lần bà đi trùng tu các di tích ở Tallina hai tuần liền. Có anh luôn ở bên cạnh nhưng Natalia vẫn khóc vì nhớ mẹ .



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 29-12-2007, 02:12  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Từ ngày đầu tiên Natalia đã mô tả về thế giới của mình cho anh. Chính xác như vậy, vì cô ấy viết hoặc tốc ký. Cô ấy viết khắp nơi.Trên các tờ giấy mà lúc nào cô ấy cũng có sẵn, bằng phấn lên sàn nhà và tường , bằng son tô môi lên gương hoặc lên gạch ốp tường nhà tắm, bằng que lên cát trên bãi biển. Túi xách tay và túi quần áo của cô ấy đầy ắp mọi thứ có thế dùng để viết. Anh chưa thấy có cái gì mà Natalia không thể viết ra đuợc.
Cô ấy nhìn thấy nhiều hơn anh nhiều. Cô ấy biết cách diễn tả sự đụng chạm bằng màu sắc, tất cả các tông màu hoặc cường độ màu. Khiếm thính đối với thế giới thực, cô ấy tự tưởng tượng làm thế nào để thể hiện âm thanh của giọt nước đang rơi từ cái vòi nước rò trong bếp, của tiếng cười hoặc tiếng khóc của đứa trẻ,của hơi thở khi cô ấy hôn anh. Bằng sự diễn tả của mình, cô ấy tạo ra một thế giới hoàn toàn khác. Đẹp hơn. Sau một thời gian thì cả anh cũng bắt đầu hình dung ra âm thanh. Chủ yếu dựa trên sự diễn tả của cô ấy và chủ yếu để "nghe" giống như cô ấy. Anh cho rằng -sau một thời gian thì điều này trở thành nỗi ám ảnh của anh -một khi đã như vậy , thì việc cô ấy không nghe thấy chỉ là một bất lợi không đáng kể.
Anh đòi cô ấy kể về những hình dung âm thanh của mình khiến cô ấy phát chán. Mấy tháng sau, vào một tối nào đó của những ngày mà một ai đó trong số những nguời ắt được gọi là nghe được đã xúc phạm cô ấy một cách đau đớn, còn anh thì lại một lần nữa không để ý đến tâm trạng của cô ấy, đã đòi cô ấy viết về âm thanh, cô ấy tức tối từ chối, lấy bút dạ tốc ký một cách nôn nóng lên chiếc gương trong nhà tắm:
"Anh cần gì sự mô tả bệnh tật của một trí tưởng tượng bệnh tật của một con bé tật nguyền câm điếc dở hơi sống nhờ vào trợ cấp , kẻ mà người ta có thể hạ nhục hay cười vào mặt chỉ vì cho rằng người ta hơn hẳn chỉ vì người ta nghe được ? "
Trong lúc cô ấy viết lên gương như vậy thì những chữ cái ngày càng khó đọc hơn giống như một ai đó càng lúc càng lên giọng khi đang gào lên sự tức tối và nỗi thất vọng của mình. Anh nhớ là anh đã đến bên cô ấy , xiết chặt cô ấy vào mình. Rồi anh lấy giẻ xoá sạch những chữ cô ấy viết lên gương và lấy đúng cái bút ấy viết lên đó anh cần những sự mô tả đó như thế nào và chúng cần thiết cho anh biết bao. Cô ấy ôm lấy anh và oà khóc như một đứa trẻ.
Em có biết là những người câm điếc khóc cũng giống hệt như những người nói được và nghe được? Họ cũng bật ra những âm thanh tương tự. Khóc vì đau buồn hay vui sướng phải là khả năng đầu tiên của con người.Từ trước khi học nói.
Kể từ hôm ấy, cô ấy ghi lại những tưởng tượng của mình vào một cuốn vở đặc biệt dành cho anh, còn anh thì học chúng như học những bài thơ. Học thuộc. Không bao giờ anh biết được liệu mình có thể dạy được cho những người dù là can đảm nhất.
Khi đi xe buýt, anh tưởng tượng theo sự mô tả của cô ấy tiếng cửa khi đóng sập lại và so sánh với thực tế ở bến gần nhất. Ngồi trong nhà ăn, anh cố đoán trước và ghi lại bằng ngôn ngữ của Natalia tiếng động dữ dội khi người ta đổ thìa dĩa vào cái chậu kim loại trước khi chị đầu bếp mồ hôi nhễ nhại xách những cái xô đầy thìa dĩa từ khu rửa bát hôi rình đến. Em có biết Natalia, cũng như tất cả mọi người ngồi gần đấy , cũng nhíu trán và chớp mắt khi đám thìa dĩa kia rơi xuống cái chậu kim loại với một tiếng động lớn?
Vào công viên, anh so sánh tưởng tượng của mình về âm thanh của nó với những gì anh thực sự nghe được ở đó .Anh cảm nhận điều này rõ nhất chính là khi ở trong công viên .Natalia, mặc dù không một ai, kể cả bố mẹ cô ấy , thực sự không biết chính xác là trước khi bị điếc phải có một lần nào đó nghe thấy và ghi nhớ . Sự mô tả của cô ấy khớp với thực tế không thể tin được.
Âm thanh, giọng nói, sóng âm tần, cơ sở vật lý hình thành chúng, phương pháp thu nhận chúng, cơ chế tái tạo chúng , bên cạnh toán học và triết học là đề tài của những nghiên cứu thật sự của anh .Anh đi nghe giảng về âm thanh học cả ở bách khoa lẫn ở đại học tổng hợp . Anh bắt đầu nhận ra rằng chúng ta bị chìm trong eter của âm thanh và thực sự thì sự im lặng chỉ là khái niệm của các nhà thơ , nhà văn và những người khiếm thính .Sự im lặng không tồn tại .Ở đâu không có chân không , tức là ở mọi nơi , tức là ở đó có thể thở và có sự vận động, ở đó không có sự im lặng.
Anh đọc tất cả về tai của loài người, anh nắm bắt được chức năng, cấu tạo và những bệnh có thể xảy ra của từng mẩu được đặt tên của tai. Anh đã đi gặp mười hai chuyên gia về thanh quản chuyên sâu về thính học Wroclaw và ba nguời ở Varsawa. Đến ai anh cũng đăng ký với tư cách một người bị điếc đột ngột. Bốn trong số họ là giáo sư y khoa .Và em có biết anh nhận định gì không? Phát hiện ra anh giả vờ nhanh nhất là những người mới ra trường. Và anh cũng biết được nhiều điều từ họ nhất.
Liệu em có để ý rằng tai cũng như thận, phổi hay mắt, là những bộ phận chẵn ?
Anh còn nhớ cái lần đến khám ở chỗ ông chuyên gia thanh quản vở Varsawa, khi chuyện đóng giả của anh đã bị lộ tẩy, anh bèn hỏi ông ta về việc ghép tai. Anh cho rằng mình có thể cho Natalia một bên tai, vì với một tai thì vẫn có thể nghe được tất cả. Ông ta cười anh và coi anh như kẻ bị tâm thần. Em biết không, mới đây anh đọc trong Laryngology Today bài của vị bác sĩ ở Varsawa ấy về khả nằng ghép hầu như tất cả các phần quan trọng của tai -sự mê hoặc của âm thanh vẫn đọng lại trong anh cho tới hôm nay ?
Anh tin là sẽ có một lúc nào đấy Natalia lại nghe được, giống như trẻ con tin rằng rồi sẽ đến ngày chúng thành người lớn .Vấn đề chỉ còn là thời gian và sự kiên nhẫn.
Rồi một ngày nào đó, đơn giản là thời gian ấy đã đến. Không cờ quạt, không báo trước.Không cảm thấy, bình dị và tình cờ. Anh tổ chức, thông qua Almatur của trường, chủ yếu là vì tiền, hội nghị của Hội các nhà phẫu thuật Ba Lan. Khách sạn, phòng họp, tham quan thành phố. Chẳng có gì đặc biệt .Một chuẩn tổ chức và du lịch thông thường. Vài trăm zloty (đơn vị tiền Ba Lan ) thêm vào học bổng.
Với anh, các nhà phẫu thuật là tinh hoa tuyệt đối của y học. Đó là những nghệ sĩ.Theo anh, hơn hẳn những bác sĩ khác, họ là chủ nhân của những bộ não nhiều nếp gấp và những đôi bàn tay ma thuật, những đôi bàn tay quyết định sự sống hay cái chết. Chẳng có gì lạ khi trong số tất cả các bác sĩ Ba Lan vốn là những người luôn bị stress, thì các nhà phẫu thuật hay bị chết vì xơ gan do uống quá nhiều rượu nhất, họ nghiện tất cả các loại thuốc có chứa chất gây tê, gây ngủ hoặc đơn giản là nghiện dao kéo, khi đã không thể thoát ra khỏi sự căng thẳng, họ bèn tự cắt mạch máu mình . Đó là vào cái thời mà với em thì đã trở thành lịch sử, chiến tranh và bây giờ cũng vậy. Họ tra tấn buồng gan bằng rượu, vì lúc nào họ cũng có đô để vào Pewex hoặc là Pewex tự đến với họ trong những cái túi của bệnh nhân k, thuốc gây tê thì ở ngày trong tầm tay, mà nếu không thì ai chả rõ chìa khoá cái "tủ kính" ấy nằm ở chỗ nào, còn với mạch máu thì cắt chúng bằng dao mổ mua ở Drezn hay Frankfurttreen Men, nơi mà sau khi bức tường đổ thì nhà máy Drezen đã được chuyển về đấy và ba phần tư số nhân viên đã bị thải hồi vì chuyện này, cũng thế cả thôi. Những bác sĩ phẫu thuật "giầu có" của Ba Lan tự do cũng có thống kê đúng như vậy.
Vì lý do đức tin chính trị của mình mà anh chưa bao giờ có mặt trong bất kỳ một "hội nghị" đích thực nào, nhưng cho dù vậy thì anh vẫn không thể hình dung ra các đảng viên lại có những buồng gan tốt hơn và rằng có thể ở đâu đó người ta lại uống nhiều hơn.
Ngoài ra, chí ít thì là với anh, khiêu vũ bao giờ cũng khiến ta liên tưởng đến phụ nữ. Với những nhà phẫu thuật thì không.Trong số nhưng thành viên đăng ký tham dự hội nghị chỉ có sáu phụ nữ trên gần tám trăm người. Đã thế , lại chỉ có hai bà đến, còn các ông thì không mang theo vợ, người tình hoặc người yêu đến hội nghị - điều này thì họ đã được dạy ngay từ năm thứ nhất của Trường y thậm chí cả các bác sĩ nha khoa cũng biết. Bên những chị em "đăng ký" thì không thể uống đến sáng và không thể không thấy lương tâm cắn rứt. Điều này thì anh biết được từ một tay bác sĩ phẫu thuật đã ba lần ly hôn , ngồi cạnh anh trong buổi "khiêu vũ" đó.
Anh đại diện cho ban tổ chức. Có nghĩa là chủ yếu anh phải chăm lo sao cho rượu luôn luôn lạnh và luôn có ở trên bàn.Trong hợp đồng đã viết như vậy. Khi nhà phẫu thuật đã ly hôn đã uống say từ trước bữa tối và không còn là đối tác của một cuộc chuyện trò nào nữa , anh nhìn quanh .Anh nhận thấy cùng bàn với anh có một ông đứng tuổi, có thể gọi là một ông già, với mái tóc bạc lượn sóng và cặp mắt xám ướt phía sau cặp kính gọng dầy bị dán một chỗ bằng băng dính màu vàng. Ông ta mặc một chiếc áo vét sờn không màu và đi giày đông mặc dù hôm đó là một ngày đặc biệt nóng, trông ông ta giống như một lão nông Ukraina khoác lên người tất cả những gì tốt nhất mình có trong đám cười cô con gái độc nhất. Cạnh ông già là một trong số hai phụ nữ trên thực tế đã đến hội nghị. Một lúc sau thì thấy rằng cô ta hoàn toàn không phải là bác sĩ phẫu thuật. Cô ta đến với tư cách là phiên dịch và thư ký riêng cho ông già kia. Chiếc áo vét quá chật đã rất sai. Ông già không hề là một lão nông Ukraina, mà là một nhà phẫu thuật và phẫu thuật thần kinh nổi tiếng đến từ Lvov. Là khách mời danh dự của hội nghị. Buổi sáng, trước khi đến đây để uống với các nhà phẫu thuật Ba Lan, ông đã nhận danh hiệu tiến sĩ danh dự của Trường Y lớn nhất trong nước.
Cứ chốc chốc lại có người đến chỗ ông già. Anh ngạc nhiên thấy những người bạn say đến từ Pa Lang có thể trong phút chốc tỉnh rượu và nghe ông già nói với sự tập trung cao độ. Họ nghe , họ xiết tay ông rồi đi. Cảnh này khiến anh nhớ lại một cảnh trong phim Bố Già, khi Don Corleone xiết tay những tên mafia của mình. Thậm chí cả giọng nói cũng giống, cũng khàn khàn và yếu như giọng Brando.
Vào một lúc nào đấy, anh nghe thấy cô phiên dịch đọc một hơi:
- Phần lớn ,thậm chí có thể là tất cả những người điếc bẩm sinh đều liên quan tới hư hỏng của hệ thần kinh trung tâm, cụ thể là các cấu trúc đảm trách việc biến đổi sóng âm thanh thành sóng điện.
Và cô ta dửng dưng nói thêm như thể về việc chữa xe máy:
- Nhưng ở Lvov, chúng tôi giải quyết vấn đề này dễ như chơi. Chúng tôi áp dụng, nghĩa là giáo sư áp dụng cách cấy sên ốc. Đây là một thiết bị dùng để ghi nhận sóng âm ở mức độ của hệ thần kinh trung tâm với giả thiết, rằng dụng cụ truyền âm thanh, là tai ngoài và tai giữa, không bị hư hỏng. Khi đó... cô ta đột ngột dừng lại, quay mặt về phía anh và kêu lên giọng giận dữ và sợ hãi -Xin lỗi, nhưng anh bóp tay tôi. Nói chung, anh tự cho phép mình làm gì thế?
-Xin lỗi chị. Chị vừa nói về một vấn đề làm tôi mất tự chủ. Mong chị thứ lỗi. Chị có thể nhắc lại, ở Lvov các chị cấy cái gì đươc không? anh hỏi và cố gắng bằng mọi giá để giữ bình tĩnh .
Cô ta dịch ra khỏi anh xa nhất mà cô ta có thể và nói thêm:
-Tôi sẽ không nói gì với anh cả. Anh hãy tự hỏi giáo sư ấy.
Khi anh chạy khỏi hội trường đại học tổng hợp, nơi diễn ra buổi "khiêu vũ" ấy ,đã là bốn giờ sáng. Phải đến lúc anh đá vào cửa thì mẹ của Natalia mới chịu mở cửa. Bà không phản ứng gì với tiếng chuông cửa. Natalia nhìn anh hoảng sợ khi anh lao vào phòng cô ấy và bật điện, đánh thức cô ấy dậy. Anh ngồi cạnh giường cô ấy.
Em sẽ không bao giờ hiểu được, nó là thế nào khi em muốn nói với ai đó một điều vô cùng quan trọng và em không thể! Anh kéo cô ấy vào sát người mình , hôn tay cô ấy và kể về việc cấy sên ốc, về việc rồi cô ấy sẽ nghe đuợc, rằng đây là một chuyên gia tầm cỡ nhất , rằng cả người Mỹ cũng đến đó, rằng những miếng cấy là của Nhật Bản, rằng sau đó cô ấy chỉ phải học nói nữa thôi, rằng anh yêu cô ấy vô hạn , rằng chẳng bao lâu nữa cô ấy sẽ nghe được, rằng bọn anh sẽ có những đứa con, chúng cũng sẽ nghe thấy khi người ta nói yêu chúng, và rằng anh hoàn toàn không say.
Mẹ Natalia ngồi đối diện với anh ở phía bên kia giường và khóc. Natalia, chẳng hiểu mô tê gì, sợ hãi hết nhìn mẹ lại nhìn anh. Một lúc sau, mẹ Natalia đứng dậy và giải thích cho cô ấy bằng ký hiệu, những gì vừa xảy ra. Cho tới lúc ấy, chưa bao giờ bà làm việc đó một cách vội vã và hăng hái đến như vậy. Đó thực sự nhìn như một tiếng thét. Em có nghĩ rằng có thể thét lên bằng ký hiệu .
Anh lấy tập giấy vẽ trên cái bàn cạnh cửa sổ, trải mấy tờ lên thảm và bắt đầu viết. Natalia đi quanh phòng. Nhìn mẹ và đọc những chữ anh viết trên sàn nhà.Cô ấy đẹp tuyệt vời với mái tóc rối, toả sáng khi cô ấy đến gần bàn, nơi có cái đèn bàn, với cái áo ngủ phồng lên khác thường bởi bộ ngực nở nang của cô ấy và với cặp mắt mở to ngạc nhiên và long lanh nước mắt .Thậm chí lúc đó, trong cái khoảnh khắc ấy anh đã nghĩ đến "chuyện ấy" với cô ấy .
Tám giờ sáng thì anh đứng trước phòng làm việc của bố Natalia .Hầu như ông ta chưa nói chuyện với anh. Ông nghe xem anh nói về chuyện gì, chỉ cho anh cái ghế, đưa cho anh bao thuốc lá chưa mở và cái bật lửa và bắt đầu gọi điện. Tay ông run lên. Ông rất khó khăn khi bấm số . Anh ngồi trên ghế đối diện với ông và nhìn khắp lượt trong phòng. Chỗ nào cũng có ảnh Natalia .
Ông đã giải quyết mọi chuyện. Giấy giới thiệu của MSZ cùng thư của Bộ trưởng Sức khoẻ, hộ chiếu công vụ , một khoản ngoại tệ nhiều hơn hai mươi lần so với mức qui định thời ấy, và cả "lệnh tiếp nhận vào khoa" do một vị đảng viên lộng quyền nào đó của Lvov ký.

Chú thích:
* Các cách gọi của Natalia theo mức độ tăng dần



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 29-12-2007, 02:14  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 3 (B):

Chính xác mười một ngày sau Natalia ra ga Varszawa Đông để đi Lvov. Mọi người có mặt ở ga trước giờ tàu chạy hai tiếng. Anh hút hết điếu này đến điều khác, Natalia rất hạnh phúc. Chỉ có mẹ Natalia là đặc biệt buồn và cứ liên tục nhìn quanh.
Đến một lúc anh bị hết thuốc lá .Anh chạy sang kiốt ở sân ga bên cạnh .Ngồi trên cái ghế dài cạnh kiốt , bị kiốt che khuất , là bố của Natalia .Ông không để ý thấy anh .
Khi đoàn tàu khuất sau khúc quành ,mẹ Natalia nắm tay anh và hai người lặng lẽ đi về phía cầu thang dẫn xuống đường ngầm .Một lúc sau , khi đã ở trong đường ngầm , bà dừng lại , đưa tay anh lên miệng và chạm môi vào lòng bàn tay . Bà không nói gì cả , chỉ nhìn vào mắt anh .Hai người cứ đứng như vậy một lúc trong đường ngầm .
Ca phẫu thuật của Natalia sẽ được tiến hành sau hai tuần . Ngày nào bố của Natalia cũng gọi điện đến bệnh viện ở Lvov .Sau đó gọi cho anh và anh gọi cho mẹ Natalia .Không bao giờ có sự liên hệ giữa bố mẹ Natalia .
Đó là một cảm giác rất lạ khi biết rằng Natalia thậm chí có thể đứng bên điện thoại , nhưng đằng nào thì cũng không thể nói chuyện với cô ấy được .Đó là cảm giác bất lực .
Natalia viết thư . Mỗi ngày ba cái :cho mẹ , cho bố và cho anh.
Cô ấy viết những bức thư tuyệt vời . Chắc chắn anh biết điều này .Mẹ cô ấy đọc cho anh nghe từng bức thư của mình .Hai lần , một qua điện thoại , ngay sau khi bóc thư , và sau đó buổi tối một lần nữa .Tối nào anh cũng qua chỗ bà .
Anh chỉ đọc cho bà nghe một bức thư của Natalia .Thực ra thì không phải anh đọc thư , mà là anh ngâm lên bức thư đó .Mà mãi ba năm sau .Đến tận bây giờ anh vẫn còn thuộc nó .Và anh sẽ mãi mãi nhớ nó .
Mãi mãi.
Jakub à,
Em nhớ anh đến mức tai ù đi .Anh có hình dung được không ? Em , một người điếc ,bị ù tai vì nhớ .Em không biết phải làm gì với nó .Anh luôn luôn ở đó .Đơn giản là anh từ phố đi lên và cứ như vậy .Kể từ ngày em yêu anh , anh luôn ở đó .Và cả trước đây cũng thế .Vì thực ra trước anh làm gì có "trước đây".
Em có biết là em luôn nhớ anh , đã nhớ một ít ngay cả khi anh đang đứng gần em . Em cứ nhớ ít một như vậy để dự trữ.Để sau đó , khi anh đã về ,đỡ nhớ hơn .Nhưng kể cả thế cũng chẳng giúp gì được cho em .
Không biết em đã nói với anh chưa nhỉ , là bao giờ nghe được , thì đầu tiên em sẽ học đọc tên anh ? Bằng tất cả thứ tiếng ? Nhưng trước hết là bằng tiếng Nga .
Còn khi nào mà em về rồi , em sẽ ngồi lên đùi anh , đặt tay lên vai anh và hôn mặt anh .Từng li từng li một .Anh hãy hứa với em đi ,là không được cởi áo váy của em trước khi em hôn xong .
Chỉ còn hai ngày nữa là mổ .Em đợi .Sự chờ đợi này sao trang trọng đến thế .Em có cảm giác như mình đang đến gần một sự thổ lộ tiếp theo nào đấy .
Jakub à , anh vốn vẫn biết là thậm chí em không cố mô tả là em biết ơn anh như thế nào .Bởi làm sao có thể mô tả đuợc điều đó .Mà anh thì biết rằng cho tới lúc này , em có thể mô tả được tất cả .
Ở đây tuyệt nhiên không có nhà thờ nào .Mà em thì muốn cầu nguyện biết bao .Dù sao thì em vẫn cầu nguyện .Em mang theo cây thánh giá bằng gỗ của Mẹ .Em đặt nó lên gối và cầu nguyện , nhưng em vẫn muốn cho dù chỉ một lần thôi , trước khi phẫu thuật ,được cầu nguyện trong một nhà thờ thực sự .Chắc chắn là Chúa biết phải làm gì .Chẳng phải Người đã tìm được anh cho em đấy sao .
Anh nghĩ rằng em sẽ không bị điếc vì tiếng ồn sẽ dội vào em khi em bắt đầu nghe được ? Đừng cười em nhé , nhưng em thực sự lo lắng về điều này đấy .
Họ đã chuyển em sang buồng khác .Em cũng không biết tại sao .Buồng trước tốt lắm mà .Có cả thảy mười sáu chị em và bọn em nằm giường tầng. Em chưa bao giờ ngủ trên giường tầng.
Bây giờ em ở buồng đôi .Chắc là do bố em rồi .Ở đây , chỉ có con cái của những ông bố quan trọng hay chính những ông bố quan trọng mới được ở buồng đôi .
Bây giờ em ở với một người đàn ông ! Người này tên là Vitia và lên tám tuổi .Vitia cũng không nghe được từ khi mới lọt lòng .Nó đến từ Leningrat .Một cậu bé tuyệt vời .Một anh chàng tóc vàng tí hin với hai mắt cách xa nhau .Hơi giống anh trong tấm ảnh chụp chung với anh và bố mẹ anh hồi anh lên chín tuổi ấy.
Em với Vitia nói với nhau đủ thứ chuyện .Có nghĩa là bọn em ra hiệu cho nhau .Anh biết không , Vitia ra hiệu bằng tiếng Nga đấy .Người Nga có một số ký hiệu khác . Em học cậu ta tiếng Nga nữa .
Bọn em hay chơi ngoài sân trước dãy nhà cấp bốn của bệnh viện .Ở đấy có một cái hố rất to do những cái máy đào khổng lồ để lại .
Chưa bao giờ em nhìn thấy cái gì giống như thế .Những cái máy đào ấy trông giống như những cỗ xe tăng rỉ mà phần mũi được thay bằng những cái gầu xúc đất .
Nhưng ở đây mọi cái như ở những bức ảnh cũ của ông em . Sở dĩ có những cái máy đào đất ở đó là vì họ sẽ xây một khu nhà mới cho bệnh viện .Ông giáo sư đã nói với bọn em thế .Ông ấy rất xấu hổ vì cái dãy nhà lụp xụp kia và không thể chờ đợi một cái bệnh viện mới được .
Vatia rất khoái nhảy xuống cái hố ấy ,còn em thì giả vờ không biết hắn ta ở đâu và đi tìm .
Chỉ còn hai ngày nữa là mổ .Đó sẽ là thứ sáu.Em đã kiểm tra lại , anh sinh đúng vào ngày thứ sáu .Đây sẽ lại là một ngày thức sáu hạnh phúc , phải không Jakub ?
Em ngưỡng mộ anh .

Natalia
TB. Thế giới thiếu vắng anh của em bỗng trở nên im ắng quá ...



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 29-12-2007, 02:15  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Sáng thứ sáu , trên đường đến trường anh rẽ vào nhà thờ .Sau đấy thì anh có giờ cho đến chiều muộn .Buổi tối anh có hẹn với mẹ Natalia .Từ khoa , anh chạy vội ra xe buýt .Cạnh lối vào bãi đỗ xe của khoa , có một cái Volga đen đang đỗ .Phía trong cánh cửa mở , cạnh ghế của lái xe , là bố Natalia đang ngồi và hút thuốc .Ông để ý thấy anh . Ông quẳng điếu thuốc hút dở xuống đường , đứng dậy , sửa cravát và đi về phía anh .Ông đến gần anh , đứng sát anh và nói bằng một giọng hoàn toàn xa lạ , không bình thường , như thể đang nói đến lần thứ một trăm cái câu của một vai đang tập :
-Natalia chết sáng nay rồi .Hôm qua một cái máy đào đã nghiền nát nó ở chỗ sân gần bệnh viện .Thằng bé mà nó cố đẩy ra khỏi chỗ cái máy đào , bị cụt cả hai chân .Thằng bé không để ý thấy cái máy đào và cũng không nghe thấy tiếng kêu của Natalia .Người điều khiển máy đào bị say rượu. Từ hôm qua đến giờ người ta vẫn đang tìm hắn.
Anh không thể nghe thêm được nữa .Bởi được một lúc thì mỗi lời ông nói như một tảng đá đập vào đầu anh .Anh lấy tay bịt miệng ông lại .Ông cắn vào tay anh cố để nói tiếp .Khi ông thoát ra được , anh quay đầu chạy .Anh chỉ còn nghe thấy tiếng kêu của ông phía sau mình .Nó như tiếng tru của chó .
-Jakub , chờ đã ...Jakub , đừng chạy ...Jakub , đừng làm thế với bác .Jakub, đừng bỏ bác đi một mình lúc này , bác xin cháu ! Jakub , phải đưa nó về .Bác sẽ không làm việc đó .Jakub , mẹ kiếp ...
Anh nhớ hồi còn bé , khi bị ai đó xúc phạm ngoài sân chơi là anh chạy ngay về nhà .Lại giống như hồi ấy .Khi bố anh mở cửa , anh ôm chặt lấy ông .Ông không hỏi gì .Lại như hồi ấy .Đã không còn quá đau đớn .
-Natalia chết rồi - sau một lát , anh thì thầm trên bờ vai ông .
-Con trai ...
Đêm ấy thì anh hiểu rằng tại sao bố anh lại uống rượu khi mẹ anh mất . Vào cái đêm hôm ấy , rượu như thể oxy .Và lại có thể thở được . Sáng ra , anh đứng trước cửa nhà Natalia .Một phụ nữ trẻ đội mũ hộ lý ra mở cửa .
-Chị ấy không có nhà .Mời anh quay lại sau vài ngày nữa - Người phụ nữ nói .
Đúng lúc ấy mẹ Natalia xuất hiện phía sau chị kia .Tóc bà bạc trắng .Tóc bà đã bạc qua cái đêm ấy .
Bà sập cửa .Anh nghe thấy tiếng kêu khủng khiếp khi chạy xuống cầu thang .
Bố anh đợi trong taxi ở dưới nhà .
-Con phải đi đưa nó về .Chì còn hai tiếng để con đổi ngoại tệ ở ngân hàng .Con không thể đến đấy mà không có tiền rúp .- Bố Natalia đã gọi điện .
-Bây giờ thì anh đến ngân hàng -ông nói với người lái taxi đang sốt ruột .
Đó là một ngân hàng nhỏ ở ngoại vi Wroclaw .Phòng đổi tiền dầy đặc khói thuốc .Hàng chờ ở cửa đang phục vụ vòng trong vòng ngoài .Cạnh tường , trên một cái giá nặng nề , cái gạt tàn đầy ắp những đầu mẩu thuốc .
Phía sau tấm kính là một nam nhân viên còn trẻ , béo .
Gã liên tục ăn bánh mì kẹp được lôi từ cái túi bị dây đầy mực để cạnh máy tính . Những mẩu cà chua và pho-mát rơi từ miệng gã , qua cằm xuống mặt bàn .Anh đứng chờ một tiếng trước cửa đó .
-Không có rúp -hắn lầu bầu không rõ , vừa nuốt bánh mì .-Chúng tôi chỉ có rúp vào thứ hai và thứ tư .Mời anh thứ hai đến .
-Anh biết đấy , tôi không thể đến thứ hai mới đi được .Anh phải có rúp .Tôi phải đưa cô ấy về .Trước chủ nhật .
Gã kinh ngạc quay về phía anh và lè nhè cao giọng , vừa phủi những vụn bánh mì dính bơ trên tấm kính ngăn giữa anh và gã :
-Tôi chẳng phải cái gì hết . Nếu anh vội và anh muốn có tiền Nga vào chủ nhật , xin mời đổi đô. Đổi đô dễ hơn.
Gã cười , phủi nốt những vụn bánh và nhìn quanh vẻ đắc thắng, xem mọi người có cười không. Những người xếp hàng chẳng ai cười, như thể họ linh cảm thấy những gì sẽ đến sau một lúc nữa.
Anh lách người qua cái khe giữa tấm kính và quầy ,định tóm cổ gã .Hắn đột ngột và kinh ngạc lùi lại .Sau đó thì không phải là anh nữa . Anh đến dưới tấm kính .Bình tĩnh đi đến chỗ cái gạt tàn .Túm lấy nó và dùng hết sức đập phần đế nặng của nó vào tấm kính trước mặt gã nhân viên .Anh nghe thấy tiếng la hét đằng sau mình .Gã kia tắc thở vì miếng bánh mì khi bị anh dùng hết sức bóp cổ .Sao mà anh muốn giết chết hắn thế .
Anh không còn nhớ chuyện gì đã xẩy ra sau đó .Chỉ biết là anh bị còng tay, đi trên xe cảnh sát và máu chảy ra sàn ôtô kim loại, bị một tay cảnh sát tóc hung mặt đầy tàn nhang nện bằng cái dùi cui trắng .
Sau bốn mươi tám tiếng thì anh được thả .Họ buộc anh đủ thứ tội : định đốt toà nhà thuộc sở hữu công cộng , tấn công cán bộ nhà nước , bẻ khoá , còn cả ý đồ cướp đoạt ngoại tệ nữa chứ .Anh bị đuổi khỏi đại học tổng hợp , và hai tuần sau , khỏi trường bách khoa.
Một tuần sau thì Natalia bay về .Không một ai đi đón cô ấy .Bố Natalia nằm bất tỉnh trong bệnh viện .Sau cái hôm thông báo cho anh về cái chết của Natalia , ông say rượu , đi theo đường tàu điện về nhà .Tại một bến tàu điện sau khúc quành , ông đã bị một chuyến tàu điện sớm cán phải .Người lái tàu không thể nhìn thấy ông được . Những người làm chứng kể lại rằng ông không hề chạy khi thấy tàu điện đang lao thẳng về mình .
Bình thường thì các thi hài được chuyên chở bằng máy bay trong những chiếc quan tài kẽm đặc biệt .Điều này thậm chí đã được ghi trong Công ước về Quyền Con người của ONZ .Natalia được chở trong một cái tủ lạnh thường được các hãng hàng không dùng để chứa những xuất thức ăn đựng trong các hộp nhựa dành cho hành khách trong các chuyến bay đêm .Họ lấy các ngăn kim loại ra và đặt xác của Natalia vào trong đó .Ở Lvov không có quan tài kẽm cho Natalia .Mà bố cô ấy lại đang nằm bất tỉnh trong bệnh viện nên không thể gọi điện cho một nhân vật quan trọng nào đó để có thể có được .
Anh đến lễ tang mấy tiếng sau tang lễ .Lúc ấy không còn ai .Ngôi mộ được đắp bằng cát vàng và được phủ những vòng hoa, những bó hoa. Anh nhìn vào tấm bảng trắng ghi họ tên cô ấy. Anh không còn nước mắt để khóc nữa. Anh suy nghĩ làm thế nào để chịu đựng nỗi sự im lặng của Chúa. Anh cảm thấy trong lòng trống rỗng. Anh đến nghĩa trang không mang theo hoa. Với anh , thế nào cũng được. Ngoài nỗi tức giận của Chúa, anh không cảm thấy gì hết. Những chỉ là anh tưởng thế. Có một lúc, anh nhìn ngôi mộ và những vòng hoa.Ngay cạnh cây thánh giá là vòng hoa to nhất.Trên nền dải băng đen anh đọc thấy dòng chữ vàng:"Con vẫn biết rằng con không đi xa.Những người luôn yêu con: Mẹ và Jakub ".
Có những khoảnh khắc, khi mà nỗi đau lớn đến mức ta như ngạt thở. Đó là cơ chế thật khôn ngoan. Anh nghĩ là nó đã được tự nhiên rèn luyện rất lâu.Ngạt thở, nghĩa là bạn tự cứu được mình và trong chốc lát quên đi nỗi đau một cách trực giác. Bạn sợ sự trở lại của trạng thái ngừng thở và nhờ đó bạn có thể trải qua.Ở đó, ở cạnh ngôi mộ, anh đã không thở được. Đó là lần đầu tiên bị như vậy.
Thiếu không khí, đó không phải là cơ chế duy nhất. Có một cơ chế khác, đó là cái đau vật lý .Nhưng phải tự mình giao cho mình. Đó không phải là nỗi đau thường ngày đi liền với sự thất vọng. Không phải cái bắt đầu ngay sau khi thức dậy, từ đầu ngón chân cái đến chân tóc. Đó phải là một nỗi đau khác. Nỗi đau được kiểm soát và định vị. Được tạo thành bởi lưỡi dao cạo hay đầu mẩu thuốc lá cháy dở. Khi đó bạn phải thay nỗi phiền muộn bên trong bằng cái đau vật lý cho phép định vị được. Bằng cách đó bạn sẽ kiểm soát được nó.
Sau đó , mấy tháng tiếp theo, anh tưởng như mình đang sống trong sự trừng phạt .Anh căm thù những buổi sáng .Nó nhắc ta rằng đêm đã kết thúc và lại phải vật vã với những ý nghĩ . Với những giấc ngủ thì có vẻ dễ hơn .Có những tuần anh không ra khỏi giường .Và nếu có , thì chỉ để kiểm tra xem có đúng là bố anh đã mang hết rượu ra khỏi nhà không ? Đôi khi tồi tệ đến mức đang đêm bố anh phải chạy ra một quán rượu lậu nào đó , xách về vài chai và hai bố con cùng uống .Khi đó anh chưa biết gọi tên tình trạng này .Bây giờ thì anh biết là mình đã rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề khủng khiếp .
Từ thất vọng anh đâm ra triết lý .Tất cả những gì không phải là bi kịch , thất vọng , vô vọng đều là vô lý .Ví dụ như ăn , đánh răng , thông phòng là vô lý .Bố anh làm tất cả để bẩy anh lên từ cái hố ấy .Đầu tiên ông xin nghỉ phép của hai năm gộp lại .Sau đó ông từ chối trực đêm để lúc nào cũng ở cạnh anh .Ông làm những việc mà anh không thể nghĩ tới .Ông lấy nước pha loãng rượu ra để anh vẫn uống ngần ấy mà không bị say ,ông đi thư viện và đọc hàng giờ cho anh nghe những cuốn sách .Ông không hỏi về tương lai .
Trạng thái ngừng thở bắt đầu tái phát .Anh bị suyễn .Một bệnh suyễn được thần kinh nuôi trồng rất khéo léo trong não .Anh còn bị cả những cơn sợ hãi . Đầu tiên anh sợ mình sẽ bị chết ngạt .Sau đấy anh sợ mình có những cơn ngừng thở thái quá và chắc chắn một cơn ngừng thở cuối cùng sẽ đến .Sau đó anh sợ tất cả . Ban đêm anh thức giấc và sợ .Thậm chí anh không biết mình sợ cái gì .Bạn nằm mở mắt to và toát mồ hôi vì sợ , và bạn không biết mình sợ cái gì hay sợ ai .Từ một ngày nào đấy ,phòng anh bao giờ cũng sáng .Nhiều khi anh chỉ có thể chợp mắt được khi có bố anh ngồi cạnh giường .



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 29-12-2007, 02:17  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Sau chừng nửa năm , sau một trong cái chuỗi đêm ấy , khi uống xong thuốc chống trầm cảm bằng rượu pha với nước cam , để bố anh yên tâm , anh thức dậy phía dưới cái máy thở được buộc vào giường bằng những dải dây da. Bố đã đưa anh tới đó khi nhìn thấy anh khô héo vì tự đầu độc mình bằng tất cả những gì có thể , dù chỉ trong chốc lát , làm dịu bớt nỗi đau buồn .Đến ca trực của mình , ông gói anh bất tỉnh vào xe cấp cứu và đưa đến cái bệnh viện thần kinh này .
Em có hình dung được ông cảm thấy gì khi làm điều đó không ?
Chính thức thì anh đến để giải độc .Một căn nhà tồi tàn bẩn thỉu với những chấn song cửa sổ rỉ ở vùng ngoại ô xa xôi của Wroclaw .Ngoài hàng vốc thuốc đủ màu sắc vào buổi sáng và chiều thì - anh muốn nói với em điều này , mặc dù thật xấu hổ , những bi kịch và ghi chép về những phiền muộn của mọi người lại điều trị cho anh tốt hơn . Nhờ đó mà bỗng nhiên cái đã xẩy ra với anh , tìm được hệ qui chiếu của mình .Nó không còn lấp kín toàn bộ không gian và não anh nữa .Sự cảm thông , tình thương yêu và ý nghĩa của sự tồn tại bỗng lại thoát được ra ngoài .Trong cái đầm lầy của nỗi buồn , sự vô lý , lòng hận thù và sự ai oán đối với thế giới ấy , chúng như sợi dây thừng mà người ta có thể bám vào đó mà leo lên từng tí từng tí một .
Anh cảm thấy điều đó rõ nhất vào cái ngày , khi anh ngồi đợi đến lượt khám ngoài phòng khám , một chị hộ lý đẩy một chiếc xe lăn , ngồi trong đó là mục sư Andrzej .Ở đấy người ta gọi người đàn ông gầy đến không thể gầy hơn được nữa ngồi , kể từ ngày anh ta và đó , ngày này sang ngày khác trên xe bên cửa sổ có chấn song ở cuối hành lang , ngay bên cạnh nhà vệ sinh , như vậy .
Ở đây , trong phòng đợi , cách anh một mét , trông ông ta như một diễn viên mang tính đặc trưng của những bộ phim về trại tập trung .Đầu cạo nhẵn thín như một tân binh , với một vết sẹo cỡ vài phân trên cái sọ nhăn nheo . Khuôn mặt vàng bủng được phủ một lớp râu đen , xương quai hàm nhô lên , cặp mắt to tháo láo trong hai hốc mắt mà ngay cả với cặp mắt ấy chúng cũng phải to hơn đến hai số .
Tay trái thõng xuống phía ngoài tay vịn của xe và treo sức nặng của mình trong sự bất động .Trên cánh tay nhìn thấy được phía dưới tay áo quá ngắn của chiếc pizama vấy bẩn đã bị mạng , có thể đọc được mấy chữ xăm bằng mực đen hồi nào nhưng nay đã bạc :"Không có Chúa ..." .Nhìn chúng như dòng chữ nguệch ngoạc trong cuốn vở của học sinh lớp một .Hình xăm không đều và bị loang ra .Vùng da quanh chữ viết có gờ đỏ sau nhiều lần bị thương tổn .
Người đàn ông ngồi ngay trước mặt anh và nhìn anh bằng cặp mắt mở to .Anh cố tránh ánh mắt ấy nhưng một lúc sau nhìn lại , thì ông ta vẫn nhìn anh như thế .Dường như ông ta không hề chợp mắt .
-Anh đừng có để ý đến ông ấy -chị hộ lý nói khi nhận thấy sự lúng túng của anh -Ông ấy vẫn nhìn như thế từ lúc họ đưa ông ấy vào chỗ chúng tôi .Đến Giáng sinh này là tròn hai năm . Ông ta thậm chí lúc ngủ cũng mở mắt .
Anh cảm thấy khó chịu khi chị hộ lý nói về ông ta như thể không có ông ta ở đấy .Chị ấy nhận thấy điều đó nên nói luôn trước khi anh kịp bình luận :
-Ông ấy không nghe được .Họ đã thử các kiểu .Chắc chắn là ông ấy không nghe được.
Chị hộ lý đứng dậy , hơi dịch chiếc xe đẩy .Lúc này người đàn ông nhìn lên khoảng tường ngay cạnh đầu anh .Cửa phòng khám mở ra và một người đàn ông trẻ mặc blu trắng nói :
-Magda , chị đẩy mục sư vào được rồi đấy .
Chị hộ lý đứng bật dậy và đẩy chiếc xe vào căn phòng hẹp với những cái tủ trắng .Chị đóng cửa và ngồi xuống ghế cạnh anh .Chị ta châm thuốc hút , bê cái chậu dương xỉ với những nhánh úa vàng còn sót lại từ bệ cửa sổ xuống đặt trên nền nhà phía trước mặt .Cái chậu đầy những đầu mẩu thuốc lá .
-Tại sao các chị lại gọi ông ấy là mục sư ? - anh hỏi
-Bởi ông ấy đúng là mục sư .Về danh nghĩa thì ông ấy như rau cỏ .Và ông ấy vẫn như vậy .Còn bao giờ ông ấy chết , sẽ không có một mục sư nào khác chôn cất ông ấy - Chị ta rít sâu một hơi thuốc và nói thêm: - Ông ấy đã quá lầm lỗi .Thậm chí nếu Chúa có tha thứ cho ông ấy thì chắc chắn Giáo hội cũng sẽ không tha thứ .
Những gì mà chị ta kể cho anh nghe trong phòng chờ sặc khói thuốc của cái bệnh viện tâm thần ấy trong suốt hai mươi phút sau đó , là một câu chuyện tình yêu gây chấn động mãnh liệt nhất mà anh được biết . Cái bi kịch con người ẩn chứa trong câu chuyện ấy đã tác động lên anh tốt hơn gấp trăm lần tất cả những lọ thuốc của các vị bác sĩ thần kinh mà anh đã uống kể từ sau cái chết của Natalia . Bây giờ em sẽ đọc thiên tiểu thuyết - thậm chí anh không cả hỏi xem em có thích không - về sự cuồng tín vô hạn của con người . Mỗi người công giáo nên thuộc thiên tiểu thuyết này như thuộc Mười điều răn của Chúa.
Em nghĩ sao , có bao nhiêu người công giáo ở Ba Lan biết những tội lỗi của Mười điều răn ? Bởi anh không biết ở Ba Lan có bao nhiêu , nhưng anh biết , ở Tây Ban Nha , nước cũng theo đạo Thiên Chúa tương tự có bao nhiêu. Khoảng mười bốn phần trăm .Tròn mười bốn trong số một trăm người biết họ phạm tội để chống lại cái gì.Ở Ba Lan chắc chắn là nhiều người biết và phạm tội hơn. Nhưng điều này không đáng với các mục sư và các thầy dạy giáo lý vấn đáp. Điều này đáng cho Kieslowski.
Andrzej, kể từ khi bập bẹ nói đã tỏ ra khác người. Đi học , cậu vào ngay lớp ba .Trong trường nhạc, nơi mà cậu học song song với văn hoá, cậu học thổi oboa .Ngoài ra, năm lên tám, cậu còn chơi phong cầm trong một nhà thờ gần nhà. Cha Phó nhận thấy là hễ khi nào cậu bé Anrzej chơi phong cầm thì mọi người thích đến hơn và ở lại lâu hơn.
Với bố mẹ thì Andrzej là lý do để họ luôn hài lòng .Mà còn là lý do duy nhất .Bản thân họ chẳng đạt được gì nhiều nhặn .Người ta thì đi nghỉ hè ở Bungari , mua ôtô và đồ gỗ , còn họ thì chỉ có mỗi Andrzej .Cậu là niềm tự hào , là sự thanh minh duy nhất cho sự không thành đạt của họ . Một màn công diễn của tính di truyền .Chúng tôi không thành đạt trong cuộc đời , nhưng chúng tôi có con trai là một học sinh đầu bảng . Với một áp lực lớn như vậy của những kỳ vọng,nếu là con gái, thì chí ít Andrzej cũng mắc chứng biếng ăn .
Andrzej học hai năm kiến trúc ở Wroclaw . Anh không được ở ký túc xá . Mẹ anh giúp việc trong dàn đồng ca nhà thờ nên giải quyết được cho anh một phòng trong khu nhà của các thầy dòng . Nhưng chỉ trong vòng một tháng. Trước khi họ tìm được một nơi nào đấy. Như vậy được hai năm. Adrzej học, chơi đàn cho các buổi lễ cầu nguyện, cầu nguyện cùng với các tu sĩ và càng ngày càng rời xa thế giới thực.
Ngay sau lễ Phục sinh, anh chuẩn bị một túi du lịch nhỏ, lên tàu và đi Krakow . Anh tham gia vào tăng hội của dòng tu Domentic và hội thảo của các tăng lữ. Anh giam mình trong am . Cuối cùng thì anh đã hạnh phúc. Đầy ắp sự hài hoà và tĩnh tâm . Bố mẹ anh , khi hiểu được điều gì đã xẩy ra , suốt hai tuần liền không dám giáp mặt xóm giềng ngoài cầu thang. Bởi tăng hội so với kiến trúc quả là sự mất giá ghê gớm. Bà mẹ thôi không giúp việc trong dàn đồng ca và trong khu nhà của các thầy dòng nữa.
Trong khi đó hàng đêm Andrzej quì trước Thánh giá lâu hơn tất cả .Hết đêm này sang đêm khác. Anh chỉ thôi khi những vết thâm trên đầu gối nứt ra, rỉ máu dây cả xuống nền nhà bằng đá. Là anh, người hay nằm sấp, tay giang ngang như thánh giá nhất trong nhà thờ. Là anh, người từ cô đơn dẫn đến trò chuyện và hợp nhất với Chúa mà tạo nên triết lý sống của mình.
Em có biết rằng sự cô đơn, đó là loại sầu muộn tồi tệ nhất trong sự nhận thức tội lỗi của con người? Đó là phổ quát cho toàn thế giới. Ở New York cũng như ở New Guinea , con người sợ hãi trước sự cô đơn và bị bỏ rơi . Em có biết rằng theo một trong những thần thoại cổ nhất của Ấn Độ , thì Tạo hoá tạo ra thế giới chỉ vì Người cảm thấy cô đơn ? Em có biết rằng các sách hướng dẫn về thần kinh của Mỹ phân loại việc tu hành như một dạng của bệnh điên?
Ngoài sự cô đơn thì tri thức cũng được anh coi như một cái gì đó có thể làm hài lòng Chúa. Anh ta học sáu thứ tiếng , là một nhà thần học và triết học tài năng. Anh ta đến Nigeria tám tháng để cầu nguyện. Anh ta nhận được học bổng của Học viện Giáo hoàng và đã đi Rome. Ba năm sau, với bằng tiến sĩ anh trở về Krakow vào tháng năm. Tháng chín anh ta tổ chức một nhóm thanh niên hành hương đến Czestochowa .
Ai ai cũng yêu quí Andrzej . Anh cùng với họ hát những bản nhạc trữ tình về Chúa , chiếu cho họ xem những băng video về những buổi hoà nhạc theo sách Phúc âm , chơi guitar trong những đêm lửa trại và chơi phong cầm trong những nhà thờ dọc đường đi . Những buổi lễ sớm với anh là những cuộc trò chuyện thực sự với Chúa . Trong những cuộc trò chuyện đó , người ta nhận được câu trả lời cho những câu hỏi mà người ta rất muốn hỏi nhưng chưa bao giờ biết cách diễn đạt như thế nào . Cả phụ nữ cũng yêu quí Andrzej . Một số người hoàn toàn không phải vì những buổi cầu nguyện , guitar và kèn oboa .
Đến một hôm , khi mọi người đã ở rất gần Czestochowa - một cái xe ủi đi qua đoàn người hành hương đã làm hai người bị thương nặng . Trong bệnh viện địa phương ở Poczesna không có ai . Bác sĩ đang nghỉ phép xa ở Myszkowa . Thế là người ta dẫn đến bệnh viện một viên bác sĩ thú y . Đi cùng bác sĩ thú y là xơ Anastazja .Một nữ tu dòng Carmel ở Lublin .Người bị thương thứ hai thuộc nhóm của ni cô .
Cô gái trẻ , có vẻ mất bình tĩnh, mặc bộ đồ xơ mùa hè màu xám , đi giầy môca buộc dây và đeo kính gọng mảnh . Cô nói rất khẽ .Gần như là nói thầm .
Viên bác sĩ thú y bảo rằng một người phải được truyền máu , còn người kia phải đưa đi Myszkowa .Cả hai đều tuyên bố sẽ cho máu .Mấy phút sau , viên bác sĩ thú y từ phòng thí nghiệm ở phía sau đi ra và nói :
- Các anh chị có cùng nhóm máu . Và chỉ số Rh giống nhau.
Với vẻ hài lòng , anh ta nhìn Anastazja cởi áo khoác , vén tay áo để cho máu , những giọt máu chảy chầm chậm vào cái túi plastic.
Cho tới khi kết thúc cuộc hành hương , hai con người cho tới lúc đó không hề để ý đến sự tồn tại của mình , đã luôn ở bên nhau .Tại các buổi cầu kinh sớm của Andrzej , trong đám đông , Anastazja quì bên khu cắm trại của họ và cùng anh ta cầu nguyện .Hai người bỗng nhiên cùng chuẩn bị các bữa ăn .Trong các đêm lửa trại ,xơ giữ một khoảng cách , nhưng bao giờ cũng ở cạnh .
Ngày hôm sau là họ sẽ đến Czestochowa .Đó là buổi cắm trại cuối cùng .Andrzej đến một nhà thờ nhỏ ở rìa ngôi làng mà họ định dựng trại để cầu nguyện .Trước ban thờ , trên nền bục xi-măng, Anastazja đang quì, đầu cúi , tay phải đặt lên ngực trái và cầu nguyện .
Anh ta khẽ đi đến và quì xuống bên cạnh cô .Điều đó hoàn toàn nằm ngoài dự định! Anh ta tuyệt nhiên không muốn để thân thể họ chạm vào nhau. Nhưng anh ta quì xuống quá nhanh và người họ đã chạm vào nhau. Cô ta không dịch ra .
Cả hai đều cầu nguyện cùng một điều .Sau đấy họ đã kể lại với nhau như vậy .Một mặt họ muốn cảm nhận sự gần gũi ấy . Mặt khác họ lại cầu xin Chúa giải thoát cho họ khỏi nỗi thèm khát đó .Cũng ở lần ấy , ngay tại đó , ngay từ giây phút đầu tiên, trong ngôi nhà thờ thôn dã ấy lần đầu tiên họ cảm nhận được hiểm hoạ của thế giới .Người trông coi nhà thờ đột ngột bước vào để tắt nến .Họ hoảng hốt dịch ra xa nhau .Ngay ở đấy , ngay trong những phút đầu tiên họ đã biết rằng thế giới không chấp nhận điều đó .
Khi vẫn còn ở Czestochowa , ngay trước khi cuộc hành hương kết thúc , anh ta đã chạm vào tay cô ta .Để cảm nhận .Và để nhớ.Ngay sau đó anh ta chạy trốn và cầu nguyện suốt đêm . Anh dằn vặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà anh không muốn tin.
Em có tưởng tượng ra sự phản bội Đấng Toàn năng ? Điều này thì không cách gì giấu nổi . Ở đây không muốn nói là không thể giấu được các hành vi . Mà là không thể giấu được ý nghĩ ! Những khát khao , cảm xúc , ước mơ .
Sau đó họ giết chết mối tình đó bằng mọi cách có thể .Anh ta chạy sang Rome .Xin một học bổng khoa học ba tháng .Cuộc trốn chạy đó chẳng ích gì .Sáng nào anh ta cũng dậy từ sớm và chờ thư của cô ta.
Lẽ ra anh ta không được chờ! Anh ta đã chờ.
Lẽ ra cô ta không được viết! Cô ta đã viết.
Anh ta không thể chịu đựng nổi khi cô ta mở đầu bức thư:"Thưa cha Andrzej"
Anh ta từ Rome về bằng tàu hoả .Anh ta không xuống Krakow .Mà đến tận Lublin mới xuống . Anh ta muốn nói với cô rằng lẽ ra không nên như thế . Anh ta đã chuẩn bị tất cả. Ngay từ lúc tàu còn ở Viên , anh ta đã tập những gì sẽ nói với cô ta . Từng từ một .
Anh ta đứng trước tu viện của cô ta . Cô ta đi đến chỗ anh ta .Anh ta thậm chí không bắt đầu . Không thốt lên một lời nào .Họ đứng trong cổng và không nhìn nhau . Họ đứng cúi đầu như những tội đồ , nhìn xuống đất . Sợ cả những ý nghĩ của chính mình . Chỉ riêng việc họ ở đó , đã là một tội lỗi . Tội lỗi là anh đã nghĩ về cô ta không ngưng nghỉ kể từ cái nhà thờ ở Czestchowa ấy . Tội lỗi là anh đã mơ thấy cô ta . Tội lỗi là cô ta hoàn toàn không phải là xơ Anastazja .Tội lỗi là trong mơ cô ta đã có làn môi mà anh ta đã chạm tay vào .
Rồi Anstazja lùi vào trong tu viện .Một lát sau lại quay ra . Cô ta nắm tay anh ta và họ chạy . Họ dừng lại trong một công viên nào đó . Cô ta đứng sau gốc cây , đưa môi mình vào sát môi anh ta . Cô ta dùng lưỡi để lách vào miệng anh ta rồi đẩy nó qua hai hàm răng nghiến chặt vì kinh ngạc và hưng phấn . Một xơ trong bộ áo thầy tu hôn một giáo sĩ trong bộ áo thầy tu dưới gốc cây ở trung tâm Lublin!
Nụ hôn ấy như một sự khởi đầu . Sau đó chỉ còn lại tội lỗi . Họ gặp nhau hầu như khắp mọi nơi của Ba Lan . Càng xa Lublin và Krakow càng tốt .Chỉ cần vắng người , là hai người lại tay trong tay .Ở chỗ đông người , họ chỉ vụng trộm đụng nhẹ vào nhau . Họ để cho nhau biết rằng họ khát nhau . Họ không nói về Chúa , cho dù lúc nào cũng cảm thấy bị Người quở trách .Mãi cho đến sau cái đêm đầu tiên , một năm kể từ nụ hôn trong công viên , đêm đầu tiên thực sự loã thể , mãn nguyện và không e thẹn , anh ta mới nói với cô ta rằng anh ta yêu cô ta hơn là sợ bị trừng phạt .Bất kể đó là sự trừng phạt nào .



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 29-12-2007, 02:17  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Người phụ trách các nữ tu ở Lublin biết được chuyện tình của xơ Anastaja qua một bức thư nặc danh do một sĩ quan SB , người đã theo dõi cha Andrzej từ lâu , gửi . Cha Andrzej là một đối tượng của nhiều chuyện giật gân . Những chuyến đi Rome , những cuộc viếng thăm của đại diện giáo hội Mỹ , mối quan hệ với phong trào thanh niên công giáo . Hay cha Andrzej đã từ chối hợp tác ? Thật trẻ con và lãng mạng . Giờ đây cha không còn từ chối .GIờ đây cha không còn lặp lại cái trò khiêu khích trong trại quân sư .Khi ấy cha thoả hiệp hoàn toàn với họ . Đã vài người phải khốn khổ với cha , mà lại ngay ở Rakowiecka ở Varszawa .
Cha Andrzej bị gọi đi trại quân sự trái với luật pháp . Hồi ấy đang là thời chiến . Luật pháp có thể được đưa ra tối nay và thay đổi vào sáng mai . Cha nhận được giấy triệu tập đến trại quân sự dành cho những người đang dự hội thảo thần học . Đó là một sự khiêu khích trắng trợn .Một trong hàng loạt các sự ngược đãi nhằm đánh gục anh ta. Bởi không được phép gọi các tu sĩ đi bất cứ một trại huấn luyện quân sự nào .
Những người như anh ta khác nhiều . Họ bị đưa đến một bãi tập ở gần Drawska .Cả một trung đội . Toàn những tu sĩ ngây ngô và ít thông tin như anh ta .
Anh ta ở cái đơn vị gàn Drawska ấy được đúng mười một giờ đồng hồ . Trong buổi điểm danh tối , tay hạ sĩ say khướt ra lệnh cho họ cầu nguyện . Hắn hô như ra lệnh tập bằng một giọng khàn khàn Cha của chúng con rồi bắt mọi người đồng thanh nhắc lại . Anh ta đứng ở đó cùng với những người khác và im lặng , nén trong lòng sự khinh bỉ chính mình , rằng mình vẫn cứ đứng đó . Nhưng rồi tay hạ sĩ hô:
- Amen . Tôi bảo amen , lũ gà trống . To hơn , mẹ kiếp , amen.
Khi ấy anh ta bước ra khỏi hàng , đi đến chỗ tay hạ sĩ và cho hắn một cái tát như trời giáng . Ngay sau cú đấm đầu tiên vào mặt , anh ta ngã lăn quay . Bị đá , bị gãy xương sườn , bị quật vào đầu bằng dây thắt lưng quân sự , máu chảy từ mũi từ tai , anh ta được đưa vào một gian nhà tồi tàn cạnh dãy lều để băng bó .Đến đêm thì anh ta ngất đi vì mất máu .Mọi người buộc phải đưa anh ta đến bệnh viện. Nhưng đã thành công . Đức giám mục đã can thiệp . Một esbek(*) quan trọng nào đó ở Rakowiecka ở Varszawa đã phải đi phép ít ngày , còn cha Andrzej , cho dù trái với mong muốn , đã đi vào lịch sử của phe đối lập ở Ba lan .
Nhưng đó chỉ là trò nghiệp dư của những tay thám tử địa phương Krakow , như ở Varsawa người ta nói . Giờ thì người ta ký mà chẳng cần một cú đấm nào , một giọt máu nào . Họ sẽ chẳng cần phải bẻ của anh ta một cái răng nào . Còn giám mục ? Giám mục thậm chí chẳng cần phẩy tay ra hiệu . Bởi giám mục sẽ không để cho mọi người biết rằng "tu sĩ với bằng tiến sĩ của Vatican đã tự do trăng hoa với nữ tu sĩ ở Lublin"
Người phụ trách tu viện gửi Anastazja đến một làng nhỏ ở Bieszczady nửa năm và một bức thư cho người phụ trách tu viện ở Krakow .Ông này chẳng làm gì vì ông ta không đọc thư .Dọc đường nó bị SB nhận mất .Cuộc tình phải tiếp diễn . Không bị quấy rối . Chủ yếu vì lý do ý thức hệ .
Và nó đã tiếp diễn . Trong những căn lều hoang ở Bieszczady , trong khách sạn ở Rzeszow , ở Krakow , nơi mà Anastazja chỉ mất hai giờ đi xe là đến .Nó tiếp diễn cũng nhờ những bức thư bị đọc và những cuộc điện thoại bị nghe trộm .
Người phụ trách tu viện không yên tâm với việc không có phản hồi gì từ phía Krakow nên đã đích thân đến đó . Một tuần sau thì cha Andrzej bị chuyển đi Swinoujcie . Phải làm sao để xa Bieszczady nhất và hạ nhục nhất .
Anh ta không thể dự lễ cầu nguyện. Hai khoa .Học viện giáo hoàng .Những bài thuyết giáo hay nhất ở Krakow . Một mục sư như vậy chưa từng có ở Ba Lan .Khi anh ta đến Swinoujscie thì có một người nào đó vô tình , đương nhiên , ném vào phòng ăn của tu viện một lá thư nặc danh của SB . Thế giới phải biết về họ .Và đã biết . Xơ Anastazja đã trở thành một gánh nặng .Gánh nặng về ý thức hệ. Với lại đây là một sự thật hiển nhiên nhất. Không thể hăm doạ cả tôn giáo chỉ vì một ả cuồng dâm nào đó mặc áo tu, kẻ không thể giải quyết vấn đề này là một cách khác hơn.
Tự nhiên không một ai nói chuyện với cô ta. Cô ta không được phép đến nhà nguyện vào buổi tối, việc mà từ trước tới giờ cô ta vẫn làm. Việc gì cô ta cũng bị nhắc nhở. Người ta chọc ngoáy cô ta theo từng bước chân. Một hôm, trên bàn trong phòng ăn có một bức thư của anh ta để ngỏ. Đầy ắp tình cảm, tình yêu và những lời tỏ tình. Khi ngồi vào chỗ của mình, cô ta có cảm giác như tất cả mọi người đều nhìn mình ghê tởm .
Nỗi khủng khiếp đó kéo dài chừng nửa năm .Cô ta không hề nói với anh ta. Nguợc lại, với mỗi lần bị hạ nhục, với mỗi nỗi khó chịu cô lại càng cảm thấy rằng mình phải yêu anh ấy.
Anh ta nếm trải thế giới của mình còn tồi tệ hơn nhiều. Một hôm , một cái bao cao su đã sử dụng được ném vào phòng xưng tội, nơi anh ta vẫn ngồi nghe xưng tội. Một ai đó đã nhét vào hòm thư ở nhà linh mục một phong bì không dán, trong đó đầy những mẩu báo với hình ảnh những em gái vị thành niên đang bị xâm hại tình dục. Các nữ giáo dân "phẫn nộ" đều đặn gửi thư cho linh mục. Trong vòng sáu tháng, anh ta bị chuyển chỗ mấy lần. Cho dù vậy, anh ta vẫn yêu cô ta không ngưng nghỉ với một tình yêu không thay đổi. Anh ta chờ đợi. Không biết chờ đợi cái gì, nhưng anh ta tin rằng chuyện này rồi sẽ kết thúc. Giống như quãng thời gian trong ngục luyện. Đến một lúc nào đó nó sẽ kết thúc và sau đó là sự cứu rỗi.
Một hôm, xơ Anastazja bỗng dưng biến mất. Cùng ngày hôm ấy, một ai đó đã đưa cái ôtô trong gara của tu viện ra. Cô đi Czestochowa. Trên đường về, tại một đoạn đường thẳng, khô ráo, cách phòng khám ở Poczesna hai cây số, xe của cô đi lấn sang lề đường bên trái. Lao thẳng vào một cái xe lạnh Đan Mạch khổng lồ. Không hề có dấu phanh xe. Xe của cô lao chính xác vào gầm khoang lạnh của chiếc xe tải. Cô chết ngay tại chỗ. Bẹp dí. Không một ai ở Lublin đến để nhận dạng cô.
SB cố sao để kết quả xét nghiệm tử thi được biết đến rộng rãi trong khu vực và ở Lublin. Trong máu của Anastazja có cồn và chất an thần, còn trong dạ con là vòng tránh thai.
Một tháng sau đó là Giáng Sinh. Sau Đại lễ đêm Giáng sinh, khi mọi người đã ở trong nhà mình và đón chào Jezus mới chào đời, cha Andrzej đến một nhà thờ nhỏ ở Bialowieza. Anh ta lấy nước trong chậu nước thánh bằng đá ở trước cửa nhà thờ cho vào cái vỏ chai nước cam. Rồi đến cạnh bàn thờ, để lên đó chai nước thánh, chai rượu và một lọ mực tàu nhỏ. Anh ta đổ ra một vốc thuốc. Lấy chiếc kim dùng để xăm từ túi áo khoác ra. Trộn mực tàu với nước thánh ở trong lọ. Tựa người vào bàn . Anh ta đứng chính xác đối diện với cây thánh giá. Và bắt đầu xăm.
Sáng ra, mấy người phụ nữ đến thắp nến trước lễ cầu nguyện.Họ ngửi thấy hơi rượu và tìm thấy cha Andrzej cạnh bàn thờ. Trên cánh tay trái rớm máu của anh ta có thể đọc được dòng chữ không rõ mấy: không có Chúa...
(*) Esbek: Từ viết tắt chỉ nhân viên an ninh với nghĩa tiêu cực .



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 29-12-2007, 02:18  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 3 (C):

Chị hộ lý ngừng kể. Cửa phòng khám mở và anh hộ lý trong chiếc áo choàng trắng đẩy chiếc xe có người đàn ông ngồi trên đó ra. Trong khoảnh khắc, anh có cảm giác như Adrzej cười với anh khi đi ngang qua. Chị hộ lý dụi điếu thuốc hút dở trong cái chậu dương xỉ úa vàng, đến chỗ cái xe và đẩy ra khỏi phòng chờ.
Anh hộ lý nhìn anh và đứng ở cửa, đợi anh vào. Anh đã không vào .
Trong phòng đợi ấy anh ngộ ra rằng nếu thậm chí anh có đau khổ vì tình yêu với Natalia, thì tình yêu ấy đã rất đẹp, đã được mãn nguyện và không một ai có thể thay thế được cô ấy. Tình yêu luôn như vậy .Nhà thờ đã chẳng dạy thế sao. Có lẽ điều này không phù hợp với Tòa thánh giáo hội. Nên phải huỷ diệt nó, phải giẫm nát, phỉ báng , bạc đãi ,bôi nhọ và hạ nhục nó. Tốt hơn cả là huỷ diệt tình yêu đó nhân danh tình yêu đối vớI Chúa. Điều này đã được lịch sử chứng minh biết bao nhiêu lần .
Ngay tối hôm ấy, theo đề nghị của anh , cha anh đã lấy xe cứu thương đưa anh về nhà. Căn phòng của anh chờ anh. Cái bàn làm việc của anh, những cuốn sách của anh, bức ảnh mẹ phía trên công tắc điện, những bức thư của Natalia được bó lại bằng sợi dây màu xanh lá cây trên giá sách chờ anh. Ga trải giường sạch sẽ , thơm tho. Anh cảm thấy một cái gì đó, cái mà người ta thường gọi là niềm vui. Có lẽ chỉ thoáng qua , nhưng anh biết rằng nó lại ở trong anh. Anh đã trở về , với một quyết tâm: đẩy cái lỗ đen ấy trong tâm hồn ra. Đẩy ra , rồi hàn kín lại và sống sao cho nó không bao giờ mở ra nữa.
Anh trở nên khác hẳn. Lặng lẽ . Ít nói. Suy tư. Bị rút phép thông công. Anh không uống. Anh đọc. Tỉnh dậy là anh đọc. Đến tận tối.
Em có biết là sách cũng có thể có tác dụng như băng vết thương hay thạch cao ?
Cha anh quen dần với sự im lặng của anh. Ông vào phòng và ngồi cùng anh. Không nói gì, chỉ ngồi. Ông vui.
Một hôm, chuông cửa reo. Không có ai ngoài cửa. Trên tấm thảm chùi chân có một gói nhỏ bọc giấy xám , được quấn dây chun hồng . Cha anh đưa cái gói ấy vào phòng cho anh . Anh mở gói . Hai quyển học bạ của anh được bọc bằng một tờ giấy đánh máy . Đó là quyết định của hai trưởng khoa ở cả hai trường trả lại cho anh quyền sinh viên . Đơn giản vậy . Không một lời giải thích .
Anh đến bên cửa sổ . Dưới đường , cha của Natalia đang đi , tay chống gậy .Ông không ngoảnh lại . Đến bãi đỗ xe gần lò bánh mì , ông vào chiếc Volga đen và đi
Tháng mười , mọi chuyện lại như cũ . Chỉ không có Natalia . Có nghĩa là có , chỉ có điều cô ấy không thể đến được . Anh tự xác định cho mình như thế . Anh tự xác định rằng đơn giản là cô ấy không thể cùng với anh được . Nhưng nói chung vẫn có cô ấy . Thỉnh thoảng anh quên và lại nhìn quanh tìm cô ấy . Nhất là sau các môn thi . Anh ra khỏi phòng thi và tìm. Đó là thói quen . Anh muốn được cô ấy ônm lấy mình. Cô ấy luôn làm như vậy mà .
Anh không đến nhà ăn nữa. Chỉ có một lần. Ngay hồi tháng mười. Hai tuần sau khi khai giảng năm học mới. Họ cho ăn đúng loại súp ấy. Anh đã bị lên cơn hen .
Em có biết rằng những người hen bắt buộc phải ra ngoài khi bị lên cơn ? Thậm chí cả nếu như nơi họ đi ra còn ít không khí hơn thì họ vẫn cứ phải đi . Đó là hội chứng chạy theo oxy . Thật là một sự ngược đời , bởi bản thân cuộc chạy trốn và việc chạy trốn đã ngốn mất nhiều oxy .
Em có biết là ngay trong nhà tù , những người bị hen cũng được phép ra khỏi phòng giam khi lên cơn hen ? Đôi khi chỉ là sang một phòng khác nhỏ hơn không hề có cửa sổ . Nhưng kể cả như vậy cũng vẫn có tác dụng . Bởi đó chỉ là hội chứng , và chỉ ở trong não chứ không phải ở phổi hay phế quản .
Anh chỉ ra ngoài một lát rồi quay lại . Không ăn gì , mà chỉ ngồi trước ô cửa phát súp cho tới hết bữa trưa . Tay giữ chặt mặt bàn , nhưng không chạy . Mấy bà cấp dưỡng nhìn anh cười . Đó là chiến thắng thực sự đầu tiên của anh trước sự sợ hãi . Cái tay tâm lý liệu pháp ấy trong nhà thương điên ở ngoại thành Wroclaw đã có lý . Chỉ có đối đầu với sự sợ hãi mới là phương pháp cho sự sợ hãi . Điều đó có tác dụng . Chính xác theo nguyên tắc tiêm phòng . Bạn tiêm phòng cho mình tiềm thức .
Về hình thức thì anh đã mất cả một năm đại học . Ở cả hai trường. Chỉ cách đây không lâu ,với anh chuyện ấy chẳng có ý nghĩa gì. Chẳng mảy may quan trọng. Nhưng bây giờ thì không. Học đã trở thành toàn bộ cuộc sống của anh . Những con yêu quái đã điếc hoặc im tiếng. Học đã lấp đầy thời gian của anh một cách tuyệt vời! Anh không thể gặp được một liệu pháp nào tốt hơn là việc học đồng thời hai trường đại học .
Anh có cảm tường là nếu anh cho phép "họ" -thực sự thì anh không biết chính xác ai là "họ" ở đây - lấy đi của anh năm học ấy, thì cũng như anh đã cho phép cái thằng nhân viên ngân hàng còm cõi , bỡ đợ, ngu xuẩn và bốc mùi hôi thối xa hàng kilômét với tất cả những vụn bánh mì và cà chua của hắn cười và phỉ nhổ một lần nữa vào mặt mình.
Anh đã không cho. Đến tháng mười hai thì cả hai trường đều cho phép anh theo học khoá đặc biệt. Cuối tháng chín năm sau thì anh trả môn nợ cuối cùng ở bách khoa.
Ngày hôm đó trên mộ Natalia có những hạt dẻ. Natalia cực kì thích hạt dẻ. Chắc chắn là mẹ Natalia đã đển đấy vào buổi sáng. Anh đến kể với cô ấy về bài thi. Chắc cô ấy phải tự hào về anh. Cô ấy bao giờ cũng tự hào về anh. Hai ngón tay trỏ hai lần dưới xương đòn , sau đó hai lần về phía người đối thoại. "Anh yêu em".
Đơn giản biết bao...
TB.Em hãy hết sức bảo trọng nhé.
Jakub.
- Anh có thể đứng dậy một lúc được không? Chỉ một lúc thôi. Em muốn hút bụi qua chỗ ấy - anh nghe thấy một giọng phụ nữ ở sau lưng.
Anh giật mình, quay phắt lại. Cô tạp vụ trẻ đang đứng sau ghế anh. Ngồi ngoảnh lưng ra cửa nên anh không nghe thấy lúc cô ta vào. Cô gái Thổ Nhĩ Kỳ, thắt một chiếc khăn nhỏ trên đầu, đã làm thay cho chị tạp vụ cũ ở đây từ mấy ngày nay. Cô ta đứng, tay cầm cái ống hút bụi và cười. Cô ta nhìn anh và đi ngay ra phía cửa.
- Xin lỗi anh. Rất xin lỗi - Cô ta nói nhanh, giọng lo lắng. - Em cứ nghĩ là giờ này thì không còn ai ở văn phòng. Bao giờ em cũng gõ cửa. Để mai em hút vậy. Cũng chẳng phải việc cấp bách gì. Anh làm việc thoải mái đi nhé.
Và cô vừa đóng cửa vừa nói thêm:
- Và không nên khóc. Mọi chuyện rồi sẽ tốt thôi mà.
Anh đến bên giá sách cạnh cửa sổ. Mở cửa thông gió. Tiếng ồn ào đều đặn bình yên từ đường cao tốc ùa vào phòng. Anh lấy cuốn sách mới mua tháng trước đang nằm chờ đến lượt mình trong chồng sách cao những cuốn "cần phải đọc".
Anh quyết định không về nhà. Hôm nay anh không muốn sự trống trải ở nhà. Ở đây ít ra anh cũng có Internet . Anh cảm thấy hôm nay mình muốn ở gần Internet hơn. Anh cảm thấy nhớ cô và rằng anh ước gì đã là sáng hôm sau.
Đọc bao giờ cũng giúp ta chờ đợi - anh nghĩ.
Lần đầu tiên anh muốn đợi qua đêm. Để gặp cô. Nhanh nhất.
CÔ : Cô đợi anh. Hôm nay cô thấy xúc động lạ lùng. Hơn thường ngày. Khi anh đột ngột ra khỏi mạng ở giữa chừng câu để đi họp, cuộc họp mà anh chợt nhớ đến vào phút chót, cô bỗng thấy trống trải và im ắng. Nghe thế có vẻ lâm ly quá, nhưng lại là sự thật: từ một thời điểm nào đó, thế giới của cô thực sự trống trải và im ắng khi thiếu anh.
Cái thế giới của ICQ, của chat và Internet này chỉ tưởng như im ắng thế thôi. Âm thanh, đó cũng là vấn đề của trí tưởng tượng. Bởi người ta có thể trải nghiệm âm thanh và giọng nói mà không cần phải nghe thấy chúng. Internet cùng với anh luôn đầy ắp âm thanh. Cô cười, thậm chí nhiều khi bật cười to. Cô thầm thì với anh nhưng khi anh làm cô xúc động. Cô hét lên - những khi một mình ở văn phòng, đương nhiên -khi anh làm cô nổi cáu hay khiêu khích cô. Cô dùng bàn phím hay chuột để gõ lên mặt bàn những lúc sốt ruột chờ câu trả lời hay bình luận của anh. Cô nghe nhạc mỗi khi anh bảo. Cô nói thành tiếng những từ mà đôi khi theo anh, chúng chỉ có nghĩa khi được nói lên thành tiếng hoặc thầm thì chứ không chỉ được đọc. Với anh hiếm khi im lặng.
Do vậy mà gần đây, khi anh biến mất, hoặc - thường hay xảy ra nhất - cô rời khỏi máy tính, thì trong thế giới của cô bỗng im ắng như trên một sân vận động không người. Nhưng hoàn toàn không phải là sự im ắng ấy. Và sự trống trải ấy. Cô biết mà.
Khi viết cho anh cái câu cuối ấy, hơi tình cảm quá, như một lát sau cô nhận thấy, về sự "im ắng trong thế giới của cô", thì cô chợt hiểu rằng cô muốn đến đây, đến văn phòng này cả vào thứ bảy và chủ nhật. Mà cô sẵn lòng đến nhất là vào ban đêm. Anh hay làm việc về đêm. Cô thường hay nghĩ là dẫu chỉ một lần thôi, Cô muốn có anh ở đầu bên kia cả một đêm. Công việc ở văn phòng này là một cái gì đó ở hàng thứ tư. Giải quyết thật nhanh việc mà nó cho phép mình được yên ổn với sếp, với cô thư ký và với tụi bạn gái makerting trong một khoảng thời gian nào đấy rồi ngay lập tức quay lại với Jakub. Anh lúc nào cũng có sẵn : ICQ, chat, e-mail. Chính anh dạy cô rằng trong Internet, tất cả "đều ở trong tầm tay". Chỉ cần biết phải đưa cánh tay đó ra như thế nào. Cô đã biết và biết ngày một nhiều. Chỉ có bìa của cái tập dày cộp mà cô đọc từ một tuần nay là có đầu đề "phân tích thị trường". Còn bên dưới, là một của một cuốn sách hoàn toàn khác, để đánh lừa cô thư ký hay thóc mách, rất hấp dẫn như là Internet Unleased, mà dịch thoải mái thì có nghĩa kiểu như là Internet được giải phóng. Và nghĩ rằng mới chỉ cách đây không lâu cô còn không thể, bởi cô không muốn đọc bản hướng dẫn sử dụng chỉ vài trang, làm thế nào cho cái máy quay video gia đình hoạt động.
Điều này trở nên nguy hiểm. Cô bắt đầu nôn nóng xích lại gần cái trạng thái, mà ở đó người đàn ông lại lấp đầy cả thế giới của cô. Cô không muốn thế. Đó phải là tình bạn. Chứ không phải tình yêu! Hôm nay là lần đầu tiên cô sử dụng từ này khi nghĩ đến Jakub. Cô không muốn bất cứ một tình yêu nào. Tình yêu chứa trong nó sự đau khổ. Không thể lẩn tránh cho dù trong những lúc chia tay. Mà họ thì chia tay nhau hàng ngày. Tình bạn - không. Tình yêu có thể tồn tại một cách đơn phương. Tình bạn - không bao giờ. Tình yêu chứa đầy sự kiêu căng, ích kỷ, thói tham lam và sự vô ơn. Nó không nhận biết công lao và không phát chứng chỉ. Ngoài ra, anh bạn cực kỳ hiếm khi kết thúc bằng tình yêu. Đây không thể là bất cứ một tình yêu nào! Cùng lắm chỉ là mối quan hệ tiệm cận. Nó làm cho hai người không ngừng xích lại gần nhau, nhưng không bao giờ đe dọa bởi sự đụng chạm.
Mà cô đâu có yêu anh! Đây chỉ là sự hài lòng của một người vợ không được quan tâm. Hơn nữa, anh chỉ là ảo. Không thể, ừm, phạm tội với anh được. Hôm nay cô cảm thấy, dẫu sao cô vẫn muốn ra khỏi đường tiệm cận đó và chạm vào anh. Liệu đó đã phải là tội lỗi?
Cô đợi anh, nhưng anh vẫn chưa đi họp về. Cô phải làm một cái gì đó, để cải thiện tâm trạng. Thợ làm tóc bao giờ cũng giúp ích. Cô gọi điện cho chị Ivona. Vẫn còn chỗ trống. Nhưng phải sau hai mươi giờ. Cô không vội đi đâu. Chồng cô đi vắng từ hôm qua. Anh ấy đi công tác đâu đó. Cô bảo rằng cô sẵn sàng đi kể cả muộn hơn.
Chị Ivona là chủ một trong số những cửa hiệu hay – như chị tự gọi – "studio" tóc bất bình thường nhất ở Varszawa. Tại trung tâm, gần đại học bách khoa. Trên tầng hai của một khu nhà từ trước chiến tranh. Những tấm ký họa hiện đại trên tường, những chiếc ghế da, những nhân viên đón tiếp ở cửa, dòng chữ độc đáo trên máy tính về những qui trình làm tóc "được ưa thích nhất". Tiếng nhạc lạ tai khắp "studio" kể cả trong các tường, toilet thơm nức mùi hoa nhài của nước xịt phòng. Một góc sang trọng trên tầng hai của một tòa nhà xám xịt. Chị Ivona biết rằng thời gian ở hiệu làm tóc còn riêng tư hơn cả thời gian ở chỗ bác sĩ phụ khoa. Ở chổ chị, người ta không chỉ làm tóc. Ở chổ chị, người ta thường bắt đầu làm chương trình cho cuộc đời.
Khi cô đến "studio" vẫn đang nhộn nhịp. Hầu như không có ghế nào trống. Ivona dừng uốn tóc cho một khách hàng để đến chỗ cô. Đã từ lâu họ gọi nhau là cậu. Cô chỉ để cho Ivona chải tóc cho mình.
- Một lát nữa thôi. Cậu cứ uống hết ly cà phê là mình xong.
Cô ngồi xuống cái ghế cạnh bàn để báo. Vừa lúc cô gái học việc đưa cho cô ly cà phê đặt trong một chiếc khay bạc.
Cô nhận thấy mùi whisky ưa thích. Cô ngẩng đầu, nhìn Ivona và cười đầy biết ơn.
- Làm sao mà chị ấy biết nhỉ - cô nghĩ.
Ivona là một trong số những phụ nữ hấp dẫn nhất mà cô được biết. Khoảng ba mươi tuổi, tóc vàng để dài, bao giờ cũng trang điểm tinh tế không chê vào đâu được. Khi thì mặc quần bó sát, khi thì mini juýp, khi lại mặc chân váy dài xẻ cao. Hầu như bao giờ cũng trễ cổ. Những ngón tay thon thả với những cái móng tay hứa hẹn những cái cấu đau. Ngực. Bộ ngực hoàn hảo.
Ivona biết rất rõ, tất cả những ông chồng, những anh người yêu đang chờ những người phụ nữ của mình nghĩ gì, cảm thấy gì khi nhìn cô hau háu từ phía sau những tờ báo mà họ dùng để che đi mối quan tâm thực sự của mình. Mà cả cô cũng chả lạ gì. Có lần, cũng vào mùa hè, Cô đến đây hoàn toàn hú họa, tức là không đăng ký trước. Đương nhiên là cô phải đợi. Hai tiếng. Ngồi chờ ở ghế, Cô đã quan sát rất kỹ những người đàn ông ấy. Với những bộ óc đã bị di dời hơi xa xuống phía dưới, họ theo dõi từng cử động của Ivona đang chải tóc cho một bà đứng tuổi nào đó. Hôm ấy cô ta che ngực bằng một dải vải màu ôliu hở bụng, một cái quần đen bó sát đến mức không thể sát hơn được nữa. Cô ta đi chân đất. Trên nền nhạc của Bryan Adams. Mải nghiêng người trên đầu bà khách hàng, cô ta chổng mông ra. Ở giữa lưng, phía trên cái cạp nhỏ của chiếc quần đen, có thể nhìn thấy một hình xăm màu đỏ-tím than. Một bông hồng. Một nửa bị quần che khuất, một nửa lộ ra.
Cô ta mới hiểu bọn đàn ông kia làm sao chứ! Cả cô cũng thích hình xăm ấy. Cô, nếu đủ can đảm, cũng đã đi xăm, nhưng ở một bên mông và nhỏ hơn. Điều này kích thích chính cô. Một lần cô hỏi chồng nếu anh có thích cho cô có một hình xăm nhỏ ở mông không. Mà chỉ anh mới nhìn thấy thôi. Chồng cô mỉm cười.
- Những ý nghĩ như vậy chỉ có thể chui vào đầu những tay thủy thủ say rượu - anh khinh bỉ kết thúc.
Cô đã rất buồn. Cô muốn làm điều đó là vì anh cơ mà.
- Làm sao mà cậu biết hôm nay mình cần cho whisky vào cà phê? - cô hỏi khi cuối cùng thì Ivona cũng làm đến tóc cô.
- Nhìn cậu thì biết. Mình bảo con bé rót cho cậu một suất đúp đấy. Nó có rót không?
- Mình không chắc nữa. Hôm nay mình chẳng dám chắc cái gì cả. Nhưng có lẽ có. Vì tác dụng tuyệt vời.
Ivona nghiêng người và khẽ hỏi:
- Đêm nay sẽ có ai đó làm rối tóc cậu à? Mình có phải làm để giữ được lâu không đấy?
- Không làm rối, vì người ấy ở rất xa và thậm chí không biết là mình muốn thế. Nhưng cậu cứ làm như người ấy sẽ làm rối.
Thoạt đầu, Ivona không bình luận gì câu trả lời này. Cô ta chải tóc cho cô, họ nói chuyện về thời trang, về nạn tắc đường ở Varszawa mặc dù đang là kỳ nghỉ hè, về việc sẽ tuyệt biết bao nếu được đi đâu đó, mà tuyệt nhất là đi Majorka.
Được một lúc, Ivona bỗng nói bâng quơ :
- Cậu hãy nói với người ta rằng cậu muốn. Đằng nào thì cậu cũng có lỗi rồi, bởi nói chung là cậu muốn.
Cô cười với bóng của Ivona trong gương.
Mọi người cần gì đến đến các nhà tâm lý trị liệu nhỉ - cô phấn chấn nghĩ. - Đơn giản là họ nên đến hiệu làm tóc thường xuyên hơn. Chẳng có gì ngạc nhiên khi ở đây lúc nào cũng đông.
Lúc ở văn phòng cô đã có lý. Thợ làm tóc bao giờ cũng giúp được ta. Cô ra khỏi chỗ Ivona vào khoảng hai mươi hai giờ. Trời rất ấm. Whisky, đầu mới, những ngôi sao trên trời. Cô cảm thấy tuyệt vời hạnh phúc. Ở trên mạng thật khó mà diễn tả về hạnh phúc. Điều này thì chỉ có thể chỉ cho anh được thôi - Cô nghĩ.
Trên đường đến bến taxi cô đi ngang qua một khoa nào đấy của đại học bách khoa. Từ xa, tiếng nhạc ầm ĩ phát ra từ một khu nhà nằm sâu trong công viên, phía trong một hàng rào dán đầy quảng cáo. Cô đi tiếp. Tiếng nhạc nhỏ dần. Bến đỗ taxi ở trong một bãi nhỏ, nằm đối diện với những bậc cầu thang rộng, cao dẫn lên tòa nhà chính của trường bách khoa. Cô đột ngột dừng lại vì phải sang đường. Gượm đã - Cô nghĩ mình đã từng đến đây một lần! Và cũng vào buổi tối. Đúng, chỗ này! Mình chả đã gửi bức e-mail đầu tiên trong đời từ chỗ này sao. Từ cái màn hình buồn cười với những núm vặn ấy. Thậm chí không có cả chuột.
- E-mail!!! - Cô gần như hét lên.
Cô quay lại và chạy theo những bậc cầu thang cao. Dùng hết sức đẩy cánh cửa nặng nề. Khói thuốc lá dầy đặc phủ khắp gian sảnh sáng rực. Những đám mây khói trong ánh sáng đèn nêông lúc thì màu xanh da trời, lúc lại màu xanh đen. Đúng, chính chỗ này. Chắc chắn chỗ này. Chỉ có ở đây lúc nào cũng đặc quánh khói thuốc - Cô phấn khởi.
Cạnh tường, những chiếc máy tính được để trên mặt những cái bàn hẹp, dài có chân kim loại đang nhấp nháy trên nền trắng, xanh lá cây hoặc hổ phách. Trước mỗi cái đều có một người hoặc một nhóm người ngồi. Tiếng gõ bàn phím đều đều và tiếng nói chuyện rì rầm.
Đó là sự sắp đặt của số phận. Cô sẽ viết cho anh về niềm hạnh phúc này. Bây giờ. Khi cô cảm thấy nó. Tốt nhất trong khả năng của mình. Cô nhìn khắp lượt. Cái nào cũng đang bận. Nhưng không sao. Cô sẽ chờ. Cô có thời gian mà. Cô chọn cái màn hình ở cuối dãy, ngay cạnh phòng gửi áo khoác. Cô đến đó và đứng sau một thanh niên để tóc dài. Cô hỏi bằng một giọng ngọt ngào nhất - điều này đặc biệt có tác dụng - mà cô có thể có được :
- Nếu anh rất muốn, thực sự là rất rất muốn kiểm tra xem có e-mail không nhưng anh lại không vào mạng được, vì anh không phải là sinh viên, thì anh có xin tôi nhượng quyền sử dụng mạng không?
Chàng trai quay lại, nhìn cô một lúc, cười to rồi nói:
- Chị thì tôi có thể thậm chí xin cầu hôn ấy chứ. Nhưng đầu tiên, tất nhiên là tôi xin được sử dụng mạng. Đằng nào thì tôi cũng phải đi rồi. Chị cứ tự nhiên như ở nhà nhé. Chỉ có điều sau đấy chị nhớ ra khỏi mạng hộ tôi.
Cậu ta đứng dậy nhường chỗ cho cô. Một chàng trai rất cao và rất gầy.
- Chị có thể tự khai báo hộp thư của tôi với máy chủ được không? Nếu không tôi sẵn sàng giúp chị trước khi đi.
Cô cười và trả lời bằng một giọng hết sức quan trọng :
- Tôi có thể tự làm được nhiều việc, nhưng việc này thì không. Kể từ khi tôi biết, theo tôi nhớ thì đây là một việc khó và phức tạp đến kinh hoàng trên các máy không có Win-dows. Cái này là UNIX phải không?
- Vâng. Đây là UNIX cũ nhưng rất tốt. Ở đây, ngoài hành lang này họ chẳng cho chúng ta cái gì tốt hơn đâu. Ở đây có thể nhắn tin, gửi e-mail. Nhưng thế cũng tốt rồi. Bên trường tổng hợp còn không có nổi một cái hành lang như thế này ấy chứ - chàng trai trả lời. - Chị đọc tên máy tính của hộp thư đến và đi đi. Tôi sẽ khai báo cho chị.
Cô lấy trong túi xách tay ra một cuốn sổ tay nhỏ màu đen và đọc tên hai máy tính ấy. Jakub có lý - Cô nghĩ, khi cậu sinh viên dùng những lệnh bí ẩn để nhập các thông số cho cô. Tên các máy chủ của hộp thư đến và đi giống như nhóm máu. Bao giờ cũng phải ghi chúng vào đâu đó và mang theo người.
- Sẵn sàng rồi. Bây giờ chị chỉ cần vào mật khẩu là nhận được thư. Để viết thư thì vấn đề có phức tạp hơn.
Cô nhìn vào mắt chàng trai với lòng biết ơn.
- Anh thậm chí không biết là đã làm được gì cho tôi đâu. Cám ơn anh. Tôi sẽ cố tự xoay sở lấy để viết. Chắc chắn là tôi sẽ nhớ lại được thôi.
Cậu sinh viên vừa đi khỏi là cô gõ ngay mật khẩu để mở hộp thư của mình. Đây rồi! Cô nhìn e-mail với tên của anh xuất hiện trên màn hình như thế nào.
Và hôm nay làm sao mà cô lại vui thế nhỉ? E-mail của Jakub thì ngày nào mà cô chả nhận được. Hàng ngày. Kể từ khi họ là "bạn bè", anh viết cho cô hàng ngày. Không bị bắt buộc, không được yêu cầu và thậm chí nhiều khi không được đền bù bằng thư trả lời của cô. Điều này khiến cô cảm động biết bao. Anh thậm chí không biết được cô cảm động nhiều như thế nào. Những bức thư ấy hàng sáng. Có khi chỉ hai câu có khi hai mươi trang. Cô có hẳn một danh mục thư của anh. Anh gọi chúng là "bưu thiếp", đánh số và ghi ngày và nơi gửi. Anh còn luôn kèm theo cả một từ khóa, ví dụ như là "về sự suy ngẫm", "về gien", "về nỗi nhớ", "về tóc em" và nhiều từ khác nữa. Một sự thái quá ngọt ngào của một nhà toán học có tổ chức. Nhưng đây là một hệ thống hoàn hảo. Nếu ví dụ cô muốn đọc lại e-mail của anh, mà gần đây cô rất muốn, với từ chìa khóa "tình yêu", thì cô dễ dàng tìm thấy. Nếu cô muốn biết anh viết gì vào ngày 18 tháng sáu, thì chẳng có gì dễ hơn. Cũng dễ dàng như thế nếu muốn đọc lại anh nghĩ gì khi viết cho cô ở San Diego hay Boston.
Cái e-mail trên màn hình này - hơi làm cô ngạc nhiên - không có ngày, không có địa điểm, không có bất cứ một từ chìa khóa nào. Điều này không hợp với Jakub - Cô nghĩ và bắt đầu đọc.
Cô ngồi thẳng người trên ghế, tay đặt lên đùi. Cô không thể động đậy. Cả đống khăn giấy nhem nhuốc son phấn che khuất những thứ từ ví xách tay bị đổ ra bàn để máy tính. Riêng cái ví xách tay thì nằm trên sàn nhà, bị chân ghế mà cô đang ngồi đè nhàu. Cô cảm thấy mắt ran rát và vị mặn của nước mắt chảy trên môi. Cô nghe thấy mình nói:
- Mình sẽ đứng dậy ngay. Một tẹo nữa thôi. Mình sẽ đứng dậy khỏi cái ghế này, thu mọi thứ vào ví xách. Mình sẽ quay ra và đi.
Cô đứng lên. Bên cửa ra vào, một ai đó túm vai cô, giữ lại:
- Chị để ví xách tay và một đống lộn xộn cạnh máy tính kia kìa. Không ai để thế bao giờ. Đề nghị chị dọn ngay cho - cô nghe thấy giọng bực bội của bảo vệ.
Không nói không rằng, cô quay lại chỗ máy tính. Đã khá hơn rồi. Cô nhặt cái ví xách tay từ dưới nền nhà lên. Mở ví rộng tối đa, để dưới mép bàn và bằng một động tác cô gạt tất cả từ mặt bàn vào. Cô kéo khóa làm những cái khăn giấy bị nghiến đứt. Khi ra đến cửa, bác bảo vệ nhìn cô như nhìn một con nghiện đang phê thuốc.
Cô ngồi trên bậc thang trước toà nhà, làm khó chịu cho một đôi nào đó đang hôn nhau ở dưới mấy bậc. Họ liếc qua cô, chàng trai thì thầm:
- Em nhìn kìa, cái bà điên kia đang làm gì thế không biết?
Hai ngón tay trỏ hai lần dưới xương đòn, sau đó hai lần về phía người đối thoại. Đơn giản biết bao...



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 29-12-2007, 02:21  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

ANH: Sau hai giờ đọc, cảm giác có lỗi bao trùm lấy anh; anh thấy như mình đang uổng phí thời gian. Gần đây anh hay có cảm giác như vậy khi lâu lâu không đụng tới máy tính. Thật không phải, đương nhiên, bởi khó mà gọi việc phân tích một bài công bố có ảnh hưởng đến những công trình của chính mình hoặc sẽ gây nên một cuộc luận chiến là sự uổng phí thời gian. Không biết từ đâu mà có, nhưng từ một dạo nhất định nào đó, anh thường có tâm trạng như vậy. Liệu đó có phải là những dấu hiệu đầu tiên về sự lệ thuộc vào máy tính?
Anh quyết định quay lại bài tham luận mà anh chuẩn bị cho hội thảo ở Geneve. Chuyến đi này làm anh vui. Họ đã có những dữ liệu mang tính phát hiện và họ muốn trình bày chúng với thế giới. Anh biết rằng việc sếp quyết định để chính anh công bố bài thuyết trình tại Geneve là một ưu ái đặc biệt.
Dự án quả rất độc đáo. Từ bảy năm nay, họ nghiên cứu về gien đối với toàn bộ cư dân trên một trong những đảo ở phía tây Ireland. Bởi đảo này hầu như hoàn toàn cách biệt với thế giới và việc đến hoặc đi khỏi đảo này cực kỳ hiếm khi xảy ra, nên có thể nói về một lịch sử gien hầu như ổn định trên một phạm vi khép kín đối với toàn bộ dân số. Đảo này còn hấp dẫn vì một lý do khác nữa: trong hầm mộ của hai nhà thờ tại đây, người ta đã tìm thấy những cái quách với những xác người được bảo quản đặc biệt tốt. Khí hậu của đảo và độ khô ráo trong hầm mộ khiến cho các thi hài trong quách hầu như không bị suy xuyển, mà chỉ tự khô đi. Cái lâu nhất có tám trăm năm tuổi, cái gần nhất - bốn trăm năm. Chất liệu gien lấy từ các xác ướp có thể so sánh với chất liệu gien của những người dân đang sống trên đảo. Quả anh đã đùa rằng việc khái quát hóa bất cứ điều gì trên cơ sở những nghiên cứu trên người dân Ireland là rất mạo hiểm, nhưng anh biết rằng dự án này là một chấn động trong ngành gien học. Và chương trình của anh là để phân tích những dữ liệu này. Tại Geneve, anh sẽ trình bày những kết quả của giai đoạn đầu nghiên cứu.
Anh mở phần soạn thảo lần cuối bài tham luận và trước khi ngồi vào viết, anh xuống bếp ở tầng dưới lấy chai chardonay vùng California uống dở trong tủ lạnh. Anh lấy chai vang và chiếc ly mà anh đã để trong ngăn đá từ mấy tiếng trước. Từ một dạo nào đó, anh luôn nhớ để một chiếc ly không trong ngăn đá tủ lạnh. Đã từ lâu anh phát hiện ra rằng ít có thứ gì ngon bằng chardonay lạnh, tốt nhất là của vùng Monteray, trong một chiếc ly có lớp đá bao quanh. Ngoài ra đây cũng lại là một nguyên tắc được ngẫm ra trong thời gian gần đây - những bài thực sự tốt đều được anh viết sau khi uống vang. Mà bài đi Geneve phải là một bài đặc biệt tốt...
Không có gì ngạc nhiên khi Steinbeck viết hay đến thế. Ai cũng biết rằng ông uống và thêm vào đó, ông sống ở Monterey, anh nghĩ.
Anh đi thang máy lên phòng mình. Vào giờ này, Viện đã vắng tanh vắng ngắt. Trong phòng làm việc của anh được chiếu sáng bằng mỗi một cái đèn để bên máy tính có dính những mẩu giấy vàng ghi những việc cần làm mà đằng nào thì anh vẫn cứ quên, chỉ nghe thấy tiếng chạy bình yên của chiếc quạt trong máy tính. Thật ấm cúng và thuận tiện; anh có rượu vang, có máy tính và có ý tưởng cho bài tham luận.
Phòng làm việc, cũng là gần đây anh nhận thấy, đã dần trở thành một cái gì đó nhiều hơn là nơi làm việc đơn thuần. Anh mang đến đây tất cả những gì mà mọi người về nguyên tắc có ở nhà : sách, đài có phần nghe đĩa compact, ly uống rượu, bàn là, gia vị, một bộ khăn, chăn, gối, giầy thể thao (đề phòng trường hợp anh nảy ra ý muốn chạy trong công viên gần đó - việc mà cho tới lúc này anh không hề muốn), áo vét, hai cái cravát, vài bức tranh, và cả mấy chậu hoa để ở bất cứ nơi nào mà sách chưa chiếm chỗ, sổ tay hoặc đĩa mềm. Căn phòng làm việc này đã trở thành nhà của anh.
Cả cô cũng đã có mặt ở đây, trong "ngôi nhà" này. Với lại cô còn có thể ở đâu được nữa? Chẳng phải chính ở đây, Cô đã "gõ cửa" lần đầu tiên đấy thôi. Ở đây thậm chí còn có cả đồ đạc của cô nữa! Cô đã gửi chúng cho anh. Thỉnh thoảng anh lại thấy những gói nhỏ trong thùng thư của mình. Để cảm nhận sự có mặt của phụ nữ trong ngôi nhà của mình, không nhất thiết phải có bàn chải đánh răng trong phòng tắm. Có thể có một cái gì đó hoàn toàn khác.
Có thể là những ngọn nến xanh, nến thơm, nến hoa văn, thẳng, dài hoặc ngắn, nhưng bao giờ cũng là nến xanh. Bởi anh vốn thích màu xanh.
Có thể là những cuốn sách. Sách của cô có mặt khắp nơi trong căn phòng này. Những cuốn sách mà cô đã đọc. Với những ghi chú bên lề hoặc viết thẳng vào phần nội dung. Cô mua hai cuốn giống nhau. Cuốn này luôn dành cho anh. Cuốn thứ hai cho cô. Để có nó trong tầm tay, những khi họ cùng nói về nó.
Có thể là những tấm bưu ảnh hoặc bưu thiếp. Từ mỗi thành phố mà cô đến, mà ở đó cô không vào mạng được. Có lần Cô gửi mười tám tấm bưu thiếp từ Krakow.
Mãi tới cái thứ mười tám này em mới ghi được những gì mà em có thề nói với anh sau một tiếng trên ICQ. Em cảm thấy thiếu nó. Thiếu quá. Có một số bưu thiếp giống nhau. Tha lỗi cho em nhé. Ở quầy họ chỉ có mười hai cái khác loại - cô viết.
Có thể là cái nịt vú của cô. Có lần anh hỏi đồ lót cô mặc ngày hôm ấy màu gì. Đó là vào buổi tối. Anh đã uống hơi nhiều vang. Rồi âm nhạc. Và không hiểu sao lại đâm ra thế. Lúc đầu cô bỏ qua câu hỏi. Một tiếng sau cô quay lại. Cũng lại hơi nhiều vang. Và cũng lại âm nhạc. Và có lẽ với cô cũng không hiểu vì sao lại đâm ra thế, vì cô viết:
Em không biết mô tả cho anh màu này như thế nào. Nó ở giữa màu xanh ôliu với xanh ngọc. Em vừa cởi nịt vú cho vào phong bì đấy. Tự anh sẽ thấy nó có màu gì.
Bốn ngày sau thì anh thấy một gói nhỏ trong thùng thư của mình. Anh nhớ rất rõ là lúc nào mình cũng cảm nhận mùi nước hoa khi chạm môi vào cái nịt vú màu ôliu-ngọc của cô. Anh cũng nhớ mình đã hưng phấn như thế nào.
Đúng, phòng làm việc này là ngôi nhà thứ hai của anh. Ngoài ra đây chính là nơi cô hay lui tới hơn cả. Mặc dù không chỉ ở đây. Nhưng chỉ ở phòng làm việc anh mới có cảm giác, những khi họ cùng ở trên mạng, như mời cô về nhà mình. Bên cạnh đó, “lui tới” nghĩa là nói chuyện với cô trên ICQ, cùng cô mở chat, cả viết hoặc nhận e-mail của cô nữa. Sự có mặt của cô trong cuộc sống của anh liên quan với máy tính. Anh có thể liên tưởng một cái máy tính cụ thể với những kỷ niệm cụ thể. Trên cái laptop với ổ cứng có khả năng dường như vô hạn được kết nối với mạng trong phòng khách sạn ở Zurich này, lần đầu tiên cô viết: Em nhớ anh và em không thề chờ được đến thứ hai. Từ cái Macintosh màu tại Intentet cafe ở Berlin anh được biết là gần đây cô sợ nhặt những từ “không bao giờ” và “luôn luôn”, còn ngay sau đó là “không gì hết” và “không ai hết”, tiếp đó trong cái siêu máy tính khổng lồ Cray ở Đại học Tổng hợp Stuttgart anh đã nhận được e-mail, trong đó lần đầu tiên Cô viết: Một lần nữa cám ơn anh vì tất cả, mà trước hết vì anh hiện hữu.
Những kỷ niệm của những cuộc gặp ảo với cô chủ yếu là những kỷ niệm xúc cảm. Nhưng còn là cả những ghi nhớ về những đặc tính của những bàn phím, những màn hình mà anh đã dùng chúng để trao đổi thông tin với cô. Đôi khi anh cười thầm khi thấy kỷ niệm của họ còn là cả những câu hỏi giả dụ:
- Thế em có nhớ em đã viết cho anh tình cảm như thế nào trên các máy tính có bàn phím với những vết cafe không có phím “z” ở trụ sở của IBM ở Heidelberg? Cái máy tính có các màn hình hoài cổ màu hổ phách ấy, và chúng mình đã thỏa thuận là sẽ thay “z” bằng số 8. Bây giờ người ta không còn sản xuất những màn hình như thế nữa.
- Em nhớ không?
Phải chăng những kỷ niệm của họ mãi mãi là như thế? Bàn phím, màn hình, tốc độ modem, chương trình thư hay tên máy chủ cho phép họ mở chat?
Về nguyên tắc thì tại sao không? Phải chăng cái ghế dưới gốc cây rợp bóng phải lãng mạn hơn cái máy tính không có chữ “z” trên bàn phím ở bên trong bức tường kính trong một trung tâm máy tính mờ tối?
Còn phụ thuộc vào cái gì xảy ra trên ghế và cái đã xảy ra nhờ có cái máy tính ấy.
Ưu thế của cái ghế trước máy tính đối với phần lớn mọi người là hiển nhiên và không cần phải bàn cãi. Chủ yếu là do sự gần gũi, mùi và sự đụng chạm. Trên ghế, lời nói bị đẩy xuống hàng thứ hai. Anh không bình luận về chuyện này. Tuy nhiên anh cho rằng mùi và sự đụng chạm có thể thay thế bằng lời nói. Người ta cũng có thể đụng chạm bằng lời nói. Thậm chí còn tình cảm hơn là bằng tay. Mùi cũng có thể được mô tả, rằng nó có vị và màu sắc. Một khi đã tình cảm từ những con chữ và tỏa hương từ những con chữ thì... khi đó thông thường nhất là phải ngắt modem. Trên ghế, khi đó chủ yếu là lý trí bị ngắt.
Anh ước một ngàn lần cho mình được ở trên chiếc ghế ấy.
Chardonney thật tuyệt. Tham luận đi Geneve có thể chờ một chút - anh nghĩ khi rót đầy ly thứ hai. Anh ngồi thoải mái trong cái ghế xoay, hai chân gác lên bàn. Mắt nhắm lại. Đồng hồ trên gác chuông nhà thờ điểm nửa đêm. Anh nghĩ, thế là theo một nghĩa nào đó, một ngày bản lề đã qua đi. Từ hôm nay sẽ khác hơn. Anh chưa biết khác hơn như thế nào, nhưng anh biết sẽ có một cái gì đó thay đổi. Cái e-mail về Natalia ấy...
Cho tới lúc này, anh chưa bao giờ kể cho bất cứ ai ngần ấy chi tiết về nỗi đau khổ đó. Anh không muốn. Và không cần thiết. Cha anh thì đằng nào cũng hiểu, không cần phải nói, còn những người khác? Những người khác không quan trọng. Với cô anh muốn kể tất cả. Từng chi tiết. Từng giọt nước mắt. Và anh đã làm thế. Tại sao vậy? Vì cô ở xa và không nhìn thấy những giọt nước mắt ấy? Vì đơn giản là anh không có ai khác để kể mà anh thì lại rất muốn? Hay cũng có thể đó chỉ là sự ích kỷ? Chia sẻ với ai đó nỗi buồn của quá khứ để vơi bớt? Hay có thể giờ đây cô cần thiết quá, quan trọng quá, nhạy cảm quá và đáng tin cậy quá khiến anh đâm sợ một sự gần gũi đến như vậy? Cũng có thể. Nhưng đó có lẽ chưa phải là tất cả.
Anh đứng dậy, cầm ly rượu và đến bên cửa sổ. Tì trán vào mặt kính lạnh. anh đứng đó một lúc, ngắm nhìn những quầng sáng chuyển động của đèn pha ôtô bị khuyếch tán trong màn sương bao phủ con đường cao tốc bên dưới cửa sổ.
- Tôi kể với cô ấy vì muốn chia sẻ với cô ấy cả quá khứ của mình nữa - anh nói to với hình ảnh của mình trong gương. - Những người phụ nữ quan trọng nhất của đời tôi bao giờ cũng phải biết về quá khứ của tôi.
Đúng! Gần đây cô chẳng là quan trọng nhất đối với anh đấy sao. Trong vòng mấy tháng gần đây nhất anh không thể trải qua bất cứ điều gì cốt yếu mà không nghĩ rằng mình muốn kể với cô ấy ngay lập tức. Điều này đã len vào cuộc sống của anh thật khẽ khàng và không thể nhận biết. Và nó thống trị anh. Thay đổi anh. Khơi dậy trong anh những tình cảm hoàn toàn mới lạ. Ví dụ như sáng dậy, khi mở máy tính anh thấy như trong ngực mình có hàng ngàn con bướm đang đập cánh. Hoặc cơn khát cảm xúc mạnh đến mức xua anh ra khỏi chiếc giường ấm áp để xuống tầng ngầm và ra lệnh cho anh lấy những tập thơ của Jasnorzewska trong những cái thùng các tông cũ ra.
Anh biết rằng nỗi khát cảm xúc không phải là một trạng thái bền vững. Anh biết điều này rõ biết bao! Sau cái chết của Natalia, khi đã trở về với thực tại, anh đã không còn khả năng có những cảm xúc. Trái tim anh như thể một miếng thịt ướp lạnh Thậm chí anh đã từng nhìn thấy nó trong một giấc mơ kinh hoàng. Nhăn nhúm và tím bầm y như miếng thịt bò lấy từ ngăn đá ra. To vĩ đại, để vừa vặn trong cái lỗ đen giữa xương chậu và xương đòn. Rắn, một vài chỗ bị phủ một lớp đá được gọi trong cái túi nylông bị thủng mấy chỗ. Cái túi đông cứng đựng trái tim ấy của anh chuyển động. Nó co lại và giãn ra đều đặn. Từ những lỗ thủng của túi nylông, phùi ra những miếng thịt bằm đỏ. Khi cái túi nổ tung, anh hét lên, tỉnh giấc. Anh còn gặp giấc mơ này nhiều lần nữa. Trong suốt hai năm.
Trong thời gian này, với anh phụ nữ chỉ khác đàn ông ở chỗ, họ có ngực và không phải cạo râu, và có thể trông cậy ở họ nhiều hơn. phải sau vài năm anh mới lại cảm thấy một cái gì đó kiểu như là hấp dẫn tình dục. Nhưng đó chỉ là, như dạo ấy anh nói “dung tục”. Từ tiền liệt tuyến. Nhưng cũng cả từ gã khờ. Những hoócmôn bị đánh thức đã lấn át khả năng cảm giác đối với phụ nữ nơi anh. Anh chỉ muốn giải tỏa bức xúc, để tinh trùng của mình ở đâu đó rồi lại quay về với sách. Không hơn. Chủ yếu anh làm việc này một mình. Nhưng không phải bao giờ cũng thế.
Một lần, hồi còn là sinh viên năm cuối cùng, anh đã dẫn một đoàn khách du lịch của Almatur đi Amsterdam. Hướng dẫn viên du lịch địa phương, theo yêu cầu của đoàn, đã dẫn họ đến con kênh nổi tiếng ở khu Zeydak mà thường chỉ có những anh chàng thủy thủ mới biết. Tối, hoàn toàn một mình, không biết vì một cái cớ nào đấy, anh đã ra khỏi khách sạn. Lúc quay về, anh đi theo con kênh này. Anh đã mua heroin trong một quầy hàng nhỏ cạnh một cây cầu. Chuyện này đã và vẫn đang là hoàn toàn hợp pháp ở Amsterdam. Anh ngồi trên một cái ghế dài và hút. Và cứ như vậy trong vòng vài tiếng. Sau nửa đêm, anh ra về dọc theo con kênh, đi qua những khu nhà cũ kỹ có mặt tiền lắp kính. Những cô điếm ngồi sau lớp kính mời chào. Thế rồi anh dừng lại. Anh nhớ là mình đã chẳng đắn đo lâu. Anh đi vào bên trong. Cô gái là người Hung. Một cô gái tóc nâu trẻ trong cái áo choàng lụa, hút xì-gà.
Họ ngã giá bên cạnh những ly champagne. Cô gái thả rèm. Cởi quần áo cho anh. Cô ta thắp nến thơm. Mở nhạc. Anh nhận ra Locomotive GT. Cô ta đưa tay cho anh và đi theo anh đến cái chậu rửa bằng đá đen ở cạnh cửa. Cô ta cởi áo choàng và đứng trước mặt anh hoàn toàn khỏa thân.
Cô ta dùng mông đẩy anh đến sát chậu rửa, cúi người và bắt đầu kỳ cọ cho anh. Anh bị kích thích mạnh đến nỗi khi cô ta vừa chạm vào anh, anh đã phóng ngay ra chậu rửa. Anh không biết phải làm gì nữa. Xấu hổ kinh khủng. Anh nhắm mắt lại để khỏi nhìn thấy cô ta. Phải mất một lúc, cô ta không nói gì. Sau đó mới nhẹ nhàng vừa xoa đầu, xoa má anh vừa thì thầm cái gì đó bằng tiếng Hung. Cô ta nâng ly champagne, châm thuốc và đưa vào miệng anh. Đặt anh ngồi xuống cái ghế da rồi khẽ massage lưng và gáy anh. Một tiếng sau thì anh đi ra. Cô gái chỉ lấy một nửa số tiền đã thỏa thuận. Khi chia tay để tạm biệt cô gái, anh lại thấy của mình cương cứng.
Cô gái điếm người Hung ở Zeydak ấy là người đàn bà đầu tiên chạm vào anh sau cái chết của Natalia.
Mãi cho tới khi ở Ireland, anh mới hết cái cảm giác về đàn bà chỉ thông qua tình dục ích kỷ. Khoảng hơn một năm sau vụ ở Amsterdam. Một mùa xuân nào đó ở Dublin, anh lại tìm thấy những cảm xúc không liên quan gì đến tiền liệt tuyến. Nhờ có Jennifer ở đảo Wight...
Tiếng tút to của máy tính trên bàn bứt anh ra khỏi dòng suy tưởng. Một e-mail nào đó vừa đến. Anh mở cửa thông gió. Hãm chốt để cửa khỏi sập rồi quay vào bàn làm việc. E-mail của cô! Vào hai giờ sáng?
CÔ : Cô bảo lái taxi dừng lại trước cửa hàng bán đồ ăn cách văn phòng của cô hai ngã tư.
- Jack daniels đen, chai to cũng được và năm lon red bull - cô nói với người bán hàng đang ngái ngủ.
Ông ta quan sát cô từ đầu đến chân; chỉ đến khi cô để tiền lên mặt quầy kính ông ta mới đưa ra chai rượu và mấy lon red bull. Cô đã không gây được lòng tin. Trông cô giống như một con nghiện nhà quí phái không chịu nổi cơn nghiện. Trong thực tế, những con nghiện bình dân, mỗi khi lên cơn thường mua nước bạch dương hoặc cồn công nghiệp chứ không mua whisky. Trợ cấp cho một con nghiện bình thường không đủ để mua một chai jack danniels nhỏ chứ đừng nói gì đến chai to.
Mấy phút sau cô xuống xe trước tòa nhà văn phòng. Cô trả tiền cho lái xe rồi đi qua giữa đến tòa nhà. Cô đi cái thang máy duy nhất còn hoạt động lên tầng sáu, nơi có văn phòng của công ty cô. Chưa bao giờ cô ở đây vào ban đêm. Đi trong hành lang tối om để bật đèn, cô cảm thấy sờ sợ.
Cô đứng trước cánh cửa chấn song. Phía bên phải, ở độ cao của tầm mắt cô, có một cái bảng nhỏ có phím bấm như phím của máy tính bỏ túi.
Chúa ơi, phải vào mật khẩu mới mở được cửa cơ mà – cô hoảng hốt nhớ ra.
Cho tới lúc này cô chưa bao giờ làm việc đó. Buổi sáng, khi cố đến văn phòng thì cửa đã được bác bảo vệ “giải mã”.
Thế mới gay chứ... 1808... Hay không phải? Hay là 0818...?
Nếu mình bấm sai mã số, thì bác bảo vệ sẽ tóm cổ mình, và sau năm phút là cảnh sát. Còi báo động sẽ đánh thức cả khu, còn giám đốc hẳn nhiên là không tin rằng mình lại có việc gì đó quan trọng vào nửa đêm gà gáy này.
Cô dừng lại. Suy nghĩ rất lung xem phải làm thế nào. Việc này quá mạo hiểm. Nhưng mặt khác cô lại rất muốn nói với anh điều ấy. Lúc này! Chỉ có lúc này mới có ý nghĩa.
Cô lại gần bảng phím và gõ không do dự 1-8-0-8. Cô nhắm mắt, co người lại như đang chờ một cú đấm.
Không có cú đấm nào hết.
Cánh cửa tự động mở và cô vào phòng lâm việc. Cô lấy chiếc cốc pha lê dùng để uống whisky của mình trong tủ bếp ra. Cô bóc mấy viên đá trong cái khay đá bằng nhôm lấy trong ngăn đá rồi cho vào cái cốc màu xanh lá cây mà Jakub gửi cho cô mấy tuần trước đây. Cô đặt bốn lon red bull mua ở cửa hàng bán đồ ăn cạnh khay đá. Một lon cho vào túi xách tay. Cô quay lại phòng làm việc. Rót chừng nửa whisky rồi đổ đầy red bull. Cô bật máy tính. Gọi chương trình thư. Cô ra chỗ máy nghe đĩa compact để cạnh cái máy fax. Mở nhạc. Cô mơ đến lúc này từ khi còn ở những bậc cầu thang của trường bách khoa cơ. Một cốc whisky với đá - còn red bull thì mãi lúc ngồi trong taxi cô mới nghĩ tới - và đĩa mới nhất của Geppert. Ngày hôm nay cô chỉ có thể nghe Geppert. Cô muốn hoàn toàn đắm mình trong nỗi buồn. Geppert là tốt nhất cho chuyện này. Cô chọn Thay vì. Và bật máy. Cô uống một hơi hết nửa cốc đang cầm trong tay. Đoạn về bàn làm việc. Cô kéo dài sợi cáp xoắn nối bàn phím vời máy tính của cô. Cô ngồi ngay trên nền nhà. Bàn phím đặt lên đùi. Tựa lưng vào cạnh bàn và bắt đầu viết.
Varsawa ngày 28 tháng 8
Jakub,
Bây giờ anh hãy nghe em thật chăm chú này...
Cô đứng đậy. Cảm thấy bồn chồn. Cô sang bếp lấy hai lon màu xanh-nhũ từ ngăn đá tủ lạnh ra. Trở lại phòng làm việc. Cô đặt máy nghe CD ở chế độ “quay vòng”, mở Thay vì và lại ngồi xuống sàn nhà cạnh bàn.
Vậy là bây giờ anh hãy nghe em thật chăm chú này. Anh đã biến em thành - Chúa ơi, cái cô Geppert này mời tác động đến em làm sao chứ - người phụ nữ buồn nhất của đất nước này.
Anh đã giẫm em bẹp dí. Và anh đã thu em nhỏ lại kích cỡ của con virút. Chính xác như vậy. Của con virút.
Anh đã kể cho em nghe câu chuyện tình yêu cuối cùng...
Anh có thể để yên tất cả những chi tiết đó. Anh có thể, phải không???
Cô viết cô nói với mình rồi lại viết tiếp. Cô với cái cốc để bên trên sàn nhà. Uống nốt. Đá trong cái cốc xanh đã tan hết. Cô lại để bàn phím lên đùi. Nước mắt chảy xuống má. Cô viết thêm:
Em không thể thôi nghĩ đến cô ấy. Đến Natalia. Chưa bao giờ có một phụ nữ nào khiến em xúc động như Natalia đã làm em xúc động. Mỗi khi nhớ lại bức thư trong đó cô ấy viết: “Đó sẽ là thứ sáu. Em vừa kiểm tra lại, rằng anh cũng sinh vào thứ sáu. Đây sẽ lại là một thứ sáu may mắn, phải không Iakub?” - thì đơn giản là em khóc. Em không thể làm chủ được trạng thái ấy. Em hét lên. Hét vang cả phòng làm việc. Và đó không phải là do whisky uống với red bull.
Tại sao anh lại gặp phải điều đó? Tại sao cô ấy của anh lại chết?
Những thiên thần có chết bao giờ đâu...
Cô duỗi tay và vẫn ngồi trên sàn nhà, để bàn phím lên mặt bàn. Cô đổ nước từ cái cốc xanh đặt cạnh chai whisky và cái vỏ lon red bull ra lòng bàn tay phải và chậm rãi rửa mặt. Cô cảm thấy dễ chịu. Nước lạnh rửa không chỉ nước mắt. Cô đưa cốc lên đầu và đổ nốt chỗ nước còn lại lên trán. Vuốt mớ tóc ướt ra sau, Cô nhớ lại câu hỏi ngang ngược và bất ngờ của cô thợ chải tóc tối qua :
"Tối nay có ai đó làm rối tóc cậu à? Mình có phải làm để giữ được lâu không đây?"
Cô nghĩ rằng đây quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên tuyệt vời rằng đúng hôm nay cô lại đến thợ làm tóc. Đó là một đêm không bình thường, lãng mạn và trang trọng cùng anh. Cho một đêm như vậy, bất cứ người đàn bà nào cũng muốn mình đẹp hơn. Tuyệt đối không ảnh hưởng gì hết, nếu anh chưa biết gì về đêm nay. Với họ đã là như thế. Trong mối quan hệ này của họ, sự trễ được ghi nhận như một nguyên tắc. Ngoài ra, anh làm rối tóc cô không chỉ đêm nay. Cô ước gì có anh ở đây và anh thực sự làm một điều gì đó với tóc cô. Cô cảm thấy anh sẽ biết rõ cô muốn điều gì nhất.
- May mà mình đã chuốc cho Lý trí say - Cô vừa thầm thì với mình vừa cười khúc khích.
Cô đứng dậy. Cho chai whisky uống dở và tất cả số lon red bull vào túi. Mọi người không cần phải biết là cô lại thích uống whisky ở phòng làm việc mà lại vào đúng ngay sau nửa đêm thứ bảy. Cô phải phi tang thật cẩn thận. Cô để cái cốc xanh cạnh máy tính. Tắt máy. Tắt điện. Trong bóng tối, cô đến chỗ giá sách cạnh cửa ra vào. Cô bám vào tủ tài liệu màu đen. Qua bàn tay, cô nhận ra hình dạng quen thuộc.
Cách đây mấy tuần người đưa thư mang đến cho cô một gói nhỏ. Mọi người trong phòng đều tò mò không hiểu cô nhận được cái gì. Và của ai gửi. Thậm chí về điều này còn tò mò hơn. Cô giấu cái gói thật sâu trong ngăn bàn và không một lời bình luận, bỏ ra ngoài. Cô biết đó là của anh gửi. Cô nhận ra qua chữ viết. Cô không muốn mở gói quà ngay trước mặt mọi người. Chắc chắn mọi người sẽ nhận thấy tay cô run.
Cô không thể chờ cho đến lúc tất cả ra về. Trước hết nói chung cô không biết đây có thể là cái gì. Trong một hộp các tông nhỏ, đầy những hạt nhựa trắng để bảo vệ gói hàng, có một cái gì đó mà thoạt đầu cô không biết gọi là gì. Cô đặt nó trước mặt và ngỡ ngàng nhìn. Sau một lát thì cô hiểu: anh gửi cho cô một chuỗi xoắn kép ADN bằng thủy tinh màu. Sợi đỏ với những lỗ nhỏ phía bên trái nối vời những cặp que phẳng trắng-đỏ và vàng-xanh da trời cùng với một sợi đen phía bên phải, tạo thành một cái thang xoắn đi lên. Một chuỗi xoắn kép thực thụ. Trên các thanh trắng có các chữ "A", trên các thanh đỏ "T". Các thanh xanh lá cây ở phía trên có chữ "C" còn các thanh xanh da trời "G". Nhìn từ trên xuống, sẽ thấy một chuỗi liên tiếp các chữ: AT CG CG AT AT AT CG AT CG AT CG AT... Kèm theo gói quà có một tờ giấy :
Munich, ngày 10 tháng bảy
Em có biết là chỉ một sợi trong đường xoắn kép là quan trọng và có nghĩa? Nó chính thức được gọi là "sợi có nghĩa". Chính nó mang thông tin di truyền. Sợi thứ hai, chỉ phục vụ cho mục đích làm mẫu để tái tạo, được gọi là sợi vô nghĩa. Mặc dầu vậy, như một tổng thể thì tất cả chỉ có nghĩa khi có sợi vô nghĩa này. Cái sợi bên phải ấy, cái sợi đen ấy, là vô nghĩa. Anh thích cả hai.
Anh muốn em có một cái gì đó từ anh. Như một lá bùa. Đơn giản là để em có thể chạm vào một cái gì đó từ anh.
Lá bùa! Thật khó tin, thật vớ vẩn phải không em? Nhưng dẫu sao anh vẫn muốn em có một cái gì đó kiểu như vậy.
Anh mua mô hình này của một cậu sinh viên trên bãi cỏ trước Viện Hóa MIT ở Boston. Thực ra anh đã nhìn thấy rất nhiều mẫu các chuỗi xoắn kép còn đẹp hơn. Nhưng với anh cái này đặc biệt gần gũi. Anh đã mua nó sau bài giảng đầu tiên của mình ở Mỹ. Chính là ở chỗ ấy, MIT. Với anh, một người Ba Lan thì đây như thể một giải Oscar. Giảng bài ở MIT đối với một nhà khoa học giống như được yết kiến Giáo hoàng. Anh muốn có một cái gì đó mãi mãi từ chỗ này. Anh đã trả những đồng đôla công tác phí cuối cùng cho mô hình này. Sau đó anh không đủ tiền đi xe buýt ra sân bay. Anh đã đi bộ. Nhưng anh đã có nó. Bây giờ thì anh muốn em có nó.
Jakub.

Có thể có một con gấu, con thỏ hay con chó bông. Cũng có thể có một chuỗi xoắn kép ADN bằng thủy tinh. Có thể nó không mềm mại, không mịn để ôm ấp. Nhưng thay vào đó nó lại có gien.
Cô nhớ là sau khi đọc xong tờ giấy, cô đã đưa cái vật thủy tinh ấy lên môi.
Cô lấy cái mô hình từ trên giá xuống và nắm chặt trong lòng bàn tay. Cô thuộc lòng thứ tự của chuỗi. Hoàn toàn không cần phải nhìn. Cô nghĩ rằng nhất định một lúc nào đó cô sẽ hỏi anh tại sao lại nhiều AT hơn CG. Có phải ở chỗ nào cũng thế hay chỉ ngẫu nhiên ở đoạn này thôi?
Cô ra khỏi phòng mệt mỏi nhưng thanh thản. Một cảm giác thư thái tuyệt vời. Cô ngạc nhiên nhận thấy sau ngần ấy whisky mà mình vẫn tỉnh táo thế. Đúng lúc phải ngắt báo động thì cô đột ngột quay lại và chạy vào phòng. Cô lại mở máy tính.
- Mình mới chỉ viết mail chứ đã gửi nó đi đâu - cô nói to.
Khi chương trình thư xác nhận thư của cô đã được gửi, đã là hai giờ sáng.
Cô nghĩ - gần đây ý nghĩ này rất hay đến - rằng Internet phải được tôn vinh như lửa và rượu vang. Đơn giản đây là một điều thiên tài! Làm gì có bưu điện nào làm việc vào hai giờ sáng?
Cô gọi điện đặt taxi rồi ra khỏi phòng. Taxi đã đợi.
- Tôi có thể ngồi cạnh anh được không - Cô hỏi khẽ. – Hôm nay tôi không muốn ngồi ở phía dưới kia, trong bóng đêm này.
Người lái taxi ngạc nhiên, nhìn cô chăm chú hơn. Vừa vội vàng thu tờ báo trên ghế bên cạnh vừa trả lời:
- Tất nhiên rồi. Tôi rất vui. Mời cô ngồi.
Họ đi. Trong radio Don McLean đang hát Starry, starry night.
- Anh cho to hơn một chút được không? - Cô cười, hỏi người lái xe.
- Chị cứ điều chỉnh như chị muốn. Tôi cũng rất thích nghe to.
Cô vặn núm âm lượng. Và ngâm nga theo. Một lúc sau thì cả anh tài cũng nhập bọn. Họ nhìn nhau rồi cùng cười phá lên.
Cô ngồi tựa lưng vào ghế rất thoải mái, nhắm mắt và nghe nhạc cô có thể đi như thế này đến vô cùng vô tận. Không khí trong taxi bỗng trở nên ấm cúng và an toàn. Cô nghĩ rằng đã từ lâu lắm rồi cô không thấy hạnh phúc như lúc này. Những ngón tay cô lần theo mô hình thủy tinh đã kịp ấm lên nhờ hơi ấm bàn tay cô. AT, CG. Rồi lại CG và sau đó là ba lần AT...
Starry, starry night, paint your palleteblue and gray...



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 29-12-2007, 02:21  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

ANH: Anh với ngăn kéo lấy lon coca, ngồi xổm trên ghế trước màn hình, kéo dài sợi dây xoắn của bàn phím, đặt bàn phím lên đùi. Bắt đầu đọc.
Varszawa ngày 28 tháng tám.

Jakub,
Bây giờ anh hãy nghe thật chăm chú này...
Vậy là bây giờ anh hãy nghe em thật chăm chú này. Anh đã biến em thành - Chúa ơi, cái cô Geppert này mới tác động đến em làm sao chứ - người phụ nữ buồn nhất của đất nước này.
Anh đã giẫm em bẹp dí. Và anh đã thu nhỏ em lại kích cỡ của con virút. Chính xác như vậy. Của con virút.
Anh đã kể cho em nghe câu chuyện tình yêu cuối cùng...
Anh có thể để yên tất cả những chi tiết đó. Anh có thể, phải không???
Chỉ có điều đừng nói với em rằng em đã yêu cầu anh điều đó. Đừng nói với em như vậy! Bởi đây sẽ là sự biện minh không phù hợp với anh đâu.
Em muốn biết về những người phụ nữ của anh trong quá khứ, nhưng chỉ là biết qua thôi. Chỉ là họ đã từng tồn tại, họ có cặp mắt như thế này, màu tóc như thế kia, tiểu sử như thế nọ và rằng họ đã lùi vào dĩ vãng. Họ đã lùi vào dĩ vãng, không trở lại, đó là điều em muốn biết đầu tiên.
Hẳn số đó phải nhiều và họ rất khác nhau. Họ có thể để lại những dấu vết khác nhau. Hẳn họ phải mang nhiều ý nghĩa. Nhưng anh đừng nói về bất cứ một người cụ thể nào. Ý định của em là như thế. Bất cứ người phụ nữ nào ở địa vị của em cũng sẽ có ý đồ như thế. “Bất cứ người phụ nữ nào ở địa vị của em” - Chúa ơi, câu này vang lên mới khủng khiếp làm sao.
Nhưng với anh thì không thể lên kế hoạch như vậy được. Có thể tin cậy vào anh. Anh là một người đáng tin cậy – em thích từ này - đáng tin cậy đến đau đớn. Nhưng lên kế hoạch với anh thì đơn giản là không thể. Đó là em cũng cứ giả thiết như vậy cho đến hôm nay. Từ hôm nay thì em biết điều đó là chắc chắn. Anh có một tiểu sử quá rắc rối. Đã thế, anh còn thay đổi tiểu sử của người khác.
Về nguyên tắc thì không phải thế. Mà là những người khác muốn thay đổi tiểu sử của mình vì anh. Như Natalia chẳng hạn.
Cho tới lúc này, em chưa từng biết một ai đã gặp phải bi kịch như vậy. Và cho tới lúc này, em chưa từng biết một ai đã có được tình yêu như thế. Phải chăng trong cuộc đời, cứ nhất thiết phải đưa tất cả về con số không? Phải chăng cả ở đây cái quan niệm cân bằng trạng thái chết tiệt mà có lần anh đã viết về nó hết cả ba trang giấy ấy cũng phát tác?
Khi đọc về tất cả những gì anh đã dành cho cô ấy, đã lâm vì cô ấy, thì em phân vân, những cái anh đã dành hay sẽ dành cho những người phụ nữ khác, với anh, sẽ buồn tẻ, trần tục và thậm chí vô vị biết bao. Bất cứ người đàn bà nào đi qua anh, hay cũng có thể dừng lại bên anh, đều phạm sai lầm. Thậm chí họ không biết là sai lầm gì.
Họ, những người đàn bà ấy không nên biết tí gì về Natalia. Anh hãy đừng nói gì với họ cả. Bởi sẽ rất khó cho họ khi phải so sánh với một người mà với anh là một thiên thần. Bởi các thiên thần đâu có chán nản, những ngày xấu trời, nếp nhăn và kinh nguyệt.
Em đã dừng lại bên anh. Nhưng đây là egal(*), như anh nói. Tuy nhiên, anh đã kể cho em chuyện ấy. Nhưng những gì anh dành cho em mỗi ngày hoàn toàn không dung tục và vô vị. Hơn nữa, chắc chắn anh đã cho rằng em có thể vượt qua được. Bởi em là ảo cơ mà. Giống như thiên thần. Các thiên thần cũng là ảo. Luôn luôn như thế. Thậm chí cả hàng ngàn năm trước Internet. Nhưng trong trường hợp của em, thì đó là sự lừa phỉnh. Em CHỈ LÀ ảo. Em không có gì chung với thiên thần. Em là người đàn bà hư hỏng, tội lỗi. Việc anh là con người đặc biệt và xứng đáng với tất cả những tội lỗi ấy tuyệt đối không thể biện minh cho em được.
Chúc sức khoẻ! Cái giống Daniels này uống với red bull ngon hoàn toàn khác. Anh hãy thử xem. Rồi anh sẽ cảm nhận được cái hương vị tội lỗi ấy.
Vậy là đúng hôm nay em hiểu rằng em có ý đồ đối với anh. Chính hắn nói với em rằng em có. Và rằng em không nên có. Cũng là hắn. Bởi đó là thiếu đạo đức. Hắn gọi đó là “phản bội”. Đúng là hắn đã dùng từ này! Hắn bảo em là ít nhất thì em cũng vi phạm hai điều răn. Số 6 và số 9, tức là 69. Điều này thì hắn không nói. Mà là em tự liên tưởng.
Hai đứa em uống say và chuyện gẫu chút đỉnh. Tức là em uống say rất lâu từ trước. Hắn bảo em rằng hắn chưa bao giờ trộn jack daniels với red bull và rằng như vậy có thể nguy hiểm cho tim. Em bảo hắn rằng không việc gì phải sợ, bởi hắn thậm chí đã lảng vảng gần tim bao giờ đâu, nên chắc chắn là điều đó chẳng liên quan gì đến hắn. Mà nguy hiểm cho tim, đó là anh.
Hình như anh chưa biết hắn phải không? Cho phép em giới thiệu nhé. Ngài TS. T. Lý Trí. Của riêng em. “T” là từ “Thông minh”. Hắn không gọi em là gì khác ngoài “Trái Tim”. Hoàn toàn không đếm xỉa gì đến tên em. Em cũng đã quen vậy rồi. Với hắn, em là “Trái Tim”. Có lẽ cũng không đến nỗi sỉ nhục lắm, phải không anh?
Tranh luận với hắn rất mệt. Hắn đơn giản là cảm nhận rất kém. Uống cũng chỉ khi nào mà em làm hắn cáu tiết. Em đã ghi lại những gì hắn nói với em thành một cuốn sổ trong trí nhớ. Chủ yếu là để cho anh. Anh vốn thích những cuộc tranh luận như vậy mà.

Lý Trí : Trái Tim! Cậu uống đấy à?
Trái Tim : Mình? Làm gì có. Đây chỉ là whisky thôi.
Lý Trí: Tớ thích cái kiểu trả lời này đấy, Trái Tim ạ. Rất thích. Cậu có thích nói về vấn đề này không?
Trái Tim: Tại sao anh ấy lại viết cho mình chi hết như vậy? Anh ấy phải biết rằng mình sẽ khó chịu chứ.
Lý Trí: Cậu sao thế, Trái Tim? Cậu không đọc báo à? Làm sao mà đàn ông họ biết được cái gì làm cho phụ nữ phải buồn? Anh ta đơn giản là muốn chia sẻ chuyện này với ai đó. Cậu đã dính với anh ta từ mấy tháng nay rồi, thì anh ta nói với cậu là phải thôi.
Trái Tim: Cậu, Lý Trí, đừng có mà nghĩ rằng mình ở cao hơn thì nhìn mọi cái tốt hơn và muốn nói gì thì nói đâu nhé! Hơn nữa mình đâu có “dính” với anh ấy như cậu gọi. Đơn giản là bọn mình cùng nhau nhiều hơn. Bọn mình thích nói chuyện với nhau.
Lý Trí : Chính thế! “Bọn mình thích nói chuyện với nhau”. Cậu đừng có làm cho mình rối ren. Mình vốn có vấn đề với nụ cười. Bọn mình không hợp nhau, bởi nó lấy đi của mình lòng can đảm.
Nói chuyện? Chính thế đấy. Bên anh ta, cậu chẳng có thể im lặng đấy sao. Gần đây thậm chí đó còn là mơ ước của cậu ở bên anh ta cả ngày và im lặng. Cậu đã có quá đủ lời nói từ anh ta rồi.
Trái Tim : Đúng. Nhưng đây chẳng có gì là xấu cả. Đơn giản là mình muốn biết nếu bọn mình không nói chuyện với nhau thì sẽ như thế nào. Liệu có vẫn hay không. Là để cho hiểu biết chung thôi. Cậu thích hiểu biết, phải không nào?
Lý Trí : Với anh ta không hay cho cậu đâu. Với chồng cậu mới là hay cho cậu. Gần đây cậu chả im lặng suốt ngày với ông ấy đấy thôi. Vẫn chưa đủ cho cậu sao?
Trái Tim : Biết ngay mà. Mình đã đoán trước được điều này. Cậu sẽ lôi ông chồng mình vào đây. Ông ấy là rất quan trọng đối với mình và cậu biết điều ấy. Bây giờ thậm chí còn biết hơn cả mình. Vì ông ấy ở với cậu nhiều hơn là với mình.
Lý Trí : Đấy là mình giả thiết như vậy. Ông chồng cậu ở đây suốt ngày với mình. Kể cả ban đêm. Không phải vì ông ta muốn. Đơn giản là cậu phái ông ta đến đây. Chắc ở đấy cậu phải trống trải lắm?
Trái Tim : Thỉnh thoảng. Thường là khi mình đi làm về.
Lý Trí : Biết ngay mà. Cậu tắt máy tính và thế là cậu thấy trống trải. Cái gã ở Đức này có cái quái gì thế không biết? Là Lý Trí mình phải công nhận rằng hắn ta thông minh. Thậm chí rất thông minh. Nhưng đàn ông thông minh thì vô thiên lủng. Hắn ta có cái gì nhỉ?
Trái Tim : Cậu, Lý Trí, cậu không hiểu được điều này đâu. Có thể khi nào cậu uống say, sẽ dễ cho cậu hơn. Mấy viên đá đây? Bây giờ chưa à? Vậy cậu quyết định đi, Lý Trí. Bởi có thể sẽ hết đấy.
Những gì xảy ra giữa mình và anh ấy thật huyền bí. Trong quá trình phát triển, cậu dừng lại ở chủ nghĩa duy lý. Chủ nghĩa duy lý biết về sự huyền bí chỉ có ngần này, là nó tuyệt đối không duy lý.
Lý Trí, cậu hãy kiểm tra lại trong hành động của cậu, xem mình có nhầm không. Xem tỷ lệ có phải là “một phần của tổng thể”? Mình gần như chắc chắn rằng đó chính xác là đó.
Mình đã nhảy qua pha sớm này. Chủ nghĩa duy lý là một phần, là (Lý Trí, cậu đã kiểm tra lại chưa?) lạnh lùng và không thân thiện. Như thể một cái lều tuyết bỏ hoang. Một người luôn sống trong một cái lều tuyết khó mà hiểu được sẽ như thế nào khi ngồi trên một tấm thảm mềm mại trước lò sưởi trong khi ngoài cửa sổ tuyết đang rơi. Ở bên Jakub thường giống như ở cạnh lò sưởi vào tháng mười một. Có lúc bạn thấy dễ chịu đến mức bạn quên mất là bạn không còn tỉnh táo. Với mình còn tồi tệ hơn. Mình mất tỉnh táo hoàn toàn không phải vì quên. Hơn nữa, ngọn lửa ấy ấm áp đến nỗi mình sẵn sàng ra lệnh cho con người mình cởi bỏ hết xiêm y. Người ta có thể nghiện cái này. Mình đã tự hỏi không biết bao lần, tại sao lại thế? Và cậu biết gì không, Lý Trí? Mình cho rằng lúc nào mình cũng là quan trọng nhất đối với anh ấy. Ở bên anh ấy, mình là tuyệt đối duy nhất. Cái cảm giác như thế này mình không có đã từ lâu lắm rồi.
Lý Trí : Không có gì khó chịu hơn là lò sưởi trong căn phòng bỏ trống vào sáng ngày hôm sau. Bạn chỉ có đống tro phải mang đi đổ. Thường là chả có ma nào có thể thay bạn làm việc đó. Cậu có nghĩ đến điều này không hả Trái Tim? Trong căn lều tuyết luôn y như vậy. Buồn tẻ? Lạnh lẽo? Có thể, nhưng không có tro. Để có tro cần phải có lửa.
Trái Tim : Mình chưa nghĩ tới. Bởi nói chung là mình chẳng nghĩ gì sất. Mình cảm nhận. Chỉ có cậu là phải nghĩ thôi, bạn tội nghiệp ạ.
Lý Trí : Này, Trái Tim, đừng có mà cành cao thế. Cậu tưởng rằng hễ cậu cứ duy lý hóa mình thì cậu có nghĩa là cao quí và tiến hóa ở bậc cao hơn, còn mình thì đồng nghĩa với Linh mục? Cậu nhầm rồi, Trái Tim ạ. Chúng ta cả hai, chính xác thế, đều đang ở trong một phản ứng hóa học. Đúng thế đấy Trái Tim! Chúng ta chỉ là hóa học chỉ có điều phản ứng của cậu đơn giản là khác. Mình, đó là các nơron, các bó sợi thần kinh, vùng đồi, não giữa và thể hạnh nhân. Còn cậu chủ yếu là truyền dẫn thần kinh: phenylethylene, dopamine, catecholamine. Không quan trọng chúng có tên là gì. Có thể đến một lúc nào đó người ta sẽ đưa bọn mình vào một ngân hàng dữ liệu các phản ứng hóa học nào đó. Rồi cậu xem.
Phản ứng của cậu kết thúc nhanh hơn của mình nhiều. Phản ứng của mình diễn ra đến cùng. Phản ứng của cậu tỏa nhiệt quá lớn. Cậu cần quá nhiều và thu cũng quá nhiều. Đến một lò luyện kim cũng không thể chịu được lâu như vậy. Cậu cháy hết mình. Đã thế cậu lại chỉ hấp nhiên liệu cho một lò. Cậu, Trái Tim ơi, hãy cẩn thận đấy, bởi cái lò thứ hai có thể sẽ tắt. Tuy nhiên hiện nó vẫn còn đang âm ỉ. Còn chưa quá muộn. Lúc nào cậu cũng có thể thổi bùng lên ngọn lửa ở đó.
Trái Tim : Lý Trí, cậu nói thậm chí rất lý trí. Nhưng cậu không tự biết đâu. Có những vấn đề mà cậu không bao giờ hiểu được.
Lý Trí : Vâng, vâng. Tôi biết. Mình biết cậu muốn nói gì. Cậu muốn nói đến tình yêu. Nhưng cậu nên nhớ: trong tất cả những cái vĩnh cửu, thì tình yêu là thứ tồn tại ngắn nhất. Cho nên cậu chớ có tự đặt mình vào vĩnh cửu. Cậu, Trái Tim ạ, cậu đâu phải là vũ trụ.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 29-12-2007, 02:22  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Lý Trí : Chính thế! “Bọn mình thích nói chuyện với nhau”. Cậu đừng có làm cho mình rối ren. Mình vốn có vấn đề với nụ cười. Bọn mình không hợp nhau, bởi nó lấy đi của mình lòng can đảm.
Nói chuyện? Chính thế đấy. Bên anh ta, cậu chẳng có thể im lặng đấy sao. Gần đây thậm chí đó còn là mơ ước của cậu ở bên anh ta cả ngày và im lặng. Cậu đã có quá đủ lời nói từ anh ta rồi.
Trái Tim : Đúng. Nhưng đây chẳng có gì là xấu cả. Đơn giản là mình muốn biết nếu bọn mình không nói chuyện với nhau thì sẽ như thế nào. Liệu có vẫn hay không. Là để cho hiểu biết chung thôi. Cậu thích hiểu biết, phải không nào?
Lý Trí : Với anh ta không hay cho cậu đâu. Với chồng cậu mới là hay cho cậu. Gần đây cậu chả im lặng suốt ngày với ông ấy đấy thôi. Vẫn chưa đủ cho cậu sao?
Trái Tim : Biết ngay mà. Mình đã đoán trước được điều này. Cậu sẽ lôi ông chồng mình vào đây. Ông ấy là rất quan trọng đối với mình và cậu biết điều ấy. Bây giờ thậm chí còn biết hơn cả mình. Vì ông ấy ở với cậu nhiều hơn là với mình.
Lý Trí : Đấy là mình giả thiết như vậy. Ông chồng cậu ở đây suốt ngày với mình. Kể cả ban đêm. Không phải vì ông ta muốn. Đơn giản là cậu phái ông ta đến đây. Chắc ở đấy cậu phải trống trải lắm?
Trái Tim : Thỉnh thoảng. Thường là khi mình đi làm về.
Lý Trí : Biết ngay mà. Cậu tắt máy tính và thế là cậu thấy trống trải. Cái gã ở Đức này có cái quái gì thế không biết? Là Lý Trí mình phải công nhận rằng hắn ta thông minh. Thậm chí rất thông minh. Nhưng đàn ông thông minh thì vô thiên lủng. Hắn ta có cái gì nhỉ?
Trái Tim : Cậu, Lý Trí, cậu không hiểu được điều này đâu. Có thể khi nào cậu uống say, sẽ dễ cho cậu hơn. Mấy viên đá đây? Bây giờ chưa à? Vậy cậu quyết định đi, Lý Trí. Bởi có thể sẽ hết đấy.
Những gì xảy ra giữa mình và anh ấy thật huyền bí. Trong quá trình phát triển, cậu dừng lại ở chủ nghĩa duy lý. Chủ nghĩa duy lý biết về sự huyền bí chỉ có ngần này, là nó tuyệt đối không duy lý.
Lý Trí, cậu hãy kiểm tra lại trong hành động của cậu, xem mình có nhầm không. Xem tỷ lệ có phải là “một phần của tổng thể”? Mình gần như chắc chắn rằng đó chính xác là đó.
Mình đã nhảy qua pha sớm này. Chủ nghĩa duy lý là một phần, là (Lý Trí, cậu đã kiểm tra lại chưa?) lạnh lùng và không thân thiện. Như thể một cái lều tuyết bỏ hoang. Một người luôn sống trong một cái lều tuyết khó mà hiểu được sẽ như thế nào khi ngồi trên một tấm thảm mềm mại trước lò sưởi trong khi ngoài cửa sổ tuyết đang rơi. Ở bên Jakub thường giống như ở cạnh lò sưởi vào tháng mười một. Có lúc bạn thấy dễ chịu đến mức bạn quên mất là bạn không còn tỉnh táo. Với mình còn tồi tệ hơn. Mình mất tỉnh táo hoàn toàn không phải vì quên. Hơn nữa, ngọn lửa ấy ấm áp đến nỗi mình sẵn sàng ra lệnh cho con người mình cởi bỏ hết xiêm y. Người ta có thể nghiện cái này. Mình đã tự hỏi không biết bao lần, tại sao lại thế? Và cậu biết gì không, Lý Trí? Mình cho rằng lúc nào mình cũng là quan trọng nhất đối với anh ấy. Ở bên anh ấy, mình là tuyệt đối duy nhất. Cái cảm giác như thế này mình không có đã từ lâu lắm rồi.
Lý Trí : Không có gì khó chịu hơn là lò sưởi trong căn phòng bỏ trống vào sáng ngày hôm sau. Bạn chỉ có đống tro phải mang đi đổ. Thường là chả có ma nào có thể thay bạn làm việc đó. Cậu có nghĩ đến điều này không hả Trái Tim? Trong căn lều tuyết luôn y như vậy. Buồn tẻ? Lạnh lẽo? Có thể, nhưng không có tro. Để có tro cần phải có lửa.
Trái Tim : Mình chưa nghĩ tới. Bởi nói chung là mình chẳng nghĩ gì sất. Mình cảm nhận. Chỉ có cậu là phải nghĩ thôi, bạn tội nghiệp ạ.
Lý Trí : Này, Trái Tim, đừng có mà cành cao thế. Cậu tưởng rằng hễ cậu cứ duy lý hóa mình thì cậu có nghĩa là cao quí và tiến hóa ở bậc cao hơn, còn mình thì đồng nghĩa với Linh mục? Cậu nhầm rồi, Trái Tim ạ. Chúng ta cả hai, chính xác thế, đều đang ở trong một phản ứng hóa học. Đúng thế đấy Trái Tim! Chúng ta chỉ là hóa học chỉ có điều phản ứng của cậu đơn giản là khác. Mình, đó là các nơron, các bó sợi thần kinh, vùng đồi, não giữa và thể hạnh nhân. Còn cậu chủ yếu là truyền dẫn thần kinh: phenylethylene, dopamine, catecholamine. Không quan trọng chúng có tên là gì. Có thể đến một lúc nào đó người ta sẽ đưa bọn mình vào một ngân hàng dữ liệu các phản ứng hóa học nào đó. Rồi cậu xem.
Phản ứng của cậu kết thúc nhanh hơn của mình nhiều. Phản ứng của mình diễn ra đến cùng. Phản ứng của cậu tỏa nhiệt quá lớn. Cậu cần quá nhiều và thu cũng quá nhiều. Đến một lò luyện kim cũng không thể chịu được lâu như vậy. Cậu cháy hết mình. Đã thế cậu lại chỉ hấp nhiên liệu cho một lò. Cậu, Trái Tim ơi, hãy cẩn thận đấy, bởi cái lò thứ hai có thể sẽ tắt. Tuy nhiên hiện nó vẫn còn đang âm ỉ. Còn chưa quá muộn. Lúc nào cậu cũng có thể thổi bùng lên ngọn lửa ở đó.
Trái Tim : Lý Trí, cậu nói thậm chí rất lý trí. Nhưng cậu không tự biết đâu. Có những vấn đề mà cậu không bao giờ hiểu được.
Lý Trí : Vâng, vâng. Tôi biết. Mình biết cậu muốn nói gì. Cậu muốn nói đến tình yêu. Nhưng cậu nên nhớ: trong tất cả những cái vĩnh cửu, thì tình yêu là thứ tồn tại ngắn nhất. Cho nên cậu chớ có tự đặt mình vào vĩnh cửu. Cậu, Trái Tim ạ, cậu đâu phải là vũ trụ.


Trái Tim : Cậu nói thế bởi cậu căm thù tình yêu. Mình biết. Thậm chí mình hiểu cậu. Bởi khi nào tình yêu đến, người ta ngắt bỏ cậu. Cả hai cũng tắt cậu đi. Người ta cho cậu xuống tầng hầm như cất ván trượt tuyết khi mùa đông qua đi. Cậu phải chờ ở đấy cho đến mùa sau. Lúc này người ta không cần cậu nữa. Cậu làm phiền người ta. Hãy hiểu điều này. Bởi cậu là Lý Trí cơ mà, vậy thì hiểu một điều gì đó với cậu đâu có khó khăn gì.
Họ cần quái gì cậu? Họ không có thời gian cho cậu. Lúc nào họ cũng chỉ nghĩ đến nhau. Họ ngưỡng mộ nhau. Kể cả những điểm yếu. Đối với họ lý trí nghĩa là nỗi sợ bị từ chối, là câu hỏi giằng xé tại sao lại chính là anh hay cô ấy. Họ rất ghét những câu hỏi như vậy. Cho nên họ mới tắt cậu đi. Cậu hãy chấp nhận điều đó.
Lý Trí : Mình không thể. Chỉ có cậu thôi, Trái Tim ạ, là cảm nhận được rằng mình không thể. Thỉnh thoảng mình cũng gọi họ từ cái tầng hầm ấy đấy chứ. Nhưng họ không nghe thấy. Bởi khi ấy thì họ còn nghe thấy gì nữa.
Làm sao mà cậu diệt được tất cả những chuyện này hả Trái Tim? Bây giờ thì cậu có thể rót cho mình được rồi. Cái tầng hầm của cậu đã làm mình mủi lòng đấy. Mình phải uống mới được. Ba cục đá, whisky không. Không cần red bull. Mà cậu rót luôn nửa cốc cho mình.
Trái Tim : Mình hiểu. Chai whisky này được đấy chứ? Mình, nếu có thể, mình chỉ uống jack daniels. Cậu uống thêm một cốc nữa nhé? Ba cục đá phải không?
Lý Trí, cậu sẽ làm cho mình một điều gì đó chứ? Chuyện này rất quan trọng đấy. Mình sẽ không bao giờ quên ơn cậu đâu. Cậu sẽ làm chứ? Cậu có thể tắt cái thằng Lương Tâm đi hộ mình một thời gian được không? Nó quấy rầy mình quá. Quấy rầy kinh khủng.
Lý Trí : Cậu nghe đây, Trái Tim. Đừng có làm điều đó với mình. Mình yêu cầu cậu đấy. Đừng có giải quyết bất cứ vấn đề gì với mình trong lúc uống rượu. Cậu phải vô tư mới được Trái Tim ạ. Mình uống với nhau, cậu hơi duy lý một chút còn mình hơi mủi lòng một chút, điều đó không đảm bảo để cậu học thuật với mình đâu. Phải tự trọng một chút chứ Trái Tim.
Với lại không thể ngắt Lương tâm đi được đâu. Việc đó mình cũng không làm được. Chỉ có thể làm cho nó tạm yên trong một khoảng thời gian nào đó thôi. Tốt hơn hết là chung sống với nó. Thậm chí cả nói chuyện với nó cũng không được ấy chứ. Ngoài ra rất khó gặp nó. Bao giờ nó cũng nằm ở đâu đó trong tiềm thức. Nó hay lang thang vào ban đêm. Khi đó thì mình đã ngủ và không phản ứng nữa, còn cậu thì bận phục hồi sức khỏe, đang có chu kỳ hình sin đẹp đẽ.
Trái Tim : Mình chẳng giải quyết với cậu chuyện gì trong lúc uống rượu cả. Cậu chỉ làm cho mình vì lòng tốt thôi, Lý Trí ạ Cậu có lý. Với Lương tâm thì không thể thương thuyết được.
Lý Trí : Cậu nghe này, Trái Tim. Một khi mình đã thẳng thắn với nhau ở đây, thì cậu hãy nói cho mình biết, Trái Tim, cậu thực sự muốn gì?
Tại sao cậu lại làm thế? Vì mình nhìn thấy hết đấy. Kể từ ngày cậu quen cái tay Jakub ấy, cậu vội vội vàng vàng, cậu trễ nải, cậu đập phá lung tung, cậu dìm mình trong dopamine, cậu dừng lại, cậu trượt ngã, cậu làm náo loạn hết cả lên. Như hôm nay chẳng hạn. Tại sao cậu lại làm thế hả Trái Tim? Cho những trải nghiệm và những kỷ niệm?
Cậu sợ rằng đến một lúc nào đó cậu sẽ đập một cách thảm thương trên chiếc bánh sinh nhật đầy nến và nghĩ rằng thời của cậu đã qua, còn cậu thì chưa trải nghiệm được gì? Không hề có một sự loạn nhịp nào hết, cũng chẳng có chứng đập nhanh hoặc chỉ là co thắt tâm nhĩ? Cậu sợ điều này, phải không Trái Tim? Hay có thể việc hạn chế đập chỉ cho một người khiến cậu sợ sẽ bỏ phí mất cơ hội?
Ngoài ra cậu tắt cái cô Geppert ấy đi. Có thể nghe bao nhiêu lần cùng những nỗi buồn ấy? “Còn khi nào thức dậy, em thở dài, có gì đâu, tất cả có lẽ cũng chỉ là thay vì mà thôi”. Thậm chí cả mình cũng thuộc lòng bài này. Và cậu đừng khóc nữa, Trái Tim à, bởi cứ nhìn thấy cậu khóc là mình mất hết cả Lý Trí.
Trái Tim : Vì cậu thấy đấy, Lý Trí, anh Jakub ở xa thế, có ít cơ hội thế để mà cạnh tranh với bất cứ ai có thể ở đây, chìa tay ra và khiến mình đập vội, mà đằng nào thì mình cũng chỉ đập thực sự khi ở bên anh ấy thôi. Dạo đầu chuyện này làm mình lo lắng như là mình có một khuyết tật di truyền nào đấy. Nhất là Lương Tâm lại luôn doạ dẫm rằng nó cực kỳ nguy hiểm, nó có thể dẫn đến nhồi máu và rằng sớm muộn gì thì EKG cũng sẽ chỉ ra điều đó. Hồi đầu thậm chí mình cũng nhất trí với nó. Mình nghĩ rằng rồi sẽ qua thôi, rằng cậu, Lý Trí sẽ giúp mình xoay sở thế nào đó, rằng đây chỉ là sự bất thường nhất thời trong phản ứng đối với sự lạnh lùng, trống trải và dửng dưng ở xung quanh. Nhưng bây giờ thì mình muốn cho cái “sự bất thường” này tồn tại. Rất muốn.
Nhưng mà cậu, Lý Trí ạ, cậu không bao giờ hiểu được đâu. Rót cho cậu một cốc nữa nhé? Cậu phải uống không đá thôi. Tan hết rồi. Như mình ấy.
Lý Trí : Rót đi, Trái Tim, rót đi.
Jakub à! Đây không phải là toàn bộ cuộc tranh luận. Đoạn cuối phải sau cốc thứ năm và em muốn bỏ qua. Chủ yếu vì uy tín của mình thôi.
Còn Geppert vẫn hát. Em hoàn toàn không nhượng bộ Lý Trí đâu, như anh thấy đấy. Bởi nếu cái gì đó là quan trọng đối với em, thì em không nhượng bộ. Kể cả Lý Trí.
Em không thể không nghĩ đến cô ấy. Đến Natalia. Chưa bao giờ có một phụ nữ nào khiến em xúc động như Natalia đã làm em xúc động. Mỗi khi nhớ lại bức thư trong đó cô ấy viết: “Đó sẽ là thứ sáu. Em vừa kiểm tra lại xong, anh cũng sinh vào thứ sáu. Đây sẽ lại là một thứ sáu may mắn, phải không Jakub?” - thì đơn giản là em khóc. Em không thể làm chủ được trạng thái ấy. Em hét lên. Hét vang cả phòng làm việc. Và đó hoàn toàn không phải là do uống whisky với red bull.
Tại sao anh lại gặp phải điều đó? Tại sao cô ấy của anh lại chết?
Những thiên thần có chết bao giờ đâu...
Đầu anh rũ xuống. Anh ngồi bất động một lúc. Cảm giác tê dại lớn dần lên. Anh đã biết trạng thái này của mình. Nó đã trở lại cùng với cô. Đã mấy năm rồi anh không bị. Anh đi tìm nó. Anh ngóng đợi. Anh gọi nó ra. Bằng tất cả mọi thứ có thể Bằng âm nhạc, rượu vang, văn chương, thuốc, tín ngưỡng, tâm lý liệu pháp và các hợp chất. Anh còn nhớ rõ nó đã từng quan trọng với anh như thế nào. Nó đã mất đi cùng với Natalia. Nó trở lại trong vài tháng ở Dublin, cùng với Jennifer, sau đó lại mất hút. Và giờ đây bất ngờ, từ mấy tháng nay, lại xuất hiện. Thoạt đầu chỉ thoáng qua. Như những tia chớp. Rồi tắt ngay. Nhưng trong lúc này nó tồn tại. Như hồi nào. Cũng sẽ như hồi nào! Lần lượt tất cả các pha. Hơi ấm tỏa dần rồi từ bên trong, bên ngoài hoặc từ chính con tim. Sau đấy một chút buồn nghẹn nơi cổ. Ngay sau đấy là niềm vui. Dữ đội đến mức anh muốn khóc. Tiếp theo là một kiểu hưng phấn không tự nhiên. Sau đó là nỗi xúc động nhẹ nhàng, trải dài. Còn trên tất cả là khát khao được đụng chạm. Chạm vào cô. Chỉ một lát thôi, tốt nhất là bằng môi. Đúng thế! Đó chắc chắn là cái này.
Đó là tình cảm.
Anh bấm số điện thoại phòng làm việc của cô. Chậm mất rồi. Cô không còn ở đấy nữa. Anh đến bên cửa sổ. Cười. Cô ấy nói gì nhỉ? “Cậu ấy, Trái Tim ạ, đừng có mà cành cao thế”… Hay là không phải nhỉ, cũng có thể là “Cậu ấy, Lý Trí ạ đừng có mà cành cao thế”. Ở bên trái tim cô ấy và lý trí của cô ấy thì đằng nào chả egal.

*


Đọc cái truyện này khó vào quá Thấy nhức đầu >"< Mỗi hôm đọc 1 chương thôi cho thanh thản



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 30-12-2007, 02:43  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 4

CÔ : Cái điều xảy ra sau đêm hôm ấy giống như tập hai của một cuốn sách mà ngay sau khi đọc xong tập một người ta đã muốn đọc lại. Đôi lúc cô phải dụi mắt vì ngỡ ngàng. Những bức e-mail của anh đầy ắp tình cảm và những lo lắng thực sự cho cô. Anh thật tinh tế, nhân hậu, kiên nhẫn, hiếu kỳ, tự nhiên, điềm đạm và nhiều khi nhạy cảm một cách thái quá.
Ngoài ra anh còn rất sexy. Đã từ lâu ra cô nhận thấy ở người đàn ông không có gì, tuyệt đối không có gì sexy hơn là khả năng biết lắng nghe của anh ta. Anh có thể nghe cô - có nghĩa là anh có thể đọc hàng trang màn hình cô viết mỗi khi họ chat - với niềm vui thích của một cậu bé. Anh đọc, thỉnh thoảng ngắt lời cô, đưa ra những câu hỏi khiến cô phải moi óc ra những chi tiết mà cô tưởng là mình đã quên lâu rồi, hoặc những chi tiết mà trước đây cô chưa hề biết. Ngoài ra - cái này thì anh làm cô hơi xấu hổ - anh nhớ tất cả những gì cô kể với anh, nhớ hơn là bản thân cô. Đôi khi cô tưởng như là anh ghi lại những điều ấy ở đâu đó trong một cuốn sổ dầy mà anh bí mật mở ra trước cô và đọc những lời của chính cô.
Sexy nhất trong toàn bộ con người anh, không còn phải nghi ngờ gì nữa, đó là cái đầu của anh. Bao giờ cô cũng quan tâm nhất đến đầu của những người đàn ông. Cô nhớ hồi còn học đại học, trong đêm lễ Andrzejki nào đó, cô với lũ bạn gái trong ký túc xá đã lên danh sách những người đàn ông mà mình sẵn sàng lên giường với họ nhất. Một trò đùa sau mấy cốc bia ấy mà. Trong danh sách của cô, chiếm bốn vị trí đầu tiên là Dostojevski, Freud, Einstein và Bach. Không một ai trong số hơn người ấy, dù có muốn đến mấy, thậm chí có uống đến bốn chai vang đi nữa, có một chút gì đó nhắc đến Redford (đứng tận hàng thứ tám trong danh sách của cô), nhưng vẫn cứ gợi nên trong cô bằng thiên tài của mình, những tưởng tượng tình dục thực thụ. Nếu cô phải làm cái danh sách ấy vào ngày hôm nay? Chính thế! Ai hôm nay sẽ có tên trong danh sách đó? Cô có thể tạm thời thay Dostojevski bằng Wojczak, Freud và Einstein đề lại thì chắc rối, Bach sẽ thay bằng Santana. Còn Jakub? Jakub thì đơn giản là luôn luôn sexy và phải có tên trong một danh sách hoàn toàn khác. Còn câu hỏi sẽ như thế nào? Tôi thích lên giường với ai nhất? Điều này giờ đây không quan trọng. Giờ đây cô sẽ lên giường với người đàn ông chưa bao giờ có tên trong danh sách kia. Cả trong danh sách này cũng không. Hình như mọi sự đã được an bài như vậy rồi. Với lại, khi lên cái danh sách đầu tiên ấy, cô đã biết anh đâu. Chuyện đã quá lâu rồi. Hồi ấy cô đã từng, tất nhiên là trong thẳm sâu của bí mật, nghĩ rằng dẫu sao thì cô vẫn thích lên giường với Janis Joplin nhất. Một tiểu sử như vậy. Vâng. Đã lâu đến phát sợ.
Cô cố thử tập trung mọi hiểu biết về anh trong một từ duy nhất để có thể bằng từ đó diễn tả một cách chính xác nhất tính cách của anh. Cô nhận thấy, có phần nào ngạc nhiên, rằng thích hợp nhất sẽ là “nữ tính”. Đúng thế. Jakub rất giầu nữ tính. Đã có lần cô viết cho anh về điều này và phấn khởi chờ đợi phản ứng của anh. Cô đã dự tính là anh sẽ phản đối sẽ lý luận để thuyết phục cô rằng cô không có lý. Cô ngưỡng mộ anh nhưng khi anh phản đối. Chính những khi anh phản đối và lý luận, cô hiểu thêm về anh, về những gì anh nghĩ nhiều hơn. Anh cố bằng mọi giá để thuyết phục cô nhất trí với cái lý của anh, nhưng bao giờ anh cũng làm như thế nào đấy khiến cô không bị tổn thương.
Thỉnh thoảng, do bướng bỉnh, cô chủ tâm chuẩn bị trước những “bất đồng quan điểm” mà cô cho là lý thú, cô cùng với chúng đối đầu với anh, cô hoan hỉ đọc những gì cô muốn nói về đề tài này, để rồi rút cục, khi đã biết được cái mình muốn biết, cô bảo anh rằng đằng nào thì cô cũng nhất trí với anh từ đầu đến cuối.
Anh là người đàn ông giàu nữ tính nhất mà em được biết – vào một ngày nào đấy cô đã viết đầy khiêu khích, khi họ chat với nhau. Ngay tức khắc, như thể anh đã chuẩn bị câu trả lời từ lâu anh viết lại:
Anh luôn phân vân, không biết em có phát hiện ra phần nữ tính trong con người của anh không. Anh không dập tắt nó như phần lớn đàn ông vẫn làm. Anh tìm kiếm nó nơi mình. Thật may mắn vì anh làm việc đó với chính em. Thậm chí em không biết được là em đã giúp anh nhiều như thế nào để anh sống hoà thuận với phần đàn bà ấy trong tâm lý mình đâu. Đã từ lâu rồi anh muốn cám ơn em vì điều đó.
Và một lúc sau anh viết thêm, để cô không phải phân vân rằng phần đàn bà trong tâm lý trong bất kỳ trường hợp nào cũng không bao trùm toàn bộ tâm lý anh.
Không gì có thế so sánh được với điều này trong việc giúp anh hiểu được em cảm thấy gì, cảm thấy như thế nào và cảm thấy ở đâu và khi nào. Một sự hiểu biết như vậy đối với một người đàn ông đích thực giống như những chỉ dẫn để đến với tầm hồn phụ nữ. Và đến thân thể, lại càng gần hơn. Nhân thể, em có biết là hôm nay em chưa nói với anh về thân thể mình không? Mà chúng mình đã nói chuyên với nhau hơn ba phút rồi đấy.
Liệu có thể có cái gì đó ngọt ngào hơn một người đàn ông đích thực giầu nữ tính, người tự nhắc với bạn rằng hôm nay người ấy còn quên chưa nói với bạn rằng với người ấy, bạn hấp dẫn biết bao?
Điều duy nhất khiến cô không yên, đó là cho tới lúc này, chưa bao giờ anh gọi tên cái đang diễn ra giữa họ từ mấy tháng nay. Cô tuyệt đối không băn khoăn gì về việc, cô quan trọng với anh biết nhường nào. Cô cảm nhận được điều này trên từng bước đi. E-mail của anh chờ cô mỗi sáng. Vào thứ hai thì bao giờ cũng có ba cái. Một từ thứ sáu, một từ thứ bảy và một từ chủ nhật. Từ cái “đêm với Natalia” chưa bao giờ khác đi. Chưa bao giờ. Mặc cho những chuyến đi triền miên, e-mail cho “bắt đầu ngày thứ n với em” - như anh gọi - vẫn đến đều đặn như mặt trời mọc hay như tàu hỏa Đức. Anh tính từng ngày. Cứ mỗi ngày qua đi, “n” lại lớn thêm một. Đã lâu lắm rồi, Cô chẳng quan trọng cho bất cứ ai. Đã có một ngày, vào buổi trưa, ngay trước kỳ kinh, cô ăn trưa ở văn phòng, với van Morrison trong tai nghe của cái walkman và cô đã khóc khi nghĩ về điều đó. Đơn giản là nước mắt cứ trào ra. Một sự thái quá không kiềm chế nổi trước kỳ kinh như vậy.
Điều này thật tuyệt vời: bắt đầu một ngày bằng những bức thư ấy. Vào thứ hai, bao giờ chúng cũng tình cảm hơn những cái của những ngày khác trong tuần. Vào những ngày cuối tuần anh nhớ cô. Cô cảm nhận được điều đó. Với mỗi một kỳ nghỉ, lại rõ hơn lên. Anh gọi cô như thế nào, anh kể chuyện gì và theo cách nào, những điều anh muốn biết, tất cả đã tiết lộ về nỗi nhớ đó. Ngoài ra vào thứ hai, anh thường hay nói về tình cảm nhất. Không ít lần không bình thường đến nỗi khi đọc cô như bị nghẹt thở. Như thứ hai ấy, sau kỳ nghỉ ở Berlin, nơi anh tham dự một khóa học nào đấy :
Em thậm chí không biết được là anh sung sướng như thế nào vì được quen em. Và rằng anh có thể nói với em điều đó.
Thậm chí em không biết...

Hay là cái lần anh từ Đại học Tổng hợp Amur ở Bỉ, đi hết mấy tiếng đến Brussel, chỉ cốt gửi cho cô một cái e-mail trong quán cà phê Internet của ga, mà đoạn cuối của nó cô đã phải đọc đến hàng chục lần vào cái ngày thứ hai ấy:
Bởi anh thích viết cho em. Vì nhiều lý do. Một trong số đó là, anh muốn em biết rằng anh nghĩ đến em. Đây là một động cơ khá ích kỷ, nhưng anh không có ý định từ bỏ nó. Còn anh thì hay nghĩ và nghĩ nhiều. Đúng ra là những ý nghĩ về em đồng hành với anh trong mỗi tình huống. Và em không có khái niệm là như vậy tốt cho anh như thế nào đâu. Mỗi lần như vậy, anh lại tưởng tượng ra đủ thứ. Và như vậy, thường cũng rất tốt cho anh. Bởi là anh đánh giá rất cao cái thực tế, là em đã xuất hiện trong cuộc đời anh. Anh gần đây thì thật khó khăn khi phải dùng những từ kiểu như “anh đánh giá”. Gần đấy đôi khi anh tưởng như từ ngữ là quá nhỏ bé. Vì vậy mà anh cám ơn em. Cám ơn em với tất cả lòng can đảm, với niềm xúc động dịu êm không che giấu vì có em hiện hữu.
Và rằng anh có thể hiện hữu.

Và cả cái lần anh đã làm cô xúc động khi viết cho cô tại phòng làm việc ở Munich vào đêm chủ nhật:
Hôm qua anh đạp xe vào rừng. Em có biết anh thường mơ ước điều gì khi tưởng là mình đang yêu không? Anh ước rằng khi hôn, anh sẽ cảm thấy vị của những trái phúc bồn tử mà anh đã hái trong rừng cho CÔ ẤY. Em có thích rừng không?
Còn phúc bồn tử thì sao?
Đúng, thứ hai cùng với anh có phần nào giống như Valetine của một tuần.
Và cho dù những bức e-mail vào thứ hai của anh đầy những câu hỏi, nhưng anh không bao giờ - gần đây cô đã kiểm tra tại một cách chính xác - hỏi cô làm gì vào những ngày nghỉ cuối tuần. Cô biết vì sao. Đối với anh, ông xã giống như là PESEL trong chứng minh thư. Một ai đó đã biên chế anh và thỉnh thoảng lại đơn giản là cần phải đưa anh đi đâu đó. Ngoài ra anh chỉ quan trọng thông qua quyết định của một viên chức nào đó. Giống như là ví dụ như người làm thủ tục đăng ký kết hôn. Không, tất nhiên là chưa bao giờ anh nói trực tiếp với cô điều này. Nhưng cô có thể đọc được nó qua những gì anh viết - đúng thế. Cô biết.
Đề tài “ông xã” được họ ngấm ngầm thông đồng phong tỏa bằng sự im lặng tuyệt đối. Thực ra thì cũng chẳng có một sự thông đồng nào hết. Để thông đồng người ta cần chí ít cũng một lần nói tới. Cô không bao giờ nói với anh về chồng mình. Chẳng qua là cô chỉ giới thiệu với anh. Bằng một câu duy nhất: “Em 29 tuổi, sống ở Warszawa, từ năm năm nay em sống với một người đàn ông, là ông xã của em, tóc em đen đài, và màu mắt thì tùy thuộc vào tâm trạng”.
Đó là cùng trong ngày cô tìm thấy và làm quen với anh trên ICQ. Cô muốn mọi sự phải rõ ràng ngay từ đầu. Cho tới lúc này, anh có thể khiến cô phát chán vì quay lại hoài cái đề tài màu mắt cô, chúng “vì sự liên quan của mình với cảm xúc, có thể trở thành vật liệu nghiên cứu tuyệt vời cho các nhà gien học, mà nếu không phải cho tất cả thì chắc chắn là cho một người”. Anh hỏi về những chi tiết nhỏ nhất, về “màu, độ óng, độ mượt, mùi hoặc vị” của tóc cô, anh kể cho cô nghe tỷ mỷ về Warszawa như anh nhớ “từ thời mà được đi thang máy lên tầng thứ 32 của Cung Văn hóa vẫn còn là một điều hấp dẫn nhất”. Song anh không bao giờ nhớ lại trong các câu chuyện về “năm năm cùng với một người đàn ông”. Anh không dành cho đề tài này một miligiây nào trong thời gian ở trên mạng của họ.
Lúc đầu cô không để ý đến chuyện này. Khi viết về cuộc sống của mình, cô thường và không hề đắn đo dùng ngôi số nhiều sau đấy, khi độ riêng tư trong tình bạn của họ tăng lên, trong lòng cô bắt đầu cảm thấy một sự bất tiện nào đó khi kể với anh về cuộc sống của mình lại dùng từ “bọn em”. Gần đây cô cảm thấy rất rõ rằng có thể gây nên cho anh một sự khó chịu đặc biệt khi nói về những gì cô cùng làm với chồng, thậm chí cho dù đó chỉ là việc cuốc một mảnh đất nhỏ trong vườn. Cô không muốn làm anh khó chịu! Một sự khó chịu đặc biệt hay bất cứ một sự khó chịu nào khác. Với cô anh phải được thoải mái.
Tốt nhất là chỉ với cô thôi!
Do đó mà gần đây cô đặc biệt chú ý để viết ở ngôi số ít. Tất nhiên là cô làm rất nhiều thứ ở ngôi số nhiều, nhưng kể lại cho anh bao giờ cũng ở ngôi số ít. Chuyện này hoàn toàn chẳng khó khăn gì. Sau độ hai tuần thì cô có thể kể về mọi chuyện ở ngôi số ít. Sau mấy tuần tiếp theo nữa thì cô không còn nhớ, việc gì cô thực sự làm với chồng, việc gì làm một mình. Việc gì không thể kể lại ở ngôi số ít thì nói chung là cô không kể.
Điều này thật rõ ràng. Kể từ một thời điểm nào đó, anh không thể chấp nhận được thực tế là cô lại thuộc về một người đàn ông khác. Mà cô thì lại thuộc về một người đàn ông khác. Không khí lạnh nhạt gần đây giữa hai vợ chồng hoàn toàn không làm thay đổi thực tế là họ vẫn sinh hoạt tình dục với nhau đều đặn. Không lãng mạn mà cũng chẳng nồng nàn đặc biệt gì. Đơn giản là đều đặn. Có thể tốt hơn. Tốt hơn nhiều. Chỉ cần cô muốn. Cô không muốn. Với cô, được chồng đòi hỏi, thế là đủ. Anh ấy đòi hỏi và phần thưởng là được toàn quyền về thân thể cô một cách đều đặn. Cô sẵn sàng làm vậy, bởi chồng cô là một người tình tử tế. Biết cô thích gì vẫn chưa phải là tất cả, mà anh còn cố gắng để tặng cô thứ đó. Thời gian gần đây với chồng cô mọi chuyện không còn được như trước. Nhưng đấy đâu phải lỗi tại anh. Mà vì cô không còn cởi mở như ngày xưa để mọi chuyện lại tốt đẹp như hồi nào. Không thể, vì gần đây thực ra cô chỉ khát khao Jakub mà thôi.
Mặc dầu vậy, cô vẫn thấy cần được chồng đòi hỏi. Nó khiến cô an lòng. Nó cho cô cảm giác rằng không có gì thay đổi. Rằng cô vẫn chắc chắn có ông xã. Rằng ông xã không hề để ý thấy gì. Rằng cô có thể tiếp tục niềm khao khát của mình. Một cơ cấu lừa dối như vậy. Cô có một trăm phần trăm “chắc chắn” và bây giờ là phần còn lại. Đây chắc chắn là tạm thời. Bao giờ nó kết thúc, cô sẽ quay về với một trăm phần trăm của mình và sẽ lại như cũ. Không đau đớn, không tổn thương. Cô đã có lần suy ngẫm như vậy vào một tối chủ nhật, trong bồn tắm đầy bọt thơm mùi oải hương, sau một chai bordeaux. Cô có làm gì xấu đâu. Chỉ là não thôi. Cô thậm chí không động tới nó. Và sẽ không động tới.
Ông mục sư ấy không có lý! Gần đây cô có đọc trên mạng ghi chép của hồng y giáo chủ, tổng biên tập một tờ báo uy tín nào đó của Vatican. Để trả lời câu hỏi của một nữ độc giả đang bối rối, một người vợ trẻ ở Triest, ông đã viết trong một bài được đăng tải rất hào hứng trên trang điện tử của CNN và ngay lập tức được đăng lại trên tất cả các trang điện tử quan trọng như Yahoo, AOL, MSN, còn ở Ba Lan là trang Ba Lan Ảo:
Thực tại ảo cũng đầy rẫy những cám dỗ như thực tại thời. Có thể phạm tội ngoại tình ở trên mạng mà không cần phải ra khỏi nhà.
Ông mục sư ấy không có lý. Với lại thực ra thì mục sư có thể biết gì về cám dỗ nhỉ? Thực tại ảo không thể nào cũng “đầy rẫy những cám dỗ” như ngoài đời thực được. Cái thực tại ảo ấy nhiều cám dỗ hơn nhiều. Điều này thì có thể biết rõ nhất trong phòng làm việc của cô vào mỗi sáng thứ hai.
Nhưng hôm nay lại là thứ sáu. Một thứ sáu đặc biệt. Thực ra là họ đã trò chuyện suốt cả ngày. Đúng. vào dịp ở Đức đang được nghỉ lễ gì đó và anh đến văn phòng chỉ vì cô. Có thể nói rằng cô đã có anh trên nền ICQ cả tám tiếng. Nghiêm túc, điềm tĩnh và đầy hài hước. Một thứ hai trong ngày thứ sáu Anh viết e-mail , họ mở chat . Anh kể cho cô những câu chuyện khác thường về gien và về những gì sẽ diễn ra nếu người ta giải mã hoàn toàn được bộ gien, về chiều thứ tư của vũ trụ một chiều hoàn toàn không ảo mặc dù nó được biểu thị bằng số ảo, về việc anh băn khoăn không biết bàn tay cô có hình dạng như thế nào, về việc vào dịp cuối tuần anh đã đọc Milosz mà cứ tưởng như mình đang đọc bản hướng dẫn sử dụng máy rửa bát, về việc anh muốn có một lúc nào đó được đọc to bất kể đó là cái gì cho cô nghe và về việc gần đây anh có một mơ ước, nó “đeo đuổi” anh. Anh muốn gặp cô.
Cuối ngày, khi cô bảo anh rằng cô phải rời văn phòng - cô cảm thấy không thể chấp nhận theo cách của mình cái thực tế là cô phải ngắt quãng câu chuyện với anh và phải đi “đâu đó” - anh đã đề nghị cô một điều gì đó không thể tin được. Cho tới lúc này chưa bao giờ anh đề nghị với cô điều ấy. Theo một nghĩa nào đấy thì cô hơi thất vọng vì cho tới lúc này anh chưa làm điều đó. Nhưng giờ đây anh đã viết:
Nếu em có ảnh và có thể chuyển nó sang dạng điện tử rồi gửi cho anh, thì... Thì anh có thể nhìn thấy em, đúng không? Lúc này. Và cả tối nữa. Và bất cứ lúc nào anh muốn. Em gửi chứ?
Cô ở lại văn phòng. Cô tìm được trong ổ cứng cái ảnh chụp một bữa tiệc nào đó của công ty ông xã. Trông cô trong tấm ảnh đó đẹp lạ thường. Cho hình thức của mình trong những dịp như thế bao giờ cô cũng đầu tư khá nhiều thời gian. Chủ yếu là để cho lũ con gái bộ phận marketing và hành chính không còn gì để nói vào ngày hôm sau, khi họ uống cà phê và ngồi lê đôi mách không thiếu chuyện gì về mấy “mụ già” của các đồng nghiệp nam.
Đúng thế, trên tấm ảnh đó trông cô rất okay. Rám nắng sau những ngày ở Balaton, mảnh mai sau lần ngộ độc kem ở Sopot và mái tóc được Ivona chải đầy lãng mạn như ít khi được như vậy. Ai ai cũng bảo cô rằng trông cô đẹp lạ thường. Tất nhiên là trừ cô thư ký. Và đó là minh chứng hùng hồn rằng trên tấm ảnh ấy cô thực sự rất đẹp.
Cô chuẩn bị e-mail gửi cho anh. Cô chuyển ảnh sang dạng jpg , và file không quá lớn - những điều này cô học được từ anh - rồi đính kèm theo e-mail . Cô gửi tất cả trước lúc rời văn phòng.
Sáng thứ hai cô sẽ lại được biết rất nhiều về “màu mắt rất hấp dẫn”, mái tóc “óng ả”, “hình dạng không thể lặp lại của đôi môi” của mình. Theo như cô biết anh, thì chắc chắn cô sẽ còn được biết, lần đầu tiên trong tiểu sử của họ, rất nhiều về hình dạng bộ ngực của mình nữa. Trong tấm hình ấy, cổ áo của cô đặc biệt sâu. Cô muốn được biết tất cả những điều đó từ anh. Tốt nhất là vào thứ hai. Do đó mà cô đã chọn bức ảnh đó.
Lúc đứng trong thang máy đi xuống, cô ước gì tối nay đã là thứ hai.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 30-12-2007, 02:44  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 5 (A):

Jacek, trung tâm máy tính, Viện Max Planck, Hamburg:
Đúng là anh đã bỏ ra ngoài, khi chuông điện thoại reo.
Hôm ấy là thứ bảy, ngay trước nửa đêm, trong trung tâm máy tính vắng ngắt, chỉ có thể là vợ anh gọi đến. Anh không muốn nhấc máy. Anh mệt kinh khủng, phải theo dõi cả ba máy tính nên nước mắt cứ chảy ra, anh cảm thây trong lòng hồi hộp, cảm giác bao giờ cũng xuất hiện khi anh uống trên mười ly cà phê và hút hết hai bao thuốc lá. Anh ở trong tâm trạng hoàn toàn không muốn nghe hai lần những lời ca cẩm của vợ, bây giờ qua điện thoại và sau đó là ở nhà, ngay khi anh bước vào nhà . Lại thêm một lần anh biết, nào là "anh không bao giờ ở nhà", nào là "Ania từ lâu nay đã quên không biết trông mình như thế nào", rồi " lẽ ra anh nên cưới mấy cái máy tính thổ tả ây mới phải" và "đằng nào thì bọn họ cũng chẳng đánh giá đúng mức công sức của anh". Còn anh đương nhiên là không nói với cô ấy rằng anh phải đến đây vì đang có một dự á n quan trọng , vì anh đã hứa với xếp, vì mọi người ở California đang đợi và họ cần phải biết rằng, ở đây, ở Hamburg này họ bị cắt Internet hai ngày, vì vậy mà anh bị tách biệt với thế giới như thể người Eskimo trên một tảng băng trôi và ngày hôm qua anh không thể hoàn thành việc này được.
Anh bỗng thấy bực mình kinh khủng.
Về nguyên tắc thì tại sao anh lại không thể, dù chỉ một lần, nói cho cô ấy biết chuyện này? – anh nghĩ.
Mình ở đây làm việc chết thôi, còn cô ấy… Anh đột ngột quay lại chỗ điện thoại, anh muốn hét to lên hết cả để cô ấy nghe. Anh nhấc máy. Đó là Jakub.
- Jacek, ông lấy hộ tôi một cái e-mail từ máy chủ của Poznan. Chuyện này với cô ấy rất quan trọng – hắn nói với cái giọng nhỏ nhẹ, bao giờ cũng buồn buồn và khàn khàn của mình.
Nếu hắn gọi vào trước mười hai giờ đêm thứ bảy, sau năm năm và nói một kiểu câu như thế này ngay sau "chào ông", thì chắc chắn đây là việc cực kỳ quan trọng đối với hắn. Anh không hỏi gì, chỉ lấy địa chỉ máy chủ, địa chỉ người nhận e-mail và xác định anh có bao nhiêu thời gian cho "điều sai bảo" của hắn.
- Đến thứ hai, sáu giờ sáng. Ông có thể gởi tin nhắn cho tôi nếu lấy được hoặc không?
- Jakub, ông phải tin là sẽ được. Cho tôi số nhắn tin của ông đi.
- Ania thế nào? – hắn hỏi.
Chỉ cần nghe thấy là rất tốt và vẫn hỏi thăm hắn thường xuyên, là hắn cúp máy luôn.
Hắn luôn luôn xuất hiện rất nhanh, khuấy động mọi thứ rồi biến mất.
Phần lớn là vào mùa hè.
Mọi cái lại trở về với anh như một giấc mơ giữa ban ngày, gần đây anh hay bị như thế sau mỗi lần uống rượu vang.
Nhưng đây không phải là giấc mơ.
Jakub là một mảng khác thường của quá khứ anh.
Họ biết nhau từ hồi học trung học kỹ thuật. Ngay từ đầu anh đã thán phục hắn, vì bộ óc của hắn và sức chịu đựng của hắn. Thực ra thì đứa nào cũng thán phục hắn, nhưng đương nhiên là chưa bao giờ có ai nói với hắn điều đó. Trong ngôi trường kia, bộ óc của hắn không phải loại cơ bắp đáng để kính nể, chí ít thì cũng công khai, mà hắn thì không có loại cơ bắp khác, thêm vào đó hắn còn nhỏ con nhất trường. Bao giờ cũng đăm chiêu, buồn buồn thế nào ấy. Và liên tục nhận được thư mẹ. Hàng ngày.
Chỉ riêng chuyện ấy cũng đủ để bọn chúng bày ra những trò hèn mạt đối với hắn. Thỉnh thoảng bọn chúng lại lấy cấp những bức thư kia, mở ra và đọc to.
Còn có thể là gì nữa, trong những bức thư của một người mẹ đang nhớ?
Những lúc ấy hắn đứng đờ người ra, khổ sở vô tận, không nói gì, chỉ nắm chặt hai tay và nhìn bọn chúng đầy căm giận với ánh mắt bất lực.
Hắn không thể làm gì được bọn chúng, bởi hắn không có cơ bắp nào khác ngoài bộ óc và bọn chúng biết điều đó.
Nhưng sau năm thứ ba, nghỉ hè xong, hắn đến trường hoàn toàn thay đổi. Hắn lớn lên trông thấy. Hắn đột nhiên to cao như tất cả bọn khác.
Anh nhớ rất rõ sự kiện này.
Một đứa nào đó trong lúc ăn trưa ở nhà ăn ký túc xá đã cá cược oang oang lên rằng có phải mẹ Jakub đã vay bưu điện số tiền mua tất cả số tem thư gửi cho hắn. Mọi người bắt đầu cười. Jakub từ tốn đứng dậy – có những tia lửa trong mắt và nụ cười quái dị - đi đến chỗ cái thằng vừa nói, xin lỗi những đứa ngồi cùng bàn và dùng hết sức đập đĩa súp vào đầu thằng kia. Cho tới tận bây giờ anh vẫn còn nhớ chỗ súp còn lại trong đĩa đã chuyển sang màu máu như thế nào.
Tất cả im lặng nhìn, còn hắn kéo cái đầu đầy súp ra và để hạ nhục kẻ bất hạnh hơn nữa, lấy giấy ăn chùi khuôn mặt dính máu của nó rồi lặng lẽ đi ra.
Chuyên xảy ra thật đẹp…
Anh không nhớ sau đấy có còn ai dám bình luận về những bức thư kia nữa không.
Sau tai hoạ trên, Jakub bỗng nhiên bắt đầu tồn tại, khi hắn nói điều gì đấy, bọn chúng nghe hắn như nghe tất cả những đứa khác, khi chúng hút thuốc, hắn cũng được mời ( điều mà cho đến lúc ấy chưa từng xảy ra), khi bọn chúng đi khiêu vũ với bọn con gái trường kỹ thuật y khoa, chúng đưa hắn theo.
Hắn đi cùng bọn chúng mặc dù không bao giờ nhảy. Bao giờ hắn cũng ngồi đúng cái góc tối ấy, không nói gì, chỉ tư lự nhìn.
Song có một lần, trong một buổi khiêu vũ đã xảy ra một điều rất không bình thường.
Một trong số các cô dạy văn kỳ quặc của trường kỹ thuật y khoa muốn làm cho trò chơi hoá trang phong phú hơn (thực ra thì là để tách những đôi bắt đầu ôm nhau chặt hơn khi khiêu vũ), đã tổ chức festival thơ. Trên một cái bục giống như sân khấu, mọi người đọc thơ. Không khí giống như một cuộc thi, mà mục đích là chọn ra những người thuộc lòng những đoạn thơ dài nhất.
Một ý tưởng rất phản động, vì với bọn con trai ở trung học kỹ thuật, thì thơ xa lạ giống như một tủ lạnh đối với người Eskimo. Thậm chí không đứa nào trong số bọn chúng bước lên sân khấu. Sau vài phút thì thấy rõ là chỉ có tụi con trai của trường phổ thông là đua tài với nhau, mà chủ yếu là để thể hiện với bọn con gái trường kỹ thuật y. Cuộc thi kết thúc, hàng tràng vỗ tay tán thưởng của quí cô dành cho người đọc thơ đang từ sân khấu đi xuống đầy kiêu hãnh sau mười bốn phút thể hiện một đoạn trong Balladyna của Slowacki, đúng lúc ấy Jakub bỗng nhiên xuất hiện. Hắn yêu cầu đưa micrô và khi tất cả im lặng, hắn tự giải thích rằng đây sẽ không liên quan gì đến các bài học ở trường và hắn sẽ chỉ chú trọng tới… tình ái. Không đợi cho tiếng xì xào vì ngạc nhiên lắng hẳn, bằng một giọng khẽ khàng hắn bắt đầu đọc.
Asnyk, Pawlikowska–Jasnorzewska, Jastrun, Przerwa–Tetmajer, Osiecka, Galczynski, Illakowiczowna, Lesman, Baczinski, Norvid, Staff, Czechowicz…
Không một lần dừng lại, suốt nửa tiếng trong tiếng vỗ tay, không nhìn xuống khán giả, chỉ tập trung vào một điểm trên sàn, hắn đọc tên các nhà thơ, tên các tập thơ và đọc thơ.
Thỉnh thoảng hắn dùng tay nhẹ nhàng minh hoạ, thỉnh thoảng hắn trầm ngâm trong vài giây như muốn dành cho người nghe một khoảng thời gian cho thư giãn, cho thay đổi tâm trạng hoặc đơn giản là tìm bài thơ lại trong trí nhớ.
Tại một thời điểm, giữa bài thơ của Pawlikowska – Jasnorzewska, hắn từ sân khấu đi xuống và ngồi vào góc của mình. Im lặng kéo dài khoảng hơn chục giây, bọn con gái bên trường phổ thông nhìn hắn với ánh mắt đầy ngưỡng mộ, còn đám con trai bọn chúng, đám con trai của trường kỹ thuật thì nở nang vì kiêu hãnh. Jakub nhỏ con của chúng…..
Ngoài ra Jakub còn hoàn toàn bình thường.
Hắn uống rượu với bọn chúng, cũng chửi thề như chúng và là một người trong số chúng. Ngoài việc hắn có bộ óc ấy, những bức thư mà mẹ hắn hàng ngày gửi đến và hắn thuộc ngần ấy bài thơ, hắn là "từ cùng một cuốn sách".
Tất cả đều biết rằng hắn sẽ học đại học.
Các giáo viên hơi sợ hắn kể từ cái lần trước cả lớp mà lại đang trong buổi dự giờ, hắn đã cho thầy dạy lý một bài giảng về đề tài sự giãn nở của vũ trụ, còn khi thầy này được hắn tha, đã thú nhận rằng mình không biết Hubble là ai, hắn đã gọi ông ta là "kẻ dốt nát tỉnh lẻ" và là "đại diện được đào tạo của cơ quan thanh tra giáo dục". Hình như những vị dự giờ có tuổi của cả tỉnh cho tới tận bây giờ vẫn còn kể về chuyện này.
Hắn bị tước quyền học sinh một tuần, khi ông bố hắn đến theo giấy mời của ban giám hiệu, thậm chí không cần hỏi đầu đuôi câu chuyện thế nào, đã làm một trận lôi đình trong phòng hiệu trưởng, đến nỗi mọi người buộc phải gọi công an đến.
Bố của Jakub không có một căn cứ nào khác, chỉ duy nhất một cái đó.
Jakub của ông.
Ông tự hào về hắn đến mức gần như bay khỏi mặt đất.
Cho đến bây giờ vẫn không ai biết mọi chuyện đã diễn ra như thế nào, nhưng ngày hôm sau hiệu trưởng đã chính thức xin lỗi Jakub vào giờ điểm danh, còn thầy dạy lý thì chuyển trường hai tuần sau đó.
Những con đường của họ tách ra sau ngày ra trường, anh ở lại Gdansk, còn Jakub tết nghiệp đại học toán và đồng thời triết học ở Wroclaw.
Thỉnh thoảng anh lại nghe được những thông tin ít ỏi về hắn: rằng hắn giành huy chương Olimpic tiếng Anh toàn Ba Lan, rằng hắn học cùng lúc hai khoa, rằng hắn làm tiến sĩ ở Mỹ.
Một ai đó đã có lần nói với anh là hắn bị gạch tên ở trường đại học. Nhưng anh không tin.
Sau đấy thì con gái của vợ chồng anh bị ốm và thế giới như sụp đổ.
Nó tên là Ania, mới lên tám, là tình yêu lớn nhất và duy nhất của anh, nó bị bệnh máu trắng và chỉ sau vài tháng nó sẽ chết.
Anh bắt đầu uống, để có thể chịu đựng.
Anh khóc và uống, càng uống nhiều, càng khóc nhiều. Nhưng không hao giờ anh khóc trước mặt Ania.
Anh không còn tin vào Chúa nữa.
Không thể có Chúa. Bởi nếu có, thì có nghĩa là Người hoặc rất xấu, hoặc bất lực, hoặc đồng thời cả xấu cả bất lực. Thậm chí ngay lúc này anh cũng không thể tin vào điều này, vậy thì anh loại trừ khả năng tồn tại của Người.
Họ đưa con bé đi tất cả các bệnh viện ở Ba Lan. Ania bị mắc bệnh ngừng phát triển, tủy sống mất đần. Cứu cánh duy nhất là ghép tủy, nhưng thời đó ở Ba Lan chưa có ai làm việc này. Một lần, do tình cờ, khi đặc biệt tỉnh táo, anh được biết rằng ở Mỹ người ta làm được việc đó. Anh biết rằng việc phẫu thuật sẽ tốn kém không thể tưởng tượng nổi, mặc dầu vậy anh vẫn bắt đầu tìm kiếm. Anh được biết là Jakub đang làm tiến sĩ ở New Orleans và thông qua trường của hắn ở Wroclaw anh đã có được số điện thoại của hắn. Hai tuần liền anh đắn đo, gọi hay không gọi.
Một lần, say và can đảm, anh đăng ký cuộc gọi. Mãi ngày hôm sau mới được kết nối, khi anh đã tỉnh táo và nói chung là không nhớ đêm qua mình lại can đảm đến thế.
Tuy nhiên anh nhớ lại là mình muốn nói với Jakub về Ania.
Jakub nghe rất nghiêm túc. Hắn đột ngột yêu cầu tất cả các thông số của Ania, các thông tin về tuỷ sống, về quá trình hóa trị liệu, về tình trạng của mạch bạch huyết. Có vẻ như hắn biết hết về bệnh máu trắng và ghép tủy.
Điều này làm anh ngạc nhiên. Nhưng chỉ thoáng qua. Anh nhớ lại là bao giờ Jakub cũng biết hầu như tất cả.
Hắn hỏi không chút cảm xúc. Thậm chí không cả nói mình rất buồn về bệnh tình của Ania. Hắn xin số điện thoại của anh và bảo sẽ gợi điện sau hai tuần, và cúp máy không một lời tạm biệt.
Anh thậm chí không chờ đợi cú điện thoại này.
Trong vô vàn những lời hứa suông mà họ đã vấp phải, và những hy vọng hão mà mọi người đã tạo nên cho họ, thì thêm một hy vọng này nữa đâu có nghĩa lý gì. Đơn giản vì khi đó Jakub là địa chỉ duy nhất ở Mỹ mà anh biết và anh nghĩ rằng riêng việc đã nhờ hắn giúp đỡ cũng đủ để anh thấy lương tâm thanh thản.
Khi hắn gọi điện là gần trưa chủ nhật.
Jakub.
Không bao giờ anh quên được cuộc nói chuyện ấy:
- Ông đã uống rồi cơ à? - hắn hỏi.
- Chưa... vì hôm nay tôi phải vào bệnh viện với Ania – anh trả lời.
- Thế thì tốt rồi. Bây giờ thì ông nghe thật kỹ nhé. Ông lên ôtô và đến sân bay Warszawa. 20 giờ 30 máy bay của LOT từ New York sẽ hạ cánh, trong đó có một người, người này sẽ đưa cho ông một thư bảo lãnh viết tay, nhận Ania vào Đại học Tổng hợp Tulane ở New Orleans để làm phẫu thuật ghép tủy, một giấy hẹn cấp viza cho Ania ở đại sứ quán Mỹ tại Warszawa và số đặt chỗ chuyến bay cho Ania đến New York vào thứ sáu. Tôi đã đặt cho con bé hai chỗ hạng business. Ông sẽ nhận tất cả những thứ này từ người kia và vé tại LOT ở Warszawa vào sáng thứ hai. Thứ ba, ông phải bán ôtô, đưa một ít hối lộ cho phòng hộ chiếu để giải quyết sao cho con bé có được hộ chiếu vào thứ tư. Thứ năm ông đến sứ quán lấy viza, còn thứ sáu thì đưa Ania lên máy bay. Tôi sẽ đón nó ở New York và đưa về chỗ tôi ở New Orleans. Đã có người cho tuỷ. Tôi đã giải quyết xong mọi chi phí cho cuộc mổ này, vậy ông đừng có làm hỏng việc đấy. Tối thứ ba tôi sẽ gọi cho ông - hắn nói và cúp máy.
Còn anh thì đứng như trời trồng và cứ giữ cái ống nghe ấy rất lâu và kiểm tra lại xem mình có nhớ hết không, nước mắt chảy xuống má cho dù anh hoàn toàn chưa say...
Tất cả đã diễn ra đúng như Jakub nói. Duy có hộ chiếu là do vợ anh khóc lóc mà có được chứ không cần phải hối lộ gì hết.
Tuy nhiên đằng nào họ vẫn phải bán ôtô. Để trả một khoản tiêu cực khác: giải quyết việc chở Ania bằng máy bay lên thẳng từ bệnh viện ra sân bay Warszawa. Sáng thứ sáu, họ đứng trên sân thượng của Okecie, nắm tay nhau và nhìn cái máy bay ấy cất cánh.
Jakub gọi điện từ New York thông báo rằng Ania đã đến nơi may mắn và con bé rất dũng cảm. Sau đấy thì hắn gọi hàng ngày.
Vợ anh gần như phát điên lên. Cô ấy xin nghỉ phép để lúc nào cũng ở gần điện thoại. Cô ấy cấm mọi người gọi đến vì sẽ "chiếm đường dây". Còn khi điện thoại yên lặng quá lâu thì cứ chốc chốc cô ấy lại nhấc máy lên để xem nó có bị hỏng không. Hầu như cô ấy không ra khỏi nhà, không ngủ vì sợ rằng mình sẽ không nghe thấy tiếng chuông điện thoại.
Anh uống liên tục.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 30-12-2007, 02:45  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Sau năm tuần thì họ đi Warszawa để đón Ania. Họ đã biết là Ania sẽ sống.
Tối hôm ấy họ về nhà mệt mỏi sau chuyến đi, và Ania lại ngủ trong căn phòng của nó, hai vợ chồng vào phòng con bé, quỳ xuống bên giường, ôm nhau nhìn con và khóc.
Anh biết rất rõ rằng trong giây phút ấy, cả hai đều cảm thấy cùng một điều: lòng biết ơn trọn vẹn và lớn lao vô hạn. Lòng biết ơn giành cho một người khác.
Anh chợt nghĩ rằng, dù sao Chúa vẫn tồn tại. Người chỉ đi vắng trong một khoảng thời gian nào đó mà thôi.
Anh không thể hình dung được, lòng biết ơn không bày tỏ được có thể trở thành một gánh nặng như thế nào. Tối hôm ấy họ chờ điện thoại của hắn, họ muốn nói với hắn một điều gì đất. Cái gì cũng được, miễn là chứa trong nó lời cám ơn.
Nhưng hắn không gọi.
Cả tối hôm ấy, cả suốt hai năm sau đó hắn không gọi. Hắn vốn vậy.
Và khi đó tối hôm ấy, anh thử gọi cho hắn. Anh đăng ký cuộc gọi và nói rằng anh muốn được kết nối ngay lập tức, phải trả bao nhiêu cũng được. Họ nói rằng đây là ở Mỹ, rằng anh cần phải hiểu, rằng họ sẽ kết nối cho anh, nhưng nhanh nhất cũng phải sau mười tám tiếng.
Tối hôm ấy họ đã quyết định phải đi khỏi đất nước này.
Và giờ đây khi mọi người hỏi tại sao họ lại rời Ba Lan thì anh nói rằng anh đi vì anh đã không thế bày tỏ được lòng biết ơn, còn mọi người thì cười và không tin anh.
Nhưng đấy là sự thật, toàn bộ sự thật.
Chuông điện thoại bứt anh ra khỏi dòng suy nghĩ. Lần này thì là bà xã.
- Anh có biết rằng, đồ quỉ quái, ở Hamburg bây giờ đã là chủ nhật?- cô ấy bắt đầu.
Anh không để cho cô ta nói hết.
- Jakub vừa gọi, hắn cần anh giúp - anh nói.
- Jakub...?
Im lặng mấy giây, cô ấy hỏi:
- Em có phải đến để giúp anh không?
Anh cười, chợt ngạc nhiên vì câu hỏi ấy.
Không, em không thể giúp được anh đâu. Đừng khóa cửa nhé để lúc về anh không làm Ania thức giấc.
- Tất nhiên rồi. Với lại đằng nào thì cho đến lúc anh về em cũng không ngủ được. Jacek, anh phải cố giúp anh ấy đấy nhé.
Đương nhiên là anh sẽ giúp! Anh sẽ giải quyết cái máy chủ này sao cho không phải đứng dậy!
Kể cả lúc này anh phải đi Poznan và lấy búa đập tan nó ra hoặc là phải lấy dao cạo mà nạo cái e-mal ấy ra khỏi mấy cái ổ cứng.
Anh biết là mình sẽ không phải đi đâu hết. Anh chợt cảm nhận được thách thức này. Giống như cái lần vừa mới đến Đức vẫn còn đang là sinh viên ở Frankfurt trên Men, cùng với các hacker giống như anh họ đã giải quyết những cái máy tính của IBM ở Heiderberg hoặc là họ đã thử đột nhập vào trung tâm Commerzbank. Sáng hôm sau anh cười khúc khích đầy tự hào khi đọc báo về "một cuộc thử đột nhập không thành vào trung tâm máy tính ở..." và ở chỗ này họ đưa ra tên một viện quan trọng nào đấy: Anh biết là đến tối anh sẽ phải giải thích cho người yêu rằng cuộc thử không thành công có nghĩa là máy tính vẫn còn đó, còn cuộc thử thành công thì sẽ có nghĩa là nó đã cháy trụi.
Đó là cool và nó tác động giống như heroin. Chỉ còn lại rất ít từ cái thời xa xưa ấy: một vài tình bạn được sống lại bằng những tấm bưu thiếp nhân dịp lễ tết, một vài mẩu báo đã ố vàng, những kỷ niệm.
Nhưng cũng có cả những cuốn sổ ghi mật khẩu, những mật khẩu giúp anh có thể thâm nhập vào hầu như tất cả các máy tính ở Đức.
Anh pha một cốc cà phê nữa rồi bật máy tính.
Đầu tiên, anh làm quen với máy chủ ở Poznan.
Ngay lập tức anh nhận ra rằng nó được bảo vệ trước những cuộc tấn công từ bên ngoài bằng firewall, một chương trình bảo vệ chọn lọc, có vai trò như một người lính canh điện tử đặc biệt, và... anh phấn khởi. Anh sẽ không cảm nhận được thành công, nếu mọi việc quá dễ dàng.
Sau đấy anh tìm trong sổ những mật khẩu mà bạn bè đã cho để vào được cray của các trường Đại học Tổng hợp ở Munich, Berlin và Stuttgat. Không có loại máy tính nào nhanh hơn cray. Cái đất nước giầu có này chỉ có bốn cái như thế kể cả cái ở đây ở Hamburg mà anh vẫn làm việc với nó.
Anh đồng thời nhập hệ trên ba cái trong số đó.
Anh khởi động viên ngọc của mình cùng lúc trên tất cả các máy. Đây là chương trình do anh tự viết và nó đã làm một việc tuyệt hảo: anh viết ẩn danh. Đơn giản là anh thay đổi địa chỉ phiên của mình ở Berlin, Munich và ở Hamburg này thành không hiện hành. Kể cả nếu cái firewall thông minh của họ ở Poznan có nhận ra cuộc tấn công khởi nguồn từ đâu thì đằng nào họ cũng chỉ nhận được một cái địa chỉ có phố không tồn tại trong một thành phố không tồn tại ở một nước không tồn tại.
Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, và anh đã sẵn sàng.
Anh châm thuốc, ra bếp lấy bia trong tủ lạnh, nhìn đồng hồ và phải nói rằng đã muốn làm "nổ tung" luôn cả ba chương trình: ở Hamburg này, ở Berlin và Munich. Anh biết rằng ngay cả máy chủ ở Pentagon cũng không thể chịu nổi một vụ tân công như thế này. Kế hoạch rất đơn giản. Anh tấn công từ đây, từ Hamburg, hoàn tất trên cái cray ở Munich, còn sửa từ Berlin.
Bởi nó gần Poznan nhất - anh cười thầm.
Trong khoảnh khắc ấy, anh hiểu rằng mình thanh toán cả cái máy tính chỉ cất để hủy một cái mail duy nhất. Bỗng nhiên anh nảy ra một ý muốn không thể cưỡng nổi là thử xem trong đó là cái gì. Đây hẳn phải là một cái gì đó rất khác thường.
Anh quyết định, với lương tâm của mình, rằng vì điều tốt cho vấn đề, vì điều tốt cho khoa học, anh có quyền xem bức mail đó trước khi hủy.
Anh dừng việc tấn công, khởi động chương trình bẻ khóa hộp thư, và mail là của hắn.
Anh uống một ngụm bia rồi bắt đầu đọc.
Anh đọc và cảm thấy cả người mình run lên.
Anh đã không linh cảm được rằng lại có một khi nào đó anh được đọc một bức thư đẹp đến vậy về tình yêu, nỗi nhớ, sự thất lạc, lòng ghen, sự không chung thủy và sự trừng phạt vì tội …
Cô ấy phải là một hiện tượng khác thường, không lặp lại như thế nào đấy một khi Jakub đã viết một bức thư như thế.
Anh ghen với hắn.
Anh lại nhớ về trường. Sự kiện từ cái thuở Jakub vẫn còn là một "thằng nhỏ".
Bọn chúng phải viết một bài về đế tài Tạm biệt Maria của Borowski. Còn mười lăm phút nữa thì hết tiết học, bỗng nhiên cô giáo nhớ ra là mình vẫn chưa kiểm tra các bài làm đó. Cô gọi Jakub. Tất cả thở phào nhẹ nhõm, còn hắn bắt đầu đọc. Hắn viết về cái chết, về nỗi đau khổ, về sự tồn tại, về sự qua đi về phẩm giá con người hay và xúc động đến nỗi cô giáo đã phải khóc. Không tự chủ nổi, cô phải bỏ ra ngoài khi hắn chưa kết thúc, còn hắn, không để ý đến điều đó, vẫn đọc tiếp. Tất cả đờ người ra nghe trong một sự im lặng như thể cô giáo chưa từng bao giờ có mặt trong lớp.
Và cả sau đấy nữa, không bao giờ.
Chuông hết giờ đột ngột vang lên, nhưng không ai đứng dậy. Jakub đọc xong và lặng lẽ ngồi xuống, trong khi tất cả những đứa khác ra khỏi lớp trong khoảng thời gian giải lao còn lại và không đứa nào dám nhìn vào mắt hắn, vì đứa nào cũng xấu hổ với sự mềm yếu mà mình vừa tỏ ra.
Bởi hắn lúc nào cũng vẫn là cái thằng Jakub nhỏ nhất hướng ấy.
Chỉ có anh, Jacek là ngồi xuống cạnh hắn một lúc, vỗ vai hắn và nói:
- Iakub, đừng ngại. Không chỉ có cô giáo đâu. Cả tớ cũng khóc đấy
Đã đến lúc.
Đầu tiên anh khởi động chương trình ở chỗ mình, sau đó ở Munich và cuối cùng là ở Berlin.
Anh chờ mất mấy phút và thử kết nối với máy chủ ở Poznan. Anh cười mãn nguyện.
Máy chủ ở Poznan đã không còn.
Có nghĩa là vẫn còn, nhưng chỉ là một đống silic vụn.
Anh chọn số nhắn tin của Jakub trên trang web cho phép gìn thẳng tin nhắn từ Internet, và viết:
Poznan không còn nữa. Chắc chắn cô ấy sẽ không bao giờ đọc được cái mail ấy. Jacek.
Anh gửi tin nhắn và nghĩ rằng tuy nhiên Jakub không phải từ cùng một cuốn sách ấy.
Anh tắt máy tính, uống nốt chỗ bia và chậm rãi ra thang máy.
ANH: Từ hơn chục giờ đồng hồ nay anh ngồi trong phòng làm việc ở Munich. Chi có tiếng gõ bàn phím máy anh làm xáo động sự yên tĩnh. Đã bước sang ngày chủ nhật.
Anh đợi.
Cố tập trung vào bài mà anh vừa tìm được trên mạng. Anh cho rằng điều đó sẽ xua đi nỗi lo âu trong mình.
Song nỗi lo âu không mất đi. Nó chuyển thành nỗi sợ hãi.
Anh sợ rằng sẽ mất cô vĩnh viễn khi cô đọc cái e-mail mà anh gửi cho cô. Anh viết nó ở tâm điểm bùng nổ của ghen tuông, thất vọng và nhớ.
Cho tới lúc ấy anh vờ như không ghen hoặc giấu đi sự có mặt của nó. Anh học điều này rất lâu, và việc họ không gặp nhau đã giúp anh. Những cái kiểu như nét mặt, ánh mắt nhìn, tâm trạng, giọng nói, vê bối rối hoặc sất ruột không bị cô thu nhận. Cảm xúc chỉ được biểu lộ duy nhất qua những dòng chữ, mà trong trường hợp của họ thì như vậy dễ kiểm soát hơn.
Đôi khi anh phân vân, phải chăng chính khả năng chỉ sử dụng duy nhất chữ viết này là điều lâm người ta hài lòng , trong những mối quan hệ trên mạng như thế này. Một số người nghĩ ra những điều dối trá đầy tính thuyết phục, nhưng họ biết rằng họ không bao giờ nói ra những điều ấy, bới chỉ cần giọng nói run run hay khuôn mặt ửng đỏ cũng khiến chúng trở thành không thể tin được. Cả các tác giả ẩn danh cũng biết rất rõ về điều này.
Cô có thể thu nhận được tất cả những gì anh viết, và nhiều nhất thì cũng chỉ có thể khuyếch đại chúng bằng trí tưởng tượng của mình. Thậm chí cả khi cô cảm nhận được nhiều hơn là anh mong muốn, thì cũng không thể nhận ra sự ghen tuông trong những con chữ của anh.
Cô không thể, đó chính là thành công của anh và anh đã phải trả giá khá nhiều. Bởi chỉ thực tế là cô không chỉ thuộc về riêng anh, gần đây đã làm anh như mất trí. Vậy mà mới chỉ cách đây không lâu anh còn cho rằng ý nghĩ tối tối cô lên giường với một người đàn ông khác không làm anh đau đớn. Anh cho rằng cái gã có cô như của riêng chỉ khi nào hắn muốn, giống như là một đoạn tiểu sử đã xảy đến với cô, khi mà anh, Jakub chưa có mặt trong cuộc đời cô. Đơn giản là người đàn ông ấy đã đến với cô trước một thiên thạch lớn là anh, Jakub, đương nhiên.
Anh tin là người đàn ông đó sẽ nhanh chóng biến mất. Như loài khủng long.
Khủng long cũng chỉ bị tuyệt chủng sau vụ va chạm với thiên thạch hay sao chổi một thời gian nào đó chứ đâu phải ngay tức thì. Chủ yếu do bóng tối bao trùm lên trái đất. Vụ va chạm khiến cho trái đất bị phủ một đám mây bụi không cho ánh sáng mặt trời xuyên qua. Bụi làm cho thảm thực vật không sinh trưởng được, và điều này dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long ăn thực vật. Sau chúng là tất cả các loài khủng long ăn khủng long khác.
Anh đã tự giải thích cho mình như vậy sau khi uống hết chai chianti thứ hai, rằng gã khủng long-chồng cô sẽ hệt giống, thậm chí kể cả gã có ăn uống lành mạnh và chỉ ăn toàn rau đi chăng nữa. Ngoài chuyện đơn giản là sẽ không có gã, điều này còn góp phần vào sự tiến bộ chung.
Khủng long cũng chỉ là một thứ hành lý quá tải vô bổ của nền văn minh. Chương trình gien của chúng - gần như chắc chắn rằng những biến đổi gien ở loài khủng long sẽ không bao giờ xuất hiện nữa - đã hoàn tất, điều này cảnh báo rằng trên hành tinh này sẽ không bao giờ có người nữa.
Và cả Internet cũng không có nữa.
Nhưng may mắn thay, đã không xảy ra như vậy. Thiên thạch va vào và khủng long chết, nhường chỗ cho loài chuột. Những tạo vật siêu thông minh sống trong hang và quen với cái bóng tối đã hủy diệt loài khủng long hiệu quả ấy đã ra ngoài và bắt đầu tiến hóa.
Liệu anh cũng là một con chuột như vậy? Không. Anh chắc chắn là không!
Với lại giả thuyết với thiên thạch chỉ là một trong rất nhiều giả thuyết khác. Đã có những lúc anh không nhất trí với nó. Tất cả tùy thuộc vào việc anh uống bao nhiêu vang.
Ngoài ra anh muốn được ưu tiên hưởng độc quyền quan trọng hơn nhiều.
Độc quyền đối với ý nghĩ của cô.
Anh muốn cô chỉ nghĩ đến anh khi trải qua niềm vui, khi đưa ra những quyết định, khi xúc động hay mơ mộng. Chỉ nghĩ đến anh khi nghe những bản nhạc yêu thích, những khi cười đến chảy nước mắt vì tếu hay khóc vì câm động trong rạp chiếu phim. Anh muốn cô nghĩ đến anh khi chọn đồ lót son tô môi, nước hoa hay màu nhuộm tóc. Để cô chỉ nghĩ đến anh trên đường phố khi ngượng ngùng quay mặt trước cảnh một đôi đang hôn nhau. Anh muốn là ý nghĩ duy nhất của cô mỗi sáng khi thức dậy, và mỗi tối khi chân vào giấc ngủ.
Mặc dù không đủ can đảm để hỏi, nhưng anh chắc là cô thủ dâm.
Cô quá hiểu biết để không làm việc đó.
Chỉ có những người đàn bà thủ dâm mới biết rõ cái gì kích thích họ và biết nói lên nhu cầu ấy. Hơn nữa, hành vi thủ dâm là phần thêm vào duy nhất cho hành vi thực thụ có vị trí trong não. Bụng dưới chỉ là một sân khấu để người ta biểu diễn cái đó. Anh dám chắc rằng cô thủ dâm khi nghĩ đến anh. Vâng, đây chính là sự độc quyền ấy: hiện hữu trong não cô và trong các ngón tay cô - vào thời điểm như vậy.
Nói chung, liệu có thể gần người đàn bà hơn khi người ấy giải tỏa những bức xúc của trí tưởng tượng của mình và biết rằng mình không phải, tuyệt đối không phải giả vờ bất cứ cái gì và trước bất cứ ai?
Thậm chí nếu không phải là anh hôn lên phần bụng ấy, thì đó vẫn cứ là sân khấu của anh.
Mặc dầu vậy càng ngày anh càng hay cảm thấy rằng như vậy với anh chưa đủ. Gần đây, trong những lần nói chuyện với cô trên ICQ, cả trên e-mail nữa, anh nhận thấy là cô đã tìm thấy modus vivendi [1] của mình và học cách sống, theo anh, thân thiết và thuận tiện giữa hai người đàn ông: chồng cô và anh. Mỗi người trong số họ cho cô một kiểu cảm giác khác, nhưng kết quả là, vì đã quá quen với thực tế là anh vượt qua được sự ghen tuông hoặc là không để cô nhận thấy, cô đã không còn giấu giếm rằng tình huống ấy không làm cô phiền lòng, lo lắng, bực mình hay thất vọng nữa.
Anh có thể hỏi cô, thực tế có đúng như vậy không. Song anh đã không làm điều đó vì sợ rằng cô sẽ trả lời thẳng. Anh sẽ rơi vào bẫy của chính mình: niềm kiêu hãnh đàn ông cộng với sự nhạy cảm rồi sẽ như một vết thương trong lòng bàn chân, nó bỏng rát vì đi lại. Mà anh thì phải đi lại.
Thế mà, thứ sáu, cô gửi cho anh tấm ảnh ở bữa tiệc cuối cùng do công ty ông chồng tổ chức và khi anh nhìn thấy cô trong vòng tay ông ta thì toàn bộ cái mô hình độc quyến đã đổ sụp như một ngôi nhà giấy. Anh bỗng hiểu ra rằng chính người đàn ông trong tấm ảnh mới hiện hữu trong cô, bằng những ngón tay, bằng lưỡi và bằng "cái ấy", và rằng cô, ở bên cái gã trong ảnh đó sẽ thì thầm, sẽ ướt và thậm chí có thể rên lên vì sung sướng nữa. Anh đập cái ý nghĩ ấy vào giữa vết thương và anh đã viết và gìn thư cho cô trong nỗi đau sau cú đập ấy.
Khi nỗi đau qua đi, anh sôi lên vì xấu hổ. Cái mà anh làm thật mâu thuẫn với toàn bộ triết học của anh, thứ triết học mà anh đã hăm hở giảng cho cô đến thế và cô cũng hăm hở tranh luận với anh đến thế để thất bại đến thế. Bởi chẳng có ai khác ngoài anh lúc nào cũng thuyết phục cô, rằng ví dạ sự liên tưởng thông thường tình yêu với hành vi về thực chất là rất tầm thường và hài hước rằng việc ai đó cho một cái gì đó vào một chỗ nào đó của ai đó, chỉ khiến anh buồn cười rằng khi cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước vấn đề này, thì khó mà không nhận thấy rằng sự tầm thường của hành vi này vẫn cứ áp đảo. Bởi làm gì có ai khác ngoài anh lúc nào cũng thuyết phục cô rằng anh sẽ tìm lại được nhiều tình yêu hơn nhiều trong dòng năng lượng bất chợt giữa các đồng tử.
Và sau tất cả những điều đó, cô sẽ phải đọc cái mail đầy nước mắt về một con đực nữa, một con đực bị đau thần kinh tim và tiền liệt tuyến vì ghen?!
Anh bỗng cảm thấy có tiếng rung. Đó là máy nhắn tin trong túi anh. Anh lấy máy ra và đọc tin nhắn từ Hamburg.
Thành công rồi!
Cô sẽ không đọc được cái thư ấy.
Việc Jacek biết về cô không khiến anh đặc biệt e ngại. Thứ nhất anh tin vào sự thận trọng tuyệt đối của Jacek, thứ hai, anh đã biết rõ rằng Jacek sẽ nhìn thấy thứ này ở Poznan. Và sẽ đọc trước khi hủy.
[1] Modus vivendi: từ La tinh, chỉ trạng thái tức thời.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 30-12-2007, 02:45  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Bao giờ Jacek cũng có ý thức đặc trưng và kiên định về tính chân thật và lòng trung thành. Bời cậu ta có thể không cần phải nói là mình biết nội dung bức thư ấy. Với Jacek, đọc một bức thư lạ là okay, nhưng không nói ra điều đó lại là lừa dối và ăn cắp.
Vậy nên cậu ta đã nói.

Jacek ...
Cuộc đời của họ được đan bện vĩnh viễn và không thể tách rời bới một bi kịch rất khác thường. Gần đây anh hay nghĩ về những sự kiện xưa kia. Một vài nỗi xúc động mà gần đây cô đã gây nên trong anh, chúng như những defa vu [1] và của cái mà anh đã trải qua mấy năm trước đây ở New Orleans. Anh còn nhớ cú điện thoại vào cái đêm hôm ấy như thể chỉ vừa mới hôm qua, mà chuyện thì đã qua đi hơn chục năm rồi.
Đã là cuối tháng thứ tám của đợt thực tập khoa học của anh tại Đại học Tổng hợp Tulane ở New Orleans. Từ mấy tuần trước, anh luôn ở trong trạng thái ngây ngất về cảm xúc cũng như trí óc. Công trình mà anh đang tiến hành và cũng là tư liệu cho luận văn tiến sĩ của anh đã bước vào giai đoạn quyết định. Hai mươi người của một số trường đại học trên toàn nước Mỹ độc lập viết các modun cho một chương trình độc nhất về sắp xếp chuỗi ADN nhằm xây dựng bản đồ gien cá biệt của vi khuẩn gây bệnh sất Richettsia. Công trình là rất táo bạo và thu hút nhiều người nước ngoài. Những người này làm thành một nhóm các chuyên gia máy tính bị thôi thúc bởi tính tò mò, nhiệt tình và khát khao được trải nghiệm những phiêu lưu khoa học cực kỳ hiếm khì xảy ra. Dự án, nếu thành công, sẽ mở ra con đường để bắt đầu những công trình xây đựng bản đồ gien người. Cái mô hình cá biệt ấy của con người được ghi trên một thang xoắn thành chuỗi xoắn kép ADN mà ai ai cũng biết.
Anh là một trong số những người muốn thử tạo nên mô hình ấy.
Một nghiên cứu sinh nhỏ thó từ Ba Lan, với mặc cảm tự ti trước thế giới được hình thành từ hiện thực xã hội chủ nghĩa và được che đậy một cách bài bản và toàn diện của một nhà khoa học hạng hai, bỗng nhiên được có mặt trong nhóm để chơi trận chung kết tuyệt đối cúp siêu hạng thế giới. Huấn luyện viên là một người của Harvard đoạt giải Nobel, tiền nhiều như tuyết của dân Eskimo và tất cả đều muốn chơi trận đấu để đời của mình.
Hồi đầu, mọi người trong nhóm chỉ biết là anh đến từ một nước có rượu vodka khá ngon và có cái họ rất khó đọc cửa một anh thợ điện hoạt khẩu.
Họ cho anh, điều này thì họ không hề nói, ba tháng để thể hiện những gì anh biết. Họ quan sát anh.
Sau ba tháng, một hôm chuông điện thoại trong phòng làm việc của anh reo và Janet, cô thư ký, bằng giọng nói rất sexy của mình mà anh còn nhớ cho đến tận bây giờ, thông báo anh có điện thoại của giáo sư phụ trách nhóm từ Harvard. Anh vội đứng dậy khỏi ghế khi họ bắt đầu nói chuyện. Giáo sư cứ hỏi đi hỏi lại anh rằng liệu anh "có thời gian" và liệu vấn đề có phù hợp với mối quan tâm của anh. Anh chỉ nhớ là bị chấn động bởi niềm vui, anh cứ áp sát ống nghe vào miệng khi họ kết thúc cuộc đàm thoại, và anh được biết rằng "sau mười lăm phút nữa họ sẽ gửi qua Internet cho anh mật khẩu để mở khóa vào chương trình sắp xếp dãy AND" và rằng "ngày kia, anh phải có mặt ở New York trong cuộc họp của cả nhóm chúng ta".
Giờ đây thì anh biết rằng cuộc nói chuyện trong vòng mấy phút ấy đã thay đổi cuộc đời anh.
Sau cuộc nói chuyện ấy, anh cũng nhận thấy ở tỉnh, lần đầu tiên, một nguyên tắc bất thường nào đó. Niềm vui và sự phấn khởi về mình khi vượt quá một giá trị ngưỡng nào đấy - sau cuộc nói chuyện kia thì đúng là như vậy - tạo nên trong anh sự hưng phấn tình dục cực mạnh. Khi kết thúc cuộc nói chuyện với vị giáo sư kia, anh không đủ cực kỳ hạnh phúc và cực kỳ tự hào về mình, mà còn bị cực kỳ cương cứng. Đây hoàn toàn không liên quan gì đến việc đã mấy tháng anh không hề đụng tới một người phụ nữ nào. Thực ra thì anh nhớ là sau mấy tháng độc thân tuyệt đối ấy, ra đường anh ngoái cổ trông theo tất cả những gì đi lại và có ngực, nhưng trong trường hợp này phải loại trừ nguyên nhân đó. Anh biết chắc thế, trời sau này hiện tượng này vẫn xảy ra thậm chí cả khi niềm vui và niềm tự hào về mình vượt quá giá trị ngưỡng đến với anh chỉ vài giờ sau khi anh "làm việc" đầy thỏa mãn nhưng mệt lử.
Anh đã đọc tất cả về cơ cấu cương cứng ở đàn ông, anh biết rằng khởi đầu của hiện tượng này là sự gia tăng nồng độ ôxit nitơ trong máu, anh đọc về các chất ức chế enzym PDE5, về việc làm đầy và xả trống các thể hang, về các xi lanh cGMP, và về các chứng minh khoa học tương tự vô cùng nghiêm túc và thông minh. Anh có thể hiểu rất rõ rằng, anh có thể bị cương cứng vào ban ngày, khi đi hơi lâu theo những bậc thang dốc, phía trước là Janet, để đến nhà ăn của Viện ở Bruff Commons ăn trưa, quan sát cặp mông của cô không bao giờ bị vướng víu bới bất cứ thứ đồ lót nào trong chiếc quần da bó sát đến cực điểm. Song điều đó lại không thể giúp anh hiểu được, vì sao anh lại "bị" cả khi đọc các bài báo của những vị rất quan trọng được viết trên cơ sở những bài công bố của anh - mặc dù ngoài mấy cuốn tạp chí Playboy được giấu sâu trong ngăn kéo, phía dưới đám giấy má, tuyệt đối không có cái gì mang tính kích thích tình dục dù một chút trong cái phòng làm việc trống trải và ngột ngạt của anh. Rõ ràng là sự khát khao được thán phục và sự khát khao đàn bà gây nên trong anh những phản ứng y như nhau. Khi phân vân trước điều này, anh ít ngạc nhiên hơn. Lịch sử của những thảm kịch do những người đàn ông chiếm đoạt được những người đàn bà mà họ khao khát gây ra cũng dài và tàn nhẫn như danh sách những bất hạnh do những người chiếm đoạt sự thán phục bằng mọi giá gây ra.
Anh cũng nhận thấy là sự cương cứng do ngắm nhìn cặp mông của Janet và sự cương cứng do kiêu căng hầu như là giống nhau về độ mãnh liệt cũng như sức mạnh của bức xúc nội tâm gây nên cương cứng. Sự khác biệt duy nhất ở đây là, Janet có thể làm cho nó mạnh hơn lên khi nói bất cứ điều gì trong lúc ăn. Vì Janet có giọng nói có thể làm tăng nồng độ ôxit nitơ trong máu lên đến mức các mạch máu phải sủi bọt. Hầu như chẳng bao giờ cô nàng nói những điều thông minh hay thú vị. Mà điều đó đâu có quan trọng. Đơn giản là Janet biết đưa dây thanh quản của mình vào chế độ rung và khuyếch đại nó bằng vận động của lưỡi và môi, nhưng tuyệt nhất là khi môi cô nàng bị cắn trong những sự kiện của đêm hôm trước hoặc là tô son đỏ nổi bật; Janet luôn cố giữ sao cho bao giờ cũng có một trong hai điều kiện trên được thỏa mãn. Những rung động không nhất thiết phải được sắp xếp thành những từ hay câu có nghĩa nào. Và mặc dù Janet thuộc nhóm những phụ nữ chuyên trị nhầm ôtô có động cơ phóng với ôtô có động cơ nạp, thì anh vẫn cứ thích nghe cô nói.
Nhất là khi cô nàng nói về sự phóng bằng cái giọng ướt át của mình.
Anh nhớ rằng khi ấy, sau khi nói chuyện với giáo sư, sự cương cứng của anh mãnh liệt đến mức anh cảm thấy đau một cách vật lý và thực thụ. Anh cũng nhớ là mình đã khóa trái cửa, gọi điện cho Janet với bất kể lý do gì, chỉ cất để được nghe giọng nói của cô nàng và thủ dâm: Janet kể một câu chuyện ngớ ngẩn nào đó qua điện thoại, anh tay trái bịt ống nghe để cô nàng không nghe thấy những gì đang diễn ra ở chỗ anh, còn tay phải thì làm việc đó. Khi anh kết thúc, Janet vẫn tiếp tục nói, còn anh sợ hãi nhận ra rằng mình đã xuất tinh trong lúc hình dung ra bản đồ gien của một loại vi khuẩn nào đấy gây ra bệnh Richettsia.
Đôi khi anh phân vân, không biết sự hư đốn kia có phải là kết quả của một sự sắp xếp gien nào đó của chuỗi xoắn kép không.
Nếu đúng, thì sự sắp xếp của anh không đến nỗi tồi tệ lắm. Anh biết nhiều trò hư đốn thuộc đề tài này còn tồi tệ hơn nhiều.
Một lần, say mê câu chuyện của Proust, anh quyết định phải biết thêm nữa trong bản thân con người này. Những gì anh đọc được đã gây sốc. Cậu con trai nhà quí tộc còi cọc, ẻo lả lúc nào cũng ốm đau, ho hen, bị hưng phấn mạnh, nhạy cảm một cách bệnh hoạn và luôn đòi hỏi sự chăm sóc của phụ nữ ấy cho dù chẳng gây được ấn tượng gì mạnh đối với phụ nữ, những tự thú nhận là đã thủ dâm tương đối đều đặn. Chủ yếu là nhìn trộm những thằng con trai mới lớn đang cởi quần áo trước khi đi ngủ. Thỉnh thoảng kể cả việc đó cũng không đủ làm hắn thỏa mãn, hắn lệnh cho người hầu mang vào phòng ngủ cái lồng có hai con chuột được che bằng khăn lụa đen. Một con to đại bị bỏ đói, con thứ hai bé và lười biếng vì ăn quá no. Proust bỏ khăn che lồng ra và khi con chuột to nhai con bé thì... hắn thủ dâm. Phản xạ đầu tiên của anh là ghê sợ. Sau đó, khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, anh quyết định đọc lại hết những cái Proust viết. Mối ác cảm biến mất.
Một kiểu sắp xếp khác hẳn phải thuộc về John Fitzgerald Kennedy, tổng thống Mỹ, đẹp trai, rất được phụ nữ yêu, với cái chết ngoạn mục ở Dallas đã trở thành bất tử. Từ những hối ức về ông người ta đã đưa ra hình ảnh về một người nghiện tình dục với những sở thích tình dục hết sức tinh vi. Kennedy đặc biệt thích những màn yêu đương trong bồn tắm, chủ yếu do ông bị chứng đau cột sống kinh niên. Những phụ nữ làm tình với ông, thường đứng ngoài bổn, nghiêng người để hôn và vuốt ve cơ thể ông. Khi thời điểm quyết định đến gần - đối với Kennedy, đương nhiên - người bảo vệ lao vào phòng tắm, túm gáy người đàn bà dìm xuống bồn. Đến khi người này giãy giụa trong sự gắng sức cuối cùng để thoát ra, thì Kennedy hầu như sung sướng phóng ra.
Anh thấy sự sắp xếp chuỗi gien dấu trách nhiệm về sự hư đốn này dứt khoát tệ hơn sự sấp xếp gien ở Proust.
Tuy nhiên dạo đó anh chẳng quan tâm đến Proust cũng như Kennedy, dạo đó anh chỉ nghĩ đến những gì đã xảy ra và những gì sẽ đến tiếp theo. Anh đột nhiên trở thành một phần của nhóm "chúng ta" và từ buổi đó việc sắp xếp chuỗi gien của một loại vi khuẩn nhất định đã trở thành công việc quan trong nhất của cuộc đời anh.
Có được tấm bản đồ như vậy, có thể "dịch" nó sang các protein điều khiển các quá trình sống, biết tính chất hóa sinh của các protein này thì có thể biết, ví dụ như, gien nào chịu trách nhiệm về việc tạo ra dopamin của cơ thể người, mà sự thiếu hụt chất này sẽ gây ra bệnh Parkison, còn sự vượt quá giới hạn của nó đã được ghi nhận (thường chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn) trong trường hợp của trạng thái đã được mô tả rộng rãi trong văn học như là trạng thái si mê. Với sự hiểu biết ấy, không chỉ có thể chữa khỏi cho hàng ngàn người mắc bệnh hoặc bị nhục nhã bồi căn bệnh này, mà con người còn có thể yêu nhau về mặt gien học.
Thỉnh thoảng, thường là sau nửa đêm, họ gọi taxi, để "bệnh Richettsia" của họ lại chừng một tiếng và sang sân trời có quán bar của khách sạn Dauphine New Orleans ở Khu Pháp, nơi vừa uống bia, vừa nghe blues [2] họ vừa dệt những kịch bản dị thường và tin rằng họ chính là những người bắt đầu sắp xếp lại những vấn đề to lớn vô cùng nan giãi về gien. Thêm vào đó, họ còn tự tin một cách trắng trợn rằng họ sẽ sắp xếp chúng thành một thể thống nhất. Càng có nhiều bia trong máu và càng có nhiều blues trong không khí, niềm tin của họ càng sâu sắc hơn.
Từ viễn cảnh hiện tại của mình, ở thời mà người ta nói chuyện về gien học hầu như bên mỗi bàn nhậu kể từ khi ngành gien học đã tặng cho thế giới một chiến công ngoạn mục là nhân giống cừu, sau ngần ấy năm đã qua đi kể từ những ngày ấy, anh nhìn lại dự án ấy và nhưng nghiên cứu ấy với đôi chút cười nhạo và bề trên, nhưng cũng với cả niềm tự hào và khâm phục đối với sự nhiệt tình của mình thời đó. Những gì mà họ đã làm ở New Orleans mười mấy năm trước đây là rất quan trọng, nhưng so với những cái đang diễn ra bây giờ thì thật ấu trĩ.
Nhưng có lẽ trật tự các vấn đề trong khoa học vốn vẫn thế.
Bởi giờ đây anh biết rằng đó hoàn toàn không phải là một sự xếp đặt. Một ai đó đã đổ ra bàn nhiều hơn một trăm ngàn vấn đề nan giải.
Giống như hồi ấy, cả bây giờ nhiều khi anh vẫn phân vân, đó có phải là Chúa. Hồi ấy đúng là có một phần hiểu biết đã ngăn cách anh với Chúa. Song anh nhận thấy, giờ đây, khi biết và hiểu nhiều hơn rất nhiều, thì mình lại bé nhỏ hơn rất nhiều và càng có xu thế tin rằng tuy nhiên, Chúa chính là nhà Lập trình vĩ đại đó.
Chỉ có dạng của Keunedy và Proust là anh vẫn chưa nắm bắt được.
Giờ đây anh cũng biết rất rõ ràng mấy chuyên gia tin học, gien học và sinh học phân tử hung hăng đang mơ được nổi tiếng ấy sẽ không thề sắp đặt các vấn đề nan giải thành một tổng thể được. Thậm chí kể cả họ có quyết định ngừng thở và tan vào công việc để tiết kiệm thời gian đi nữa. Nhưng hồi ấy, ở New Orleans anh chưa biết đến điều này.
Không một ai biết đến điều này.
Hồi ấy anh đã làm việc như trong cơn điên, đến kiệt sức... theo đúng nghĩa đen.
Có lần anh đã ngủ gật và ngã lăn xuống sàn nhà ngổn ngang những sách. Vì rèm cửa sổ phòng anh lúc nào cũng buông nên anh đã không ý thức được thời gian trong ngày. Ở chỗ anh, phòng số 4018 trên tầng ba tòa nhà Percival Stem, nơi có phòng thí nghiệm của họ, những cái đèn neon được gắn trên trần lúc nào cũng kêu o o và chiếu sáng trưng. Một lần vào chủ nhật, khi trong tủ lạnh chỉ còn lại đúng mấy thanh khử mùi không hơn, anh bèn hẹn với Jim làm một buổi đi mua đồ nghiêm chỉnh ở siêu thị cuối phố.
Anh hẹn vào mười sáu giờ và... ngủ quên.
Mà anh đi ngủ từ trước nửa đêm thứ bảy.
Thậm chí anh không hề cân nhắc xem liệu có thể khác đi được không? Một cách tiềm thức, anh cảm thấy là không. Dự án này là cuộc sống của anh. Anh buộc phải sắp đặt tất cả theo nó.
"Chỉ khi nào thực sự ốm anh mới được không đến phòng thí nghiệm. Mà anh chỉ thực sự ốm khi nào ho ra máu lâu trên mười tiếng".
Một lập trình viên người Ấn Độ, ngrười tham gia vào nhóm gần như cùng thời gian với anh đã định nghĩa như vậy.
Anh phân vân, liệu có phải chỉ mình anh làm việc như vậy. Đôi khi anh hỏi bạn bè cùng nhóm vế điếu này. Anh nhớ một trong số họ, Janusz, người Ba Lan thứ hai trong nhóm, được cấp học bổng của Quĩ Nhà thờ, một chuyên gia tin học ở Đại học Tổng hợp Torun đang làm việc cho Queens College ở New York bảo anh:
"Ông anh à, mãi hôm nay em mới nhớ ra là con bé Ioasia nhà em đã học lớp ba. Mà ngày mai là con bé nhận chứng chỉ và bắt đầu nghỉ hè rồi".
Từ mấy tuần nay bốn rưỡi sáng anh đã dậy, hút thuốc, thu dọn quần áo vứt bừa bãi khắp phòng, đặt cà phê, tắm nước lạnh như băng trong nhà tắm dưới tầng trệt cho tỉnh người. Rất nhiều lần lúc đứng dưới vòi tắm rồi anh mới nhận ra là mình vào đó với cả thuốc lá. Anh mặc vội quán áo, uống cà phê, nhét vào túi những tờ giấy với những ghi chép mà anh làm đêm qua rồi chạy ra ôtô của Jim đã chờ từ mấy phút trước.
Jim, kể từ dạo bắt đầu công trình xây dựng ở gần trường anh, thì chở anh đến Tulane luôn. Ngây nào Jim cũng chờ anh, luôn luôn cười, tươi tắn như một bãi cỏ mùa xuân. Bằng trạng thái ấy, bằng tâm trạng ấy Jim đã gây nên trong anh một kiểu bực tức và miễn cưỡng. Làm sao có thể hân hoan đến thế vào lúc năm giờ sáng, sau một đêm ngắn đến thế và ngồi trong một cái ôtô như thế?
Jim có một chiếc buick từ những năm sáu mươi, điều mà ở New Orleans được coi là bằng chứng hoặc của một sự nghèo khổ cùng cực hoặc thuộc về một giáo phái khổ dâm đặc biệt nào đó. Đã thế, cửa sau của xe bên phía hành khách thì hoặc là phải buộc bàng một sợi dây to vào chỗ tựa đầu của lái xe, hoặc người ngồi phải giữ suốt đường đi.
Anh nhắm mắt chui vào xe của Jim, lấy điếu thuốc đã được châm sẵn đang nằm chờ anh trong gạt tàn, họ lăn bánh. Phải sau mấy dặm đầu, khi Jakub tỉnh ngủ họ mới bắt đầu nói chuyện. Jim biết nghi thức này và ứng xử như một người lái xe riêng trung thành và tận tụy của một gia đình quí tộc Anh.
Chẳng mấy chốc anh đã bắt đầu ngủ ở nhà ngày càng ít, anh ở lại phòng làm việc và làm việc suốt đêm với những quãng nghỉ ngắn.
Vào cái đêm ấy, khi Jacek gọi điện, anh cũng đang làm việc như vậy.
Đã là bốn giờ sáng chủ nhật.
Đúng lúc Jim đang ở chỗ làm việc của anh. Gã ta lặng lẽ nghiêng người bên cái cân điện tử đặt cạnh máy tính. Trong sự tập trung cao độ, Jim cân các suất cocain rỏi gói lại trong những cái túi đã được chuẩn bị từ trước. Trên bàn, cạnh máy tính là hàng dãy các gói nilon đựng bột trắng. Mỗi túi có bốn "gạch".
Khi Jim kết thúc, thì trên bàn là một lượng cocain trị giá năm mươi ngàn đôla.
Jim vòng quanh, lặng lẽ thu các gói vào cái vàn đã sứt gãy. Xong xuôi, Jim khóa mã van lại, kẻo một bên vòng của cái còng tay của cảnh sát qua bàn tay trái của anh rồi khóac bằng một cái khóa đặc biệt ở chỗ khớp tay. Cái vòng kia thì đã được gắn vào vali. Jim đi đến chỗ Jakub, không nói không rằng để chìa khóa còng tay lên bàn phím máy tính. Lúc đi ra gã nhìn vào mắt anh nói :
- Dứt khoát đây làm lần cuối cùng. Đừng khinh bỉ tôi thế. Xin lỗi
Jakub rất bực và cảm thấy đau lòng. Anh bực bản thân mình, sao lại đồng ý với việc này. Thậm chí không phải vì anh nghĩ đến chuyện mình có thể đánh mất tất cả những gì đã đạt được trong cuộc đời, rằng lần thứ hai anh trở thành một cách có ý thức - bởi anh đâu có bắt buộc phải đồng ý - trợ lý của một gã tiếp tế cho con nghiện; anh đau nhất khi thấy Jim đã làm anh thất vọng đến vậy. Rằng gã đã lợi dụng tình bạn của họ một cách rất không trung thực.
Anh cảm thấy mình bị phản bội.
Mà gã đã hứa với anh rằng lần trước, cái lần cách đây ba tháng "dứt khoát là lần đầu tiên và cuối cùng", "rằng bây giờ chỉ còn trả hết nợ và sẽ ra khỏi kênh này" và rằng "chỉ có thể làm việc này ở đây, bởi không ai ngờ rằng ở Tulane, trong phòng thí nghiệm gien người ta lại cắt bụi", như gã vẫn gọi cái việc chia suất của gã như vậy.
Hôm nay, khi cách đấy một tiếng Jim gõ cửa phông làm việc của anh, anh không hề nghĩ rằng gã lại có "hàng". Gã đứng với cái vali được gắn vào cổ tay trái và rất khó khăn mới cất được giọng run run:
Nếu đêm nay tôi không cắt được cái này ở chỗ ông thì sẽ không bao giờ tôi còn có thể chở ống đến trường được nữa. Cho phép tôi đi... xin ông đấy.
Anh đã cho phép.
Trong suốt thời gian đó anh đứng quay lưng lại gã, sôi lên vì tức và im lặng. Anh không muốn nhìn.
Một niềm tin ngây thơ của đứa trẻ, rằng khi nào nhắm mắt thì hoàn toàn không phải là tối.
Cho đến khi Jim sập cửa lại, anh mới quay vào phòng.
Trên bàn phím máy tính là chìa khóa còng tay mà để cho chắc chắn, Jim đã gắn vào vali, cùng với than và hai gói nilon bột trắng.
Cho anh.
Lần cuối cùng Jim gói hàng ở đây, Anh cũng đã thử cocain.
Có một lúc, khi nửa phòng anh đầy những gói nilon, Jim từ chỗ cái cân đi ra, dỡ bức ảnh cũ có khung gỗ trên tường xuống, thổi bụi trên mặt kính và sấy nó bằng ngọn lửa của cái bật lửa. Gã đổ một gói bột trắng lên mặt kính đã được sấy chia làm ba vạch bằng nhau dài chừng tám centimét. Tiếp theo gã châm thuốc lá, lấy từ ví ra một nửa con dao cạo râu viền gỗ rồi bắt đầu lần lượt gạt bột thành từng vạch. Tất cả hết độ năm phút. Sau đó gã lấy từ túi áo ra một tờ tiền xanh nhàu nát, cuộn lại thành cái ống rồi đẩy một đầu ống vào mũi. Gã nghiêng đầu xuống một vạch bột và hít hết. Còn sót lại một tí, gã đùng ngón tay thấm nước dãi chấm lấy rồi quệt lên lợi. Sau đó gã quay sang phía Jakub, vừa đưa cho anh tờ một đô la cuộn lại vừa cười Với anh, nói:
- Ông thử đi. Ông sẽ thấy dễ chịu ngay. Tôi chiêu đãi đấy.
Mặc dù đã quan sát toàn bộ cái nghi lễ ấy của Iim với sự ngạc nhiên không giấu giếm, nhưng anh không hề do dự lấy một giây. Anh đến bên bàn, nhét một đầu ống vào mũi và bằng một hơi, hít hết một gạch. Ngay lập tức anh thấy hơi lạnh và cảm giác tê cóng rất rõ nơi mũi. Anh quay về ghế của mình bên máy tính, ngồi thoải mái và chờ. Tò mò xen lẫn với lo ngại.
Sau mấy phút, anh cảm thấy rất rõ, sự mệt mỏi sau mười sáu tiếng làm việc cật lực tan biến. Anh cảm thấy mình tươi tỉnh, khỏe mạnh và năng động. Và lại có thể bắt đầu mười sáu tiếng làm việc tiếp theo. Thế mà mới chỉ vừa đấy, trước khi Jim đến, anh còn ngã lăn ra vì mệt và phải dùng cà phê đen và thuốc lá để tỉnh táo. Anh bỗng hoạt bát như vừa tắm nước lạnh sau một đêm dài ngủ ngon lành.
Đó là một cái gì đó.
Anh đã lừa dối cơ thể và não mình bằng một chút xíu bột chứa hai mươi lăm nguyên tử kết hợp với nhau. Anh bỗng cảm thấy mình mạnh mẽ, nhanh nhẹn và đặc biệt khôn ngoan thế không biết. Anh cho rằng nếu lúc này bắt đầu lập trình, thì anh sẽ viết ra một chương trình tốt nhất trong đời.
Và anh hoàn toàn không có cảm giác rằng mình không phải là mình. Hơn lúc nào hết, anh câm thấy đây chính là anh, là đúng cái thằng Jakub ấy, chỉ có điều hắn có ý nghĩa cực kỳ đặc biệt. Anh không còn cảm thấy lo ngại hay sợ hãi, không còn do dự phân vân.
Thay vì những điều đó, anh luôn có lý.
Anh tận hưởng cảm giác này một lúc. Và bắt đầu hiểu rằng người ta có thể muốn đầu tư trạng thái này cho mình thường xuyên hơn.
Đặc biệt là những người yếu đuối hoặc những kẻ bắt buộc phải cảm thấy mình mạnh mẽ hoặc chí ít cũng sắm vai kẻ mạnh. Chỉ cần vài giam hợp chất hóa học, màng nhầy còn tốt và thế là anh thành người rất quan trọng, thông minh, mạnh mẽ, hóm hỉnh, đẹp mê hồn, hùng biện, hấp dẫn, ý thức được sức mạnh của mình, người mà ai ai cũng muốn luôn luôn được như thế. Việc này thường diễn ra nhiều nhất là hơn chục phút, tốn vài chục đôla, không hợp pháp, gây nghiện, làm tổn hại cho tim và não. Ngoài ra sau đấy còn có dư vị khó chịu khủng khiếp mà ngay cả sau khi uống hàng thừng nước ủ rượu người ta cũng không đến nỗi bị như vậy.
Cocain không gây nên bất kỳ một ảo giác, hay những giấc mơ rực rỡ, hay cảm giác được bay trên bãi cỏ mùa hè còn đẫm sương và đầy bướm lượn và những nữ thần khỏa thân nào.
Với cocain, người ta được trải qua những giấc mộng về sức mạnh. Sau khi dùng cocain, người ta có bộ gien tốt hơn. Và là đứa con của một đức Chúa tốt hơn. Điều này thì không một thứ bia nào, không một loại nhạc nào hay đàn bà nào có thể làm được cho con người. Ngoài ra, không gì có thể biến thứ tình dục bình thường, êm ả thành một "vụ nổ nguyên tử" như Jim nói. Điều này là nguy hiểm nhất. Tình dục bình thường so với tình dục sau cocain thì giống như là "làm tình với manơcanh trong bách hóa tổng hợp ở Moscow hay ở Đông Berlin". Sau một cái gì kiểu như thế, sẽ còn lại những kỷ niệm quá đẹp và một thực tại quá xám xịt. Theo Jim thì chỉ sau LSD (*) mới có thể tốt hơn được. "Bới khi đó - hắn nói – anh làm tình bằng tất cả các tế bào, còn chỉ riêng tế bào thần kinh anh đã có hàng tỷ".
Từ tất cả những mối nguy hiểm đó, anh đã ý thức được tối hôm ấy, khi Jim thú nhận danh dục không có các hợp chất khiến gã hoang mang sợ hãi". Nó không còn là sự hiện thực hóa khát khao của anh nữa, mà trở thành phép thử, xem nói chung anh còn có khả năng nữa không".
"Bởi anh thấy đấy, không có hợp chất thì có khác gì nhét một con ốc vào khe của cái máy điện thoại tự động đã ở ngoài băng giá cả chục tiếng" - gã nói.
Anh nhớ rằng khi vẫn còn ở trong trạng thái đó, Jim, người đã quan sát anh rất kỹ từ đầu, bằng cái giọng của một người hiểu biết tuyệt đối đã nói: "Tôi đã chẳng nói với anh rồi sao, anh sẽ thấy dễ chịu mà".
Đã rất dễ chịu.Họ bắt đầu nói chuyện.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 30-12-2007, 02:46  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 5 (B)

Mặc dù đã biết nhau và đã thân thiết với nhau từ nửa năm nay, nhưng cho đến lúc ấy chưa bao giờ hai người nói chuyện với nhau cởi mở và chân thành như khi đó, sau một liều cocain. Anh vẫn luôn muốn hỏi hắn ta về điều đó nhưng chưa đủ can đảm. Giờ đây, khi sự nhút nhát không còn tồn tại, nên anh đã hỏi về Kimberley, người mà chưa bao giờ Jim gọi là "bạn gái của tôi", "người đàn bà của tôi", "người yêu của tôi" nhưng lại lui tới, ngủ và đi mua sắm với người ấy.
Kimberley, mà chỉ có Iim gọi cô ta như vậy, còn tất cả những người khác thì chỉ gọi đơn giản là Kim, là sinh viên của Đại học Tổng hợp Tulane. Cô đang học năm cuối khoa luật; gần đây anh có đọc tờ báo của trường, trong đó viết rằng cô là một sinh viên giỏi nhất trong lịch sử của khoa này, mà cả khoa có khoảng sáu ngàn sinh viên. Tất cả những ai biết cô đều biết rằng đó không phải là do sự giúp đỡ của bố cô, một nhà giải phẫu nổi tiếng, đồng thời là hiệu trưởng trường Đại học Y Tulane.
Bố của Kìm yêu cô vô cùng, nhưng theo cách của mình, trong sự vội vã, trong những khoảng thời gian nghỉ ít ỏi giữa các ca trực ở bệnh viện, các buổi lên lớp, hội nghị, các chuyến đi công tác và các dự án mà ông tham gia. Ông yêu Kim đến mức chỉ vì cô mà ông chung sống với người vợ đã phản bội ông ngay trong chuyến đi hưởng tuần trăng mật và chỉ thích gắn bó với các thẻ tín đụng và những người bạn làm phẫu thuật thẩm mỹ của ông. Kể từ ngày em trai ông tự vẫn do việc ông ta buôn bán các cơ quan người để cấy ghép, thì ông chỉ còn có Kim. Kim tài năng của ông, niềm tự hào của ông và chỉ vì cô mà ông đã lên những kế hoạch chi tiết cho toàn bộ tương lai của mình. Trong giai đoạn hiện tại, không có thời gian dành cho cô, ông đã làm cho lương tâm mình thanh thản bằng cách mua cho cô những ôtô đắt tiền.
Kim đặc biệt hiểu biết, tài năng, chăm chỉ và tất cả đều nhờ vào chính bản thân mình. Với bố - ngoài những chiếc ôtô - nhiều nhất thì cô cũng chỉ có thể biết ơn ông về bộ gien, và cũng chỉ một phần của nó mà thôi. Do vậy mà tất cả những người quen biết cô, đều không thể tin được khi biết tin cô là "người đàn bà của Jim". Của cái thằng Jim mà thực ra mới chỉ ngồi ghế giảng đường của Harvard được bốn học kỳ, nhưng đã ngồi tù tới bốn năm ở Baton Roug, vì tội buôn bán ma tuý, mà đấy mới là ba phần tư số thời gian của hình phạt vì hắn được ra tù trước thời hạn, do cải tạo tốt và với nhiều điều kiện.
Một gã với quá khứ bị hủy hoại và một hiện tại đang hủy hoại từng ngày lao động trong các khu đào đất với sáu đôla một giờ. Quá khứ kinh hoàng đến nỗi việc nhắc lại bốn học kỳ ở khoa kiến trúc tại Harvard không gây được ấn tượng gì đối vời các ông chủ tiềm năng của Jim. Và kết quả là gã chỉ thuyết phục được rất ít người và chỉ là những người cần người đào móng cho các công trình xây dựng lớn ở New Orleans và các khu vực lân cận.
Đương nhiên là điều này làm gã thất vọng, đau khổ và đẩy gã vào trạng thái chán nản. Nhiều khi gã cảm thấy tồi tệ và vô vọng tới mức mỗi buổi sáng dậy - đối với những người đang chán nản thì buổi sáng là tồi tệ nhất - gã lại thấy hiện ra sự tiếp tục cảnh khốn quẫn của ngày hôm qua. Sự chán nản lớn đến nỗi gã buộc phải thoát khỏi chúng, mặc dù gã biết anh phải mạo hiểm như thế nào, kể cả phải dùng đến ma túy.
Và ngủ với một gã đàn ông như vậy là cô con gái của một gia đình có tiếng nhất ở New Orleans, đứa con một của vị hiệu trưởng trường đại học Y ở Tulane, một luật sư tương lai với trình độ hiểu biết hoàn toàn không trung bình, với mức hấp dẫn trung bình, người muốn trở thành một chuyên gia về luật buôn bán ma túy, nên đã nêm vào cuộc tình này một hương vị rất đặc trưng. Rất nhiều người quen biết của Kim đã không thể chấp nhận được thực tế là cô Kim thiên tài ấy lại mãn nguyện với một tên nghiện hoàn hảo ngay từ vòng loại đầu tiên là Jim.
Nhưng những người không thể chấp nhận điều này thì đơn giản là không có đủ thông tin.
Họ không biết ví dụ như thay vì tất cả những cái ôtô đáng nguyền rủa, điên rổ và trị giá bằng cả một gia tài kia thì Kim chỉ muốn một nụ hôn chúc ngủ ngon.
Dù chỉ là mỗi tuần một lần và chỉ là trong mơ.
Bởi cho dù ông không biết điều đó, thì cô cũng không bao giờ ngủ khi ông chưa về nhà. Nằm trên giường, ôm con gấu bông koala mà ông mua cho cô trong một lần ông đưa cô đi theo đến Sydney, cô chờ cho đến khi ông cất xe vào gara, xem qua thư từ để trên bàn trong phòng khách, tắm ở phòng tắm dành cho khách dưới tầng trệt để không làm vợ thức giấc và khẽ về phòng ngủ. Khi ông đi qua cửa phòng, cô buồn rầu trong hy vọng là ông sẽ vào. Đã lâu lắm rồi ông không vào. Tối nào cô cũng chờ, nhưng ông không đến và tối nào tai con gấu koala cũng thấm đẫm nước mắt của cô và nó cứ ngày một xa lạ hơn.
Có một đêm - khi đó cô đã quen với Jim - cô lại chờ còn ông lại không đến, cô bèn dậy khỏi giương, xuống bếp và lấy con dao điện cắt bánh mì cắt đầu con gấu mua ở Sydney.
Thậm chí cô đã không khóc khi làm việc đó. Cô chỉ có thể nôn.
Sáng ra, khi ông bố dậy và xuống bếp để pha cà phê, hai nửa của con gấu koala vẫn nằm bên cạnh con dao điện cắt bánh mì.
Jim không cho cô ngay cả gấu bông, vì gã không tặng quà cho ai bao giờ, nhưng gã cũng không cho cô ngủ một khi chưa hôn cô để chúc ngủ ngon. Ngoài ra gã còn có thể đến chỗ cô vào ban đêm hoặc sáng ra và mang cho cô những bông hồng trắng, vì tự nhiên gã cảm thấy "lâu lắm rỗi chưa tặng hoa cho cô". Bao giờ cũng là hoa trắng và bao giờ cô cũng nhận được vào ban đêm. Những lần ấy gã ở lại chỗ cô đến rạng sáng và làm với cô tất cả những trò tuyệt vời mà chỉ gã mới có thể.
Vì vậy mà kể từ ngày cô yêu Jim, cô không còn thức giấc vào ban đêm vì giấc mơ kinh hoàng, trong giấc mơ ấy con gấu koala mua ở Sydney có cái đầu của bố cô.
Quan hệ giữa Jim và Kimberley còn che giấu một điều bí mật nữa. Lần ấy, trong một cuộc nói chuyện không bình thường "với hai vạch", Jakub đã được biết toàn bộ sự thật.
Thỉnh thoảng Jim và Kim lại đưa anh đi ăn ở những nhà hàng khá sang trọng, họ khoái chí với hình ảnh của "nhà khoa học cộng sản trẻ" say sưa với cảnh tàn lụi của bữa tối với tôm hùm và học cách phân biệt các loại vang Pháp. Một lần anh nhận thấy sau mỗi bữa tối lãng mạn như vậy Kim thường để họ lại một lúc lâu hoặc chóng, sau đó quay lại rất thay đổi. Son phấn trang điểm bị lau đi, thỉnh thoảng còn thấy rõ là cô mới khóc, bao giờ cũng mơ màng và im lặng. Cô nép người vào Jim một cách gợi tình đến mức ngay cả anh cũng cảm thấy ấm áp. Thỉnh thoảng có khi phải chờ đến nửa tiếng cô mới quay lại. Những khi đó Jim mua bia Corona của Mexico mà anh vốn thích hoặc họ hút xì-gà loại ngon, thỉnh thoảng họ ra bãi đỗ xe phía sau tòa nhà và hút cần sa. Mặc dù điều này rất không bình thường, nhưng Jim chưa bao giờ nói với anh tại sao Kim lại bỏ ra ngoài.
Lúc này thì Jim nói.
Kim bị chứng cuồng ăn.
Khi đó, vào giữa những năm tám mươi thì đối với một người đến từ Ba Lan, từ "cuồng ăn" khiến người ta liên tưởng đến tên một loại hoa nhập ngoại và Jim đã phải giải thích cho anh rất lâu, sự thật đó là cái gì. Cứ sau mỗi bữa ăn ngon, đơn giản là Kim phải tống khứ nó ra ngoài. Cô vào toilet, kiểm tra hiện trạng của nó và khi cô nhận thấy nó đủ sạch sẽ và thân thiện, cô sẽ thực hiện việc này ở đó. Bởi Kim chỉ có thể nôn trong những toilet có thẩm mỹ và được chọn lựa. Ngoài ra cô còn làm việc này với sự thoải mái nhất sau những bữa tối thịnh soạn và lịch sự với rượu vang và nến. Nếu toilet không thỏa mãn những yêu cầu của cô, thì cô sẽ gọi taxi hoặc lấy xe ở bãi đỗ xe và đi về nhà, một vila lịch sự ở Garden District trên Charles Avenue và làm việc đó ở toilet nhà mình, sau đó sẽ quay lại với Jim.
Jim kể với anh rằng đối với Kim, đó là những trải nghiệm hết sức khêu gợi. Khi nôn, cô cảm nhận sự mãn nguyện tình dục. Kim phản ứng với sự thỏa mãn tình dục bằng cách khóc - vì sung sướng - và kết quả của việc này chính là sự quay lại bàn ăn với son phấn nhoè nhoẹt và tâm trạng mơ màng. Cái việc xảy ra bên bàn ăn sau những gì Kim vừa làm, không là gì khác ngoài việc người đàn bà nép sát vào người đàn ông ngay sau cuộc yêu. Jim biết điều đó và đáp lại cô bằng tình cảm mà không bao giờ anh thể hiện với cô trong những bối cảnh khác. Trong khoảnh khắc như vậy, gã là một tay tình cảm nhất đối với cô của "ngay sau khi". Gã cho cô cái mà phần lớn phụ nữ đều mơ ước nhưng không mấy ai có được. Đã thế gã lại luôn cho cô bên những ly rượu vang, những ngọn nến và trên nền nhạc. Việc chủ yếu cô là người thanh toán hóa đơn cho dù gã là người mời không mang nhiều ý nghĩa. Bằng một tình cảm thái quá và bị xúc động mãnh liệt rất kịch, Jim đã làm cô say đắm, gã biết rất rõ điều này bởi gã là một tay vận dụng thông minh kể từ khi nhận thấy phụ nữ thường gắn bó nhất với những người đàn ông biết nghe họ, biết thể hiện tình cảm với họ và biết làm cho họ cười.
Sự chiếm đoạt này là một phần khá tinh vi trong chương trình mà gã thiết kế cho mình trong thời gian diễn ra mối quan hệ này, nhưng thực ra Jim khiến Kim phải lệ thuộc vào mình bằng một thứ hoàn toàn khác. Gã biết cách có được loại ma túy tốt và gã biết rất rõ phải làm như thế nào và làm cái gì để nó tác động mạnh hơn nữa. Những phân tủ nhỏ bé trong cấu trúc hóa học của ma túy sẽ vào máu nhanh nhất qua màng nhầy, chính vì thế mà phần lớn mọi người đều đưa nó vào cơ thể qua đường mũi.
Nhưng chỗ kín của phụ nữ mới là nơi có nhiều màng nhầy nhất.
(1)Deja vu: tiếng Pháp, chỉ cảm giác khi con người cho rằng điều mà mình đang trải qua dường như đã từng xảy ra
(2)Blues: một loại nhạc
(*)LSD : một loại ma tuý tổng hợp, gây ảo giác mạnh



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 30-12-2007, 02:47  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Ở đó có hàng kilômét vuông màng nhầy, mà tất cả những gì có trọng lượng phân tử gần bằng của cocain đấu có thể đi qua. Iim biết điều này rất rõ. Thỉnh thoảng, khi ở trên giường với Kim, gã cố tình trì hoãn việc cho vào cho đến lúc cô phải rên lên vì sốt ruột, cắn vào tai gã và giục gã làm điều ấy. Khi đó Jim đã có kha khá cocain trong túi quần hoặc ở ngăn kéo bàn ngủ, mở gói nilon bột và ngay trước khi cho vào mới thận trọng rắc cocain lên "cái ấy" của mình. Gã biết rằng cocain có tác dụng gây tê. Cho nên trong thời gian chờ ở "trong đó", gã ghi nhận được ít hơn nhiều những tín hiệu từ "cái ấy" của mình và có thể đợi mà không sợ rằng, mặc dù bị kích thích rất dữ dội, gã sẽ bị mất kiềm soát và bỏ qua điểm mà vượt quá điểm ấy người đàn ông sẽ không thể quay trở lại được nữa.
Gã vừa chuyển động không ngừng ở trong đó vừa phải chờ độ hai phút, là quãng thời gian mà đối với phần lớn đàn ông, theo thống kê, là cả một vấn đế. Trong thời gian ấy, Kim trải qua hai phút đầu tiên cực kỳ của mình, mà đối với phần lớn phụ nữ cũng đồng thời là hai phút cuối cùng, sau đó cô nhận được kick thực sự, mà theo Jim, kẻ rất khoái phóng đại một cách văn chương và sáo rỗng "cô như đột ngột được chuyển đến một hành tinh khác, vào một chiều kích khác của niềm khoái lạc tuyệt đối không thể cân đo được".
Và mặc dù sự thật là như thế này: Kim đảm bảo điều này cho mình chủ yếu nhờ màng nhầy của cô, những tính chất hóa học và kích thước nhỏ bé của các phân tử cocain, thì dẫu thế cô vẫn cứ bị thuyết phục một cách linh thiêng rằng cô phải biết ơn và chỉ biết ơn tình yêu của Jim.
Khi Jim kể cho anh nghe chuyện này, anh bắt đầu phân vân, liệu có một lúc nào đó anh cũng sẽ có đủ ngần ấy can đảm.
Và ngần ấy cocain.
Nhưng đấy là ba tháng trước đây.
Lúc này anh căm thù Jim. Vì sự không chung thủy ấy.
Anh ngồi sau bàn làm việc, tức tối giật bàn phím máy tính mà Jim đã để trên đó hai gói bột trắng và chìa khóa còng tay ra, vứt tất cả lên đống thùng các-tông và cặp tài liệu sát cửa sổ.
Sau mười lăm phút, nỗi bực qua đi và anh lại muốn làm việc nhưng không thể. Anh đứng dậy, đi ra phía cửa sổ và lôi bàn phím từ đống giấy má ra. Anh chợt tiếc thấy một gói bột ở tít trong góc, cạnh cái chậu mẻ trồng cọ bằng đá, cây cọ đã khô vì anh luôn quên tưới. Anh lấy gói bột, sau đó gỡ bức ảnh trên tường xuống, vẫn cái bức ảnh mà lần gần nhất Jim đã dùng, rồi ngồi xuống nền nhà, bật lửa sấy mặt kính, đặt bức ảnh xuống nền nhà và đổ chỗ bột trong gói lên mặt kính còn ấm. Anh đứng lên, lấy cái máy cạo râu mà anh để trong ngăn kéo kể từ đạo anh thường ở đây cả đêm. Anh tháo ốc bắt dao cạo vào thân máy rồi lấy dao ra. Anh quay lại chỗ cửa sổ và bắt đầu gõ lưỡi dao vào đống bột trắng trên mặt kính. Chưa đầy một phút trôi qua, anh đã thấy tay mình như cứng đờ ra.
Làm thế nào mà Jim có thể gõ vào cái thứ bột này suốt mười lăm phút liền tù tì được nhỉ? - anh nghĩ.
Anh đảm bảo là điều này không phải do Jim học được ở Harvard, mà là ở trong tù, ở Baton Rouge.
Lưỡi dao bỗng lạng vào ngón tay anh, anh thấy đau và một giọt máu to rơi xuống chỗ bột trắng trên mặt kính.
Cái giọt đỏ kia từ từ và trang trọng lặn vào đám bột cocain trắng như tuyết. Anh mê mẩn nhìn mất mấy giây.
Rồi anh chợt hiểu ra rằng mình đã phạm sai lầm. Bởi không phải là máu trong cocain mà phải là cocain trong máu!
Bằng một động tác rất nhanh, anh tách phần bột chưa dính máu ra, gạt thành hai vạch dài, lấy một tờ tiền trong ví ra, cuộn lại thành ống, nhét một đầu ống vào mũi và hít thật nhanh một vạch bột. Anh nghiêng người xuống bức ảnh một lúc nhìn thấy bóng khuôn mặt anh với tờ tiền nhô ra ở mũi, anh bật cười vui vẻ. Sau một giây phân vân, anh hít luôn cả vạch thứ hai. Rồi anh tựa người thoải mái vào đống hộp các-tông và lười nhác theo dõi sự mệt mỏi và kiệt sức, sự nóng bẳn và thất vọng của một giờ đồng hồ cuối cùng qua đi như thế nào. Trạng thái tươi tỉnh trở lại.
Não lại để bị lừa dối. Và cơ thể cũng thế.
Jim, nếu ở đây, lại một lần nữa có lý.
Anh thấy dễ chịu.
Lúc này anh đã là một thằng nghiện bình thường nhất trên thế gian này.
Lần này thì không có ai rủ anh đến bên bàn. Tự anh đổ ra, tự anh cắt và tự anh đưa vào qua màng nhầy. Cái này thì không thể thanh minh rằng "chỉ muốn thử một lần thôi cho biết". Anh đã biết nó là như thế nào. Chính vì thế nên anh mới làm điều đó.
Anh bắt đầu hiểu con tinh tinh trong một thí nghiệm kỳ lạ mà anh mới đọc được trong các tạp chí khoa học.
Bị trói vào ghế, bị nối với các cáp của máy điện tâm đồ và điện não đồ và máy đo huyết áp, con tinh tinh vẫn có thể dùng tay ấn vào cái nút vàng, là đầu cuối của binh chia tỷ lệ để chích cho mình những dung dịch của các loại ma túy khác nhau: LSD, heroin, morphin, amphetanin, crack và nhiều nhiều nữa, kể cả cocain. Sau một số lần ấn, con tinh tinh đạt được trạng thái bão hòa khác lạ và thôi không ấn nữa, lúc này nó rơi vào trạng thái ngủ, ngủ tim, mơ mơ màng màng hoặc phởn phơ.
Ngoài một ngoại lệ duy nhất.
Với bình có cocain, nó ấn nút vàng lâu đến mức nhịp tim của nó tăng lên. trên bốn mươi lần trong một phút, nó bị rung buồng tim và chết.
Tay vẫn để trên cái nút vàng.
Từ đâu mà nó biết được điều đó?
Sao lại từ đâu?!
Từ Mazowsze, Podkarpacz, Pomorze và Kujaw, ví dụ thế.
Chỉ có điều đó không phải là những con tinh tinh, chẳng có ai nối chúng với máy điện tâm đồ, và hợp chất hóa học không phải là cocain và chính thức được gọi là dung dịch nước etanol, còn không chính thức thì gọi là rượu. Bởi vì hợp chất hóa học này không đến nỗi quá nguy hiểm, nên họ đã bị mất tỉnh táo mà không kèm theo rung buồng tim, nhưng "tay đặt lên nút vàng" thì họ giữ cho đến phút chót.
Anh nghĩ đến con tinh tinh ấy không chút sợ hãi hay lo lắng. Không có một lý do nào hết cho dù là nhỏ nhất. Anh nhận định rằng không thể nghiện loại ma tuý tinh khiết như cocain chỉ sau vài lần sử dựng: Thực ra thì anh biết rằng cocain tiêu diệt não nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với búa hơi, những mặc dù thế anh vẫn không hề sợ. Hiện tại cuộc đồng hành với cocain là cực kỳ tốt cho não của anh. Bây giờ thì đại loại là thay vì cafein, thỉnh thoảng anh dửng cocain để tỉnh táo. Chẳng mấy nữa anh sẽ về Ba Lan, và sẽ chỉ có dung dịch nước etanol cho anh mà thôi. Ngoài ra, điều này thì ai cũng biết, tinh tinh bị rớt lại trong cuộc chạy đua tiến hóa và có thể gõ vào cái nút kia, bởi chúng bị thiếu mất mấy cặp gien quan trọng.
Anh lại cảm thấy tỉnh táo và đầu óc sáng láng, sự mệt mỏi đã tan biến. Anh thích làm việc trong trạng thái tỉnh táo và hăng hái như thế này với những ý tưởng điên rồ quay cuồng trong đầu. Anh đứng dậy rất nhanh, cầm bàn phím, quay lại bàn nối với máy tính.
Chuông điện thoại bỗng reo.
Jacek. Anh nhận ngay ra giọng nói của cậu ta.
Thậm chí anh không cố nhớ xem lần cuối cùng họ nói chuyện với nhau là bao giờ.
Điều đó không hề có ý nghĩa.
Xấu hổ vì sự bất lực của mình, vì mình yếu đuối và chán nản, Jacek kể với anh về Ania.
Cậu ta gọi cho anh vào bốn giờ sáng, từ Ba Lan, sau mấy năm kể từ lần nói chuyện gần nhất và kể rằng cô con gái tám tuổi Ania của cậu ta bị bệnh máu trắng và sẽ chết. Cậu ta chỉ kể có vậy.
Thậm chí cậu ta không nhờ giúp đỡ. Bởi Jacek, kể từ khi anh quen biết, bao giờ cũng rất ngại nhờ vả.
Cậu ta kể cho anh theo cái cách như thể để cho xong việc.
Đến tận hôm nay anh vẫn không biết tại sao, nhưng nghe cậu ta nói và hỏi cụ thể, anh tin chắc rằng mình sẽ giúp được. Đây chắc chắn là do cocain vừa nãy. Bởi anh rất quan trọng và luôn có lý cơ mà.
Còn từ hồi Natalia, anh biết tất cả về bệnh máu trắng.
Làm sao mà có thể không biết cho được? Natalia của anh, nếu may mắn hơn, đã có thể chết vì bệnh máu trắng.
Nếu cô đã không chết sớm hơn.
Anh cúp mây. Những gì vừa nghe thấy đã khiến anh bị chấn động. Anh tắt máy tính và quyết định đi bộ về nhà. Đi trên Charles Street vào giờ ấy vẫn còn vắng, anh nghĩ đến định mệnh. Có thể nói là anh từng chắc chắn rằng định mệnh đó là tưởng tượng và thiên kiến. Chúa đã có quá nhiều việc đổ lên đầu nên không thể ấn định định mệnh cho toàn bộ đàn người này. Ngoài ra không thể có cái thứ định mệnh bắt một đứa trẻ tám tuổi phải chết. Khi anh vào nhà, phòng Jim vẫn sáng đèn. Anh thấy mừng. Lúc này anh cần được nói chuyện hơn bất cứ thứ gì khác trên đời này.
Anh gõ khẽ cửa phòng và bước vào mà không chờ được mời, và không một lời mào đầu, anh hỏi luôn:
- Jim, cậu nghĩ thế nào, một ca ghép tuỷ xương ở đây, ở Tulane hết độ bao nhiêu? Con bé lên tám, đang ở Ba Lan và chỉ có thể sống được độ ba tháng nữa thôi. Đây là con gái của một anh bạn thân của tôi.
Jim phản ứng như hắn vẫn thường phân ứng trước những câu hỏi hệ trọng và gay go: đắm chìm trong suy nghĩ của mình một lúc. Lần này thì lâu hơn nhiều so vời thường lệ. Gã đột ngột rời khỏi giương, đi rất nhanh đến chỗ anh và nói:
- Ông nghe này, tôi thì chẳng biết mấy tí về cái khoản ghép tuỷ ấy. Tôi nghi ràng ghép tủy là ở trong xương. Ngoài ra không biết thêm tí gì về đề tài này. Nhưng nếu người ta sẽ chết vì nó thì có nghĩa là nó rất đắt. Ở Mỹ, tất cả những thứ mà người ta sẽ không chết nếu có được đều rất đắt. Anh cứ nhìn mà xem, bố của Kim sống ở đâu và đi những cái xe ôtô loại nào; bộ ngực cửa mẹ Kim thì cứ mỗi năm lại to thêm và dựng thêm lên như thế nào. Phải trả 100 hay 300 ngàn ư, không có nghĩa gì hết. Quá nhiều, để mà có. Ông thậm chí chưa nhìn thấy những khoản tiền như thế bao giờ đâu. Tôi thì tôi đã được nhìn thấy nhưng chúng chưa bao giờ là của mình cả. Tụi mình không được phép để cho con bé phải chết chỉ vì nó không sinh ra ở đúng cái nước cần thiết. Sáng thứ hai, ông sẽ đứng trước văn phòng hiệu trưởng ở Tulane với một tấm áp phích. Tôi cũng với một tấm áp phích đúng như vậy sẽ ngồi giữa trung tâm của Bourbone Street. Hôm nay bọn mình vẫn còn kịp gọi điện đến đài phát thanh ở đây, ở New Orleans. Quảng cáo ngay cạnh những đợt quyên góp tiền bao giờ cũng đắt nhất. Chắc chắn họ sẽ giúp. Trước và sau những đoạn về băng vệ sinh phụ nữ họ sẽ chen vào những đoạn mới, về một bé gái vô tội ở Ba Lan đang chết dần vì bệnh máu trắng. Cái công ty sản xuất băng vệ sinh ấy nhất định sẽ tài trợ với lòng biết ơn. Mai, mà đúng hơn là hôm nay là chủ nhật. ông hãy đến nhà thờ, kể hết với giám mục. Ông hãy đến chỗ nào mà nhiều khách du lịch đến nhất ấy. Họ, một khi đã xúc động thì sẽ thả vào khay nhiều hơn đấy. Trong nhà thờ, dân địa phương chủ yếu là người da đen. Họ không có tiền đâu, ngoài ra bệnh máu trắng còn khiến họ liên tưởng đến phân biệt chủng tộc. Thứ hai Kim sẽ đến Student Union và sẽ chỉ ra về khi nào họ hứa sẽ tổ chức quyên góp tại khu vực trường học. Và ông hãy viết cho tất cả những người trong nhóm. Ông hãy điện cho con người tài năng ở Harvard. Bệnh máu trắng thì cũng là gien chứ gì. Ông ấy có tiền cho vấn đề này đấy. Chỉ cần phải tính toán cho thật kỹ. Ông phụng sự họ với cái đầu của anh. Cái đầu sẽ hoạt động tốt nếu tâm hồn thanh thản. Để có được tâm hỏn thanh thản cần phải trả giá. Ông ấy biết điều này. Có nguyên do của nó. Ở đây quyền đối với sự thanh thản của tâm hồn được ghi trong phụ trương của bộ luật. Ngoài ra ông phải gọi đến đại sứ quán BaLan nữa. Nói với họ hãy liên hệ với Tulane. Các bác sĩ bao giờ cũng khoái những người nhờ vả họ điều gì đấy là những người quan trọng và khỏe mạnh, nhất lại là ở các đại sứ quán: Mà thậm chí ông chớ có nghĩ rằng bọn lính sẽ mình thu được khoản nào từ đấy.
Nghe Jim nói, anh dần dà nắm bắt được sự chắc chắn, lòng nhiệt tình và niềm tin vào bản thân mình của gã. Cái cụm từ "bọn mình" như một lời thú nhận về tình bạn. Anh nghĩ rằng dù sao, vẫn có định mệnh. Nếu không thì anh đã không gặp Jim trong cuộc đời này.
Khi quay về phòng mình, anh đã có một kế hoạch sẵn sàng. Anh để nguyên quần áo nằm lên chiếc đi văng da đã sờn ở phía trước TV để đợi sáng. Anh đang bị hưng phấn. Anh không thể đợi được đến sáng để bắt đầu hành động. Bỗng nhiên anh nghe thấy tiếng động ngoài cửa. Ai đó vừa nhét qua khe rửa một phong bì trắng. Anh đứng đậy, ra lấy cái phong bì và mở. Giữa những tờ tiền là một tờ giấy xé từ vở.
Gửi Ania-Jim.
Từ tất cả những gì diễn ra trong hai tuần khác thường tiếp theo đó, anh chỉ ghi nhớ một vài sự kiện để nhớ đời. Anh nhớ là mình tuyệt đối thôi ở chỗ căn phòng đi thuê mà chuyển hẳn đến văn phòng, viết hàng trăm bức thư, đi đến hầu như tất cả các công ty lớn ở New Orleans, đi quyên góp ở nhà thờ trên xe buýt, trong các nhà hàng, cửa hàng và các câu lạc bộ ban đêm. Anh đã được gặp tình đoàn kết cảm động cũng như sự dửng dưng đáng sợ.
Anh biết chắc rằng Ania sẽ sang được đây vào một tối khoảng một tuần sau khi bắt đầu chiến địch, bố của Kim gọi điện đến cho anh bảo:
- Tất cả các bác sĩ và tất cả các y tá của tôi sẽ tiến hành ca mổ này mà không nhận thù lao. Ngoài ra tôi đã liên hệ với văn phòng nhập cư ở Washington và tôi đã giải quyết được viza cho cô bé. Ngày mai chúng tôi sẽ bắt đầu tìm người cho tủy. Cơ sở dữ liệu những người cho ở Mineapolis - mà chỉ có thể tìm được ở đấy như anh biết đấy - là do một nghiên cứu sinh của tôi phụ trách. Tôi đã cung cấp cho anh ta biểu đồ kháng nguyên chính xác của Ania. Chúng ta cần phải có người cho trong vòng ba ngày. - Ông im lặng một lúc rồi nói thêm: - Con gái tôi phục anh lắm. Thậm chí anh không biết là tôi ghen với anh như thế nào đâu.
Ba tuần sau đó thì anh đứng ở sân bay và năm nhân viên của LOT (*) đẩy chiếc xe lăn với một bé gái đầu trọc lốc, sợ hãi trong bộ đồ thể thao bông được giặt sạch sẽ như thế nào. Cô bé có đôi mắt rất to màu xanh lục, gầy một cách đáng sợ và đang ôm chặt một con rối mặc áo chẽn và đội mũ đỏ.
Đó là Ania.
Anh đi đến chỗ cô bé và tự giới thiệu.
- Cháu tên là Ania. Còn đây là Kacper - cô bé nói, chỉ vào con rối. - Mẹ cháu bảo là chú có thể làm được cái gì đấy để cháu không chết.
Anh đứng như trời trồng. Không biết nói gì. Anh phải cố hết sức để không lộ ra là mình đang nuốt nước mắt.
Con bé không lúc nào rời Kacper. Ngủ cùng nó, nói chuyện với nó. Ôm nó âu yếm những khi khóc vì nhớ nhà. Với Ania, con rối vải ấy bỗng trở thành biểu tượng của tất cả những gì gắn-bó nó với quá khứ, với bố mẹ và với cái mà nó hiểu được, khiến nó liên tưởng tới sự an toàn và ngôi nhà của nó ở Ba Lan. Các chị y tả ở Tulane kể với anh rằng, thậm chí cả khi đã mơ màng vì thuốc gây mê ngay trước lúc mổ, nó vẫn dùng hết sức để ôm Kacper và phải khó khăn lắm mới tôi được con rối ra khỏi hai cánh tay thâm tím vì những vết kim tiêm và gầy không thể tưởng tượng nổi của nó.
Từ giai đoạn ấy anh còn nhớ cả một ví dụ về thói đạo đức giả ghê tởm. Một hôm, sau khi bố của Kim đã gọi điện, có một gã người to bè, hai mắt cách xa nhau khiến ta nhớ đến loài cáo, đến văn phòng thăm anh. Ông ta tự giới thiệu là nhân viên của đại sứ quán Ba Lan ở New York và yêu cầu anh cho xem hộ chiếu. Rất may là anh lại nhớ hỏi để làm gì. Điều này đã gây nên một sự khó chịu không thể tin được. Khi đó anh được biết rằng mình "đang hủy hoại hình ảnh của Ba Lan trong mắt bọn đế quốc Mỹ", rằng "anh đi ăn mày ăn nhặt giống hệt một tên digan rách rưới trước cửa nhà thờ", rằng "anh làm tổn hại đến Ba Lan với tư cách một nhà khoa học và một công dân". Anh nghe ông ta nói, thấy ngạc nhiên và ghê tởm. Cho đến bây giờ anh vẫn tiếc tại sao lúc ấy anh không tống cổ ông ta ra khỏi văn phòng.
Anh còn gặp người đàn ông đó một lần nữa. Đại học Tổng hợp Tulane, khi phòng trào giúp đỡ Ania kết thúc tốt đẹp, đã tổ chức một cuộc họp báo. Cả truyền hình địa phương cũng có mặt. Anh nhớ là cả anh cũng nhận được những lời chúc mừng từ tất cả mọi ngrười. Đến khi mà các camera hướng đúng vào chỗ anh thì người đàn ông ở đại sứ quán ấy bước đến và chìa tay chúc mừng anh. Lúc ấy anh nhìn vào mắt ông ta và nói:
- Ông biết không, tôi mơ thấy là ông đã treo cổ. Tôi tỉnh dậy thấy mình yên tâm hẳn đi.
Anh đã không bắt tay ông ta.
Anh còn nhớ cả lúc chia tay với Ania, khi anh đưa con bé ra máy bay của hãng Delta ở New Orleans để bay đi Chicago, từ đấy nó sẽ đi LOT về Warszawa. Anh không phải đi cùng con bé. Delta sẽ đảm bảo toàn bộ việc chăm sóc Ania theo khuôn khổ tham gia của mình vào phong trào giúp đỡ. Khi Ania khuất sau cửa máy bay cùng với cái xe lăn của mình, anh bỗng cảm thấy trống trải, buồn và cô đơn.
Liệu mẹ anh cũng có những cảm giác như vậy sau mỗi lần anh, một cậu bé hơn chục tuổi bỏ bà lại để đi đến tận cùng đầu kia của đất nước?
Lách người qua đám đông ở sân bay, anh chợt phân vân, phải chăng tất cả những con vi khuẩn gây bệnh sốt Rittchesia của anh, tất cả những trạng thái hưng phấn trong niềm thán phục được toại nguyện và toàn bộ sự xáo trộn này trong cuộc sống của anh chẳng qua chỉ là một hình thức trốn chạy trước sự trống trải và cô đơn? Ania đã lấp đầy khoảng trống đó trong vài tuần bàng niềm vui, sự xúc động và một cái gì đó thực sự quan trọng.
Tiếng loa của sân bay gọi tên anh đã bứt anh ra khỏi dòng suy nghĩ. Anh phải khẩn trương đến phòng thông tin của Delta.
Có một gói gì đó được tìm lại cho anh - nữ thực tập viên trong bộ đồng phục màu xanh đen tươi cười nói và đưa cho anh một cái gói nilon.
Anh mở gói ngay tại chỗ. Lấy ra con rối đội mũ đỏ xinh xắn, đặt lên mặt quầy và cứ đứng bất động mà nhìn nó.
Những chuyện ấy đã lâu lắm rỏi - anh nghĩ.
Anh tắt máy tính, uống nốt lon co ca rồi gói mấy trang anh in ra và mấy quyền tập chí để chủ nhật đọc. Đi qua cửa cạnh cái tủ bằng gỗ bạch dương, anh dừng lại, chỉnh lại cái mũ đỏ cho con rối vải để trên ngăn cao nhất, giữa những cuốn sách.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 30-12-2007, 02:48  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

CÔ : Cô lại dậy trước báo thức. Thậm chí cô cũng không lấy thế làm ngạc nhiên. Ngày xưa thì không bao giờ có chuyện ấy, bây giờ đã là chuyện thường ngày.
Thứ hai! Cô cười một mình.
Trong những ngày nghỉ cuối tuần, cô đã nhớ biết bao...
Cô sẽ lại sắp sửa đến văn phòng, mở máy tính, đọc mail của anh và cô sẽ vui.
Cô khẽ ra khỏi giường và xuống phòng tắm.
Đứng dưới vòi hoa sen cô phân vân, không biết mình có muốn anh ở đây lúc này và nhìn thấy mình khỏa thân không nhỉ.
Cô biết là anh sẽ chỉ nhìn cô một lần bằng cặp mắt đầy suy tư của mình và sẽ nhớ tất cả. Không, bây giờ thì anh tuyệt đối không nói gì hết, nhưng mấy hôm nữa anh sẽ viết cho cô rằng cô có một nốt ruồi ba milứnét dưới ngực phải và rằng nó ngọt, rằng xương hông trái của cô cao hơn bên phải và anh muốn có một lần nào đó anh sẽ húc trán vào đấy, và rằng núm vú của cô nâu hơn là anh vẫn hình dung ra và khi cô đã cảm thấy ấm áp và dễ chịu lắm rồi vì những lời bình luận khác thường ấy, thì anh sẽ đưa cô trở về mặt đất bằng cách viết rằng trong bất cứ trường hợp nào cô cũng không nên tắm bằng cái loại xà phòng ấy, vì độ PH của nó quá cao.
Tại sao cô lại chưa dám chắc rằng cô thực sự muốn anh nhìn thấy mình. Cô quyết định không "phân tích nhu cầu này" bây giờ, mà sẽ thực hiện ở văn phòng, muộn muộn một chút, sau khi cô đã đọc xong mail của anh, nói chuyện với anh trên ICQ, uống bia và sẽ hoặc đã "ngây ngất".
Cô rất thích suy nghĩ về những lưỡng lự kiểu như vậy chính trong trạng thái này.
Cô tin chắc rằng nếu cô nói với anh, thì anh sẽ còn tình cảm hơn nữa, và sẽ khiêu khích để cô viết "những lá thư tình", nhưng đằng nào thì cuối cùng anh cũng sẽ viết rằng cô không được phép "giữ trong lông những phân tích ấy", thậm chí nếu cô có rất "ngây ngất" trong văn phòng đi nữa, thì chắc chắn cô cũng sẽ không khỏa thân, mà điều này sẽ làm diện mạo của vấn đề thay đổi một cách thê thảm.
Ông chồng vừa vào phòng tắm đã bứt cô ra khỏi dòng suy nghĩ. Anh ấy nhắc cô rằng nếu cô cứ chiếm cái vòi tắm lâu hơn thì chắc chắn cả hai sẽ đi làm muộn.
Anh ta có lý. Như vẫn thế, kể cả khi vô lý.
Cô lau vội người và cứ khỏa thân thế chạy vào phòng ngủ, chỗ tử quần áo.
Kể từ lúc, khi anh mào đầu ngay bang câu hỏi khá trơ tráo mang tính tước bỏ khí giới, rằng hôm nay cô mặc bộ đỏ lót màu gì, thì sáng nào khi thay quần áo cô cũng nghĩ đến chuyện ấy.
Đương nhiên là cô không cho anh biết, bởi nó quá riêng tư. Nhưng khi biết được là anh thích màu xanh lá cây, thì "vô tình" như thế nào đấy, cô đã mua ba bộ với ba tông màu xanh lá cây khác nhau.
Hôm nay cô quyết định mặc bộ xanh thẫm, gợi tình nhất, nịt vú thì có khóa cài đằng trước, còn quần lót khoét cao có viền đăng ten.
Cô cảm thấy đây là bộ mà anh thích.
Và hoàn toàn không phải vì chồng cô đã nhìn cô rất lạ những khi cô ngồi trang điểm trong phòng ngủ mà mặc mỗi bộ đỗ lót.
Cô thích cái khoảnh khắc bước vào văn phòng. Đã từ lâu rồi khi cô không phải là người đầu tiên. Rất yên tĩnh và chỉ có một mình. Kề từ ngày tìm được anh, cô thích sự một mình này trong văn phòng. Cô pha cà phê, khi mùi cá phê tỏa khắp phòng, cô bật máy tính và khi modem đang chọn số modem của máy chủ của họ ở Poznan thì cô ngồi đầy ắp chờ đợi, như một cô gái mới lớn đang bị bỏ bùa mê, ly cà phê đặt cạnh máy tính. Cô khởi động chương trình thư và đợi cho đến khi tất cả các mail từ máy chủ của công ty tại Poznan được lấy về máy tính của cô. Sau đấy cô mở lần lượt các mail của anh và đọc.
Mới tuyệt vời làm sao, lãng mạn làm sao.
Và cứ như vậy không hề gián đoạn từ mấy tháng nay, nhưng cô biết rằng không nên như thế. Cô biết rằng tất cả chỉ là thoảng qua, không bền lâu và phải trải nghiệm "ở đây và lúc này", thậm chí đây chỉ là ảo giống như mối quen biết của họ.
Máy chủ ở Poznan không trả lời.
Cô thử ít nhất cũng phải tám lần. Cô không thể chờ được, khi cô thư ký vừa đến, cô đã lấy một cái cớ nào đấy để bắt cô ta phải kiểm tra thư ngay lập tức. Cả máy tính của cô ta cũng không thể kết nối được với Poznan.
Cô bực bội và thất vọng. Họ đã làm hỏng cả buổi sáng nay của cô, mà với cô thì từ mấy tháng nay, sáng thứ hai giống như tối thứ sáu hay thứ bẩy của nhiều người khác.
Cô gọi điện cho Poznan.
Họ trả lời rằng có ai đó đã tấn công máy chủ của họ và hiện tại. Họ đang khắc phục hậu quả, nhưng máy bị quá nặng nên chắc chần trong ngày hôm nay họ chưa thể sửa xong được bồở thậm chí họ chưa biết cụ thể bị mất những gì.
Đúng là một cú đánh bất ngờ! Anh thì chắc chấn chỉ sau vài phút là phải biết cái gì bị hủy - cô tức tối nghĩ.
Cô gọi cho anh.
- Chào anh, Jakub. Em nhớ anh - cô thì thầm. - Máy chủ của tụi em ở Poznan không hoạt động, nên em không đọc được mail của anh, mà anh thì biết rồi đấy, chúng quan trọng với em như thế nào. Thế là em nảy ra sáng kiến là bây giờ anh đọc qua điện thoại cho em nghe. Anh chưa làm thế bao giờ đâu đấy. Anh biết là em sẽ rất thích khi anh làm thế. Anh sẽ đọc phải không? - cô hỏi.
Anh im lặng một lúc, không trả lời, sau đấy thì nói điều gì đó khiến cô băn khoăn:
- Anh không đọc cho em được, vì anh không thể.
- Jakub, nhưng anh đã viết và đã gửi cho em, đúng không nào?
- Tất nhiên rồi, anh đã viết, đã gửi, nhưng... sau đó... sau đó thì anh đổi ý - anh trả lời.
Cô phải mất một lúc để phân tích câu nói đó và chợt hiểu.
- Jakub! Vậy là anh, em xin lỗi, khi đổi ý, như anh gọi rất nhẹ nhàng và khôn ngoan như vậy, đã phá máy chủ ở Poznan, để cả nó cũng "đổi ý" và không chuyển mail đến tay em phải không? - cô tức giận hỏi.
- Không, anh không phá... Những chỉ là vì anh không biết. Mà là anh bạn Jacek của anh ở Hamburg đã phá. Tha thứ cho anh nhé. Sẽ có lúc anh giải thích cho em chuyện này.
Cô rất bực, cảm thấy mình đã bị anh làm tổn thương, lần đầu tiên kể từ khi anh hiện hữu trong cuộc đời cô.
- Anh đã viết những gì trong những bức mail ấy? - cô hỏi hơi lên giọng.
Ngay lập tức cô hiểu rằng đó là câu hỏi ngu xuẩn nhất mà cô có thể đưa ra.
- Anh đừng trả lời - cô nói vội. - Đó là một câu hỏi điên rồ. Em sẽ gọi cho anh sau. Bây giờ em cần phải bình tâm cái đã.
Cô gác máy.
Chẳng còn gì giống với ngày xưa nữa, hồi "trước anh".
Nói chung cô đã sống như thế nào nhỉ, hồi "trước anh"?
Người ta gửi mail cho cô, sau đó thì phá hỏng cả máy tính để cô không thể đọc được. Ai làm những chuyện ấy, ai gây ra ngẩn ấy rắc rối, ai đã có những ý nghĩ như vậy nói chung?

ANH : Buổi sáng anh thức dậy và nghĩ đến cô. Anh không nhớ chính xác là mình bắt đầu như vậy từ bao giờ, nhưng từ mấy tuần nay thì liên tục như thế. Tâm trạng mà những ý nghĩ ấy gây nên khiến anh hơi lo ngại. Chờ đợi và buồn khó tả Ngực bỗng nhiên đau nhói hay những xúc cảm đột ngột không thể kiểm soát khi trong đài có ai đó hát về tình yêu đúng vào lúc anh vừa uống chút vang. Cái này rất mới. Từ hồi nào tới giờ anh chỉ quan tâm tới tin tức trên đài.
Cô đã bất ngờ bước vào cuộc đời anh. Từ giây phút đầu tiên xuất hiện, cô đã không bình thường. Không bao giờ anh quên được buổi chiều hôm ấy, khi anh đang làm việc với chương trình của mình thì tự nhiên lại để ý thấy trên màn hình có tin của ai đó gửi đến qua ICQ. Anh mở và đọc.
Tôi vẫn còn một chút yêu trong những gì còn rơi rớt lại của một mối tình vô nghĩa và lúc này tôi đang buồn kinh khủng nên muốn được chia sẻ với ai đó. Một ai đó phải hoàn toàn xa lạ, người không thể làm tôi bị tổn thương. Cuối cùng thì Internet cũng có ích cho tôi về một cái gì đó. Và trúng phải anh. Tôi có thề chia sẻ với anh được không?

Cô đã làm anh bị choáng vì sự thành thật ấy. Anh đồng ý. Cuối cùng thì cô chẳng kể gì với anh và mọi chuyện đã bắt đầu như vậy.
Hôm nay anh cũng thức dậy với ý nghĩ về cô và cười một mình.
Thứ hai! Cô sẽ ở bên anh trong suốt năm ngày.
Một ngày nắng tháng chín bắt đầu ở Munich. Với thời tiết như thế này, anh quyết định sẽ đi xe máy đến cơ quan.
Ngày xưa, "trước cô", không bao giờ anh lại để ý đến những sự kiện kiểu như vậy, anh chìm đắm trong những suy nghĩ về các thuật toán, về gien học, anh trăn trở với những lỗi mới nhất trong chương trình. Song hôm nay thì anh để ý và cảm thấy hung phấn một cách lạ lùng.
Vẫn ở ngoại thành, trên một ngã tư anh đứng cạnh một chiếc Mercedes màu bạc mui trần. Kể cũng hơi lạ trong tiết trời giá lạnh và vào giờ này trong ngày. Lái xe là một phụ nữ. Dễ chùng đến ba mươi tuổi. Cô ta mặc váy xếp rất ngắn màu xanh đen và body chật màu kem, tay trái cầm lon coca và nhấp từng ngụm qua cái ống hút màu xanh. Cô ta đeo cặp kính râm hình ôvan gọng mạ vàng. Một cái vợt tenis nằm trên ghế bên, một phần bị cuốn tạp chí thời trang che khuất. Những cái vỏ đĩa CD nằm lộn xộn trên ghế da hẹp phía dưới. Anh dừng lại ngay cạnh cô ta. Xe máy bao giờ cũng được quyền ưu tiên trong hàng chờ đèn đỏ. Trong lúc đợi đèn xanh, cô ta chợt nhoài người ra phía sau để lấy đĩa trên ghế. Váy bị kẻo lên và không thể không nhận thấy là body của cô ấy ở chỗ khóa giữa hai đùi cùng màu với chân váy! Cô ta cứ ở tư thế nghiêng như vậy mà chọn đĩa như thể chỉ cần sờ là biết tên đĩa, còn anh thì nhìn vào chỗ khóa ấy và mọi sức lực đều đồn vào ý nghĩ, rằng những cái khóa như vậy quả là một giải pháp thiết thực. Cô ta bỗng ngoảnh đầu lại phía anh, kính của họ gặp nhau. Cô ta khẽ hé miệng cười với anh. Anh giật mình, đột ngột cúi đầu, xấu hổ cảm thấy mình giống như cậu bé bị bắt quả tang đang nhìn trộm bà chị đang tắm qua lỗ khóa. Có thể nhận thấy sự thay đổi trên gương mặt của tất cả lái xe quanh chiếc xe mui trần của cô ta.
Đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh, nhưng trước khi xe cô ta lăn bánh, anh còn kịp nhận thấy điếu đó lần đầu tiên. Tuy nhiên anh vẫn chưa dám chắc. Thế là anh bắt đầu cuộc đua để giành chỗ tốt nhất bên cạnh cô ta ở chỗ đèn tín hiệu tiếp theo. Anh mừng vì hôm nay mình đã quyết định đi xe máy. Kể cả nếu anh có là người đến sau cùng, thì vẫn cứ sẽ có chỗ ngay bên cạnh "sân khấu". Không, anh không nhanh ở mỗi điểm chờ đèn tín hiệu tiếp theo, núm vú của cô ta càng lúc càng nổi rõ hơn dưới lớp body màu kem bó sát người. Như bị mê hoặc, anh nhìn chầm chậm vào bộ ngực ấy từ sau cặp mắt kính sẫm của mình và phân vân phải chăng đó là cái lạnh của buổi sáng sớm, hay cái đói của cô ta, hay có thể là họ, những người lái xe.
Vừa mở cửa phòng làm việc, anh đã nghe thấy tiếng chuông điện thoại. Là cô. Nhất định đã xảy ra chuyện gì rồi. Trước đó cô mới chỉ gọi cho anh có một lần. Nhưng khi cô đã thầm "em nhớ anh" thì nỗi lo ngại biến mất và tâm trạng yêu lại trở về. Và khi cô hỏi anh về cái e-mail hôm thứ bảy thì đúng là lúc anh đang phân vân không biết làm thế nào để biết được là cô cũng có body kiểu như thế, có khóa ở giữa hai đùi, không nhất thiết phải là màu kem.
Anh không lường trước được chuyện này. Anh không hề nghĩ là Jacek đã "giải quyết" cả cái máy tính khi được anh nhờ hủy chỉ một cái mail duy nhất. Jacek, như anh biết, thì chắc chắn là đã làm vậy để "cho chắc".
Và mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy con ngươi của mắt cô, thì anh vẫn cứ hình dung ra là chúng rất to và tuyệt đẹp khi cô nói cái câu đặc biệt này:
"Anh biết là em sẽ rất thích nếu anh làm điều đó. Anh sẽ đọc, đúng không?"
Anh không làm. Anh sẽ không đọc cho cô nội dung bức thư đó.
Vì những con ngươi ấy, chính thế. Anh chẳng vẫn muốn dẫu chỉ một lần nhìn thấy chúng đấy thôi.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 30-12-2007, 02:50  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

CÔ : Cô không biết gọi tên cái đã xảy ra với anh. Đó không phải là "yêu". Cô biết là khi yêu, người ta không có những nỗi sợ ghê gớm như vậy. Mặc dù cô chợt hiểu ràng rất có thể cô đã nhầm trong trường hợp của anh.
Đã có lần anh cố giải thích cho cô tất cả những gì xảy ra trong não của những người đang gặp phải "rắc rối đột ngột về cảm xúc" được biết đến chủ yếu dưới dạng tình yêu bằng thuyết hóa học về tình yêu của mình. Theo anh thì đây chẳng liên quan gì đến sự điên rồ, nồng nàn và si mê. Mà nó giống như một bản báo cáo thí nghiệm thì đúng hơn. Anh qui tất cả về hoócmôn, dopamina và bộ gien tương ứng. Anh cố thuyết phục cô rằng con người ta có thể hạnh phúc nhờ "những chất ức chế ma thuật nào đó của con hãm phản hồi serotonine". Và mặc dù cái này đọc lên nghe như một đoạn tiêu đề của một luận văn tiến sỹ khô khốc nào đấy, cô vẫn biết là dù đó có là cái gì đi nữa, thì cô cũng sẽ biết chính xác nó có nghĩa gì. Cho dù chỉ để chắc chắn là anh không có lý. Khi anh viết cho cô tất cả những cái đó, cô cảm thấy hạnh phúc và biết rằng chắc chắn chẳng có bất cứ một chất ức chế nào có liên quan gì đến chuyện này.
Nghe những bức thư ấy - đúng ra là đọc chúng - cô nhất trí với khả năng hiện thực của chúng về mặt khoa học, nhưng không bao giờ cô tin chúng hoàn toàn.
Cô không thể. Điều đó cũng tương đương với việc tin rằng âm nhạc của Chopin, đó là hiệu quả đã được lập trình một cách hoàn hảo của những cú gõ vào các phím đàn.
Ngoài ra từ mấy tuần nay cô còn biết chắc rằng dù gì đi nữa thì Jakub vẫn là người đàn ông lãng mạn nhất mà cô từng gặp trong đời.
Nếu quả thực Chúa đã tạo ra con người, thì hẳn Người đã tốn nhiều thời gian hơn để tạo ra anh.
Cô bỗng cảm thấy mình ngưỡng mộ anh hơn bao giờ hết.
Cô gọi điện một lần nữa.
- Jakub, anh có thể hủy cái mail ấy mà không cần phải phá cả server phải không? Bây giờ thì cả ngày thứ hai em sẽ không có anh, mà em thì đã chờ và đã mừng biết bao nhiêu. Liệu anh bạn anh có thể giúp họ sửa nhanh cái máy ở Poznan được không?
Cô đặt máy và chợt biết rất rõ mình sẽ làm gì.
Cô lấy đĩa mềm từ ICQ, gọi taxi, nói với cô thư ký là cô mệt phải đi bác sĩ và nếu cô không về kịp trước mười bảy giờ thì cô ta tắt hộ cái máy tính.
Cô bảo lái xe taxi đưa đến cái khách sạn mới mở mà gần đây ai cũng nói tới. Tại lễ tân, cô hỏi Internet Cafe mà báo nào ở Warszawa cũng đưa tin ở chỗ nào. Quán cà phê hóa ra là mấy cái máy tính nằm ở một góc của câu lạc bộ ban đêm trên gác một của từng ngầm cửa khách sạn.
Khi cô vào đó, đã là mười giờ sáng.
Đó là câu lạc bộ ban đêm duy nhất có quầy bar, một sàn nhảy và những cái bàn với những chiếc ghế cao, nặng nề bọc nhung màu xanh lá cây. Ánh sáng nhờ nhờ, câu lạc bộ hoàn toàn vắng vẻ; chỉ có mỗi một nam nhân viên phục vụ còn trẻ đứng sau quầy bar, mắt đỏ vì hơi cồn, đang lau chùi ấy. Anh ta trạc tuổi cô. Kiểu một người tình La tinh, tóc đen bóng chải ốp ra phía sau. Anh ta mặc một chiếc áo may-ô đen bó sát người với hàng chữ "bạn có thể có tôi" bằng tiếng Anh và trông như thể là bị nhốt trong phòng tắm nắng chí ít cũng bốn giờ đồng hồ. Cách phản ứng của anh ta chứng tỏ anh ta không hề nghĩ rằng lại có ai đến đây vào tầm này của sáng thứ hai và rõ ràng là cô đã làm khó cho anh ta trong việc "liếm láp các vết thương" sau đêm hôm qua. Khi cô đến chỗ quầy bar, anh ta nhìn cô từ đầu đến chân, chỉ đừng lại một phần giây khi nhìn vào môi cô.
Cô hỏi về Internet.
Anh ta không nói không rằng, dẫn cô đến chỗ mấy cái máy tính đặt trên những cái bàn gỗ nhỏ nặng nề, với những cái ghế cũng to tướng màu xanh lá cây. Bên cạnh một số máy tính vẫn còn nguyên những cái gạt tàn đầy, một vài bàn phím bị dây những vết vang đỏ và cô bỗng vui vui nhận thấy trên một màn hình một vết môi màu máu rất rõ.
Thật tuyệt vời! Phải chăng cả cô nữa, đôi khi cũng muốn làm một cái gì đó kiểu như vậy?
Ví dụ như cái lần, Jakub trong lúc đang nói chuyện về đề tài Internet, chẳng cơn cớ gì, hoàn toàn không có bối cảnh thích hợp, bỗng dưng viết: "Lúc này anh khát khao em biết bao...". Lúc đó mọi cái bỗng trở nên tình cảm thế. Nhưng chỉ một lúc. Ngay sau đó cô cảm thấy, mặc dù rất lâu về sau cô vẫn không dám thú nhận điếu này ngay cả với chính mình, rằng cô thực sự muốn anh chạm môi lên ngực mình.
Người phục vụ nhận thấy sự trầm tư bất chợt nơi cô bèn e hèm thật to rồi bật cái máy tính ở đúng đối diện với quầy bar. Khi anh ta bắt đầu giảng giải cho cô cách sử dụng chuột như thế nào, cô nhìn anh ta săm soi và bảo rằng anh ta không việc gì phải nhọc lòng, cô sẽ tự xoay sở được mà không cần tới khóa đào tạo dành cho những người mới bắt đầu của anh ta.
Anh ta quay về quầy bar tỏ vẻ khó chịu và nhìn cô đầy nghi ngờ.
- Máy tính của các anh ở đây có ICQ không? - cô hỏi.
Cứ theo ánh mắt của anh ta thì cô hiểu rằng anh ta chẳng có một tí khái niệm nào về cái điều cô vừa nói: Và bắt đầu quanh co, rằng họ đang chờ phiên bản mới, còn cô thì băn khoăn, tại sao đối với đàn ông, việc thú nhận mình không biết một điều gì đấy mà điều ấy phụ nữ lại biết, lại khó khăn đến thế.
Cô quyết định không hỏi anh ta, rằng cô có thể tự cài đặt ICQ được không.
Cô cho cái đĩa mềm mà cô mang theo vào ổ, và bắt đầu cài đặt.
Anh ta vẫn nghi ngờ nhìn cô không dứt từ quầy bar.
Và khi ấy cô bỗng nảy ra một ý nghĩ lạ lùng.
Đúng, đây chính là một bối cảnh khác thường!
Câu lạc bộ này, những gì xảy ra với server ở Poznan, tâm trạng của cô và điều kiện tưởng tượng của ngày hôm nay.
Cô ra chỗ quầy bar và nói:
- Anh mang giúp tôi một chai nước khoáng có ga loại một lít bốn lát chanh, hai cốc uống nước, cappucino với suất đúp amaretto ở giữa, một chai vang đỏ chát và hai cái ly đến bàn máy tính được không?
CÔ biết anh ta rất ngạc nhiên, nhưng vẫn gật đầu hỏi:
- Xin lỗi, chị trả tiền máy tính đến mấy giờ?
- Đến bốn rưỡi. Và nhờ anh gọi giúp taxi vào lúc mười sáu giờ bốn nhăm phút .
Cô quay lại chỗ máy tính và gửi e-mail đến thẳng pager của anh:

Jakub, anh hãy lên ICQ ngay, càng nhanh càng tốt. Em sẽ nói với anh tất cả những gì anh muốn.

Sự bất thường này, rằng việc này nói chung là có thể về mặt kỹ thuật, thậm chí không còn làm cô ngạc nhiên nữa. Nhưng lòng biết ơn sự thông minh này của loài người không bao giờ qua đi trong cô. Chẳng phải nhờ sự thông minh ấy mà cô có anh đấy sao.
Một lát sau máy tinh báo hiệu rằng anh đã có mặt.

Em thân yêu, em lấy đâu ra thế này ??? Đừng có nói với anh là Poznan đã "phục hồi" đây nhé?

Cô cười thỏa mãn.

Nó không phục hồi đầu. Mà là em phục hồi đây. Em đã quá nhớ anh, em đã quá mừng khi thứ hai đến, nên không thể để cho một cai Server suy sụp nào đó ở Poznan lấy mất của mình được. Em đang ở Internet Cafe trong câu lạc bộ ban đêm của một khách sạn mới ở Warszawa và em sẽ ở đây cùng với anh cho đến 16.30. Em ngồi gần quay bar, đứng sau nó là người phục vụ đang sững người vì kinh ngạc, em uống nước khoáng với chanh và em gọi một chai vang đỏ, em sẽ mờ ngay bây giờ đây. Ngoài người phục vụ mà ta không tính đến, thì chúng ta chỉ có một mình thôi, anh và em.

Và không đợi phản ứng của anh, cô viết một câu không thể tin được như thế này :
Jakub, ngay bây giờ em sẽ cho anh biết một thông tin về mình, côn anh xin hãy quyến rũ em đi.
HÃY QUYẾN RŨ EM HÔM NAY TRONG CÂU LẠC BỘ NÀY??????
Anh hãy làm điều đó, em xin anh đấy. Chúng mình chưa bao giờ cùng nhau trong câu lạc bộ ban đêm, một mình, và em thì có chút cồn trong máu. Và có thể rất lâu nữa mới lại có lần thứ hai như thế này. Anh hãy mở một chai vang đỏ mà nhất định là anh có khóa trái cửa phòng làm việc lại và anh nhớ rằng đang là sáng thứ hai. Sáng thứ hai, đó chúng phải là thời gian đẹp nhất của chúng mình sao. Bao giờ chúng mình cũng chờ nó, rất lâu và rất nhớ.

Cô dừng viết và gọi người phục vụ:
- Anh có thể mở một đĩa nhạc gì đó được không?! Tốt nhất là B.B. King... - cô nói thêm.
Anh ta chắc không còn ngạc nhiên nữa, cái tay phục vụ này - cô nghĩ.
Chỉ một lát sau, xung quanh cô trong cái câu lạc bộ mờ ảo và ấm cúng này đã tràn ngập blues.

Jakub, để dễ hơn cho anh, và để anh cũng có cơ hội như tất cả mọi người, em sẽ cho anh biết tất cả những thông tin quan trọng nhất về mình. Hôm nay em mắc chiếc nịt vú màu xanh lá cây sẫm viền đăng ren có khóa cài ở đằng trước, một cái áo đen chui đầu bó sát người có ba cúc, em đặc biệt đẹp, vì vừa sạch kinh được hai hôm, em tô son dưỡng môi màu đỏ thẫm và khi chạm tay lên đó thì khắp người em như bị kiến bò. Ngoài ra căn phòng đang tràn ngập blues Của B.B. King mà anh yêu thích và em có những ý nghĩ kỳ quặc đến nỗi tiềm thức của chính em cũng phải đó mặt. Anh có tất cả những cái mà anh cần đúng không. Bàn phím, Internet và những khát khao. Và có những khát khao của em nữa, anh cũng đang có. Vậy thì anh hãy BẮT ĐẦU đi, còn chờ gì nữa!

Trong câu lạc bộ vang lên cái đoạn mà cô thích, Dangerous mood do King hát cùng với Joe Cocker, còn cô cởi hết cúc áo, rót đầy ly vang, ngồi thoải mái trên cái ghế nhung, tay đặt lên bàn phím và nhìn vào màn hình. Anh viết cho cô tất cả những tình cảm mà cô đã chờ đợi biết bao nhiêu, còn cô phân vân không biết trời xui đất khiến thế nào mà hôm nay cô lại mặc đúng bộ đồ lót này. Cô nâng ly rượu vang, nhìn một lúc vào màn hình. Người phục vụ đứng bất động, miệng há hốc nhìn cô và cô có cảm tưởng như anh ta không dám thở để không làm xao động đến cái đang bắt đầu xảy ra ở đây.

*

Hôm nay thế này thôi đã nhể



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:08  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 6 (A):

ANH: Anh mừng vì đã đặt được phòng ở đúng khách sạn này. Đây đã từng là khách sạn của anh ở New Orleans.
Hôm qua, lúc từ sân bay về đây, bước ra khỏi taxi và sau ngần ấy năm lại được đứng cùng với cái vali của mình trước cánh cửa lùa màu trắng có tay cầm bằng đồng sáng loáng quen thuộc, anh thấy tim mình đập rộn lên. Khách sạn này, theo một nghĩa nào đấy, là biểu tượng của tất cả những gì đã làm thay đổi cuộc đời anh, thay đổi bản thân anh nhiều đến thế.
Chính tại nơi đây hơn một chục năm về trước, cái hồi làm tiến sĩ, vào ban đêm, anh thường bứt khỏi những cái máy tính, những cuốn sách, những tạp chí khoa học và những ý nghĩ, những ý tưởng, những kế hoạch luôn quay cuồng trong đầu mình. Cùng với những nhà khoa học khác trong nhóm, cũng trẻ, cũng cực kỳ gàn dở như anh, đang đêm gọi taxi đi đến khách sạn này, để uống bia hoặc rượu vang và nghe loại nhạc blues mê hồn của người da đen bên những cái bàn đá trắng ngoài sân trời, tranh luận đầy hưng phấn về tất cả những gì dính dáng đến việc sắp xếp chuỗi gien hoặc tưởng tượng ra những gì họ sẽ làm nếu chuyển được những gien này thành những protein tương ứng, và đến lượt chúng, những protein này thành cảm xúc, hành vi ứng xử hoặc ý nghĩ của con người. Họ gọi những lúc này một cách đầy tưởng tượng, phù hợp với địa điểm và tình huống, là "ADN breaks", mà một số thì giải thích như là "giờ giải lao ban đêm để uống rượu ở Dauphine", còn số khác thì là "đứt gãy ADN".
Khi ấy họ là một nhóm những thanh niên ồn ào và tin tưởng vào sự không thể nhầm lẫn của mình, vào sự khác thường và đặc biệt của cái họ đang làm, và tuyệt đối chắc chắn rằng chính họ sẽ đánh dấu những đường chân trời trong khoa học. Nhưng cái mà anh nhớ nhất trong những ngày ở New Orleans ấy là lòng hăng say đến mức tham lam. Nếu như thời gian có thể trở lại và anh lại được ở đây, thì với những gì giờ đây anh biết, anh sẽ giành nhiều thời gian nhất để học thuộc lòng như học một bài thơ, chính là lòng hăng say ấy. Khi ấy họ như những chú sư tử non. Họ tin rằng thế giới sẽ là của họ, và khi ấy sao họ ở gần các vì sao trên khoảng trời đêm trên sân thượng của khách sạn Dauphine New Orleans đến thế. Cho nên hôm qua, khi lại đứng trước khách sạn này, cho dù mới là buổi sáng và mặt trời còn đang rực rỡ, anh vẫn chói cảm thấy mình ở gần với các vì sao hơn. Có sao đâu, nếu giờ đây chúng không còn sáng lấp lánh giống như những ngày xưa nữa.
Chẳng phải những vì sao cũng cháy đấy thôi.
Anh dừng lại một lát trước khi bước qua cánh cửa quá quen thuộc đối với anh để vào quầy lễ tân. Anh nghĩ nếu phải kể cho cô anh cảm thấy gì khi vào đây - mà anh thừa biết là cô sẽ hỏi - thì anh sẽ nói rằng anh cảm thấy buồn và tự hào xen. lẫn. Tự hào vì khi anh đến thành phố này, nơi anh bắt đầu còn là một nghiên cứu sinh Ba Lan vô danh tiểu tốt, có cái họ mà ít ai đọc nổi, được mời như một gương mặt không cần bàn cãi đến một hội nghị quốc tế quan trọng nhất trong lĩnh vực này, để đọc một bản tham luận mà tất cả những nhân vật quan trọng khác trong lĩnh vực của anh đều muốn nghe. Còn buồn vì anh bỗng hiểu ràng với tất cả những gì anh đã đạt được, tất cả sự thừa nhận và ngưỡng mộ, thì anh vẫn sẽ không bao giờ còn được hưng phấn, tự hào về bản thân mình và toại nguyện như hồi đó, mười mấy năm trước đây khi đang nghiên cứu về sự sắp xếp chuỗi gien của một loại vi khuẩn gây nên bệnh sất Rickettsia, anh đã tin rằng mình đang nhìn vào những con bài của chính Tạo hóa.
Dauphin New Orleans, với sự giản dị và ấm cúng của mình, ở giữa trung tâm phố cổ của New Orleans, có một không khí mà cái khách sạn Hilton cao ngất, là khách sạn mà các nhà tổ chức hội nghị muốn đưa anh tới, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có được. Hôm qua, khi đến đây, nhận chìa khóa phòng từ người phụ nữ ở quay lễ tân tươi cười và đẹp không thể tả được, anh phân vân, không biết trong khách sạn này, các phòng trông như thế nào. Bởi anh chưa bao giờ nghỉ lại ở đây. Nhiều nhất cũng chỉ là những đêm trên sàn thượng. Cho nên khi mở cửa phòng số 409 trên tầng ba, anh đã sững người vì ngạc nhiên. Căn phòng rộng hơn toàn bộ căn hộ của anh ở Munich, có phòng ngủ, phòng khách và khu làm việc cùng với điện thoại, máy tính và máy fax. Trong phòng khách, trên cái giá cạnh vô tuyến là một cái kệ bạc, trong đó là một chai champagne được quấn khăn trắng, và bên cạnh có hai cái ly. Bước vào phòng ngủ, anh nhận thấy ngay là dưới cửa sổ, trên một cái bàn đá đen có một bình thủy tinh tròn với những bông lili. Anh nhớ rất rõ những bông lili này. Anh gọi điện xuống lễ tân hỏi liệu có sự nhầm lẫn nào chăng, vì ở Munich, qua Internet, anh chỉ đặt một phòng đơn bình thường thôi cơ mà. Người phụ nữ ở quầy lễ tân, người đã đưa chìa khóa cho anh chỉ cười mà nói:
- Tôi nhận ra anh ngay khi anh bước vào. Anh chính là người cách đây hơn chục năm đã đi quyên tiền cho một cô bé ở Ba Lan hay Hà Lan gì đó. Tôi không còn nhớ chính xác nữa. Nhưng anh đã cứu sống cô bé, đúng không? Con gái tôi hồi ấy cũng lên tám, đúng như cô bé kia. Hỏi ấy, khi đọc báo nói về cô bé, tôi đã sởn cả gai ốc khi nghĩ rằng mẹ của cô bé sẽ phải kính phục anh như thế nào. Tôi nghĩ là anh sẽ thích căn phòng này. Nó là phòng tốt nhất của chúng tôi đấy. Bao giờ John Lee Hooker cũng ở đúng phòng ấy mỗi khi đến đây để biểu diễn ở Preservation HAll. Anh có biết anh ấy không?
Đặt ống nghe xuống, anh phân vân, làm sao mà ai đó lại có thể còn nhớ những gì mình đã cảm thấy khi đọc một cái gì đó trên báo từ hơn một chục năm trước đây nhỉ. Có thề đến một lúc nào đó anh sẽ có con gái và anh sẽ hiểu dù sao, điều đó là có thể. Nhưng đấy là hôm qua: Hôm nay thì anh không còn nghi ngờ gì là chị lễ tân ấy không là một ngoại lệ.
Nhớ, đó là một chức năng của cảm xúc.
Những cảm xúc, mà lại là đặc biệt khác thường, đã bắt đầu từ sáng sớm. Anh xuống sân trời cạnh bể bơi, mà sáng nào cũng được trang hoàng như một phòng của nhà hàng để ăn sáng. Ngồi uống thứ cà phê Mỹ chẳng ngon lành gì trong tiếng nhạc Mozart được phát ra từ những chiếc loa, anh vừa chờ xuất bánh dù của mình vừa kiểm tra hộp thư điện thử trên server tại Munich. Ông chủ sáng suốt của khách sạn, nắm bắt được tinh thần của thời đại đã cho lắp trên mỗi bàn trong phòng ăn sáng một ổ điện thoại đôi. Hai người có thể đồng thời kết nối latop của mình với Internet. Một sáng kiến đơn giản và hoàn hảo trong bản chất của nó. Liệu còn có gì dễ thương hơn một bức e-mail buổi sáng bên cạnh một tờ báo mới? Tờ báo giấy nằm bên li cà phê, và tờ điện tử yêu thích từ đâu đó: Nhật Bản, Australia, Đức hay Ba Lan.
Anh mở e-mail của cô và bỗng hét toáng lên vì vui sướng. Tất cả mọi người đang ăn sáng ở những bàn bên đều nhìn anh ngạc nhiên, nhưng chỉ một lát sau họ lại quay về với những tờ báo hay hộp thư điện tử của mình.
Anh đọc đoạn này thêm một lần nữa, cho chắc chắn.

Khi đi qua phía ấy, anh hãy đi chậm lại một chút! Em sẽ đứng chờ anh ở đó.


(*) Hãng Hàng không Ba Lan (ND)



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:09  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Tin này làm anh choáng váng. Đẹp quá. Không thể tin được. Đầy hưng phấn. Cô ấy sẽ đến Paris! Sẽ chờ anh ở sân bay! Anh phải liên hệ ngay với TWA để hoãn chuyến bay từ Paris đi Munich. Bánh mì đã được đưa đến. Anh phết mứt phúc bồn tử lên bánh mì và gọi chương trình tìm kiếm. Anh vào trang web của hãng hàng không TWA. Anh gõ mật khẩu của mình và số đăng ký chuyến bay từ New York đi Munich qua Paris. Và anh hoãn chuyến bay đi Munich từ Pans một ngày chẳng khó khăn gì. Anh sẽ đến Paris vào khoảng tám giờ sáng ngày 18 tháng bảy, vào thứ năm và sẽ bay đi Munich vào tối thứ sáu. Họ sẽ có cả một ngày giành cho nhau. Và cả một đêm. Đằng nào thì cô cũng quay về Warszawa bằng xe khách vào tối thứ sáu, nên việc kéo dài thời gian ở Paris thêm mấy ngày nữa là vô nghĩa. Anh đã có một kế hoạch đầy đủ và chi tiết cho weekend đầu tiên sau khi trở về từ New Orleans.
Anh viết e-mail cho cô và gửi ngay trước khi ăn xong. Anh viết rằng mình hạnh phúc không thể tả được, rằng anh không dám tin là cô chờ và rằng anh không biết làm thế nào để trải qua sự sốt ruột của mình ở New York. Rồi anh còn tạm biệt cô đầy tình cảm trước chuyến đi Paris này. Đây là lần đầu tiên cô đi xa kể từ khi họ quen biết nhau. Trước đây anh chưa bao giờ có dịp để tạm biệt cô.

Anh tạm biệt cô như thể họ thực sự phải xa nhau. Lại thêm một lần nữa anh phân vân, không biết họ sẽ đi xa tới đâu trong cái thế giới ảo này và không biết họ đã biết đi xa như thế nào để sống trong thế giới ấy giống như trong thế giới thực. Con người ta đôi khi ước ao được xa cách nhau để có thể nhớ nhung, chờ đợi và vui mừng trong ngày gặp lại. Mối quan hệ của họ, chưa được định nghĩa, thậm chí còn chưa được gọi tên, cũng không có gì khác. Họ cũng muốn những điều tương tự. Họ không để ý hoặc vờ như không để ý thấy rằng họ luôn sống trong sự xa cách như vậy và điều này có rất ít cái chung với sự xa cách vật lý được đó bằng khoảng cách. Họ ở cách xa nhau 1.000 hay 10.000 cây số, thì trong trường hợp của họ tuyệt đối không có ý nghĩa gì. Họ không xa nhau theo cái nghĩa thông thường. Nhiều nhất họ cũng chỉ thay đổi vị trí địa lý của cái máy tính kết nối hai người, hoặc thay đổi chương trình gửi những bức e-mail của họ, nhưng họ không ở xa nhau theo nghĩa, những người chia tay nhau sẽ ở cách xa nhau như thế nào. Sự xa cách của họ chỉ có hai trạng thái, thì cũng giống như mọi thứ trong cái thế giới tin học này mà thôi. Hoặc là họ ở bên nhau trong tầm tay, hoặc là ở trên mạng. Họ mới chỉ được ở trong "tầm tay" đúng một lần trong đời: lần ấy, trên chuyến tàu từ Berlin đi Poznan, khi mà họ thậm chí còn chưa biết cả tên nhau, không trao đổi với nhau một câu nào và chỉ có đồng tử của họ đôi lúc gặp nhau trong những cặp mắt tò mò. Còn trên mạng thì sao? Trên mạng tất cả đều xa như nhau hoặc gần như nhau, bởi suy cho cùng thì có gì khác nhau đâu.

Mà họ thì cũng cần phải xa nhau như tất cả mọi người, nhưng khác với tất cả, họ hoàn toàn không vui mừng khi gặp lại. Họ chia tay nhau để cuối cùng lại được gặp lại. Vào thứ sáu, 18 tháng bảy, sáng. Tại sân bay ở Paris. Như cô đã viết, anh thuộc lòng bức e-mail này:

Cạnh quầy cà phê nhỏ liền với kiốt bán báo.



Ngày ở New Orleans bỗng trở nên dài kinh khủng. Vào ngày mà cô đi ôtô khách đến Paris, anh phải trình bày báo cáo tại hội nghị ở đây, ở New Orleans. Bản báo cáo của anh là bản đầu tiên trong buổi sáng. Anh đến trước nửa tiếng, để lắp đặt laptop và nối nó với đèn chiếu từ máy tính lên một màn hình khổng lồ trên bức tường giữa. Trước khi anh lắp đặt xong, phòng hội nghị gần như đã kín người. Khi kéo lon coca Mỹ mang theo lại gần mình, anh chợt phát hiện trên mặt bàn được phủ khăn nhung màu xanh lá cây sát với bục của người thuyết trình có một ổ cắm điện thoại được đánh dấu bằng chữ phát quang trên tấm nhãn plastic như là "kết nối" với Internet. Chỉ còn chưa đầy năm phút nữa là đến giờ thuyết trình của mình, thế mà anh cảm thấy mình chẳng còn nghĩ ngợi gì về cái bài báo cáo ấy nữa. Vì hôm nay là cô phải có mặt ở Paris rồi đây. Nếu tính cả sự chênh lệch thời gian giữa Paris với New Orleans, thì chắc chắn giờ này cô đã viết cho anh. Anh muốn biết chắc điều này. Ngay bây giờ! Chỉ cần biết, cô có viết hay không. Còn viết gì thì anh sẽ đọc sau. Không nhìn những người đang chăm chú theo dõi mình, anh vội cắm các modem của laptop vào cái ổ trên bàn và đã bắt đầu khởi động chương trình thư, nhưng vị giáo sư của Berkeley, người điều khiển chương trình buổi sáng đột ngột đi đến chỗ anh.
Vây là anh không kịp…
Giáo sư đề nghị phiên âm thật chính xác họ tên anh. Ông đọc đi đọc lại trước sự có mặt của anh. Nghe như tiếng bị méo của thư ký người máy, nhưng anh vẫn có thể nhận ra là đang nói về mình. Mấy phút sau, khi giáo sư giới thiệu anh là người thuyết trình đầu tiên với phòng hội nghị đã kín người, và vẫn cứ nhầm tên thành họ của anh, thì tiếng cười vang lên. Điều này như một lời chào, lời chúc mừng. Họ phân biệt được họ và tên anh! Đó là chuyện hiếm hoi trên mảnh đất đầy kiêu căng là cái thế giới khoa học này.
Bản thuyết trình của anh phải kéo dài thêm mười lăm phút. Sự ưu ái này chỉ giành cho một số rất ít người. Trong những trường hợp thông thường thì chủ tọa sẽ cắt ngang câu người thuyết trình không chút ngần ngại sau khi thời gian qui định đã hết và gọi người tiếp theo: Ngày xưa thì cái cách ứng xử ấy khiến anh hết sức ngạc nhiên, nhưng hồi ở Munich, khi bản thân anh phải tổ chức hội nghị và có tới hai ngàn người đọc báo cáo, thì anh hiểu rằng đấy là biện pháp duy nhất.

Về nguyên tắc thì anh kết thúc phần trình bày đúng thời gian. Không thể khác được. Anh đã tập nhiều lần với đồng hồ đếm thời gian ở khách sạn: Chính xác bốn mươi phút, kể cả một vài giai thoại mà bao giờ anh cũng xen vào các bài báo cáo của mình. Anh nhận thấy trong số tất cả các bài báo cáo anh nhớ nhất những bài trội hơn nhờ có những giai thoại hay. Và anh tin rằng những người khác cũng phản xạ như vậy. Phần thời gian còn lại, chính xác là năm phút, anh giành cho các câu hỏi. Bây giờ anh không còn nhớ chính xác là làm thế nào lại dẫn đến lời qua tiếng lại gay gắt giữa anh với một tay ngạo mạn đến từ Đại học Tổng hợp Tybinda một cách rất vô nghĩa. Hội nghị quan sát vấn đề với sự căng thẳng ngày một tăng. Đến một thời điểm, để chứng minh cho lý lẽ của mình, anh cần đến một bảng dữ liệu thống kê. Anh cứ chắc rằng mình đã có nó trong ổ cứng của laptop và bằng bảng này anh sẽ kết thúc cuộc tranh cãi vô bổ kia.
Không có bảng dữ liệu!
Chắc là anh đã quên copy nó từ máy tính trong văn phòng ở Munich ra laptop mà anh mang đến New Orieans. Gã người Đức ngay lập tức nhận thấy điều này và rõ ràng là gã đang hoan hỉ.
Và khi đó trong đầu anh loé lên một sáng kiến bất thường. Chẳng phải máy tính của anh ở Munich lúc nào cũng bật sao. Nếu nó bật, thì nó cũng online trên mạng luôn. Nếu nó ở trên mạng, thì chương trình ICQ của anh ở Munich cũng hoạt động. Còn ở cái laptop trước mặt anh đây cũng có ICQ và nó cũng có thể hoạt động, bởi máy đã được kết nối với Internet. Anh đã kết nối nhờ việc anh gần như nghiện cola light, nhờ cái ổ cắm trên bàn này và nhờ nỗi nhớ cô trong anh.

Cả hội nghị sôi động hẳn lên khi anh nói rằng do "sơ suất" anh đã để bảng dữ liệu trong văn phòng mình ở Đức, nhưng ngay bây giờ anh sẽ lấy nó từ ổ cứng của mình trong máy tính tại văn phòng ở Munich. Trước mắt tất cả những người có mặt - họ có thể quan sát anh đang làm gì trên một màn hình lớn phía sau lưng anh - anh bắt đầu ICQ và khởi động tùy chọn cho phép, sau khi đưa mật khẩu vào, thâm nhập vào các phần của ổ cứng trong máy tính ở văn phòng anh. Bảng dữ liệu phải có ở đó, vì một tuần trước khi lên đường đến hội nghị ở New Orleans, anh đã giúp một anh bạn ở tổng hợp Warszawa sử dụng nó bằng cách này. Mấy phút sau, bảng dữ liệu đã được "lấy" về laptop của anh và có thể chiếu nó lên màn hình ở đây, trong phòng hội nghị tại trung tâm hội nghị ở New Orleans.
Trong một khoảnh khắc nào đấy, anh có cảm giác rằng đối với phần lớn những người trong hội nghị, cái bảng dữ liệu bất hạnh kia, ngành gien học và toàn bộ cuộc tranh luận khoa học ấy giờ đây tuyệt nhiên không có gì quan trọng. Quan trọng là ở chỗ, họ có thể là nhân chứng cho một cái gì đó tuyệt đối khác thường, một cái gì đó có thể gọi là "sự co lại" đột ngột của thế giới. Khoảng cách địa lý bỗng nhiên không còn ý nghĩa gì nữa.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:10  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

The small planet , hành tinh nhỏ bé...
Đối với phần lớn mọi người trong hội nghị, khẩu hiệu quảng cáo này, một cách hoàn toàn không tính trước, mang một ý nghĩa khác, thực tế.

Với anh thì thế giới đã co lại từ lâu rồi, do đó mà chuyện này không gây cho anh ấn tượng gì đặc biệt. Cái duy nhất trong tất cả những chuyện này đang kích thích anh, nhưng lại là cái mà chắc chắn không một ai trong phòng hội nghị mông mênh chật kín người này nhận thấy, đó là một hình vuông vàng nhỏ xíu đang nhấp nháy phía dưới cửa sổ của chương trình ICQ mà anh bắt buộc phải khởi động để lấy cái bảng dữ liệu bất hạnh kia về. Cái tem nhấp nháy ấy chỉ có thể có nghĩa là: cô đã đến Paris và đương cố liên hệ với anh bằng cách gửi tin! Không có "sự co lại" của thế giới này, hẳn anh không bao giờ biết được điều đó. Anh cười, và tất cả mọi người đang theo dõi anh đều nhầm rằng anh đang cười tham trong cảm nhận "chiến thắng khoa học". Anh cười với "gã kiêu ngạo của Tybinga". Anh biết ơn hắn.
Ngay sau khi thuyết trình, anh từ chối mọi lời mời đi ăn trưa, trốn trong trung tâm hội nghị của khách sạn Hilton rồi đi taxi đến Layota Street. Đi trên St. Charles Avenue, anh phân vân làm thế nào để mô tả trạng thái "trở về quá khứ" này. Liệu những người khác cũng cảm nhận như thế? Một kiểu nuối tiếc rằng đã lâu quá rồi, rằng sẽ không bao giờ còn lặp lại nữa, nhưng cũng có cả sự tò mò rất lạ. Như thể trở về với cuốn sách mà đã có thời ta đọc nó với bao hồi hộp và xúc động.
Ở số 18 chỉ có một bức tường, tựa vào phần còn lại của những cái cọc đã có thời giữ cho toàn bộ kết cấu của ngôi nhà này. Phần còn lại nằm trên một đống gạch vụn đen được bao bằng dây thép gai, ẩn trong đám tầm ma khổng lồ đang nở hoa, chúng che kín nơi mà trước đây có thể là vườn. Một khoảng vuông được đánh dấu bằng dây đóng vào những cọc rào mốc, không tìm thấy lối vào. Mãi ở đoạn cuối của phía nam anh mới nhìn thấy một tấm bảng bị tẩm ma che mất một nửa, thông báo "Bán bất động sản". Ngày viết trên bảng là vào tháng giêng. Bây giờ đã là tháng bảy.

Hơn một chục năm trước đầy, chủ ngôi nhà này là một nữ tiếp viên của PanAm. Chị này chuyển đến đây từ Boston sau vụ ông chồng tự cắt động mạch khi biết rằng bố thực sự của thằng con mười một tuổi duy nhất của mình là anh rể của ông. Bằng khoản bảo hiểm của chồng, chị tiếp viên đã mua ngôi nhà này và trong vòng một đêm đã chuyển đến đây cùng với con trai và không để lại địa chỉ cho bất cứ ai. Sau khi không được bay nữa vì bị đuổi khỏi PanAm vì tội ăn cắp rượu từ các khu vực miễn thuế cho hành khách, chị ta bắt đầu cho thuê phòng. Chị ta chỉ cho đàn ông thuê. Và chỉ là những người da trắng.
Anh tìm được địa chỉ của chị ta ở Student Union ngay sau khi từ Ba Lan đến Đại học Tổng hợp Tuiane thực tập. Bởi đây là địa chỉ duy nhất có thể đến được mà chỉ mất không đầy sáu đôla, và anh cũng chỉ còn có ngần ấy, anh bắt đầu đi tìm từ đây. Mở cổng cho anh là một phụ nữ gầy như kiểu suy dinh dưỡng có khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn và mái tóc thưa, muối tiêu, dài ngang vai. Trên cổ là một cái băng chỉnh hình vàng bẩn dính máu. Chị ta mặc một cái áo khoác sờn màu tím, được thắt bằng một sợi dây bện mà người ta vẫn dùng để kéo những tấm rèm cửa sổ nặng. Cái áo có hai túi to bằng vải dầu được khâu thêm vào. Một chai johny waller thò ra từ một bên túi.
Chị ta tên là Robin. Nói năng khẽ khàng và điềm đạm. Chị ta cho anh thuê phòng vì anh là người da trắng, và anh hứa sẽ dạy lý cho con trai chị ta và thỉnh thoảng cuốc vườn hộ chị, mang những thùng rác đi đổ trước bảy giờ sáng thứ hai và vì khi được hỏi có hút thuốc không thì anh đã không nói dối mà trả lời là có. Chị ta hút liên tục, và tất cả đàn ông trong nhà chị cũng hút. Sau này anh để ý thấy khi nào không có thuốc lá trên môi là chị ta nói to một mình, cốt là để chọc tức chính mình.
Phòng của anh ở ngay cạnh phòng của Jim.
Hôm nay anh đến đây là để tìm lại gã.
Anh mất liên lạc với gã khoảng ba năm sau khi về Ba Lan. Đơn giản là những bức thư gửi cho gã bắt đầu bị trả lại.
Đúng lúc anh đang nghiêng người để cạo chỗ rêu xanh phủ lên số điện thoại của công ty bất động sản trên bảng thông báo nằm trong đám tầm ma thì nghe thấy một giọng phụ nữ the thé từ phía sau lưng:
- Đến chuột cũng chẳng muốn sống trong ngôi nhà này. Ông đừng có mà mua. Với lại số điện thoại ấy cũng không còn nữa đâu. Cái công ty ấy chuyển đến Dallas rồi. Cách đây đã hai năm.
Anh quay lại và nhìn thấy một bà có tuổi ăn vận lịch sự, che một cái ô màu vàng. Một con chó xù màu trắng với chiếc nơ đỏ trên đầu, đeo một cái vòng cổ da rộng viền vàng nóng nảy chạy quanh bà ta. Con chó sủa liên tục nhưng sợ lại gần.
- Làm sao mà bác biết? - anh hỏi.
- Tôi sống cách đây không xa, Ở Garden District, và ngày nào tôi cũng đến đây với con Maggie của tôi - bà chỉ vào con chó xù trắng - để đi dạo. Với lại cô Robin, người chủ cuối cùng của ngôi nhà này là bạn của tôi. Chính tôi tìm cho cô ấy cái nhà này ở đây đấy chứ.
- Vậy có thể bác biết Jim McManus? Người cao, rất gầy, có một vết sẹo to trên má. Hơn chục năm trước đây anh ta có thuê phòng của Robin.
- Anh ta chẳng hề tên là McManus. Ít nhất thì cũng không phải lúc nào cũng có tên như vậy. Trên mộ anh ta là họ mẹ. Alvarez-Vargas - bà nhìn thẳng vào mắt anh nói.
Không cố giấu giọng nói run run, anh hỏi:
- Trên mộ anh ấy? Bác có chắc không? Có nghĩa là... anh ấy… Anh ấy mất từ bao giờ?

- Đúng đấy, tôi chắc chứ. Tôi đưa tang anh ấy cùng với Robin mà. Mộ của anh ấy đẹp lắm. Ngay cạnh lối vào Thành phố của Những người đã khuất ở nghĩa trang St. Louis. Ở bên phải, sau nhà nguyện. Ít người có được như thế. Và bao giờ cũng có hoa tươi. Hàng ngày. Nhưng hôm đưa tang thì chẳng có ai. Mỗi Robin, người phụ huyệt và tôi. Anh không biết à?! Anh là bạn thân nhất của anh ta kia mà - bà nói.
- Không, cháu không biết. Bác biết cháu â?
- Tất nhiên rồi. Thì chính anh dạy lý cho thằng con của Robin chứ gì. Đấy là con đỡ đầu của tôi đấy.
- Tại sao... Tức là Jim mất như thế nào hả bác?
- Người ta tìm thấy anh ta ở bãi rác trên Khu Pháp. Anh ta bị ba mươi ba vết dao đâm. Đúng bằng tuổi của anh ta. Và mất bàn tay trái. Ai đó đã cắt mất. Ngay dưới khớp cổ tay. Nhưng nó lại không lấy đồng hồ của anh ta.
Bà nói bằng một giọng đều đều, bình thản, luôn miệng cười với anh và chốc chốc lại dừng lại để vuồt ve con chó đang núp sau chân bà và vẫn sủa liên tục.

- Nhưng bây giờ tôi phải đi đây. Maggie nó sợ anh. Tạm biệt.
Bà đột ngột quay lại nói thêm:

- P.J. rất rất thích anh. Hiện giờ cậu ấy đang sống ở Boston với ông bác... tức là với ông bố. Nó chuyển đến đấy cách đây năm năm, hồi Robin bị đưa vào bệnh viện. Thỉnh thoảng nó có đến đây thăm Robin. Tôi sẽ nói với nó là anh đến đây. Chắc là nó mừng lắm.

Anh đứng đấy câm như hến và nhìn người đàn bà bị chú chó trắng đang mừng rỡ sủa kẻo đi xa dần.
Có thể kể được bao nhiêu nỗi buồn và nỗi đau trong vòng chưa đầy hai phút? - anh nghĩ.

Anh bỗng cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Anh để mấy cuốn sổ ghi chép mà anh sử dụng trong buổi báo cáo lên bãi cỏ và ngồi lên, tựa lưng vào cái cột nghiêng được buộc đây để bao quanh khu đất.
Jim không còn sống nữa.

Gã đã chết một cách không bình thường như gã đã sinh ra. Chỉ có điều gã đã sống còn bất bình thường hơn nữa.

Bà già chẳng có lý do gì để nói không đúng về gã. Hơn nữa quả thật là Jim đã có tới hai họ. Và cái họ thứ hai quả thật là Alvares-Vargas. Anh biết chắc điều này vì có lần chính Jim đã nói với anh như vậy. Vào cái tối đáng nhớ ấy. Trên con tàu hơi nước chạy trên sông Mississipi…
Họ vẫn tiếp tục đi quyên góp tiền cho cuộc phẫu thuật của Ania. Vào sáng chủ nhật, anh như thường lệ ở Jackson Square trước nhà thờ, còn Jim trên bờ Missisipi, từ đây những toán đông khách du lịch sẽ xuống tàu đi dọc sông hoặc xa hơn, đến vùng đầm lầy cạnh Vịnh đề xem cá sấu. Anh còn nhớ chính anh đã ngạc nhiên như thế nào khi Kim nói với anh rằng không ở đâu trên thế giới này lại có nhiều cá sấu tụ tập vào một chỗ như ở đầm lầy vùng cửa sông Missisipi đổ ra Vịnh Mexico. Chủ nhật ấy Kim mời anh và Jim đi một chuyến ngắn ra đầm lầy bằng tàu vào buổi chiều. Sau khi về vào buổi tối muộn, họ sẽ cùng đến một nhà hàng mới do cô phát hiện ra ở Khu Pháp. Hứa hẹn sẽ có một tối vui vẻ.
Khi lên tàu, Jim đã ngà ngà say. Anh nhận ra ngay qua tình cảm của Jim khi chào Kim, qua giọng nói oang oang và hai con ngươi mắt chạy ra xa nhau của gã Vừa lên đến boong, gã đã lôi ngay họ lên đuôi tàu, sau mấy cái xuồng cứu sinh, được ngăn với phần còn lại đĩa boong bằng một sợi dây xích. Khi họ ngồi xuống những tấm tim loại còn nóng của boong tàu được tấm vải dầu bẩn thỉu màu xanh lá cây dùng để che xuồng cứu sinh che kín, Jim liền móc từ túi áo ra ba "cữ" cần sa Thậm chí không cần hỏi xem họ có muốn không, hắn nhét luôn tất cả vào miệng và châm lửa.
- Hôm nay mình thu được một khoản lớn cho con bé ở bờ sông. Mình muốn ăn mừng, nên đã "cắt một ít cỏ" cho hội mình - gã bắt đầu và đưa cho anh một điếu, rồi tiếp tục: - Jakub, ông nhớ là phải hít chứ không được hút như là hút marlboro dưới vòi hoa sen đâu nhé. Ông phải giữ khói ở phổi và dạ dầy lâu nhất mà ông có thể. Nó sẽ thấm vào tận xương ông đấy.
Cần sa đã tác động lên anh một cách khác thường. Chỉ vài phút sau anh đã rơi vào trạng thái phấn chấn và đê mê rất dễ chịu. Anh có một khoảng cách đối với tất cả. Cảm thấy mình hoàn toàn được thư giãn, giống như sau một buổi tập dưỡng sinh thành công, và anh có thể cười vì bất cứ chuyện gì. Vì con chim đang bay, vì tiếng chuông cửa hay vì tiếng còi của ấm nước đang sôi trong bếp. Đã có lần, hút ở phòng làm việc, đặc biệt trong sự cô đơn tuyệt đối - cần sa giống như rượu con người thích bị nó đầu độc trong bầu không khí bạn hữu - ích đã trải qua trạng thái mà anh nghĩ rằng mình không cần phải thở. Thật khó đề mô tả, cảm giác không bình thường! Một dạng của nhẹ nhõm phởn phơ. Như thể có ai đó bỗng cất cho anh cái ba lô nặng trĩu những chì mà anh phải mang từ Krakow đến Gdansk, mà anh thì đã ở gần Torun. Sau sự kiện ấy anh bắt đầu nghi rằng rau xanh có thể nguy hiểm. Hơn thế nữa, lần đầu tiên trong đời anh hiểu, sự thở bình thường nhất có thể là một nỗ lực như thế nào. Lần thứ hai anh ngộ ra điều này, là khi mẹ anh mất.
Anh và Jim ngồi tựa lưng vào xuồng cứu sinh, còn Kim nằm gối đầu lên đùi Jừn. Cô cởi cúc áo và phơi ngực dưới nắng. Cái nịt vú màu vàng viển đăng ten, giống hệt màu của những bông hướng dương khổng lồ trên chiếc váy nâu dài chấm đất, xẻ bên trái. Cô xoay cái váy quanh hông để chỗ xẻ ra phía trước, rồi cô kéo nó lên cao. Jim nhắm mắt, chậm rãi mút cái mẩu của mình được dính vào môi dưới. Bàn tay phải vuốt ve miệng và những sợi tóc để xõa của Kim, trong khi tay trái luồn vào giữa hai đùi để hở và không khép lại của cô những ngón tay nhẹ nhàng lần từ trên xuống dưới dọc theo chiếc quần lót xa tanh cùng màu với váy. Thỉnh thoảng, khi ngón út của gã chạm vào môi Kim, cô hé miệng và khẽ mút nó.
Nghe tiếng rung phát ra từ bánh lái khổng lồ của con tàu, lặng lẽ nhìn bờ sông um tùm của Missisipi từ từ lùi lại phía sau, anh nghĩ đến sex cùng với Kim. Vào lúc ấy Jim ghé sát mặt vào anh và cho anh một "cữ" mới, lần này thì nó chuyền từ miệng sang miệng. Anh nhìn vào mắt gã và chợt nói:
- Cậu biết không Jim, nếu mẹ tớ còn sống, thì hôm nay là sinh nhật của bà đấy. Bao giờ thì sinh nhật mẹ cậu?
- Tôi không biết chính xác - gã trả lời trong sự ngạc nhiên, quay ngoắt đầu lại.
- Sao lại không biết? Cậu không biết mẹ cậu sinh bao giờ à?
- Chính bà cũng không biết chính xác nữa là - gã trả lời có vẻ bực bội và hơi lên giọng.
Kim mở mắt thật to. Cô cảm bàn tay trái của Jim đang ở trên bụng mình, đưa lên miệng hôn đầy tình cảm và thầm thì:
- Anh hãy kể cho anh ấy nghe về mẹ anh đi.
Jim giật mạnh tay ra. Lấy thuốc lá, châm và hít một hơi sâu. Gã đứng phắt dậy, bỏ đi không nói năng gì.
- Anh không muốn làm cậu ấy bị tổn thương. - Anh nói với Kim.
- Anh không làm tổn thương anh ấy đâu. Đơn giản là anh chỉ hỏi về một điều mà anh ấy muốn quên đi thôi. Anh ấy cũng giả vờ với em như vậy. Và trước anh ấy, em cũng vờ như mình cũng quên rồi. Nhưng anh là người mới và anh chưa biết nguyên tắc của trò chơi này. Anh đừng buồn, anh ấy quay lại ngay bây giờ ấy mà. Chắc chắn là bây giờ anh ấy đang hút cocain trong toilet trên mũi tàu.
Họ ngồi lặng im mấy phút, nhìn dòng nước xanh đục của Missisipi. Bỗng nghe thấy tiếng Jim. Gã đứng phía trên hai dựa vào lan can. Tay phải cầm một chai vang đỏ chỉ còn một nửa.
- Mình định mua whisky, những tay phục vụ trên cái thuyền này chỉ có giấy phép bán bia và rượu vang - gã bắt đầu. - Jakub này, tôi quay lại để kể cho ông nghe lịch sử ngắn ngủi và thầm kín của Hợp chủng quốc. Ông phải nghe cho thật kỹ nhé, vì điều này không có trong bất cứ một cuốn sách nào ở cái đất nước bị lừa dối này đâu.
Tháng sáu năm một ngàn chín trăm ba mươi tư, ông chủ nhà in lớn nhất ở khu riêng biệt của Georgetown ở Washington mới hỏi người con trai duy nhất, lúc đó đã bốn mươi nhăm tuổi, là tại sao lại chưa có con. Ông chủ có cả một đế chế thực thụ nên rất buồn phiền về những người thừa kế mình, nhất là vì ông coi người con trai như một thất bại lớn nhất trong cuộc đời. Mà cũng đúng vậy. Ông con trai này không học xong bất cứ một trường nào. Mà ông ta đã học chính xác tới mười bốn trường khác nhau, không kể quãng thời gian ngắn ở ký túc xá tại Thụy Sĩ, mà chỉ sau ba tuần ông đã rời bỏ nó.
Từ hơn chục năm ông ta chẳng làm gì có thể gợi là có ích và đam mê duy nhất của ông là chơi golf và đàn bà. Theo đúng thứ tự này. Suy cho cùng thì ông cũng xuất phát từ lập luận rằng golf và tình dục có rất nhiều điểm chung. Trong những lĩnh vực này không cần phải giỏi giang lắm mà vẫn có thể thu hoạch được sự dễ chịu, thoải mái.
Năm ba mươi chín tuổi ông cưới con gái một viên chức cao cấp ở Bộ Ngoại giao, làm việc ngay cạnh Nhà Trắng, hoàn toàn do phục tùng ý nguyện của cha. Vị viên chức này không được yên tâm lắm về chàng hôn phu già của cô con gái một của mình, bèn bảo đảm bằng "danh dự" và một hợp đồng thích hợp, để cho chắc, rằng trong trường hợp tiến tới hôn nhân, tất cả những gì có thể in trong Nhà Trắng, sẽ được in trong nhà in của con rể tương lai của ông ta.
Đương nhiên là ông biết, có bao nhiêu giấy tờ cần phải in trong Nhà Trắng và việc này có thể nói lên một khoản tiền như thế nào, đúng không Jakub? Nhất là trong thời gian ấy, tổng thống là một ông Franklin Delano Rooseyelt nào đấy. Một tổng thống Mỹ đích thực: gắn bó với những nhà chính trị đi nghỉ hè với gia đình ở Sycylia, xin tư vấn của các nhà chiêm tinh học trước mỗi một quyết định quan trọng, là người đàn ông quan trọng nhất của ít nhất là ba phụ nữ - hai người tình song song và một bà vợ nghiêm chỉnh. Lúc nào cũng ngà ngà bởi tám chín ly martini uống suốt ngày. Mặc dù hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, song Roosevelt vẫn nổi tiếng vì có giọng nói rất chi là gợi tình, nó giúp ông thu phục được thậm chí cả những cô phục vụ Mexico không hề biết tiếng Anh ở các bang miền Nam. Ngoài ra, ông còn là một tổng thống muốn tất cả phải nằm trong tầm kiểm soát của mình, đó chính là điều dẫn tới nạn quan liêu chưa từng thấy cho đến thời bấy giờ.
Đương nhiên là ông biết, Jakub ơi, rằng với một ông chủ nhà in thì chẳng có gì tuyệt vời hơn một bộ máy quan liêu đang hăng hái hoạt động.
Con gái của vị công chức lo xa và dễ bí mua chuộc của Bộ Ngoại giao là một phụ nữ đặc biệt biết nghe lời cha, thông minh, tình cảm, tinh tế và hiểu biết. Nàng có thể ngâm thuộc lòng những bài thơ của Edgar Poe, có thể đọc những bản luận văn của các nhà triết học Pháp và Đức, biết chơi piano. Nhưng nàng lại có một sắc đẹp rất trung bình.
Đã thế nàng lại bị tật. Bẩm sinh.
Con trai của ông chủ nhà in không bao giờ đòi hỏi nàng và chỉ ngủ với nàng đúng một lần.
Điều đó xảy ra sau ngày cưới ba năm. Khi đó ông ta đang mụ mẫm hoàn toàn vì rượu sau bữa tiệc sinh nhật của ông bố vợ. Với cô nàng, đây hoàn toàn là lần đầu tiên. Cô ta còn nhớ mãi cảm giác đau kinh khủng ở chỗ gần "cửa sau" bị rách, cú va đầu vào chân cái giường kim loại mà cô ta đã có một cuộc đi trốn không thành ở dưới đó, rồi cái mùi nước tiểu ghê tởm của ông ta, nó lại còn dây cả vào cái đoạn chân giả bằng da của cô ta nữa và nhiều tháng sau nó còn nhắc với cô ta về cái đau không thể diễn tả nổi và cảm giác nhục nhã mà cô ta phải chịu đựng vào buổi tối hôm ấy.
Ngoài ra, cô ta vẫn còn trinh, ít nhất thì cũng về mặt sinh học, chính lần ấy ông ta đã đổ bệnh giang mai cho cô ta.
Kể từ hôm đó, không bao giờ họ cùng đi dự tiệc, và cũng từ dạo ấy, có thể thấy rõ là họ sẽ không thể có con. Còn ông thì phải biết rằng mãi đến năm một ngàn chín trăm bốn mươi ba thì Florey và Chain mới cứu những người bị bệnh hoa liễu bằng penicilin. Ông biết điều đó, phải không Jakub? - gã hỏi, nhìn vào mắt anh và không đợi trả lời, nói tiếp luôn:
- Sự khát khao có một đứa cháu nội của người ông cũng lớn như nỗi sợ bị mất quyền thừa kế và rơi vào nỗi nhục nhã của người con trai. Vậy nên anh ta đã hứa với bố là sẽ làm tất cả để có người nối dõi. Thế là anh ta hủy bỏ tất cả các cuộc thi golf mùa hè và cùng cô vợ tật nguyền của mình đến Grenada trên một con tàu thủy sang trọng. Anh ta chọn Grenada không phải vì nó có gì đặc biệt so với những hòn đảo Caribbean khác mà anh ta thường đến chơi golf, mà là vì người quản lý khu vực quanh Grenviiie - một trong hai thành phố lớn nhất trên đảo này - là con trai của một nhà cung cấp giấy người Anh cho nhà in của họ. Grenville, ngoài những bãi tắm đẹp không nơi nào có được, ngoài rượu rum rất rẻ và sự nghèo đói hiếm thấy, còn nổi tiếng vì quyền tự do cực kỳ trong vấn đề nhận con nuôi. Tại các làng quanh Grenville có thể nhận con nuôi mà không cần những thủ tục cần thiết. Chỉ cần nói tiếng Anh, là người da trắng và trả từ ba trăm đến tám trăm đôla, tùy thuộc vào việc người cho con nuôi nghèo ở mức độ nào và đứa trẻ trắng đen ra sao. Càng trắng càng đắt, đương nhiên.
Trẻ em gái bao giờ cũng rẻ, không phụ thuộc vào màu da, và đều có giá là ba trăm đôla.
Khó khăn duy nhất là quyền chính thức đưa đứa trẻ ra khỏi đảo. Và tay con trai người cung cấp giấy giải quyết chính là vấn đề này tiện thể với việc nhận lệnh giải quyết giấy cho ông bố trong vòng ít nhất là năm năm.
Kim, em yêu, em có thể lên quán bar trên mũi tàu được không? Chẳng phải là em đã được biết chuyện này rồi sao? Em có thấy là vang hết rồi không - gã quay lại Kim, chỉ vào cái chai rỗng. - Trước khi em quay lại đây, anh sẽ ở phần kết rồi.
Kim đứng lên, rầu rầu nhìn gã, sửa lại mái tóc rối và đi ra, không nói. Jim kể tiếp:
- Có hai đứa trẻ sinh đôi được giới thiệu để cho làm con nuôi, Juan và Juanita Alvarez-Vargas. Là con thứ sáu và thứ bảy của chị giúp việc cho người quản lý khu vực Grenville. Nhận con nuôi là một cơ hội đặc biệt, bởi mặc dù không có ai nói một cách chính thức, nhưng tất cả đều biết rằng cha của hai đứa trẻ sinh đôi hoàn toàn không phải là cha của sáu đứa còn lại. Ông ta không thể làm bố được vì đang ngồi tù ở St. George s, thủ phủ của đảo này từ hai năm nay. Ông bố là một người Scotland da trắng nào đấy, đã có một kỳ nghỉ hè ngắn ở Grenville theo lời mời của người quản lý. Một người Scotland với bộ dạng đế quốc - Grenada là thuộc địa của Anh cho tới một ngàn chín trăm bảy mươi tư - ông ta cho rằng mình không chỉ uống rum trong hầm rượu của gia chủ, mà còn được sử dụng thoải mái đám người phục vụ của ông ta nữa. Và cơ hội đặc biệt là từ đó. Tụi trẻ đặc biệt trắng và chỉ mang trong lĩnh duy nhất bộ gien đế quốc.
Cho dù giá là quá bèo bọt và bà mẹ của hai đứa trẻ sinh đôi hết lời van xin, cũng như bỏ mặc lời đề nghị của cô vợ tật nguyền, đương nhiên là họ chỉ nhận mỗi đứa bé trai. Trong hồ sơ nhận con nuôi, ngoài họ tên thật ra, thằng bé còn có cả họ của họ và tên đổi thành William. Ông của nó cũng có tên đúng như vậy. Cuối cùng thì họ làm thế cũng là vì nó. Điều duy nhất thiếu trong hồ sơ là ngày sinh. Vị công chức quẫn trí của chính quyền tự trị ở Grenville đơn giản là đã quên điền vào mục này.
Mãi trên đường về trên con tàu chở họ đến Filadelfia họ mới phát hiện ra điều này. Để tránh rắc rối ở cơ quan nhập cư, bố của William, không cho ai biết, đã tự mình viết ngày sinh vào hồ sơ. Ông ta chọn ngày và tháng sinh của bố mình.
Còn gì có thể cảm động hơn đối với một người ông khi thằng cháu mang tên lính, sẽ tổ chức sinh nhật cùng ngày với mình?
Vị viên chức quên ngày sinh, nhưng lại. không quên đính kèm một hóa đơn về việc nhận con nuôi với giá bốn trăm tám mươi đôla.
Để thanh toán thuế.
Gần như đúng mười tám năm sau, Wiuiam tìm giấy khai sinh của mình trong đống giấy tờ cũ của gia đình, để kẹp vào đơn xin vào học khoa sư phạm của Đại học Tổng hợp Columbia ở New Jork. Không tìm thấy giấy khai sinh, nhưng cậu ta lại trên thấy giấy nhận con nuôi đã ố vàng cùng với tờ hóa đơn đính kèm có đóng dấu "Đã thanh toán" của Phòng Tài chính huyện Columbia.
William là một cậu bé kín đáo, lặng lẽ và mơ ước sẽ trở thành thầy giáo. Ngoài ra từ năm mười sáu tuổi, cậu tập đá bóng và - giấu bố - tập đấm bốc. Khát vọng lớn nhất của cậu là trở thành một người mạnh mẽ để có thể chống lại ông bố những khi trong cơn thịnh nộ ông ta tấn công mẹ một cách rất vũ phu. Cậu căm thù bố mãnh liệt bao nhiêu thì lại tôn thờ mẹ mãnh liệt và vô hạn bấy nhiêu.
Buổi tối hôm cậu tìm thấy giấy tờ, mẹ đã nói cho cậu biết tất cả.
Cậu quỳ trước mặt mẹ vừa nghe vừa khóc, nhưng cuối cùng thì cậu cười và nói rằng: "Mẹ không thể tưởng tượng được con cảm thấy nhẹ nhõm như thế nào khi biết được cái đồ cặn bã hôi thối ấy, cái gã đã mua con với giá bốn trăm tám mươi đôla ấy không phải là bố đẻ của con. Cho dù hắn có là ai đi nữa thì cũng không thể xấu xa hơn được".
Ông nghĩ sao, hả Jakub, làm thế nào mà tôi lại biết được tất cả những chi tiết ấy?
Với lại Kim có thể mang rượu vang quay lại ngay bây giờ, bởi tôi thấy tỉnh táo và buồn kinh khủng. Mà rồi đây mới thật là buồn cơ.
Thế đấy, tôi biết được mọi chuyện chính xác như vậy từ mẹ tôi, Juanita Alvares-vargas, người không được họ chấp nhận, bởi bà vẫn là thiếu nữ.
Sáu tháng sau William đón cô em gái từ một tàu khách lớn chạy từ Grenada đến New York. Mặc dù trước đó chưa bao giờ nhìn thấy con bé, nhưng cậu không hề nghi ngờ rằng con bé, khi cậu nhìn thấy, một đứa con gái bé tí tẹo đang hoảng hốt, con ngươi mắt màu xanh đen giống hệt như của cậu rụt rè bước xuống cầu tầu. Bởi nó chính là đứa em gái sinh đôi của cậu. Nhỏ hơn mười phút. Chắc chắn cả hai đều biết điều này. Nhưng ngày sinh của chúng chính thức lại cách nhau hàng tháng. Do đó không đứa nào biết chắc được mình sinh ra lúc nào.
Người ông, nhân viên của Bộ Ngoại giao đã nghỉ hưu, đã dùng tất cả số tiền tiết kiệm được để mua vé cho con bé, và xin cậu giải quyết cho nó một chân tạp vụ trong công ty của mình trước đây. Ở đấy họ sẵn sàng nhận bất cứ ai vào làm tạp vụ miễn là rẻ và không biết tiếng Anh, để không nghe lỏm được bất cứ chuyện quan trọng nào, ngoài ra còn được "đảm bảo". Trong thời kỳ chiến tranh lạnh của Truman và săn lùng những mụ thầy bói đỏ do McCarthy chỉ đạo, thì điều này là đặc biệt quan trọng. Tiết kiệm khoản "chụp X-quang" đắt tiền và kéo dài. Được "ông bạn" có công lao xứng đáng giới thiệu, đương nhiên là họ không kiểm tra Joanita và bàng cách đó, mặc dù không có giấy chấp nhận cho làm việc và không có viza trong hộ chiếu, tháng hai năm năm mươi hai, cô em bắt đầu làm tạp vụ ở phòng thư ký của phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao. Một trong những Ban được bảo vệ cẩn mật nhất ở Mỹ.
Gã dừng lại, vì đúng lúc đó Kim xuất hiện. Cô mang về một cái túi vải và rút ra một chai whisky, đưa cho Jim, không nói gì. Thoạt tiên, không bình luận gì, gã vội mở cái nắp chai kim loại rồi tu lấy tu để.
- Bé cưng, chốc nữa phải kể xem em đã làm thế nào mà cái gã bán bar ấy lại dám liều tính đến vậy để bán cho em cái này? - gã bỏ chai ra khỏi miệng và hỏi.
- Anh ta không bán, mà chỉ cho thôi. Và em sẽ không kể. Em sẽ phải kể rất xấu về mẹ em. Anh kể xấu về mẹ anh là quá đủ rồi.
- Anh chưa kể điều gì xấu cả! Hơn nữa anh cảm thấy cái gã bán bar ấy giống với tay matxa của mẹ em - gã cười cáu kỉnh.
Gã đặt cái chai xuống và quay lại câu chuyện.
- Phó phát ngôn viên là một công chức cần mẫn đã lên men, là người leo lên được vị trí của mình chủ yếu là do hắn không bao giờ phản đối, bao giờ cũng có thời gian để ở lại sau giờ làm việc, hắn sẵn sàng làm mọi việc hèn hạ chỉ cất để không bị coi là kẻ không trung thành.
Hắn cũng đòi hỏi các thuộc hạ của mình lòng trung thành ấy. Do đó mà điều đầu tiên hắn kiểm tra, đó là lòng trung thành của Juanita Alvares-vargas, cô tạp vụ trê mới. Ở Grenada, đối với người Mỹ không có quá khứ cơ bản, vậy nên điều duy nhất mà hắn phát hiện ra là Juanita chưa đầy mười tám tuổi và rằng cô bé làm việc không hợp pháp.
Trong âm mưu tội lỗi của hắn, cô bé sẽ phải dùng giẻ chùi tấm ván toilet bị dây đầy nước tiểu của cái nhà vệ sinh cá nhân tao nhã của hắn và với ý đồ, mặc dù đây là điều không được phép, cô bé sẽ phải quỳ và kiên nhẫn cạo tất cả những vết mù tạt dính mỡ mà ngày nào cũng rơi xuống thảm từ cái món hot dog khoái khẩu của hắn.
Trong cử chỉ của lòng tốt vĩ đại, hắn quyết định cho cô bé cơ hội cuối cùng để "chuộc mình".
Điều này đã nảy ra trong đầu hắn vào một tối thứ tư nào đấy.
Đã thành lệ từ ba năm nay cứ tối thử tư là hắn dùng bữa với ông sếp của hắn và vợ của ông ta. Vì nhà hàng Washington Old Ebbitt Grill có tiếng dành riêng cho người giàu ở gần công ty của hắn, nên hắn không đi taxi ngay về nhà, mà quay lại văn phòng để uống martini với ôliu. Hắn bắt đầu làm vậy từ buổi thứ ba, khi nhận thấy rằng hễ cứ nghĩ đến làn môi của cô vợ thứ ba trẻ trung của sếp là hắn lại toát mồ hôi và hưng phấn.
Một lần, trong chính trạng thái hưng phấn ấy hắn quay về phòng làm việc vắng vẻ chuẩn bị cho mình một ly martini extra dry với ôliu ưa thích, đặt nó lên bàn để thư cạnh cửa sổ nhìn ra phố, mở bản concerto số ba C-dur của Haydn mà hắn yêu thích, mở cái cửa sổ lớn, tụt quần dài và cái quần sịp ố vàng vì nước tiểu rồi đứng trong niềm hân hoan của một kẻ thích khoe "của quí" với niềm tín rằng thế giới đang ngắm nhìn cái biểu tượng bé cỡ phân tử đang nửa cương cứng của hắn đầy ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Khi cái sự bán cương cứng ấy, trái với ý muốn của hắn, biến mất, thì hắn gọi nó lại bằng cách nghĩ rằng hắn căm thù lão sếp kia thật lòng và sâu sắc biết bao, cái thằng có tất cả những gì hắn không có được: phòng làm việc rộng hơn, được tổng thống bắt tay và đã có đến đời vợ thứ ba. Càng vợ sau lại càng trẻ hơn.
Hắn, một kẻ tội nghiệp, chỉ có độc một mụ vợ già hơn sáu tuổi và kể từ khi hắn không ngủ với mụ ta nữa thì mụ phát phì ra đến nỗi hắn không dám đi đâu với mụ - vì xấu hổ - thậm chí chỉ là đến chỗ ông thợ làm bánh mì ở góc phố. Trong mối căm hờn của hắn đối với lão sếp, hắn trả thù lão bằng cách tưởng tượng ra rằng cô vợ trẻ trung của lão, trong niềm hoan hỉ với hình ảnh đầy tính đàn ông của hắn và âm nhạc của Haydn, sẽ quỳ xuống trước hắn và đưa vào miệng cái mà hắn khoe với thế giới qua cửa sổ nhìn ra phố một cách kiêu hãnh đến thế.
Mụ vợ hắn thì chẳng bao giờ chịu đưa vào miệng. Đã có lần hắn phát tín hiệu để mụ hiểu rằng hắn muốn điều đó. Mụ ta liền phản ứng bằng một sự kinh sợ như thể phải nuốt một con gián.
Một lần vào thứ tư, hắn quay về phòng làm việc trong trạng thái hưng phấn như thường lệ, bắt gặp cô tạp vụ "không trung thành" vẫn còn ở đó, đang quỳ và kiên nhẫn cạo những vết mù tạt mà hắn để dây ra thảm.
Jim ngừng kể. Nóng nảy quay người lại. Tìm thấy chai whisky gã hèn tu ừng ực. Gã châm thuốc và hơi lùi lại. Lúc này không thể nhìn thấy mặt gã đã bị bóng của cái máy nâng xuống che khuất Giọng gã, khi trở lại câu chuyện, đã khác đi.
- Và khi đó hắn nảy ra ý nghĩ là hắn có thể làm một điều gì để để cứu rỗi phẩm giá cho Juamta Aivares-vargas.
Hắn chuẩn bị martini. Mở Haydn. Mở cửa sổ nhìn ra phố. Hắn quay lại chỗ cái máy chữ, kéo tờ giấy ở đó ra và viết bằng chữ in: "VISA → GRENADA". Hắn đến chỗ cô tạp vụ đang quỳ, đặt tờ giấy xuống trước mặt cô ta, không nói năng gì, đi ra chỗ cửa sổ.
Một phút sau, bằng cái công-tắc trên bàn thư, hắn tắt hết điện trong phòng làm việc. Hắn tụt quần và đợi, cảm giác rằng hôm nay cái sự bán cương cứng của hắn sẽ tốt hơn.
Hắn quay lưng ra cửa sổ. Hôm nay, cái thế giới phải sững ra vì ngưỡng mộ sẽ nằm trọn trong phòng của hắn.
Cô bé thừa hiểu hắn muốn gì. Nó biết rằng rồi sẽ đến lúc việc này lộ diện. Nó hoàn toàn không nghi ngờ gì việc nó không được phép quay lại Grenada. Đã một lần nó thất bại, vì nó là đàn bà. Giờ đây có thể nó thắng được một cái gì đó, bởi nó là đàn bà. Với lại, có gì khác nhau đâu nhỉ. Đằng nào thì cũng sẽ đến lúc nó phải làm vậy với một du khách nào đấy.
Không nhấc gối, nó nhúng tay sâu vào xô nước pha nước giặt thảm. Nó thích cái mùi này. Nó lau mũi và miệng bằng nước đó và vẫn không nhấc gối, nó lết đến chỗ hắn. Nó tập trung vào âm nhạc. Không nghĩ đến việc mình đang làm.
Nó nghĩ về một tuần trước đây, William dẫn nó đi ăn sushi trong một nhà hàng Nhật Bản. Thật ghê tởm. Cái món sushi ấy. Lúc này cảm giác của nó cũng y như vậy: giống như thể liếm chỗ cặn sushi ở cái lỗ thoát nước bẩn thỉu bị tắc vì tóc trong bên nhà tắm của ai đó nặng mùi nước tiểu.
Sau chưa đầy một phút, mọi chuyện đã kết thúc. Nó đứng dậy và chạy thẳng đến toilet của hắn. Đầu tiên nó khạc, sau đấy thì nôn; lúc ấy nó nghĩ rằng đấy không phải lại là cái giá quá cao cho tương lai của nó. Trên tàu đi từ Grenada, nó nôn liên tục. Và toilet ở đấy làm sao mà đẹp được bằng ở đây.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:11  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 6 (B):

Sáu tuần sau, cũng vào thứ tư, Truman thông báo sẽ không ứng cử vào nhiệm kỳ sau.
Đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của vị phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao. Trong cuộc bầu cử tiếp theo, chỉ có Eisenhower là có thể thắng. Sau tất cả những gì mà sếp của gã nói về Eisenhower của phe cộng hòa với các nhà báo, thì việc thay đổi phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao là hiển nhiên. Thứ tư ấy, đi taxi từ chỗ ăn tối về, hắn đã chiến thắng. Người phát ngôn mới chỉ có thể là hắn: Fitzgerald Douglas McManus Jr.
Khi hắn rạng rỡ bước vào phòng, Juanita như thường lệ đang cạo vết mù tạt mà hắn làm dây ra thảm. Hôm ấy hắn không mở Haydn, không mở cửa sổ để lại một lần nữa khiến cho thiên hạ phải mê mẩn với hình ảnh "cái ấy" của mình. Hắn quá hưng phấn để nhớ hết mọi việc. Cái tối thứ tư đặc biệt ấy, hẳn đi thẳng đến chỗ nó. Hắn nhấc nó đứng dậy rồi kéo đến chỗ bàn làm việc. Hắn đẩy cái máy chữ ra, xoay lưng nó vế phía hắn và hổn hển, dãi dớt, hắn kéo váy nó lên và xé quần lót của nó.
Lẩn đầu tiên trong vòng tám năm, hắn cương cứng nghiêm chỉnh. Nhờ Eisenhower.
Chính xác hai trăm bảy mươi tám ngày sau đó, ngày mười bốn tháng chín năm một ngàn chín trăm năm mươi ba, trong một bệnh viện dành riêng cho người giầu thuộc Đại học Georgetown, tôi, James Fitzgeraid Douglas McManus thuộc gia tộc Alvares-Vargas ra đời.
Cũng tại chính bệnh viện này với lòng tự trọng, Jacquline Bouvier đã để sẩy đứa con đầu lòng của mình, được biết đến rộng rãi là Kennedy, để sau đấy cho ra đời cũng tại đó Kennedy Junior. Người còn đẹp hơn cả bố.
Gã im lặng một lúc rồi với chai rượu.
- Đó là một ngày cực kỳ xui xẻo cho sinh nhật của đứa con không giá thú - gã kể tiếp. - Ngày hôm ấy cả nước Mỹ bị chấn động bởi bản báo cáo thứ hai của Kinsey.
Tôi không biết, Jakub ạ, liệu ở Ba Lan của các ông những cuốn bách khoa toàn thư có viết về toàn bộ cuộc điều tra nhà nghiên cứu sâu bọ khiêm nhường và tò mò có tên Alfred Charles Kinsey không. Rất may là cái việc cay đắng ấy không phải là chế tạo bom nguyên tử, bởi nếu không McCarthy đã ninh nhừ ông ta như đã từng làm với Oppenheimer.
Kinsey thay vì nghiên cứu tiếng kêu vo ve của một loài côn trùng có cánh nào đấy thuộc họ Cynipidae, là loài mà ông ta thích nhất, lại bắt đầu đi nghiên cứu đời sống tình dục của người Mỹ theo yêu cầu của hiệu trưởng Indiana Đại học Tổng hợp Indiana. Ông viết hai bản báo cáo đầy dâm ô về vấn đề này. Tôi sinh vào ngày cái bản thứ hai ấy được công bố. Về đời sống tình dục của phụ nữ.
Từ sáng sớm, tất cả các tờ báo ở Washington dưới những hàng tít dài lê thê đều rên rỉ trước sự sụp đổ của đạo đức và sự đồi bại của các nữ công dân, sự phẫn nộ giả tạo của các nhà chính trị, các nhà sư phạm và các vị linh mục cùng với cả một dàn đồng ca những lời chỉ trích Kinsey. Nước Mỹ khắt khe vừa mới liếm láp vết thương sau cú sốc của bản báo cáo thứ nhất lại buộc phải biết rằng, một nửa số phụ nữ Mỹ theo đạo trên ba mươi tuổi thường xuyên thủ dâm với niềm thích thú cứ ba phụ nữ Mỹ thì có một tưởng tượng về những cuộc ngoại tình với cảm giác dễ chịu, còn một phần tư ít nhất cũng từng một lần ước ao được làm tình cùng lúc với nhiều hơn một người đàn ông, và cả điều này nữa, rằng so với năm năm trước thì số trẻ em được sinh ra từ những mối quan hệ ngoài vợ chồng tăng hai trăm lần.
Những người Mỹ đích thực bị chấn động và nguyền rủa tự do ngôn luận, thứ tự do đã cho phép Kinsey đăng tải những điều vu khống kia. Những người Mỹ thực thụ hơn nữa, chủ yếu là những người rất công giáo không thể không hành động. Vì rất khó để bắt quả tang một phụ nữ Mỹ đang thủ dâm, còn đang nghĩ đến chuyện làm tình cùng lúc với cả anh thợ chữa ống nước lẫn ông đưa thư lại càng khó, nên vài người trong số họ từ sáng sớm đã quyết định đột nhập vào bệnh viện phụ sản ở Georgetown. Thể hiện sự phẫn nộ của mình và tình đoàn kết vời tất cả những phụ nữ đúng đắn của đất nước này, trên các cửa phòng mà các bà mẹ sinh con không giá thú đang nằm, họ lấy máu đựng trong xô lấy từ lò mổ gia súc ra và viết từ "đồ đĩ". Thực ra thì cái hành vi khôi hài ấy chưa phải là tồi tệ nhất. Trong hành động căm thù Kinsey và sự thật mà ông đã dũng cảm nói ra, họ còn xông vào phòng sơ sinh, giật vòng ghi tên ra khỏi cổ tay tất cả những đứa sinh vào ngày hôm ấy rồi chuyển những đứa bé đã được hoài thai trong tội lỗi từ giường này sang giường khác.
Ông hãy thử hình dung xem, Jakub, trong cái bệnh viện ấy mọi việc sẽ diễn ra như thế nào vào buổi sáng ngày hôm sau?
Song tôi đã cực kỳ may mắn. Mẹ tôi, vì không thể dấu được việc người ta đưa con của bà đi ngay sau khi sinh, nên buổi tối đã lẻn vào phòng sơ sinh và đưa tôi về giường mình. Không đầy nửa tiếng sau thì những người công giáo phẫn nộ với Kinsey đã ùa vào bệnh viện với những xô máu.
Bố tôi trả séc cho bệnh viện với điều kiện đứa trẻ sẽ phải mang họ ông. Do đó mà tôi vẫn liên tục mang họ McManus. Đó là cái séc cuối cùng, cũng là việc cuối cùng mà ông ta làm cho tôi. Đúng sáu ngày sau khi rời viện, mẹ tôi đến chỗ anh trai của bà ở New York.
Tôi không bao giờ biết vế bố. Cũng không bao giờ muốn.

Gã ra khỏi bóng tối cạnh lan can. Mắt đỏ hoe vì lấy tay lau. Gã ngồi xuống cạnh Kim, cầm tay cô đưa lên. môi, hôn khẽ. Thậm chí gã không định lau chỗ nước mắt đọng lại trên cái sẹo to trên má. Gã bỗng nói khẽ:
- Do đó mà tôi không biết chính xác ngày sinh của mẹ tôi, Jakub ạ.
Mặc dù lúc đó gã ngồi im lặng, đúng hơn là không nói, thì vẫn có một giọng nào đó từ bên trong gã, thét lên hết sức: "Tại sao lại như vậy chứ, mẹ kiếp, một số người đã không may bị coi rẻ ngay từ khi chưa lọt lòng?"
Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, vậy mà anh nhớ từng chi tiết từng lời nói, đặc biệt là sự giận dữ của Jim lúc kết thúc.
Anh mở mắt, đứng dậy, thu mấy tờ giấy nhàu nhĩ mà anh lót để ngồi. Cho chúng vào cái cặp có logo của hội thảo mà ban tổ chức phát cho anh. Tiếc là, cũng như lần ở Missisipi, lúc này anh không có "cữ" nào, hoặc là chỉ một chai whisky . Anh sẽ có thể xua đuổi ngay được cái nỗi buồn chết tiệt này.
Anh nhìn quanh rồi đi về phía St. Charles Avenue. Mấy phút sau anh đã ngồi trong taxi để đến cái nghĩa trang duy nhất trong thể loại của mình: City of Dead, tức là Thành phố của Những người đã khuất ở New Orleans.


CÔ : Xe khách đi Paris xuất phát từ bến xe cạnh Ga Trung tâm. Alicja và Asia đã ở đó khi cô ra khỏi ôtô mà ông chồng đưa cô đi. Chồng cô đỗ khựng lại cạnh lối vào bến và đơn giản là để cô xuống. Như một lái xe taxi. Thành thật mà nói, thì cô dửng dưng với chuyện đó. Sau những gì anh ấy đã làm với cô vào đêm cuối cùng, cô hoàn toàn không còn muốn bất cứ một thứ tình cảm nào khi chia tay. Nhưng anh ấy cũng có thể giúp cô lấy cái vali nặng từ cốp xe xuống chứ. Cô thậm chí không ngoảnh đầu lại khi anh ấy đi khỏi với tiếng rít của lốp xe. Anh ấy có thể đi khỏi với tiếng rít của lốp xe bằng cỗ xe tuần lộc. Đơn giản là anh ấy có cái tính ấy. Nhưng bây giờ thì hoàn toàn không quan trọng.
Cô đến với Jakub! Đến Paris!
Thực ra thì việc cô đi đâu là ít quan trọng nhất. Cô có thể đi Ulan Bator.

Asia nhận ra cô ngay và chạy lại chỗ cô để giúp cô kéo cái vali đến chỗ người lái xe đang xếp hành lý vào khoang đựng hành lý. Alicja thì đã kịp "cắt đứt với thế giới": cô nàng đang nói chuyện với một thanh niên đang đeo tai nghe.

- Lần cuối cùng tụi mình đi Pháp, chồng cậu cũng đưa cậu đến Ga Trung tâm, nhớ không? - Asia nói khi hai người đang cùng kéo cái vali qua những chỗ lồi lõm của mặt đường nhựa đang mềm ra vì nóng.

Và nói thêm, bực tức:

- Nhưng hồi đó anh ấy còn sẵn sàng bế cậu trên tay. Bây giờ thì thậm chí xách cho cậu cái vali cũng không muốn: Nhưng anh ấy có lý. Đàn ông giống như một số các nguyên tố phóng xạ: có thời gian phân rã từng phần rất ngắn. Sau đó chỉ còn phát sáng theo dấu vết. Và chủ yếu là trong các phòng thí nghiệm khác. Cho dù không nhất thiết chỉ cần thí nghiệm viên là một cô gái lạ và trẻ.

Cô ta buông vali, ưỡn thẳng lưng và thở dài:

- Cậu nói cho mình xem nào, tại sao cậu lại cáu kỉnh với anh ấy thế? - cô ta bất ngờ hỏi, nhìn thẳng vào mắt cô.

- Mình không muốn nói về chuyện này. Hôm nay lại càng không - cô trả lời.
Asia nghiêng người và nói nhỏ:

- Mình có kế hoạch cho từng phút. Cậu biết là trong thời gian mà chúng mình ở đấy, ở d Orsay có triển lãm gần như là về tất cả những gì Renoir đã vẽ? Cậu không thể chọn được thời điểm tốt hơn đâu. Mình hưng phấn gần như cái hồi tụi mình đi Nimes ấy. Cậu đã bị Paris làm cho lóa mắt.

Đúng thế, cô không thể chọn được thời điềm tốt hơn. Mặc dù không phải là Renoir, mà cô có thể nhân tiện xem không biết chán, nhưng một người đàn ông hoàn toàn khác đã quyết định khi nào thì cô có mặt ở Paris. Về điều này thì Asia - cho tới bây giờ - chưa biết.

Vậy mà chỉ mười ngày trước đây thôi, cô không thể nghĩ rằng nói chung, điều này là có thể. Có một hôm anh viết email cho cô:


Munich ngày 28 tháng sáu

Anh sẽ bay đi New Orleans để dự hội thảo. Đến New Orleans của anh. Anh sẽ về qua New York và hãng hàng không TWA muốn anh từ đó đến Munich qua Lon don hoặc Paris.
Em có thể đến đâu được?
Jakub.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:11  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Anh đã làm cô ngạc nhiên bằng những thông tin về những chuyến đi của mình. Ở bên anh, dường như thế giới trở nên nhỏ hơn rất nhiều. Boston, San Francisco, Lon don, Geneve, Berlin, rồi lại San Francisco. Còn bây giờ là New Orleans. Cô biết với anh, thành phố này có ý nghĩa như thế nào.
Mấy hôm sau, trên đường về nhà qua khu Krakowskie Przedmiescie, cô để ý thấy một văn phòng du lịch trưng biển quảng cáo về một chuyến du lịch ngắn ngày đi Paris. Bình thường thì cô đã bỏ qua, nhưng đúng hôm ấy ngay lập tức cô liên tưởng Paris với Jakub của cô. Nhìn thấy ngày ở Paris trùng khớp với ngày mà Anh có thể đến đó, cô bèn vào, đã hơi hơi hưng phấn, văn phòng vắng vẻ, có điều hoà nên rất dễ chịu trong cái nóng này. Một thanh niên trẻ, có lẽ là tập sự, đứng phắt dậy khi thấy cô bước vào, và sau khi mời cô ly nước khoáng mát lạnh cậu ta mới ngồi xuống. Khi cô ngoan cố và không chút hy vọng xin một lát chanh - hầu như bao giờ cô cũng uống nước khoáng với chanh - cậu ta cười và đưa cho cô tờ giới thiệu về văn phòng của họ, rồi đi vào phòng trong. Một lát sau cậu ta đi ra với một cái đĩa sứ, trong đó là những lát chanh đã gọt vỏ, hai lá cờ Pháp và Ba Lan nhỏ xíu trên những cái que nhựa được cắm vào những lát chanh. Cậu ta cười với cô. Cậu ta có cặp mắt rất to mâu nâu, hai bàn tay mảnh mai và dài một cách đặc biệt, người thơm mùi nước cạo râu đắt tiền. Cô sửng sốt nhận thấy kể từ khi quen biết với Jakub, những người đàn ông mà cô gặp lại có màu mắt, lại thơm tho theo cách rất khác biệt và điều gần đây khiến cô xúc động là họ có cặp mông rất hấp dẫn hoặc hoàn toàn không đáng để quan tâm. Cô lấy một lát chanh rồi chỉ vào lá cờ Pháp trên cái que, hỏi nhỏ:

- Làm sao mà cậu biết được tôi muốn đi Paris?
Sau khi kiểm tra trong máy tính, cậu ta chắc chắn với cô rằng họ còn vài chỗ đi bằng xe khách, nhưng chỉ còn hai chỗ trong khách sạn ở Paris. Cô hỏi cậu ta có thể gọi điện được không. Cô bấm số di động của Alicja.
- Ala, cậu đừng có kế hoạch gì vào chủ nhật mười bốn tháng bảy nhé. Cậu sẽ đi Paris với mình. Chính cậu nói với mình là từ bé đã mơ ước được nhìn thấy Paris, đúng không?
Im lặng một lúc. Cô nghe thấy Alicja nói với ai đó.
- Tuyệt lắm, vì cậu đã nói với mình từ hôm nay. Còn ba ngày nữa mới đến chủ nhật cơ mà. Tất nhiên là mình sẽ đi, nhưng với một điều kiện: Asia sẽ cùng đi với tụi mình. Nó đang ở đây với mình đây này.
Cô cười. Chỉ có Ala và Asia mới có thể phản ứng như vậy. Phải nói thật là, đôi khi cô hình dung ra một thế giới không có đàn ông, nhưng thế giới mà thiếu hai đứa bạn này thì cô chịu, không thể tưởng tượng nổi. Họ đã hiện hữu trong cuộc đời cô "từ thuở cha sinh mẹ đẻ". Và mặc dù, mà cũng có thể do vậy là họ khác nhau và khác cô đến thế, cô vẫn cảm thấy nếu thế giới của cô mà thiếu hai đứa ấy thì giống như một thế giới bị mất đi một chiều. Phẳng.

Alicja...
Một nửa trái tim lang thang đi trên nửa thứ hai không ngưng nghỉ. Một cô gái tóc vàng sẫm với cặp mắt gần đây có màu thay đổi tùy thuộc vào màu của kính áp tròng. Chủ nhân của bộ ngực tuyệt hảo, trưng ra hoặc giấu đi tây thuộc vào chỉ số trên cái cân điện tử trong phòng tắm của nó. Khi vô cùng bất hạnh vì sự cô đơn cửa mình, cái chân váy ngắn của nó trở nên ngắn hơn, trang điểm đậm hơn, còn bản thân nó thì gầy đi với tốc độ đáng sợ - bao giờ cô cũng ghen với nó về điều này - nhưng dẫu thế thì bộ ngực của nó vẫn nhô lên đầy quyến rũ dưới lần áo sơ-mi hoặc áo len ngày một chật hơn. Khi có một chàng nào đó, nó béo ra với nụ cười trên môi và che cơ thể ngày một mảnh mai nhưng hạnh phúc vì được đàn ông chạm vào của mình bằng nhũng chiếc áo len bó sát mà nó tự đan.

Nó mơ một tình yêu lớn như đứa trẻ mơ ước những gói quà dưới cây Noel. Nó đi tìm tình yêu ấy ở khắp nơi và không mệt mỏi. Ngay trong lần hò hẹn đầu tiên nó đã nghĩ mình sẽ mặc chiếc váy cưới như thế nào, còn đến buổi thứ hai, khi chàng nghĩ chủ yếu đến việc sẽ về nhà nó hay về nhà anh ta sau bữa tối, thì nó băn khoăn về việc liệu chàng có chắc chắn là một ông bố tốt của những đứa con nó hay không. Hầu như tất cả những người đàn ông của nó đấu đến ở nhà nó sau hai tuần quen biết, nhưng chỉ có một là chịu được quá hai tháng. Trong trí tưởng tượng đầy màu sắc của mình, với anh chàng "duy nhất này", nó cương quyết quên để lại một chỗ ít ỏi cho nỗi buồn. Những người đàn ông, ngoài ưu điểm lớn là quyết định sống cùng nó, còn có rất nhiều những điểm yếu thường tình rất con người: ngáy to về ban đêm, xuất tinh quá sớm, đứng tiểu và phun cả nước tiểu ra phòng tắm sạch đến vô trùng của nó, cạo râu hay đánh răng xong thì để chậu rửa bẩn thỉu và nói chung không hề có ý muốn làm tình một cách khéo léo chỉ vì nó mải lúi húi dưới bếp suốt buổi chiều để chuẩn bị một bữa tối bên những ngọn nến.
Nếu cô là đàn ông, cô sẽ cưới ngay Alicja. Hai lần. Thậm chí cả lần thứ hai tại nhà thờ. Theo cô, Alicja là giải loto to nhất dành cho những anh chàng tình dục khác giới độc thân, đã ly hôn hoặc đang muốn ly hôn. Nó sẵn sàng cho hôn nhân như những nhà leo núi người Đức sẵn sàng leo lên đỉnh Everest. Thậm chí họ còn có cả chúc thư được công chứng viên xác nhận. Alicja chưa có chúc thư, mà trong đó đương nhiên là nó sẽ để lại toàn bộ cho "người chung thân yêu nhất của mình", nhưng một nửa tủ quần áo của nó bao giờ cũng để trống, chờ những cái chổi, những con dao và nước cạo râu cùng với bao cao su của chàng.
Ngoài việc nó là học viên của khóa nấu ăn tốt nhất ở Warszawa, có dạo nó còn học liền một tuần cách pha chế những loại drink ngon nhất từ một ngưòi bán bar mà nó kết thân. Tất cả là dành cho "anh ấy". Nhưng phải nói thật rằng Alicja chưa hoàn toàn tin rằng con đường đến trái tim đàn ông lại đi qua dạ dày. Nó cho rằng có thể đi tắt. Và do đó mà nó đã bỏ ra khối tiền để mua hai tập mới nhất, mà phải là "xịn" của Kamasutra, đọc Cosmopolitan bằng tiếng Anh, bồi hồi ấy còn chưa có bằng tiếng Ba Lan, nhờ đó mà nó biết được, ví dụ như thế nào là "kiểu Hy Lạp", hay tại sao chàng sẽ rên lên vì sướng... Ngoài ra gần đây, nó tập cơ "chỗ kín"với một kỷ luật quân sự thực thụ.
Nhưng ngay cả những cái đó cũng chả giúp được gì nhiều. Cô biết rất rõ, vì Alicja kể cho cô nghe về chuyện này thật tỷ mỷ, nó thất vọng với những người đàn ông của mình chủ yếu ngay sau tuần đầu tiên. Nó đã khẳng định không biết bao nhiêu lần rằng đàn ông, nói chung đó là những tạo vật kỳ dị. Họ sợ bác sĩ chữa răng, sợ rụng tóc và sợ điện thoại di động của họ bị ngoài vùng phủ sóng. Nó nhận thấy, không phải là vô lý, rằng trong tất cả sự lo sợ ấy, thì tiền liệt tuyến đã "bẫy" họ. Thỉnh thoảng, phần lớn là sau tuần thứ ba chung sống, nó sợ rằng bỗng dưng "người duy nhất và trong mơ" của nó, khi nó áp bộ ngực nóng ran dưới lớp áo ngủ đã cởi ra của nó vào chàng, lại nói: "Em yêu, để cho anh yên nào. Em không thấy là hôm nay anh có chu kỳ à?" Bởi nó muốn có lửa hàng đêm. Nó quên mất rằng chỉ có linh cứu hỏa mới có lửa hàng đêm mà thôi.
Chính trong những khoảnh khắc như vậy, Alicja bắt gặp những ý nghĩ kinh hoàng của mình, rằng thực ra thì cái gã đang nằm cạnh nó trên giương đây đã làm xáo trộn cái mà nó thích nhất: nỗi cô đơn hài hòa, được chăm chút cẩn thận và ổn định. Nỗi cô đơn song hành với phòng tắm lúc nào cũng sạch sẽ, bát đĩa xếp ngăn nắp trong máy rửa, túi chườm được đặt lên bụng trong ngày đầu có kinh mà không phải ngại ngùng gì và những tối thứ bảy ngồi trước vô tuyến hay đọc sách trong tiếng hát của Kenny G thay vì những buổi tối chơi bài tẻ nhạt đến ghê người trong làn khói thuốc lá bất tận hoặc những cuộc gặp gỡ điên rồ, đầy thô bỉ bên những chai rượu cùng với những người bạn cùng đơn vị, hay cùng trường kỹ thuật hoặc cùng cơ quan của anh ta.

Nhưng nó chỉ nghĩ thế được một lúc và với cảm giác có lỗi kinh khủng. Bởi cô đơn, đó chẳng phải là dạng đau khổ tồi tệ nhất sao! Phải chăng Tạo hóa đã tạo ra thế giới chính vì Người cảm thấy cô đơn? Cứ để cho anh ấy ngáy, cứ để cho anh ấy vứt những đôi tất bẩn ra giữa phòng và hút thuốc trong phòng ngủ. Chỉ cần anh ấy hiện hữu.

Tất cả "những người đàn ông của nó" không biết - hoặc không muốn - nói chuyện với nó. Cùng sống với nó, cùng ăn tối và ăn sáng với nó, cùng có những cuộc siêu - tình yêu với nó - bởi nó không ngại ngần làm tất cả những gì họ muốn và những gì nó đọc được trong những tờ báo mới nhất dành cho những cô gái muốn tìm kiếm nhiều đỉnh điểm trong một lần với Chính Người ấy - nhưng điều đó không có nghĩa là họ muốn cùng già đi với nó. Còn nó chủ yếu lại muốn nói về chuyện đó và chờ đợi những lời tuyên bố dứt khoát từ phía họ. Những người mà nó gặp cho đến lúc này không quan tâm tâm đến những chuyện về đám cưới, về "cùng" mua một căn hộ rộng hơn và về màu giấy dán tường trong phòng trẻ, nếu sẽ là "con gái". Do đó mà họ chuyển đi chỗ khác phần lớn là sau tháng thứ hai.

Tuy nhiên nói chung chỉ có những người có thể dọn đến ở với nó mới làm vậy. Có cả rất nhiều người không thể đến ở với nó được. Những người này, mặc dù hay nói với nó về tất cả những chuyện lãng mạn mà nó ước ao, hơn những người kia, nhưng lại là những kẻ tồi tệ nhất. Họ có vợ, thường là có con và "không thể làm chúng bị tổn thương", có cả tiểu sử đầy khủng hoảng nội tâm. Với họ thì hoàn toàn không thể nói về giấy dán tường trong phòng trẻ được, đã thế, Alicja lại rất khó phân biệt được những người đàn ông mới chỉ có ý định bỏ vợ với những người đã làm điều đó. Khi cuối cùng nó nhận ra được sự khác nhau đó thì đã quá muộn để tránh và để không phải nhận cú đấm tiếp theo.

Mỗi cuộc chia tay với người đàn ông của cuộc đời đối với Alicja như một cú đụng phải xe tải. Khi đã ổn định trở lại đủ để có thể nghĩ về tương lai, nó lại bắt đầu liếc dọc liếc ngang. Lại gầy đi và ngực lại nhô ra phía trước. Cô cũng ghen với nó về điều này. Khi cô gầy đi thì chính ngực cô lạ nhỏ đi nhanh nhất. Nhiều khi cô tưởng như là chỉ có mỗi ngực là nhỏ đi.

Hiện tại bộ ngực của Alicja, chỉ được che hờ hững bằng những chiếc áo bó sát rộng cổ rất mát trong cái nóng tháng bảy này, lại thông báo với thiên hạ rằng, nó đang tìm kiếm. Hẳn vì vậy mà nó quyết định đi Paris nhanh thế. Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đầy may mắn. Nếu đúng lúc Alicja đã có một ai đó, thì đừng có hòng mà nó chịu rời Warszawa. Nhưng may mắn thay, cả cho nó nữa, nó lại đang một mình. Vậy là nó quyết định đi. Thêm vào đó, nó còn kéo theo cả Asia nữa.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:12  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Asia...
Là sinh viên toán, mê phân tích toán ngang với thơ của Wojaczek. Tóc nâu đài và cặp giò cực kỳ mảnh mai, thời gian gần đây được khoe ra một cách dũng cảm dưới những cái chân váy ngày một ngắn.

Một cô vợ có kỷ luật của một gã với vô số những mặc cảm và tâm tính của một tay hạ sĩ trong đội hình phạt: Của một gã hay và thích sờ vào thân và lốp của cái xe maluch ba năm tuổi hơn là vào thân thể vợ. Khi lấy chồng, nó đã tin chắc là mình yêu người đàn ông ấy. Với lại hỏi ấy nó còn quá trẻ. Khi anh ta xuất hiện ở cái thị trấn của nó và trong cuộc đời nó thì nó còn chưa đầy mười tám tuổi. Điềm đạm, ăn mặc sạch sẽ, không chín thề cũng không uống rượu. Cái sự không uống này cột nó vào anh ta hơn cả. Khi còn là một cô gái đang lớn, nó không xấu hổ vì đôi chân quá gầy và cong hoặc vì những cái váy tồi tàn mà mẹ nó cử luôn luôn phải chữa và nhuộm lại còn lũ bạn gái cùng lớp thì cười. Nó chỉ xấu hổ vì có ông bố say, thường nằm trên cái ghế dài ngay lối lên cầu thang của nhà tập thể. Bao giờ cũng vậy. Bố nó bao giờ cũng uống. Mẹ nó bao giờ cũng khóc, nó bao giờ cũng xấu hổ. Người chồng tương lai đã giải thoát cho nó khỏi nỗi xấu hổ ấy. Không uống lại cần đưa nó lên Warszawa. Thế thì làm sao mà không yêu anh ta cho được?
Thầm lặng, hơi rụt rè, một kẻ chỉ đi trên cảm xúc và niềm vui trong bản thân mình. Mỗi ngày sống mà không có "trải nghiệm" đều khiến nó buồn phiền. Khi "dứt ra được một lúc cho riêng mình" trong cuộc sống hối hả với công việc ngập đầu ngập cổ và cô con gái cưng Dominika được sinh ra khi nó còn quá trẻ, thì nó lại đi xem các phòng tranh, bảo tàng hay nghe hòa nhạc, nó còn đi nghe cả những bài giảng về vũ trụ học, gien học và tâm lý học. Quay về từ những "phút cho riêng mình" như vậy, nó tràn đầy hưng phấn bằng những gì đã trải qua, nhưng cũng sợ hãi và với cảm giác có lỗi với chồng, người chỉ trong hành vi của lòng tốt bất thường và chỉ một lần trong một tháng đồng ý một mình trông con "tối đa là trong vòng hai giờ", người không thể hiểu được cô vợ "lập dị" của anh thực sự muốn gì.

Nó đã làm anh ta thất vọng. Hoàn toàn thất vọng. Nó chỉ có mỗi việc là yêu anh ta, nuôi dạy đứa con gái cho anh ta và học làm mứt dự trữ cho mùa đông. Trong khi đó thì nó tốt nghiệp khoa toán và mua mứt trong cửa hàng ở góc phố. Nhưng đấy chưa phải là tệ hại nhất. Nó không còn yêu chồng nữa. Sao nó lại có thể vô ơn như vậy được?! Anh ta đã đưa nó từ "vùng sâu vùng xa, nơi không có cả tàu điện" lên Warszawa, gần như là anh ta đã dạy nó "ăn bằng dao và dĩa", thế mà bây giờ nó lại còn "bày đặt làm một bà kỹ sư nhạy cảm".

Mới rất gần đây thôi, trong một bữa tiệc sinh nhật của nó, họ đã đóng cửa trong phòng tắm và Asia đã kể cho cô nghe những chuyện này, những chuyện mà trước đây nó chưa bao giờ kể khi có mặt Alicja.
Nó không biết chính xác từ khi nào nó không còn yêu chồng mình nữa. Có thể từ cái lần, mặc cho nó đã nài nỉ, anh ta vẫn đi trượt tuyết ở Szezyrk, đề nó ở nhà một mình cả một tuần trong khi đang mang bầu ở tháng thứ bảy và đang bị ra huyết. Nó xấu hổ không dám gọi điện cho bố mẹ. Một mình lái xe đến bệnh viện trong bộ đồ ngủ. Đến tận bây giờ nó vẫn còn nhớ - nó run run khi kể đoạn này - vệt máu âm ấm - chảy dọc theo đùi nó và thấm vào cái thảm bọc ghế xe mà chồng nó vừa mới giặt như thế nào. Còn nó thì không biết mình sợ cái gì hơn: mất đứa con hay không biết anh ấy sẽ nói gì khi nhìn thấy những vệt máu trên ghế.

Hay cũng có thể từ cái lần đi làm về, mệt bã người sau một đêm không ngủ, và ở hành lang, ngay trước cửa vào thang máy, nó nhìn thấy con chó của họ nằm trên nền gạch lạnh, trong bãi nước tiểu và những cơn co giật.
Một ai đó trong số những người hàng xóm, không nhất trí với việc họ nuôi chó trong nhà nên đã cho nó ăn bả. Nó quyết định phải cứu con chó. Chăm sóc nó. Chữa cho nó. Nó yêu con chó ấy lắm. Thực ra kể từ khi ở Nimes về mấy năm trước, con chó nào nó cũng yêu. Nó cho con chó uống thuốc mà nó mua bằng tiền tiết kiệm riêng của mình. Mấy ngày gần đây nó không ngủ, để dọn những đống nôn của con chó, thay cái áo khoác cho nó bị thấm nước tiểu và cho nó uống kháng sinh mà bác sĩ thú y kê đơn cho. Chồng nó cho rằng đây là con chó của riêng nó và đơn giản là một hôm anh ta đi làm về trước nó, bèn quẳng con chó ra ngoài cầu thang, vì anh ta "không thể chịu đựng được cái mùi hôi thối ghê tởm ấy hơn nữa". Lần đầu tiên nó bị một cơn kích động. Nghe những lời chửi rủa được hét lên bằng cái giọng the thé của mình mà nó lấy làm ngạc nhiên không hiểu mình lấy đâu ra những từ ấy. Sau sự kiện ấy, chống nó cũng nhận ra rằng có một giới hạn, mà nếu vượt qua nó thì bà vợ vốn hiền lành và nết na của anh ta sẽ trở nên không thể lường trước được và có thể làm mọi thứ.


Hai ngày sau đó thì con chó chết. Về đêm. Con chó bỗng thôi không khò khè. Nó biết rằng thế là hết. Nó ngồi tựa vào cái tủ lạnh ở dưới bếp và khóc. Quyết định sẽ không nói gì với chồng. Sáng ra nó gọi điện cho bố. Họ đến vườn của bố mẹ nó ở Anina và chôn con chó ở cuối hàng cây. Ngay bên cạnh bồn hoa mà cứ mùa xuân đến là những cây hoa cúc lại mọc. Bây giờ thỉnh thoảng, khi đưa con gái đến vườn của ông bà ngoại, nó lại giấu tất cả mọi người đến chỗ đó và ngồi lên bãi cỏ. Nhìn vào chỗ mà họ đã chôn con chó và nghĩ về nó. Có lần đứa con gái lẳng lặng đến chỗ bồn hoa và bắt gặp nó đang khóc. Khi ấy nó không kể với con bé về con chó. Sợ nó buồn.

Hay cũng có thể từ cái lần anh ta đi làm về sớm và bắt gặp nó đang khóc trên một cuốn sách trong phòng ngủ, trong khi cô con gái thì chơi ở trong bếp, bột vãi tung toé và cả cái bô nước tiểu đổ lên người nó. Thực ra thì không thể để xảy ra như vậy được. Đơn giản là nó quên mất xung quanh, chỉ đắm chìm trong những trang sách đang đọc. Nó nhìn anh ta, hoảng sợ khi anh ta sùi bọt mép và gọi nó bằng đủ các từ tồi tệ nhất, và nó phân vân, ở đâu rồi người đàn ông năm nào còn khiến nó xúc động như cuốn sách này.

Sau sự cố ấy, anh ta quyết định phải trừng phạt nó. Anh ta không ngủ với nó nữa. Không phải vì anh ta không cần. Anh ta cần. Thỉnh thoảng khi cho quần áo vào máy giặt, nó nhìn thấy những cái khăn với những vệt tinh dịch đã khô của anh ta hoặc là những vết trắng trên quần lót của anh ta.

Anh ta không ngủ với nó để trừng phạt. Vì tội nó thông minh hơn, nhạy cảm hơn, nó đọc sách và khóc vì những cuốn sách đó.

Thực ra thì đó không còn là bất cứ một hình phạt nào hết. Điều này nó cũng nói với cô lúc họ đóng cửa trong phòng tắm. Gần gũi với chồng không còn là niềm vui sướng của nó nữa, bởi nó nhận thấy thực ra anh ta có cần nó đâu. Chỉ sau một năm, nó đã quen với chuyện anh ta cứ lặng lẽ mà gần gũi với nó. Nó muốn nghe thấy anh ta. Nó muốn anh ta gọi thầm tên nó, nói với nó những lời tình cảm hoặc kể cả anh ta thô bạo cũng được. Đôi khi nó muốn cả điều ấy nữa. Nhưng anh ta chẳng nói gì. Không bao giờ nói gì. Có lần, khi đang "ấy", nó thầm thì tình cảm với anh ta. Anh ta liền rời ra, đẩy nó ra xa và bảo rằng "phải im lặng, vì anh ta không thể tập trung được".

Sự im lặng của anh ta khi chuyển động trên người nó với hàm răng cắn chặt chẳng khác gì một ông thợ mộc trong buổi thi lên bậc nghiêng người trên tấm ván mà ông ta phải cưa thật chính xác! Việc này bao giờ cũng diễn ra nhanh đến mức nó thậm chí chưa kịp ướt. Anh ta kết thúc rất hoan hỉ với chính mình, ra khỏi nó và vào phòng tắm, sau đó thì không quay lại với nó nữa. Anh ta lấy bia trong tủ lạnh, mở vô tuyến và xem cho đến khuya cái chương trình đấm bốc điên rồ trên Eurosport, trong khi nó nằm quay mặt về phía cái lò sưởi gang cũ kỹ và tự hỏi, liệu anh ta có cảm giác cũng như thế khi cho của mình vào lỗ của cái máy hút bụi mới của họ không. Nhưng nó mới chỉ nghĩ như vậy từ cách đây không lâu. Mấy tháng trước, nó còn khóc thầm, cố giấu đi tiếng ngẹn ngào - để anh ta không nghe thấy - bằng chiếc gối đẫm mồ hôi của anh ta.

Khi Asia kể với cô chuyện này, cô liên tưởng ngay đến những gì xảy ra mấy tháng trước đây tại một trong những cuộc gặp ở quán rượu mà chồng Asia cũng có mặt ở đó như một sự hy hữu. Rất hiếm khi anh ta đi cùng nó. Bởi trên nền của người vợ hiểu biết anh ta bao giờ cũng trở nên tầm thường không biết nói gì. Thực ra thì anh ta thậm chí chẳng cần phải "trở nên" - mà là một kẻ tầm thường đích thực và thực sự là không bao giờ nói gì.

Tối hôm ấy Asia, sau khi đã uống mấy ly, với cặp mắt long lanh và mái tóc dài để xõa rối bời, được một anh chàng diễn viên trẻ mà người yêu của Alicja dẫn đến tôn thờ không chút e ngại, bắt đầu kể chuyện cười. Tất cả chăm chú nghe nó kể. Bao giờ Asia cũng kể những mẩu chuyện cười hấp dẫn nhất. Đến một lúc nó chợt hỏi:

- Có ai biết một cuộc làm tình của các cặp vợ chồng ở Warszawa diễn ra trung bình trong bao lâu không?
Tất nhiên là chẳng có ai biết chính xác bằng Asia.

- Khoảng hai mươi ba phút. Tất nhiên là bao gồm cả khâu cởi quần áo, khúc dạo đầu, bản thân sự chung đụng và cả những tin tức của chương trình Toàn cảnh vào nửa đêm nữa.

Khi tất cả thôi không cười nữa nó mới nói thêm:
- Trong một số gia đình thì thay vì Toàn cảnh là tóm tắt tin trong ngày của Eutosport. Bản tin này đài đúng hai mươi phút, dài hơn Toàn cảnh năm phút.

Im lặng. Tất cả những người đang ngồi trong quán này trừ cậu diễn viên trẻ đều biết rằng chồng Asia chỉ xem hầu như mỗi Eurosport. Họ liếc nhìn anh ta. Có tia căm hờn trong mắt anh ta còn miệng thì mím chặt. Một lát sau anh ta đứng dậy và đi ra không tạm biệt ai. Asia không rời kỉoi chỗ. Nó ở lại với mọi người cho đến hết buổi tối. Cậu diễn viên trẻ không để píi thời gian. Kéo ngay cái ghế của mình đến cạnh Asia và tất cả những chuyện cười tiếp theo nó chỉ kể cho cậu ta.
Đêm hôm ấy sau khi từ quán rượu về, không chợp mắt được, vượt qua sự e ngại và lấy một cái cớ nào đấy, cô gọi điện đến nhà Asia để chắc rằng mọi việc vẫn ổn. Cô lo cho nó. Vì cô biết rằng lão chồng nó khó mà lường trước được. Nhưng Asia vẫn chưa về.

Hai tháng sau, Asia gửi cho cô một e-mail, thú nhận rằng đêm hôm ấy, khi cậu diễn viên trẻ đưa nó ra bến taxi qua một công viên vắng vẻ, để "đi tắt", nó bỗng ôm lấy cậu ta và hôn. Nó chỉ muốn hôn cậu ta. Không hơn. Chỉ có thế.

Cô nhớ mình đã cảm thấy một kiểu hưng phấn và ghen, khi đọc tiếp e-mail đó:
Hắn nắm tay mình. Bọn mình biến khỏi con đường trong công viên đằng nào thì cũng vắng vẻ, đến dưới một cái cây khổng lồ cạnh bãi cỏ. Hắn cởi áo comple, trải lên bãi cỏ đẫm sương. Bế nhẹ mình và đặt lên áo comple. Hắn cởi váy và tất của mình. Khi mình đã khỏa thân ở nửa dưới, hắn quỳ xuống trước mình và bắt đầu hôn từ chân mình. Hắn đã hôn chân mình như từ trước tới giờ chưa một ai đã hôn môi mình như vậy. Cậu có hình dung ra không?!?!?!
Hắn chợt quờ thấy đôi giầy của mình. Thế là hắn nhẹ nhàng đỡ mình dậy và xỏ giầy cho mình. Mình lại cao hơn 8 phân. Điều này rất có lợi cho bọn mình sau đó...
Nhưng đó là về sau. Trước đấy... hai ngón tay .. Cậu biết đấy.
Thật tuyệt vời. Hắn nói với mình không dứt. Thậm chí mình không nhớ là hắn đã nói gì nữa. Với lại điều ấy cũng chẳng quan trọng.
Hắn nói.
Mình không gặp hắn thêm một lẳn nào nữa.
Nhưng mình đến công viên. Thường nhất là vào những lúc buồn hay mình đọc được một cuốn sách quan trọng nào đấy.
Lần ấy, mình về nhà vào sáng sớm, ống ấy chỉ đánh mình có mỗi một lần. Khi con bé bị tiếng hét của bố làm thức giấc và khóc mình lấy vali trong tủ ra và bắt đầu gói ghém.
Không biết tại sao mình lại thu đồ của con bé trước tiên, sau đó là những cuốn sách của mình. Khi mình ra khỏi nhà, ông ta quỳ xuống và nức nở. Thế là mình ở lại. Thực ra thì đấy là một người tốt. Anh ấy đã thay đổi. Thôi không xem Eurosport nữa.
Asia
Cô nhớ là lúc đọc xong bức e-mail này và biết rằng việc "anh ta không xem Eurosport" là một động thái đầu hàng. Toàn bộ nỗi buồn và đau khổ của động thái ấy chỉ có Asia mới mô tả được trong một câu ngắn như thế. Dù sao thì sự đầu hàng đó kiểu gì cũng vẫn là chiến thắng của Asia. Nó không còn là một anh lính trơn trong đội trừng phạt của lão chồng mình nữa.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:13  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Những chàng lính trơn thì không thể được phép đi Paris!


Người tập sự trẻ cười hỏi đã bứt cô ra khỏi dòng suy nghĩ:
- Vậy tôi sẽ giữ cho chị hai chỗ này chứ?
- Không - cô trả lời quả quyết. - Bao giờ anh có ba chỗ thì tôi sẽ đi.
Anh ta không nói gì, quay lại tủ tài liệu lớn. Anh ta lấy ra một cái cặp và nhìn vào mắt cô hỏi:
- Họ, có nghĩa là cái khách sạn này có trang web của mình trên mạng. Tôi có thể kiểm tra xem có thay đổi gì mới không. Chị có thời gian chờ được không? Anh ta hỏi, vừa rót thêm nước khoáng vào cốc của cô và không cần hỏi, cho thêm vào đó một lát chanh.
- Tất nhiên là có chứ. Tôi có thể ngồi gần chỗ anh được không? Tôi muốn xem anh làm như thế nào.
Kể từ ngày biết Jakub thì tất cả những gì liên quan đến Internet đều khiến cô tự động liên tưởng đến một cái gì đó hết sức đáng chú ý, hấp dẫn và vô cùng bí ẩn.
Không đợi anh ta trả lời, cô dịch cái ghế của mình để nhìn thấy màn hình. Cô chạm vào thành ghế của anh ta và phân vân, không biết anh ta sẽ nghĩ như thế nào về cô, nếu tự nhiên cô hỏi anh ta dùng loại nước cạo râu nào.
Anh ta gõ địa chỉ trang web của khách sạn: <a onclick="return top.js.OpenExtLink(window,event,this)" href="http://www.relais-bosquet.com/" target="_blank">www.relais-bosquet.com .
- Chị biết không, khách sạn này nằm ở Quảng trường sao Hỏa và chị có thể ở gần như là ngay cạnh tháp Eiffel.
- Bây giờ thì tôi biết rồi. Nhưng tôi hoàn toàn dửng dưng. Tôi rất muốn có mặt ở Paris vào ngày mười bảy tháng bảy. Tôi có thể ngủ kể cả ngay trên bãi cỏ dưới chân tháp Eiffel cũng được. Nếu mọi việc suôn sẻ, thì nói chung là tôi sẽ không ngủ. Điều cơ bản tôi muốn là các cô bạn tôi sẽ có giường trong khách sạn này. Nếu có cả phòng tắm nữa thì anh đúng là vàng ròng đấy.
Cô nhìn lên màn hình trong khi anh ta lướt các trang web của khách sạn mô tả nội thất các phòng, các dịch vụ của khách sạn và cả bản đồ vị trí của khách sạn nữa. Đúng thật. Khó có thể hình dung lại có một khách sạn nào gần tháp Eiffel hơn. Trên màn hình có sơ đồ của các phòng còn trống.
- Chị muốn phòng đơn hay có thể ngủ chung với các bạn chị? - anh ta hỏi, nhìn vào bàn tay phải của cô có đeo nhẫn cưới.
Khi anh ta hỏi thẳng cô như thế, cô chợt nhận ra rằng tất nhiên là cô muốn ở phòng đơn. Không phụ thuộc vào việc có thể ai đó sẽ nghĩ rằng điều này thật thiếu đạo đức, quyết định của cô là rất quan trọng! Tất nhiên là cô muốn một mình cùng vời anh, chỉ cần anh thắng được tính nhút nhát của mình và đủ can đảm để cùng cô đến khách sạn của cô. Cô chưa biết chính xác cùng anh "mặt đối mặt" trong khách sạn ở Paris, rất gần tháp Eiffel có thể có nghĩa gì, nhưng cô cảm thấy nhất định sẽ rất dễ chịu. Do đó mà khi anh chàng tập sự chỉ vừa mới động đến đề tài này, cô đã nghĩ ngay rằng may quá, kỳ kinh của cô vừa mới bắt đầu, nghĩa là chắc chắn một trăm phần trăm cô sẽ không có vào các ngày từ 16 đến 20 tháng bảy.
Cô sạch sẽ và phòng cô sẽ là phòng đơn - cô nghĩ.
Cô đưa tay lấy cốc nước, vuốt tóc trên trán và không ngước mắt lên, trả lời:
- Một khi chúng ta đã biết rằng tôi không phải ngủ trên bãi cỏ dưới chân tháp, thì tôi rất muốn mình sẽ không quấy rối giấc ngủ của hai cô bạn tốt nhất của mình, nếu như tôi có ý đồ chẳng hạn không ngủ để không bị phí thời gian trong cái thành phố tuyệt vời ấy, hoặc là...
Cô không nói hết vì anh ta cắt ngang lời cô:
- Tôi giữ cho chị phòng nhìn ra vườn. Sân trời ở ngay bên trên nhà hàng ngoài sân. Người Pháp rất ồn ào khi họ uống quá nhiều rượu vang. Điều này thì chắc chắn chị không thích rồi, đúng không? Chị sẽ có thể "không làm phiền giấc ngủ" của bất cứ ai không muốn điều đó.
Anh ta nhìn cô cười.
Chị có thể đặt cọc cả cho các bạn của chị được không? Chỉ mấy ngày nữa là khởi hành nên tôi muốn có một chút đảm bảo, rằng các chị sẽ không đổi ý. Nhất là khách sạn đã kịp xác nhận đăng ký phòng của các chị. Mời chị xem. – Anh ta quay màn hình về phía cô và chỉ vào nội dung bức e-mail quả đã xác nhận việc đặt chỗ của họ.
Cô hơi ngạc nhiên vì lại có xác nhận nhanh thế và lại bằng tiếng Ba Lan, nhưng cô cho qua chuyện đó và nói:
- Tôi không đổi ý đâu, kể cả người ta có rời tháp Eiffel đi chỗ khác. Quan trọng là họ đừng có chuyển khách sạn. Chủ yếu là vì cái vườn. Tôi sẽ đặt cọc cả cho hai cô bạn nữa. Đảm bảo bằng thẻ tín dụng Visa của tôi đã được chưa?
Ra khỏi văn phòng ấy, cô cảm thấy làn sóng bừng bừng đang bao trùm lên toàn bộ cơ thể cô hoàn toàn không phải là hệ quả của cái nóng bức của mùa hè này. Cô thấy nóng, bởi vì cô hiểu rằng quyết định cách đây mấy phút của cô đã thay đổi một cách triệt để, hiện tại chỉ là với cô, hiện trạng của mối quen biết giữa cô và Jakub. Cái ảo, khoảng cách an toàn, sự làm dáng vô tư, những lời thú nhận không lường trước nhưng thực ra không bắt buộc và những riêng tư xen vào nội đung được gõ từ bàn phùn máy tính của họ có thể chóng vánh trở thành kỷ niệm của một cuộc tán tỉnh độc đáo của giai đoạn đầu của một mối quan hệ đáng tin cậy.
Một mối quan hệ nguy hiểm.
Và mặc dù điều này nghe có vẻ lâm ly và đe doạ, như tiêu đề của một bài phóng sự truyền hình nào đó, thì cô biết rằng đó là một tên gọi đúng. Mối quan hệ này trôi một cách nguy hiểm về một hướng. Thế mà, chỉ một lát sau, lúc đợi taxi ở cạnh văn phòng du lịch, cô đỏ mặt nói nhỏ với mình:
- Thôi, kệ...
Cô quyết định dứt khoát phải hỏi Alicja và Asia xem cho tới lúc này, những quyết định kiểu "Thôi, kệ..." của họ có luôn là những quyết định đúng đắn không. Của cô thì đúng. Không có ngoại lệ.
Cô ngồi trong taxi và những ý nghĩ cứ quay cuồng trong đầu cô cần phải đọc gì về Paris trước chuyến đi? Chắc chắn là đằng nào thì rồi cô cũng chẳng đọc được gì. Nhưng Asia thì như thường lệ, sẽ biết tất. Cô sẽ phải mang theo những gì? Liệu cô có kịp đến hiệu làm tóc và trang điểm không? Liệu cô có phải mua thêm đồ lót không? Lại nói về đồ lót... Cô bôi sáp lên chân gần đây nhất là bao giờ nhỉ. Không biết cái mùi mà cô đã ngửi thấy không biết bao nhiêu lần trong các quá bán nước hoa sẽ có mùi như thế nào trên da thịt anh? Lại nói về da thịt anh. Liệu có thể gầy. đi được bao nhiêu trong mấy ngày trước khi anh đến, nếu chỉ ăn toàn măng tây. Gần đây cô đọc thấy là không những măng tây không có một chút calori nào mà nó còn giúp giảm cân một cách tuyệt vời. Mặt khác, tốt hơn không nên thái quá với Cái món măng tây này. Vì kiểu gì thì với chế độ ăn kiêng nào ngực cô cũng nhỏ đi nhiều nhất. Cô biết chắc là mình không muốn khi ở Paris lại có bộ ngực nhỏ hơn bây giờ. Ngược lại là đằng khác. Cô chỉ muốn khi ở Paris ngực cô sẽ to như chưa bao giờ được như vậy.
Cô cũng phân vân mất một lúc, không biết phải nói với ông chồng như thế nào về chuyến đi này. Song lần này thì cô đi taxi quay lại văn phòng, để trước hết báo cho anh, cho Jakub biết chuyện này.
Đã sắp mười bảy giờ ỏ Warszawa - cô nghĩ. - Ở New Orleans là khoảng gần bảy giờ sáng. Anh vào mạng sau bữa sáng. Nếu tay lái taxi này qua được Krakowskie przedmiescie dưới văn phòng mình trong vòng nửa tiếng thì mình phải kịp! Jakub sẽ đọc e-mail với thông tin về chuyến đi của mình trước khi rời khách sạn đến trung tâm hội nghị. Anh sẽ có cả một ngày để nghĩ về chuyện này.
Cô cười. Nhưng lại là mình - cô nghĩ. Mình tự tìm thấy anh, mình kéo anh vào cuộc đời mình, bây giờ mình đi đến chỗ anh.
Tuy nhiên cô không cảm thấy một chút vụng về nào. Jakub, trong tất cả những gì anh viết cho cô hoặc anh làm cho cô, mặc dù có thể rất hay vượt quá - cần phải công nhận rằng với một vẻ phong nhã hiếm thấy - giới hạn của sự riêng tư anh luôn luôn chứng minh rằng, thậm chí đôi khi còn hơi thái quá, anh tôn trọng cô như thế nào. Cho nên việc cô đi đến chỗ anh chứ không phải là anh đến chỗ cô, không thể nào lại bị anh hiểu sai. Hơn nữa, cho đến lúc này họ chưa gặp nhau chỉ là do anh không muốn làm cho cuộc sống của cô thêm phức tạp.
Ngoài ra - cô nghĩ - toàn bộ cái chương trình với Paris này, việc anh ngẫu nhiên ở đấy, việc cô ngẫu nhiên tổ chức một cách bộc phát chuyến đi, tất cả khiến cho cuộc gặp gỡ - nếu nó đi đến kết quả - sẽ đơn giản là hệ quả của một bối cảnh đặc biệt của các sự kiện mà họ chỉ nhượng bộ động lực của chúng.
Cô lấy gương, sửa lại trang điểm và băn khoăn về việc này. Vào cái khoảnh khắc mà "bối cảnh của các sự kiện" chui vào đầu cô, cô bắt buộc, đơn giản là bắt buộc phải cười to với hình ảnh của mình trong gương.
Mình bắt đầu bịa ra những trò vô nghĩa với những ngôn từ rất khoa học này từ bao giờ ấy nhỉ? - cô nghĩ.
Đúng lúc taxi dừng lại trước lối vào tòa nhà của công ty và rõ ràng là điệu cười kia đã diễn tả rất tồi, nên người lái xe quyết định thử vận may. Quay đầu về phía cô, anh ta hỏi:
- Bé cưng, em có muốn anh đưa em đến tận cùng thế giới không? Anh sẽ ngắt máy đếm. Em muốn chứ?
Anh ta nhìn cô, cười rất nịnh hót và vuốt mấy sợi tóc trên trán. Cô kịp nhận thấy khi anh ta nháy mắt và cười, hai chấm xăm to ở giữa má. Cô quyết định không bình luận gì vế câu hỏi trước khi ra khỏi taxi. Không nói, cô tính số tiền trên máy đếm. Trả tiền và khi đã đứng an toàn trên hè phố cô mới nói :
- Không. Tôi không muốn. Với tôi tận cùng thế giới có hơi xa hơn ngôi nhà con con của anh trên mảnh vườn về hướng Plock, Pultusk hoặc là Skiemiewice. Cô sập cửa rồi đi rất nhanh để khỏi nghe thấy phản ứng của hắn ta.
Trong những tình huống như vừa rồi, cô phân vân làm sao Jakub và ví dụ như tay lái taxi như thế này lại có thể thuộc cùng một thể loại được.
Ai là đột biến gien: Jakub hay tay lái taxi kia? Cô quyết định sẽ có khi nào đó hỏi Jakub về chuyện này. Bởi anh là một nhà gien học nổi tiếng cơ mà. Anh phải biết.
Cô chạy vào văn phòng. Có tiếng máy hút bụi của chị tạp vụ trong phòng phía cuối hành lang. Cô quẳng ví xách tay lên cái ghế cạnh cửa sổ, tháo giầy, ấn cái nút tím để mở máy tính lấy ống nghe điện thoại từ hộp nạp ắc-qui và vừa đi ra bếp vừa gõ số của Alicja. - Ala, cậu có thể gói ghém được rồi đấy. Tụi mình sẽ đi vào sáng chủ nhật. Mai gặp nhau ở chỗ cũ, mình sẽ cho các cậu biết tất cả mọi chi tiết. Chúa ơi, mình mời mừng làm sao. Ala, cậu biết không, anh ấy cũng sẽ ở đấy? Trọn một ngày. Và trọn một đêm. Bây giờ mình phải dừng thôi. Cậu gọi cho Asia đi.
Cô lấy nước khoáng trong tủ lạnh, xé cái túi thiếc đựng axit chanh và đổ hết vào cốc. Cô quay lại bàn tính. Bật modem kết nối mạng. Khởi động chương trình lướt web: Cô tìm thấy địa chỉ trang web của sân bay Charles de Gaulle ở Paris. Sau mấy thao tác tìm kiếm, trên màn hình là một sơ đồ màu, cực kỳ chi tiết, một phần của cổng đến mà máy bay của hãng TWA sẽ đến. Bởi anh sẽ bay từ New York bằng TWA. Cô tập trung phân tích sơ đồ một lúc. Rồi cười rất thoải mái.
Máy in trên bàn, cạnh cửa sổ vẫn liên tục đẩy ra những bản in sơ đồ sân bay, trong khi cô khởi động chương trình thư. Và bắt đầu viết đầy hưng phấn :
Warszawa ngày 11 tháng bảy

Jakub, mặc dù điều này là hầu như không thể trong trường hợp của chúng ta, nhưng lần đầu tiên em cảm thấy theo một cách rất khó diễn đạt và bí ẩn nào đấy, rằng anh đang ở rất xa. Em đã đọc gần như tất cả về New Orleans và thậm chí em đã vào cả trang web Dauphine New Orleans của anh nữa. Chẳng ích gì. Chỉ càng nhớ anh nhiều hơn và khác hơn. Cứ như thể việc anh ở New Orleans thì khác với việc anh ở Munich. Nhưng anh sắp về rồi. Chỉ còn một tuần nữa thôi.
Anh sẽ xuống sân bay ở Paris vào sáng thứ năm, mười tám tháng bảy. Anh sẽ ra bằng cửa ở cạnh biển quảng cáo lớn của Air France và rẽ trái, đi qua các phòng. của TWA, còn sau đó qua quầy bán hoa nhỏ liền với kiốt bán báo. Khi qua lối đó, anh hãy đi chậm lại một chút.
Em sẽ đứng chờ anh ở đó.
Em sẽ mặc váy màu xanh lá cây và chắc chắn màu mắt em sẽ là màu xanh lá cây. Khi em hạnh phúc, bao giờ chúng cũng có màu ấy.

Cô gõ địa chỉ của anh và gửi. Rồi gọi taxi qua điện thoại. Rồi tắt máy tính. Chị tạp vụ vẫn ở trong phòng khi cô đi ra. Cô xúc động một cách lạ lùng. Và hơi buồn.
Sao anh lại muộn màng đến thế. Anh xuất hiện trong cuộc đời cô quá muộn - cô nghĩ. - Muộn hơn mất một lời hứa.
Ông xã đón nhận tin về chuyến đi Paris với sự bình thản mà cô không ngờ tới. Thậm chí cô còn có cảm giác là anh ấy sung sướng vì được ở một mình một tuần. Điều này giống như một mũi châm bằng kim. Lẽ ra anh ấy phải, dù chỉ là thoáng chốc thôi, phản đối. Còn sau đó sẽ bị thuyết phục rằng "điều này rất cần cho cô", rằng "đã ba năm nay cô chưa đi đâu" và rằng dù sao đây cũng là "một cơ hội hiếm có, bản chào hàng của văn phòng du lịch ấy", và rằng với Alicja và Asia, mấy bà bao giờ cũng thích những chuyến đi "đàn bà" như thế. Nhưng chẳng có chỗ cho một cái gì kiểu như vậy. Anh ấy không phản đối. Im lặng nghe cô nói, và vẫn chăm chú vào màn hình máy tính, nơi những sơ đồ của dự án mà anh đang làm, thay đổi, anh chỉ trả lời cộc lốc: "okay" rồi lại chúi mũi vào công việc.
Cô biết rằng không khí lạnh nhạt này, gần đây càng rõ ràng giữa họ, đã có từ "trước Jakub". Rất lâu từ trước. Và khi đó anh ấy thậm chí còn đau khổ hơn bây giờ. Có thể chính vì thế mà sự ấm áp mà Jakub đem theo mình đã tác động đến cô khiến cô sẵn sàng cho những việc điên rồ như là chuyến phiêu lưu đến Paris này chẳng hạn. Mặc dầu vậy, thái độ dửng dưng của chồng, cho dù rất thuận lợi trong tình huống này, vẫn làm cô đau đớn.
Có thể đúng là - cô nghĩ - phụ nữ, nếu có cơ hội, bao giờ cũng muốn là người đàn bà quan trọng nhất đối với càng nhiều đàn ông càng tốt. Nhưng chỉ đến một thời điểm nào đấy. Phụ nữ có thể yêu cùng lúc hai người đàn ông cho tới khi mà một trong hai người chưa nhận ra. Điều này thì chắc chắn là cô biết.
Nhưng cô lại không dám chắc rằng liệu mình có vẫn yêu chồng nữa hay không.
Về những gì mà cô cảm thấy với Jakub thì cô không muốn nghĩ tới. Tất cả có thể sẽ thay đổi, khi anh thực sự xuất hiện. Khi có thể nhìn thấy anh, chạm vào anh, nghe thấy giọng nói của anh. Trong những cuộc tự vấn lương tâm, thì "thay đổi" có nghĩa là cô sẽ tỉnh táo theo cách nào đấy khi gặp một Jakub thật sự. Gặp anh, thấy anh bình thường, thậm chí có thể đẹp mê hỏn, nhưng chắc chắn đây sẽ không giống như "cơn điên" trong tranh của Podkowinski mà gần đây cô nhớ lại khi Asia mang nó đến galery sáng hôm chủ nhật.
Sẽ là gì, nếu "thay đổi" lại mang một ý nghĩa nào đấy ngược hẳn lại, điều này thì cô không muốn nghĩ vào lúc này.
Mình sẽ thổ lộ tất cả với Asia - cô nghĩ. Họ sẽ có ối thời gian để nói về chuyện này trên đường sang Paris.
Thế mà lúc này, đã ngồi trong ôtô, nhìn Asia ngồi đối diện đang đắm mình trong cuốn sách mới nhất của Gretkowska, cô lại phân vân, liệu cái ý tưởng thổ lộ kia có ý nghĩa gì không. Một phụ nữ làm toán yêu thi ca, an phận làm vợ của ông bố sinh học của đứa con gái mình thì có thể nói gì với cô? Hoặc nó sẽ chứng minh rằng phương trình này là tuyệt đối vô nghiệm và cần phải bỏ qua, coi như không cần thiết, hoặc nó sẽ bảo Jakub, đó là nghiệm duy nhất. Cho cả hai câu trả lời, cô vẫn chưa chuẩn bị.
Cô nhìn Asia một lúc. Nó đọc cuốn sách bằng toàn bộ con người mình! Thở dài, cười, lắc đầu, nhắm mắt lại và suy nghĩ để rồi ngay sau đó lại đọc. Nó bao giờ cũng trải nghiệm mọi cái như vậy. Một triệu chứng của sự nhạy cảm thái quá đang tiến triển. Lần đầu tiên có để ý thấy thể là cái lần họ cùng đi nghỉ một tháng ở Nimes.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:14  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 6 (C):

Đã hết tháng tám. Cả bọn tổ chức sinh nhật cô. Asia vào bếp với cô, khi chỉ có hai đứa, nó bảo:
- Ở gần Nimes ở miền nam Pháp có những cánh đồng nho rộng mênh mông. Một tên bạn cùng năm với mình mấy năm nay đều đến đó hái nho. Một vùng rất đẹp và họ trả không đến nỗi tồi. Cậu có đi với mình không? Chỉ có điều cậu phải quyết định ngay hôm nay. Nó đang chờ câu trả lời.

Một tuần sau thì bọn họ đi tàu đến Berlin. Từ Berlin đi Nimes thì họ quyết định đi autostop (1). Tất nhiên là cô không cho bố mẹ biết chuyện này. Các cụ sẽ chẳng bao giờ cho phép đâu. Nhưng cô không đắn đo lấy một miligiây khi Asia nói với cô dự định ấy. Họ có hai người. Làm sao mà có thể xảy ra chuyện gì được?! Chưa bao giờ cô ân hận vì quyết định ấy. Đó là một chuyến phiêu lưu hiếm hoi. Tất cả đều diễn ra tuyệt vời cho đến tận Lyon. Ở đó may mắn đã bỏ rơi họ.

Trên đường cao tốc từ Berlin về phía nam, họ đi nhờ được xe của một người làm bên đường sắt, Asia đã tán tỉnh anh này khi hỏi đường. Anh ta chỉ biết mỗi tiếng Đức, tiếng Pháp thì thậm chí không cả phân biệt được chữ viết và chỉ hiểu được một ít tiếng Anh. Mặc dầu vậy anh ta vẫn cười với Asia, kiên nhẫn giải thích cho nó đến n lần về việc đi qua cả Ber-lin từ ga ZOO ra đường cao tốc Barliner Ring như thế nào. Cứ sau mỗi lần anh ta lại nói chậm hơn một tí vì tin rằng nếu nói chậm thì bọn chúng sẽ dễ hiểu hơn. Anh ta không biết cách giấu việc anh ta thích Asia. Rồi anh ta lấy trong túi ra cái walk-talk và nói điều gì đó rất nhanh bằng tiếng Đức. Anh ta giữ tay Asia và dẫn nó đi nhanh qua đường hầm về hướng thành phố. Cô thì chạy theo họ. Một tiếng sau anh ta để hai đứa xuống ở một cây xăng bên đường cao tốc đi Frankfurt trên Men. Anh ta đợi cho tới lúc chúng tìm được cơ hội đáng tin tưởng để đi Frankfurt. Lúc tạm biệt, anh ta giúi cho Asia một tờ giấy ghi địa chỉ và số điện thoại.
Họ đi với một người Mỹ đến Frankfurt, là một quân nhân trong một đơn vị đặc biệt của quân đội Mỹ đóng gần Frankfurt, người này - là chuyện lạ hiếm thấy - nói tiếng Pháp rất tốt: ông ta rất thích thú nghe Asia nói chuyện bằng tiếng Pháp, còn cô thì bằng tiếng Anh. Cô chưa bao giờ nhìn thấy một người đàn ông nào có nụ cười đẹp như vậy.

Ông ta biết Nimes. Bao giờ ông cũng dừng lại ở đấy trên đường đi Côte d Azur, nơi ông nghỉ hè cùng các con. Cô đã bị chấn động mạnh khi nghe ông nói có bốn đứa con và tự nuôi dạy chúng vì vợ ông, cũng là một quân nhân và đã bị chết trong trận khủng bố đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv. Lúc ấy trong xe bỗng im ắng lạ.

Asia đã phá vỡ sự im lặng khi đề nghị dừng lại ở bãi đỗ xe tiếp theo. Nó xuống và ra cột điện thoại. Khi quay lại xe, nó nói bằng tiếng Ba Lan:

- Nghe này, cái anh chàng đường sắt ấy đã kịp học tiếng Ba Lan rồi đấy! Khi buồn quá, mình thấy cần phải gọi cho anh ta và cám ơn một lần nữa. Anh ta đã làm cho bọn mình một việc phi thường, là chở bọn mình ra đường cao tốc. Cậu có tưởng tượng được không, anh ta gần như là lặng đi khi nghe thấy tiếng mình. Còn cuối cùng thì nói buồn cười quá, như là một đứa trẻ: "Cám ơn chị".

Đến Frankfurt, vị quân nhân cho hai đứa xuống cạnh một văn phòng sinh viên, nơi phối hợp những chuyến đi giá rẻ bằng xe tư nhân đến các thành phố lớn của châu Âu. Chỉ cần trả một khoản tiền nhỏ, đã có thể là hành khách của một xe con đi đến ví dụ như Lyon. Ông người Mỹ chuyển ba lô của họ sang chiếc BMW đỗ trước văn phòng và nói gì đó với người lái xe bằng tiếng Đức và bảo chúng chuyển sang chiếc BMW. Cả hai thậm chí không kịp tạm biệt ông vì người lái xe nổ máy quá đột ngột. Cô nhìn người lính Mỹ và nghĩ tới vợ ông ta, người đã chết ở Tel Aviv.
Họ đến Lyon vào sáng sớm, nhưng đường tắc kinh khủng, cho đến tận chiều mới thoát ra được. Nóng tới 35 độ. Người lái xe luôn miệng chửi thề. Bọn chúng chửi theo. Sau đó, chán quá, chúng dạy anh ta chửi bằng tiếng Ba Lan. Khi xuống xe ở một trạm thu phí giao thông, bọn chúng rất hãnh diện về mình. Lái xe, một thanh niên Đức tóc nâu trong bộ comple lịch sự được may bởi bàn tay của những người thợ may giỏi nhất, chửi thề trong sự tập trung cao độ trong chiếc BMW có điều hòa và nội thất tồi tàn hệt như một thằng du côn chính hiệu nhất bên những bom bia ở Wola. Ngoài ra, trong những quãng nghỉ, khi hầu như không thể nhúc nhích gì trên đường cao tốc, anh ta ghi vào sổ phiên âm tất cả những gì chúng dạy. Thật là một con người chăm chỉ! Hay cũng có thể người Đức vốn dĩ vẫn thế, cái gì cũng ghi vào sổ.

Trời tối đần. Sáng hôm sau họ phải có mặt ở nông trang gần Nimes để nhận việc. Qua Lyon, vào chiều muộn, một xe tải Tây Ban Nha chở chúng đi tiếp. Người lái xe dừng lại ở Nimes!

Khi nhìn thấy biển chỉ đường chỉ về Avignon, Asia hỏi lái xe đấy có phải là "Avignon với cây cầu" không. Khi người này bảo rằng thậm chí anh ta không thống nhất việc này với Asia, nó bèn đề nghị anh ta rời đường cao tốc để đi về thành phố này và thả chúng ở đó.

- Mình không thể tha thứ cho bản thân nếu đi qua ngay cạnh mà không được nhìn thấy cây cầu này. Cậu cũng chưa được nhìn thấy phải không? - nó nói. - Tụi mình chỉ nhìn cây cầu, ăn một chút gì đó rồi đi tiếp bằng tàu. Cậu đồng ý đi - nó nói theo cái cách không chấp nhận phản đối của mình.

Tất nhiên là cô muốn được nhìn cây câu này. Hơn nữa chưa bao giờ cô thấy đói như lúc ấy. Kể từ lúc rời Frankfurt, họ chưa ăn gì.

Cây cầu rất bình thường. Hoàn toàn không xứng với tiếng tăm của nó. Bi Kịch của nó chỉ là nó dừng lại bất ngờ và không tới được bờ sông bên kia. Điều này có thể kích thích trí tưởng tượng. Nhưng chỉ của những ai chưa biết câu chuyện thực về sự hủy hoại của nó. Asia biết đến từng chi tiết và đã không còn chỗ cho trí tưởng tượng.

Họ ra tận đoạn cuối cùng, xa nhất có thể và nhập vào đoàn khách du lịch đã ở sẵn đó. Hai đứa ngồi lên balô, cởi áo và bắt đầu phơi nắng.
Sau một khoảng thời gian nào đấy, lúc quay ra ga họ mới biết rằng không còn bất cứ một chuyến nào đi Nimes cách đó 100 km nữa. Họ quay ra chân cầu, hạ lều mà Asia để "cho chắc" đã cõng theo. Mặc dù điều này là không hợp pháp nhưng hai đứa đã qua đêm dưới chân cầu ở Avignon - với cả lều họ đã giấu mình sau một chiếc xe tải đỗ ở bãi đỗ xe.

Họ đến nông trang chậm mất nửa ngày. Công việc hái nho đã được phân cho người khác. Một người Angiêri trẻ giữ vai trò nhân sự chỉ giang tay và giả vờ lấy làm tiếc. Cô nhớ là cô đã khóc đã nguyền rủa Avignon, Asia, cô gái Đan Mạch đã hát về cây cầu điên rồ kia, và cái thằng cha người Angiêri đã chẳng giải quyết được gì. Thế rồi có một người đàn ông không lồ đi vào phòng thử nho, cũng là nơi làm việc của thằng cha người Angiêri. Anh ta mặc một cái áo may-ô trắng dính máu và cái tạp-dề treo trên cổ bằng những sợi dây sờn và quấn quanh hông một cái thắt lưng to. Mặc dù trời nóng anh ta vẫn đi giầy cao su. Hai chân cũng đỏ những máu. Trông anh ta thật khủng khiếp. Tay người Angiêri chào anh ta như một người quen, không mảy may để ý đến bộ dạng của anh ta. Khi người khổng lồ đi đến chỗ máy lạnh và quay lưng lại phía chúng để kéo thùng nước khoáng, chúng mới nhìn thấy trên lưng áo may-ô có dòng chữ đã mờ Đại học Tổng hợp Warszawa. Tay người Angiêri bắt đầu chỉ vào họ và kể gì đó với anh này. Một lát sau người khổng lồ đi đến chỗ chúng nó, mặt đỏ lên như một cậu trai và nói bằng tiếng Ba Lan:

- Cạnh đây có một nông trang nữa. Ở đó họ trong súp-lơ. Đúng lúc đang cần người làm. Họ không trả nhiều như bên hái nho, nhưng có thể làm ở bên ấy lâu hơn hai tuần. Nếu các bạn muốn, anh ta sẽ gọi điện hỏi xem họ có nhận không.

Chúng muốn. Thậm chí rất muốn.


Từ ngày hôm sau, chúng dậy từ năm giờ sáng và đi cùng với gia đình chủ nông trang ra đồng. Công việc là che nắng cho súp-lơ Chúng phải đeo vài trăm cái dây chun mỏng đủ màu sắc bên tay trái suất từ cổ tay cho đến cánh tay và đến chỗ những cây súp-lơ đang lớn - nó không thể tưởng tượng nổi chúng lại có thể to đến thế - túm lá lại để bọc lấy hoa của chúng, sau cùng là dùng dây chun để quấn lại để che nắng cho súp-lơ, nhờ đó mà hoa lơ không bị thâm và bán được giá hơn.

Vào năm giờ sáng, những cây súp-lơ vẫn còn ướt đẫm sương lạnh buốt. Cánh đồng nơi chúng làm việc có chiều dài 6 km. Vậy là phải đi 6 km, cúi xuống từng cây súp-lơ trên đường đi, ôm nó như ôm đứa trẻ con và quấn dây chun. Ôm được vài cây là người đã ướt sạch và rét run. Mà buổi trưa nóng vẫn cứ ướt. Nhưng là do mồ hôi; không có chỗ nào để tránh cái nóng, bởi trên đồng súp-lơ không có cây to. Khi đi đến cuối cánh đồng lại phải quay lại. Cũng 6 km. Cô biết điều này rõ nhất khi ôm cây súp-lơ đầu tiên của kilômét đầu tiên.

Sau ngày đầu tiên thì cô căm thù mọi cây súp-lơ trong vũ trụ này và cái người đã tha chúng về châu Âu. Sau ngày thứ hai cả cánh tay trái của cô toàn một màu xanh tím vì những lằn chun trong suốt mười giờ đồng hồ. Sau ngày thứ ba họ được nhận tiền công của ba ngày đầu tiên và nỗi hận đối với bọn súp-lơ cũng giảm đi rõ rệt, và cả cánh tay cũng không đến nỗi thâm tím quá như vậy nữa. Ngày hôm ấy chúng quyết định đến thăm người khổng lồ mặc chiếc áo có dòng chữ Đại học Tổng hợp Warszawa. Mặc dù chỉ biết mỗi anh ta tên là Andrzeí, nhưng chúng vẫn tin là sẽ tìm thấy. Bởi chúng cho rằng có lẽ rất ít những người to lớn như Andrzej của chúng làm việc trên các cánh đồng nho ở Pháp và người Ba Lan thì lại càng hiếm hơn.
Chúng lấy tiền làm thêm được mua mấy lon bia và đi tắt qua cánh đồng súp-lơ đến phòng thử nho mà chúng đã biết. Hai đứa đang trong tâm trạng vui vẻ tuyệt vời. Đến nửa đường chúng mở bia uống, nói chuyện tếu và cười hết cỡ. Đã hết cánh đồng súp-lơ và từ con đường ngang bỗng có một ai đó phóng xe đạp ra. Chúng hỏi về Andrzej. Có vẻ như là ở đây ai cũng biết anh ta. Chúng được biết rằng anh ta làm việc trong một khu trại cách phòng thử vài trăm mét. Khi đến gần, chúng nghe thấy những tiếng rống to của lũ bò sữa.

Chúng phải mất một lúc nhịn thở vì mùi hôi kinh khủng để đi hết khu chuồng bò dài trát vữa trắng. Qua được chuồng bò, với những lon bia trong tay, tươi cười và hớn hở chúng đến một chỗ giống như bãi chăn gia súc.

Những gì mà chúng nhìn thấy, cho đến hết đời cũng không thể quên được.
Từ các cửa chuồng bò đi về hướng cánh đồng, là một kiểu hành lang hẹp được định giới bằng cọc sắt đã lên màu nâu vì han rỉ. Nhiều chỗ, những mối hàn đã bong ra làm cho các cọc nghiêng vào phía trong hành lang. Ngay cạnh các cửa, một người đàn ông trẻ đứng trên một cái bục được dựng từ những khúc gỗ, một tay cầm một chai bia, còn tay kia cầm một điện cực dài giống như của những người thợ hàn vẫn dùng. Anh ta đẩy điện cực qua khe cọc rào và gí vào cổ những con bò bị một người trong trại lùa ra. Hoảng sợ và đau bởi dòng điện, những con bò chạy lồng lên và bị những cái cọc nhô ra đâm vào người. Ở đoạn cuối, hành lang đột ngột đổi hướng, thêm vào đó còn hẹp lại. Để lách qua được chỗ hẹp đó những con bò buộc phải chậm lại. Qua chỗ hẹp này, chúng đi ra một cái bãi bê-tông tròn nhỏ. Andrzej đứng ở giữa cái bãi ấy, mặc cái tạp dề da mà chúng đã nhìn thấy. Anh ta đi đôi găng tay đen dài đến khuỷu. Tay phải cầm một cái búa to, loại mà người ta vẫn dùng để đóng cọc hoặc để đập gạch. Khi con bò ra đến bãi bê-tông sau đoạn hành lang hẹp, Andrzej dùng búa nện một nhát vào giữa hai mắt nó. Con bò rống lên và ngã lăn ra nền bê-tông. Máu từ tai, đôi khi máu trộn lẫn với dịch và giêlatin từ những con ngươi bị đập nát từ những hốc mắt rỗng tứa ra. Một cái xe chạy bằng ắc qui, giống như loại xe chở rơm đi đến, thò cái chĩa khổng lỗ bằng kim loại vẫn còn dính đầy lông bê bết máu ra nâng con bò vẫn còn co giật lên và chở đến dãy nhà bên cạnh. Một con bò tiếp theo vào bãi.

Cô nhớ là mình đã đột ngột quay đầu chạy, sững sờ vì sự man rợ của hành động tàn bạo kia. Asia đã không còn ở cạnh cô nữa; vừa chạy cô vừa liếc thấy nó đang quỳ trên một bãi cỏ mọc cao và nôn. Lúc ấy thì cô dửng dưng với chuyện đó. Cô chỉ muốn làm sao nhanh chóng rời càng xa cái chỗ kia càng tốt. Ra đến tận cánh đồng súp-lơ cô mới dừng lại. Cô ngồi trên rãnh giữa hai luống súp-lơ và căm phẫn nghĩ về sự tàn bạo không giới hạn của con người.

Mãi đến khi nghe thấy tiếng kêu của Asia cô mới bừng tỉnh. Nó quay về, và giật mình khi nhìn thấy cô ngồi giữa đám súp-lơ.

Nó đến bên cô và ngồi xuống. Cả hai im lặng một lúc lâu. Mãi cô mới đứng lên, phủi cát ở quần và nói đầy căm thù:
- Nếu quả thật có sự đầu thai lại, thì mình cầu cho cái thằng chó đẻ mang búa kia ở kiếp sau sẽ đầu thai thành bò. Và nó sẽ chào đời ở gần Nimes.
Sau một tuần thì bọn chúng đã quen với đám súp-lơ. Chúng ở ngoài đồng súp-lơ hầu như cả ngày. Sau đó chúng quay về ngôi nhà nhỏ mà ngườí chủ nông trang đã ngăn ra thành nhiều phòng cho những người làm công. Và chúng lại cùng nhau. Chuẩn bị bữa tối và nói chuyện tiếp. Chúng giống như là một đôi vợ chồng làm cùng một chỗ. Không đề tài nào mà chúng không nói đến. Cả hai đều cảm thấy cứ mỗi ngày qua đi, tình bạn của chúng lại thắm thiết hơn. Cho dù có nhiều điểm bất đồng, nhưng chúng tôn trọng sự khác biệt của nhau và lắng nghe nhau.
Thời gian trôi mau. Chúng đi trên đồng suốt tám tiếng, nhiều khi lâu hơn và ôm những cây súp-lơ vào lòng. Những khi ấy chúng kể biết bao chuyện lạ, chúng hát và nhẩm tính số tiền kiếm được.
Chuyện này xảy ra đúng một tuần trước ngày dự định về Ba Lan.

Đó là một ngày thứ bảy nóng chưa từng thấy và hôm ấy cả gia đình ông cho nông trang đều ra đồng. Khi tất cả người lớn làm việc, thì cậu con trai bốn tuổi Francois, một cậu bé tóc vàng vui vẻ có khuôn mặt con gái và anh trai tám tuổi Theodore - cậu con cưng của ông bố - chơi trong bóng râm của một cái cây ven đường. Trông nom hai đứa trẻ là Golden retrtever Brownie, một con chó lông vàng. Nó không rời hai cậu bé một bước. Asia nhìn nó như bị bỏ bùa mê. Asia, người yêu tất cả động vật, từ nhện đến ngựa, cho rằng chó là người bạn duy nhất mà nó có thể mua cho mình. Còn Brownie thì là con chó mà nó có thể mua bằng "tất cả số tiền mà nó đang có và cả số tiền mà nó sẽ có".
Đã gần hết ngày làm việc. Họ để những thùng súp-lơ lên rơ-moóc của cái xe tải cũ chevrolet và chuẩn bị về nhà. Bé Theodore xin bố mẹ cho nó đi phía trước họ bằng cái xe đạp trẻ con.
Mặt đất khô nứt nẻ và bị phủ một lớp bụi nâu sáng. Khi xe chạy, bụi bốc lên quanh bánh xe và không thề nhìn thấy gì cách xa hơn một mét. Rồi con Brownie xuất hiện. Dáng vẻ rất lạ lùng. Nó sủa to dữ dội và cố cắn vào lốp trước của chiếc chevrolet. Nó đột ngột lao vào dưới bánh phải xe ôtô.
Chevrolet lăn qua nó rồi dừng lại.

Bụi rơi xuống. Cách ôtô chưa đầy hai mét về phía trước, Theodore nằm dưới một cái ổ gà sâu, bị chiếc xe đạp đè lên và đang khóc một cách tuyệt vọng: Chỉ cần hai giây nữa là chiếc Chevrolet sẽ đè lên nó.
Asia ngồi ở đằng trước giữa các thùng súp-lơ nên nhìn rõ tất cả. Nó nhảy xuống, bò vào gầm chiếc chevrolet và kéo Brownie ra.
Brownie đã chết.
Theodore đứng dậy và đạp xe tiếp như không hề có chuyện gì xảy ra. Asia quỳ bên Brownie, vuốt ve mõm nó. Run lên với ý nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu không phải là Brownie. Trong sự im lặng bao trùm, ai cũng phải nghĩ về điều đó. Cả bố của Theodore cũng thế. Chính ông đã lái chiếc chevrolet. Nếu không có con chó, thì ông đã đè nát chính đứa con của mình. Cô nhìn ông ta. Mặt tái nhợt như bức tường, những ngón tay run lẩy bẩy đang cố rút điếu thuốc từ trong bao ra. Vợ ông, ngồi ở ghế bên cạnh, lúc nào cũng để tay lên mặt và lẩm bẩm điều gì không rõ.

Rồi bố của Theodore xuống xe. Đi đến chỗ Brownie, nâng nó lên khỏi mặt đất, hôn lên gáy nó, bế nó sát vào người và đi qua cánh đồng về nhà. Không ai giữ ông lại.

Thậm chí lúc này, trong xe khách đi Paris sau ngần ấy năm, khi nhớ lại sự kiện ấy cô vẫn băn khoăn, không biết lúc đó Asia có cảm nhận một nỗi xấu hổ.
Xấu hổ phải làm người.
Cô đã có cảm nhận như vậy. Sự anh hùng của loài vật và sự tàn bạo của con người đã gặp nhau trên cánh đồng ở Nimes gần như là trực diện. Từ chỗ mà Brownie lao vào dưới bánh xe chevrolet , có thể nhìn thấy rất rõ những dãy nhà nuôi bò sữa.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:14  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Có lần cô nói với Jakub về đề tài này trên ICQ. Thoạt đầu, tất nhiên là mọi cái anh đều đưa về gien học như thường lệ. Bản đồ gien của chó khác bản đồ gien người ở mức độ rất nhỏ các nhà thống kê học có thể nói là rất cẩu thả. Đơn giản là có một nhóm động vật có vú hai chân được gọi là người trong quá trình tiến hóa đã may mắn gặp được nhiều đột biến đến hơn một chút. Ở Darwin cũng vậy, trên cái cây nổi tiếng của ông, thì nhánh cây mà loài chó ngồi trên đó thấp hơn rất nhiều so với cái nhánh mà con người đã hạ trại với sự ngạo mạn đến thế. Từ cái nhánh cao nhất của mình, họ nhìn xuống với sự khinh rẻ tất cả mọi thứ ở dưới kia. Họ quá đỗi-tự hào về bản thân. Bởi, chính họ chứ không phải là một loài cao cấp nào khác đã tiến hóa xa một cách kỳ lạ như vậy, rằng họ là loại duy nhất biết nói.

Khi đó ở Nimes - và giờ đây cũng vậy - cô chỉ dám chắc duy nhất một điều: nếu như hành tinh chọn một kịch bản tiến hóa khác, ví dụ như cho tất cả các loài cùng một số lượng đột biến gien và nếu như loài chó cũng biết nói, thì chúng sẽ không bao giờ thèm hạ mình đến mức đi chuyện trò với con người.
Trong câu chuyện về người và chó ấy, tất nhiên là cô đã kể cho Jakub nghe chuyện về Brownie. Cô đã cảm thấy thất vọng đến đau đớn khi anh không hề chia sẻ với cô cả sự ngạc nhiên, cả nỗi xúc động đã tích tụ trong cô từ bấy đến nay. Anh cho rằng cái điều mà Brownie đã làm, không phải vì tình yêu hay sự gắn bó với cậu bé Theodore, mà là vì "cảm giác về nhiệm vụ", thêm vào đó không hề có chút gì liên quan tới cảm giác về trách nhiệm có khả năng biết trước tương lai của con người. "Cảm giác về nhiệm vụ của Brownie" là có điều kiện, cũng giống như "cảm giác về nhiệm vụ có điều kiện của những nhân viên quá sợ hãi sếp, sẵn sàng làm tất cả chỉ cốt sao để không bị sa thải. Browrnie, do kết quả của huấn luyện, nó sợ bị phạt vì không trông coi Theodore, còn là một con chó không có kinh nghiệm phán đoán, nó không thể biết điều gì sẽ xảy ra khi chiếc xe tải đè qua nó. Do đó mà khi tất cả những cái khác không được như ý, đơn giản là nó lao vào gầm xe.

Cô nhớ là khi đọc cách giải thích rất logic được lôi ra từ cảm xúc ấy của anh, cô đã cảm thấy như thể sự kiện với con Brownie trong mắt cô được lấy từ những câu chuyện cổ tích. Cô nghĩ rằng cứ cho là anh có lý, thì anh vẫn không nên đưa ra những lý lẽ đó. Đúng là một nhà khoa học! Anh có thể biết gì về Brownie ngoài việc nó có bộ gien giống như tất cả những con chó khác? Cái ánh mắt của Brownie khi nhìn Theodore thì không một chương trình sắp xếp chuỗi gien nào có thể đưa ra được. Không bao giờ.

Mấy tuần sau, hoàn toàn tình cờ họ quay lại sự kiện ở Nimes. Jakub có khả năng dẫn dắt câu chuyện của họ trên ICQ đến nỗi đề tài Chúa rất hay xuất hiện trong những câu chuyện đó. Cô không tin vào Chúa; mối liên hệ của cô với Nhà thờ chấm dứt ngay sau lễ đặt tên mà bố mẹ cô bày ra chỉ cốt để được yên với hàng xóm.

Ở giai đoạn đầu của mối quen biết của họ, thì việc Jakub với cách tiếp cận thế giới hết sức khoa học và tuyệt đối lý trí, rất hay viện dẫn Chúa, đã phần nào khiến cô bị tổn thương. Trong trường hợp một người, giống như Jakub, nghi ngờ hầu như tất cả các tiên đề và những sự thật đã được biết đến rộng rãi, thì sự hấp dẫn về một cái gì đó được dựa vững chắc vào đức tin và vào bản ngã của mình trên chủ nghĩa lý tưởng phi lý, sẽ giống như một nghịch lý. Sau đó, chăm chú đọc những gì anh viết về tôn giáo, về thần học và về đức tin của mình, cô bắt đầu giảm thiểu cái nghịch lý kia. Và nó hoàn toàn biến mất vào một ngày nào đó, khi cô đọc bức email anh gửi:
Cho dù anh có biết đại loại điều gì đã xảy ra trong vòng vài chục giây sau sự Khởi Đầu Vĩ Đại và biết rằng cái vũ trụ chết này được khởi thủy từ plasma của các hạt quác và gluon như thế nào, thì anh vẫn cứ không thể tin vào ấn tượng rằng toàn bộ cải dự án này có thể được hình thành trong trí tuệ vô biên của một Nhà Xây Dựng nào đó. Anh cũng chưa bao giờ được nghe về bất kỳ một cuộc hội thảo nào mà tại đó người ta thuyết trình về sự tồn tại hoặc không tồn tại của Chúa. Những cuộc hội thảo như vậy thì ngay cả Stalin cũng không tổ chức, mà ông ta thì không ngần ngại gì mà không sửa đổi cả cái ngành di truyền học - chắc hẳn em đã nghe về nhà di truyền học dòng dõi triều thần của Stalin, một người hói - để các nhà mác-xít không thể di chúc vũ khí được thừa hưởng từ các bậc tiền bối quí tộc lại cho Chúa. Tuyệt đối không có bất cứ một lý do nào, ngoài những lý do về tâm lý, có thể khiến anh mất lòng tin vào Chúa chỉ vì có những hố đen và lý thuyết chuỗi quá thông minh. Tư tưởng của Đấng Tạo hóa càng lôi cuốn hơn khi bạn đi từ những hạt quác đến cuộc sống. Cái thực tế là trên cái mảng vật chất là Trái Đất này đã xuất hiện sự sống, đã chứng minh rằng những sự kiện tưởng như không thể xảy ra vẫn xảy ra. Còn khó xảy ra hơn nữa, từ góc nhìn của mô hình xác suất, sự tồn tại của con người, mà cho dù không tính đến trí tuệ thì chỉ riêng cơ thể đã là một hệ thống phức tạp đến mức sự tồn tại của Nhà Lập Trình Vĩ Đại đã tự nó xuất hiện. Một số người cho rằng Chúa đã khởi động chương trình và vai trò của Người chấm dứt ở đó. Chương trình tự chạy, không cần đến sự tham gia cũng như can thiệp của Chúa. Các nhà thần học nghĩ vậy. Đôi khi, nhìn những cái xấu ở xung quanh mình, anh nghĩ rằng họ có lý.

Nhân nói về cơ thể. Hôm nay hãy nói cho anh biết điều gì đó về cơ thể em đi. Em có thể bỏ qua lá lách và ruột thừa. Hãy tập trung vào ngực và sau đó chuyển qua miệng. Đừng nói gì với anh về bụng dưới của em. Anh chưa chuẩn bị cho điếu đó...

Jakub còn là thế nữa đấy! Anh có thể từ những hạt quác, gluon và tư tưởng của Nhà Lập Trình chuyển qua tình ái thông thường không một chút dao động. Đã vậy lại còn tự nhiên đến mức cô không thể nổi cáu một cách thuyết phục được.
Cô còn nhớ rằng khi đó thì đó không phải là "sự khiêu khích của một kẻ vô thần đang tranh đấu". Cô hỏi thuần túy vì tò mò. Có một hôm, cô đã nhớ lại cái cảnh giết bò tàn bạo ở Nimes. Chuyện này bao giờ cũng khiến cô phẫn nộ. Cô đã kể với anh rất chi tiết. Những kỷ niệm lại khiến cô giận sôi lên. Và cô bị rơi vào trạng thái thích châm biếm cay độc. Cô đã viết cho anh:
CÔ : Như thế là thế nào nhỉ, Nhà thờ cơ đốc giáo, bởi không chỉ thiên chúa giáo, lại chấp nhận việc giết hại động vật? Chẳng lẽ những đau đớn của chúng không có ý nghĩa gì đối với Chúa?
Chẳng phải chính Người đã tự mình tạo ra tất cả các loại vật đấy sao. Ngoài ra, loài vật không buộc phải chịu khổ vì tội tổ tông, bởi chúng đâu có phạm phải. Không phải cụ ky của chúng hái quả từ cây kiến thức để có được kiến thức và biết đến một chút sung sướng. Không có bất cứ một con ngựa đực và bất cứ một con ngựa cái nào cần phải lùa khỏi thiên đàng. Loài vật không liên quan tới, điều này thì em biết tốt hơn anh, bất cứ một trách nhiệm tập thể nào - đây là điều đẩy tôn giáo ra xa anh nhất, cái trách nhiệm tập thể vô nghĩa ấy - đối với hành vi của một người đàn bà tội lỗi, người đã dụ dỗ ông chồng yếu đuối ăn táo, để ông này ngay lập tức đi than phiền với Chúa. Loài vật không phải chuộc lỗi.

Đây là em nói thêm. Jakub, anh có thể dẫu chỉ một lần thôi khen cái sự nghiên cứu thần học của em. Em dám chắc rằng, mặc dù không thắp trứng trong Lễ Phục sinh, nhưng em vẫn biết về sự phục sinh của Chrystus nhiều hơn rất nhiều những cô cậu hát ở giáo đường trong nhà thờ nơi em ở Anh có khen không nào?

Mà cũng có thể là sự đau đớn của loài vật tuy nhiên vẫn có ý nghĩa? Có thể chỉ vì Chúa mải bận bịu với việc nghĩ ra những hình thức đau đớn cho những con người tội lỗi, nên đơn giản là Người không có thời gian để xóa bỏ sự đau đớn cho những con vật vô tội và để việc đó lại sau?
Anh đừng có viết cho em rằng đó là logic của thế giới. Đó không phải là sự thật, điều này thì ngay cả cô hàng xóm mới học hết tiểu học của em, một tín đồ thực thụ và ngoan đạo cũng biết, và chính vì vậy mà cô ấy đã ghi tên vào Hội Bảo vệ Động vật.

Em hỏi là vì mới đây em có xem trên vô tuyến một phóng sự về một lò mổ gia súc ở miền nam Ba Lan. Camera đã lấy cảnh rộng và rất chi tiết về những con bò bị treo ngược chân và bị cắt cổ, máu chảy xuống những cái xô. Rất dễ nhận ra một cây thánh giá được treo trên tường phía bên trên cửa vào phòng lạnh. Em đã hơi ngạc nhiên vì cây thánh giá ấy. Nhưng rồi em tự giải thích cho mình rằng đó hẳn phải là một lò mổ tôn giáo.
Theo như em biết về Nhà thờ, thì chắc chắn họ phải có cách giải thích khôn khéo nào đấy đối với những con vật kia. Jakub, nếu anh biết những lời giải thích ấy, thì giải thích cho em nhé. Em xin đấy.

ANH : Không, họ không có. Câu giải thích cực kỳ vụng về và chẳng thuyết phục được mấy người. Nếu em đã kịp bình tĩnh lại sau cuộc tấn công của lòng kiêu hãnh và chiến thắng ấy, rằng "em nghĩ đúng như vậy", và hứa với anh là sẽ cố gắng đọc mà không phải hạ cố, thì anh sẽ viết tất cả những gì anh biết về đề tài này.
CÔ : Em không có cảm nhận chiến thắng. Với em, những con vật quan trọng hơn nhiều so với lợi thế tức thời của chủ nghĩa vô thần vô tâm trước đạo cơ đốc giáo nhân từ. Do đó mà em không khó khăn gì khi phải hứa với anh như anh muốn. Vậy thì những người cơ đốc giáo giải thích như thế nào về việc Chúa cho phép được làm những con vật phải đau đớn?
ANH : Rất khác nhau và rắc rối, tùy thuộc vào mức độ của đức tín. Một số người cho rằng cảm nhận, tức là cả đau và đau khổ đều diễn ra trong tâm hồn. Bởi vì theo họ, loài vật không có tâm hỗn, nên không thể đau khổ. Đây là một lý thuyết rất khó tin, nên Nhà thờ thậm chí không muốn nhắc tới nó. Song một số các nhà gien học lại nghiêng về quan điểm này. Việc mổ những con chuột sống với mục đích khoa học, trong khuôn khổ của lý thuyết này đương nhiên là được thanh minh.
Có một cách giải thích khác logíc hơn hẳn. Đau đớn là đau đớn thông qua thực tại diễn ra của nó. Thậm chí nếu Brownie có cảm nhận, thì theo lý thuyết này, cũng không có ý thức. Mà chỉ nhờ có ý thức, mới có thể biết trước được trong một thời điểm nào đó khi đang đau đớn, rằng hình như chỉ một lát nữa thôi, sẽ phải đau đớn. Sự đau đớn diễn ra một cách vô thức sẽ khiến cho con vật ít đau đớn hơn rất nhiều. Nhà triết học người Anh có tên Lewis đã suy ngẫm vế điều này. Ông chưa bao giờ nói cho bất cứ ai biết ông đã có được những thông tin ấy bằng cách nào, nhất là từ tiểu sử của ông ấy có thể thấy rằng ông không cưỡi ngựa, thậm chí cũng không có cả chó.
Lewis cũng không biết đến tận cùng, tại sao loài vật nói chung phải đau đớn mặc dù chúng không hề phạm tội. Vậy là ông đổ mọi cái cho quỉ sứ, là cái đồ hình như đã kích động loài vật cắn xé lẫn nhau. Nói tóm lại, tất cả là tại quỉ sứ Chứ Chúa đâu có muốn điều đó.
Một người Anh khác tên là Geach quả thật đã biến Chúa thành một Nhà Xây dựng Vĩ đại vô lương tâm. Bởi ông ta cho rằng, Chúa, khi sắp đặt toàn bộ thế giới sẽ phải trải qua quá trình tiến hóa này, đã không nghĩ tới chuyện giảm thiểu sự đau đớn cho con người, cho loài vật lại càng không. Không một ai đánh giá Geach là nghiêm túc, bởi làm sao ở đây có thể đống nhất hình ảnh một ông bố vô cùng tốt bụng chia sẻ sự đau đớn với tất cả những gì mình tạo ra, với hình ảnh Chúa do Geach đưa ra như một người phụ trách tuyệt đối dự án mang tên "Tiến hóa". Cho nên tốt hơn nên dừng lại với quỉ sứ của Lewis.
CÔ : Hai người Anh cho là như vậy, lần đầu tiên em được nghe về họ. Còn anh, anh nghĩ thế nào về chuyện này?
ANH : Anh không yên tâm về chuyện này. Anh không giải thích được điều đó. Mỗi sự đau đớn không phải là một hình thức chuộc lỗi nào đó, không phải là hình phạt vì sự phạm tội nào đó, đều khiến người thiên chúa giáo phải hoang mang. Còn Brownie... Brownie là bằng chứng về sự đúng đắn của những lo lắng của anh. Anh xúc động đến ngạt thở khi đọc những gì em viết về Brownie.


Cô bỗng cảm thấy có ai đó chạm khẽ vào vai mình. Asia. Nó cười nói:
- Tỉnh lại đi. Cậu nói mơ đấy. Cái lão ngồi ghế sau thậm chí đã phải nghiêng người để nghe xem cậu nói gì.

Chắc là cô đã thiếp đi. Gần đây cô hay bị như thế. Cô có thể đi từ những suy nghĩ vào giấc ngủ mà không phân biệt được ranh giới.

- Mình đang ở đâu đây? - cô vua dụi mắt vừa hỏi.
- Qua Berlin rồi - Asia trả lời, và đưa cho cô một cốc cà phê nóng rót từ phích ra. Alicja chắc đang lên kế hoạch cho tương lai với anh chàng trẻ tuổi đeo tai nghe. Hai người người ngồi cùng nhau từ Warszawa. Nó đã kịp ngả đầu lên vai anh ta. Một gã đẹp trai. Lại nói về bọn đàn ông. Jakub là ai thế? Ít nhất cậu cũng hai lần gọi tên anh ta trong mơ.


ANH: Nghĩa trang Thành phố của Những người đã khuất St. Louis, bởi tên chính thức của nó là như vậy - mặc dù tất cả đều gọi đơn giản là Thành phố Chết - là một trong những ví dụ ảm đạm nhất về sự vô bổ kiểu Mỹ. Cho dù trong các cuốn hướng dẫn của New Orleans nó được giới thiệu như một trong những điểm độc đáo nhất của thành phố này, anh vẫn cho rằng nghĩa trang "đập nhịp đập của cuộc sống", như một nhà văn tầm tầm nào đó khi đến thăm đã viết về nó như vậy trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch, chỉ có thể ở Mỹ một có.
Nghĩa trang trông giống như một thành phố thu nhỏ. Những ngôi mộ, đúng hơn là những lăng mộ được xây cao trên mặt đất khiến người ta không thể không liên tưởng đến nhưng ngôi nhà thu nhỏ. Một số có mặt tiền với cửa ra vào, một số có một mảnh vườn nhỏ có hàng rào bao quanh và cổng, một số có vòi phun nước, một số khác thậm chí có cả hòm thư treo ở cửa vào nhà- mộ hoặc cạnh cổng. Trước phần lớn các lăng mộ đều có các cột cao, trên đó là những lá cờ Mỹ tung bay. Mặc đầu không chỉ có cờ Mỹ. Anh nhìn thấy, bên cạnh nhiều lá cờ Mỹ hoặc Canada là cờ Ý, cờ Ireland và cả cờ Ba Lan.
Anh cũng ngạc nhiên quan sát thấy hầu như không có lăng mộ nào thắp nến hoặc đài lửa. Thay vào đó là là những đèn chiếu halogen, được bật tắt tùy theo thời gian trong ngày nhờ các tế bào quang điện và hướng ra mặt tiên của lăng mộ.
Những gì anh nhìn thấy khi đi qua các lăng mộ đều không được nguyên bản cho lắm. Những người Ai Cập đã có ý tưởng này từ mấy nghìn năm trước đây và họ đã xây nên những Kim tự tháp, còn mãi gần đây người Mỹ mới làm nên Disneyland từ ý tưởng này. Đi chầm chậm dọc theo các hàng cây trong nghĩa trang, anh phân vân, không biết chốc nữa mình có nhìn thấy một tòa nhà đặc trưng cho McDonal hoặc những cột bán coca-cola tự động không.
Qua nhà nguyện, anh đi chậm lại. Cách nhà nguyện chừng hơn chục mét, dưới bóng cây cam, giữa hai lăng mộ lớn có một tấm bia nhỏ bằng đá đen, một bình hoa nhỏ cũng bằng đá được gắn vào đấy.
Trong bình có hơn chục bông hồng trắng.
Trên tấm bia, phản chiếu trong ánh nắng mặt trời là dòng chữ mạ vàng:


Juan ("Jim") Alvares-Vargas



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:15  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Ngoài họ của Jim, trên tấm bia đá không có thêm một thông tin nào khác.
Không có gì hết. Tuyệt đối không có gì. Sự khiêm nhường của nấm mộ này giữa sự tráng lệ phô trương không thể không gây sự chú ý. Mặc dù tấm bia mộ rất bé, nhưng quanh nó là một đám cỏ tươi xanh, to một cách không cân đối, tạo thành hình chữ thập. Anh bước đến mộ Jim, quỳ xuống và trước tiên là chạm tay lên những cánh hoa hồng trong bình hoa. Sau đó anh đưa tay xuống bia mộ nóng rẫy lên vì nắng. Kể từ ngày bố mẹ anh mất, anh rất hay ra nghĩa trang. Anh không biết phải giải thích như thế nào, nhưng anh có cảm tưởng rằng chạm vào mộ, là anh có mối liên hệ với họ. Khi nói chuyện, mà anh rất hay làm thế, với bố hoặc mẹ, bao giờ anh cũng quỳ và chạm tay vào bia mộ của họ. Ở đây anh cũng làm y như thế.
Jim. Cuối cùng thì anh cũng tìm được gã. Jim là một trong số không nhiều bạn thân của anh. Gã đã thay đổi anh, thay đổi thế giới của anh, dạy anh về tình bạn, cố dạy anh rằng quan trọng nhất là đừng giả vờ điều gì. Chưa bao giờ gã dạy anh điều này đến cùng. Cơ bản là vì anh tiếp nhận cuộc sống khác gã. Theo Jim, cuộc sống chỉ bao gồm những ngày chứa đựng trong mình những ấn tượng. Những ngày khác không được tính và chúng như thể thời gian bị mất đi trong phòng chờ của nha sĩ, mà ở đó ngay cả báo cũng không có, cho dù là báo từ hôm kia hôm kìa.
Gã đi tìm ấn tượng ấy ở mọi nơi và bằng mọi giá: ở đàn bà, những người mà gã có thể đầu tiên là tôn thờ, sùng bái, còn sau đó thì bỏ rơi không một chút đắn đo khi cảm xúc qua đi, trong những cuốn sách mà ngã có thể bỏ ra những đồng xu cuối cùng để mua, thậm chí cả khi biết rằng sau đấy gã không còn đủ tiền để mua thuốc lá, trong rượu mà gã vẫn mượn để xua đi nỗi sợ và trong ma túy, là thứ biết "moi tiềm thức của gã ra ngoài".
Tiềm thức là sở thích của gã. Gã biết về nó có lẽ còn nhiều hơn cả chính Freud. Mà hình như cũng như Freud, gã thử nghiệm với nó theo các kiểu. Có giai đoạn, gã dùng thuốc phiện để suy ngẫm. Có giai đoạn gã chủ tâm tự làm đau mình - trong cái đau vật lý, thật ngược đời, sóng xuất hiện trong điện não đồ giống như tại thời điểm đạt cực khoái – sát thương mình hoặc phủ những hình xăm lên khắp người. Gã đến với cái đau như là một loại ma tuý những khi không còn tiền cho bất cứ thứ gì, để hít, để uống hay để chích. Tuy nhiên gã "moi" tiềm thức của mình ra bên ngoài chủ yếu là nhờ vào các loại hợp chất hóa học. Khi đi xem các triển lãm trong các galery và muốn nhìn thấy nhiều hơn những người khác gã dùng những cái nấm bí ẩn và tạo ảo giác để "giải phóng trí năng của mình". Khi đọc các bài viết về "phân tích tâm lý và muốn nhất thiết phải tự mình phân tích mình" mà không cần đến một nhà tâm lý liệu pháp nào, gã dùng LSD. Khi "thâm nhập vào vũ trụ nội tâm, gã tự điều chỉnh và ngắt mình" bằng amphetamine. Khi không biết phải làm gì với những thất bại và buộc phải thoát khỏi trạng thái trầm cảm, để cảm thấy "vẫn cần buộc mình phải thở", gã dùng cocain. Gã hay có nhu-cầu về hợp chất này hơn cả.
Đến một lúc nào đó, mặc dầu luôn chống lại điều này, gã đã hoàn toàn bị lệ thuộc vào những "hợp chất" đó của mình. Chủ yếu là về tâm lý. Có một lần họ nói chuyện về vũ trụ học, Jim rất thích thú với tất cả những gì liên quan tới câu hỏi run rẩy, khởi đầu, đó là cái gì. Gã có thể tranh luận hàng giờ về các hố đen, về lý thuyết chuỗi, về sự co giãn của vũ trụ về sự nở ra của thời gian và về những cuốn sách của Hawking mà theo gã là một nhà văn đáng sùng bái. Chính thế. Là nhà văn. Như Faulkner, Camus và Miller, chứ không phải là nhà khoa học và vật lý như Einstein hay Planck. Hơn nữa - theo Jim - bên cạnh "sự thông minh và hiểu biết không thể đong đếm được" thì sự khập khiễng và méo mó của mình là chiến thắng to lớn nhất của Harvard trước Hollywood".
- Ông nghe này - gã nói - một số người không biết viết cho ra hồn hướng dẫn sử dụng máy hút bụi mà không dùng đến "bộ chuyển đổi quá áp thứ cấp", còn lão này biết mô tả vũ trụ hình thành như thế nào mà không cần đến một phương trình toán học nào. Đôi khi tôi phân vân, nếu Hawking không "ở môn hóa", liệu có viết những chuyện cười về vũ trụ sơ sinh? Còn nếu có, thì tôi rất muốn biết ở những cấu trúc nào.
Tự gã có thể nghĩ ra lý thuyết của mình rồi thay đổi chúng sau vài chai bia. Một lần, trong câu chuyện, họ đã tiến tới "điểm riêng biệt" trong không gian - thời gian, mà về nguyên tắc thì không chỉ theo Hawking, nó cho phép loại trừ sự cần thiết của điểm khởi đầu của vũ trụ - đơn giản là không nhất thiết phải có điểm khởi đầu để có điểm giữa, bởi cuối cùng rất khó để thiết lập bất cứ cái gì - hắn hăm hở giải thích cho anh một cách hình ảnh bản chất của điểm này mà không sa vào bất cứ sự rối rắm toán học nào. Rồi hắn bảo:
- Ông đừng có giải thích cho tôi chuyện này, tôi cảm thấy rất rõ ông muốn gì. Thỉnh thoảng tôi biết cách bắn vào "điểm riêng biệt" như vậy. Ông ở điểm nối giữa quá khứ và tương lai. Một chân ở quá khứ, một chân ở tương lai. Ông cùng lúc ở trong mấy không gian hoặc ở trong một không gian có nhiều hơn tám hoặc mười tám chiều. Ông không có cảm giác rằng giữa quá khứ và tương lai là một hiện tại nào đó. Hiện tại là thừa. Ông có thể đứng vững trên chân trái trong quá khứ cũng như trên chân phải trong tương lai. Đơn giản là ông ngó nghiêng khắp vũ trụ. Cái thước kẻ của ông trên bàn làm việc được chia ra thành năm ánh sáng chứ không phải thành centimét. Toàn bộ vũ trụ này, nhưng phải mãi ở cuối của "thời điểm xuất phát" và cũng không phải luôn luôn như vậy, tràn ngập âm nhạc của Morrison do dàn nhạc giao hưởng trình tấu và ông cảm thấy như mình nhìn thấy từng nếp nhăn trong não của Hawking. Tôi thường có những điểm riêng biệt như vậy chủ yếu là sau khi dùng cái gì đó thuộc loại dược thảo hay nấm. Không có bất cứ một thứ hóa học nặng nào.
Sau đó hắn nói thêm, và cười thật thà như chỉ có hắn mới có thể:
- Tôi chỉ không biết là Chúa cũng đi hái nấm, khi lang thang bên vũ trụ.
Jim dùng ma túy để hối thúc ý thức và tiềm thức của mình và hắn làm vậy để luôn luôn "cảm thấy". Khi không thành công, hắn bị rơi vào thời kỳ của mình. Tránh xa người thân và khi không chịu đựng nổi sự cô đơn, hắn rơi vào cái hố đen trầm cảm ấy. Hắn có thể nằm ngày này sang ngày khác trên giương, không mở mắt, không nói gì và chỉ phản ứng với cái đau.
Cho dù vậy thì hắn vẫn thích hoàn toàn vắng mặt hơn là đủ hiện hữu trong một phần và những gì còn lại đều là diễn. Do đó mà hắn mới lập dị đến vậy đối với những người biết hắn. Nếu ở gần họ, hắn là chính mình đối với họ. Hoặc là hoàn toàn không có hắn. Nhưng chỉ đối với một số người nhất định. Những người còn lại hắn không để ý. Một số ở đây là những người "tốt". Mà "tốt" nghĩa là thỉnh thoảng dám mạo hiểm dừng lại trong cuộc chạy đua của loài chuột và nhìn quanh.
Hôm sau ngày anh chuyến đến chỗ Robin ngay khi từ New Orleans đến, buổi tối có người gõ cửa. Jim. Hắn hỏi giọng nôn nóng:
- Anh nghe này, tôi tên là Jim ở phòng bên cạnh, bây giờ tôi rất cần đúng một đôla sáu mươi nhăm để mua bia trong Seven-Eleven. Anh có thể cho tôi vay trong hai ngày được không?
Phải sau hai ngày nữa thì học bổng mới đến được tài khoản của anh, trong túi anh chỉ có khoảng hai đôla tiền bán vỏ lon coca và bia mà anh nhặt trong thùng rác trong bếp của Robin. Anh định lấy số tiền đó để sáng mai mua bánh mì cho bữa sáng và đi xe buýt đến trường tổng hợp. Anh nhớ là mình đã không hề đắn đo. Anh móc ví, đổ tất cả ra và đưa cho hắn. Mười lăm phút sau, Jim lại gỏ cửa và hỏi liệu anh có thể uống bia với hắn được không.
Mối quen biết của họ đã bắt đầu như vậy. Chỉ sau một thời gian ngắn, thì không thể chỉ là người quen của Jim được. Bởi rất khó để chỉ là người quen của một người, mà ta biết chắc rằng người đó sẽ sẵn sàng cho đi một quả thận của chính mình nếu như điều đó là cần thiết.
Tình bạn của họ không chỉ có một bắt đầu. Nó bắt đầu nhiều lần và không bao giờ kết thúc. Và mỗi lần mỗi khác. Tuy nhiên kể từ khi họ cứu sống Ania, thì đơn giản là Jim đã trở thành một đoạn trong tiểu sử của anh. Giống như ngày tháng năm sinh, trường học đầu tiên và tên bố mẹ.
- Xin lỗi anh, anh có thể cho tôi biết được không, cái anh Alvarez-Vargas này có cái gì mà tất cả đều hành hương đến mộ của anh ấy thế? - anh chợt nghe thấy một giọng nói từ phía sau.
Anh đứng phắt dậy, hơi xấu hổ vì bị người ta bắt gặp mình đang quỳ. Anh quay người lại và nhìn thấy một người đàn ông đứng tuổi ngồi sau tay lái một chiếc xe chạy điện giống như những cái xe chạy bằng ác-qui dùng cho các sân golf. Ông ta đội một chiếc mũ cao bồi bằng da, điện thoại di động đeo ở thắt lưng quần và máy nhắn tin nằm trong túi ngực của chiếc sơ-mi màu nâu. Da rám nắng và đeo kính râm. Trên tấm biển trước của xe nhìn rõ dòng chữ màu viết tên của nghĩa trang. Anh để ý thấy ngoài số điện thoại và số fax, còn có cả địa chỉ trang web của nghĩa trang.
Bây giờ thì cả các nghĩa trang cũng online - anh nghĩ, có phần ngạc nhiên.
Người đàn ông hẳn phải là nhân viên của nghĩa trang.
- Đương nhiên là tôi có thể kể cho bác, nhưng bác phải xin nghỉ mấy ngày thì mới nghe hết được toàn bộ câu chuyện anh trả lời bằng một giọng mất bình tĩnh. - Tại sao bác lại quan tâm đến chuyện này?
- Có nhiều lý do khác nhau. Xin lỗi, tôi chưa tự giới thiệu với anh. Tôi là người quản lý nghĩa trang này - ông ta nói và giới thiệu họ tên. - Với ngôi mộ này, mặc dù nó là bé nhất ở đây nhưng chúng tôi toàn gặp rắc rối. Từ dạo đầu. Trước tiên là đám tang phải hoãn ba lần vì FBI không muốn trả xác. Sau đấy thì hầu như không có ai đi đưa tang mặc dù tôi đã đặt mấy chiếc Limousine theo tiêu chuẩn. Và đã phải chịu một khoản chi phí đáng sợ vì chẳng có ai muốn trả tiền cho mấy cái xe ấy: Chỉ có hai bà nào đấy đến. Một bà nhìn như thể vừa mới đội một trong những ngôi mộ của tôi ở đây lên, chỉ có điều trang điểm nhẹ hơn là nhân viên của tôi vẫn trang điểm bình thường cho các tử thi. Hút liên lực. Thậm chí cả khi bà ta quỳ xuống để khấn. Bà kia thì nài nỉ để được đi theo quan tài cùng với con chó của mình. Đó là một con chó xù nhỏ và có cài nơ trên đầu. ông ơi, con người hỏng thật mất rồi.
Ông ta hít vào nặng nhọc rồi kể:
- Đám tang do một văn phòng luật nào đó đứng ra tổ chức. Tôi chưa bao giờ biết cặn kẽ ai đã chi trả cho tang lễ. Họ mua một mảnh đất như bình thường người ta mua cho một công trình nghiêm chỉnh với đủ vòi phun nước và nhiều extras. Tôi đã mừng vì tưởng là mình sẽ kiếm được dăm ba xu, ai ngờ ở đây họ chỉ yêu cầu đặt mỗi tấm bia đá cỡ cái danh thiếp và trồng cỏ xung quanh. Ông có tưởng tượng được không? Thưa ông, đây là một sự phung phí tài sản chung. Nếu ai cũng làm thế, mua đến cả A đất rồi trong cỏ thay vì đầu tư vào các công trình xây dựng, thì cái nghĩa trang này đến phải đóng cửa, bồi ở đây sẽ buồn như trong đám tang và những linh hồn sống chẳng có ai qua đây. Cái nghĩa trang này, thưa ông, là điều tốt nhất sau jazz có thể xảy ra cho cái thành phố này.
Ông ta bỏ kính râm và lấy điện thoại cầm tay ra.
- Tôi chưa đọc hết phần chữ viết nhỏ trong hợp đồng này. Thưa ông, đấy là lỗi của tôi. Đá lấy từ Ý hay từ Mexico thì có gì khác nhau? Tôi đặt đá Mexico, vì gần hơn. Sau hai tuần họ phái đến đây một tay chuyên gia nào đấy, thế là tôi phải thay tấm bia. Cả cái bình hoa nữa. Tốn kém khiếp quá. Nhưng đấy mới chỉ là bắt đầu. Lúc mới chôn cất, ông ta tên là McMamus. Ba tháng sau họ bắt tôi đổi tên thành Alvarez-Vargas, Thưa ông, ông đã nghe thấy đổi tên họ cho người chết sau đám tang bao giờ chưa??? Tôi không muốn đổi, nhưng hóa ra là họ đã viết điều này trong hợp đồng. Vẫn còn dấu vết của cái tên trước. Mài cũng chẳng ăn thua gì. Thế là tôi lại phải nhập đá từ Ý về. May mà cái bình hoa còn để lại được. Cái bình này, thưa ông, đắt không kém gì tấm bia này.
Ông ta im lặng một lúc.
- Tôi hút được chứ? - ông ta vừa lôi hộp thuốc bằng kim loại ra vừa hỏi. Ông ta quay lại xe và dùng một con dao xén giấy đặc biệt để cắt đầu dầy của điếu xì-gà. - Tôi hỏi, thưa ông, vì một số người không thích hút thuốc cạnh mộ của họ. Thậm chí xì-gà cũng làm phiền họ. Cứ như là làm thế cho những người chết này ấy. Hơn nữa, thưa ông, tôi không hút xì gà dưới 10 đôla một điếu. Thưa ông, đấy chưa phải đã hết đâu Sau đó còn có cả một bài về ngôi mộ này trong tờ The Times- Picayune nữa. Gia đình của khách hàng này, người nằm cạnh - đây, phía bên trái này - đã không để ý, hoặc là đã hoàn toàn bỏ qua vấn đề và đã đổ một cái nền bê tông phía dưới đèn pha, sâu vào bãi cỏ cạnh mộ của Alvarez ba mươi phân. Ba mươi phân! Thưa ông, ở đây thì làm được cái gì. Văn phòng luật đã đệ đơn lên tòa án ba ngày sau khi người bảo vệ của họ, là người cứ ba tuần một lần lại mang máy ảnh đến đây, báo cho biết về chuyện này. Họ bắt phạt đủ mọi thứ có thể. Kể cả việc luôn phiền gia đình khách hàng của họ. Khách hàng ở đây là Alvarez, người nằm đây. Thưa ông, anh ta làm gì có gia đình nào! Đã có lần họ nói tới một người chị nào đấy, những chưa ai nhìn thấy bà ta ở đây. Họ vừa mới thắng được vụ kiện đó, thì ngay sáng ngày hôm sau ở đây đã có một cái máy đào nhỏ. Của riêng họ. Họ không tin tôi. Họ tự bẩy cái tấm bê tông ấy lên và trồng cỏ vào đó. Những người thua kiện phải trả mọi chi phí. Như vậy là tốt cho họ, nếu thật thà mà nói. Tối đã nhìn thấy nhiều trong cái thành phố nhỏ này, nhưng đúng là họ biến cái ngôi mộ này thành một khu vui chơi.
Anh nghe rất chăm chú rồi hỏi:
- Ai yêu cầu bác mua những bông hồng này cắm vào bình?
- Văn phòng. Tôi vẫn liên hệ với họ. Ngày nào cũng phải có mười một bông hồng trắng. Ông có hình dung ra ai đó đã phải mất một khoản lớn cho những bông hoa này? Từ hơn chục năm nay, bao giờ cũng có hoa tươi trên công trình này. Đầu tiên tự tôi đến đây hàng ngày. Rẻ hơn là để cho quầy hoa họ làm. Nhưng sau đó bà vợ tôi bắt đầu làm khó cho tôi vì thứ bẩy, chủ nhật, thậm chí cả vào ngày Lễ Tạ ơn tôi cũng phải đi mua và cắm những bông hồng theo lời nguyền ấy. Ngay từ đầu bà vợ tôi đã bảo là chắc có một phụ nữ nào đứng đằng sau chuyện này. Kể từ khi tôi kể cho bà ấy nghe về những bông hồng này và về ngôi mộ này, thì bà ấy bao giờ cũng đến đây. Trước đây thỉnh thoảng vào ngày lễ, khi bà ấy đưa xe đến đón tôi ở nghĩa trang, thì cũng chỉ đến nhà nguyện, còn bây giờ thì lần nào cũng đến tận ngôi mộ này để xem. Thưa ông, tôi hết sức ngạc nhiên vì tất cả những chuyện này - ông ta hạ giọng và nhìn quanh như thể để chắc chắn là không có ai nghe thấy - vì đây là, thưa ông, một người nghiện. Một người nghiện bình thường. Tôi biết được từ thằng cháu. Nó làm ở phòng tự sát của FBI. Khi người ta tìm thấy anh ta trong dịp Mardi Gras – ông biết không, là cái tuần điên rồ ở chỗ chúng tôi trước ngày thứ ba béo, khi cả thế giới đổ về New Orleans - một cái sọt rác, thì cả người anh ta bị đâm thủng lỗ chỗ bằng dao găm như thể một miếng phó mát Thuỵ Sĩ và bị mất bàn tay phải, nhưng chưa hết đâu, anh ta còn bị ai đó, chắc là vô tình, dùng con dao găm ấy mổ bụng anh ta lấy ra những bao cao su chứa đầy cocain. Chắc anh ta đã nuốt chúng trước khi chết. Phải có đến cả ký lô trong dạ dày của anh ta. Anh ta… chết trong một cơn phê khủng khiếp. Thằng cháu tôi bảo là trong thời gian điều tra, họ phải nghe một phụ nữ nào đó. Hình như là một công tố viên quan trọng nào đó ở Luiziana. Nó khẳng định là chính bà ta yêu cầu văn phòng luật về tất cả những chuyện này. Chỉ một lần, một lần duy nhất tôi nhìn thấy một phụ nữ ở đây. Tôi quan sát bà ta rất kỹ, vì bà ta ứng xử rất lạ. Bà ta đứng ngoài đường và không đi đến chỗ ngôi mộ. Nhìn tấm bia mộ của Alvarez. Bà ta đứng cả tiếng và nhìn ngôi mộ. Nhưng chỉ có một lần duy nhất ấy. Khoảng chừng một năm sau khi tôi thay họ tên cho anh ta. Còn ông, xin lỗi, ông là như thế nào với anh ta, nếu như có thể hỏi?
Lúc ấy ông ta nghiêng người, quỳ xuống, chạm tay lên môi mình rồi thả bàn tay xuống mộ Jim. Anh đứng, nhìn vào mắt người thợ đào huyệt và trả lời:
- Tôi à? Chẳng là ai đặc biệt. Chúng tôi cùng hít với nhau. Vậy thôi.
Anh quay người và đi ra cổng nghĩa trang.

CÔ : Đúng giữa trưa thì ôtô dừng lại trước cánh cửa kính lùa của khách sạn Relais Bosquet, chắn toàn bộ con đường hẹp một chiều Champ de Mars. Mặc những tiếng còi tức tối của cánh lái xe đang bị ách lại sau xe khách càng lúc càng đông, anh tài xế vẫn tắt máy, mở khoang đựng hành lý, yêu cầu mọi người chuyển thật nhanh hành lý sang sảnh, còn anh ta thì nhanh chóng lẩn vào khách sạn.

Kéo cái vali nặng của mình, cô đã kịp toát mồ hôi. Ngày hôm ấy Paris nóng 36 oC và không khí đứng im phăng phắc. Cậu thanh niên tập sự ở văn phòng du lịch đã có lý, cái khách sạn này quả thật nằm ở tâm điểm của Paris - cô nghĩ khi đi vào khu vực sảnh có máy lạnh. Cô biết điều này vì anh tài phải vòng vèo mấy lần quanh khu vực này mới tìm thấy khách sạn. Quảng trường sao Hỏa với tháp Eiffel có thể nhìn thấy bằng mắt thường, đến ga tàu điện ngầm Ecole Militaire mất chưa đầy năm phút đi bộ.

Lúc ấy cô thậm chí không có ý định đến gần lễ tân. Cứ để cho cái đám đông kia tản về các phòng trước đã.

Cô tìm được một cái sôpha da đối diện với cửa ra vào. Cô ngồi thoải mái, chân gác lên cái vali mà cô để ở trước sô pha. Alicja ngồi bên cạnh. Asia đứng xếp hàng chỗ lễ tân cùng với mọi người.

- Cậu nghe này. Anh ấy thật tuyệt vời. Anh ấy đến đây để học. Không có vợ, kể cả người yêu cũng không. Dọc đường anh ấy đọc thơ bằng tiếng Pháp cho mình nghe. Ngoài ra anh ấy còn rất ân cần. Cậu nhìn kìa, anh ấy xếp hàng cho mình đấy. Mình hoàn toàn không đám chắc là mình có ngủ lại ở khách sạn này không. Anh ấy mời mình đi ăn tối. Hứa là sẽ đọc cho mình nhiều thơ nữa. Vậy tối nay các cậu đừng có tính đến minh nhé.

Cái câu cuối cùng ấy Alicja nói với đôi chút tự hào. Từ lúc ấy hiển nhiên là Alicja lại béo ra. Và hoàn toàn không phải vì bữa tối ấy.
Độ hơn chục phút sau, khi ở quầy lễ tân không còn ai, cô mới cầm cái túi đựng giấy tờ của mình, đứng dậy khỏi cái sôpha dễ chịu và đi về phía người trực lễ tân trẻ.

- Tôi có đăng ký một phòng đơn phía trên vườn - cô bắt đầu nói bằng tiếng Anh.

Người trực lễ tân ngẩng đầu khỏi cuốn sổ khai báo.
- Vâng, tôi có biết. Chính tôi đã dành phòng này cho chị theo yêu cầu của một ai đó ở Warszawa - anh ta cười và nói bằng tiếng Ba Lan, không có một tí trọng âm nào.

Ngạc nhiên, cô nhìn anh ta kỹ hơn. Anh ta có cặp mắt nâu, to, tóc sẫm được túm lại bằng dây chun. Ở phía sau. Anh ta còn có bàn tay đẹp khác thường, dài, mà mảnh mai và được chăm chút cẩn thận. Cô hay chú ý đến bàn tay đàn ông. Ở đàn ông, cái đầu tiên cô chú ý là bàn tay, sau đó đến giầy của họ, còn sau đấy mới là toàn bộ những cái còn lại. Cô để ý đến bàn tay ấy khi anh ta ghi lại các thông tin từ hộ chiếu của cô.

Viết xong, anh ta quay người lại cái tủ treo chìa khóa phía sau lưng và lấy từ hốc với số phòng của cô chìa khóa và chiếc bì thư màu ôliu-lá cây. Anh ta đưa cho cô và nói:

- Đã có email gửi cho chị.
Cô đỏ mặt, cố giấu niềm vui và sự hưng phấn.

- Nếu chị có gì muốn gửi qua Internet, thì cứ để nội dung ở lễ tân. Bạn gái tôi hoặc là tôi sẽ sẵn sàng gửi cho chị. Đây là dịch vụ miễn phí. Địa chỉ e-mail của chúng tôi chị sẽ tìm thấy trong tờ rơi hướng dẫn ở trên phòng.
Và cứ như là đoán được ý nghĩ của cô, anh ta đứng dậy, đi ra chỗ sơ đồ Paris treo trên tường cạnh bảng thông báo, đeo kính, quay vào tấm bản đồ nói:

- Nếu chị quan tâm, thì gần đây có hai quán cà phê Internet. Một quán mở cửa suốt ngày đêm, cách khách sạn chừng một trăm mét, cạnh hiệu thuốc, ngay cạnh lối rẽ vào phố của chúng ta. Quán này đắt lắm. Chị phải tính đến việc trả khoảng bảy đôla một giờ vào ban ngày và năm vào ban đêm. Quán thứ hai ở bên trong ga tàu điện ngầm Ecole Militaire, chỉ rẻ bằng một nửa nhưng chỉ mở cửa vào ban ngày và ở đấy chỉ có mấy cái máy tính, lại toàn là loại macintosh của hãng Apple.
Nghe anh ta nói, cô phân vân, không biết từ đâu mà anh ta biết được cô đang định hỏi chính về việc này. Cô cất vội cái phong bì màu ôliu vào ví xách tay, cám ơn và đi ra phía thang máy. Khi cửa thang máy chỉ vừa đóng lại và chắc là người trực lễ tân không thể nhìn thấy mình nữa, cô lôi ngay cái phong bì ra và hối hả xé. E-mail của anh, tất nhiên rồi!

New Orleans, ngày 14 tháng bảy.
Ngày hôm nay anh không thể nhớ lại một cách chính xác quãng thời gian khi chưa có em. Em có một tác động huyền bí đối với anh, vậy thì em hãy tác động đến anh một cách tốt nhất mà em có thể. Kể từ lúc bỗng nhiên - thông qua Paris - điều này trở thành có thể, anh khát khao được gặp em một cách tuyệt vọng. Lúc này anh không thể chống chọi được với tâm trạng này. Với sự chờ đợi này. Và với sự căng thẳng này. Nhất là với những cơn cảm xúc này. Liệu có thể có những cơn cảm xúc không nhỉ? Hẳn anh đã đem lại cho trạng thái này vẻ đẹp khi gọi nó theo cách như vậy. Anh cần phải thi sĩ hơn. Nhưng nếu vậy anh sẽ không thật là mình nữa. Đó thực sự là những cơn cảm xúc giống như những cơn hen hay cơn rung tâm nhĩ. Những khi bị lên cơn anh thường nghe nhạc, uống hoặc đọc e-mail của em. Và đã dẫn đến là anh làm tất cả cùng lúc: nghe Van Morrison mà em rất thích, uống bia Mexico Desperado với chanh và thêm một chút tequili và đọc một "mega" e-mail của em. Anh nối tất cả những bức thư của 6 tháng gần nhất lại và đọc như một bức thư khổng lồ.

Em có biết là trong vòng 180 ngày ấy em đã viết cho anh trên 200 lần?!

Có nghĩa là bình quân mỗi ngày hơn một e-mail. Trong đó em đã sử dụng đúng 116 lần từ "hôn" - mặc dù thậm chí anh còn chưa biết miệng em thực sự trông như thế nào. Anh rất mừng vì không phải thêm một lần nữa bắt em phải tả lại nó. Chẳng mấy nữa anh sẽ được nhìn thấy.
Em đã 32 lần dùng từ "chạm" và 81 lần từ "khao khát", nhưng chỉ có 8 lần "em sợ". Anh đã đùng chương trình Word để thống kê nên việc nhầm lẫn hoàn toàn bị loại trừ. Anh đếm đúng những từ mà gần đây anh hay nghĩ tới nhất. Và rút ra kết luận là em khao khát nhiều hơn sợ hãi 10 lần. Mặc dù đó chỉ là thống kê, nhưng anh cảm thấy yên tâm. Thống kê không lừa dối. Chỉ có những người làm thống kê mới lừa dối.

LIỆU EM CÓ BIẾT ĐIỀU GÌ SẼ ĐỀN VỚI CHÚNG MÌNH KHÔNG???
Hẳn vì cái vụ Paris này mà anh có những ý nghĩ như vậy và đã đưa ra câu hỏi bi đát đến thế. Anh có nhu cầu bức thiết phải định nghĩa được mối quan hệ này. Gọi tên nó, cho nó một số khung và giới hạn. Đột nhiên anh muốn biết, từ đâu mà nỗi buồn của anh có ý nghĩa và niềm vui của anh có lý do. Anh cũng muốn biết, trong hy vọng của mình, anh được phép đi đến đâu. Trong trí tưởng tượng thì đằng nào anh cũng đã ở tất cả những chỗ đó, thậm chí cả những điểm riêng tư nhất.
Tuy nhiên, giờ đây anh sẽ khống đến thăm bất cứ một địa điểm nào trong thực tại nữa. Anh đi ngủ đây. Rất mừng vì chỉ vài giấc ngủ nữa thôi, em sẽ lại ở gần.
Thậm chí cả trong thực tại em cũng đã gần hơn rồi. Xin chào Paris! Anh muốn bay đến chỗ em quá.
Hãy chú ý giữ mình nhé. Đặc biệt là lúc này.

Jakub.
Chúa ơi, anh ấy viết gì thế, bởi chính cái sự thống kê ấy đã lừa dối! - cô nghĩ. - Sao mình sợ thế không biết. Nhưng cơ bản là vì mình quá khát khao anh.

Đúng lúc ấy cửa thang máy mở. Cô vẫn cứ đứng đấy với cái phong bì màu ôliu trong tay và xiết nó vào ngực. Người trực lễ tân bước vào thang máy, cười với cô khi nhìn thấy cảnh có một khách cửa khách sạn cũng vào thang máy và hỏi cô lên tầng mấy, cô đã không biết chắc tầng mà mình phải lên, cô đã phải xem chìa khóa để chắc chắn. Cô cảm thấy sự ấm áp là lạ nơi bụng dưới.
Cô ra khỏi thang máy đối diện với phòng 1214. Đưa tấm thẻ từ của chìa khóa vào khe cửa ổ khóa và mở cửa. Lấy chân đẩy chiếc vali qua bậu cửa. Ngoài luồng ánh sáng hẹp lọt qua khe hở của tấm rèm che cửa sổ rơi xuống chiếc giường lớn chiếm phần trung tâm của căn phòng, còn thì trong phòng tối om. Cô đến bên cửa sổ, kéo tấm rèm nhung nặng ra. Cái ấm không tản đi. Nó mạnh hơn lên. Cô mở cửa sổ.

Căn phòng, như họ đã hứa với cô ngay ở Warszawa, đúng là ở trên một khu vườn. Khu vườn được ngăn cách với sân đá của khách sạn bới một hàng rào cây cao đến trên hai mét, giống như một đốm xanh mà một họa sĩ lơ đênh nào đó đã vô ý tạo nên bằng cây cọ của mình trên nền cát. Cô nhìn khu vườn, liếm môi. Phía bên trái, được ngăn cách với phần bên phải bằng một hàng cây nhô ra một cách cầu kỳ, là những mảng dâu tây, những vạt hoa hồng dọc chân tường và những bồn tròn. Phần lớn là màu hồng. Cô rất thích hoa hồng có màu hồng. Giữa bồn hoa và hàng cây là những đám đỗ, khoai tây và một dàn cà chua rạp xuống đất dưới sức nặng của quả. Những đám đỗ giữa trung tâm Paris! Phía bên phải là bãi cỏ. Khu vườn nhắc cô nhớ về cái vườn của bà cô ở Bug. Chỉ khác là khu vườn này ở trung tâm Paris, chỉ cách tháp Eiffeil có mấy trăm mét.

Cô nhấc tung chân lên để cởi giầy. Nhẹ hẳn người. Cô mở phéc-mơ tuya váy, cởi cúc và để nó từ từ rơi xuống sàn nhà. Cô rời một bước khỏi cửa sổ và thả người xuống chiếc giường phủ tấm ga hoa nặng. Căn phòng thơm mùi violet và mát lạnh nhờ có điều hòa không khí đang chạy rì rì khe khẽ. Cô nằm trên giường, nhắm mắt, trong luồng ánh sáng từ cửa sổ trông nó như một sân khấu nhỏ giữa phòng. Bàn tay cô áp bức thư của anh vào ngực. Cô để nó sang bên một lúc. Cô ngồi dậy, cởi chiếc áo len chui đầu mà cô mặc đi đường ra. Rồi chậm rãi cởi cái cài nịt vú, dùng hai tay đẩy nó xuống dưới bụng. Sau đó cô chuyển nó sang tay trái, tay phải luồn vào quần lót và hơi nhấc chân lên, kéo nó xuống dưới đùi. Cô nhấc chân lên cao và kéo quần lót ra, sau đấy cô để nó cùng với nịt vú lên trên bức thư màu ôliu... Một lát sau cô đã thở rất mạnh và gấp gáp.
Chú thích:
(1) autostop: là một cách đứng ngoài đường, giơ tay xin đi quá giang xe của người khác từng chặn đường ,



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:17  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 7:

ANH : Ngày cuối cùng của anh ở New Orleans đã kết thúc. Mai anh sẽ bay đi New York.
Ở đó sẽ chỉ còn một đêm và một ngày rưỡi nữa thôi. Hơn nữa, ở New York thời gian trôi nhanh hơn nhiều - anh nghĩ với tâm trạng tuyệt vời trong lúc ngồi đợi suất cà phê sáng bên chiếc bàn được đặt ngoài sân trời cạnh bể bơi của khách sạn.
Sau New York là Paris, còn ở Paris là cô. Cái mà anh cảm nhận lúc này khi nghĩ về cô là một nỗi buồn nhè nhẹ của nỗi nhớ, giống như sự căng thẳng và nóng lòng của đứa trẻ đang đợi cho bữa tối Giáng sinh kết thúc, để cuối cùng thì nó cũng được mở những gói quà dưới cây Noel kia. Chỉ cần phải làm sao để qua được bữa tối này và sau đó thì …
Hôm nay anh đã làm, không hề cảm thấy lương tâm bị cắn rứt, thậm chí còn với sự hài lòng thực thụ, hai việc, mà trong bất kỳ tình huống nào cũng không thích hợp với "một người làm khoa học" có trách nhiệm.
Thứ nhất, khoảng gần trưa, trước bữa cơm, anh đã chuồn khỏi phòng họp mờ tối nơi đang diễn ra phiên họp của anh mà không để ai biết để chạy sang tòa nhà cạnh trung tâm hội nghị. Anh nhất thiết phải được nghe bài thuyết trình của một nhà hóa-sinh học trẻ tuổi của viện nghiên cứu ở La Jolla gần San Diego. Anh đã gặp phải ý niệm trừu tượng của bài thuyết trình này một cách tình cờ trong khi nghiên cứu các tài liệu của hội nghị khi đang ngồi ăn sáng. Và nó lập tức khiến anh chú ý. Cái mà con người trẻ tuổi này với cái họ nghe rất điện ảnh Janda khẳng định, quả là một phát hiện đáng kinh ngạc. Bởi anh ta trình bày rằng, anh ta và Viện của anh ta đang đi trên con đường tốt nhất đến việc chế tạo ra vắc-xin phòng nghiện ma tay cho con người!
Janda không thể tìm cho mình một địa điểm tốt hơn để thông báo cho thế giới biết về phát minh của mình - anh nghĩ.
Ngoài ra thì những gì nhà khoa học trẻ này nói, quả là đẹp tuyệt vời trong sự giản dị của anh, đến mức anh thấy sởn cả gai ốc khi nghe anh ta trong cái phòng chật không còn một chỗ trống ấy. Mọi người cảm thấy đây thực sự là bài thuyết trình quan trọng nhất tại hội nghị này.
Anh không thể chờ để kể hoặc viết cho cô về điều này được nữa. Cô chia sẻ niềm say mê và nhiệt tình của anh bằng sự thông minh của mình như chưa một ai cho đến lúc này có thể. Ngoài ra, cô còn không xấu hổ vì mình không biết, sự tò mò và đòi hỏi bướng bỉnh của cô muốn hiểu tất cả đã khiến anh - vì buộc phải giải thích - nhìn rất nhiều vấn đề từ góc độ khác.
Cocain là một phân tử quá nhỏ để các bộ lọc của hệ miễn dịch của con người có thể ghi nhận nó và tống khứ như với một vị khách không mời. Không bị vào sổ, nó thâm nhập vào hệ thần kinh mà không gặp trở ngại gì. Hệ miễn dịch "không được thông báo" về cuộc đột nhập nên không cử bất cứ một kháng thể nào có thể chiến đấu với nó. Song nếu "treo" cocain lên những protein đủ lớn - và đây chính là ý tưởng thiên tài của Janda và nhóm của anh ta - thì hệ miễn dịch sẽ nhận biết được vật lai này như là kẻ thù và sẽ dùng kháng thể để tiêu diệt trước khi cocain đến được não. Janda khẳng định rằng hiện tại anh ta mới chỉ thành công việc này trên chuột và buộc hệ miễn dịch của chúng tạo ra kháng thể tiêu diệt cocain được định vào những protein lớn trước khi nó đến được các bộ thu nhận của nơtơron thần kinh trong não. Những kháng thể như vậy được tạo ra như một phản ứng của cơ thể đối với, ví dụ như sự có mặt của vắc-xin. Janda đã tiêm vắc-xin được chế tạo trong Viện của anh ta cho chuột rồi sau đó cho chúng cocain. Cocain không đến được các bộ thu nhận trên các nơtơron thần kinh trong não của các con chuột trong phòng thí nghiệm, và kết quả là chúng không cắn lẫn nhau. Đó là bằng chứng tốt nhất về tác dụng của vácxin, bởi những con chuột được tiêm cocain đều biến thành quái vật. Thực ra thì chả cứ gì chuột. Chó cũng hay bị kích động để đánh nhau bằng cocain.
Janda khẳng định rằng việc chế tạo ra loại vắc-xin như vậy đối với con người chỉ còn là vấn đề thời gian.
Vào thời điểm ấy anh không thể không nghĩ đến Jim. Và cả về mình và cuộc mạo hiểm với cocain. Khi ấy, hơn một chục năm trước đây, ở một khu vực khác của thành phố này, khi đã có cocain trong máu, đôi khi anh phân vân trước cơ chế hoạt động của nó. Cái mà nhà hóa học trẻ kia nghĩ ra, đặc biệt là các bộ thu nhận ở các tế bào thần kinh – các nơtơron thần kinh trong não, thỉnh thoảng cũng xuất hiện trong đầu anh. Những bộ thu nhận ấy ở các nơtơron - giống như là ổ khóa của não. Khi chìa không vừa, thì không gì có thể lọt vào trong được. Trừ khi dù nhỏ như phân tử cocain, là loại có thể đi qua bất cứ lỗ nào một cách dễ dàng. Khi ấy, ở Tulan, anh đã biết rõ cơ chế này. Nhưng chưa bao giờ anh có ý nghĩ là sẽ tăng kích cỡ của chìa khóa lên đến mức không vừa được với ổ khóa. Janda khôn ngoan đã nghĩ ra.
Ngoài ra, khi trong phòng hội nghị, "các bộ thu nhận ở các nơtơron" được trình bày rõ ràng, anh lại nhớ tới câu chuyện vô cùng buồn của nữ nghiên cứu sinh trẻ, Candace Pert ở Đại học Tổng họp Georgetown của Washington. Jim cũng biết chuyện này. Kể từ ngày anh kể cho gã nghe chuyện, bao giờ Jim cũng uống một lượt cho "Candace Pert, người phụ nữ biết rất rõ điều xảy ra phía sau màng nhầy".
Chính Candace Pert, trong những năm tám mươi khi nghiên cứu vế cơ chế hoạt động của morphin, rất có công trong cuộc chiến chống lại sự đau đớn, ngay khi còn là sinh viên đã phát hiện ra rằng, trên bề mặt của các notơron có những điểm, mà hình thù và kích cỡ của chúng phù hợp với phân tử morphin. Như thể chìa với ổ khóa. Morphin vào được tế bào chính là qua các điểm này. Và chính bằng cách này mà cơn đau dịu đi.
Từ đâu mà có vẻ như các nơron có cho riêng mình chìa khóa để đến một morphin nào đấy? Tại sao cơ thể lại chuẩn bị cho mình một ổ khóa, mà sự tồn tại chìa của nó lại không thể biết trước? Hay có thể tồn tại những hợp chất giống với morphin về mặt cấu trúc và hoạt động, được tạo nên bên trong cơ thể? Có. Đương nhiên là có. Cũng như morphin, chúng làm dịu cơn đau, tác động lên tâm trạng, tạo nên cảm giác dễ chịu, đôi khi thậm chí là phởn phơ. Chúng có tên là en-dorphin "nội morphin". Hiểu vấn đề này một cách tính ảnh, có thể nói rằng cực khoái, đó chính là sự nhấn chìm não trong các endorphin. Thực ra thì sự sợ hãi của kẻ tử tù ngay trước lúc thi hành án trên ghế điện cũng y như vậy. Trái với vẻ bên ngoài, trong cả hai trường hợp, thành phần hóa học của các hợp chất trong não là như nhau.
Ít người biết rằng, từ phát hiện của Candace Pert đã bắt đầu một câu chuyện hấp dẫn và liên tục cho đến nay về những phân tử xúc cảm. Thực ra là phát hiện của cô ấy đã cho phép nghĩ rằng, con người, đó là hỗn hợp của các nucle-otide, trí nhớ, khát khao và protein. Nếu không có các bộ thu nhận trên các nơron, chắc chắn sẽ không có thi ca.
Candace Pert, cô gái tóc nâu hấp dẫn của Đại học Tổng hợp Washington đã có ý tưởng về các bộ thu nhận như vậy ngay từ năm 1972. Câu chuyện tiếp theo về phát hiện của cô đó là bằng chứng tốt nhất cho thấy, thế giới khoa học có thể hão huyền, đố kị, tàn nhẫn và đầy rẫy âm mưu như thế nào. Anh biết điều này từ kinh nghiệm bản thân, nên câu chuyện của Candace không làm anh bị sốc.
Ngay trước phát hiện của mình, Pert đã bị sếp của dự án, với chức danh giáo sư, được thông báo đều đặn về công việc của cô, ra lệnh ngừng nghiên cứu vô điều kiện vì ông ta khẳng định rằng "những nghiên cứu đó là không có mục đích và dẫn đến con đường mù quáng". Tuy nhiên, chính vị giáo sư này cùng hai người bạn với chức danh không kém đã được đề cử cho giải Lasker danh giá của Mỹ - con đường đơn giản nhất dẫn đến giải Nobel - vì chính những nghiên cứu về các bộ thu nhận của các nơron. Nghiên cứu của cô! Ủy ban giải Lasker hoàn toàn bỏ qua sự có mặt của cô, thậm chí không hể nhắc đến tên cô.
Như chính Pert nhớ lại, cô có thể cho qua việc này và sống với sự hạ thấp đó trong im lặng, "biết rằng đằng nào thì vẫn là của mình", hoặc phản đối. Cô đã không cho qua việc đó. Cô nhớ quá rõ trường hợp của một phụ nữ khác, đã bị người ta ăn cướp kiến thức, uy tín và công lao. Và cô cũng nhớ quá rõ mọi việc đã kết thúc như thế nào.
Anh cũng biết rất chi tiết trường hợp bi thảm của Rosalind Franklin. Làm sao mà có thể không biết cho được. Bởi đó chính là cơ sở gien-sinh hóa của anh.
Rosalind Franklin, cử nhân của trường Cambridge nổi tiếng, đã sử dụng kỹ thuật tinh thể học siêu âm mà khi đó, vào đầu những năm năm mươi còn rất mới mẻ và phát hiện ra rằng ADN, đó là chuỗi xoắn kép giống như một chiếc thang và rằng hai thành của chiếc thang là phốt phát. Giám đốc viện cô, John Randall, đã trình bày kết quả nghiên cứu và cả những suy nghĩ chưa được công bố của người nữ cộng sự trẻ của mình trong một cuộc hội thảo nhỏ chỉ có ba người tham dự, trong đó có James Watson và Francis Crick. Không lâu sau đó, tháng ba năm 1953, Iames Watson và Francis Crick công bố một bài báo nổi tiếng mô tả chính xác cấu trúc của chuỗi xoắn kép ADN.
Tháng ba năm ấy, ngành gien học hiện đại bắt đầu được khởi xướng. Thế giới lặng đi vì ngỡ ngàng. Nhưng không phải tất cả. Khi Watson và Click trả lời phỏng vấn, kiêu hãnh đi vào lịch sử và giữ sẵn cho mình một chỗ trong bách khoa toàn thư thì Rosalind Franklin đau khổ trong im lặng. Không bao giờ cô phản đối và cũng không bao giờ nói trước công chúng về những gì mà cô đã cảm thấy.
Năm 1958, vốn luôn mạnh khỏe, không có bất cứ một xu thế mắc bệnh về gien nào, Franklin bỗng bị ung thư và qua đời sau mấy tuần.
Khi đó cô mới ba mươi bảy tuổi.
Năm 1962, Watson và Click nhận giải Nobel tại Stockholm.
Những phân tử xúc cảm? Những bộ thu nhận nỗi buồn dạng chuỗi mở đường đến đột biến tế bào ung thư? Theo Pert, và bây giờ thì cả các nhà miễn dịch học, thì nỗi buồn và nỗi đau có thể giết người chẳng khác gì virút.
Vậy là Candace Pert đã không bỏ qua được việc bị người ta ăn cướp mất những gặt hái của mình. Cô đã phản đối. Vị được gắn mác giáo sư đã không được giải Nobel và đã bị rơi vào quên lãng. Còn cô đã trở thành người có thẩm quyền.
Vừa nghe bài thuyết trình của Janda anh vừa nghĩ về chuyện ấy và phân vân, không biết Janda có biết rằng nếu không có Candace Pert thì cũng không có anh ở đây, trong phòng chật kín người này.
Ngoài việc trốn đi nghe bài thuyết trình về vắc-xin chống cocain, trong ngày cuối cùng của hội nghị ở New Orleans anh còn làm một việc nữa tồi tệ hơn nhiều: nói dối là bị ốm để không tham dự buổi dạ hội kết thúc hội nghị. Anh khống muốn lại thêm một lần phải nghe tất cả những bài phát biểu không thay đổi từ nhiều năm nay, rằng ai là người có nhiều công lao và ai đánh giá điều đó hoặc là "cuộc gặp gỡ đã thành công tốt đẹp" và "trước mắt chúng ta là những thách thức mới như thế nào". Hội nghị quốc tế về gien học ở New Orleans, về mặt này cũng chẳng khác gì một đại hội hợp tác xã địa phương ở Làng Mới.
Anh cũng không muốn một buổi tối với sự có mặt của những bà vợ khả kính và nhạt phèo của các vị giáo sư cũng chẳng khác gì các bà vợ của họ, đã từ lâu rỗi chẳng có gì để nói và họ cứ đi hết hội nghị này đến hội nghị khác và bằng cách đó cắt dần những ô phiếu vinh quang và huy hoàng của mình đã từ lâu vàng ố.
Anh muốn chia tay với New Orleans theo cách của mình. Ăn tối ở một nhà hàng nhỏ có tên Evelyn s Place ở chỗ cắt giữa phố Iberville và Charters Street. Đối với người hay lui tới thành phố này thì đây là một của hiếm thực thụ của ẩm thực địa phương. Chỉ có những người đặc biệt quan tâm mới biết. Ngoài ra, toàn bộ thời gian ở đó là Happy Hour. Gọi một tequille, sẽ được ba mà không phải trả cho hai chai còn lại. Điều này tác động tuyệt vời đến không khí của phần nội thất đúng ra là cáu bẩn. Sau lượt đầu tiên bạn sẽ không để ý đến điều đó nữa. Sau lượt thứ hai bạn bắt đầu thấy nó đẹp. Thỉnh thoảng ở Evelyn s Place xảy ra điều mà không xảy ra ở nơi nào khác của New Orleans, Evelyn kéo - chủ yếu là trước Mardi Gras - cô em của mình, là người duy nhất, theo như Evelyn, "rời bỏ gett bởi có não và không thích ẩm thực" đến. Sinh viên của nhạc viện Detroit, học lớp violin, đặc biệt tài năng, đã nhận nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ở châu Mỹ. Khi đến cái câu lạc bộ đầy khói của bà chị, cô quên luôn các phòng hòa nhạc và Detroit. Cô tết tóc như một cô gái Rastaman (*) và chơi jazz và blues. Bằng violin! Nghe mà có cảm tưởng như Marvin Gaye hát blues.
Thực ra thì Evelyn, mà địa điểm này thuộc về cô, cũng là một hiện tượng. Một Phụ nữ Da đen đẫy đà với nụ cười của thiên thần chơi bộ gõ "ngoài giờ" trong nhóm nhạc jazz dixieland (thuộc về các bang miền Nam nước Mỹ). "Trong giờ" thì cô phải nấu nướng cho khách. "Phải" là một từ không hay. Bởi Evelyn cho rằng - anh biết điều này vì nghe lỏm được câu chuyện của Jim và Evelyn trong một lần họ cùng đến đây cách nay đã khá lâu - tốt hơn nghệ thuật nấu ăn chỉ còn có "nhạc jazz hay và những cuộc làm tình kéo dài". Ngoài ra, lần nào Evelyn cũng nhắc lại rằng thế giới có ý nghĩa kể từ khi có nhạc jazz, và đã trải qua ba cuộc cách mạng: Kopernik, Einstein và tìm ra gumbos, một loại súp rau cay từ rau có tên okra, được cho vào đậu đỏ cùng với gia vị cajun. Không đâu ở New Orleans nấu được món gumbos và đậu đỏ như ở Evelyn s Place. Tối đến, khi nhà hàng rộn ràng sống động và và quay cuồng trong tiếng cười, thỉnh thoảng có thể thuyết phục Evelyn chơi trống sớm. Khi ấy cô đeo găng tay trắng đến khuỷu, sửa lại trang điểm, ngồi trên ghế xoay cạnh lối vào bếp và đánh trống. Cô chơi cho đến khi có ai đó phải xin cô dừng lại. Khi Evelyn đánh trống, Jim thường hay ra sân phía sau nhà hàng. Gã không khoái jazz. Anh nhớ có lần gã đã nói đùa rằng "jazz là sự trả thù của những người da đen đối với người da trắng vì sự nô lệ". Mặc dâu vậy họ vẫn đến nơi này rất đều đặn.
Từ những ngày ấy, ở đây chẳng có thay đổi gì đặc biệt ngoài việc Evelyn béo hơn chừng mười lăm cân gì đó.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:17  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

CÔ : Tiếng sột soạt ngoài cửa đã đánh thức cô dậy. Tiếng trẻ nô đùa ngoài vườn lọt qua cửa sổ để mở. Một ngày nắng.
Cô run vì lạnh. Cô nhận ra mình đã ngủ khỏa thân, không đắp gì trong khi điều hòa chạy suốt đêm. Chăn rơi trên sàn nhà cạnh cửa sổ. Cô dậy, đi ra cửa. Dưới khe cửa có một phong bì màu ô liu. Cô cúi người xuống nhặt. Cười, ép chiếc phong bì vào người và đi vội về giường. Khi cô vừa lôi ra bản in bức e-mail của anh thì có tiếng điện thoại. Asia.
- Như mình biết cậu thì vẫn nằm trên giường phải không? Tất nhiên là cậu không quên hôm này là ngày Renoir? – nó hỏi bằng một giọng rất lạ.
Tất nhiên là cô quên. Nhưng không tiết lộ và im lặng nghe Asia.
- Bây giờ thì cậu dậy đi, rồi ra ga Ecole Militaire và đi đến Solferino; cậu chuyển tàu ở Concorde. Khi nào xuống tàu và đi lên trên, cậu sẽ nhìn thấy trước mặt phòng đợi của nhà ga cũ ở đấy có bảo tàng d Orsay. Cậu nhớ hết chưa? Ga Solferino. Mình đang xếp hàng mua vé ở đây từ năm giờ sáng và đã làm quen với một tay ngrười Venezuela, một cô gái người Birma và bốn người Czech, đứng ngay sau mình. Dân Czech đến đây với một thùng bia. Khoảng bảy giờ sáng họ đã bắt đầu mở chai. Lúc đầu mình không thể nhìn cảnh ấy. Brr… Bia trước bữa sáng. Nhưng khoảng tám giờ, mình đã uống cùng với họ mà chưa ăn sáng. Chắc cậu nhận thấy qua giọng mình chứ? Ôi, Chúa ơi, mới tuyệt làm sao. Renoir ở khắp sảnh đợi trong nhà ga của Paris, còn mình; sau năm chai vào chín giờ sáng. mình muốn giữ mãi trạng thái này. Nhưng cậu đừng có mang theo máy ảnh.. Vì đằng nào thì cũng không được chụp ảnh đâu. Chỉ có điều cậu nhất định phải đến, mình muốn cậu cũng được tận mắt nhìn thấy cảnh này. Tụi mình sẽ có cái để mà nhớ cho đến cuối thế kỷ. Mình đã cố túm Alicja. Đã mấy lần gọi đến phòng nó. Cho đến khi tay thường trực người Ba Lan tiết lộ rằng nó không có ở đấy. Từ hôm qua, sau bữa tối. Bến Solferino, nhớ nhé. Cậu phải đến ngay. Bây giờ thì mình quay lại với mấy ông người Czech đây. - trước khi cúp máy, nó còn nói thêm: - Cậu phải nghe mình. Đừng có dừng lại dưới bất cứ hình thức nào ở quán cà phê Internet cạnh Militarie đấy. Lần cuối cậu bảo ra đấy năm phút, mà ở lại đến hai tiếng. Cậu sẽ viết cho anh ta sau, bất kể đó là ai, khi chúng mình đi xem triển lãm về. Cậu hứa không? Hứa đi!
Lại thêm một lần cô nghĩ rằng Asia quả thật độc đáo. Về nguyên tắc thì cô không muốn để Jakub biết Asia. ở một mức độ nào đó họ hợp nhau một cách nguy hiểm.
Cô chạy vào phòng tắm. Tắm rất nhanh. Cô mặc một cái quần lửng trắng, bó sát và áo phông đỏ hở rốn. Không mặc nịt vú. Thấy trước một ngày nóng không kém gì hôm qua. Cô nhét vào ví xách tay tóm lại là tất cả số đồ trang điểm.
Mình sẽ trang điểm trên tàu điện ngầm - cô nghĩ.
Tay trực lễ tân không thề rời mắt khỏi ngực cô khi cố chạy, tóc vẫn còn ướt, xuống cầu thang đến Restaurant để ăn sáng. Anh ta rời quầy lễ tân, đi theo cô đến Restaurant. Trong một khách sạn nhỏ như ở đây thì người trực lễ tân cũng là chạy bàn. Ít nhất cũng trong giờ ăn sáng.
Anh ta đang cầm bút chì và sổ để chờ cô gọi món. Cô gọi cà phê và bánh croissaint (*) với mật ong. Khi anh ta đi ra, cô để tất cả lại và chạy lên phòng. Lấy cái máy nghe CD xách tay của mình để trên bàn ngủ, tìm thấy trong vali đĩa mới nhất của Van Morrison rồi quay lại bàn ăn. Cà phê đang chờ cô. Bên cạch tách cà phê là số International Herald Tribune mới nhất.
Không có tay trực lễ tân. Cô đẩy vội tờ báo ra xa để không nhìn ngay cả các tiêu đề.
Mình không tự phá hỏng tâm trạng bằng những thông tin về thế giới - cô nghĩ.
Cô đeo tai nghe. Chọn Have I told lately that I love You, một đoạn Morrison yêu thích của mình.
Không chỉ Asia mời có thể được chuẩn bị về nội tâm để đến với Renoir - cô nghĩ.
Cô cũng thế. Âm nhạc có rồi. Giờ thì lo đến hóa học.
Tay trực lễ tân xuất hiện với croissaint nóng còn đang bốc hơi. Cô tắt nhạc và tháo tai nghe. Cô nhận thấy anh ta vẫn nhìn trộm ngực cô.
- Anh có thể cho thêm một tách cà phê nữa được không? Nếu được, thì anh có thể rót vào đó một ly whisky Ireland được không?
Anh ta cười hỏi:
- Hai mươi nhăm, năm mươi hay một trăm mililít? Nếu một trăm thì chị sẽ có cà phê trong whisky chứ không phải là ngược lại.
- Thế còn anh thì nghĩ sao, bao nhiêu thì tốt hơn cho tôi?
- Theo tỷ lệ hai mươi nhăm mililít whisky trong cà phê và một trăm champagne trong ly với dâu tây. Champagne là tôi mời dự. Renoir cũng uống champagne. Và thường là trong bữa sáng. Hôm nay ở Orsay chị hãy để ý xem có bao nhiêu chai trên bàn trong bức tranh nổi tiếng Bữa sáng của những người chèo thuyền của ông ta.
- Thế cơ đấy. Anh biết hết về tôi còn gì. Anh đọc và viết e-mail của tôi, anh biết rằng tôi cần Internet còn bây giờ anh biết cả việc một lúc nữa tôi sẽ đi gặp Renoir. Từ đâu vậy, nếu anh có thể nói?
- E-mail là tôi có của chị gửi đi hoặc gửi đến cho chị, Internet thì từ mấy tháng nay tôi cần như oxy nên tôi suy ra chị, vì chị hợp với người mẫu, còn Renoir? Tôi biết được từ bạn gái của chị. Trước khi tôi nối máy của chị ấy với phòng chị, chị ấy đã kể cho tôi nghe gần như tất cả về cuộc triển lãm ở d Orsay, sau đấy chị ấy còn dọa tôi rằng nếu chỉ không nhấc máy thì có thể chị bị xỉu ở trong phòng và tôi phải lập tức đến đấy. Chị ấy thật ngọt ngào khi nói dối. Chỉ có thể nói với chị ấy như vậy.
Nói xong anh ta ra quầy bar. Một lúc sau anh ta mang đến một tách cà phê, một ly với quả dâu tây bơi trong champagne sủi bọt và một đĩa thủy tinh dâu tây rắc bột dừa. Anh ta đặt tất cả trước mặt cô và nói:
- Chị có cả một ngày tuyệt đẹp ở phía trước. Hai hôm trước đây tôi đã nhìn thấy triển lãm này. Renoir là người theo trường phái ấn tượng duy nhất chỉ vẽ vì sự thích thú, vậy chị sẽ đặc biệt thích thú ở d Orsay. Nếu hôm nay không phải làm việc, tôi sẽ hỏi xem có thể đi cùng dự được không. Nhưng hôm nay tôi sẽ hoàn toàn không ngắm các bức tranh.
Trước khi đi, anh ta lại gần chiếc ghế chị đang ngồi, sửa lại những bông cúc trong chiếc bình gốm nhỏ cạnh ly champagne trên bàn chị và nói:
- Hơn nữa, trông chị tuyệt đẹp với mái tóc ướt và không trang điểm.
Thật tốt biết bao khi anh ta nói lên điều đó - cô nghĩ với lòng biết ơn.
Bởi cô đang muốn "trông tuyệt đẹp" và cho cả thế giới biết điều đó. Đặc biệt là lúc này, ở đây, ở Paris này trong mấy ngày sắp tới. Việc này đáng giá cả một gia tài, nhưng cô đã đăng ký từ Warszawa, tất nhiên là qua Internet, giờ đến thợ làm tóc ở Paris. Chỉ cách khách sạn của họ vài con phố. Một ngày trước khi anh đến.
Cô ăn hết croissaint. Cà phê rất ngon với vị đăng đắng của whisky. Sau khi uống cạn champagne, cô dùng ngón tay lấy quả dâu tây trong cốc và chậm rãi cho vào miệng. Cô cảm thấy nhờ tách cà phê thứ hai và ly champagne mà cách nhìn nhận thế giới của cô bắt đầu gần với của Asia. Điều này thật tuyệt vời cô nghĩ. Bởi họ sẽ có những kỷ niệm chung từ cuộc triển lãm này cho phần còn lại của thế kỷ sắp kết thúc.
Ôi Chúa ơi, lúc này cô muốn được chạm vào môi anh biết bao. Chỉ chạm thôi - cô nghĩ. - Lại bắt đầu rỏi. Mình uống cái thứ cồn này để làm gì cơ chứ?!

Cô đứng dậy rất nhanh, đeo tai nghe và xoay núm âm lượng của máy nghe. Lúc này cô cần nhạc to và nhất thiết phải là Van Morrison. Đi qua phòng ăn ra cửa, cô giơ tay và không quay đầu lại, vẫy những ngón tay để tạm biệt. Cô cứ cho rằng tay trực lễ tân đang quan sát cô. Đến cửa, cô bất ngờ quay lại. Cô đã có lý! Anh ta nhìn theo cô.
ANH: Sau bữa tối anh bắt đầu lang thang qua các câu lạc bộ, các quán bia và nhà hàng thuộc khu Pháp của New Orleans. Như ngày nào. Nhưng không còn như những ngày xưa nữa. Giờ đây anh phải tìm lại niềm vui và sự vô tư ấy. Thời đó lúc nào anh cũng cảm nhận được chúng.
Như hồi ấy, đi qua đèn neon ở cửa vào một trong số các câu lạc bộ ban đêm, anh dừng lại mở chai bia đã được cơ thể làm ấm lên trong túi quần sau. Cuộc sống đó là khát khao. Những gì còn lại chỉ là chuyện nhỏ - dòng chữ nhấp nháy từ chiếc đèn neon cong cong.

Anh nghĩ rằng thành phố này có thể được định nghĩa chính xác bằng nội dung từ cái đèn neon ấy. Quả là mọi người đến đây để dù là chỉ trong vài ngày thực hiện khát khao của mình. Thậm chí cả khi họ không ý thức được hết điều này.
Những gì còn lại chỉ là chuyện nhỏ - anh nghĩ và cười thầm.

Anh về khách sạn vui vẻ và phấn chấn. Khoảng một giờ sáng anh ra khỏi câu lạc bộ Razoo có máy lạnh trên góc phố Bourbone và Vaness và rơi ngay vào màn đêm ẩm và ngột ngạt của New Orleans. Mặc dầu vào ban đêm, nhưng vẫn nóng khoảng 36 độ với độ ẩm lên đến 93 phần trăm. Phố nhộn nhịp. Đám đông sặc sỡ những du khách hò la bằng tất cả các thứ tiếng có thể, di chuyển như một đám diễu hành trên Bourbone Street, dừng lại bên cửa các câu lạc bộ và nhà hàng có tiếng nhạc lọt ra .

Thế giới thay đổi, nhưng may mắn thay Bourbone Street không thay đổi. Vẫn điên cuồng y như trước - anh nghĩ. Hẳn vì thế mà ở đây bao giờ cũng biết bao là người.

Anh đi qua hai ngã tư, rẽ sang Conti Street và đến Dau-phine Street. Chẳng mấy chốc anh đã đứng trước khách sạn, một tòa nhà hai tầng theo kiểu thuộc địa, có nho leo và được trang trí bằng mấy lá cờ Mỹ lớn được chiếu sáng bóng đèn pha đặt trên sân thượng của ngôi nhà bên kia đường. Những ngôi sao trên cờ nhấp nháy bởi những bóng điện màu xanh. Anh cười một mình, lại thêm một lần nghĩ rằng người Mỹ đôi khi vui nhộn và nhắng nhít một cách ngây thơ trong chủ nghĩa yêu nước của mình.

Đi qua quầy lễ tân trong sảnh lớn có máy lạnh, lấy chìa khóa từ người trực lễ tân đang ngái ngủ, anh đã định lên phòng, nhưng đột nhiên nghe thấy tiếng nhạc từ hiên phía nam của khách sạn. Anh do dự một lúc, không biết có nên đến đó không. Sáng sớm anh bay đi New York. Anh đã hình dung ra nỗi khổ sở khi chuông báo thức reo. Mặc dầu vậy anh vẫn nghĩ rằng hôm nay mình sẽ đi uống lần cuối và nghe loại blues ấy. Chỉ một lúc thôi. Anh quay lại ở giữa chừng cầu thang và đi ra hiên.

Đó là một sân trời điển hình của những gia đình thuộc địa giầu có trong Khu Pháp, có đài phun nước nhỏ bằng đá ở giữa bể bơi hình ô-van được phủ một lớp đầy huệ trắng, là thứ hoa chỉ có thể mọc to đến thế trong khí hậu này. Dưới chân tường nhà là một quầy bar nhỏ, được chiếu sáng chỉ bằng những chiếc đèn mô phỏng những ngọn nến, xung quanh có mấy cái bàn tròn mặt đá trắng và những cái ghế kim loại nhỏ có phần tựa rất vui mắt. Một cây cọ to, tán lá che cho chiếc đèn dùng để chiếu sáng, một sàn nhảy nhỏ ở phía sau đài phun nước. Một chiếc đàn piano trắng ở phía quầy bar. Một thanh niên da đen trong chiếc kimônô đen và chiếc sơ-mi trắng được trang trí hình con ruồi đen đệm đàn cho một phụ nữ da đen đứng tuổi, đẫy đà, mặc chiếc váy óng ánh dài chấm đất. Mặc dù trời tối, chị ta vẫn đeo cặp kính râm to. Chị ta hát blues.
Bên cạnh piano là những chiếc trống của bộ gõ, không có ai ngồi ở đó, nhưng ngay gần đấy là một thanh niên da trắng muốt ngồi trên sopha, ghi- ta để trên đùi và uống drink.

Ngoài hiên, bản blues mẫu mực Bring it home to me đã kết thúc. Im lặng một lúc. Jakub đến chỗ quầy bar, gọi whisky với soda và đá rồi ra ngồi bên chiếc bàn gần piano nhất. Người chơi ghi-ta đột ngột đứng dậy, ra hiệu cho nữ ca sĩ, chị này rút micrô ra khỏi giá. Anh ta bắt đầu chơi. Jakub hiểu ngay, đó là gì.

Anh chậm rãi nhấm nháp whisky, nghe và tự nhiên bắt đầu lắc lư theo nhịp điệu của âm nhạc. Bỗng một cô gái da trắng mặc chiếc chân váy nâu sát đất, áo đen hở bụng đi ra sân khấu. Cô ta đi giầy đen cao gót, tóc đen dài ngang vai. Tay trái cầm một cái cốc thủy tinh to đầy một nửa.

Anh đã để ý thấy cô ta từ trước, lúc gọi đồ uống ở quầy. Bụng và mặt cô ta, da trắng như thạch cao hoàn toàn không được tắm nắng, đôi môi đầy đặn ngăn cách với mặt bởi màu đỏ sẫm của cô ta đã khiến anh chú ý. Cô ta ngồi tư lự, không nói gì ở bàn bên với một thanh niên mặc complê mặc dù trời nóng, tay cầm điện thoại di động. Họ ngồi cùng với một đôi khác. Cô gái thứ hai có mái tóc nâu dài đến vai với những lọn tóc được tết lẫn với những sợi len đủ màu sắc. Cô này mặc quần ngắn, để lộ ra cặp chân dài khác thường. Chiếc áo phông đen bo chật, căng trên bộ ngực của cô ta và kết thúc cách rốn một đoạn xa. Anh bạn trai của cô ta cao, mảnh dẻ, tóc nâu sáng, mặc áo phông thể thao trắng để hở những bắp thịt rất ấn tượng và một hình xăm màu xanh - đỏ bên bắp tay trái. Họ cầm tay nhau, thầm thì điều gì đó vào tai nhau và cứ chốc chốc lại phá lên cười. Nhìn họ có vẻ là người châu Âu và rõ ràng là bộ tứ ấy đi cùng nhau.

Cô gái trên sàn gỗ bắt đầu chậm rãi nhún nhảy. Mắt nhắm và cái cốc lúc nào cũng ở trong tay.
Rock me baby, rock me all night long...



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:20  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Blues càng lúc càng nhịp nhàng hơn. Bỗng nhiên cô ta đến chỗ Jakub, nhìn vào mắt anh, cười, không hề hỏi xem anh có đồng ý không, đặt cốc của mình cạnh cốc của anh, và những ngón tay cô chạm nhẹ vào cổ tay trái anh. Cô ta trở lại sàn gỗ.
Rock me baby, and I want you to rock me slow, I want you to rock me baby till I want no more...

Mông cô ta nâng lên, hạ xuống, xoay vòng và uốn lượn. Thỉnh thoảng, để làm cho chuyển động của mông mạnh hơn, cô ta đặt tay lên chúng rồi đẩy ra phía trước. Miệng hơi hé và lưỡi khẽ đẩy ra.

Rock me baby, like you roll the wagon whell, I want you to rock me, baby, you don t know how it makes me feel…

Cô ta lại đến gần bàn anh, đứng đối diện anh. Không rời khỏi chỗ cô ta chỉ nhịp nhàng lắc mông. Tay phải đặt lên ngực trái, giống như lính thủy đánh bộ Mỹ khi nghe quốc ca, còn tay trái đặt lên môi. Anh nhìn rất rõ ngón tay đeo nhẫn chầm chậm đưa vào miệng rồi lại đưa ra của cô ta như thế nào.

Anh bỗng cảm thấy xấu hổ và theo bản năng, ánh mắt trốn chạy sang bên cạnh. Anh để ý thấy cố gái tóc vàng ngồi lên đùi cậu bạn trai xăm tay; cả hai lắc người theo nhịp điệu của âm nhạc. Cô ta duỗi cặp chân dài, thả dọc theo chân anh bạn và cọ xát hông anh ta khi nhảy blues cùng anh ta ở tư thế ngồi. Anh ta ốm cô ta ở đoạn bo của cái áo phông ngắn, rìa bàn tay chạm vào bộ ngực không có nịt của cố ta, nhô lên rất rõ dưới lần áo. Chỉ có người đàn ông trong bộ complê xám là không chú ý đến ai khác, chỉ mải nói chuyện.
Want you to rock me baby till I want no more...
Anh say sưa nhìn cô gái đang nhảy. Không nghĩ rằng lại có thể nhảy blues đẹp đến thế. Anh nhìn quanh. Tất cả đều nhìn cô ta. Đàn bà cũng như đàn ông, đều tò mò và ngạc nhiên như nhau.
Thông thường thì đàn bà rất ghét những phụ nữ gây sự chú ý của đàn ông bằng sự gợi tình rẻ tiền và dung tục. Họ cho rằng sự rẻ tiền và dung tục ấy sẽ dẫn tới việc thối phồng sự ganh đua chung đối với tất cả phụ nữ trong các mối quan hệ với đàn ông. Mặt khác, họ lại cực kỳ thống nhất trong sự ngạc nhiên, khi sự gợi tình ấy đạt được mức tinh xảo thực sự. Với cô gái nhảy với trí tưởng tượng như vậy thì không thể không nói đến sự tinh xảo ấy. Thậm chí cả khi phải ghen với cô ta vì sự chú ý, vì sự tưởng tượng mà cô ta tạo ra, dù có thể ngạc nhiên về cô ta mà thôi.

Anh nghĩ rằng những người đàn ông có mặt ngoài hiên không nghĩ đến việc cô ta có khiến họ ngạc nhiên hay không. Anh cho rằng nói chung họ chẳng nghĩ gì hết. Tối đa thì họ cũng chỉ tha hồ mà tưởng tượng. Và chủ yếu là về một chủ đề.
Bỗng nhiên cả anh nữa, cũng nghĩ về tình dục.
Với một ngoại lệ duy nhất - khi "dụ dỗ" cô trên mạng trong quán bar đêm của cái khách sạn ở Warszawa ấy - những buổi trò chuyện với cô chưa bao giờ đề cập trực tiếp đến tình dục. Cô đã có chồng - do đó mà anh không thể nói về đế tài này mà không cảm thấy có lỗi hoặc một sự bất an trong lòng. Anh không muốn rơi vào cái bẫy tầm thường của tam giác hôn nhân. Trên mạng, nơi không phải chịu những cám dỗ của sự gần gũi như mùi nước hoa, một bàn tay ấm áp hay giọng nói run rẩy, thì điều này dễ thực hiện hơn nhiều. Rất dễ để giữ mối quen biết ở mức độ một tình bạn đầy ắp thân thiện với những câu tán tỉnh mập mờ. Cô không cần phải tuyên bố gì hết trong khi vẫn giữ được, ít ra thì cũng về mặt hình thức, thân phận của một người bạn ảo "không làm điều gì xấu". Vế mặt hình thức, anh không có lý do để thất vọng vì không có ngoại lệ, khi kể về những sự kiện trong cuộc sống của mình, cô thường dùng số nhiều. Họ quan hệ với nhau theo một phương thức được kiểm soát sao cho có thể biểu thị sự sẵn sàng đi đến một tuyên bố, nhưng đã không có bất kỳ một tuyên bố nào cả. Vì sự thanh thản của lương tâm.

Nhưng trong mối quan hệ của họ, nhục thể xuất hiện hầu như trong mỗi câu chuyện trên ICQ và hầu như trong mỗi bức e-mail. Trong những đoạn viết về những sự kiện hay tình huống mang ý nghĩa kép, họ lén lồng vào những khát khao và mong ước rất đơn nghĩa của mình. Anh tin chắc rằng những cuộc gặp gỡ trên mạng của họ còn có nhiều những đụng chạm tình cảm hơn là những cuộc gặp gỡ của nhiều đôi gọi là bình thường trong những tối tháng năm trên ghế đá công viên. Họ nói về tình dục nhưng chưa bao giờ gọi theo tên của nó.

Bây giờ ở Paris, tất cả những điều này - cuối cùng - phải thuộc về quá khứ Một mặt, ý nghĩ về cuộc gặp, mà nó phải đến, kích thích như đoạn đầu của một giấc mơ tình ái, mặt khác nó lại, sinh ra cảm giác căng thẳng và bất an. Ở Paris, sau cánh cổng của sân bay, tưỏng tượng là có thể qua đi cùng với hiện thực. Những gì đã có giữa họ, phát triển trên cơ sở của sự mê hoặc bằng lời nói hoặc ý nghĩ được thể hiện qua những con chữ. Do đó mà hẳn nó luôn luôn mãnh liệt dữ dội đến thế là bởi không có cơ hội đề được thỏa mãn một cách thật sự.

Anh cảm nhận sự quyến rũ của cô mà không nhìn thấy cô. Không chỉ một lần anh đã hưng phấn đến mức độ bị cương cứng khi đọc những dòng cô viết. Tình ái đó luôn là tác phẩm của trí tưởng tượng, song với phần lớn mọi người thì là trí tưởng tượng được thôi thúc bởi nhục dục nào đó. Trong trường hợp của anh, phần nhục thể trong cô giống như những bài thơ tình ái của một tập thơ. Thêm vào đó, có một ai đó vẫn luôn viết tập thơ này.
Bao giờ anh cũng thích những bài thơ tình ái. Anh thích cả học thuộc chúng nữa. Từ thời học phổ thông trung học, anh đã nhớ hàng chục bài thơ Ba Lan, cộng thêm vài bài của Rilky. Bằng tiếng Đức! Những đấy là mãi gần đây, khi anh bắt đầu "cảm nhận" được tiếng Đức, thậm chí anh còn mơ bằng tiếng Đức. Trước đây anh cứ tưởng rằng tiếng Đức là để dành cho la ó hơn là cho thơ ca. Đó chắc là một hành trang lịch sử thừa của Ba Lan.

Anh nghĩ vậy khi uống những cốc whisky tiếp theo và nhìn cô gái nhảy trên hiên của Dauphine Hotel ở New Orleans. Anh hơi nhầm lẫn giữa tình ái và tình dục. Đấy chắc là bởi thứ rượu này, bởi cô gái này và bởi âm nhạc này.
- Đúng thế, cơ bản là bởi âm nhạc này! - anh nghĩ.
Từ hơn chục năm nay, âm nhạc, không nhất thiết phải là blues, thường khiến anh liên tưởng đến tình dục. Có một phụ nữ đã dạy anh điều này, lâu lắm rồi.
Thậm chí có khi còn trước cả khi anh đến New Orleans. Anh nhận được học bổng của Bộ cho các nghiên cứu trong khuôn khổ dự án chung của trường Wroclaw của anh với Đại học Tổng hợp Dublin ở Ireland.

Khi anh đến, đang là mùa xuân xám, lạnh và mưa ở Dublin. Anh làm việc trong trung tâm máy tính của khoa Gien học tại khu vực phía đông của trường, năm gần như giữa trung tâm Dublin. Anh ở phòng khách trong khu vực trường nó khiến anh nhớ đến một mê cung gớm guốc của những tòa nhà bằng gạch đỏ nối với nhau. Người ta bảo anh rằng từ phòng anh, có thể đi theo các hành lang để đến phòng thí nghiệm máy tính mà không cần phải ra ngoài. Một lần, vào buổi tối, anh thử làm điều đó, nhưng khi rơi vào phòng giải phẫu hôi mùi naptalin và ẩm ướt với những cái xác trần truồng trên những chiếc bàn kim loại của khoa y, thì anh quyết định sẽ để cho mình được yên thân.
Suốt tháng đầu, anh làm không kịp thở. Anh bị rơi vào trạng thái thôi miên đầy hưng phấn. Trong ba tháng, nhờ có tiền của ONZ, anh. để lại "bảo tàng" của mình ở Ba Lan, nơi mà muốn sử dụng máy photocopy phải viết đơn lên trưởng khoa, và đến với thế giới mà ở đó những chiếc máy photocopy có mặt trong sảnh của nhà ăn của trường. Làm sao mà có thể không hưng phấn cho được?
Về nguyên tấc, anh chỉ di chuyển theo một lộ trình, từ phòng làm việc của anh trong trung tâm máy tính, qua nhà ăn, ở đó anh ăn vội bữa trưa, đến phòng anh, nơi anh đi ngủ vào hai giờ đêm, mệt bã và hưng phấn vì ngây vừa qua, để rồi bảy giờ sáng đã dậy. Mãi sau một tháng, anh mới nhận thấy ngày càng có nhiều hơn những lúc mà anh cảm thấy cô đơn đến khổ sở. Anh cần phải thoát khỏi cái vòng sống khép kín và chỉ có công việc ở Dublin này.
Vào một kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài nào đó, anh đi tàu đến bờ biển phía tây-nam của đảo, thành phố nhỏ Limerick, nằm trên một vịnh cách biệt, ăn sâu vào đất liền giống như vịnh Fio của Nauy. Suốt ngày anh lang thang ngoài bờ biển, chỉ dừng lại trong những quán rượu nhỏ Ireland, uống guinness và nghe rởm những câu chuyện của dân địa phương và cố hiểu lấy một chút gì đấy. Thực ra thì anh chẳng hiểu được tí gì và kể cả những cốc guinness tiếp theo cũng không làm thay đổi được tình hình. Dân Ireland không chỉ nói khác. Dân Ireland đơn giản là khác. Hiếu khách, bướng bỉnh, giấu sự nhạy cảm của mình sau những nụ cười. Trong cách nhìn nhận thế giới của mình, họ rất Ba Lan.
Anh dự tính chuyến đi sao cho được ngồi ngắm hoàng hôn trên một điểm nhô ra nhất phía dưới chân Chffs of Moher nổi tiếng. Bức tường đá lởm chởm trên hai trăm mét, lốm đốm những đám cỏ xanh và dốc thẳng xuống dưới. Mặt trời lặn theo nhịp của những con sóng biển đập vào bờ đá. Anh nhớ là khi đó ở đấy trên tảng đá ấy, bỗng nhiên anh thấy buồn vô cùng. Nhìn những đôi ôm nhau tựa vào vách đá, những ông bố bà mẹ dắt tay con, những toán bạn bè uống bia và trao đổi to với nhau những ấn tượng, anh chợt cảm thấy mình thực sự bị bỏ rơi và không cần thiết cho ai. Anh đi tàu về Dublin vào tối khuya. Ngoài anh, trong khoang còn có một phụ nữ đứng tuổi ăn vận lịch sự. Bà ta ngồi ở chỗ cạnh cửa sổ. Trong chiếc váy đen dài chấm đất, giầy buộc dây, cặp kính trễ xuống gần mũi và chiếc mũ che đi búi tóc muối tiêu được cài bằng những cái trâm bạc, trông bà ta như một hành khách đi tàu của thế kỷ mười chín. Nhìn bà ta đoan trang, khó gần và đẹp theo kiểu của mình. Bà ta cười khi anh hỏi liệu có thể ngồi trong khoang của bà được không. Sau mấy phút, anh lấy Playboy đã mua trong quầy báo ở nhà ga Limerick để trong ba-lô ra. Được một lúc, anh thấy mệt vì đọc nên để cuốn tạp chí sang bên cạnh. Anh định ngủ thì bà già hỏi có thể xem qua "Tạp Trí này" được không. Câu hỏi làm anh ngạc nhiên. Mặc dù đánh giá Playboy – anh có một bộ sưu tập không tồi ở tất cả các thứ tiếng được phát hành - là một tạp chí hấp dẫn, được làm có đẳng cấp, nhưng bà già này vẫn không hợp với nó thế nào ấy. Anh đưa cho bà ta không một lời bình luận. Bà già thong thả lật các trang, thỉnh thoảng dừng lại và đọc một vài đoạn.
Im lặng. Anh nhìn qua cửa sổ. Cảm nhận sự qua đi của cái mệt sau một ngày đầy ắp ấn tượng. Anh nghĩ rằng khi về đến Dublin, anh sẽ ngồi trước máy tính với cảm giác thoải mái. Sau nửa tiếng họ đi đến Port Laoise, một địa danh nhỏ nằm ở khoảng giữa Limerick và Dublin. Bà già đứng dậy chuẩn bị xuống. Khi tàu dừng, bà trả anh tờ Playboy và điềm đạm nói:
- Anh biết không, thậm chí **** (sự giao cấu) giờ đây cũng không còn mang ý nghĩa như ngày xưa nữa. Đúng là tiếc thật . Bà ta cười với anh và đóng cửa khoang.
Anh cười một mình, ngạc nhiên và buồn cười vì lời bình luận kia. Bà ta hoàn toàn có lý với cái sự **** ấy - một lát sau anh nghĩ.
Ngoài ra, khi bà ta xuống tàu, một cảm giác nuối tiếc lạ lùng ùa vào anh... Sẽ không bao giờ còn được gặp bà già ấy nữa. Bà xuất hiện trong cuộc đời anh trong vài khoảnh khắc và không bao giờ còn quay trở lại. Mà anh thì muốn gặp lại bà một lần nữa. Mọi người chuyển động theo những lộ trình đã được vạch sẵn bởi số phận hay định mệnh - tên gọi không quan trọng. Chúng giao cắt với lộ trình của chúng ta trong chớp mắt rồi lại đi tiếp. Còn hơn cả hiếm và chỉ rất ít ở lại lâu hơn và muốn đi trên con đường của chúng ta. Tuy nhiên cũng có những người xuất hiện đủ lâu, để người ta muốn giữ họ lại. Nhưng họ vẫn đi tiếp. Như bà già vừa xuống tàu ban nãy, hay như cô gái xinh đẹp mà anh say sưa ngắm nhìn lúc xếp hàng trong nhà băng. Bao giờ anh cũng buồn khi một điều gì đó như vậy xảy ra. Anh rất tò mò không hiểu những người khác có cảm nhận nỗi buồn như vậy không?
Ở Port Laoise, một người đàn ông thân hình cân đối, trạc tuổi anh tươi cười bước vào khoang. Ngay lập tức anh nhận thấy anh ta nói hơi nặng và sau vài phút trò chuyện anh nhìn anh ta chăm chú hơn. Một cái gì đó chạm vào anh và anh đột ngột mạo hiểm hỏi:

- Anh có nói được tiếng Ba Lan không?
Người này chỉ cười và trả lời ngay:
(*) Tộc người Rastaman ở Trung Mỹ. Phần lớn có tóc xoăn, hút cần sa và rất thân thiện, cởi mở với mọi người.

(*)Bánh sừng bò



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:21  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

- Tất nhiên... đúng rồi... đúng là anh! Đã có lần tôi nhìn thấy anh trong nhà ăn của đại học tổng hợp.
Thì ra anh ta tên là Zbyszek, đã ở đây được một năm, làm tiến sĩ và đi từ Warszawa. Họ chuyển ngay sang gọi ông tôi. Thì ra anh ta làm tin học, viết phần mềm thiết kế bán dẫn công suất lớn. Họ đang chọn trong câu chuyện về máy tính, điện tử và các kế hoạch của mình thì anh bắt buộc phải xuống Dublin.
Tình bạn của họ đã bắt đầu như vậy, và hai tháng sau đã chấm dứt một cách đột ngột và vô nghĩa.
Kể từ cuộc gặp gỡ trên tàu lần ấy, anh ta thường hay đến chỗ anh. Thực ra là họ gặp nhau hàng ngày. Họ quí mến nhau và cùng nhau suốt cả ngày. Một tối, họ đến quán rượu gần phòng thí nghiệm của anh. Đang ngồi thì Zbyszek đứng dậy và hôn chào một cô gái tươi cười. Họ trao đổi với nhau mấy câu bằng tiếng Anh và quay lại chỗ anh. Zbyszek giới thiệu cô ta:
- Cho phép tôi giới thiệu với ông cô bạn của tôi, Jennifer. Jennifer là người Anh và học kinh tế ở đây. - Anh ta cười nói thêm: - Cô ta thích tôi chắc là vì Chopin cũng là người Ba Lan.
Cho tới lúc ấy anh chưa bao giờ gặp người phụ nữ nào có hàng mi dài đến thế. Chúng phải là thật vì không có một loại trang điểm nào có thể kéo dài mi được đến như vậy. Đôi lúc anh cứ tưởng như cô ta nghe mà mắt thì nhắm lại. Lúc đầu trước khi quen với hình ảnh của chúng, anh không thể không tập trung nhìn vào mắt cô ta. Với hàng mi ấy, với mái tóc sẫm gần như đen dài ngang vai ấy, thì đôi mắt xanh thẫm của cô hoàn toàn không phù hợp vời khuôn mặt. Đã thế nhìn chúng lúc nào cũng như hơi thấm nước mắt. Người không quen biết có thể tưởng là cô đang khóc. Khi cô cười đầy thân thiện và những giọt nước mắt kia luôn long lanh trong mắt, trông cô tuyệt đẹp.
Cô ta mặc quần đen bó sát và áo len casmia cổ nhọn khoét sâu. Bộ tai nghe lớn, đương nhiên cũng màu đen của chiếc walkman được cài vào chiếc thắt lưng quần ôm sát vòng hông rộng, bao quanh cổ cô. Người mảnh dẻ, nên với chiều cao khiêm tốn của mình, cô tạo ấn tượng là một người rất mong manh. Thậm chí là dễ vỡ. Do đó mà phần hông rộng và bộ ngực to, nặng một cách không cân đối nhô cao dưới lần áo rất thu hút sự chú ý. Jennifer biết là bộ ngực của cô không để cho cánh đàn ông "được yên". Hầu như bao giờ cô cũng mặc đồ chật.
Cô ta chìa tay cho anh, đưa sát miệng anh. Nhìn vào mắt anh cô thầm thì:
- Anh hôn đi. Em rất ngưỡng mộ nhìn các anh, những người Ba Lan hôn tay phụ nữ khi gặp mặt.
Bàn tay cô thơm mùi hoa nhài pha một chút vani. Thật kích thích: sự thầm thì ấy, mùi thơm ấy. Và bộ mông ấy. Ngoài ra anh rất ngưỡng mộ những bộ ngực to và nặng của những phụ nữ mong manh.
Anh tự giới thiệu. Cô hỏi anh chữ viết tắt tên thứ hai của anh là gì và khi biết đó là "L" thì cô ta nói điếu gì đó mà lúc ấy anh hoàn toàn không hiểu.
- JL, giống như là Joni và Lingam. Chữ viết tắt của anh là hờn dỗi. Điều này hứa hẹn sự sung sướng.
Và khi anh phân vân, cô ta nghĩ gì với cái sự hờn dỗi kia, thì cô ta hỏi liệu có thể đổi lại và nối các chữ viết tắt lại và gọi anh là Eljot. Anh cười ngạc nhiên, nhưng đồng ý vì cho rằng nó rất thuần phác.
Anh đã làm quen với Jennifer người đảo Wight như vậy.
Kể từ lần ấy anh rất hay gặp gỡ với cô. Hầu như bao giờ cô cũng mặc màu đen và hầu như bao giờ cũng đeo tai nghe walkman quanh cổ. Bởi Jennifer, trên tất cả, có lẽ trừ tình dục, yêu âm nhạc và bất cứ lúc nào rảnh rỗi cũng nghe nhạc. Như về sau anh thấy, cô nghe nhạc cả vào những lúc mà bình thường không có cách gì để xác định là "rảnh rỗi" được.
Hơn nữa, Jennifer chỉ nghe nhạc cổ điển. Cô biết tất cả về Bach, cô có thể kể ngày này sang ngày khác về Mozart, vừa ngâm nga những đoạn menuet, concerto hoặc opera của ông ta, cô biết lời của hầu như tất cả các vở nhạc kịch, mà anh thậm chí đến tên của chúng cũng không biết. Cô là người nước ngoài duy nhất anh biết có thể đọc và viết họ của Chopin như người Ba Lan, là "Sz". Cô hỏi anh về Chopin và khi biết là anh không thể nói cho cô nhiều hơn những gì chính cô biết, thì cô thất vọng. Sau một thời gian, anh không thể không nhận thấy càng ngày Jennifer càng hay xuất hiện ở những nơi mà anh lui tới.
Có một cái gì đó rất kích thích trong bản thân cô. Hiểu biết một cách khác thường - tự cô khẳng định là "rất đáng ghét:. Điều này đã đẩy nhiều đàn ông ra xa cô, những người bị cô hấp dẫn bằng hình thức và sự gợi tình đầy khiêu khích, nhưng chỉ sau vài phút nói chuyện, những người ấy biết rằng, họ không đặc biệt có ý muốn vắt óc "đến vậy" để kéo cô ta lên giương. Phần lớn trong số họ thì đàng nào cũng không có một cơ may nào, còn những người có được cơ may thì lại mắc phải sai lầm lớn khi bỏ cuộc, bởi Jennifer là một phần thưởng lớn cho sự vắt óc ấy.
Cô thật bí ẩn. Cô đã gây ấn tượng mạnh đối với anh. Ngay từ giây phút đầu tiên. Cô biết lắng nghe, rất thẳng thắng có trí nhớ về hình ảnh. Có những khi cô đa cảm, nhút nhát và hay xấu hổ để rồi chỉ trong chốc lát đã trở thành thô tục hết cỡ. Trong vòng vài giây cô có thể chuyển từ phân tích các nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán London - là một khách từ Ba Lan "cộng sản và bị đàn áp" bao giờ vấn đề này cũng khiến anh thích thú - sang câu chuyện thầm thì về việc tại sao cô lại khóc mỗi khi nghe Aida của Verdi. Cô cũng đã khóc thật bên bàn ăn trong nhà hàng, khi kể với anh về chuyện này. Anh còn nhớ là những người phục vụ bàn đã nhìn anh căm thù như thế nào vì họ nghi là anh đã xúc phạm cô ghê gớm lắm.
Cô là người khó gần. Anh thích cô, nhưng chưa đến mức để bỏ bê môn gien học của mình và "đầu tư" thời gian để chiếm được cô và kiểm tra xem thực sự cô khó gần đến đâu. Anh chấp nhận để Jeunifer khơi dậy trong anh những xao động và sự quyến rũ được giấu kỹ, chúng khiến anh muốn thử còn anh thì đơn giản là không cưỡng lại điều đó. Cho khoa học và Ba Lan - anh cười trong tâm tưởng.
Hôm ấy là ngày lễ đặt tên của anh. Cho dù không phải lịch nào cũng ghi tên Jakub vào hôm ấy, anh vẫn tổ chức lễ đặt tên của mình đúng vào 30 tháng tư. Như mẹ anh muốn. Vì rơi vào giữa tuần nên anh mời mọi người đến phòng mình vào thứ bảy gần nhất. Đã gần nửa đêm, nhưng anh vẫn làm việc không nghỉ trong phòng làm việc cửa mình. Bỗng anh nghe thấy tiếng gõ cửa rất khẽ.
Jennifer
Hoàn toàn khác. Không đeo tai nghe ở cổ và không mặc màu đen!
Cô mặc quần bó màu tím nhạt và chiếc áo hồng nhạt không cài cúc buông xuống quần. Không mặc nịt vú, điều này thì có thể thấy rõ với bộ ngực của cô qua lớp vải áo. Tóc buộc thành lọn rất nghịch bằng khăn lụa cùng màu với quần. Cặp mắt ướt long lanh được cô nhấn bằng màu tím nhẹ và môi được tô cũng màu ấy. Viền môi được cô vẽ bằng gam màu tím đậm hơn, cho ta cảm giác là miệng cô đặc biệt rộng. Anh nhìn cô như bị bỏ bùa mê, không giấu nổi sự ngạc nhiên.
- Anh có nghĩ là Chopin cũng tổ chức mừng lễ đặt tên không? Em không thể biết được điều này ở bất cứ nơi nào. Em muốn kịp chúc anh trước nửa đêm. Và đã kịp. Bây giờ mới là mười hai giờ kém tám phút.
Cô đến gần anh, đưa những ngón tay lên và lướt môi mình lên miệng anh. Cô ôm anh. Anh quyết định hỏi cô xem hãng nào trộn hương nhài với vani trong loại nước hoa cô dùng mà tuyệt vời đến thế. Cô thơm y hệt như lần đầu tiên anh gặp cô.
Nhìn thấy anh đứng, không biết làm gì với tay, cô lùi lại và nhìn vào mắt anh, đưa cho anh một con hổ nhỏ bằng nhung vàng, trên bụng có thêu dòng chữ bằng tiếng Anh màu đen Get physical . Cô nói:
- Đây là quà cho anh nhân ngày lễ đặt tên. Còn bây giờ thì anh thôi không làm việc nữa. Em mời anh sang bên em. Em hứa là sẽ không kiểm tra anh vế Chopin nữa đâu.
Anh cười, ngạc nhiên và cứ nghĩ mãi, không biết Get physical có chắc chắn có nghĩa là anh được chạm vào cô không. Anh muốn rằng nó đúng là có nghĩa như vậy. Hôm nay trông cô không bình thường. Nữ tính, bí ẩn, rất khác mọi khi. Cái mùi ấy, giọng nói ấy, bộ mông ấy. Và con hổ nhỏ này nữa. Anh quyết định từ bây giờ sẽ bắt đầu học các đặc ngữ trong tiếng Anh. Anh muốn đi ngay với cô, nhưng chợt nhớ là phải đóng chương trình mà anh khởi động lúc cô gõ cửa phòng làm việc của anh và tắt máy tính. Anh hôn lòng bàn tay phải của cô và quay lại bàn làm việc. Khi gõ các lệnh, anh bỗng cảm thấy cô đang đứng sau lưng, ngực chạm vào tóc anh, nghiêng người và bắt đầu thở nhẹ sau tai anh. Anh dừng tay trên bàn phím. Không biết phải làm gì. Tức là anh biết, nhưng không dám quyết định phải bắt đầu như thế nào. Tình huống thật lạ lùng. Anh ngồi bất động, như bị liệt, hai bàn tay đặt trên bàn phím, còn cô đứng sau anh và hôn tóc anh. Rồi cô lùi ra một lúc. Anh không động đậy. Anh nghe thấy tiếng vải sột soạt và sau đó cái áo hồng phủ lên hai bàn tay anh đang nằm im trên bàn phím máy tính. Anh từ từ xoay cái ghế xoay mà anh đang ngồi. Cô dịch ra để lấy chỗ cho anh. Ngực cô ở đúng tầm mắt anh. Cô đứng giữa hai đùi anh vị từ từ đưa sát ngực vào miệng anh. Chúng to hơn là anh vẫn hình dung. Anh bắt đầu khẽ chúm miệng.
Rồi anh đứng dậy và ôm cô sát vào mình. Anh run. Bao giờ anh cũng run trong những khoảnh khắc như thế này. Giống như người ta run vì lạnh. Đôi khi đến mức răng va vào nhau lập cập. Anh hơi xấu hổ vì điều đó nhưng không biết kiềm chế. Anh lùa lưỡi vào miệng cô đã mở rộng. Anh hôn. Đột nhiên cô lùi ra xa, lấy áo khoác lên người, không cài lại cúc cô nắm tay anh và dắt anh ra hành lang.

- Thôi sang phòng em - cô thì thầm.
Cô gần như chạy, kéo anh qua những hành lang của Viện anh đủ được chiếu sáng bởi những đèn chỉ dẫn lối thoát hiểm màu xanh. Chắc chắn là cô nhận thấy anh vẫn run. Rồi cô đi chậm lại, nắm cả hai tay anh kẻo vào giảng đường tối om. Cô vừa hôn vừa đẩy anh cho tới khi cô tựa người vào cửa. Cô quỳ xuống trước mặt anh. Anh để cả hai tay lên đầu cô khi cô làm việc đó. Tựa người vào tường, anh thả người theo những chuyển động của cô, lưng anh lúc ấn vào lúc thả ra cái công tắc điện ở phía sau. Những dãy đèn neon treo trên trần của giảng đường rộng mênh mông lách cách bật tắt. Những lúc đèn sáng, anh nhìn thấy cô quỳ trước anh. Hình ảnh ấy cũng kích thích anh mạnh hơn. Nhưng anh không còn run nữa. Chỉ thấy thật tuyệt vời.
Tuy nhiên chuyện ấy không thể diễn ra lâu được. Anh hoàn toàn không được chuẩn bị...
Jennifer biết rằng rồi việc này sẽ đến. Hai tay cô túm lấy hông anh và không cho phép anh rút lui. Anh rên lên. Anh đưa tay cô lên miệng mình và bắt đầu cắn nhẹ và hôn. Cô vẫn quỳ trước anh. Họ cứ như vậy trong một khoảng thời gian nào đấy. Không nói. Rồi cô đứng dậy, ôm lấy anh, gục đầu lên vai anh và thầm thì:

- Eljot, thế là anh không có lễ đặt tên rồi. Nhưng không sao. Em vẫn muốn anh đến chỗ em. Thậm chí lúc này còn hơn cả hôm qua, trước đây vài phút. Em muốn bây giờ chúng mình sẽ làm một cái gì đó cho em. Chúng mình sẽ làm chứ?
Cô lùi lại cài một cúc áo, nắm tay anh và kéo anh theo mình chạy ra khỏi giảng đường. Anh nhắm mắt chạy theo cô qua mê cung tối om của những hành lang và nghĩ rằng việc anh làm trước tiên, là hút thuốc lá. Hít khói thật sâu, nhắm mắt và nhớ lại, tuyệt vời biết bao. Thiếu thuốc lá "ngay sau" chuyện đó thật chẳng khác gì "chưa hoàn thành". Ngoài ra điếu thuốc này sẽ là điếu đặc biệt, bởi nó còn là điếu thuốc "ngay trước khi". Một lúc sau họ đã đứng trước cửa phòng cô ở phía đông của khu vực trường. Họ không bật đèn. Anh không còn muốn hút thuốc nữa. Anh chỉ muốn được cho vào càng nhanh càng tốt.
Họ thiếp đi, mệt rã rời khi bình minh ló dạng.
Hôm ấy mãi gần trưa anh mới đến phòng thí ngthiệm. Cô thư ký reo lên vì mừng khi nhìn thấy anh.
- Chúng tôi tìm anh đã mấy tiếng - cô ta nói. - Thậm chí chúng tôi đã định báo cảnh sát. Kể từ ngày anh từ Ba Lan sang, bao giờ anh cũng có mặt ở đây trước bảy giờ sáng. Tôi sẽ gọi ngay cho giáo sư, báo rằng anh đã có mặt. Chúng tôi lo cho anh quá. Không có gì xảy ra cho anh, thế là tốt rồi - cô ta nói thêm, rõ ràng là như vừa trút được gánh nặng.
Anh cảm thấy hơi ngượng vì đã làm cho mọi chuyện rối tung lên như vậy. Nhưng anh đã không thể biết trước được kịch bản của đêm qua. Hơn nữa - anh nghĩ, vừa cười thầm- đã chẳng xảy ra đấy thôi. Và những sáu lần không thể quên, không tính đến sự kiện trong giảng đường.

Với sự kiện trong giảng đường, anh không thể quên được. Gần về sáng, khi họ nằm ôm nhau, hút thuốc lá, uống trà xanh với nước bưởi vắt và đá - Jeunifer cho rằng trà xanh không chỉ làm sạch cơ thể mà còn làm sạch cả tâm hồn". - và nghe các bản noctunrne của Chopin, anh hỏi thẳng cô về sự kiện trong giảng đường. Câu trả lời của cô khiến anh không bao giờ quên. Cô vùng ra khỏi vòng tay anh, ngồi xổm trên giương trước mặt anh - cặp đùi mở ra của cô ở đúng trước mắt anh - cô chuyển từ thì thầm sang nói bình thường:
- Anh ngại về tinh dịch của mình phải không? Eliot, anh hãy nhìn nhận vấn đề như thế này. Tinh dịch bao gồm bạch cầu, đường trái cây, chất điện phân, axit chanh, hydrat cácbon và axit amin. Nó chỉ có từ năm đến bốn mươi calo và không gây nên bệnh mục xương. Bao giờ cũng có nhiệt độ bằng nhiệt độ cơ thể anh. Ngoài ra nó luôn luôn tươi, bởi tinh dịch cũ sẽ chết đi. Về nguyên tắc là không vị... Nếu anh uống nước dứa và không hút quá nhiều thuốc, nó sẽ có vị ngọt. Ngoài ra, nhờ có năm mươi đến ba trăm triệu tinh trùng mà nó được coi là thuốc tiên cho cuộc sống. Ít nhất thì cũng trong văn hóa phương Đông. Người Ấn Độ cho là như vậy. Em biết điều này không chỉ từ sách. Thầy dạy nhạc gần đây nhất của em, hồi còn ở đảo, trước khi em đến đây, đến Dublin này, là người Ấn Độ. Họ đã biến tình dục thành một nghệ thuật. Nghệ thuật này là tantra. Đối với tantra, tình yêu thể xác là lễ ban thánh thể. Trong tantra người ta không giao cấu với nhau. Trong tantra, Lingam, nghĩa là vương trượng sáng chói hay theo tiếng Anh là dương vật nó làm đầy Joni, nghĩa là khoảng không thần thánh của đàn bà, trong tiếng Anh tức là âm đạo. Những chữ đầu của tên anh, "IL", đó là viết tắt của tantra. Qua cái này, anh đã hứa hẹn sự sung sướng ngay từ đầu rồi.

Cô cười cúi xuống anh và hôn mắt anh...

Cô lại năm xuống, quay lưng sát vào anh nhất mà cô có thể rồi cầm tay phải anh đặt lên ngực mình. Họ nằm im lặng một lúc. Cô không thể không nhận thấy là của anh lại bị cương cứng. Cô gầm gừ khe khẽ vì hài lòng và nói:

- Ngoài ra đàn ông các anh rất thích khi người ta làm thế với các anh, đúng không?

Và không đợi anh trả lời, cô nói thêm, cười khúc khích:

- Em dám chắc là nếu các anh luyện tập được, thì các anh sẽ tự đưa nó lên miệng hàng ngày, đúng không?

Anh cười phá lên sau sự lưu ý cuối cùng ấy, quay mặt cô về phía mình và trước khi hôn, anh thầm thì:

- Từ hôm nay anh sẽ hút ít đi và sẽ ăn chủ yếu là dứa.

Kể từ cái đêm đáng nhớ đó, anh từ phòng thí nghiệm về phòng Jennifer hầu như hàng ngày. Một phần các phòng sinh viên, giống như phòng anh được gọi là phòng khách, là một căn hộ đơn có bếp và buồng tắm riêng.
"Nhỏ" là theo Jennifer. Phòng khách của anh còn lớn hơn toàn bộ căn hộ của bố mẹ anh ở Ba Lan nhiều.
Tất nhiên, những phòng như phòng của Jeumfer đang ở đắt hơn hẳn những phòng bình thường khác. Tuy nhiên việc này đối với cô không có ý nghĩa gì hết. Mặc dù chưa bao giờ họ nói chuyện về đề tài này, nhưng Jennifer có tất cả, trừ những khó khăn về tài chính. Một lần nhân thể anh gợi chuyện để Zbyszek nói về đề tài tài chính của Jennifer. Anh ta chỉ biết rằng bố Jennifer là chủ của mạng lưới phà nối đảo Wight, nằm gần Kornwalia trên kênh La Manche với Ports-mouth và Southampton. Có lần anh đủ can đảm để gợi chuyện về bố mẹ cô với cả cô. Jennifer nói giọng buồn buồn:

- Bố em là người Mỹ, xuất thân từ một vùng của Conneticut, nơi mà những người đàn ông ra đồng làm việc cũng đeo cravát, còn mẹ em là người Anh, xuất thân từ một gia tộc mà các bà mẹ khuyên các cô con gái của mình phải nhắm mắt và nghĩ về Anh quốc trong đêm tân hôn. Việc họ cho em, nếu đó thực sự là họ, cuộc sống, gần như là một phép màu. Em chưa từng bao giờ nhìn thấy bố em hôn hay động tới mẹ em. Bố cần phải giầu có, còn mẹ cần phải kiêu hãnh. Em có mặt trên cuộc đời này có vẻ như là do họ cần phải có người thừa kế. Đó không phải là một lý do lãng mạn, nhưng cũng có mặt tốt của nó. Nếu em đã không thể có được tình yêu của họ, thì ít ra cũng được thoải mái.

Cô kết thúc dứt khoát:

- Anh đừng bao giờ hỏi thêm về họ nữa. Nhớ chưa.

Cô chưa bao giờ nói chuyện với anh về tiền bạc. Đơn giản là cô có. Riêng bộ hi-fi đã đắt hơn cả chiếc Suzuki nhỏ mui trần màu bạc của cô, cái xe mà cô vẫn đỗ ở trước nhà sinh viên và thỉnh thoảng cô vẫn dùng nó đưa anh đi chơi. Chẳng có gì lạ: những sợi cáp dài mấy mét của các thùng loa của bộ dàn của cô được làm bằng hợp kim vàng. Mà vàng là chính.

Phòng của Jennifer có thể mò mẫm cũng tìm thấy. Anh rất hay phân vân, làm thế nào mà hàng xóm của cô có thể chịu nổi. Từ phòng cô, lúc nào cũng phát ra tiếng nhạc thật to. Thậm chí nếu đó có là Bach, Mozart, Chaikovsky hay Brahms thì anh cũng không thể chịu đựng được lâu. Họ là những người độ lượng thế nào đấy. Có thể phải là người Anh để có thể làm được vậy. Như đã thấy, sống trong những phòng bên cạnh, toàn là người Anh.

Thỉnh thoảng anh đến phòng cô từ sớm, họ cùng ăn tối và trò chuyện. Tiếng Anh của anh không ngừng tiến bộ. Cả hiểu biết về nhạc cổ điển cũng vậy. Sau mấy tuần anh đã khá đến mức có thể phân biệt được nhạc của Bach với nhạc của Beethoven, thậm chí cả Opera của Rossini với Opera của Prokofiev.

Ngoài ra, thế giới của nhạc cổ điển và các nhạc sĩ được Jennifer khám phá trước mắt anh, giống như một cuốn tiểu thuyết đầy tính dữ dội về tất cả những tội lỗi của thế giới này. Trước đây anh tưởng rằng thực sự phạm tội trong âm nhạc chỉ có thể là Mick Jagger hoặc tay trống Keith Richard, người lúc nào cũng đờ đẫn vì tất cả những gì có thể mút, uống hoặc chích. Không còn gì nhầm lẫn hơn! Đây hoàn toàn không phải bắt đầu từ rock and roll. Những tội lỗi trong âm nhạc còn xa xưa hơn cả những vở opera của Monteverdi, mà ông này đã soạn nhạc từ gần 300 năm trước đây. Tội lỗi chủ yếu là rượu chè và ngoại tình. Từ muôn đời nay. Mà nếu không phải từ muôn đời nay thì ít nhất cũng từ thời mà opera được chuyển từ lâu đài đến nhà hát và bắt đầu được bán vé và cần phải làm cho đám thường dân quan tâm đến một cái gì đó. Phần lớn những nhạc sĩ lớn của những thời kỳ ấy không chỉ bị nghiện âm nhạc, mà còn nghiện rượu, nghiện sự cô đơn vô tận và nghiện những người đàn bà của mình.
Ví dụ, Beethoven đã chết vì xơ gan. Ông uống bởi ông quá nhạy cảm, lúc nào cũng túng quẫn và thêm vào đó, ông còn bị điếc. Năm 1818 - cũng vào năm này, cậu bé Chopin tám tuổi đã chơi trước công chúng bản concerto đầu tiên của mình - ông bị điếc hoàn toàn, mặc dầu vậy ông vẫn tiếp tục sáng tác. Khi biết anh bị xơ gan, ông đã thôi không uống cô-nhắc và chuyển sang rượu vang sông Ranh vì cho rằng loại này có tính chữa bệnh đặc biệt. Tuy nhiên, ở Beethoveen, đây có lẽ mang tính di truyền. Bởi chromosom 21 ứng với chứng nghiện rượu là chromosom nhỏ nhất, có tính di truyền rất cao. Ông là đứa con thứ tám của mẹ ông, trong số đó có ba bị điếc, hai bị mù và một bị mắc bệnh tâm thần. Khi mang thai lần thứ tám, bà bị bệnh giang mai và nghiện rượu. Bà uống vì buồn, thì cũng như Ludvig thôi. Jennifer kể với anh với tình cảm như kề về tật nghiện rượu của chính cha mình. Thật may mắn vì hồi đó chưa có những phụ nữ đòi bình quyền, đấu tranh cho quyền được nạo thai của phụ nữ! Bởi chắc chắn họ sẽ khuyên mẹ của Beethoven nạo thai và nhân loại sẽ không có Bản giao hưởng số VII!!!
- Anh có hình dung được không, thế giới không có Bản giao hưởng số VII??? - cô hỏi đầy hưng phấn.
Anh hình dung ra rất rõ ấy chứ. Thế giới không có bản thứ nhất, cả từ bản thứ hai đến thứ sáu chứ chưa nói gì đến bản thứ bảy, anh cũng hình dung ra chẳng khó khăn gì. Nhưng anh không muốn chọc tức cô. Còn cô lại tiếp tục:

- Mà bản giao hưởng này cũng vĩ đại và quan trọng đối với nhân loại như Kim tự tháp, Vạn lý trường thành, bộ não của Einstein, chiếc bóng bán dẫn đầu tiên hay việc phát hiện ra ADN của anh. Nó thiên tài đến mức như một bản ký hiệu số bên cạnh ảnh của con người và hình vẽ sơ đồ hệ mặt trời nó đã bay vào Vũ trụ bằng một trong những đầu dò của Mỹ, và sau vài năm nữa sẽ tách khỏi hệ thiên hà của chúng ta và rất có thể sẽ được những nền văn minh khác nhận được. Còn trước hết nó đơn giản là đẹp: Anh có biết là chỉ vì một bản giao hưởng ấy mà người ta đã xây dựng ở Paris và Viên những phòng hòa nhạc lớn hơn?!

Jennifer còn biết nhiều chuyện hay ho khác của cái thế giới hư hỏng của những nhạc sĩ hàng đầu của thế kỷ trước. Ví dụ như về Brahms, bên cạnh Beethoven, là người hay có tên trong bảng xếp hạng của thời kỳ đó nhất.

Brahms, cũng như Beethoven, uống rất nhiều. Tuy nhiên ông không bao giờ uống cô-nhắc, bao giờ ông chỉ uống vang. Nhưng thay vì thế, ông chuyên đi ngoại tình. Một trong số người tình của ông là vợ của người bạn thân của ông, một mạnh thường quân của âm nhạc. Chuyện ngoại tình của ông đi vào lịch sử chủ yếu là do việc ông ngủ với Clara Vieck, vợ của Robert Schumann, một nhà soạn nhạc vĩ đại khác của thế kỷ XIX. Thế giới không bao giờ tha thứ cho ông về chuyện đó. Không phải vì ông đã ngủ với Clara. Điều này thậm chí còn tuyệt hợp với nghệ sĩ. Mà chủ yếu là vì bối cảnh đã dẫn tới chuyện đó. Vào năm 1854, Schumann bị đưa vào bệnh viện tâm thần sau một lần tự sát không thành, Brahms chuyển hẳn đến Dusseldorf, nơi có ngôi nhà của ông bà Schumann, để "an ủi" người vợ của kẻ tự sát không thành, Clara xinh đẹp. Từ kẻ an ủi ông đã trở thành người tình và thậm chí đã sống với cô ta hai năm. Và thời gian đó ông đã sáng tác được tác phẩm thực sự thành công của mình, Concerto số 1 cung rê thứ dành cho piano. Bản concerto này đã nằm trong bảng xếp hạng của các phòng hòa nhạc châu Âu suốt một năm dài. Khi Schumann qua đời trong trại tâm thần năm 1856, Brahms đã bỏ Clara và đi Dusseldorf. Ngay sau đấy ông bắt đầu uống. Thỉnh thoảng ông uống với cả Wagner, một nhạc sĩ nổi tiếng khác, người mà ông căm thù, người luôn ghen với ông không phải vì vinh quang, mà là sự thành công đối với phụ nữ.

Thực ra thì nói chung, thế giới của các nhạc sĩ kiểu Brahms và Liszt là thế giới của lòng hận thù, ghen ghét, trống rỗng và đủ các trò dan díu. Chỉ một người trong số họ được tất cả kính trọng và ngưỡng mộ vô điều kiện. Người mà Mozart và Beethoven đã chơi những tác phẩm của ông. Chopin đã học nhạc qua ông.
Nhạc sĩ này luôn luôn là en vogue (mốt) - trước đây cũng như bây giờ. Đó là Bach. Tuyệt đối evergreen. Nếu thời đó có MTV, thì chắc chắn họ sẽ mở những chủ của Bach như giờ đây mở nhạc của Pink Floyd hoặc Genesis.
- Eljot, anh về nguyên tắc, phải yêu ông ta hơn tất cả những người khác - Jennifer nói giọng xúc động. - âm nhạc của ông ấy là sự chính xác của toán học. Giống như những chương trình của anh ấy. Mặc dầu vậy, cả những người theo chủ nghĩa duy lý lạnh lùng và những kẻ lãng mạn tinh tế đều thích ông ta. Ngoài ra, không có ai ghét ông ta như những tay chơi nhạc jazz. ở Bach, có drive and swing. Thậm chí trong Bản ca ngợi Thánh Giăng và Bài kinh nguyện h-moll cũng có swing. Ngoài ra, Bach cũng như Chúa Trời. Người ta không thể yêu hay ghét Bach. Người ta chỉ có thể tin hoặc không tin Bach mà thôi. Hẳn Bach đã được lập trình trong thời điềm khởi đầu của vũ trụ. Có thể chơi Bach trên bất cứ một loại nhạc cụ nào và bao giờ cũng vẫn vang lên như Bach. Thậm chí trên ghita điện hay trên đàn organ điện tử.
Anh biết được tất cả những điều đó trong bữa tối ở chỗ Jennifer. Cô mở chai vang của anh mang đến, ngâm nga lời những vở nhạc kịch hoặc kể những câu chuyện lý thú về thế giới âm nhạc, cô đặt đĩa vào mâm của cái máy quay đĩa, ngồi lên đùi anh trong chiếc sô pha thoải mái và họ nghe nhạc trong im lặng. Thỉnh thoảng anh hút thuốc, xì-gà mà cô mua trong một cửa hàng đặc biệt ở Dublin. Thỉnh thoảng họ cùng hút. Iennifer thích xì-gà. Cô càng thích hơn khi nhận thấy hình ảnh điếu xi- gà trong miệng cô tác động đến anh như thế nào, nhất là sau khi đã uống vài ly vang.
Mọi cái với họ thật dễ chịu. Nếu giờ đây phải gọi tên cái giai đoạn cùng với Jennifer ở Dublin ấy, thì anh sẽ nói rằng họ hạnh phúc như một cặp uyên ương ngay sau ngày cưới. Song họ đã không bao giờ được gọi là một cặp và họ cũng chưa bao giờ nói về tương lai của mình. Đơn giản là họ cùng nhau tiêu thời gian. Anh không yêu cô: Chỉ rất thích cô. Và rất đòi hỏi. Có thể vì vậy mà họ đã cùng nhau tốt đến vậy.
Hôn nhân không nhất thiết phải được thiết lập trong trạng thái bệnh tật, là trạng thái được gọi là yêu này. Điều này đúng hơn phải bị cấm. Nếu không cả năm, thì ít nhất cũng từ tháng ba đến tháng năm, khi trạng thái này vì lý do nhiễu loạn của cơ chế tạo hoóc môn, trở nên phổ biến và những biểu hiện đặc biệt mãnh liệt. Trước hết cần phải loại bỏ thói quen, giải độc nghiêm chỉnh và sau đấy mới quay lại với ý nghĩ về hôn nhân. Trong trạng thái khi mà người ta yêu nhau, dopamina tràn qua các kênh suy nghĩ có lý trí và nhấn chìm não. Đặc biệt là bán cầu trái. Điều này đã được chứng minh đầu tiên là trên chuột sau đó trên tinh tinh và cuối cùng là trên người. Nếu trạng thái yêu kẻo quá dài, con người sẽ chết vì kiệt sức, rối loạn nhịp tim hoặc tán đập nhanh, vì đói hoặc hội chứng mất ngủ. Những người dù sao cũng không bị chết, thì trong trường hợp khá nhất cũng phải vào bệnh viện tâm thần.
Với Jenmfer, anh hoàn toàn kiểm soát được dopamina của mình, mặc dầu vậy, họ vẫn có bao nhiêu trải nghiệm không thể nào quên. Mối quan hệ của họ, cái mà sau này anh không thể có lại được với bất cứ người phụ nữ nào khác, là minh chứng cho sự chiến thắng của những ý nghĩ trong sáng thuần khiết tinh thần trước ý nghĩ được thể hiện trong hóa học của những hoóc- môn hoặc nơron vận chuyển nào đó.
Bởi âm nhạc là một đam mê lớn đến như vậy của Jennifer, nên từ ý thức về tình bạn, anh buộc phải, ít nhất cũng là giai đoạn đầu, củng nghe và thắp lên trong tình dù chỉ là chút ít lòng nhiệt tình. Suốt hai tuần đầu tiên là như vậy. Sau đó tự anh bắt đầu nhận ra rằng, sau cà ngày phân tích các chương trình của các bản sao gien, làm việc với các nucleosom và histonam thì những đĩa nhạc của Bizet, Ravel hay Wagner được thu thật tốt sẽ khiến anh dịu đi và thư giãn. Hoàn toàn ngược lại với Jennifer. Cô trải qua mỗi concerto như chính đám cưới của mình. Xúc động và bao giờ cũng hết sức hưng phấn. Đó quả là một chòm sao tuyệt vời cho cả hai. Khi đó họ lên giường, hoặc yêu nhau trên đi-văng hoặc trên sàn nhà. Với sự hưng phấn của cô và sự yên ả nơi anh, không có gì xảy ra quá sớm. Nhờ có âm nhạc mà họ đạt được đỉnh điểm gần như là đồng thời.
Ngoài ra, anh còn nhận thấy, tốt nhất đối với họ là sau khi nghe opera của Puccini. Do đó mà Turando, Tosca, Madame Buttterfly với anh không chỉ là tên của các vở opera, mà còn là bản ghi chép câu chuyện tình thầm kín của đời anh. Có hai vở opera của Puccini đặc biệt ghi sâu trong trí nhớ anh. Với Jennifer, Tosca là một sự trình diễn có thể được gọi là nỗi kinh hoàng về chính trị hoặc như cô tự gọi, "mối tương quan giữa opera với những phòng tra tấn". Cô cho rằng nếu nó được sáng tác vào giai đoạn hiện tại, thì chắc chắn phải ở Hollywood và chắc chắn sẽ được gọi như bộ phim với Schwarzenegger - Hãy chết từ từ. Jennifer có mấy đĩa Tosca, mỗi đĩa với một nữ diễn viên chính khác. Mặc dù anh chỉ biết mỗi tên Mang Callas, cô vẫn giải thích cho anh, rằng cô Renata Tebaldi nào đó hát mới thực sự tuyệt trần. Anh thì chẳng nhìn thấy sự khác nhau nào, nhưng Jennifer vô cùng ngưỡng mộ Tebaldi.
- Cô ấy hát như thể đang có mặt ở đây, trong phòng này, và nhìn vào mắt chúng ta. Anh có cảm thấy thế không? – cô hỏi.
Anh không cảm thấy. Với lại, anh không muốn cảm thấy có bất cứ ai khác trong phòng này ngoài Jennifer. Cavaradossi đã thực sự bị đội thi hành án bắn, Jennifer bắt đầu run. Một lát sau, khi Tosca thất vọng ngã xuống, Jennifer nép vào anh như một đứa trẻ đang sợ bão. Mấy phút sau, ở trên giường, cô đặc biệt tình cảm, nhẹ nhàng và im lặng. Sự im lặng này là bất thường. Bình thường, Jennifer đặc biệt ồn ào, điều mà anh rất thích.
Tiếp theo, Cyganeria của Puccini đã đưa Jennifer đến trạng thái gần như là mê đi. Cô đặc biệt hay nghe đĩa này. Chuẩn bị cho bữa tối, cô mặc hết sức trang trọng, lấy champagne, từ chối vang của anh, cô để điếu xì-gà Cuba loại ngon nhất cạnh đĩa trái cây tráng miệng và sau đó, khi đã ăn xong, cô đi đến chỗ anh trên đi-văng, không mặc đồ lót. Sau Cyganeria không bao giờ họ kịp vào được đến giường. Sau đó, khi tất cả đã xong xuôi, cô thích nói về vở opera này. Có lần cố nói với anh rằng, cô mơ ước viết phần hai cho Cyganeria. Một Cyganeria II như vậy thì chỉ có Jennifer mới có thể nghĩ ra. Ngoài ra cô còn nhận thấy rằng khi người đàn ông gặp người đàn bà thì mọi cái đều có thề xảy ra. Và Cyganeria là bằng chứng tốt nhất nói lên ràng đó là sự thật.
Những ngày anh làm việc đến khuya và họ không thể cùng nhau vào buổi tối được, Jennifer không khóa cửa phòng mình. Anh vào thẳng phòng tắm và cứ khỏa thân lên giường cô. Cô rất thích anh chui vào chăn, đánh thức cô dậy và chậm rãi hôn khắp người cô, đầu và miệng anh hạ cánh xuống giữa hai đùi cô.
Quãng thời gian cùng với Jennifer giống như một bộ phim truyền hình nhiều tập mà người ta sẵn lòng xem hàng ngày và trong đó không có nỗi buồn và sự nhàm chán, tình dục và nhạc thường chiếm ưu thế. Ngoài ra anh chăm chút cô như chăm chút người đàn bà của anh. Anh mua hoa, xoa bóp bàn chân sưng khi cô đi tập aerobic về, chịu đựng những cơn cáu giận vô cớ vào những ngày khó chịu trước kỳ kinh của cô, anh vặn lại vòi nước bị rò rỉ, hôn tay cô lúc tạm biệt để đi làm vào buổi sáng, cùng cô đi Dublin và đi hàng giờ với cô khắp các cửa hàng không một lời phản đối, uống trà xanh với cô và nói chuyện về âm nhạc, cũng học thi với cô, gọi điện để hỏi cô đã án trưa chưa. Ngoài ra, mặc dù không thành công lắm trong việc giảm hút thuốc lá, anh ăn dứa hoặc uống nước ép dứa đều đặn.
Và mặc dù không hứa cũng không đòi hỏi gì về lòng chung thủy, họ không thể hình dung được lại có thể khác đi. Anh nhớ chỉ có một lần Jennifer nói đến chuyện này. Và không phải là trực tiếp. Một cuối tuần nào đó cô bay về nhà trên đảo Wight qua London.
Anh nhớ cô. Anh cảm nhận một nỗi buồn thực sự, u uất vì thiếu vắng và xa cách cô. Hai ngay sau anh thấy một bưu thiếp trong hộp thư của mình. Ngoài năm dòng kẻ với mấy nốt nhạc bao giờ cũng có, và luôn luôn khác nhau mà bao giờ cô cũng thêm vào tất cả các thư hoặc bưu thiếp của mình còn có dòng chữ:


Eljot, em muốn anh biết (mặc dù em qua thật không biết sự hiểu biết này có ích gì cho anh không), rằng anh là người đàn ông duy nhất chạm vào em. Cả trong ý nghĩ của em nữa. Có thể em không muốn anh biết điều này nhưng đơn giản là em muốn nói với anh .

Jennifer



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:21  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Khi đó lần đầu tiên anh hiểu rằng, cái đang có giữa họ không phải là bất cứ một bộ phim truyền hình nhiều tập nào đối với Jennifer. Sau khi quay lại, không bao giờ cô trở lại lời thú nhận này nữa và không bao giờ bình luận về tấm bưu thiếp kia. Ở bên Jennifer, anh biết thêm nhiều vở opera mới của nhiều nhạc sĩ, phân biệt được ngày càng nhiều các bản giao hưởng, hút loại xì-gà càng ngày càng ngon hơn, nói tiếng Anh ngày một tốt hơn và trải qua những sáng tạo tình dục ngày càng đáng mơ ước hơn. Bên cô anh thôi không còn ngạc nhiên trước bất cứ điều gì nữa. Cho tới tận buổi sáng hôm ấy, ba tuần trước khi anh trở về Ba Lan.
Thời gian ở Dublin đã sắp hết. Anh làm việc nhiều đến nỗi rất hiếm khi được ăn tối cùng với Jennifer. Đôi lần muộn đến mức nói chung anh không về phòng cô: Anh về phòng mình mệt rã rời và để nguyên quần áo đi ngủ. Song đêm hôm ấy anh đã về phòng cô. Lần ấy anh không phải mặc dù anh rất thích điều này, đánh thức cô bằng nhũng nụ hôn. Cô chưa ngủ khi anh rón rén chui vào chăn. Cô khỏa thân. Chờ anh.
Cả hai đều cảm thấy mọi chuyện sẽ kết thúc. Bây giờ họ yêu nhau khác hơn. Không còn sự hoang dại ấy, từ tốn và với đôi chút suy nghĩ. Như thể họ muốn trải qua tất cả thật chính xác, có ý thức và làm sao để nhớ nhiều nhất và lâu nhất Những kỷ niệm ấy phải đủ cho một thời gian dài. Thậm chí là cho suốt cuộc đời. Jennifer cũng trải qua đỉnh điểm khác hơn. Cô đã khóc vào một lúc ngay sau đó. Khi anh hỏi tại sao, cô không trả lời, chỉ dùng hết sức đề ôm anh thật chặt.

Sáng hôm sau thức dậy, anh cảm thấy có cái gì nằng nặng đè lên người mình. Thoạt đầu anh nghĩ là đang mơ. Anh từ từ mở mắt. Jennifer, hoàn toàn khỏa thân đang ngồi dạng chân lên người anh, hai tay xoa và nắn đầu vú mình, đầu ngửa ra phía sau và cô nhịp nhàng nhấc người lên. Cô thở mạnh. Của anh đang ở trong cô!
Một lát sau, khi cô thẳng đầu lại, anh nhìn thấy cô đeo bộ tai nghe to màu đen. Cô nghe nhạc. Anh không để cho cô biết là mình đang nhìn cô một lúc. Anh khép hờ mắt và quan sát cô. Cô nhấc người lên, nhanh hơn hoặc chậm lại, thở chậm hơn hoặc gấp hơn, thỉnh thoảng lại phát ra tiếng rên. Đó là một hình ảnh thật đặc biệt. Hai bầu vú nặng của cô nẩy lên rơi xuống. Miệng hé mở, thỉnh thoảng lại liếm môi. Rồi chắc cô phải cảm thấy sự cương cứng của anh dữ dội hơn. Cô mở mắt tìm anh. Cười. Cô đặt tay lên miệng, ra hiệu cho anh im lặng. Cô nghiêng người - vẫn liên tục nhún trên anh - để lấy cặp tai nghe nữa dưới gối. Cô nhấc tay anh ra khỏi ngực mình và đặt vào đó cặp tai nghe. Anh nhấc đầu, đeo tai nghe.
Nhà triết học Colline đã hát đúng aria nổi tiếng Vecchia zimarra. Rudolf tưởng là Mimi đã ngủ nên đi ra để kẻo rèm cửa sổ Jennifer không chỉ nhún. Lúc này cô còn chuyển mông dữ dội theo chiều ngang, khiến vùng hông làm thành những đường tròn nhỏ. Cô đưa tay Jakub lên miệng và cắn. Khi Rudolf quay lại với Schaunard, Colline và Musseta, nhìn ánh mắt của họ anh biết ràng Mimi đã chết. Jennifer khóc to. Cô kẹp đùi lại. Rudolf đến chỗ Mimi. Jennifer đột nhiên quay lưng lại Jakub, vẫn không ngừng nhún. Jakub nắm ngang hông Jennifer, nhịp nhàng ấn về phía anh. Rudolf quỳ xuống bên giường Mimi. Jennifer rú lên, vứt tai nghe.
Cyganeria kết thúc. Jennifer nghiêng rất nhanh người ra trước, những móng tay cô cắm vào đùi anh. Khi cô nhấc người lên, anh nhìn thấy trên mỗi bên chân anh ba rãnh sâu dài chừng mười centimét đang rớm máu.
Những vết sẹo sau Cyganeria "lúc gần sáng" sâu đến mức sau đó anh đã mang chúng theo về Ba Lan. Ngoài ra, lúc còn ở Dublin, chúng đã khiến anh bị lúng túng khi cởi quần áo trong các buổi tập squash hàng tuần với Zbyszek. Kể từ khi anh lui tới phòng Jennifer, Zbyszek lảng tránh anh. Đến giai đoạn cuối của anh ở Dublin, họ chỉ còn gặp nhau ở chỗ tập squash.
Những gì liên quan đến Jennifer, mãi cho tới buổi liên hoan chia tay do anh tổ chức vào rước ngày anh về nước, mới được bộc lộ rõ. Anh mời vài người quen ở viện, Zbyszek và đương nhiên là cả Jennifer. Cô dẫn theo cô bạn Madelaine, người Pháp, học cùng năm.
Không khí tối hôm đó thật khó để nắm bắt được. Nỗi buồn chia tay xen lẫn với niềm vui vì cuối cùng mình đã được về Ba Lan. Ngoài ra anh còn vô cùng hưng phấn vì những gì mình sẽ làm với những tài liệu khoa học mà anh thu thập được ở đây. Chỉ có một điều anh biết chắc chắn: sẽ nhớ Jennifer vô cùng.
Jennifer đã mua cho buổi tối hôm đó một chiếc váy trắng với những bông hoa to màu xanh thẫm. Cô khiến tất cả mọi người phải ngạc nhiên. Đó là lần đầu tiên một người nhìn thấy Jennifer mặc váy, mà cô đã học ở Dublin được bốn năm. Trông cô thật khác thường. Anh rất thích cô buộc tóc thành lọn để hở cổ. Cô đến hơi muộn, hút một điếu xì-gà không lồ, và tất nhiên là một người đều nhận thấy ràng bên dưới chiếc váy hơi trong, mỏng cô không mặc nịt vú, nhưng lại mặc chiếc quẩn lót đen khoét cao. Cô đã hơi ngà ngà say. Kẹp dưới nách mấy chiếc đĩa hát. Khi có một ai đó nói đùa với cô về chiếc quần lót không hợp với váy, cô trả lời:
- Hôm nay là ngày tang lễ đầu tiên sau Jakub. Mai tôi sẽ mặc nịt vú đen và bỏ quần lót..
Bữa tiệc sôi động dần. Cô gái người Pháp rô ràng là rất quan tâm đến Zbyszek, người đã hôn cô ta một cách phô trương khi đang nhảy, đặc biệt là khi Jennifer nhìn họ. Những lúc không nhảy, họ ngồi bên chiếc bàn đầy những vỏ chai phản chiếu ánh sáng từ những ngọn nến. Anh ta đã thuyết phục được Jennifer từ bỏ việc "tra tấn" mọi người bằng những opera mà cô mang đến. Họ ngồi nói chuyện bên bàn. Jennifer thỉnh thoảng chạm vào anh, lặng lẽ nghe lỏm câu chuyện của họ và nhặt những mẩu sáp nóng chảy xuống đế đựng nến để trên bàn.
Chợt có tiếng cười khúc khích. Jennifer đặt cạnh ly martini một chiếc dương vật kích cỡ bình thường đang cương cứng, được cô nặn từ sáp nến mà cô nhặt từ tất cả các đế đựng nến trên bàn.
Khi tiếng cười nhỏ đi, cô cầm chiếc dương vật bằng tay phải và đưa vào khe giữa hai bầu vú, nói với giọng mơ màng:
- Vật kỳ diệu này đã được nặn một cách hoàn toàn vô thức trong tay tôi. Nếu không phải là ý thức, thì chắc chắn tiếm thức sẽ phải lãnh trách nhiệm này. Bây giờ thì các bạn đã biết, tiềm thức của tôi quan tâm đến cái gì.
Cô nói và nép sát vào anh. Zbyszek bất thình lình rời khỏi bàn một cách rất khoa trương. Rõ ràng là anh ta cú. Thêm vào đó cô gái người Pháp hoàn toàn bỏ qua anh ta và vẫn ngồi lại. Jennifer làm như không nhận thấy tất cả những chuyện đó. Cô im lặng. Rồi cô nắm tay anh dưới gầm bàn và nói: - Mình đi đi. Hãy quay lại với ngày đầu tiên của chúng mình trong ngày cuối cùng này của chúng mình.
Cô lôi anh ra khỏi phòng và bắt đầu chạy dọc hành lang về hướng Viện anh. Khi họ đến trước giảng đường mà anh nhớ rất rõ kể từ lễ đặt tên anh ấy, cô dừng lại, và như lần ấy cô đưa anh vào phòng. Khi giống như lần ấy, cô quỳ trước mặt anh và như lần ấy, họ lách cách bật tắt đèn neon, anh nghĩ rằng tuy nhiên, đây không phải là deja vu, không phải là ảo giác. Lúc này, đây là Jennifer của anh. Sau đấy, khi họ đang ép sát vào nhau và khóc trong giảng đường tối om ấy, cô thì thầm:
- Jakub, em yêu anh vô cùng, em không thể hình dung ra ngày mai sẽ ra sao.

Một cái lắc vai kéo anh ra khỏi dòng suy nghĩ. Blues kết thúc. Cô gái nhảy ngồi trước mặt anh.
- Anh uống drink của tôi và ở chỗ ly mà tôi để lại dấu son môi.

Đó không phải là Jennifer.
- Xin lỗi. Tôi mải nghĩ quá. Rất xin lỗi. Tôi sẽ mua đền chị drink ngay. Tại tôi sơ ý. Tôi lơ đễnh như vậy đấy. Mong chị thứ lỗi.
- Có gì đâu. Anh không cần phải xin lỗi. Được quan sát anh, quả là điều đặc biệt. Anh ngồi, nhắm mắt và mút chiếc ly này.
Cô lấy chiếc ly ra khỏi tay anh và đi về phía quầy bar, cạnh đó dàn nhạc đang thu dọn nhạc cụ.
- Chị nhảy đẹp lắm. Có thể chị là người đảo Wight? – anh gào lên theo cô ta.
- Không phải đâu! - cô ta trả lời, mất hút sau cánh cửa dẫn ra khách sạn. Anh đứng lên và đuổi kịp cô ta.



CÔ :
Paris, ngày 16 tháng bảy 1996
Em thích anh. Rất thích. Và em còn mừng nhiều hơn vì em có thể thích anh. Mặc dù đó chỉ gần như là toàn bộ sự thật (hiện tại em không muốn đẩy vấn đề đi quá xa). Hôm nay anh đừng coi em quá nghiêm túc.
Chắc chắn trong em đang xảy ra một phản ứng sinh- hóa nào đấy. Em đã dùng một loại chất lỏng tuyệt vời có tên brandy Am, cô-nhắc Armenia, hình như đó là loại đồ uống duy nhất mà Churchill sử dụng. Em đã biết tại sao ông ta chọn chính loại đó. Em chỉ không hiểu, tại sao ông ta tại luôn luôn bị stress. Hẳn đó phải là lỗi của sương mù liên tục ở London.
Giờ đây em vô cùng biết ơn thế giới vì nó hiện hữu, và em hiện hữu. Em thích trạng thái này. Càng thích hơn vì sau 52 giờ và 36 phút nữa anh sẽ hạ cánh ở Paris. Ngoài ra hôm nay em hơi buông thả một chút. Và chắc chắn đây không phải vì Renoir. Cơ bản là vì Asia. Chính nó xui em đi thẳng từ d Orsay đến Bảo tàng ái tình ở gần quảng trường Pigalle. Đầu tiên một người của trường phải ấn tượng đã lên dây cho em, sau đó em bị hưng phấn bởi tất cả các thể loại nghệ thuật. Một bảo tàng như vậy không ở đâu có. Anh thử đoán xem, em nhớ cái gì hơn : Renoir hay tình ái?
Có xấu không, nếu là tình ái? Asia nói rằng không, vì thỉnh thoảng cũng cần phải cảm thấy sexy. Em hỏi nó phải làm gì để cảm thấy sexy, nếu không phải đang ở đúng Paris. Anh có biết Joanna Magdalena cực kỳ nhạy cảm một cách trí tuệ trả lời như thế nào không? Nó trả lời em chính xác như thế này :
"Mình mặc một chiếc váy chật và không mặc quần lót".
Ai mà có thể nghĩ được lại đơn giản đến thế.
Anh có biết em đã nhận thấy gì ở Asia khi đi thăm bảo tàng ấy không? Nó bị quyến rũ bởi tính nữ trong một tác phẩm. Theo em gần đây Asia bị đàn bà lôi cuốn. Từ những gì mà thỉnh thoảng nó kể, thì thấy rằng không có người đàn ông nào thực sự lọt vào được óc tưởng tượng của nó. Em biết từ chính nó rằng, nó có thể sung sướng với tình dục, nhưng em cũng biết rằng để có điều đó, nó không cần đến đàn ông.
Khi tụi em ra khỏi bảo tàng ấy, em muốn được một mình. Rất muốn. Tốt nhất là trong phòng mình ở khách sạn. Có thể có một lúc nào đó em sẽ nói cho anh biết, tại sao lại là chính ở đó. Em có mức oxytocin tương đối cao để có thể chịu đựng được bất cứ cái gì, trừ anh, ở gần. Như một đệ tử của thuyết hoóc- môn, tiện thể em chỉ thông báo để anh biết vậy thôi. Và đây chỉ để "cho vào cặp", như anh gọi thế. Có thể nó sẽ có ích cho anh trong nghiên cứu".
Em bảo Asia để em lại một mình. Nói chung nó không phản đối. Như em biết nó, thì nó cũng muốn được một mình. Em đến quán Café de Flore. Chủ yếu là để viết e-mail cho anh. Em chưa bao giờ viết gì cho anh trên giấy. Em nghĩ rằng trong Café de Flore em có thể thử. Camus, Satre và Prévert từng viết tại đây. Em đã thử. Một cảm giác rất lạ. Một bức thư bình thường, có thề có mùi và vết loang của rượu vang hoặc dấu môi ở mặt sau. Internet không thể thay thế cho những thứ đó được. Khó có thể nhay e-mail, mà em lại muốn nhay cái khăn giấy mà em dùng để viết cho anh trong Café de Flore ấy. Ngoài ra, sẽ rất nguy hiểm nếu viết e-mail cho anh khi đang nằm khỏa thân trong bồn tắm. Gần đây, đó là mơ ước lớn nhất của em. Viết e-mail cho anh trong bồn tắm. Có rượu vang trong máu, toàn thân được phủ một lớp bọt tắm thơm mùi lê, bách, mùi quýt và nghe và cảm nhận độ rung trong giọng ca của Morrison. Điều này chỉ có thể làm với sự hứng khởi mãnh liệt. Nhưng chắc chắn không phải là dòng điện. Do đó mà không thể mang Internet vào bồn tắm, tuy thế, em vẫn yêu quí nó.
Một nửa bức thư này được viết ở đó. Trong Café de Flore. Nửa kia ở cách đó rất gần. Trong một quán cafe khác, mốt hơn của Paris, quán Les Deux Magots. Em không biết tất cả các trí thức nhìn thấy gì trong quán cafe này. Cà phê thì thật kinh khủng. Sô-cô-la nóng thì có vị giống như zurek trong quán bar ở Plock. Đó là món zurek tuyệt hảo, nhưng nếu là sô-cô-la thì thật kinh khủng. Chỉ duy nhất có nội thất và rượu vang là có tác động. Nhưng từ mấy ngày nay, rượu vang ở đâu cũng tác động đến em. Em viết thêm mấy dòng của thư này ở đó, bức thư mà lúc này em đang gõ lại trong một phòng nhỏ ở phía sau quầy lễ tân của khách sạn. Đã gần nửa đêm. Người trực lễ tân đang đùa với Asia và Alicja, còn em thì được phép thoải mái trên ổ cứng máy tính của cậu ấy. Vì thế mà em hơi không nghiêm chỉnh và em nghĩ liệu tay lễ tân kia có nhận thấy Asia đúng là hôm nay không mặc quần lót bên trong chiếc váy bó sót kia không. Em thì thấy là không. Ngoài ra em cảm thấy an toàn vì không có ai, ngoài anh, đọc được thư nậy. Em sẽ gửi rồi xóa ngay. Chủ yếu là vì em chỉ muốn hư hỏng và buông thả với riêng anh thôi.
Em nhớ anh.
Em cảm thấy, biết gọi thế nào nhỉ, "dễ bốc cháy". Hôm nay trong bảo tàng tình ái ấy em đã nhận ra một qui tắc rất đặc trưng. Ở đó có rất nhiều tranh và tượng của các mụ phù thủy. Đó là điều lạ lùng và đặc trưng trong bảo tàng này. Anh nhất định phải đến đó nếu anh có ít nhất là 90 phút rảnh rỗi trong dịp đến Paris lần tới. Tức là em nhận thấy vô số các mụ phù thủy khỏa thân. Chính họ rất "dễ bốc cháy". Ví dụ như khi người ta thiêu sống họ trên đống lửa. Mặc dù đã rất xa xưa rồi, nhưng em vẫn tưởng như phù thủy, thật thà mà nói, đó chỉ là những phụ nữ vô tội bị trừng phạt một cách không thương tiếc. Bị trừng phạt bởi những người đàn ông không thể tha thứ cho sự phản bội của vợ mình, vậy là để giải tỏa mặc cảm, họ đã ra lệnh thiêu những người đàn bà lạ, mà thường họ phản bội vợ mình với chính những người đàn bà đó, và gọi họ là những mụ phù thủy. Anh có biết em nhận thấy điều gì trên những bức tranh đó, trên nhũng bức tượng đó? Những mụ phù thủy bốc cháy đang cười.
Những người đàn bà phản bội và bị thế mạng thường thoạt đầu là hóa đá, còn sau đó bị thiêu, họ bốc cháy và cười sung sướng...
Lúc này em thấy buồn bởi nghĩ đến những mụ phù thủy ấy trong bối cảnh. Nếu mà anh nghe thấy tiếng em trên mạng, thì lúc này anh sẽ nghe thấy bài thơ đã khiến em xúc động từ mấy tuân nay. Đã có lần em đọc nó, em không biết chính xác ở đâu, ở Warszawa. Em đã nhớ lại nó khi nhìn những mụ phù thủy bốc cháy trong bảo tàng gần quảng trường Pigall ở Paris:
Anh mơ thấy chúng ta cùng nhau, lạy Chúa
Trên rìa những chiếc đĩa khi em dọn bữa
Và trên mép của bộ ga hôn nhân đã nguội lạnh
Trong những nếp lằn sâu quanh mắt
Anh còn mơ thấy chúng ta ngoan cố cùng nhau
Và anh bện những bàn tay của chúng ta lại
Để không thể rời xa
Còn nếu không
Hãy đừng đưa chúng ta đến những cám dỗ
Cứ để cho mì sợi dành cho ngày chủ nhật
Quấn lên tôi
Hãy để tôi được thiếp đi
Và mỗi chúng ta -
Hãy chơi riêng
Amen

(Tác giả của bài thơ là Dorota Kiersztejn Pakulska)
Hẳn một mụ phù thủy hiện đại nào đó đã viết nó. Em không thể nhớ thậm chí là tên của bà ta. Em ngưỡng mộ bà ta, kể cả một bà không tên như vậy. Bài thơ này khiến em cảm động và buồn. Em biết là anh cũng thế. Em không biết tại sạo mình lại nhớ nó nữa. Em hoàn toàn không cho rằng Mười điều răn của Chúa là cuốn hướng dẫn tốt nhất trong cuộc sống. Bao giờ anh đến đây, em sẽ cho anh biết điều răn thứ mười một của em là gì.
TB: Anh có nghĩ rằng quá trình chờ đợi sẽ kéo dài bản thân sự chờ đợi. Em thì không nghĩ thế. Em đã cảm thấy rất chắc chắn.
Rốt cuộc, anh hãy đến đi.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:23  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 8:

ANH: Đã ba giờ, khi cuối cùng thì anh cũng được ở trong phòng mình. Máy bay của anh cất cánh đi New York vào chín giờ sáng.
Mình hy vọng rằng ít nhất cũng có một phi công của chuyến bay đi New York này uống ít hơn mình đêm nay - anh nghĩ lúc đánh răng trong phòng tắm. Ngược lại với phần đông mọi người, anh thích tắm sau khi đã chải răng sạch sẽ.
Anh đứng dưới vòi tắm và nghĩ đến cô. Da thịt cô có hương vị như thế nào nhỉ? Khi cô gọi tên anh, nó sẽ vang lên ra sao? Họ sẽ nói gì với nhau trong những câu đầu tiên ở sân bay? Anh sẽ phải ôm cô như thế nào lúc gặp mặt? Bỗng nhiên qua tiếng nước chảy, anh nghe như có tiếng chuông điện thoại. Anh thả vòi tắm. Đúng là có điện thoại. Anh đẩy cánh cửa kính của ca bin tắm và không lau chùi gì, đi thẳng vào phòng ngủ. Christiane. Cô thư ký của Viện anh ở Munich.
- Jakub, anh đi đâu vào đêm hôm thế? Tôi gọi cho anh đã hai tiếng nay! Anh có thể ghi lại những điều tôi sẽ nói không? Okay, anh có thể. Vậy thì anh hãy nghe thật kỹ này. Hôm nay anh sẽ không bay đi New York nữa. Mà sẽ bay đi Filadelfia. Ở đó anh sẽ đi taxi đến Princeton. Chỉ mất bốn mươi nhăm phút, nếu không bị tắc đường. Ông giáo sư sinh học phân tử sẽ chờ anh Ở Princeton. Anh sẽ nhận vé điện tử cho chuyến bay đi Filadetha ở phòng chỉ dẫn cho hành khách. Số hiệu vé tôi đã fax đến lễ tân khách sạn. Chuyến bay từ New Orleans đi Filadelfia của anh khởi hành vào mười một giờ sáng giờ chỗ anh. Tất cả các chuyến bay tôi đã giải quyết đúng như anh muốn, ở Delta. Anh vui chứ? Sẽ được ngủ thêm hai tiếng nữa cơ mà! Tại Pricenton, anh sẽ cài đặt chương trình cho họ. Nhớ là chỉ demo (*) thôi đấy. Không được cài bất cứ một phiên bản hoàn chỉnh nào. Hợp đồng là như vậy. Demo sẽ kích thích đủ để họ mua phiên bản hoàn chỉnh của chúng ta. Anh sẽ chỉ cài đặt cho họ trong các máy tính của bệnh viện chuyên khoa. Hay nói thật hay vào, như anh vẫn nói ấy. Họ sẽ phải thấy là cái này là cực kỳ cần thiết. Tôi đã đặt phòng ở Hyatt tại Priceton cho anh. Đây là khách sạn ở ngay cạnh bệnh viện. Số đăng ký cũng ở trong fax. Jakub, thậm chí anh đừng có nghĩ đến việc để lại tôi ở Munich này và chuyển đến Priceton. Tôi biết là trong đầu anh vẫn lởn vởn ý đồ chuyển sang Mỹ, nhưng vì tôi, hãy đừng làm điều đó. Đừng để tôi lại đây, thật đấy, một mình với đám người Đức này!
Anh cười. Và mặc dù đó chỉ là câu đùa, nhưng trong đó có biết bao nhiêu là sự thật. Christiane là một phụ nữ Đức cực kỳ không điển hình. Thoải mái, không ngăn nắp, không kỷ luật, nhạy cảm, mãnh liệt và không giấu được tình cảm. Cô luôn chỉ trích anh rằng chính cô đã học được ở anh tính Đức khi anh bảo cô sao mà "bừa bãi" một cách Slavơ đến thế và cô cứ luôn để cho thời gian trôi qua kẽ tay. Anh biết mình là người bạn tốt nhất của cô. Anh khiến cô cảm động bằng đĩa dâu tây vào tháng hai, bằng những bông hoa trong ngày 8 tháng ba mặc dù chẳng có ai ở Đức tổ chức Ngày Phụ nữ, bằng bức e-mail trong ngày sinh của cô, mà nhất là bằng việc khuân cho cô những thùng giấy nặng ra chỗ máy in. Anh, một giáo sư, khuân giấy ra máy in cho cô thư ký. Một số bạn bè làm khoa học cảm thấy tức tối với hành động khoe mẽ của "sự phá vỡ cơ cấu quan hệ một cách thô bạo" này. "Thế đấy. Đó là một tên Ba Lan. Bọn chúng bao giờ cũng phải phá hoại một cái gì đấy và phá vỡ những nguyên tắc nào đấy" - hẳn họ nghĩ vậy. Chỉ có thời gian đầu là Christiane cảm thấy lúng túng. Sau đó cô vui sướng trong cái ngày mà người ta mang giấy đến máy in cho họ. Cô thích thể hiện một cách phô trương "cho những người Đức ấy biết, cần phải thực sự đối xử với phụ nữ như thế nào". Còn anh? Mặc dù hoàn toàn không muốn "phá vỡ các nguyên tắc", nhưng đơn giản là anh không thể làm khác.
Anh chú ý để trong các mối quan hệ vời Christiane không đi quá khuôn khổ của tình bạn. Anh biết là anh có thể đi xa hơn nhiều. Nhưng anh không muốn. Trước hết là vì Christiane đã có gia đình khi anh xuất hiện ở Viện này. Cô hấp dẫn anh. Thời gian đầu, cô là người gần gũi với anh nhất ở đất Đức này. Có rất nhiều khi, với cách sống của anh, với những phản ứng của mình, thậm chí cô đã khiến anh nhớ tới Natalia. Có thể chính vì thế mà anh không muốn vừa qua ranh giới ấy. Anh không muốn phá đi một cái gì đấy và anh không thể xây bất cứ cái gì mới lên chính chỗ đó. Anh coi quãng thời gian ở Đức như một cái gì đó chuyền tiếp. Một "phòng chờ" trên con đường đi đến đích. Đích của anh là Mỹ. Anh cho rằng trong phòng chờ - Christian đã cười vì tính cường điệu của nhận định này - không nên trong bất cứ cây gì. Anh đã có mấy năm đẹp đẽ trong phòng chờ ấy và đôi khi anh có cảm giác là Christiane chờ đợi ở đấy một điều gì đó cùng anh.
Thoạt đầu khi nghe về kế hoạch ở Princeton, anh đã định phản đối. Song nghĩ đến hai tiếng được ngủ thêm ấy anh trả lời:

- Chrissie - cô thích anh gọi tên cô âu yếm như vậy – anh có để em lại một mình với đám người Đức ấy đâu. Bây giờ, khi anh đã dạy em uống vodka như một người Ba Lan chính hiệu thì tiếc lắm. Anh hiểu. Hôm nay anh sẽ bay đi Filadelfia lúc mười một giờ. Em đưa lên máy chủ FTP dữ liệu cho Princeton cho anh nhé. Anh không có trong laptop đâu, vì anh tuyệt nhiên không ngờ tới chuyến đó lịch này. Em sẽ tìm thấy nó trong máy tính trong phòng làm việc của anh. Máy lúc nào cũng bật đấy. Chrissie, khi đã ở trong phòng làm việc của anh rồi, thì tưới hoa hộ anh với nhé. Em không quên chứ? Em sẽ cố để không vào ICQ của anh khi đã mở máy của anh chứ? Bởi đằng nào những gì em thấy ở đấy cũng sẽ bằng tiếng Ba Lan. Và em chớ có học tiếng Ba Lan chỉ vì thế.
Anh cười trong ống nghe. Mặc dù Christiane hứa là "sẽ cố gắng", nhưng anh biết rằng kiểu gì thì những cố gắng ấy cũng chẳng có kết quả gì. Chắc chắn cô sẽ xem tất cả nội dung trên ICQ của anh. Christiane thích biết tất cả về mọi người. Bao giờ cô cũng quan tâm đến anh nhất. Anh là người ở độ tuổi sinh sản tốt nhất, là giáo sư trẻ nhất của viện, anh hôn tay phụ nữ, còn cô thì thậm chí không thể xác định được anh ngủ với những ai hoặc với ai. Mặc dù Christiane khó có thề tin được nhưng từ lâu lắm rồi, anh chưa làm chuyện đó.
Khi anh đứng dậy, trên giương, chỗ anh ngồi nói chuyện với Christiane, có một đám to ướt sẫm. Ừ, anh đã chạy thẳng từ phòng tắm đến điện thoại. Bây giờ thì người anh đã khô. Anh ra phòng tắm để tắt điện. Lúc quay lại, anh thấy trên sàn nhà, gần cửa có một mảnh giấy. Anh cúi xuống nhặt. Fax của Christiane. Anh gọi xuống lễ tân và vặn báo thức thêm hai tiếng nữa.


Đi taxi từ khách sạn ra sân bay, anh đã tự hứa là sẽ không bao giờ uống nữa. Anh vẫn khó chịu khủng khiếp sau trận rượu. Anh đã không kịp cả nhấp một ngụm cà phê vì ngủ quên, radio trong taxi lại thông báo có một cơn bão sắp vào Bắc Carolina. Đến Filadelfia, bao giờ máy bay cũng bay qua Bắc Carolina!
Còn tồi tệ hơn là anh tưởng. Vừa qua New Orleans, sự nhộn nhạo đã bắt đầu. Anh nắm chặt thành ghế, như thể làm thế sẽ đỡ hơn. Mà đấy mới chỉ là bắt đầu. Bay được một giờ, khi họ rơi vào vùng lặng gió sau cơn bão ở Bắc Carolina, anh đã tự hứa thật to rằng sẽ kiêng tuyệt đối. Chỉ cần họ hạ cánh an toàn, anh sẽ không bao giờ đưa rượu lên miệng nữa. Anh nhớ lại những chuyến đi biển của họ ở trường trung cấp. Ruột gan cũng lộn ngược cả lên đến đau đớn. Không bao giờ anh quên được cảnh ánh mặt tái xanh như tàu lá cùng với mấy người khác nữa vắt người qua mạn tàu Ở Vịnh Biscayan, dừng nôn để trong sự đau đớn cùng cực ấy cười ông phụ trách neo tàu đang la hét ầm ĩ cố để át tiếng sóng:
- Anh em thủy thủ có biết cái gì là tốt nhất cho thời tiết như thế này không? Các anh em thủy thủ, mẹ kiếp, không biết! Tốt nhất cho thời tiết như thế này là nước ép anh đào, vì ở hai đầu nó đều có mùi vị như nhau. Các anh em thủy thủ hãy nhớ lấy điều đó. Hơn nữa, nôn mửa không phải là làm tình. Cần phải biết. Thằng thổ tả nào lại đi nôn ngược gió như vậy hả???

Chắc anh phải tái xanh như hồi ở trên tàu lần ấy, vì cô tiếp viên cứ chốc chốc lại đến chỗ anh và hỏi anh có cần gì không. Người ngồi ghế cạnh anh, một lão người Texas khổng lồ không lúc nào rời chiếc mũ cao bồi đội trên đầu đã tận dụng cơ hội đó. Trong khi anh đang chết dở sống dở thì lão hàng xóm ấy, như thể không có chuyện gì xảy ra, cứ mỗi lần cô tiếp viên đến là lại gọi rượu. Thỉnh thoảng lão thử mời anh. Anh từ chối với ánh mắt sợ hãi và ác cảm. Anh không thể tưởng tượng nổi một sự tra tấn ghê gớm hơn cái mùi whisky trong tình huống này.
Sự nhộn nhạo kéo dài cho đến phút cuối, và lúc máy bay hạ cánh cũng thật là khủng khiếp. Những bánh của máy bay va vào đường băng mạnh đến nỗi cả lão ngồi bên vốn dửng dưng với tất cả và đã say khướt cũng phải vừa hỏi vừa lúng búng:
- Chúng ta hạ cánh hay là bị người ta bắn đấy?
Lái xe của Đại học Tổng hợp Princeton do trường cử đi đang đợi anh ngoài cổng. Họ đi chừng một tiếng. Khi đã ở trong phòng mình, anh gọi điện ngay cho giáo sư xin hoãn cuộc gặp ba giờ. Anh đặt báo thức, đăng ký báo thức với lễ tân và đặt báo thức qua TV. Anh để tiếng cỡ to nhất. Anh không còn đủ sức để cởi quần áo nữa.

Anh tỉnh dậy ba lần, nhưng phải đến TV mới lôi được anh ra phòng tắm. Anh có mặt ở phòng của giáo sư trước giờ hẹn mấy phút. Anh biết ông khá rõ từ những cuộc gặp gỡ và hội nghị trước đây. Một ông già lập dị với mái tóc trắng. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Zurich - là điều mà ông nhấn mạnh đầy tự hào và nhắc đến Einstein một cách nồng nàn, bởi Einstein cũng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Zurich - độ lượng với tất cả trừ việc không đúng giờ, hút thuốc lá và đàn bà làm khoa học. Chính xác theo thứ tự này.

Với anh bao giờ ông cũng nói tiếng Đức, hoàn toàn không đếm xỉa đến việc các cộng sự hay học trò của ông chẳng hiểu gì. Trong mỗi lần gặp gỡ ông đều khẳng định rằng viện của ông không hợp tác "với những nhà siêu sinh học ở Harvard, những kẻ vẫn không chịu biết rằng cá voi là động vật có vú". Sau mỗi lần - rất tiếc là đúng với sự thật - ông lại khẳng định với anh rằng chắc chắn họ không hợp tác với Đại học Tổng hợp Harvard. Tuy nhiên ông không nói thêm rằng đó là mục đích của họ từ mấy năm nay.
Sếp của khoa sinh học phân tử của Harvard, về điều này thì anh biết được trong một buổi dạ tiệc tại một cuộc hội nghị nào đó - là vợ cũ của giáo sư của Princeton. Vì môi trường của các nhà khoa học nói chung là một trong những môi trường lắm chuyện ngồi lê đôi mách nhất, nên anh được nói nhỏ rằng hôn nhân của giáo sư và vợ cũ của ông chỉ tồn tại, chính xác bốn mươi bảy giờ. Từ mười một giờ sáng thứ bảy đến mười giờ sáng thứ hai, vì rằng phải đến giờ này các tòa án ở Massachusetts mới mở cửa. Hình như chính xác bốn mươi bảy tiếng sau hôn lễ, vợ giáo sư, tiến sĩ khoa học về sinh học, tốt nghiệp Đại học Sorbone ở Paris, đã đệ đơn ly hôn. Bản thân anh chưa bao giờ tiếp xúc riêng với giáo sư nhiều hơn một tiếng, nhưng như thế cũng đủ để anh hiểu được vợ cũ của ông.

Việc giới thiệu trong phòng làm việc của giáo sư – đương nhiên là bằng tiếng Đức - kéo dài hơn một tiếng một chút. Khoảng mười bảy giờ họ chở anh đến trung tâm máy tính của bệnh viện thuộc Đại học Tổng hợp Princeton, nơi anh phải cài đặt và chạy thử phiên bản quảng cáo cho chương trình của họ. Sau ba giờ làm việc, khi đã gần xong, anh ra khỏi trung tâm máy tính để đi tìm máy bán coca lon tự động. Nhất định gần đấy phải có. Trong các trường đại học của Mỹ, có thể không có thư viện, nhưng máy bán coca tự động thì phải có. Từ trung tâm máy tính sáng ánh đèn neon, anh bước ra hành lang tối.

- Ôi anh làm tôi giật cả mình! Tôi cứ nghĩ là ma cơ đấy. Anh đi giống hệt Thommy. Anh làm tôi giật thót cả mình. Anh ta cũng hay làm tôi giật mình.
Anh quay đầu về phía có tiếng nói phát ra. Chị tạp vụ da đen hiện ra lờ mờ ở đằng xa trong hành lang tối. Trông chị ta giống như người nô lệ trong tranh của Teodore Davis đang lượm bông trên đồn điền gần New Orleans. Cũng những nếp nhăn sâu ở nửa phân dưới mắt ấy. Cũng những con ngươi mắt trắng, to, bị những lằn máu cắt ngang ấy.

- Tôi không muốn làm chị giật mình. Tôi đang tìm automat bán coca. Thommy là ai vậy chị?
- Thommy cũng hay đi tìm coca. Anh ta làm việc ở đây nhiều năm thế mà chẳng bao giờ nhớ automat ở đâu - chị ta trả lời.

- Hôm nay chắc chắn tôi cũng sẽ không nhớ. Chị dẫn tôi ra chỗ automat và trên đường đi chị sẽ cho tôi biết Thommy là ai chứ?

- Anh không biết Thommy là ai? Thommy làm việc cách đây bốn hành lang. Ai cũng biết anh ta sau cái vụ anh ta lấy trộm não của Einstein. Anh biết ông Einstein, cái ông người Mỹ Do Thái ở Thụy Sĩ ấy chứ?
Lúc này thì anh quan sát chị ta kỹ hơn. Chưa hề có ai gọi Einstein là "người Mỹ Do Thái ở Thụy Sĩ" cả. Anh không thể đoán được tuổi của chị ta. Thỉnh thoảng anh phân vân, có phải những người da đen cũng không thể đoán được tuổi của người da trắng, vì họ thấy ai cũng giống ai. Chị ta nhắc anh nhớ đến Evelyn trong nhà hàng ở New Orleans. Đồ sộ, vuông từ vai đến đất, chắc nịch, với bộ ngực như hai cái gối, che lấp toàn bộ lồng ngực từ xương đòn đến bụng.
- Sao anh ta lại lấy cắp não Einstein? Thommy là ai? - anh tò mò hỏi thêm.
Người phụ nữ da đen đặt cái xô xuống làm bột trào cả ra ngoài và ngồi lên cái ghế dài gần lối vào toilet.

- Thommy là bác sĩ. Nhưng chẳng chữa bệnh cho ai. Cho nên không một ai kính nể anh ta. Đã thế buổi sáng anh ta lại không chào hỏi ai. Liệu sáng ra anh có chào hỏi ai vui vẻ khi mà anh phải mổ xẻ hai cái xác trước bữa sáng và bốn cái sau đấy? Tôi thì tôi kính trọng anh ấy. Cả Marilyn cũng thế. Thommy yêu Marilyn. Vào cái thời ấy, đàn ông và đàn bà vẫn còn yêu nhau lắm. Marilyn là bác sĩ trên tầng ba. Tôi không quét dọn trên ấy. Cố ấy xinh lắm. Tôi có thể hút thuốc được không?

Chị ta lấy cái hộp đựng thuốc sợi ra và bắt đầu quấn thành điếu.

-Tất nhiên rồi, chị cứ hút đi. Mà chị có thể quấn luôn cho tôi một điếu được không? Ở automat bán coca có bia không?

Anh lại quên lời thề trên máy bay. Chị ta cười.

- Bia á? Không có. Không bao giờ có. Ở đây, trong khu vực trường này, mua cocain còn dễ hơn cả mua bia.

- Thommy là ai và Marilyn là ai? - anh hỏi và ngồi xuống ghế cạnh chị ta.

Vì chị ta to đến nỗi ngồi gần kín cả cái ghế dài nên anh phải ngồi sát vào chị. Chị ta đưa cho anh một điếu thuốc cuốn. Họ ngồi hút thuốc trong hành lang tối. Hai đốm sáng. Yên tĩnh, chỉ có giọng nói trầm trầm của chị ta vang kinh khủng trong bóng tối ấy và trong cái hành lang dội âm ấy.
- Đúng ra là Marilyn làm ở khoa nhi. Bọn trẻ yêu cô ấy lắm vì cô ấy lúc nào cũng cười. Chỉ khi nào có một đứa nào chết, mới thấy trong mắt cô ấy có nước mắt. Bao giờ cô ấy cũng khóc trong toilet. Để bọn trẻ không nhìn thấy Thommy nghiên cứu về bệnh học. Anh ấy mổ xẻ tử thi để tìm trong đó cái gì đấy quan trọng. Nhờ những cái mà anh ấy tìm thấy có thể cứu được mạng sống cho những người khác. Mặc dù anh ấy cần thiết như thế, nhưng không ai khâm phục anh ấy Ngoài Marilyn. Có lẽ anh ấy cảm nhận được như thế nào đấy. Chuyện đã lâu lắm rồi, nhưng tôi nhớ ôư2ng chi tiết. Người ta chở Einstein đến vào trước nửa đêm. Ông bị bất tỉnh. Và mất ngay sau nửa đêm. Hôm ấy là thứ hai, ngày mười tám tháng tư năm năm nhăm. Hồi ấy tôi là người thực tập trẻ nhất. Ở đây tôi cứ tưởng như chỉ vừa mới hôm qua. Dạo ấy tôi quét dọn tầng một, tầng trệt và tầng hầm. Tất nhiên là Thommy biết và rất ngưỡng mộ Einstein. Với anh ấy, ông ta là sự thông minh không thể với tới được. Ai ở Princeton cũng biết Einstem. Cho dù đấy chỉ là vì tất cả cái đám nhà báo cứ bám theo Einstein ở khu vực trường này như một bầy sói.

Khi Thommy đến trực thì Einstein đã nằm trên bàn. Đầu tiên Thommy không muốn làm cái việc cắt xén ấy. Anh ta lên chỗ Marilyn để nói cho cô biết, tỏ vẻ rất bực bội. Sau mấy phút thì anh xuôi xuôi và quay xuống tầng hầm. Những gì xảy ra sau đó dưới tầng hầm, tôi biết rất rõ từ Marilyn. Tôi nghĩ rằng Thommy đã làm như vậy là vì Marilyn. Đề cô khâm phục anh ta và tự hào về anh ta. Ai cũng bảo là không thể thế được nhưng tôi biết chứ. Tôi đã nhìn thấy anh ta nhìn Marilyn như thế nào. Thommy đã làm một việc khủng khiếp. Đầu tiên anh chỉ khám nghiệm tử thi bình thường và sau đó bỗng nhiên tình cảm ấy đến. Đây là cơ hội có một, duy nhất, không thể lặp lại trong đời. Anh ta lấy cưa, cưa sọ Einstein và moi não ra. Anh ta dùng dao mổ chia cái não ra thành hai trăm bốn mươi miếng bằng nhau, cho vào hai hộp loại ba lít có ghi chữ Costa Cider rỗi đổ fomanlin vào. Một cái anh ta đậy kín bằng nắp gỗ, còn hộp kia bằng nắp thủy tinh. Anh ta đưa cả hai hộp ra khỏi tầng hầm. Anh ta quyết định sẽ không trao chúng cho bất kỳ ai. Rồi anh ta nhét báo bọc nilon vào hộp sọ rỗng của Einstein và đóng lại sao cho không ai nhận ra. Anh có tưởng tượng được không? Thay vì não là những tờ báo nhàu nát trong sọ Einstein??? Khi Marilyn kể chuyện này cho tôi nghe, tôi không muốn tin. Làm sao mà anh ta có thể làm như vậy được?
Chị ta thở dài rồi im lặng một lúc,

Hình ảnh hộp sọ của Einstein bị nhét đềy báo như cảnh trong một bộ phim kinh dị. Anh đờ người ra vì sợ hãi và vì sự vô lý. Cho tới lúc ấy, Einstein với anh như một tượng đài. Tinh hoa của tri thức. Einstein không có não, với hộp sọ đầy giấy bỗng dưng như không còn quan trọng và bị hạ thấp. Không, đó không phải là phim! Điều ấy thì không một đạo diễn nào có thể nghĩ ra. Trong cái hành lang tối, ở ngay trên tầng hầm, nơi đã diễn ra nghi lễ cắt não Einstein của quỉ satăng ấy, anh cứ cảm thấy thế nào ấy. Anh thấy mừng vì cái ghế lại ngắn thế mà chị da đen lại to thế. Nhờ thế mà anh được ngồi sát vào chị ta.
- Tôi dừng lại ở đoạn nào ấy nhỉ? À, tôi nhớ rồi. Thommy biết về ý nguyện cuối cùng của Einstein, ông muốn sau khi mình chết sẽ thiêu xác và rải tro ở một nơi mà chỉ gia đình ông biết. Einstein không muốn có bất cứ một ngôi mộ nào hết... Anh có biết gì không? Tôi phải cuốn cho mình một điếu nữa. Dạo này tôi hút nhiều quá. Thật không tốt tị nào ở đây, trong cái nước Mỹ này.

Im lặng bao trùm. Chị ta lấy hộp đựng thuốc lá sợi từ cái túi tạp dề sâu thẳm ra và thoáng một cái chị đã nhấp nước bọt để dán điếu thuốc. Trong ánh sáng của ngọn lửa từ chiếc bật lửa, hai con ngươi trắng trên nền khuôn mặt đen như hắc ín của chị có vẻ như to một cách kỳ dị.

Những gì người phụ nữ da đen ấy kể thật bất ngờ. Anh không hề nghi ngờ một chút nào. Rất lâu rồi, hồi còn học đại học, anh đã có một giai đoạn say mê Einstein. Sự thật đúng là ông không có mộ. Điều này rất phù hợp với Einstein. Các vị thần không có mộ mà. Não của Einstein không bị thiêu cùng với phần còn lại của thi thể ông, cũng là sự thật, nhờ thế mà các nhà thần kinh học có thể nghiên cứu nó nhiều lần. Các nghiên cứu giải phẫu thần kinh đã khẳng định sự đặc biệt của nó. Tất cả những điều này anh đã biết từ lâu. Song anh tuyệt nhiên không có khái niệm, rằng phía sau đó lại ẩn chứa một câu chuyện ly kỳ đến vậy. Lần này thì người phụ nữ da đen nói:
- Việc mà Thommy làm không được ai ra lệnh, cũng không một ai cho phép. Anh ta cho rằng mình phải được phép, bởi như anh ta nói, "Einstein thuộc về tất cả mọi người". Thậm chí khi mọi việc đã rõ, anh ta vẫn không muốn trả lại bộ não ấy. Marilyn nói với tôi rằng Thommy làm việc đó vì mọi người chứ không phải vì tiếng tăm. Anh ta tin rằng có cái quan trọng nhất trong con người Einstein là bộ não của ông, thì có thể đến một lúc nào đó sẽ tạo được một Einstein nguyên vẹn. Anh ta là một kẻ gàn dở lập dị như vậy đấy. Ngày ngày mổ tử thi nhưng mặc dầu vậy, anh ta vẫn là một người lãng mạn nhất trong khu nhà này. Cho nên Marilyn mới thích anh ta đến thế. Nhưng điều mà anh ta làm với Einstein thì cô ấy không bao giờ tha thứ cho anh ta. Thommy rất đau khổ vì chuyện này.

Người phụ nữ da đen rít một hơi sâu và không nói nữa. Thommy bí ẩn đã rất có lý. Nhưng hồi ấy, vào năm 1955, cả anh ta, cả bất kỳ người nào khác đều không biết rằng để nhân bản người không cần phải moi nảo của bất cứ ai ra khỏi hộp sọ. Chỉ cần một chút máu, tóc hay da được bảo quản thích hợp là hoàn toàn đủ. Toàn bộ chất liệu gien của con người nắm trong nhân của mỗi tế bào riêng lẻ. Dưới góc độ này, các nơron của não không khác của các tế bào khác, "tầm thường" hơn. Có lẽ đơn giản là Thommy muốn chắc chắn và vì sự chắc chắn anh ta đã bảo vệ trên một kilôgam chất liệu cho nhân bản trong fomanlin. Và chắc anh ta cũng biết rằng trong tất cả các tế bào của Einstein, thì quan trọng nhất là những tế bào não.

- Thommy phải rời khỏi Princeton - người phụ nữ da đen tiếp tục câu chuyện của mình. - Nhưng kể cả thế anh ta vẫn không chịu trả những cái hộp đựng não Einstein trong fomanlin. Nửa năm sau khi anh ta đi, Marilyn lấy chồng và chuyển sang Canada. Tôi không biết rõ mọi chuyện với Thommy như thế nào. Có ai đó nói với tôi là mới gặp anh ta ở Đại học Tổng hợp Kansas.
Đúng lúc ấy một ai đó mở mạnh cửa phía cuối hành lang. Chùm sáng của chiếc đèn pin di chuyển chậm dọc theo tường. Chắc là ngrười bảo vệ. Người phụ nữ da đen đứng dậy rất nhanh và mất hút sau cửa toilet. Một lát sau ánh sáng đèn pin của người bảo vệ chiếu đến cái ghế Jakub đang ngồi. Người bảo vệ đứng đối diện anh và chiếu đèn pin thẳng vào mắt anh.
- Anh có biết là hút thuốc lá ở đây là một sự vi phạm nghiêm trọng không? Tôi có thể phạt anh đến một ngàn đôla - giọng nói phát ra từ phía sau luồng sáng của chiếc đèn pin và người kia cười, nói thêm: - Nhưng tôi sẽ không phạt, vì tôi thừa biết rằng Virginia đã xui anh hút. Chỉ có thuốc sợi của chị ta mới hôi kinh khủng như vậy. Khi nào chị ta ra khỏi toilet, nơi mà chị ta hiện đang trốn, anh hãy bảo chị ta ràng đây là lần cuối cùng đấy nhé, lần sau thì đừng có trách. - Anh ta cười oang oang và đi về phía cầu thang dẫn xuống tầng hầm.

Anh vẫn im lặng, hơi choáng váng vì câu chuyện của Virginia. Còn chị ta vẫn chưa ra khỏi nơi ẩn náu trong toilet. Mãi sau chị ta mới hé cửa hỏi nhỏ:

- Lão ta đi rồi à?

Khi anh bảo đi rồi, chị nhanh nhẹn ra khỏi toilet và túm lấy cái xô của mình.

- Tôi cũng phải đi đây. Mười lăm phút nữa lão ta sẽ quay lại để đóng cửa toàn bộ khu nhà. Mà hôm nay tôi lại quên chìa khóa. Anh biết không? Anh không chỉ đi giống Thommy mà giọng nói cũng giống - chị ta nói và khuất sau chỗ ngoặt hành lang.
Khi chị ta đã đi khỏi rỏi anh mới nhớ ra là chị ta chưa chỉ cho anh chỗ có automat bán coca. Anh gọi. Không thấy chị ta trả lời Anh vào toilet, nhìn thấy một vòi nước uống được bèn nghiêng đầu để cho dòng nước chảy lên mặt. Anh cứ đứng nghiêng người như vậy một lúc. Rồi không lau mặt, anh quay lại trung tâm máy tính. Anh kết thúc cài đặt chương trình, chuẩn bị bản hướng dẫn ngắn các bước khởi động chương trình gửi e-mail thông báo về những việc anh đã làm cho giáo sư và đặt taxi qua mạng. Anh tắt máy tính rỏi ra ngoài hành lang. Đi qua cái ghế dài cạnh lối vào toilet, anh cảm thấy bất an. Anh không thể gạt bỏ khỏi trí nhớ hình ảnh thi thể của Einstein với hộp sọ mở chứa đầy báo. Anh chạy đến cửa ra. Taxi đang đợi.
- Anh cứ đưa tôi đến một chỗ nào đó có thể uống bia được - anh bảo người lái taxi.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:23  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Quãng gần nửa đêm anh mới về đến khách sạn. Đêm ấy anh mơ thấy Thommy, Virginia, Marilyn bí ẩn và thuyết tương đối. Hôm sau ăn sáng xong, anh đi bằng chiếc Limousine của khách sạn ra ga, khi đi qua khu vực trường, anh nhớ lại sự kiện tối qua và quyết định sẽ tồn hiểu tất cả mọi điều có thể về con người đã cứu bộ não của Einstein khỏi bị thiêu. Anh sẽ bắt đầu ngay hôm nay, ở New York, nơi anh sẽ đến sau một tiếng nữa. Chuyến tàu của anh từ Penn Station đến Manhattanie có lẽ mất đúng chừng ấy.
Hơn nữa, anh không thể chờ thêm được nữa, phải kể cho cô nghe câu chuyện về bộ não của Einstein này sớm nhất. Kể từ ngày biết cô, anh nhận thấy là những sự kiện, cảm xúc và suy nghĩ chỉ có ý nghĩa khi anh chia sẻ thông tin về chúng với chính cô. Với Natalia cũng y như vậy.
Anh không viết cho cô về chuyện này. Anh sẽ kể. Chính thế. Anh sẽ ngồi trước mặt cô, nhìn vào mắt cô và kể. Chỉ còn một đêm và một ngày nữa. Sẽ qua nhanh thôi mà. Ngoài ra ở New York thời gian trôi nhanh hơn. Đây đương nhiên không phải là sự thật tuyệt đối, mà chỉ là tương đối. Rất tương đối và Einstein. Anh biết điều này từ thời gian của New Orleans, cũng lười biếng và lề mề hệt như của Texas. Khi ở New York bản tin đã sắp đến phần dự báo thời tiết, thì ở Texas mục quảng cáo đầu tiên sau lời chào của phát thanh viên còn chưa kịp kết thúc.
Đường chân trời của Manhattan hiện ra mờ mờ phía xa khi tàu của anh đi vào đường hầm dưới Hudson River. Chiều tối mai anh sẽ bay đi Paris, để gặp cô. N-G-À-Y M-A-I – anh đánh vần chầm chậm từ này trong ý nghĩ và nhâm nhi nó và sung sướng như một đứa trẻ.
CÔ : Jakub, đã có lần nào em nói với anh rằng em rất thích nghĩ về anh chưa? Chắc là rồi, nhưng em cũng thích nghĩ là em chưa nói. Hôm nay, em đã nghĩ về anh rất nhiều lần. Em nhất định phải kể với anh một điều gì đấy. Có lẽ Asia sẽ giết em mất, vì em bảo nó là em chỉ về phòng để sửa lại trang điểm, nhưng thực ra là em chạy đến quán Internet Cafe ở ga tàu điện ngầm này để viết cho anh. Asia, kể từ ngày bọn em quen nhau, đã giết em không biết bao nhiêu lần rồi, cho nên chắc chắn em sẽ có cách qua được.
Anh mê những chuyện như thế này, vì anh thích sự ngạc nhiên. Và xúc động. Hôm nay em rất ngạc nhiên. Cả xúc động nữa. Thật không thể tin được. Nhưng ngay từ đầu.
Anh chàng sinh viên xinh xắn ấy của Alicja (đây là em nói thêm, Alicja như thường lệ, cho rằng nó rất và "dứt khoát", cho dù điều này có ý nghĩa như thế nào cũng được, phải yêu sinh viên) có lần đã làm việc trong dịp nghỉ hè cho một phụ nữ Đức góa chồng, một nhà công nghiệp người Pháp đã đưa chị ta từ Đức sang và nhốt sau những song sắt bằng vàng của một ngôi nhà khổng lồ ở phần tây-nam của Paris. Anh nghĩ sao, một sinh viên xinh xắn từ Ba Lan sang có thể làm gì cho một phụ nữ góa chồng đã trên dưới bốn mươi tuổi, nhạy cảm, có ba đầu bếp, một lô một lốc tạp vụ, hai thợ làm vườn, lái xe và bác sĩ thú y "thường trực"? Alicja khi đã yêu thì không bao giờ đưa ra những câu hỏi vô nghĩa như vậy.
Chị góa mời chàng sinh viên, chàng sinh viên mời Alicja (bởi cậu ta có thể làm gì được khi Alicja không chịu rời cậu ta lấy nửa bước), còn Alicja thì mời tụi em. Với chị góa thì thế nào cũng được, vì điều chị ta muốn nhất là gặp lại chàng sinh viên của mình sau bao nhiêu năm.
Chị góa gọi hai xe Limousine đến khách sạn, vì chì ta tưởng rằng chàng sinh viên có đến cả tá bạn bè chứ không phải chỉ có ba cô bạn gái. Mặc dù chàng sinh viên đọc cho Alicja nghe thơ bằng tiếng Pháp, song tiếng Pháp của cậu ta hoàn toàn không ghê gớm gì. Chí ít thì cũng là nói. Ngôi nhà, nơi mà chị góa đang ngụ cư - bởi chính chị ta nói rằng chị ở Mauritius, còn ở Paris, chị chỉ ngụ cư - rất giống với Belweder, chỉ có điều to hơn. Chị góa là một phụ nữ tóc nâu với đôi mắt buồn, chúng có, cơ bản vì phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, hình dạng không xác định. Chị góa mắc hai thứ bệnh, trong đó bệnh thứ hai đơn giản là dễ xúc động. Bệnh thứ nhất là cảm giác đến bệnh hoạn nhất thiết phải "chung sống với thế giới". Tự chị ta nói, nhưng phải sau chai vang thứ ba, rằng đó là một kiểu thôi thúc và mang ý nghĩa tinh thần. Trong mỗi phòng của chị (kề cả ở trại ngựa) đều có tivi. Chị cho rằng trên thế giới xảy ra biết bao nhiêu là vấn đề quan trọng và chị cần phải được thông tin về chúng. Do đó mà chị ta dậy từ năm giờ sáng để xem bản tin trên tất cả các kênh có thể và bằng tất cả các thứ tiếng có thể. Lúc tụi em đến, chị ta cũng đang xem một bản tin nào đấy và mãi ba mươi phút sau tụi em mới vinh hạnh được gặp chị ta. Đơn giản là chị góa lo lắng về thế giới và chị muốn biết chính xác nguyên nhân của những nỗi lo ấy.
Ngoài ra chị còn cho rằng, trên thế giới, loài vật chịu đau đớn nhiều nhất. Vì vậy mà chị có mấy con chó, mấy con mèo, hơn một chục con chim hoàng yến, mấy con chuột đồng và chỉ có một con lợn đen giống Việt Nam. Con lợn quả thực rất đen, to đùng như một tay đấm bốc có tiếng sống ở Mỹ, chỉ có điều đẹp hơn. Khi mọi người ngồi trong khu vườn mênh mông, con lợn chạy quanh như phát rồ, thỉnh thoảng lại chạy đến cho chị góa, dụi mõm vào chị, với làn môi hé mở, chị hôn vào cái mõm ấy rất tình cảm. Một hình ảnh không thể quên được. Con lợn vừa rít vừa chạy như điên, dụi mõm vào những đám cỏ được chăm chút cẩn thận, giẫm nát những bồn hoa hồng tuyệt đẹp, chạy đến chỗ chị góa như một đứa trẻ chạy đến chỗ mẹ nó để hưởng phần tình cảm và âu yếm của mình.
Con lợn đặc biệt quen với chàng sinh viên xinh xắn và cũng chạm cái mồm ướt của mình vào chàng. Alicja thì sợ hãi và không mấy thiện cảm nhìn những tình cảm ấy của con lợn.
Còn Asia lại thích thú vuốt ve con lợn chạy qua chạy lại giữa một người, câu chuyện của chị góa về loài vật bị "con người bắt chước" thì nó nghe như thể nghe dự báo về sự xuất hiện của một thế giới mới, tốt đẹp hơn, chủ yếu là dành cho loài vật. Trong mắt nó, em nhìn thấy, nếu có thề, thì nó đã ôm lấy chị góa.
Sau mấy lượt chạy như điên, con lợn biến mất vào trong nhà và không nhìn thấy nó thêm nữa. Việc ấy có vẻ khiến chị góa không yên tâm, những chị vẫn không rời khỏi chỗ.
Chị góa tỏ ra là một phụ nữ đặc biệt. Tất cả những gì tụi em nói, chị đều coi như những tin tức của dịch vụ chỉ dẫn và chị phản ứng bằng sự tức giận, hay nụ cười, hay sự cảm thông thực sự. Mọi người uống hết mấy chai bordeaux mà người đầu bếp mang ra, anh này bị giục giã đều đặn qua điện thoại để trên bàn ngoài vườn. Khi mọi người rời bàn, em ở trong tâm trạng hết sức hưng phấn. Đó là tại bordeaux Pháp, nó tác động đến em như một chất kích dục (anh hãy liên tưởng như thế nào thì tùy), và bởi vì rằng ngày mai anh sẽ bay từ New York đến Paris.
Khi ngoài vườn đã khá lạnh, mọi người chuyển vào trong nhà chị góa. Alicja quan sát chàng sinh viên giúp chị góa đứng dậy khỏi ghế và tựa vào vai cậu ta, sát vào người cậu ta, ôm ngang lưng cậu ta để đi vào nhà như thế nào với vẻ không yên và tức tối.
Sau khi vào phòng khách rộng mênh mông, mọi người nhìn thấy một cảnh tượng không thể tin nổi. Con lợn nằm duỗi người trên chiếc đi-văng trắng (làm từ da lợn, chắc thế) đặt cạnh tường được phủ gần kín bằng một bức tranh thủy mặc xám-đen với kích cỡ không lồ. Những mảnh báo đôi chỗ bị ngâm trong những vũng nước gì đó hôi mùi amôniắc phủ lên nền đá của phòng khách. Đi trên nền nhà, mọi người giẫm nát các hạt nâu-đen vương vãi rung tung. Bên được đi văng bằng da trắng có một chiếc rỗng nhỏ, cửa mở, xung quanh đặc biệt có rất nhiều hạt. Đó chắc phải là cái lồng chuột mà chi góa đã từng kể. Nó hoàn toàn méo mó và không có con chuột nào bên trong. Không để ý gì đến tất cả cái đám lộn xộn ấy trong phòng khách, chị góa đến chỗ điện thoại và với giọng rất điềm đạm, đặt một xe Limousine để đưa tụi em về khách sạn ở Paris. Tụi em đứng ở đó như trời trồng và nhìn con lợn đang nằm trên đi-văng. Nó thở khò khè và co giật, từ mõm nó một thứ nước vàng nhỏ giọt, và có thể nhìn thấy rất rõ, chảy thành dòng theo đi-văng bằng da trắng xuống nền đá. Chị góa chợt nhận ra chuyện gì đang xảy ra. Chị hét lên, bỏ ống nghe và lao ra để cứu con lợn. Em lùi lại s át tường. Anh chàng sinh viên chạy ra ngoài, còn Asia cùng với chị góa chạy ra đi-văng.
Jakub, nếu không nhìn thấy chuyện này, thì em không bao giờ tin. Nhưng em đế nhìn thấy đúng như Alicja, mà trong suốt quá trình m ọi việc diễn ra, đã cấu vào tay em và run như cầy sấy. Chị góa chạy đến đi-văng và làm hô hấp nhân tạo cho con lợn bằng phương pháp miệng-mõm. Chị ta xoa bóp và ấn vào vùng tim của nó, dùng sức để cậy mõm nó ra rồi bằng miệng mình bơm không khí vào phổi nó. Con lợn vẫn thở khò khè. Một lát sau nó phun ra một mảng lông mâu nâu lẫn với một mớ bao vụn đỏ những máu. Alicja chạy ra ngoài. Asia quay lưng lại đi-văng, chỗ con lợn đang nằm. Chị góa vẫn không ngừng dùng miệng bơm không khí qua mồm con lợn. Em không dám nhìn cành đó, phải nhấm mắt lại. Một lúc sau, con lợn hết khò khè. Nó trượt khỏi đi văng và chạy ra ngoài. Chi góa mệt lả, ngồi bệt trên nền đá, đầu tựa vào đi-văng với đám n ôn vàng vàng và một góc con chuột đỏ máu vừa được con lợn khạc ra. Asia đi đến chỗ em. Nó cầm tay em và hai đứa không nói gì bỏ ra ngoài. Chiếc Limousine đang đợi Alicja ngồi cạnh người lái xe, anh chàng sinh viên ở ghế sau. Em với Asia lặng lẽ chui vào. Taxi lăn bánh. Suốt đường đi, không một ai lên tiếng. Khi chiếc Limousine dừng lại trước khách sạn, tất cả xuống xe trong im lặng. Alicja cũng vậy. Thậm chí không cả chia tay với anh chàng sinh viên của mình. Lần đầu tiên kể từ hôm đến Paris, nó ngủ cùng với Asia.
Khi đã ở một mình trong phòng, em mở một chai vang, ngồi bên cửa sổ, nhìn ra mảnh vườn trước phòng và thật sự ngạc nhiên vì chị góa ấy. Vì sự trung thành với niềm tin của mình. Vì có vẻ như em đã không thể tin rằng chị ấy thực sự có thể yêu con lợn giống Việt Nam ấy. Nhất là sau khi nó đã nhai con chuột của chị ta.
Sau một lát, rượu vang mới đã làm mạnh thêm bordeaux của sáu tiếng trước đó. Em rời xa Paris để trở về với hàng trăm vấn đề. Em nghĩ về anh. Em nhớ anh.
Đã có lần nào đó anh hỏi, "nhớ anh" có nghĩa là gì.
Nói một cách gần đúng, thì đó là một kiểu lai giữa suy nghĩ, mong ước, âm nhạc, lòng biết ơn vì em cảm nhận được điều đó, niềm vui vì có anh hiện hữu và làn sóng ấm áp nơi tim.


Em sẽ chạm vào anh. Chỉ mai thôi. Em sẽ chạm...



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:24  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 9:

ANH: Ở New York, anh ở trong Marriott Marquis, trên góc Broadway cắt phố 45. Anh tính rằng nếu đặt taxi lúc năm rưỡi thì sẽ thoải mái kịp. Nhưng đi được kilômét đầu tiên thì anh biết là anh đã sai lầm kinh khủng. Theo kế hoạch thì mãi hai mươi giờ ba mươi mới khởi hành, nhưng ngay lúc này anh đã biết rằng anh không còn nhiều thời gian.
Đã bốn mươi nhăm phút trôi qua, mà họ vẫn ở trong đám tắc đường đáng sợ trên Manhattan và đến Queens Midtown Tunel, nối Manhattan với Queens, nơi có sân bay Keunedy mà anh sẽ bay từ đó, vẫn còn xa vô tận. Tay lái xe người Ấn Độ (anh có cảm giác là tất cả lái xe ta xi ở New York đều là người Ấn Độ) nói không ngơi mồm, cười và động viên anh rằng nhất định họ sẽ kịp, nhưng anh thì biết rằng nếu họ có ngồi nửa ngày trong cái taxi này và máy bay thì đã cất cánh từ lâu mà không có anh, thì cái lão người Ấn Độ này vẫn cứ bảo anh rằng họ sẽ kịp.
Những người lái ta xi Ấn Độ ở New Orleans cũng đều thế cả.

Song tay lái taxi này là hiện thân của những gì tồi tệ nhất mà anh có thể gặp: trẻ và nhát gan.

Lái taxi ở New York có thể khiếm thị, nhưng không thể nhát!
Trên Manhattan vào tầm này không thể vượt được, khi trước đó nhìn qua gương thấy cả một hàng dài vô tận ở phía sau. Ở đây cần phải bật xi-nhan, tăng tốc, bóp còi và chuyển làn đường.
Ngay cả anh cũng biết điều đó, mặc dù anh chưa từng bao giờ lái taxi.
Khi họ đến được sân bay, tay lái xe vẫn luôn miệng cười, còn anh thì chỉ còn đúng mười tám phút nữa là đến giờ máy bay cất cánh.
Anh bực với chính mình, với sự ngu ngốc của mình, với New York, với tất cả những người Ấn Độ và với sự bất lực của mình.

Anh chạy như điên vào cổng ra của mình, vừa khấn thầm để họ đừng gạch tên anh khỏi danh sách hành khách để mà đem lại may mắn cho một ai đó trong danh sách chờ.

Họ không thể làm thế với anh được!

Bởi cô sẽ đón anh ở Paris và chắc chắn cô sẽ chờ anh.
Không, họ sẽ không làm thế. . .

Khi anh đến nơi, TWA800 đã kiểm tra xong.

Những hành khách của khoang hạng nhất và khoang business đã yên vị trong máy bay và uống sâm banh, theo anh đoán, còn những dãy cuối của khoang economy đang được gọi vào cổng.
Anh biết là mình đã chịu thua thời gian. Anh đã thua một cách dở hơi và vô lý đến thế.
Anh lấy hết sức để dán lên mặt mình một nụ cười dễ thương nhất mà anh có thể có vào thời điểm ấy và đi đến chỗ một cô gái tóc vàng trẻ, béo mặc đồng phục của hãng TWA, tay cầm điện thoại, đứng bên cổng mà bên trên có số hiệu chuyến bay của anh.
- Tất nhiên là chị biết rằng tôi nhất thiết phải bay chuyến này. Della đã chuyển tôi sang đây trái với ý muốn của tôi, các chị đã khẳng định bằng fax và điện thoại, tôi có thể cho chị xem bản fax ấy. Dãy của tôi đã được gọi ra cổng chưa? - anh hỏi bằng một giọng điềm đạm nhất mà lúc ấy anh có thể tạo ra được. Anh cho rằng thái độ thiếu nhã nhặn sẽ đẩy cô ta vào thế thủ.
Cô ta hiểu ngay ra trò chơi này. Cô cười và hỏi tên.

Khi anh đọc tên, cô ta kiểm tra trong máy tính và điềm đạm trả lời:

- Anh đã vô cùng gặp may. Khi chúng tôi gạch tên anh khỏi chuyến bay này vì anh đến muộn, thì Della đã nhận anh lên chuyến bay lúc hai mươi giờ ba mươi nhăm của họ. Chỉ vì anh là người đầu tiên trong danh sách chờ ở bên kia, và có người hủy chuyến bay vào phút chót, và máy tính của họ bị hỏng nên không xóa tên anh khỏi danh sách dự bị bên chỗ chúng tôi. Anh phải lưu ý đến máy tính. Họ cũng đang ở cùng một cổng ra. Anh nên chuyển thật nhanh sang đó. Anh đến Paris chỉ chậm hơn có nửa tiếng so với đi của hãng chúng tôi.
Anh chưa kịp nói gì thì cô ta đã quay sang với hành khách.
Rất nhanh, anh nhớ rằng ở đây, Della có trạm của họ ở phía đông của sảnh này, thế là không nói gì, anh quay đầu chạy về hướng đằng ấy.
Khi anh đến được trạm của Della, đám đông vẫn nhốn nháo ở đó. Anh thở phào.
Bao giờ Della cũng có thời gian. Anh biết điều này từ mấy năm nay, từ khi anh bắt đầu bay bằng hãng này.

Cho tới khi nhận lại thẻ lên máy bay, anh mới nghĩ ra là cô hoàn toàn không biết gì về việc thay đổi chuyến bay này, còn họ thì đã mời hành khách lên máy bay và quanh đấy cũng không có điện thoại.
Lên máy bay mình sẽ gủi e-mail cho cô và sẽ gọi điện đến khách sạn - anh nghĩ.
Anh nhấc vali và túi đựng laptop rồi đi ra ống dẫn ra máy bay.
Khi đã tìm thấy và ngồi vào chỗ của mình cạnh cửa sổ, anh bỗng cảm thấy mệt kinh khủng.

Anh ngồi không nhúc nhích. Khi máy bay nặng nề cất cánh anh hoàn toàn thanh thản nhìn xuống New York rực rỡ đầy lãng mạn trải dài ngoài cửa sổ và nghĩ rằng lần đầu tiên sau một thời gian dài anh mới lại có thể nhìn cảnh này và không sợ hãi.
Khi ánh sáng của New York đã trở thành một tinh vân không có tính thù rõ rệt, anh nhắm mắt và lúc này anh mới thực sự bắt đầu chuyến đi của mình.
Anh bay đến Paris chỉ vì cô và chỉ đến với cô.
Chỉ còn mấy tiếng nữa và anh sẽ gặp cô.
Anh không muốn lại thêm một lần nữa nhắc lại những gì sẽ nói với cô, sẽ nói về cái gì và sẽ chạm vào tay cô ra sao.
Anh không muốn bởi anh biết rằng đằng nào thì cũng sẽ không được như trong cái chương trình ngọt ngào mà anh đã tự lên cho anh. Sẽ không giống, bởi cô là khó có thề đoán trước được và chỉ cần một lời nói thôi cũng đủ để một cái khác đi rồi.
Thậm chí có trong những câu chuyện của họ trên ICQ cũng thế. Mặc dù anh nói nhiều hơn và kiểu gì thì cô cũng là người xác định hay đổi chủ đề. Nhưng anh vẫn thích có kế hoạch, chủ yếu là vì được vui khi lên kế hoạch.


Bỗng nhiên anh thèm uống vang quá.
Anh nhìn quanh. Một sự thư giãn điển hình sau những căng thẳng của lúc cất cánh. Một số người đắp chăn chuẩn bị ngủ, một số đứng dậy để giải tỏa nỗi sợ đang qua đi trong khi xếp hàng chờ vào toilet, một số khác nữa thì lấy báo hay tạp chí từ túi xách tay ra, một số ngả ghế và nhắm mắt. Không thiếu những người như anh, đang ngóng các tiếp viên để có thể bình tĩnh trở lại nhờ rượu, là thứ mà ở độ cao này có tác động khác hẳn.

Nhưng đặc biệt hôm nay, anh hoàn toàn không muốn dùng rượu để tĩnh tâm.

Anh muốn tưới cho những ước mong của mình bằng chianti [1] đỏ.

Anh muốn tưởng tượng một chút về Paris chung của họ và về Paris được cô trang hoàng tưng bừng như thế nào cho anh bằng sự có mặt của mình. Anh nhớ một đoạn trong số những bức thư gần nhất cô viết cho anh:

Anh là vô cùng quan trọng đối với em. Em biết ơn anh rất nhiều và không chỉ vì những gì em cảm thấy. Nhờ có anh mà em hoàn thiện hơn, tốt hơn, em cảm thấy mình độc đáo và không thuộc loại trung bình. Có thể ít thông minh hơn một chút (mọi cái vốn vẫn tương đối như vậy), nhưng chắc chắn là tuyệt vời đặc biệt. Đúng thế, em cảm thấy giờ đây mình sống đầy đủ hơn và có ý thức hơn. Em say mê tất cả những suy ngẫm và mơ màng mà anh mang đến cho em. Chúng khiến em vui biết bao.

Tất nhiên là trong đầu em luôn có cả một mớ lộn xộn kinh khủng, mà cho tới lúc này chưa có lý do gì, chưa có động cơ nào để vì nó mà em muốn sắp xếp lại những ý nghĩ của mình. Nếu như em có nói lung tung thì chính là vì thế. Anh buộc em phải suy nghĩ, mặc dù là rất vụng về (Nhưng anh đừng có dừng lại! Sau mấy năm nữa anh sẽ có em như một người bạn để trò chuyện, như chưa bao giờ anh có được như vậy) và sắp xếp những ý nghĩ xoay tít của em.

Anh cười với ý nghĩ rằng mình quan trọng biết bao trong những ý nghĩ xoay tít của cô.

Còn sau đó trong chương trình, anh sẽ dùng đúng loại chanti đó để gọi giấc ngủ đến, bồi giấc ngủ bao giờ cũng rút ngắn sự chờ đợi một cách đáng kể. Anh nhớ điều này từ hồi còn bé, đặc biệt là trước sinh nhật và Giáng sinh.

Thế là anh đưa mắt tìm nữ tiếp viên.

Cô ta đột ngột xuất hiện ở cuối lối đi; cô ta vừa từ cabin của các phi công ra.

Anh có cảm tưởng như cô ta vừa khóc.

Khi cô ta đến gần, thì anh chắc rằng cô ta đã khóc. Trang điểm nhem nhuốc, nước mắt chỉ chực trào ra, hai bàn tay run run. Anh cố gắng để cô không biết là anh nhận thấy điều đó. Anh cười với cô, hỏi xin rượu vang, còn cô ta trả lời bằng bộ mặt méo mó đang cố mô phỏng một nụ cười và đi.

Một lúc sau cô mang rượu vang đến, đã trang điểm lại, đã tự chủ được và trông rất buồn. Cô đưa rượu vang cho anh, không nói một lời rồi đi.

Anh uống ngụm đầu tiên rồi kéo tai nghe điện thoại từ chỗ tựa của ghế trước. Kéo thẻ tín dụng qua khe máy đọc và bấm số khách sạn của cô ở Paris.
Số máy bận.

Một lát sau anh gọi lại. Vẫn thế.

Rượu vang hết đã lâu, còn anh vẫn bấm số máy ấy ở Paris và khi máy bận, anh lại tự nhủ sẽ chỉ thử một lần nữa, chỉ một lần duy nhất, lần cuối cùng.
Sau một tiếng anh bỏ cuộc.
Anh gọi cốc vang nữa, lôi laptop dưới gầm ghế ra và bật máy.

Anh chuẩn bị một e-mail để gửi đến lễ tân khách sạn nơi cô ở.
Anh nhờ họ thông báo gấp cho cô biết là anh không bay chuyến TWA800, mà bay DL278. Anh cho giờ và số cổng ra ở sân bay Charles de Gaulle mà anh sẽ ra. Anh đề nghị xác nhận e-mail đến. Anh dự định một lần nữa, ngay trước khi hạ cánh xuống Paris, sẽ vào mạng để kiểm tra xem có xác nhận hay chưa.
Cáp modem anh cắm vào ở trong điện thoại đã kịp nóng lên trong tay anh khi anh cố gọi đến khách sạn ở Paris của cô trong suốt một giờ đồng hồ cuối cùng.

Anh chọn số của Compuserve và một lát sau đã ở trong mạng.

Anh gửi e-mail. Khoảng chín giờ sáng máy bay sẽ hạ cánh, vậy thì chắc chắn họ sẽ kịp thông báo cho cô – anh nghĩ.
Thứ năm này, mười tám tháng bảy, ở Paris sẽ là ngày của họ. Và hoàn toàn không ảo.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:25  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Anh định ra khỏi mạng, nhưng trước đó anh quyết định vào trang CNN để xem dự báo thời tiết vùng Paris. Anh hy vọng rằng sẽ không mưa. Ở sân bay, anh sẽ nhận ôtô trong Avis anh đã đặt xe từ ở New York, và sẽ phải là kabriolet. Anh gõ địa chỉ của CNN trong Netscape và đợi cho trang chủ hiện trên màn ảnh của laptop, anh đưa ly lên miệng.
Nhân viên lễ tân, lễ tân khách sạn Bousquet, đêm 16 rạng ngày 17 tháng bảy năm 1996, Paris:
Cậu thay ca vào lúc nửa đêm. Bao giờ cậu cũng thay ca đêm. Không phải vì thích. Cậu không có sự lựa chọn khác. Học tin học ở Ecole de Paris, và để sống được trên mặt bằng của cái thành phố đắt đỏ này, cậu phải đi làm thêm. Mà làm việc thì dù có thể vào ban đêm. Cái khách sạn nhỏ ở Khu Latinh này giống như thể một số phận may mắn trong xổ số. Cách nơi ở, cậu ở cùng với hai người nữa cũng như mình, chỉ có mười phút đi bộ, ngoài ra ông chủ khách sạn là người Ba Lan nên không bao giờ đưa ra những câu hỏi ngu xuẩn. Tiền công bao giờ cậu cũng nhận tiền mặt, không bao giờ bị để trong phong bì, và luôn đúng hạn. Cậu thích sự yên tĩnh này, khi mọi người đã ngủ, còn cậu vặn khẽ radio, mở chai rose lạnh ưa thích và ngồi sau quầy lễ tân, nhấm nháp vang và chìm đắm trong trạng thái nửa thức nửa ngủ. Cậu nhắm mắt, nhưng vẫn nghe thấy những khách về muộn vào khách sạn, ngây ngất vì thành phố hoặc vì rượu và đập vào những cánh cửa đóng, cậu nghe điện thoại của những người cho đến giờ này mới sực nhớ ra là họ không có báo thức, mà sáng mai họ lại có một cuộc gặp cực kỳ quan trọng và cần phải đánh thức họ.
Cậu phải ra khỏi trạng thái này ngay lập tức rồi trở lại ngay lập tức.
Cứ như vậy đã hai năm, ban ngày cậu đi học, đêm làm việc.
Song gần đây mọi việc đã bị xáo trộn một cách triệt để.
Ông chủ khách sạn lắp đặt Internet.
Họ có trang web của mình, địa chỉ của mình và nhận đặt phòng qua mạng.
Không thể có gì hay hơn thế!
Hai tiếng sau nửa đêm, cậu bật modem, vào mạng và ở trên đó với những quãng dừng ngắn cho đến sáu giờ sáng.
Cậu lang thang, liên hệ, và trên hết là chat.
Cậu có bạn nói chuyện ở khắp nơi trên thế giới. Một số người vào mạng chỉ để gặp chính cậu.
Dần dà, nhưng không thể lay động, cậu đã bị nghiện Internet.
Cậu đã không còn cái trạng thái nửa thức nửa ngủ ấy nữa. Buổi sáng, cậu thiếp đi trong các giờ học, cậu đi làm muộn vì ở nhà gần mười hai giờ cậu đã ngủ nhưng vẫn không tài nào đánh thức được cậu trước nửa đêm.
Cậu tự nói với chính mình rằng đây chỉ là một sự say mê nhất thời; đã như vậy từ bảy tháng nay.
Tất nhiên là cậu biết rằng khi mình vào mạng, không ai có thể gọi điện đến khách sạn được. Cậu giả thiết rằng trong khoảng từ hai đến sáu giờ sáng, đằng nào thì cũng không thể có cuộc gọi quan trọng nào, vậy cậu là cho qua chuyện đó. Hôm nay cậu cũng sẽ không bận tâm về vấn đề này.
Như thường lệ, cậu bật modem và máy tính. Đầu tiên cậu kiểm tra toàn bộ các đăng ký phòng online. Những gì có thể, cậu xác nhận bằng e-mail.
Sau đó cậu kiểm tra thư đến của khách. Dịch vụ này mới được khách sạn đưa vào và cậu tự hào nhận thấy nó quan trọng và ngày càng trở nên quan trọng như thế nào.
E-mail đến từ khắp nơi trên thế giới và bằng mọi thứ tiếng có thể.
Cậu in những bức thư ấy, cho vào phòng bì màu ôliu có địa chỉ Internet của khách sạn và gần sáng, cậu nhẹ nhàng luồn qua khe cửa của người nhận. Sau mấy tháng thì thấy rằng họ đã có những khách cố định chỉ thông qua mạng và những phong bì màu ôliu ấy, ngay sau khi thức dậy.
Cậu cũng gửi những thư của khách để lại trên đĩa mềm. |
Sáng nay có ba cái phải gửi đi. Hai cái của cái chị Ba Lan xinh đẹp ở phòng mười tám trên tầng một ấy. Hai hôm trước đây lúc gần sáng chị ta đã kéo cậu ra khỏi máy tính lúc cùng với hai cô bạn từ vũ trường về. Họ rất vui nhộn và làm duyên với cậu. Họ đi vào khách sạn theo nhịp nhảy, ngồi chuyện phiếm ở sôpha trước lễ tân, một lúc sau một chị chạy lên phòng mình lấy champagne.
Chị để tóc xõa và rối, mặc chiếc sơmi màu xanh lá cây bó sát, cổ khoét sâu để hở viền đăng ten mỏng màu xanh lá cây của chiếc nịt vú. Cậu không thể xác định được màu mắt chị. Có vẻ như là chúng chuyển từ màu xanh lá cây sang màu nâu sẫm.
Khi đã uống champagne ngọt của Ý, chị đột nhiên đứng dậy và đi vào chỗ cậu sau quầy lễ tân, định vặn to đài vì đúng lúc Bryan Ferry đang hát. Lúc ấy chị nhìn thấy màn hình máy tính của cậu với trang của khách sạn và không vòng vo chị hỏi ngay có thể gìn e-mail được không.
Khi cậu trả lời đương nhiên là được, chị không nói không rằng, bỏ cậu đấy và ngồi vào bàn máy tính. Chị tự tìm được chương trình thư trong ổ cứng của máy tính khách sạn và bắt đầu viết.
Cậu có cảm tưởng như với chị, thế giới ngừng tồn tại ...
Khi cuối cùng thì chị cũng quay lại nhập bọn, cậu đã kịp cùng với hai cô bạn của chị uống hết chai champagne . Chị lặng lẽ. Không nói thêm một lời nào nữa.Cậu có cảm tưởng như với chị không còn gì tồn tại. Chi đột ngột đứng dậy, chúc mọi người ngủ ngon rồi đi ra. Hai cô bạn chị nhìn nhau đầy ý nghĩa nhưng không bình luận gì.
Chị trở nên bí hiểm.
Hôm nay, chốc nữa cậu phải gửi hai thư của chị để lại trên đĩa mềm trong ô của mình.
Sắp sáu giờ.


Cậu gọi chương trình thư, chuyển thư từ đĩa mềm sang hộp thư gửi và tự nhủ, rằng đây chỉ là ngoài ý muốn, rằng dù là mọi chuyện đã sắp đặt không may như thế nào đó, cậu bắt đầu đọc thư thứ nhất:
Paris ngày 16 tháng bảy
Em cảm thấy thiếu anh vô cùng, Jakub…
Từ ba ngày nay, em cảm thấy đến đau đớn, anh đã bước vào cuộc đời em sâu sắc biết bao và điều gì sẽ đến với em nếu anh rời bỏ nó. Em cảm thấy bị bỏ rơi ở giữa đám đông quanh mình trong cái thành phố Paris đen-trắng vô hồn này, lẽ ra nó phải rực rỡ sắc màu như người ta đã hứa trong catalog mà em đã nghiên cứu rất kỹ ở Warszawa.
Anh hãy đến đây đi, em xin mà, anh hãy đến...

Cậu gửi bức thư này và sung sướng mở thư thứ hai, "ngoài ý muốn":
Paris ngày 16 tháng bảy
Rất, rất, rất cám ơn anh, anh thông minh và tuyệt vời của em.

Cám ơn anh vì tất cả, vì anh đã nghĩ rằng chúng mình có thể gặp nhau, vì anh đến đây hôm nay.

CHỈ VÌ em, và anh sẽ chỉ cùng với em: Em biết là anh sẽ đọc những dòng này trên máy bay (em không thể hình dung ra, người khác thì không nói làm gì, nhưng anh lại không thể nhận thấy có ổ cắm modem ngay trước mắt mình!), và khi anh bắt đầu đọc những dòng này, thì em vẫn còn ngủ với giấc ngủ chập chờn của một cô gái mới lớn đang yêu.
Sáng mai, ở sân bay, môi em sẽ có màu gì nhỉ? Anh thích màu gì nhất?

Có phải có những màu có vị khác với những màu khác?
Chắc chắn cả điều này nữa anh cũng biết …



Cậu cười và nghĩ hôm nay mình rất, rất muốn được là Jakub...
Đã đến thời của "những bức thư trong khe".
Cậu khởi động chương trình thư một lần nữa và lấy tất cả mail từ máy chủ của họ.
Chỉ có hai cái. Một cái cho cậu, của ông anh ở Warszawa, và một cái cho chị, của tay Jakub ấy.
Ở đầu trang, được viết bằng tiếng Anh, anh ta yêu cầu người nhận thư này trong khách sạn ngay lập tức và tuyệt đối ưu tiên thông báo cho người có tên dưới đây về việc thay đổi thời gian bay của anh ta từ New York đến Paris, còn trong phần cá nhân, được viết bằng tiếng Ba Lan, và gửi cho chị, anh ta thông báo rằng sẽ không bay bằng TWA800 mà bằng DL278, và rằng chị hãy chờ anh ta muộn hơn nửa tiếng và ở cổng khác. Vì cho rằng người nhận e-mail của khách sạn không biết tiếng Ba Lan nên anh ta đã kết thúc bức thư bằng một đoạn khiến cậu thấy vui vui:

Em yêu, ở đó, ở sân bay ở Paris, khi chúng mình gặp nhau, hãy đừng cho phép anh quên. Hãy liên tục nhắc anh rằng chúng mình chỉ là bạn. Trừ khi cả em cũng quên. Nếu vậy, thì không cần phải nhắc anh nữa. Ngay cả những đôi bạn thân nhất vẫn có thể quên như vậy mà.
Jakub.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:25  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Cậu bỗng ngạc nhiên ý thức rằng chị đeo nhẫn cưới trên ngón tay bên phải. Cậu nghĩ ràng đó không phải là nhẫn của cái tay Jakub này. Bây giờ thì cậu cũng hiểu tại sao chị lại đăng ký báo thức và đặt taxi cho buổi sáng sớm đến thế. Cậu in bức e-mail ấy và quyết định sẽ tự tay đưa cho chị vào sáng mai, lúc cô xuống taxi.


CÔ: Cô đăng ký báo thức, đặt đông hồ báo thức của mình và lấy thêm một cái của Alicja. Để cho chắc.

Nhưng rồi tự cô đã dậy trước báo thức nửa tiếng. Cả hai cái đều réo chuông lúc sáu rưỡi và ngay sau đấy là điện thoại. Cô khỏa thân, cứ để nước chạy từ người như thế ra khỏi phòng tắm để tắt báo thức cứ nhắc đi nhắc lại. Cô có cảm tưởng như cả khách sạn đều biết là cô dậy.
Lúc này cô đứng dưới vòi tắm và phấn khỏi vì đã sắp rồi...
Họ sẽ gặp nhau, họ sẽ thực sự gặp nhau!
Cô mặc bộ đồ lót mới, xịt loại nước hoa mà anh thích, mặc chiếc váy mới mà cô mua ở Warszawa trước chuyến đi. Cô trang điểm. Cô muốn hôm nay mình phải thật độc đáo và đẹp ngay từ sáng sớm.
Liệu cô có thực sự yêu anh?

Cô mừng vì anh đến sớm như thế này. Cô sẽ không phải vật lộn với sự sốt ruột mà cô đã có từ khi họ đến đây. Các buổi tối khiến cô khổ sở nhất. Những lúc ấy cô mở rượu vang để "làm mềm" cảm giác đó, và rơi vào trạng thái lãng mạn-buông thả. Nếu không làm chủ được nó, cô sẽ bỏ tất cả đấy để chạy ra Cafe Internet ở gần khách sạn của họ để viết cho anh tất cả những gì cô cảm thấy.

Hôm nay chắc chắn cô cũng sẽ rơi vào trạng thái lãng mạn - buông thả ấy, nhưng hôm nay cô sẽ không đi đâu cả. Thậm chí cô không cả muốn trả lời cho chính mình, cô sẽ làm gì hôm nay nếu trạng thái ấy đến.

Sẽ đến...?!
Anh đã ở đây. Cô cảm thấy anh một cách chính xác. Vậy mà còn chưa đến tám giờ sáng. Khi đã chấp nhận hình ảnh của mình trong gương, cô ra khỏi phòng.
Taxi phải chờ cô trước khách sạn.
Khách sạn vẫn yên ắng và vắng vẻ. Đi qua gần chỗ lễ tân, cô cảm thấy mùi cà phê mới pha, nhưng không có cậu trực lễ tân người Ba Lan dễ thương ấy ở đó.
Taxi đã chờ sẵn. Đúng là xe này. Anh lái xe người Ả Rập bước vội ra, cúi chào và mở cửa xe...

Lúc quay xe, cô chợt thấy hình như cậu nhân viên lễ tân chạy từ khách sạn ra. Cô nói bằng tiếng Anh với người lái xe để anh ta dừng lại, nhưng anh ta không hiểu. Họ đột ngột rẽ sang phố ngách và cô không còn chắc liệu có phải chỉ là mình tưởng như vậy không.

Cô ngồi thoải mái.
Cô cười một mình. Một ngày nắng tuyệt đẹp của Paris, còn cô đến với anh.
Bây giờ thực sự là sắp - sắp rồi - cô nghĩ.
NHÂN VIÊN LỄ TÂN : Lúc sáu rưỡi cậu gọi điện để đánh thức cô. Cậu không nghĩ là giọng cô còn ngái ngủ.

Sau đó cậu gửi mail xác nhận theo địa chỉ của Jakub và sát bảy giờ, cậu ngắt modem. Nửa tiếng sau người ta đưa báo hàng ngày tới. Cậu phải phân phát báo trong khách sạn. Nhưng trước đó cậu quyết định phải uống cà phê cái đã. Cậu ra căn bếp nhỏ cạnh lễ tân và mở automat vào cà phê.
Sau đó cậu cho báo vào một cái túi riêng, quàng qua vai và đi thang máy lên tầng trên cùng. Cậu đi từ tầng này xuống tầng khác, để báo trước cửa những phòng có khách.

Khi ra khỏi thang máy ở tầng một, cậu nhận thấy cô đang đi xuống cầu thang.

Một lát sau đó, khi để báo, cậu nhìn thấy một tít báo.

Cậu quẳng túi và chạy quáng quàng xuống dưới. Cậu nhìn thấy cô vào taxi. Cậu gọi tên cô như điên, nhưng taxi đột ngột rẽ sang phố bên cạnh và cô mất hút khỏi tầm mắt cậu.


ANH: Anh chậm rãi nhấm nháp chianti trong lúc đợi trang CNN hiện ra trên màn hình của mình.

Anh cảm thấy dễ chịu và ấm cúng ánh sáng trong máy bay chỉ mờ mờ, trên màn hình vô tuyến ở đằng xa, những cảnh cửa một bộ phấn mà anh thậm chí không biết tên đang chạy, xung quanh là tiếng ồn dễ chịu của động cơ đang hoạt động.

Toàn bộ sự náo động của tuần vừa rồi, đầu tiên là trong thời gian hội nghị ở New Orleans, sau đó ở Princeton và New York, toàn bộ sự căng thẳng điên rồ hôm nay trên đường đi và ở sân bay, giờ đây dường như là một cái gì đó đã xảy ra lâu lắm rồi. Một cái gì đó vớ vẩn.
Anh nhắm mắt một lúc. Toàn bộ trang CNN đã hiện lên trên màn hình máy tính.

Bắt đầu là tin giờ chót, được hiển thị trên màn hình bằng chữ đậm. Anh bắt đầu đọc:


Ngày 17 tháng bảy năm I996, tại 2031 EDT, chiếc Boing 747-131 đã rơi xuống vùng biển Atlantic, cách Moriches, New York khoảng tám dặm về phía nam, sau khi rời sân bay John F. Kennedy Intertional Airport (JFK). Đây là chuyến bay theo lịch trình đến Charles de Gaulle Intertional Airport (CDG), Paris của Trans Word Airline Flihght TWA800. Chiếc máy bay đã nổ tung, bốc cháy và lao mạnh xuống biển. Tất cả 230 người đã thiệt mạng.

Càng đọc, anh càng run khắp người. Anh không cầm nổi cái ly và biết rằng nếu không đứng dậy ngay, anh sẽ bị lên cơn hen. Anh bắt đầu thấy khó thở. Anh biết cái gì sẽ đến. Bởi anh vẫn còn nhớ từ hồi Nataha.

Anh rứt cáp modem ra khỏi điện thoại, làm laptop rơi ra sàn, còn anh len ra lối đi giữa các hàng ghế. Anh giẫm lên mọi thứ, giẫm phải mọi người trên đường đi, kệ, với anh lúc này hoàn toàn dửng dưng.
Cô tiếp viên đột ngột xuất hiện ngay bên cạnh.

Anh vội túm lấy tay cô và nói nhỏ:
- Chị khóc, vì ... vì tất cả họ đã chết, đúng không?

Cô tiếp viên không tin và sợ hãi nhìn vào mắt anh hỏi:
- Từ đâu mà anh biết?

- Từ CNN, tôi vừa đọc trang của họ …
- À vâng - cô trả lời và nhìn vào laptop của anh nằm trên sàn dưới cửa sổ. - Tôi đã khóc … vì họ đã chết. Nhưng mong anh đừng nói cho ai biết. Họ sẽ tự biết tin này ở Paris. Anh nhớ nhé !
- Chị có biết là tôi … tôi ở trên máy bay này chỉ do tình cờ? Chị có biết là nếu không bị tắc đường ở New York, thì tôi đã cùng với họ... tôi đã... đã chết ở đấy??

Cô nhìn vào mắt anh, nghe và bỗng ôm lấy anh. Ngay sau đấy cô cảm thấy xấu hổ vì sự mềm yếu ấy và vội bỏ đi. Còn anh đứng và nhìn bằng ánh mắt vô hồn và phân vân, phải chăng anh sống là vì trên thế gian này còn có một điều gì đó quan trọng phải làm, hay chỉ vì sự lơ đễnh và không hoàn thiện của mình, hay vì người lái taxi nhát gan ở New York.
Cái chết đã chừa anh ra chỉ trong gang tấc, và ngoác miệng trong tiếng cười giòn tan từ câu chuyện tiếu lâm mà nó đã dựng lên cho anh ở Manhattan.
Cái chết …
Anh lại nhớ lại.
Cái chết khi mẹ anh mất.

Mẹ anh đã chết dần dần, không ngưng nghỉ. Cứ từng ngày từng ngày một.

Suốt mười tám tháng.
Một hôm, người ta bảo rằng không còn cách gì để cứu bà được nữa và họ đưa bà về nhà bằng xe cấp cứu. Và từ ngày ấy bà bắt đầu từ từ ra đi.
Anh về nhà sau các giờ học ở cả hai khoa mà bà đã tự hào về chúng biết bao, còn bà nằm trên giường, đợi anh và anh phải kể cho bà nghe.

Về tất cả. Về các bài thi, các bài kiểm tra, về cái nhà ăn sinh viên hôi rình và về các bạn nữ sinh viên mà anh thích.
Bà nắm tay anh, hồi hộp nghe anh kể bằng cái bóp tay ấy, anh biết rằng bà đang yếu dần đi.
Ngày nào cũng có một người đến tiêm cho bà, nếu không được tiêm thì bà sẽ ngạt thở. Dạo đầu ông ta chỉ đến ngày một lần. Đến thời gian cuối, có những ngày ông ta phải đến nhà anh đến năm lần.

Cha anh, mặc dù là nhân viên y tế đã qua đào tạo và đã hai mươi năm lái xe cấp cứu, nhưng chưa bao giờ dám tiêm cho bà. Có lần ông đã thử, vì bà bị khó thở mà họ thì không thể gọi điện được cho người tiêm. Thậm dù ông đã tìm được tĩnh mạch yếu ớt dưới những vết thâm tím mà từ mấy tháng nay không thể mất đi. Nhưng khi đã chọc được kim tiêm, ông lại không thể đẩy được thuốc vào mạch. Anh phải làm việc ấy.
Bà nhìn vào mắt anh và cười, mặc dù anh biết rằng bà đang phải chịu đau như thế nào.

Vào một tối tháng mười hai, một tuần trước Giáng sinh, bà khống chờ anh đi học về nữa. Bà ngủ, thở nặng nhọc hơn bình thường. Nhưng anh phải ở bên bà như một khi, cầm tay bà và kể về tất cả những gì xảy ra với anh trong ngày hôm đó. Anh tin rằng bà vẫn nghe thấy anh.

Đêm hôm ấy bà mất.
Anh không khóc. Anh không thể. Phải mấy ngày sau đám tang, khi anh từ nghĩa trang về và nhìn thấy cái khăn quàng, cái bàn chải đánh răng của bà trong phòng tắm và cái đánh dấu trang trong cuốn sách bà đang đọc dở nằm trên bàn ngủ cạnh giường, thì nước mắt mới trào ra.

Trong lễ Giáng sinh, anh cùng bố ra nghĩa trang, trồng một cây Noel cạnh mộ. Họ thắp nến, treo những quả bóng màu. Giống như ở nhà, khi bà còn sống.
Và vào lễ Giáng sinh ấy, hai bố con đứng ngoài nghĩa trang mấy tiếng liền, hút thuốc lá và khóc bên cạnh nấm mộ được phủ những bông hoa tê cóng và những ngọn nến lạnh giá, còn anh thì ngẫm nghĩ, liệu có ai có được một người mẹ như vậy, đã viết thư cho anh hàng ngày trong suốt năm năm.

Hàng ngày.


Sau đó anh nhớ về bố.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:26  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Có thể nói từ sau cái chết của mẹ, ông không còn sống nữa. Nghĩa là hàng sáng ông vẫn thức dậy như mọi người, ông dậy và cùng, đúng ra là cùng chết với bà. Trên mộ, ông cho khắc ở phía dưới phiến đá đen một câu dang dở. Và ngày vui sẽ đến . .
Họ ở cùng nhau nên anh nhìn thấy ông cô đơn và nhớ bà nhiều như thế nào. Thỉnh thoảng, khi về nhà vào buổi tối, anh bắt gặp ông ngồi trong căn phòng dày đặc khói thuốc, chai vodka đã cạn để trên mặt bàn phủ đầy ảnh mẹ anh.
Bố thắp nến, xếp ảnh của mẹ ra, xem chúng, nhớ và uống cho đến không biết gì nữa. Đến quên đi thì thôi.
Anh về nhà muộn và đưa ông lên giường, sau đó dùng dao cạo sạch sáp nến rơi trên mặt bàn và xếp lại những tấm ảnh đen trong vào album, anh nhìn chúng và nghĩ, không biết rồi mình có gặp được người phụ nữ đẹp và tốt như bố đã gặp hay không.
Sau đó bố bắt đầu ốm. Có thể thấy là ông phó mặc cho số phận và không hề tự vệ.
Khi anh có học bổng đi New Orleans, họ đưa ông đi viện.
Người anh trai biết rằng tình trạng của bố rất xấu.
Anh quyết định bay về Ba Lan.
Vào một chủ nhật của tháng ba, anh xuống sân bay ở Warszawa, và sau khi đi tàu về đến Wroclaw, anh đi thẳng từ ga vào bệnh viện.
Mang theo cam mà anh mua cho ông, cùng với một cái áo len dầy cho mùa đông, cùng với hai chương của luận văn tiến sĩ và một trăm đôla biếu các bác sĩ trong bệnh viện. Vì họ đã "quan tâm chăm sóc".
Bố đang chờ anh và ông đã sung sướng biết bao. Ông mừng kinh khủng và tự hào vì thằng con trai "sắp là tiến sĩ " từ Mỹ về.
Sáng hôm sau, người anh trai gọi anh dậy và nói rằng bố đã mất đêm qua.
Còn anh thì biết rằng bố đã chờ anh cùng với cái chết ấy.
Bởi từ ngày mẹ mất, bố luôn chờ anh.
Chỉ thỉnh thoảng lắm mới không. Khi ông thắp nến, mang cuốn album ra và uống.
Hai anh em đến bệnh viện. Ông nằm hoàn toàn trần truồng trên bệ xi măng ướt trong nhà xác ảm đạm và hôi hám vì ẩm ướt cạnh bệnh viện cùng với những cái xác khác.
Anh không thể chịu đựng nổi một sự xúc phạm như vậy. Anh cởi áo khoác, đắp lên người ông và tức giận túm lấy cái áo choàng bẩn của tay nhân viên vệ sinh, người đã đưa họ tới đây. Người này, mặt đỏ và toàn hơi rượu từ sáng sớm không hiểu mô tê gì. Anh kéo hắn về phía mình và bảo rằng hắn có mười phút để chuẩn bị đưa xác ông cụ đi. Một giờ sau, sau trận lôi đình với tay phụ trách phân khoa, anh đi trong chiếc xe tang nysa, được trả bằng đôla, là thứ có thể giải quyết được mọi việc ở cái đất nước này, với xác ông đặt trong quan tài, về nhà.

Lần đầu tiên những người sống trong khu tập thể của anh nhìn thấy người ta đưa quan tài cùng với thi thể từ ôtô lên nhà chứ không phải là ngược lại.
Ở bệnh viện người ta bảo là ông bị ung thư dạ dầy đã di căn sang tất cả các bộ phận khác. Không bao giờ anh quên được tay bác sĩ trẻ, rất tươi cười và bình thản nói thêm:
- Nhưng cụ đã may mắn khi lại chết vì nhồi máu cơ tim.
May mắn.
May mắn... Một từ mới đa nghĩa làm sao... - anh nghĩ và ghê tởm nhìn gã bác sĩ ấy.
Sau đó họ đến để mang đồ đạc của bố ở phòng bệnh, nơi mà ông đã mất, vế. Trên giường là chiếc áo len anh mới mua, dưới gối là những trang luận văn của anh đã nhàu, còn trên mặt bàn bọc kim loại là quả cam cắt dở. Anh mở ngăn kéo bàn. Ngoài bao thuốc lá đã bóc, mà ông đã hút hết, kể cả ở đây vài giờ trước khi mất, anh còn thấy vẫn những tấm ảnh mà anh thường xếp lại trên mặt bàn đầy sáp nến ở nhà.
Cho đến lúc đó, mặc dù anh đã muốn từ rất lâu trước đấy, anh mới ngồi xuống giường và khóc như một đứa trẻ.



Và ngày vui đã đến…
Những tấm ảnh trắng đen đã mờ, loang lổ với những vết nhăn ấy, cho đến hôm nay luôn là một cái gì đó nhắc với anh nhiều nhất về cha mẹ. Những lần ra nghĩa trang thăm mộ họ, anh rất hay mang theo. Có lần quên, anh phải đi taxi quay về nhà, lấy ảnh rồi mới ra nghĩa trang.
Natalia... Không, anh không thể nghĩ đến cái chết ấy. Không phải lúc này, không!
Cái chết. Phải chăng lúc này đó là một điềm báo, hay chỉ là một sự ngẫu nhiên vớ vẩn?

Anh không quay lại chỗ ngồi. Anh cần phải tĩnh trí lại. Anh bắt đầu đi dọc máy bay. Ánh sáng mờ mờ, vậy nên không ai có thể nhìn rõ nét mặt anh và hai con mắt đỏ của anh. Được một lúc, vẫn cô tiếp viên ấy đi đến chỗ anh, đưa cho anh valium( [2]) và một cốc nước.
Anh chợt nghĩ ra rằng không có gì để đảm bảo là cô biết KHÔNG CÓ ANH trong chiếc máy bay ấy. Anh cần phải biết chắc điều này.
Mình không thể làm được điều này cho cô... đơn giản là mình không thể - anh kinh hoàng nghĩ.
Ngay lập tức anh quay lại chỗ ngồi và bấm số điện thoại của khách sạn cô ở.

Máy bận.
Anh liên tiếp gửi đi ba e-mail bây giờ là với lời yêu cầu khẩn thiết và đề nghị khách sạn phải ngay lập tức và không chậm trễ báo cho cô biết về việc thay đổi giờ đến của anh.
Anh khởi động chương trình kiểm tra kết nối Internet với máy chủ của khách sạn. Tất cả đều hoạt động tốt, mail của anh không bị trả lại, trang web của khách sạn có thể vào được vậy thì anh nhận định rằng mail của anh nhất định phải đến nơi.
Tuy nhiên điều này không mang đến cho anh một mảy may yên tâm nào.
Anh có thể cho đi tất cả để cái số Paris chết tiệt ấy cuối cùng cũng hết bận!
Anh bắt đầu tìm những khách sạn gần đấy với ý định nhờ họ thông báo cho khách sạn của cô. Thậm chí anh đã gọi được cho một khách sạn, nhưng anh không thể hiểu được. Cô nhân viên lễ tân chỉ nói được tiếng Pháp.
Anh hỏi người ngồi cạnh xem anh ta có nói được tiếng Pháp không, nhưng anh ta không nói được.
Anh bực bội, valium nói chung chẳng có tác dụng gì, nhưng anh cảm thấy hơi thở của mình càng lúc càng ngắn và anh bắt đầu thấy hụt hơi.
Anh đứng dậy và bắt đầu đi dọc máy bay. Như vậy bao giờ cũng tốt hơn.
Một tiếng sau, anh quay lại chỗ và lại tiếp tục gọi điện.

Đã rất muộn. Ở Paris đã sắp tám giờ và anh bắt đầu sợ rằng sẽ quá muộn.
Bỗng anh nhận được tiếng tút dài. Anh áp chặt tai nghe và khi đầu dây kia bên vừa có người nhấc máy, anh đã gào lên bằng tiếng Anh, rằng họ phải nối ngay với phòng cô.
Không có cô. Anh đã bị chậm. Anh đã bị chậm khi bước vào tiểu sử của cô và giờ đây anh lại chậm - Anh cảm thấy mình có lỗi ghê gớm.
Anh dồn hết sức và điềm tĩnh hỏi họ có nhận được mail của anh không và họ có chuyển chúng cho người nhận không. Sau đó anh kể về vụ tai nạn của TWA và về việc lẽ ra anh đã ở trong chuyến bay đó và rằng có thể cô chưa biết điều này.

Cô nữ nhân viên lễ tân đã biết về thảm họa qua báo chí, mặc dầu vậy, khi nghe những điều anh muốn nói, cô lặng đi. Khi bừng tỉnh, cô nói rằng cô vừa mới nhận ca trực và không thể khẳng định cũng như phủ nhận điều gì, vì rằng người trực ca trước đó, là người luôn nhận mail, đã biến ngay trước lúc cô đến và mọi người đang đi tìm anh ta. Cô hứa là nếu tìm được anh ta, thì ngay tức khắc sẽ làm rõ toàn bộ vấn đề. Cô chỉ có thể khẳng định sau khi kiểm tra hộp thư đến, rằng các mail của anh đã được người trực ca trước đó đọc. Cô khuyên anh nên gọi lại sau nửa tiếng nữa.
Khi nói xong, anh nhận thấy hành khách ở mấy dãy ghế trước và sau anh đều nhìn anh rất lạ lùng. Chắc họ đã nghe hết câu chuyện, vì kết nối không được tốt lắm thành thử anh phải nói to. Anh hiểu ra rằng cho đến lúc này, anh là người duy nhất trong khoang biết về vụ tai nạn của TWA.
Cho đến lúc này. . .
Anh đã vi phạm lời hứa với cô tiếp viên, nhưng anh đã không có sự lựa chọn.

Một lát sau thì cả máy bay xì xào, rồi một cô gái, qua trọng âm thì anh đoán là người Mỹ, nói vu vơ rằng cố ta muốn biết người đã tránh được cái chết trong bối cảnh như vậy sẽ cảm thấy như thế nào. Anh trả lời cô ta một cách châm biếm rằng anh không trả lời phỏng vấn, hay có thể cô là người của Times và có mang theo séc. Cô ta hiểu sự châm biếm của anh, nhưng vẫn ngạc nhiên bỏ đi.
Nửa tiếng ấy mà anh tưởng như vĩnh cửu.
Anh ngồi với ống nghe trong tay và nhìn vào màn hình máy tính, trên đó có bản đồ với lộ trình của chuyến bay, vị trí hiện tại của máy bay và thời gian. Họ đã rất gần Paris, mà mỗi centimét dịch chuyển trên bàn đồ lại đẩy anh ra xa thêm sự chắc chắn rằng cô biết.
Nửa tiếng đã trôi qua, anh lại bấm số khách sạn ở Paris. Cô nhân viên lễ tân thanh minh ngay rằng họ chưa tìm thấy người trực ca trước đó. Đơn giản là anh ta biến mất. Cô ta bỗng nhiên nói với anh một điều kỳ diệu:
- Chúng tôi đã cử một lái xe đi bằng xe của khách sạn ra sân bay Roissy. Nếu không bị tắc đường, thì anh ta phải kịp đến sân bay trước ... vâng, anh biết đấy... trước chuyến TWA ấy. Bạn gái của anh chưa lấy lại hộ chiếu ở chỗ lễ tân, cho nên lái xe thậm chí còn có ảnh của chị ấy và sẽ cố tìm chị ấy. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm được cho chị ấy...
Anh biết ơn cô ta vô cùng.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:27  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 9 (B):

Cô: Qua cửa sổ taxi, cô tò mò quan sát sự hối hả trên đường phố Paris. Sân bay Roissy Charles de Gauue cách trung tâm Paris chừng hai mươi cây số về phía đông bắc, và lái xe, trước khi ra được xa lộ dẫn đến sân bay, phải đi qua khu trung tâm chật cứng người và xe cộ đi lại vào sáng sớm.
Cô có nhiều thời gian, nên việc dừng lại chờ đèn đỏ hay đứng trong các đám tắc đường không làm cô sốt ruột.
Lái xe taxi người Ả Rập thỉnh thoảng lại nhìn cô trong gương và cười một mình.
Đầu tiên anh ta định bắt chuyện, nhưng khi hiểu ra là cô nói với anh ta bằng tiếng Anh, thì đành thôi và chỉ cười.
Ngoài ra, anh ta rất hay bật ra câu gì đó bằng tiếng Pháp, đột ngột phanh hoặc tăng tốc, thỉnh thoảng lại mở cửa sổ và vẫy tay, la lối gì đó với những tay lái khác giọng rất giận dữ.
Cô lại thấy hay hay. Đang ở trong tâm trạng tuyệt vời nên hôm nay một thứ đều khiến cô vui thích.
Trong taxi đang phát ra chương trình âm nhạc buổi sáng, chủ yếu là nhạc Pháp, xen kẽ với các bản tin và thông báo. Có một lúc, lái xe vặn to radio và nghe rất chăm chú. Sau đó anh ta bắt đầu nói gì đó với cô bàng tiếng Pháp, nhưng không nhìn thấy một phàn ứng nào nên đành lặng im. Chẳng mấy chốc họ đã ra đến xa lộ. Lúc này họ đi qua những tòa nhà giống nhau như những giọt nước của ngoại ô Paris. Không còn đẹp như ban nãy nữa; cô phải thừa nhận là về nguyên tắc, ở Warszawa cũng chẳng khác gì.
Sau hai mươi phút họ đã ở Roissy và đi vào ga đến mà máy bay của TWA sẽ hạ cánh. Cô trả tiền cho lái xe, còn anh này nhanh nhẹn ra khỏi xe khi họ dừng lại, mở cửa xe cho cô. Cô nghĩ rằng ở Warszawa thì không thể có như vậy được. Như cho đến bây giờ, chưa từng có một lái xe taxi nào ra khỏi xe và mở cửa xe cho cô.
Sau khi vào sảnh chờ, cô nhìn quanh và điều đầu tiên cô nhận thấy là sự yên lặng khó tin. Xung quanh rất nhiều người, nhưng cô có cảm tưởng như lại yên lặng bất thường. Cô lấy tờ giấy in bức e-mail của anh, trong đó anh thông báo cho cô mọi chi tiết về chuyến bay của anh. Cô quyết định trước khi ra cổng đậu của TWA800, cô sẽ hỏi xem có gì thay đổi không.
Cô đi trên bàn làm việc của dịch vụ TWA.
Cô nhìn thấy dòng tên của hãng, to, màu đỏ. Khi đến nơi, cô bỗng nhận thấy những êkíp làm truyền hình với camera và các phóng viên với micrô. Trên nền đá có ba bộ cáng thường được dùng trong các xe cứu thương đứng cạnh nhau, ba phụ nữ đang khóc nằm trên đó. Những nhân viên cứu thương mặc gilê vàng phản quang đang nghiêng người trên những cái cáng. Cạnh một cái, cô ngạc nhiên nhìn thấy một mục sư đang nắm tay một phụ nữ đứng tuổi im lặng.
Cô cảm thấy lạ.
Cô len đến bàn dịch vụ khách hàng nằm xa nhất. Một người đàn ông đứng tuổi tóc bạc mặc đồng phục có gắn biển TWA đứng ở đó.

Cô hỏi về chuyến bay TWA800.
Đột nhiên, có một cái gì đó rất lạ lùng. Người đàn ông đi ra khỏi cái quầy nặng nề ngăn giữa nhân viên phục vụ với khách hàng, đến rất gần cô và hỏi có phải cô đến để nhận ai đó đã bay chuyến này. Khi cô xác nhận, ông ta gật đầu với ai đó đứng ở quầy bên, rồi cầm cả hai bàn tay cô, nhìn vào mắt cô và nói với giọng bình tĩnh và rõ ràng bằng tiếng Anh:
- TWA800 đã không bay tới nơi. Máy bay bị rơi xuống biển mười một phút sau khi cất cánh và tất cả hành khách cùng phi hành đoàn đã thiệt mạng. Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc.
Cô đứng bình tĩnh và ngạc nhiên, không hiểu tại sao người đàn ông này lại cầm tay cô.
Nghe câu nói đó... và quay lại vì cho rằng ông ta nói với ai đó khác.

Không có ai... "Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc…" chợt chạm vào cô và cô bỗng hiểu tất cả: những cái cáng, êkíp làm truyền hình, sự im lặng.
Cô lại nghe thấy giọng nói của người đàn ông kia:
- Hành khách mà chị muốn đón đã là như thế nào với chị?- Đã là ??? Sao lại đã là . . . Đó là Jakub . . . Anh đang là chứ không phải đã là ...
Nước mắt trào ra không thể giữ nổi. Cô muốn nói một điều gì đó nhưng không thể. Bỗng một phụ nữ cũng mặc đồng phục giống người đàn ông vừa rồi chạy đến, và không cần hỏi xem cô có đồng ý hay không, họ dẫn cô ra chiếc sôpha ở phía sau quầy.
Cô bị mất tiếng. Cô nghe thấy hết những gì xảy ra xung quanh mình nhưng không thể nói được câu nào.
Jakub không còn nữa.
Anh bay đến với cô, thế mà giờ đây không còn anh nữa.
Vậy mà anh đã luôn luôn có mặt, luôn luôn, mỗi khi cô cần. Chưa bao giờ anh muốn bất cứ điều gì thay thế. Đơn giản là anh đã có mặt.
Cô nhớ lại lần đầu tiên họ nói chuyện với nhau trên mạng, sự nhút nhát của anh và tất cả những chuyện mà anh đã kể cho cô nghe. Anh đã làm thay đổi thế giới của cô, anh bắt đầu thay đổi cô... Vậy mà giờ đây không còn anh.
Cô khóc không thành tiếng. Một nỗi buồn và nuối tiếc vô hạn trùm lên cô. Mọi người nhận thấy cô bị mất tiếng bèn gọi nhân viên y tế.
Anh ta đến, cầm tay trái cô và tiêm gì đó vào tĩnh mạch.
Cô ngước mắt lên, nhìn người này như thể nhìn một người từ hành tinh khác đến.
Bỗng nhiên người trực lễ tân của khách sạn xuất hiện bên cạnh nhân viên y tế. Cậu ta đẩy nhân viên y tế ra, lôi một tờ giấy đã nhàu từ trong túi ra, vừa chỉ vừa gào lên với cô gì đó bằng tiếng Ba Lan. Cái hợp chất mà nhân viên y tế vừa tiêm cho cô bắt đầu hoạt động, lại được cú sốc mà cô vừa trải qua làm cho mạnh hơn lên. Cô phải tập trung ở mức cao nhất để hiểu điều người Ba Lan kia nói.
Người này lại gào lên một lần nữa:
- Jakub bị nhỡ chuyến bay này và nửa tiếng nữa sẽ đến đây bằng máy bay của hãng Della. Chị hiểu không? Anh ấy còn sống! Không có anh ấy trong chuyến bay kia... Anh ấy vẫn đang trên đường bay đến với chị! Chị hãy nói đi, là chị đã hiểu đi !!!
Cô chợt hiểu ra...
Cô giơ tay giật lấy tờ giấy và đọc.
Cô đọc đi đọc lại rồi cô đẩy mọi người, đứng dậy và bỏ đi không nói không rằng.
Người trực lễ tân, cũng không nói không rằng, đi cạnh cô ra phía cửa của sảnh đến của Della.
Cậu ta để cô ngồi trên ghế dài cạnh cửa ra và nói rằng máy bay đã hạ cánh. Rồi cậu ta bỗng quỳ trước mặt cô mà xin lỗi là đã đến sân bay quá muộn. Sau đó cậu ta đứng dậy rất nhanh và bỏ đi.
Cô ngồi hoàn toàn một mình trên cái ghế dài đối diện với cửa ra và nhìn chằm chằm vào đó.
Cô hình dung mình lúc này trông như thế nào: trang điểm nhem nhuốc, một vết thâm quanh chỗ vừa bị tiêm.
Như một con nghiện nào đấy - cô cười nghĩ.
Cô lại có thể cười.
Bỗng nhiên cô bật khóc, đặt tay như đang cầu nguyện và mặc dù chưa bao giờ tin vào Chúa, cô vẫn thì thầm:
- Lạy Chúa tôi, xin cám ơn Người vì điều đó.


ANH: Anh không thể quên được những gì đã xảy ra sau khi hạ cánh. Họ đã chờ đợi tưởng như vô tận lúc miệng ống mở ra. Ngay từ khi họ còn đang trên vùng trời Dover ở Anh anh đã chuẩn bị ra cửa! Lúc này, khi đeo laptop và đứng trong máy bay ngột ngạt sau những hành khách của khoang hạng nhất anh còn bị ngột ngạt vì sốt ruột.

Anh muốn được chắc chắn làm sao, rằng cô đã biết.
Cuối cùng thì miệng ống cũng được mở. Đứng bên lối ra chính là cô tiếp viên ấy.

Anh dừng lại, còn cô đưa cho anh hai tờ giấy xám được ghim lại.

- Tôi lấy được di vật này cho anh, anh đừng để mất đấy nhé - cô ta nói.

Anh hôn tay cô để tạm biệt và nói:
- Nhất định chúng ta còn gặp nhau, bởi tôi bao giờ cũng bay bằng Della. Chỉ có lần này là họ muốn chuyển tôi sang TWA thôi, nhưng ngay cả Chúa cũng không muốn điều đó. Cám ơn chị vì tất cả.
Khi ra khỏi cổng, nhìn thấy cô đang khóc trên chiếc ghế dài ấy anh biết là người ta đã báo cho cô quá muộn. Nhưng anh cũng biết là nói chung người ta đã không báo cho cô.
Anh chầm chậm đi về phía cô và nhìn thấy là cô đã để ý thấy mình. Anh lại gần hơn, còn cô không đứng dậy khỏi ghế, đưa tay lên môi ra hiệu cho anh đừng nói gì.
Anh nhìn thấy những gì cô đã trải qua trước khi có mặt ở đây. Anh ngồi xuống cạnh cô, không nói gì, chỉ nhìn vào mắt cô. Bỗng nhiên cô cầm hai bàn tay anh, đưa lên miệng và hôn.
Anh muốn thanh minh, muốn xin lỗi nhưng cô không để cho anh làm việc đó.
Cô chỉ thì thầm gọi tên anh, thỉnh thoảng chạm vào anh như thể muốn chắc rằng đây đích thực là anh. Anh không thể kiềm chế được nỗi xúc động khi cô liên tục cám ơn anh vì anh đã ở đây với cô và vì anh còn sống.
Một tiếng đã trôi qua, họ đã dịu bớt. Hai người không một lần nhắc đến vụ tai nạn kia.
Họ dần vui mừng vì sự có mặt của nhau.
Cuối cùng thì họ cũng quyết định rời sân bay. Cô vào toi-let để sửa lại trang điểm, trong lúc đó anh đi tìm đại diện của Avis để lấy chiếc xe đã đặt trước. Sau những thủ tục ngắn gọn, họ đã đứng trước chiếc saab 9000 convertible bóng loáng, có ghế bọc da màu champagne.
Cô bảo anh đến khách sạn của anh, để cô tắm và tỉnh táo lại sau tất cả những chuyện đã qua. Cô không muốn quay về khách sạn của mình vì biết rằng bây giờ cô sẽ gây nên chấn động ở đó như thế nào nếu mọi chuyện loang ra.

Anh dừng lại khách sạn La Louisiane ở Saints Germain. Một khách sạn cũ, tiện lợi, có không khí, có một nhà hàng ấm cúng nằm trong phần công trình sát với khu vườn đầy cây cối.
Theo anh, thì đây là khách sạn lãng mạn nhất ở Paris.
Chuyến đi bằng xe mui trần đã khiến cả hai tỉnh táo lại.

Họ không nói nhiều, chỉ thỉnh thoảng lại nhìn vào mắt nhau, còn cô đôi lúc chuyển dịch tay để vô tình chạm vào anh khi anh thay đổi tốc độ.
Trên đường về Saint Germain, trong xe đầy ắp một tình cảm lễ hội.
Anh cho xe vào giữa bên dưới khách sạn, lấy chìa khóa phòng và một lát sau, họ đã hân hoan trong sự mát mẻ của những bức tường cao.
Anh đặt champagne. Khi họ đã đứng với những chiếc ly trong tay, cô mới nói:

- Jakub, chưa bao giờ em nhớ ai như thế này.

Anh không thể nói gì. Chỉ chạm tay trái vào má cô.
Họ quyết định từ hôm nay, sẽ luôn uống vì sức khỏe của những người lái xe taxi ở Manhattan, đặc biệt là những người Ấn Độ.
Sau đấy cô đi tắm.
Còn lại mình anh trong phòng, nghe rõ tiếng nước của vòi tắm từ phòng tắm, còn anh thì biết rằng mặc dù cô đã khiến anh cực kỳ bị quyến rũ và xúc động, anh vẫn sẽ không vào phòng tắm. Anh rất muốn làm thế, nhưng sự e ngại rằng có thể mình sẽ làm hỏng mất một điều gì đó hoặc vi phạm một điều gì đó trong mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng tuyệt đối này vẫn lớn hơn. Nhất là hôm nay, sau những gì họ đã trải qua.
Anh lấy trong vali gói quà mà anh đã mang cho cô. Anh để nó lên giưởng rồi ngồi trên tấm thảm nhung đặt giữa giường và tường, cầm tờ báo cố đọc để chờ cô.
Được một lát, anh thiếp đi.
CÔ: Cô đứng dưới vòi tắm và cảm nhận niềm hạnh phúc lớn lao đang đến với mình như thế nào. Cô cảm thấy nó đang gột rửa những nếm trải của sáng hôm ấy, một buổi sáng y như câu chuyện trong sách mà ai đó đọc cho cô nghe. Chưa bao giờ cô đọc những cuốn sách như vậy. Vì tiếc thời gian.
Cô quyết định từ bây giờ thỉnh thoảng sẽ đọc sách. Cô nghĩ là anh sẽ vào phòng tắm này. Cô chờ. Như vậy sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Không ai có thể tin tưởng vào ai đó hơn là cô đã tin anh, cô dám chắc điều này. Cô khát khao anh kinh khủng. Và cảm thấy hôm nay chính là cái ngày ấy.
Cô chờ nhưng anh không vào.
Chỉ khoác trên người mỗi cái khăn tắm bông to, cô ra khỏi phòng tắm.
Cô nghĩ rằng ở bên anh, mọi rào cản đều bị dỡ bỏ. Cho tới lúc này, cô chỉ có thể ra khỏi nhà tắm với mỗi chiếc khăn tắm trên người trước mặt chồng mà thôi.
Trên giường, cô nhìn thấy một hộp bọc giấy màu và buộc bằng ruy băng đỏ.
Jakub nằm ngủ giữa giường và tường.
Chắc anh phải mệt lắm sau chuyến bay và sau những chuyện đó.
Chắc vì thế nên anh đã không vào buồng tắm...
Cô cười.
Nếu bây giờ anh đã ngủ với mình khỏa thân trong phòng tắm thì sau đấy sẽ là gì... - cô nghĩ với nụ cười gượng gạo.
Cô lấy chăn trên giường đắp cho anh.
Còn mình thì nằm trên giường; không dám chắc đó là quà cho mình nên cô không dám mở gói.
Nghe hơi thở đều đặn của anh, cô phân vân, không biết mình có yêu anh không...
Khi tỉnh giấc, cô chưa mở mắt ngay và cảm thấy có một điều gì đó đang xảy ra.
Chiếc khăn tắm mà cô choàng bỗng tuột khỏi người cô. Cảm thấy âm ấm ở vùng bụng dưới. Cô khẽ mở mắt.
Anh đứng bên giường và chạm môi vào bụng cô.
Cô giả vờ ngủ để quan sát anh qua hàng mi khép hờ.
Anh nhìn cô đắm đuối, nhưng một lát sau anh nhẹ nhàng, cố để không làm cô thức giấc, đắp lại khăn cho cô và đi ra.
Khi từ phòng tắm đi ra, anh thấy cô đã mặc quần áo.
Đã khá muộn, họ quyết định xuống nhà hàng dưới nhà để ăn tối.
Anh gọi điện xuống lễ tân đặt bàn.
Sau đó anh tặng cô gói quà với nụ cười, nhưng cô hỏi anh liệu cô có thể đầu tiên là vui vẻ vời bữa tối, sau đó là với gói quà của anh.
Anh trả lời cô là trông cô tuyệt đẹp.
Họ xuống dưới nhà. Khi người phục vụ đưa họ đến cái bàn cạnh cửa sổ, trong nhà hàng có tiếng nhạc piano nhè nhẹ.
Paris, anh, những ngọn nến, âm nhạc... Cô cảm thấy hạnh phúc biết bao.
Nhà hàng chỉ có thực đơn bằng tiếng Pháp, vậy nên cô bảo rằng bữa tối hôm nay hoàn toàn tùy thuộc vào khẩu vị của anh.
Anh gọi đủ các món ăn mà tên của chúng cô cũng không biết, và khi chúng được nói lên bằng tiếng Pháp thì nghe như tên các loài hoa. Cô chỉ nhắc với anh rằng ly của cô lại cạn rồi. Anh cười và giả vờ dạy cho người phục vụ bàn.
Họ cười, đùa, họ phân vân trước tình bạn kỳ lạ của họ.
Họ kể về những điều xảy ra với họ những khi họ nhớ nhau. Rồi anh đứng dậy, xin cô cho phép và đi ra.
Cô phân vân không biết phải làm thế nào để anh hiểu được là cô muốn ăn tối xong hai người sẽ cùng quay lại phòng anh.
Bởi cô biết rằng nếu cô không muốn, anh sẽ không bao giờ đề xuất việc này.
Một nụ hôn vào cổ đã bứt cô ra khỏi dòng suy nghĩ. Anh đứng sau lưng cô, vén tóc cô và hôn vào cổ cô. Cô ước gì cứ như thế mãi.
Cô quay đầu lại, khơi gợi cuộc gặp gỡ của những làn môi. Nhưng anh đã kịp lùi đầu lại. Anh ngồi đối diện với cô.
Cô phân vân, tại sao anh lại làm thế, phải chăng anh quá nhút nhát hay anh quá sợ bị từ chối?
Ăn tối xong, anh đề nghị được đưa cô về khách sạn của cô. Mặc dù đã lường trước điều này nhưng cô vẫn cảm thấy thất vọng. Cô chỉ cười và đồng ý. Anh bảo dọc đường đi sẽ chỉ cho cô Champs Elysees về đêm.
Dòng ôtô nườm nượp. Họ dịch chuyển chậm như sên, và khiến cho khách du lịch như họ ngạc nhiên. Ai cũng biết, kể cả cảnh sát rằng phần lớn lái xe có cồn trong máu, nhưng ở Paris vào nửa đêm thì chẳng ai quan tâm đến điều này. Cô mừng vì họ có thể thoát được. Cô đang bị hưng phấn.
Bỗng nhiên cô này ra một ý tưởng thiên tài. Cô hỏi anh liệu cô có thể lái xe được không.
Cô muốn có được cảm giác đi trên Champs Elysses, gần Khải Hoàn môn giữa dòng xe cộ vào ban đêm.
Anh đồng ý ngay lập tức. Họ dừng lại một lát để đổi chỗ.
Cô đi quanh Khải Hoàn môn rồi rẽ vào một phố ngang dẫn đến khách sạn của anh.
Anh nhìn cô ngạc nhiên. Cô cười và bảo rằng cô quên một thứ rất quan trọng trong phòng anh, đó là gói quà anh tặng cô. Cô nhấn ga.
Cô biết là bây giờ thì anh đã hiểu rằng cô cho phép anh.
Anh chạm vào miệng cô và nói:
- Em chạy nhanh lên đi.
Ngay ở trong thang máy cô đã cởi khăn quàng cổ, nhẫn, dây chuyền vàng mà cô đeo bên dưới khăn quàng. Khi ra khỏi thang máy, cô tháo giầy.
Chỉ vừa vào đến phòng, cô đã cởi áo sơmi cho anh.
Anh cởi đồ cho cô, bế cô trên tay và đưa lên giường.
Anh hôn khắp người cô. Anh làm với cô những điều tuyệt vời.
Cuối cùng thì anh không hỏi gì.
Suốt thời gian ấy anh thầm thì rằng với anh cô đẹp biết bao, cô cần cho anh biết bao và anh nhớ cô vô cùng. Nhưng anh đưa cô đến trạng thái đê mê thực sự vào những khoảnh khắc mà anh thì thầm nói với cô những gì một lát nữa anh sẽ làm. Anh sẽ hôn cô ở chỗ nào, sẽ chạm vào cô ở đâu và cô cảm thấy gì khi anh làm thế.
Sau đó, lúc gần sáng, khi đã thiếp đi mà vẫn cười một mình, cô cảm thấy bàn tay anh trên ngực mình và thậm chí cô không cố suy nghĩ xem điều gì vừa xảy ra.
Cô biết rằng điều này sẽ còn đến và lúc này âm nhạc trong phòng và sự yên tĩnh này chỉ là để thư giãn. Cô chạm tay vào môi anh. Anh không ngủ và xoay người về phía cô.
Cô chờ cho đến lúc anh làm điều đó.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:28  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 10 (A):

SÁU TUẦN SAU. . .
CÔ: Cô mặc lại quần áo sau tấm bình phong thấp bằng vải với những bông hoa phương Đông. Trong phòng ngột ngạt kinh khủng. Bác sĩ phụ sản của cô, một người đàn ông đứng tuổi tóc bạc, đeo kính ngồi sau chiếc bàn kê ở giữa phòng, giữa tấm bình phong và bàn khám. Ông ghi chép gì đó vào một cuốn vở dầy.

Cô phân vân, không hiểu sao cô lại không cảm thấy xấu hổ khi nằm trên chiếc bàn kinh khủng kia, chân thì dạng ra, nhưng khi việc khám xét chỉ vừa xong và cô phải khỏa thân nửa dưới, đi từ bàn khám ra chỗ tấm bình phong cạnh bàn làm việc của ông, là cô đã cảm thấy thực sự xấu hổ và lúng túng.

- Cô đã có thai được sáu tuần - ông nói, vừa đứng dậy và đi ra chỗ cô ở phía sau tấm bình phong. - Cô cần phải thay đổi lối sống một cách triệt để, nếu như cô muốn sinh đứa con này. Sau lần sẩy thai gần đây nhất, chắc cô biết điều đó cũng như tôi, phải không?
Chồng cô cương quyết không muốn có con.

"Anh muốn được hưởng thụ một chút. Em cứ nhìn Aska mà xem, thật là tàn tạ vì đứa bé ấy. Không! Tuyệt đối không! Không phải lúc này. Chúng ta cứ chờ thêm vài năm nữa" - anh nói và quay lại với những bản thiết kế của mình, chúng giam anh ở trong phòng máy tính như thể những chấn song nhà tù.
Có lần cô không dùng thuốc mà không nói gì với anh. Đã qua tuổi ba mươi và cô cảm thấy thời gian cứ bỏ cô mà đi. Một phản ứng của người phụ nữ bị rút phép thông công, "đang già đi", người cảm thấy mình bỗng vô dụng về mặt sinh lý.

Khi đã được, anh sẽ phải chấp nhận - cô nghĩ.

Cô bị sẩy thai. Ông chồng thậm chí không biết. Cô bảo anh ra hiệu thuốc mua băng vệ sinh. Máu ra ướt đẫm cả mấy cái ga trải giường. Cô bảo anh là "kỳ kinh của cô lần này nặng quá". Anh chồng ngạc nhiên khi thấy cô nằm cả năm ngày trên giường. Khi cô khóc, anh ta nghĩ là do đau. Anh ta có lý. Nhưng anh ta nhầm giữa đau bụng dưới và đau một cái gì đó hoàn toàn khác.
Tiếng bác sĩ làm cô bừng tỉnh.

- Cô đừng lo. Lần này chúng tôi sẽ quan tâm đến cô và mọi chuyện sẽ tốt thôi.
- Vâng. Tất nhiên - cô bối rối trả lời, vừa cài lại cúc váy. - Bác sĩ có thể cho biết chính xác tôi bắt đầu có thai từ bao giờ được không?
- Tôi đã nói rồi. Theo ước tính của tôi, thì đang ở tuần thứ sáu. Cộng trừ bốn ngày.
Ông ta nhìn vào cuốn lịch trên bàn.

- Một tuần nữa cô đến đây. Cũng vào giờ này. Cần phải xác định kế hoạch chi tiết để giữ cái thai này. Cô phải tính đến chuyện mấy tháng cuối sẽ phải ở luôn trong bệnh viện.

Ông đứng dậy sau bàn, chìa tay cho cô và nói:
- Bây giờ cô phải tránh bị stress và ăn uống thật tốt.

Từ phòng khám của ông, cô đi thẳng ra cầu thang tối mù mịt khói thuốc lá.
Cô tựa lưng vào tường cạnh cửa vào phòng khám và nặng nhọc thở khó khăn lắm mới hít vào được. Một lát sau, cô lần theo tường đi về phía thang máy.

"Cộng trừ bốn ngày" - lời nói của bác sĩ phụ sản đi ra và trở lại tựa như tiếng vọng.




ANH: Thế là đã sáu tuần - anh nghĩ khi nhìn lịch. Đích thân viện trưởng gọi điện và đề nghị anh ấn định thời gian nghỉ phép. Thực chất là ông ta đưa ra quyết định đi công tác cho anh.

- Đã bốn năm rồi anh chưa nghỉ phép. Phòng tổ chức vừa gửi thông báo nhắc nhở cho tôi. Không thể như thế mãi được. Tôi sẽ gặp rắc rối với nghiệp đoàn đấy. Anh chỉ còn phải đi Princeton nữa thôi và sau đấy tôi không muốn nhìn thấy anh trong sáu tuần. Từ giờ đến trưa mai, đề nghị anh nộp cho tôi kế hoạch nghỉ phép của anh.
Đúng sáu tuần trước anh ôm cô tại sân bay ở Paris. Còn sau đấy anh hôn gáy cô khi ngồi trên cái ghế dài ở sân bay và nhìn vào cặp mắt đẫm nước mắt của cô. Còn sau đó vào buổi tối, cô đã khỏa thân. Hoàn toàn khỏa thân. Và mặc dù anh hôn khắp người cô, nhiều lần, nhưng dẫu thế anh vẫn nhớ gáy cô hơn cả.
Cô rất đẹp. Đẹp khiến ta phải bối rối. Cô cũng rất nhạy cảm, tinh tế, lãng mạn và thông minh. Quyến rũ. Anh nhớ, đếm hôm ấy, lúc gần sáng, khi nép sát vào anh, mệt mỏi, cô thì thầm:

- Anh biết không, ở bên anh, em nhớ lại tất cả những bài thơ đã làm em xúc động?
Anh ôm cô. Miệng anh vùi trong tóc cô. Cô mới thơm làm sao.
- Sau những gì xảy ra với chuyến bay ấy, anh tưởng như ngày hôm nay anh được ban tặng một cuộc sống mới – anh thầm thì.
Anh đưa bàn tay phải cô lên miệng mình. Và khẽ mút những ngón tay cô. Từng ngón từng ngón một. Anh khẽ mút và chạm lưỡi.
- Và em có mặt trong đó từ ngày đầu tiên.
Nước bọt của anh hòa với nước mắt. Kể từ ngày Natalia mất đi, anh khóc bằng những giọt nước mắt lớn.

- Và em sẽ mãi mãi ở đó, đúng không?
Cô không trả lời. Chỉ thong thả thở. Cô ngủ.
CÔ : Cô đi qua trước tòa nhà nơi có phòng khám của bác sĩ phụ sản. Rồi ngồi trên ghế đối diện với hố cát dành cho trẻ em chơi. Lấy di động ra, bấm số máy của Asia.
- Đến gặp mình nhé - cô nói, thậm chí không tự giới thiệu - Ngay bây giờ!
Asia không hỏi gì. Chỉ nghe thấy tiếng nó nói chuyện với ai đó. Một lát sau nó bảo:

- Sau hai mươi phút nữa mình sẽ có mặt tại Freta@Porter trên khu Phố Cổ. Chỗ mà lần cuối tụi mình đến cùng với Alicja ấy. Cậu nhớ chứ?

Cô nhớ. Bọn cô đã uống bia ở đấy và xem ảnh chụp ở Paris suốt buổi chiều. Họ cười và nhớ lại. Cô đã hạnh phúc thế. Đến một thời điểm, tất cả trở nên ít ý nghĩa hơn. Cô phải đi ra ngoài. Cô bấm số điện thoại văn phòng anh ở Munich và để máy ở chế độ thư ký tự động:

"Jakub, em đang say. Vì vang chỉ ít thôi. Cơ bản là vì những kỷ niệm. Cám ơn anh vì anh hiện hữu. Và vì em có thể hiện hữu".
Asia đã đến. Nó chiếm một chỗ ở ngoài vườn.
Nó ngồi. Khom người, ôm cái ví xách tay vào ngực.
- Cái lão Jakub ấy đã hại cậu rồi - Asia bắt đầu.
Cô lo lắng nhìn nó.
- Từ đâu mà cậu biết về Jakub?

- Khi trong mơ, minh gọi tên một người đàn ông nào đó, thì ngày hôm sau, cái thằng đểu ấy đã đi cưới một đứa khác. Nhưng chuyện xảy ra lâu lắm rồi - Asia kể, không hề có dấu vết của cảm xúc trong giọng nói.

Asia không ngừng làm cô ngạc nhiên. Ngược lại với vẻ ngoài, cô biết rất ít về nó.

- Không đâu. Jakub không thể làm hại được ai. Anh ấy là mẫu người như vậy. Do đó mà rất hay buồn.

Asia ngắt lời cô:

- Cậu kể xem nào. Kể hết. Tớ đã bảo vời ông xã là nửa đêm mới về nhà cơ. Gần đây thì lão đồng ý tất, không một cái nháy mắt.

Cô kể. Về tất cả. Đã quen anh ra làm sao. Anh là người như thế nào. Tại sao lại như thế. Về những gì cô cảm thấy khi có anh và những gì khi không có anh. Về những buổi chiều thứ sáu và những buổi sáng thứ hai. Khi cô kể xong về Natalia, Asia nắm lấy tay cô, bảo cô hãy ngừng lại một lát đừng nói gì cả.

Cô gọi người phục vụ bàn lại:
- Một jack daniels đúp và một lon red bull. Thật lạnh vào.

Asia nhìn người phục vụ và nói:
- Cho tôi cũng như vậy. Và anh không cần phải vội đâu.
Mãi đến khi người phục vụ mang đỏ uống quay lại, cô mới kể về chuyến bay của TWA và về những gì cô đã trải qua ở sân bay Paris. Asia xích lại gần cô và chạm vào mặt cô.
- Cậu có nhớ lúc chúng tình gặp nhau ở ga Warszawa trước chuyến đi Paris không? Ông chồng mình đã đưa mình ra ga bằng ôtô. Mình đã cáu ông ấy. Cậu có hỏi chuyện gì xảy ra. Mình bảo là mình không muốn nói về chuyện ấy.
Cô dừng lại một lát rồi cầm cốc.
- Đêm ấy lão đi dự tiệc của công ty về. Mình đã ngủ. Lão đánh thức mình dậy. Lão muốn yêu mình. Mình không thích một tí nào hết. Cả một tuần rồi mình không thích. Lão cũng không. Đó chỉ do rượu. Hơn nữa mình còn chưa sạch hẳn kinh. Lão bất ngờ dịch lại gần. Túm dây và chỉ bằng một động tác giật băng vệ sinh của mình ra. Lão cầm tay mình như cảnh sát chuẩn bị tra còng số tám. Mình không còn một cơ may nào nữa. Lão cho vào. Sau hơn chục động tác, mọi việc đã xong xuôi. Lão xoay người rồi lăn ra ngủ. Để tinh dịch của lão trong mình như thể con cá chình để dịch của nó trên trứng rồi ngủ.
Cô uống một ngụm to.
- Bốn đêm sau đó anh chở Jakub về khách sạn của anh ấy và mình đã nằm không mặc gì trên giường của anh ấy và đợi cho đến lúc anh cho vào. Anh ấy có dùng bao cao su, nhưng mình đã dùng miệng tuột nó ra. Mình không muốn phải cảm nhận anh ấy qua lớp cao su. Mình muốn cảm nhận đúng anh ấy. Đêm hôm ấy anh còn cho vào mấy lần nữa.
Cô bắt đầu nuốt.
- Asia, mình vừa ở chỗ bác sĩ phụ sản về. Mình đã có bầu ở tuần thứ sáu. Mình không biết đây là con của ai.

Asia chăm chú nhìn cô, im lặng. Cô kể tiếp:
- Ở Paris đợt ấy, có hai lần mình không dùng thuốc tránh thai. Lần đầu là khi chúng mình từ bữa tiệc có con lợn quậy ấy, lần thứ hai là vào ngày anh ấy bay đến Paris.
Asia giơ tay. Ngắt lời cô. Nó lấy di động ra. Bấm số.
- Anh có nhận cô ấy bây giờ được không? Không, việc này không thể chờ đến mai được. Không, em không giải thích cho anh được. Sau nửa tiếng nữa thì em sẽ đến - nó nói. - Tụi mình đến chỗ Mariusz. Đó là ông anh họ mình. Là tiến sĩ phụ sản. Anh ấy sẽ khám cho cậu ngay bây giờ. Cậu cần phải biết chắc chắn.
Cô gọi người phục vụ, trả tiền và nhờ gọi taxi.
Asia chờ cô ở quán cà phê đối diện với phòng khám của Mariusz.
- Anh ấy gặp nhiều trường hợp thụ thai vào những ngày hành kinh. Anh ấy cũng gặp nhiều trường hợp thụ thai ở những phụ nữ quên uống thuốc tránh thai hai ngày. Nhất là ở những phụ nữ phải trải qua những cú sốc như mình lúc ở sân bay Paris. Mặc dầu vậy anh ấy vẫn cho rằng, dựa theo độ lớn của thai, đây là con của chồng mình. Anh ấy gần như chắc chắn tuyệt đối là thai nhiều hơn bốn ngày tuổi.
Asia im lặng nghe cô. Một lát sau mới nói:
- Vậy ít ra chúng mình cũng biết được chắc chắn là cậu có thai. Đừng có tin quá vào anh họ mình. Anh ấy là một bác sĩ phụ sản rất ngoan đạo. Nếu cậu kể cho anh ấy nghe chi tiết toàn bộ câu chuyện, thì tối nay anh ấy sẽ mất ngủ mất. Rồi anh ấy sẽ gọi điện cho mình và sẽ "cảnh báo" tính trước những phụ nữ như cậu. Vợ anh ấy nặng đến gần một tạ, anh ấy là bác sĩ phụ sản, ba mươi hai tuổi và cho đến lúc này có năm con. Nhưng là một chuyên gia rất giỏi.
Nó ngừng một lát rồi hỏi nhỏ:
- Cậu định bỏ à?
Đôi khi cô ngạc nhiên bởi cái tính thực dụng ấy ở Asia. Nhưng đó chỉ là cái vỏ. Cô biết điều này kể từ hồi họ cùng ở Nimes.
- Không bao giờ! Nếu mình làm thế, thì mình sẽ phải quên trẻ con đi nói chung và mãi mãi. Anh Mariusz của cậu cũng nói thế. Mà không hề được hỏi.
Đúng lúc ấy chuông điện thoại di động của Asia reo.
- Không - nó trả lời rất nhanh: - Tụi em ngồi trong quán cà phê đối diện với phòng khám của anh và nói chuyện. Thôi sau đây anh không cần gọi nữa đâu. Em thừa biết anh định nói gì rồi. Em không quan tâm đến chuyện ấy đâu. Hoàn toàn không. Tạm biệt.

Nó tắt điện thoại rồi cất vào ví xách tay. Trầm tư.
- Thậm chí cậu không biết là mình ghen với cậu như thế nào đâu - nó thủ thỉ sau một lát. - Nếu ở địa vị của cậu, bây giờ mình sẽ về nhà, gói ghém mọi thứ vào cái vali to nhất, lấy hộ chiếu trong ngăn kéo ra và gọi taxi ra sân bay. Mình sẽ ngồi ở đó, trên cái ghế dài và chờ máy bay đi Munich. Kể cả có phải chờ cả tuần để có chuyến bay.
Nó gọi người phục vụ bàn.
- Vẫn như lúc nãy. Và cho thật nhiều đá vào. Cho chị này thì chỉ red bull thôi, không có whisky.
Nó lấy điện thoại ra. Bật máy rồi đưa cho cô, nói:

- Cậu gọi cho anh ấy đi.
- Cho ai?

- Jakub!

ANH: Cô viết là sẽ đi vắng mấy ngày. Hoàn toàn bất ngờ. Thường thì anh biết trước về những kỳ nghỉ phép hoặc những chuyến đi công tác của cô khá lâu. Thêm vào đó cô không gửi cho anh một e-mail bình thường, mà chỉ gửi tin nhắn qua SMS từ điện thoại di động. Như vậy có nghĩa là cô không lên mạng được.
Anh cảm thấy bị bỏ rơi. Anh đến cơ quan muộn hơn. Và sau nửa đêm mới rời cơ quan. Anh tưởng như một tuần chỉ gồm toàn những ngày thứ bảy và chủ nhật. Ngày nào anh cũng viết cho cô, và tấm bưu thiếp ấy như thể buổi cầu kinh tối. Anh nhớ lại hồi còn bé, mẹ anh, đã hai lần ly hôn, nhiều lần bị rút phép thông công đã dạy các con rằng buổi cầu kinh tối là lời cám ơn Chúa vì một ngày vừa được sống qua. Hai anh em quỳ trên những tấm thảm của mình, mặt hướng về những cây thánh giá được gắn vào tường bằng những cái đinh to. Người đóng những cây thánh giá ấy vào tường là cha anh, người đã gạch tên Chúa ra khỏi danh sách bạn hữu của mình từ lâu lắm rỗi, từ hồi ở Stuthof. Hai anh em chắp tay, nhìn vào những cây thanh giá nhỏ và đọc theo mẹ :
"Lạy Đức Chúa Thánh Thần, Thần hộ mệnh của chúng con, Người hãy luôn ở bên chúng con..."
Mẹ cùng cầu nguyện với hai anh em. Hàng tối. Đôi khi anh nhìn vào hai bàn tay nổi đầy gân xanh đang chắp lại của bà. Và anh nghĩ rằng mình chẳng cần đến một thiên thần nào hết. Với hai anh em, có mẹ là hoàn toàn đủ...


CÔ: Sau hôm gặp Asia, cô báo cho chồng biết. Cô chuẩn bị bữa tối. Làm bánh. Mua nến. Mở một chai vang để hít thở một chút. Cô chờ chồng từ trưa. Ngày hôm ấy cô không đi làm.
Anh vào nhà. Bật máy tính rồi vào phòng tắm. Đã như vậy từ hơn chục tháng nay. Khi đi qua cái bàn được phủ khăn long trọng, anh hỏi:
- Anh quên chuyện gì chăng? Kỷ niệm ngày cưới của chúng mình?
- Đúng, anh đã quên. Rất nhiều sự kiện. Nhưng lúc này điều đó không quan trọng. Anh ngồi xuống đi.
Anh ta ngồi đối diện cô. Đã lâu rồi anh ta không còn ngồi như hồi nào, cạnh cô. Bao giờ cũng ngồi đối diện. Cô đứng dậy và đưa cho anh ta một ly vang đỏ.
- Chúng mình sẽ có con - cô nhìn vào mắt anh ta, nói nhỏ.
Im lặng một lúc.
- Em đùa, đúng không? Mình đã chả thống nhất rồi là gì. Em không thề làm thế với anh được! Anh chưa được chuẩn bị. Em đã hứa rồi cơ mà. Em nghe này, anh đã nhận kế hoạch thiết kế cho cả một năm rồi. Em không thể làm thế với anh được!!!
Cô đứng lên. Bình thản đi vào phòng ngủ không nói một lời. Cô quỳ xuống thảm và lôi cái van dưới giường ra. Để nó dưới sàn nhà chỗ trước gương và thong thả sắp xếp. Đầu tiên cô gạt tất cả đố trang điềm từ trên bàn vào một cái túi nilon. Rối vứt cái túi vào vali. Cô ra tủ sách. Chọn và vứt vào vali. Rồi cô ra bàn, rót vang vào ly. Đề ly vang lên mặt tủ đầu giường và quay lại sắp xếp sách. Cô nghe thấy ông chồng đang gào vào điện thoại:
- Mẹ phải đến đây ngay! Cô ấy đang xếp vali thật rồi. Con không biết cô ấy muốn gì đây!
Anh ta bắt đầu đi quanh bàn. Vali càng đầy thì anh ta đi càng nhanh. Rồi anh ta hét lên:
- Em sẽ không làm thế, đúng không? Em đã chẳng có tất cả đấy sao. Anh làm việc như khổ sai suốt từ sáng đến đêm để em có tất cả. Chẳng lẽ em không nhìn thấy điều đó sao?! Chưa bao giờ em đánh giá đúng điều đó! Chưa bao giờ em tự hào về anh. Anh làm tất cả chẳng qua là vì chúng ta. Để em được sung sướng. Em là người phụ nữ duy nhất mà anh yêu. Anh không thể sống thiếu em được. Anh xin đấy, em hãy ở lại. Đừng bỏ đi. Chúng mình sắp có con cơ mà. Đó chẳng qua là vì anh quá mệt mỏi nên mới phản ứng như vậy. Ở lại đi. Anh xin đấy!
Anh ta đến chỗ cô. Ôm lấy cô.
- Anh xin mà, em hãy ở lại. Anh yêu em. Em là vợ anh. Anh sẽ chăm sóc em. Rồi em xem!
Đúng lúc ấy chuông cửa reo.
Anh ta im bặt, sau đó tắt hết đèn. Để ngón tay lên miệng ra hiệu im lặng.
- Chúng ta đâu cần đến họ - anh nói thầm vào tai cô.
Hồi mới quen nhau, anh rất hay nói thầm điều gì đấy vào tai cô. Cô rất thích hơi thở âm ấm của anh thổi vào tai mình. Giờ đây cũng thế. Anh đặt cô lên giường và cởi váy áo cô. Mấy phút sau, chuông cửa im.
Đúng. Cô là vợ anh ta. Cô đã thề nguyền! Đây là nhà của cô. Chồng cô đã cố gắng biết bao. Họ có những kế hoạch. Cha mẹ cô rất yêu quí anh ấy. Chồng cô là người chăm chỉ. Chí thú gia đình. Chưa bao giờ phản bội cô. Vợ chồng họ khá nhất trong đám bạn bè. Bây giờ họ sắp có con. Chồng cô sẽ làm tất cả cho cô. Cô biết chắc điều này. Anh ấy là người tử tế.
- Mai anh sẽ tìm cho chúng mình một căn hộ rộng hơn - anh hút thuốc lá và nói, khi họ đã xong.
Cô đã nguyện thề. Họ sẽ có con. Bố mẹ rất yêu quí anh ấy. Đó chỉ là Intentet. Chồng mình sẽ làm tất cả cho mình.
Cô thiếp đi .



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:29  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 10 (B):

ANH: Anh mở vang. Đã là chai thứ hai trong ngày hôm nay, anh nghĩ. Nhưng thật ấm cúng và dễ chịu. Chiều thứ sáu. Những hành lang vắng vẻ và im ắng. Nhiều tầng nhà vắng lặng. Anh mở Grechuta.
Liệu người Đức có thể hiểu được anh cảm thấy gì khi Grechuta hát "bởi chỉ những ngày chúng mình chưa có mới là quan trọng" ? Gần đây, khi nghe câu này anh thấy sởn cả gai ốc.
Anh nghĩ, có thể giả vờ được đến đâu nữa, rằng một cái gì đó không tồn tại. Tuy nhiên có lẽ anh đã đẩy đi quá xa. Nhưng cô lại chấp nhận điều đó. Hẳn vì sợ rằng như vậy có thể sẽ phá vỡ mất một cái gì đó. Giờ đây, sau những ngày Paris, anh không thể thôi nghĩ về điều này. Cô không thuộc về anh. Cô thuộc về người khác. Cho tới lúc này, chưa có người phụ nữ nào anh cần mà lại thuộc về người khác. Chưa bao giờ!
Cái đang có giữa họ phải được gọi tên. Nhất thiết! Đây đâu phải là một chuyện yêu đương vớ vẩn nào đấy! Đây là một trăm tầng cao hơn. Chuyện yêu đương? Nghe mới lạ làm sao! Gọi cái đang có giữa họ là chuyện yêu đương thì có khác gì dùng Rolls-royce để chở xỉ-măng ra công trình xây dựng. Được thì có được, nhưng là sự hiểu nhầm.
Anh nhớ cô. Hai ngày nữa, lại đến thứ hai...




CÔ: Hôm chủ nhật họ đã nói cho bố mẹ cô biết. Chồng cô mới tự hào làm sao. Anh ấy sẽ có con trai! Trong gia đình anh, đứa bé đầu lòng bao giờ cũng là con trai. Cô đã nhìn thấy anh cùng với bố cô nâng ly vodka như thế nào. Cô phân vân không biết phải mất bao lâu nữa cô mới quên được rằng chỉ vừa mới chiều thứ sáu thôi, anh ấy còn nói: "Em không thể làm điều đó với anh được".

Họ dự định cô sẽ nghỉ không lương. Họ có kha khá tiền. Cô không cần phải đi làm. Mai cô sẽ đến văn phòng để giải quyết mọi thủ tục. Anh ấy sẽ tìm một căn hộ rộng hơn và sẽ không hút thuốc lá nữa.
Mẹ ngồi cạnh cô và chạm tay vào bụng cô. Rõ là bà đang vô cùng hạnh phúc. Rồi bà bảo:
- Hồi mẹ đẻ con, bố mẹ ở một góc nhà bên ông bà nội, toilet ở ngoài hành lang và mẹ chỉ được tắm mỗi tuần một lần trong chậu. Con thậm chí không biết là mình được sướng như thế nào đâu, con gái ạ.

Chưa bao giờ, kể cả ngày hôm ấy, kể cả về sau này bà hỏi tại sao họ lại không báo cho bố mẹ biết ngay hôm thứ sáu. Mẹ cố là một phụ nữ thông minh và giầu kinh nghiệm.

Thứ sáu, quãng gần trưa cô đến văn phòng. Cô thư ký không nói năng gì. Tất cả mọi người đều biết rằng đã từ mấy năm nay cô thường nói đến đứa con mà cô chưa thể có. Cô thư ký mang đơn của cô lên phòng tổ chức. Cô ngồi lại một mình. Trên ghế trước màn ảnh máy tính. Cô chạm nhẹ vào bàn phím.
Hôm nay là thứ hai - cô nghĩ và bật khóc.



ANH: Trước tám giờ anh gửi e-mail thông báo kế hoạch nghỉ phép của anh. Anh sẽ nghỉ vào tuần giữa tháng mười và tháng mười một. Anh sẽ đến thăm mộ bố mẹ và mộ Natalia. Lễ Giáng sinh anh sẽ ở chỗ gia đình ông anh ở Wroclaw, còn giáp Năm Mới, anh sẽ bay từ Warszawa sang Áo để trượt tuyết.
Chủ nhật đã qua mà anh vẫn chưa có e-mail của cô. Cô cũng không xuất hiện trên ICQ. Chiều, không yên tâm, anh gọi điện đến văn phòng cô ở Warszawa. Không ai trả lời. Cô không để lại bất cứ một thông tin nào.
Chắc chắn đã có điều gì đó nghiêm trọng xảy ra với cô - anh nghĩ và quay lại với công việc.




CÔ : Anh chở em đến văn phòng một lúc được không? - cô hỏi chồng, vừa nghe thấy anh hẹn hò với khách hàng qua điện thoại. Cô nghe thấy là anh sẽ vào phố để trả những bản thiết kế đã làm xong. - Em quên mang sách và một số đồ cá nhân về. Và em muốn xóa những e-mail riêng trong máy tính. Em không muốn ai đó sẽ đọc chúng.
Anh nhìn cô ngạc nhiên.
- Em nhận được e-mail riêng cơ à? - anh vui vẻ hỏi. - Chắc là Asia kể cho em nghe vế đỉnh điểm của cô ấy mỗi khi đọc xong một bài thơ nào đấy hoặc là những trò vớ vẩn khác kiểu như vậy.
Cô nhìn anh khó chịu.
- Rất tiếc là từ lâu rồi Asia không có đỉnh điểm nữa. Và không chỉ sau khi đọc thơ. "Những trò vớ vẩn khác kiểu như vậy" lại càng không - Cô biết là anh ấy không thích Asia. Có đi có lại mà. - Anh chở em chứ? Anh có thể đón em lúc từ cuộc gặp với khách hàng về. Em sẽ không cần nhiều thời gian đâu.

Giống như đêm hôm ấy, khi được biết về Natalia, cô cảm thấy bất an khi bấm số code và chờ tiếng loẹt xoẹt của cái nam châm điện trong ổ khóa cửa vào văn phòng. Bàn làm việc của cô trống trơn. Cốc uống cà phê - màu đen, của anh gửi từ Munich với dấu @ mạ bạc - bị để ra chỗ máy sấy, hộp đựng tài liệu được đưa sang bàn cô thư ký, những cái khay nhựa đề đựng thư đến và thư đi được chuyển sang tủ. Một sự trống không sạch sẽ và bóng loáng bởi độ phẳng của mặt bàn.
Nhưng nhìn trống trải nhất vẫn là cái màn hình máy tính của cô. Nó ở đấy như một thiết bị xa lạ mà cô không hề biết, bị bóc đi tất cả những tờ giấy công tác vàng mà cô đính lên đấy và ghi bằng bút bi màu không chỉ những gì cô cần phải giải quyết gấp, mà còn cả những gì cô nhất thiết phải kể với anh, hoặc những gì anh nói với cô còn cô nhất thiết phải nhớ. Kể cả dấu những ngón tay cô trên màn ảnh cũng đã bị ai đó lau sạch. Ai đó đã giúp xóa anh ra khỏi trí nhớ cô...
Ngăn kéo bàn được khóa lại, cô không thể tìm thấy chìa khóa ở chổ qui định.
Sáng mai mình sẽ phải đến - cô nghĩ và bỗng cảm thấy buồn. - Người ta cũng xóa cả những dấu vết của mình nữa.
- Còn bây giờ thì không ủy mị nữa - cô nói to và bật máy tính.
Cô đã chuẩn bị cho mình. Suốt tuần không nghe nhạc. Đọc sách về làm mẹ. Sau đó gọi điện cho mẹ cô. Họ nói chuyện suốt gần hai tiếng. Có nghĩa là mẹ cô nói là chủ yếu. Cô không gọi cũng như không nhận điện thoại của Asia. Asia bao giờ cũng gọi vào di động của cô. Chủ yếu là để tránh nói chuyện với chồng cô.
Alicja đích thân đến.
- Chúa ơi, mình mới ghen với cậu làm sao - nó bắt đầu ngay từ ngoài cửa- - Bao giờ thì các cậu đi mua giường cho em bé đấy? Nhưng, nhưng... cậu phải nhớ ghi nhật ký. Chính là bây giờ. Quan trọng lắm đấy. Cậu phải ghi lại từng ngày của thai. Sau đó, bao giờ con gái đầy mười tám tuổi cậu sẽ đưa cho nó đọc. Nhìn cậu thì trăm phần trăm chửa con gái.
Cô nhìn Alicja và nghĩ rằng cô không muốn cho con gái mình đọc những gì mẹ nó suy nghĩ trong tuần mang thai thứ bảy này. Hẳn nó sẽ kinh ngạc lắm.|
Chiều muộn thì chồng cô gọi điện về. Anh hẹn thứ tư sẽ đi xem một căn hộ rộng hơn. Gần như ở giáp ranh thành phố. Ven rừng. Anh đã ký thỏa thuận ban đầu. Căn hộ nhiều ánh sáng và tuyệt đẹp.
Cô đã chuẩn bị cho bức e-mail này.


Jakub,

Kể từ ngày em biết anh, anh luôn viết hoặc kể cho em về sự thật. Về sự thật trong khoa học, trong cuộc sống, ở mọi nơi. Tất cả trong anh đều chân thật. Do đó mà em tin là anh hiểu em. Anh hiểu là em không thể sống mãi như thế này được. Em đã có thai. Bây giờ em sẽ phải nói dối hai người. Em không thể làm điều đó.
Anh đã ban tặng cho em một cái gì đó, cái thậm chí rất khó gọi tên. Anh đã lay động trong em một cái gì đó, mà về sự tồn tại của nó thậm chí em cũng không biết. Anh đang và sẽ mãi mãi là một phần của cuộc đời em. Mãi mãi.
Jakub, anh đã nói với em rằng anh rất muốn em hạnh phúc, đúng không? Vậy bây giờ anh hãy làm một điều gì đó vì em, em xin anh đấy. Một điều gì đó hết sức quan trọng. Quan trọng nhất. Hãy làm điều đó vì em. Em xin anh. Em sẽ hạnh phúc nếu anh tha thứ cho em.
Anh sẽ tha thứ phải không?
Trong mấy tháng tới sẽ không có em. Em không còn làm việc ở đây nữa. Để giữ thai, em phải ở nhà, sau đó em sẽ vào bệnh viện mấy tháng.
Cám ơn anh vì tất cả.
Mong anh hãy giữ mình.


Cô cắn ngón tay đến phát đau và khóc. Cô cắn môi đến bật máu. Cô ra chỗ chai nước dùng để tưới cây để trên bậu cửa sổ đưa lên miệng uống.
Cô lại thấy bình tĩnh. Cô gọi chương trình thư điện tử. Thư từ của cả tuần trước và cái của sáng nay đang chờ cô. Không đọc cô chuyển tất cả sang "hộp thư đã bị xóa
- Bây giờ mình không thể đọc. Mình đã quyết định - cô nói thành tiếng, như thể tự ra lệnh cho mình Cô viết địa chỉ của anh: Jakub@epost.de
Đây là lần cuối cùng - cô nghĩ khi gửi e-mail. Cô cảm thấy nhẹ nhõm.
Đó chẳng qua chỉ là Intemet...
Cô mở folder mà trong đó cô cất giữ tất cả e-mail của anh gửi, và đánh dấu tất cả để xóa. Chương trình hỏi:

Bạn có chắc chắn là muốn xóa những thông tin này không?
(CÓ/Không)


Cô ngồi im một lúc, chăm chắm nhìn vào màn hình.
- Một câu hỏi điên rồ! - cô cáu kỉnh nghĩ.
Bỗng nhiên cô cảm thấy như thể phụ thuộc vào câu trả lời của cô cho câu hỏi điên rồ kia là cuộc đời của một ai đó.
Dây dẫn màu xanh hay đỏ?! Nếu cắt nhầm, tất cả sẽ biến vào không khí. Như là trong những bộ phim điên rồ mà ở đó một kẻ nửa điên nửa khùng đẹp trai, da rám nắng bao giờ cũng cắt đúng dây dẫn. Cô nhớ là chẳng có bộ phim nào mà trong đó anh ta lại cắt dây đỏ...
Có điện thoại. Chồng cô đang chờ dưới ôtô. Cô nháy vào "Có". Chẳng có gì xảy ra. Thế giới vẫn tiếp tục tồn tại. Khán giả thở phào.
Cô tắt máy tính. Đứng dậy. Chạm tay phải vào màn hình. Vẫn còn ấm. Tạm biệt, Jakub...
Cô tắt điện và đi ra.

Trước­ buổi trưa, bọn anh bị ngắt Intemet mất mấy tiếng. Thật khủng khiếp. Mọi người chạy quanh Viện không biết làm gì. Bỗng nhiên trong bếp, gần automat cà phê dồn lại một đám đông. Nhưng mục đích đã thanh minh cho khó khăn bất đắc dĩ này: họ sẽ có kết nối nhanh hơn gấp hai trăm lần.
Đến chiều anh nhận được mấy bức e-mail. Không có cái nào của cô. Anh sốt ruột quá.
Anh đã có hẹn đến hội nghị trực tuyến với đại học Princeton lúc hai mươi giờ. Ở chỗ họ, vùng bờ biển phía đông sắp mười bốn giờ. Anh phân vân, tại sao người Mỹ lại cho rằng có thể làm hội thảo trực tuyến vào hai mươi giờ ở châu Âu và mọi người vẫn còn ở trụ sở vào giờ ấy. Đây hẳn vì họ vẫn chưa bỏ được thói nước lớn - anh nghĩ.
Sau hội thảo trực tuyến, anh quay về văn phòng một lát. Đã sau hai mươi hai giờ. Anh dự định tắt máy tính rồi về. Cái hội thảo với người Mỹ ấy khiến anh mệt mỏi.
Có e-mail của cô! Rốt cuộc thì cũng có! Anh bắt đầu đọc.

CÔ: Cô hẹn với cô thư ký lúc mười hai giờ mười lăm. Chị ta mở khóa cho cô cả hai phía bàn làm việc.
- Chị mang hết đồ cá nhân về, còn thì để lại. Tôi sẽ xem qua rồi thu dọn sau - cô ta nói. - Ấy, chị không được ngồi lên sàn nhà! - cô ta la lên. - Bây giờ chị phải chú ý, để tôi mang cho chị cái ghế con bên phòng thư ký sang.
Cô thư ký chăm chú nhìn vào bụng cô, lúc này vẫn chưa thấy gì còn cô mang sọt rác ra gần cửa sổ. Cô mở ví xách tay. Thận trọng ngồi xuống cái ghế con được đưa từ phòng thư ký sang, bên phải cô là sọt rác, còn bên trái là một túi thể thao Nike to. Cô bắt đầu lấy dần các thứ từ các ngăn kéo ra. Hết cái này sang cái khác. Đây là cái quan trọng nhất. Cái của anh.
Đầu tiên cô lấy cây nến xanh đã cháy hết ra, đó là cây nến đã có lần anh gửi cho cô để họ có thể "ăn tối bên ánh sáng của những ngọn nến". Họ mở chat trên ICQ, họ mở vang, đặt pizza, anh ở Munich, cô ở Warszawa, họ thắp nến và bắt đầu ăn. Chính trong bữa tối ấy cô hỏi mẹ anh trông như thế nào. Anh bảo là bà rất đẹp. Anh nói nhiều điều kỳ lạ về bà. Ở thời hiện tại. Mãi một tháng sau cô mới biết là bà đã mất từ hỏi anh còn là sinh viên. Vào sọt rác.
Sau đấy cô vớ phải bản photo bằng tốt nghiệp phổ thông của anh. Anh muốn - chỉ đùa thôi - chứng minh với cô rằng anh thực sự đã tốt nghiệp phổ thông. Vào sọt rác.
Bưu ảnh từ New Orleans loang lổ vết rượu vang. Cô quay mặt sau và đọc:

Cám ơn vì em hiện hữu. Đã khá lâu rồi anh không làm việc này. Ở đây, trong thành phố này, điều này thật long trọng.
Jakub.

Vào sọt rác.
Cuốn sách về gien học. Đầy những ghi chú của anh bên lề được viết bằng bút chì. Ở trang 304, trong chương về gien di truyền, có một đoạn đã khiến cô như tê dại khi phát hiện ra nó vào mấy tháng sau. Tuy đã bị tẩy đi nhưng dưới ánh sáng vẫn có thể đọc được: Anh muốn có với em một đứa con. Anh rất muốn như vậy.
Vào sọt rác.|
Không! Cô không thể làm như vậy được. Cô không thế chịu đựng nổi điều này. Bằng một động tác, cô giật cái ngăn kéo ra và đổ tất cả mọi thứ trong đó vào sọt rác. Cô đẩy ngăn kéo vào chỗ cũ và cho đố của mình vào túi. Cô ngồi trên ghế, đầu rũ xuống, chờ cô thư ký về.
Tự nhiên cô nhìn vào sọt rác. Trên ủng là cái mô hình chuỗi xoắn kép bằng thủy tinh màu. Bùa may của anh dành cho cô.

Mình đúng là một người đàn bà xấu xa, tàn nhẫn, ghê tởm - cô nghĩ - sao mình lại có thể làm thế vời anh được?! Với chính anh?

Cô với sọt rác. Nhắm mắt lại. AT, CG, sau đấy lại CG và sau đấy là ba lần AT... C6 thư ký bước vào phòng.

- Chị đừng khóc. Chị sẽ quay lại với chúng tôi cơ mà. Chị sẽ sinh em bé, chăm sóc bé một thời gian rỗi quay lại đây.
Không. Mình sẽ không quay lại đây. Sẽ không bao giờ mình quay lại đây nữa - cô nghĩ. Cô đứng dậy. Xách túi.

Cô tạm biệt cô thư ký và đi ra.
Chồng cô đang chờ trong ôtô dưới nhà. Anh hút thuốc và đọc báo. Nhìn thấy cô, anh lập tức ra khỏi xe để giúp cô cho túi xách vào cốp xe. Xe lăn bánh.
- Em đã bao nhiêu lần nói vời anh là anh đừng có quay xe ở đây theo kiểu này! Anh chắn hết cả đường. Họ bấm còi inh ỏi thế là phải rồi.
- Họ thì liên quan gì đến anh? - anh trả lời, miệng vẫn ngậm điếu thuốc.
Họ dừng ở chỗ sang đường, chắn cả hai luồng đường. Chồng cô tăng ga và bánh xe rít lên, chuyển động.
- Em bảo anh dừng lại một lát. Anh dừng lại ngay đi!
- Anh không thể dừng ở đây.
Tuy nhiên chồng cô có giảm tốc.
Không. Đấy không thể là anh được. Đấy chỉ là một người nào đó giống anh thôi. Không thể thế được - cô nghĩ và nói:

- Anh đi tiếp đi. Em xin lỗi. Em cứ tưởng là mình nhìn thấy người quen.
Người chồng cho xe chạy nhanh hơn, lầu bầu gì đó trong miệng. Họ rẽ vào một phố nhỏ sau quầy báo.

ANH : Không có một máy bay nào bay từ bất cứ một sân bay nào của Đức đến Warszawa sau hai mươi hai giờ. Từ Zurich, Viene và Amsterdam cũng thế. Anh gọi điện đến Avis yêu cầu họ để xe rước Viện vào sau nửa đêm. Sáu rưỡi máy bay của LOT sẽ bay từ Frankfurt trên Men.
Khoảng năm giờ anh đỗ chiếc goft đi mượn ở bãi đỗ xe của cảng II sân bay Frankfurt.
Để em rời bỏ tôi dần dần, từng bước từng bước một để em xé tim tôi ra từng mảnh, từ từ, sẽ dễ hơn - anh nghĩ khi đi trên xa lộ từ Munich đến Frankfurt. - Tôi sẽ tha thứ cho em. Nhưng em hãy nói thẳng với tôi rằng tôi phải ra khỏi đời em. Không phải ở trên mạng cũng không phải trong e-mail. Em hãy đứng trước mặt tôi và nói. Mình đã một lần nhận được thư và sau đấy là thứ sáu và tất cả đã kết thúc.
Máy bay cất cánh đúng giờ mặc dù khu vực sân bay có sương mù.
- Anh dùng gì cho bữa sáng? Trà hay cà phê? - cô tiếp viên tươi cười hỏi.|

- Chị khỏi cần mang cho tôi bất cứ bữa sáng nào. Những chị có thể cho tôi bloody mary được không? Một vodka đúp, ít nước trái cây thôi. Nước sốt và hạt tiêu.
Cô ta nhìn anh, làm rơi mất nụ cười công vụ vốn được dán sẵn trên mặt sau đó mới lại cười và nói:

- Cuối cùng thì cũng có một thay đổi nào đấy sau cái câu "trà hay cà phê" nhàm chán ấy! Vodka đúp, ít nước trái cây. Thay vì bữa sáng.
Anh ngồi trên ghế dài trước văn phòng cô quãng mười giờ. Anh rất hay tưởng tượng nơi này trông như thế nào. Anh hơi say. Trước khi hạ cánh, cô tiếp viên còn mang cho anh một bloody mary. "Vodka đúp, ít nước trái cây. Sốt và hạt tiêu". Trên khay có hai cốc. Khi anh lấy một cái, cô ta cầm cái thứ hai và nói:
- Tôi sẽ uống với anh. Thay vì bữa sáng. Để cảm thấy như thế nào. Bởi đằng nào tôi cũng sắp hết giờ làm.

Họ chạm cốc.
Anh cảm thấy như mình bị mất cảm giác. Càng tốt – anh nghĩ bụng - mình sẽ không cảm nhận quá mạnh những vết thương ấy.

Trước lối vào tòa nhà của văn phòng cô là một cái cổng lớn được gắn các loại biển hiệu đủ màu sắc. Biển mang tên công ty cô cũng ở trong số đó. Anh đã biết chắc ngay từ sáng. Gần trưa, một chiếc ôtô địa hình to gắn kính sẫm màu choán gần hết cổng. Một người từ xe ra phía bên kia và đi vào bên trong tòa nhà. Lái xe đỗ xe đối diện với cổng, không thèm đếm xỉa đến biển cấm đỗ xe ở đấy. Anh ta mở cửa sổ, châm thuốc và bình thản đọc báo. Thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ. Rõ ràng là anh ta đang đợi ai đó.

Rồi anh ta ra khỏi xe và bắt đầu xem xét kỹ các lốp xe. Hết cái này sang cái khác. Xong, anh ta qua đường, đi về phía quầy báo. Đi qua ghế anh ngồi, anh ta cười. Ở quầy, anh ta mua thuốc lá rồi trở lại xe.
Một lúc sau, anh ta vội vàng ra khỏi xe và đi vòng qua để lấy cái túi của một người vừa đi từ cổng ra. Họ đi. Không thèm để ý gì đến các xe khác trên đường phố đang nườm nượp xe, anh ta quay đầu xe làm tắc nghẽn hoàn toàn dòng lưu thông, tạo nên một sự hỗn độn khủng khiếp.

Rồi chiếc xe ở ngay đối diện với ghế anh đang ngồi. Anh nhìn người lái xe. Cô ngồi ở ghế bên! Đúng lúc ấy xe tăng tốc. Một lúc sau nó mất hút trong con phố nhỏ sau quầy báo.

Tối hôm ấy anh quay về Frankfurt. Lúc xuống máy bay, anh đã khá say để có thề lái xe. Đành phải trả ôtô cho Avis tại sân bay ở Frankfurt và đi tàu về Munich. Anh cứ ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê như vậy, vì mệt mỏi và vì rượu. Lúc nào người lái cái xe ôtô kia cũng cười với anh.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:30  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương 11:

SÁU THÁNG SAU

CÔ: Cô nằm viện một tuần, chỉ về nhà vào những ngày nghỉ cuối tuần. Người phụ trách là chỗ quen thân với bố cô nên đã giải quyết mọi việc sao cho cô có một phòng gần như là cho riêng mình...
Họ đã chuyển đến nhà mới. Hướng đông, nơi có ban-công, cửa số nhìn ra rừng. Họ dành phòng nhiều ánh sáng nhất để làm phòng trẻ con. Có thể nói phòng đã được xếp đặt xong. Cho con trai. Cô đã biết là sẽ sinh con trai. Cô đã nhìn thấy trên màn hình chỗ bác sĩ phụ sản và sau đó là bản in từ máy siêu âm ra.
Mọi người chăm sóc cô đến khó tin. Mẹ hứa là sẽ đến ở với họ trong vòng mấy tuần đầu sau khi cô sinh. Bà tốt với cô quá. Chỉ thỉnh thoảng lại hỏi:
- Sao con ít cười thế?
Thứ năm ấy Asia đến bệnh viện thăm cô. Biết là hôm nay không có chồng cô, thế là nó đến. Nhìn nó rất tuyệt. Gầy đi. Tóc cắt ngắn và nhuộm sáng. Cười luôn miệng.
Họ bắt đầu nhớ lại Paris. Họ cười. Như hồi nào.
- Thế cậu còn nhớ cái cậu trực lễ tân ấy không? – Asia hỏi. - Rõ ràng là cậu ta chỉ thích mỗi cậu. Alicja không thể chịu nổi điều đó. Thế cậu còn nhớ...
Cô nhìn quanh rồi ngắt lời nó:
- Asia, cậu sẽ giúp mình một việc chứ?
Asia nhìn cô chăm chú.
- Cậu có thể đến văn phòng mình và đọc những bức e-mail gửi cho mình trong máy tính được không? Mình biết là đã nửa năm rồi, nhưng mình chắc là Jakub đã viết cho mình một cái gì đó. - Cô cúi đầu và nói thầm: - Mình muốn được biết là anh ấy đã tha thứ cho mình.
Cô đưa cho Asia mảnh giấy ghi số code và mật khẩu vào hộp thư của cô.
- Mình có thể chắc là họ chưa đổi code mở cửa văn phòng mình. Cậu hãy đến đấy thật muộn, lúc không còn ai. Cậu đi chứ?
- Cậu có chắc đây là một ý tưởng hay không? - Asia hỏi bằng một giọng nghiêm túc.
- Có chứ. Từ mấy tuần nay mình đi ngủ với ý nghĩ ấy và thức dậy cũng với ý nghĩ ấy. Mình muốn biết anh ấy có tha thứ cho mình không. Cậu hiểu chứ? Chỉ có vậy thôi.
- Cậu đừng có khóc, vớ vẩn vừa chứ! Tất nhiên là mình sẽ đi. Mai là thứ sáu. Mình cho con bé ngủ rồi sẽ đi. Sáng thứ bảy mình sẽ gọi điện cho cậu.
Họ ôm nhau rất chặt lúc chia tay. Giống như ngày xưa.
- Gọi điện nhé. Đừng quên đấy. Mình sẽ chờ.

Joanna : Song, nếu họ dã đổi code rồi thì sao nhỉ? - cô nghĩ và cảm thấy mình giống như một tên trộm. Khi đứng trước cửa văn phòng cô muốn bỏ chạy. Cô đưa mảnh giấy lên mắt và đọc trong ánh sáng nhờ nhờ của bóng điện báo sự cố. Cô đi đến cánh cửa chấn song, nhắc thành tiếng các chữ số của code. Cô bấm tất cả. Cửa mở.
Thứ hai bên phải. Bàn đầu tiên. Đối diện cửa sổ.|
Cô để mảnh giấy cô ghi mật khẩu vào hộp thư cạnh bàn phím. Bàn làm việc hoàn toàn trống trơn. Chưa hề có ai làm việc ở đây.
Cô khởi động chương trình thư. Vào mật khẩu. Trong hộp đựng thư chưa đọc, có tới 150 tin! Hầu như tất cả là của Jakub. Mỗi tin đều có trong chủ đề từ "Bưu thiếp", sau đó là số thứ tự ngày, nơi gửi và trong phần lớn số tin, trong ngoặc đơn là một từ nào đó mô tả nội dung. Cô bắt đầu đọc.
Chị làm gì ở đây vào giờ này thế?! - một người đàn ông mặc đồng phục đen cầm đèn pin hỏi.
Cô mãi đọc nên không nghe thấy khi anh ta bước vào.
- Anh không nhìn thấy sao?! - cô ngẩng đầu lên, trả lời - Tôi đang khóc.
- Chị có giấy ủy nhiệm không?!
- Không- Tôi khóc không có ủy nhiệm.
Cả hai cùng bật cười như được ra lệnh.
Chị nhớ tắt hết điện trước khi về và tắt máy tính.
Không hỏi gì thêm, anh ta quay ra hành lang.
Cô chưa bao giờ đọc cái gì như thế này. Và chắc chắn sẽ không bao giờ đọc hết. Trò chuyện với một phu nữ mà người ấy đã không còn ở đây nữa. Người đã bỏ anh ta lại. Và xin được tha thứ. Anh tha thứ, nhưng không thể quên cô được. Vậy là anh viết mail cho cô. Hàng ngày. Như thể cô vẫn ở đây Không một lời nuối tiếc. Không một câu than phiền. Những câu hỏi không được trả lời. Những câu trả lời cho các câu hỏi mà cô không để lại, nhưng anh làm việc đó thay cô. Những bức e-mail được gửi đi từ những máy tính. Ở Wroclaw, New York, Boston, Lon don, Dublin. Nhưng nhiều nhất là từ Munich.
Những bức thư gửi cho người phụ nữ mà người ấy sẽ không đọc chúng. Đầy ắp tình cảm và sự săn sóc. Những câu chuyện tuyệt vời kể cho một người, là người quan trọng nhất. Không một chút phàn nàn, kêu ca nào. Chỉ đôi khi có những yêu cầu hay nài nỉ nào đó về một điều gì đó cho anh. Như một lần ngay trước Giáng sinh, anh viết từ máy tính của người anh trai ở Wroclaw:
Anh đã gói quà cho em. Anh sẽ để nó dưới cây Noel cùng với những gói quà khác. Anh rất muốn em có thể mở nó, còn anh có thể được nhìn thấy em vui thích như thế nào.
Bưu thiếp cuối cùng mang số 294. Gửi ngày 30 tháng tư từ máy tính ở Munich. Nó như một lời kêu cứu. Anh viết :
Tại sao tất cả mọi người đều bỏ anh? Tại sao?!
Hôm nay em hãy tìm thấy anh đi.
Như một năm trước đây.
Xin em, hãy tìm thấy anh. Hãy cứu anh!

Cô để bức e-mail cuối cùng này trên màn hình. Ngồi tựa khuỷu tay lên mặt bàn và nhìn vào câu này. Cô phân vân, không biết mình thương ai hơn.
Cô đứng lên. Tìm được một đĩa mềm ở bàn bên cạnh. Cô kiểm tra, đĩa trống. Cô copy tất cả các bưu thiếp của anh sang đĩa mềm, còn bản gốc thì xóa khỏi máy tính.
Đã rất muộn. Cô gọi taxi từ điện thoại trên bàn. Cô đóng cửa vãn phòng và đi thang máy xuống dưới. Một lát sau thì taxi đến. Trong radio Geppert đang hát Larynki (Kẹo trái cây). Lái xe đồng ý cho bật đèn. Cô chùi các vệt đen do nước mắt và sửa lại trang điểm.
Nếu không quá muộn và nếu kinh không quá sợ tối thì bây giờ mình sẽ đến cho cái cây của mình - cô nghĩ, vừa khẽ chạm vào cái đĩa mềm trong ví xách tay.
Sáng ra cô sẽ gọi điện như đã hứa. Cô sẽ nói rằng Jakub đã tha thứ. Như vậy sẽ tốt hơn cả. Vả lại thực tế cũng đúng như vậy. Thực tế đó là một khái niệm rất chung chung.

ANH: Anh còn bay về Ba Lan hai lần nữa.
Zaduszki. Trời lạnh ghê gớm và mưa. Anh ra mộ Natalia rất muộn. Gần như đã về đêm. Anh không muốn gặp bất cứ ai. Anh muốn kể với cô mọi chuyện. Tối nào anh cũng ra mộ cô. Có một số bát nến suốt ba ngày không tắt.
Anh ra mộ bố mẹ cùng với gia đình người anh trai. Sau đó họ ngồi nhà uống trà với rum do anh mang về và nhớ lại. Những bức thư của mẹ. Hàng ngày. Trong suốt năm năm...
Sau đó anh trở lại Munich và mấy hôm sau anh bay đi Princeton. Anh đã xong dự án với Warszawa.
Lần thứ hai anh về là vào Noel. Lễ Giáng sinh Ba Lan ở nhà anh trai. Tuyệt đẹp. Tuyết rơi. Họ đi dự đại lễ đêm Giáng sinh. Anh cầu cho nỗi buồn này qua đi. Và nỗi sợ hãi này. Anh sợ.
Anh viết cho cô. Chẳng có gì thay đổi. Ngày nào anh cũng viết. E-mail như là buổi cầu kinh tối.
Anh chú ý giữ gìn sức khỏe nhé, Jakub.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 02:32  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chương Kết:

Cô nhìn thấy mỗi hình hài bé xíu như được bôi một lớp hắc ín đỏ - xanh đen với cái đầu to không có tóc. Anh bác sĩ đặt đứa bé sơ sinh lên bầu ngực trần của cô.
Hầu như cô không cảm thấy gì khi họ khâu cho cô. Cô ép thằng bé vào người mình. Và khóc. Đã lâu lắm rồi cô không khóc như vậy. Chị hộ lý lau mồ hôi trên trán cho cô.
- Chị đừng khóc. Thế là mọi chuyện xong rồi. Chị có một cậu con trai mạnh khỏe. Cháu có cái đầu rất to, nó làm chị bị rách một tí, nhưng bù lại cháu sẽ rất thông minh!
Anh bác sĩ trẻ vẫn đang khâu cho chị, nói:
- Chị ghi đi này. Giờ sinh bốn giờ không tám phút sáng. Sau khi khâu xong, chị cho chị ấy loại nào mạnh một chút để chị ấy ngủ và chuyển sang phòng số mười bốn. Ngày mai, chiều muộn mới cho bú.
Nghe thấy tiếng nói, cô tỉnh giấc. Thoạt tiên, cô không biết mình đang ở đâu. Cô nhấc đầu. Bố mẹ và chồng cô đang ngồi cạnh giường. Cô thấy đau khủng khiếp vùng đáy chậu. Mọi người cười với cô. Cô ngồi dậy, sửa lại tóc.
- Cháu đâu rồi? - cô hỏi.
- Rồi người ta sẽ mang đến đây để con cho cháu bú - mẹ cô trả lời.
Chồng cô đứng dậy và đưa cho cô bó hoa cẩm chướng đỏ. Anh hôn vào má cô.
- Marcin nặng bốn cân rưỡi. Hồi mới đẻ anh cũng to thế đấy.
Cô ưỡn thẳng người. Cái áo bệnh viện bật cúc, để lộ ra bộ ngực đồ sộ sẵn sàng cho trẻ bú.
- Con sẽ có tên là Jakub - cô nói khẽ.
Chồng cô nhìn bố mẹ vợ, như thể muốn tìm chỗ dựa.
- Mình đã nói với nhau về chuyện này và anh tưởng là mình đã thống nhất đặt tên con là Marcin cơ mà.
- Đúng, mình đã nói về vấn đề này, nhưng mình chưa thống nhất gì cả. Marcin chỉ là một trong những tên mà anh thích.
- Anh cho rằng mình đã thống nhất. Sáng nay anh đã cho in tờ khai. Mất một ngàn zloty đấy. Bây giờ anh sẽ không thay đổi gì nữa. Đã quá muộn rồi.
- Con muốn gì nữa? - mẹ cô ngạc nhiên. - Marcin đang là một cái tên mốt hiện nay.
Cô không thể nghe nổi điều này. Cô duỗi chân, ngồi dậy. Xỏ chân vào dép. Mặc cho đang đau khủng khiếp, cô vẫn đi chậm ra tủ đựng quần áo cạnh chậu rửa. Lấy ví tiền từ áo khoác ra. Đếm. Chưa đủ một ngàn. Cô cho thêm tiền xu vào chỗ còn thiếu. Rồi quay lại giường. Cô để tiền phía dưới chân, chỗ chồng cô đang ngồi và nói:
- Đây là một ngàn zloty của anh. Con trai của em sẽ có tên là Jakub. Anh nghe thấy chứ?! Jakub!
- Con muốn gì nào, đừng có quá kích động - mẹ cô xen vào.
- Bây giờ mọi người có thể ra ngoài để con ở lại một mình được không? Tất cả.
Mọi người đứng dậy. Cô nghe thấy mẹ cô nói vời chồng cô gì đó về choáng sau sinh.
Cô không còn khóc nữa. Cô đi nằm. Đã rất tĩnh tâm. Gần như là vui vẻ Cô nhìn những bông cẩm chướng trên giường. Cô không thể chịu nổi hoa cẩm chướng cơ mà! Tại sao anh ấy lại không biết điều này nhỉ?!
Chị hộ lý kẻo cô ra khỏi trạng thái nửa thức nửa ngủ.
- Chị có muốn cho cháu bú không? - chị ta hỏi, ôm trên tay tấm chăn đề hở đầu con trai của cô ra.
- Có chứ. Tôi muốn. Rất muốn.
Cô ngồi dậy. Vạch vú. Đón tấm chăn dây bẩn cùng với thằng bé. Nó mở to mắt. Cô cười và nói với nó:
- Jakub ơi, nhớ quá.
Đứa bé sơ sinh sợ hãi, khóc.


LỜI BẠT

Người đàn ông đến ga Berlin ZOO trước nửa đêm khá lâu. Tàu đi Drezno qua ga Berlin Linchtenberg đúng 4.06. Còn nhiều thời gian. Anh ta bắt taxi đến khách sạn Mercure. Ở quầy bar, anh ta gọi một chai vang đỏ.
Bao giờ anh ta cũng thích Natalie Cole. Vì cái tên. Và vì cô hát như là kể những câu chuyện kỳ lạ. Nghe cô hát, người ta có được những trải nghiệm, mà những trải nghiệm là quan trọng nhất. Chỉ vì những trải nghiệm mà cần phải sống. Và còn vì điều này nữa, để có thể sau đó kể lại chúng với ai đó.
Bốn giờ kém mười lăm. Anh ta trả tiền. Và ra chỗ lễ tân.
- Chị có thể gọi hộ taxi được không? Đến ga Berlin Linchtenberg.
Hôm nay anh ta sẽ gặp tất cả những người mà anh ta yêu quí.
Gần như tất cả.

HẾT

*



Sắp hết năm rồi, cố đọc cho hết rồi post hết luôn ^^ Thành thật mà nói, truyện này ko đc hay cho lắm, được cái nhiều triết lý hay ^^ Chứ đọc khó vào và hơi nhức đầu >"<



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 11:50  

Senior Member
 
Join Date: 17-08-2007
Posts: 466
KL$: 348
Awarded 13 time(s)
Sent 11 thank(s)
Received 22 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A1 (2007-2010)
Location: ]-[à Thành lầy lội

chời! Chị cop cả tập truyện lên đây ạ? :-o Dài wá



------------------------------
Những phát ngôn trên kia đc thốt ra từ

Kuku Ngu Ngu
pipo_poo is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 31-12-2007, 12:30  

Manager
 
Join Date: 14-09-2005
Posts: 570
KL$ (TOP! 8): 8.632
Awarded 34 time(s)
Sent 54 thank(s)
Received 33 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A6 (2005-2008)
Location: My house

Tình hình em vẫn chưa đọc hết chap 1 thì phải T__T
Bình thường đọc ol thì đọc chục trang bt, thế mà nhìn quyển sách dày, tự dưng lại ngại T__T Hư quá hư quá.
Xin hứa với Đảng và Chính phủ em sẽ đọc xong trong ... Tết âm
GemLeaf is offline  

Re: "Cô đơn trên mạng" - JannuszLeon Wisniewski
Old 01-01-2008, 08:38  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Haizz... thấy hôm nọ em bảo mua truyện này về đọc + đọc giới thiệu về nó 1 lần cách đây ko lâu + thấy nó thuộc loại sách bán chạy hiện giờ, chị tưởng nó hay lắm nên tranh thủ mấy ngày nghỉ này đọc luôn và share vào đây cho mọi người cùng đọc.

Nhưng mà nói thật là truyện này chị thấy bình thường, chẳng hay. Đọc khó vào, gây nhức đầu. Nhiều triết lý quá, đâm ra khó hiểu thế nào ý Có nhiều chi tiết liên quan đến những vấn đề lịch sử hợp nhất châu Âu này nọ làm chị thấy hơi chán khi đọc, vì chị chả quan tâm tới những chuyện đó lắm

Truyện chỉ xoay quanh mấy vấn đề: sự cô đơn, tình yêu, sự ích kỷ và cái chết, mà sao tác giả có nhiều chữ để nói thế. Thấy nó nhàm nhàm sao à Vì đã đọc rồi mà bỏ dở chị thấy rất bức xúc nên đành cố đọc hết xem nó ra làm sao.

Nói chung, chẳng hiểu vì sao nó lại thu hút được nhiều lượng người đọc như vậy nữa

Lần sau rút kinh nghiệm, đọc truyện gì thấy hay xong mới post vào đây share. Chứ nghe thông tin đại chúng chưa chắc đã chính xác.

Em đọc xong có j` thì thử cho ý kiến xem Biết đâu em lại thấy hay (vì đây chỉ là quan điểm của cá nhân chị thôi mà ^^)



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  
 

KLNetBB - Member of Kimlien Network
Copyright © 2002-2009 by dcuongtran
Skin designed by Kusanagi - Banner designed by FunkyJan
Powered by vBulletin® Version 3.6.8
Copyright ©2000 - 2016, Jelsoft Enterprises Ltd.