Go Back   KLNetBB > DIỄN ĐÀN CÁC LĨNH VỰC > Thơ phú - Văn học > Kho Lưu Trữ

 

Old 04-09-2005, 14:24  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chị em họ

Cả họ xem Hà như một tấm gương sáng. Hà sạch sẽ, vô cùng lễ phép, năm nào cũng đi thi học sinh giỏi văn. Thuỳ - một chị họ của Hà - nhận xét: "Thi giỏi văn có gì là hay?". Dù thế ba mẹ Thuỳ vẫn quyết định đổi trường cho nó.

Thuỳ mắt ngấn nước cãi: "Con không thích học chung với họ hàng! Con học ở đây quen rồi, ở đây có bạn nhiều!". Hai người lớn nghiêm nghị bảo: "Ở đâu cũng sẽ có bạn thôi!" và mọi chuyện coi như được khoá lại.

Trong nhà, Thuỳ không có bạn, nói đúng ra, không ai rảnh mà làm bạn với Thuỳ. Chỉ có ngoại, nhưng ngoại lại ở xa. Ngoại nói: "Nó như con bụi đời con!". Ngày đầu từ trường mới về, Thuỳ đạp xe ngay đến nhà ngoại. Trên đường đất, mưa tuôn nhẹ nhàng, đều đều, tưởng như không bao giờ tạnh nổi. Thuỳ nằm dài trên phản gỗ, bảo: "Con Hà chán lắm ngoại ơi!". Ngoại cười: "Đúng rồi!... nó ngoan nhưng cứ rù rì, buồn lắm... Thế hai chị em có đi với nhau không?".

Thuỳ cau có, dài giọng: "Không!... ra chơi, nó đứng tựa lan can vài giây rồi vào lớp ngồi tiếp. Con hỏi: "Đi chơi không?". Nó bảo ở dưới sân đông, mệt lắm. Thế là con phải ngồi lại vì con có quen ai đâu!". Thuỳ nhìn mưa len lỏi qua những tàn dừa, buồn rầu. Nó nhớ lớp xưa, trường xưa, nhớ đám bạn lắm mồm, nói suốt 5 tiết vẫn không hết chuyện. Ngoại bảo: "Con mệt thì ngủ đi!" rồi an ủi: "Không sao đâu, con Hà hiền, ngoan lắm!". Thuỳ mơ màng ngủ, nó mơ thấy mình hỏi Hà sỗ sàng: "Có bệnh gì không mà sống lờ đờ như người ốm vậy?". Hà trả lời ngây ngô: "Không bệnh, nhưng sợ đông người!". Trong mơ cũng có mưa, và gió ẩm ướt thổi quanh, mát rượi.

Mẹ hỏi: "Sao không rủ em Hà đi học cho vui?". Thuỳ dắt xe lách qua khe cửa hẹp vanh, trả lời vội vàng: "Thôi, nó đi chậm như rùa, con lại thích đi học sớm!". Nó tự nhủ: "Dở quá, từ đầu năm tới giờ, chưa khi nào mình là người đầu tiên vào trường cả!". Luôn luôn có những kẻ đến sớm hơn Thuỳ, hoặc là một cái xe dựng cô độc trong bãi còn vắng tanh, hoặc một anh chàng đứng tựa lan can lớp học nhìn như quét khắp sân trường rộng lớn. Thuỳ tự an ủi: " Chắc chúng nó gần nhà!" rồi ung dung vào lớp. Trên bảng đen, bài giảng lớp học chiều qua xen lẫn những câu viết đùa chữ to, chằng chịt. Thuỳ cất cặp rồi một mình giở ghế lên sẵn cho tổ trực, nó nghĩ: "Mình thật khoẻ, mình phải làm thật nhanh trước khi có người khác giúp!". Xong việc, cũng là lúc tổ trực vác chổi vào, cả bọn xúc động, hỏi: "Thùy làm đấy à?". Hầu như ngày nào cũng thế mà vẫn không hết bất ngờ, chỉ có Hà ái ngại nhìn Thuỳ, nó nói nhỏ: " Chị làm thế làm gì, việc tụi nó mà!". Thuỳ đáp cụt lủn: "Rảnh thì làm!", nó muốn nói thêm: "Tao cũng không thích mày, mày trốn quét lớp luôn!", rồi lại thôi, nghĩ làm thế người ta sẽ cười hai chị em, đành lặng lẽ đi chơi chỗ khác.

Giỗ ông, tất cả đổ về vườn của bà. Thuỳ ngủ lại trước đó một đêm, giết gà, làm vịt. Xong việc, nó lấy xe chạy loăng quăng. Trên những con đường quê sau mưa thơm nồng hoa đêm, vài đứa trẻ con đi dạo dạo, dựa nhau hát vọng cổ ngân nga. Thuỳ nghĩ: "Tụi này vui thật!". Buổi sáng, các dì, cậu khen: "Thuỳ thật là chăm!". Mẹ bảo: " Ui! lười học lắm!". Thuỳ ngồi rửa rau, kêu to uất ức: "Con lười học hồi nào!". Mẹ nghiêm mặt, ý bảo: "Hỗn! Không được cãi người lớn!". Thuỳ im bặt. Nó nghe tiếng Hà nhỏ nhẹ: "Con chào ngoại, con mới tới! Con chào... Em chào... ". Mọi người lại khen với nhau: "Người lớn ghê!". Hà đứng xa xa, hỏi: "Chị Thùy có cần gì không, em phụ?". Thùy bảo: "Không! Xong hết rồi!". Hà lên nhà trên các dì chú lại khen Hà giỏi, nghe đâu lại mới đi thi gì đó cho trường. Thuỳ đổ chậu nước, nó nghĩ: "Không ai biết rõ nó bằng mình. Nếu mình kể ra nó ích kỷ, nó không có bạn chơi, mọi người sẽ nói là mình ganh nó giỏi!". Rồi Thuỳ buồn bã nghĩ, mà sao mình không giỏi nhỉ? Hồi bé thầy vẫn khen mà? Hay tại lớn mình ham chơi? Nãy mẹ nói mình lười chắc cũng đúng... Nước trào ra khỏi chậu, ngoại giục: "Rửa đi Thuỳ! Con nghĩ gì vậy?" - " Con không nghĩ gì cả!". Rồi nó thả vào chậu nước đầy những nắm rau xanh ngắt.

Như cả họ đã dự đoán, cuối cùng Hà cũng lên truyền hình. Cả nhà chăm chú ngồi xem cảnh Hà ngồi đọc bài đêm khuya, bên cái đèn con mới tinh. Hà cầm chổi dịu dàng quét lớp.. Đến cảnh Hà giúp mẹ làm cơm, rửa chén... Thuỳ muốn kêu lên: "Ơ, mọi ngày dì Tư có để nó làm gì đâu!", nhưng kìm được, sợ mọi người lại bảo mình ganh! Nó chỉ hét lên bực tức khi thấy nhỏ Sương đứng cười bẽn lẽn bên Hà, kiểu bạn thân, cùng tiến: "Con này vẫn hay nói xấu con Hà, thế mà cũng vác mặt lên đây được!". Mẹ bảo: "Còn hơn mày không bao giờ được lên đâu!".

Thuỳ nghĩ, có cho lên, khéo mình cũng xin thôi. Nếu chị phóng viên hỏi: "Hằng ngày em làm gì?" chẳng lẽ lại tả, em hùng hục đi học sớm để bưng ghế, kéo bàn, em hay đạp xe lăng quăng ngoài đường. Rồi còn bạn thân, biết chọn đứa nào, bỏ đứa nào, cả một lũ lau nhau, ai mà lên ti vi cho hết được, rồi khéo lại giận nhau, lại bảo: "Mày quên tao" mà từ xưa tới nay, có khi nào Thuỳ quên ai được!.

The End.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 04-09-2005, 14:25  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Có con

Về đến nhà thì cũng đã mệt rã rời. Tuyền dù có tắm nước lạnh, uống trà dược thảo, bật cả hai bóng đèn cho sáng loà cái phòng con, thì cũng không thức được. Tuyền chui vào giường, tự nhủ, thì đi ngủ. Mình sẽ chỉ như thế này hai năm nữa thôi, rồi sau đó sẽ chỉ làm những gì mình thích, còn bây giờ thì ngủ.

Trong giấc mơ, Tuyền thấy mình đi chơi với Khang. Tỉnh dậy nhớ lại cũng vui vui. Phải đến một năm rồi họ không gặp nhau, kể từ khi khai trương cửa hàng Tuyền làm việc. Tuyền không phải đợi lâu. Ngay chiều hôm sau, Khang gọi. Khang nói, Khang nhớ Tuyền, và muốn đi chơi. Tuyền cũng không tin vào câu nói này nhưng thấy cũng chẳng thiệt hại gì mà không nói : "Đêm qua Tuyền cũng nằm mơ thấy Khang!". Đến lượt Khang, chỉ trong điện thoại, cũng không giấu nổi vẻ nghi ngờ. Hai người ăn một bữa ăn cảnh vẻ và nhạt nhẽo trong một quán Huế. Lúc lấy xe, Khang hỏi: " Bây giờ mình đi đâu?". Tuyền hỏi lại:"Khang muốn mình đi đâu?". Ngoài đường, các phố đã ngập đầy nước. Mưa vẫn chưa dứt nhưng nhỏ hạt lại. Trong lùng bùng áo mưa, Khang nói, Khang muốn về nhà thay quần áo. Họ đi về nhà Khang.

***

Tuyền nói, chúng mình ẩu quá, coi chừng Tuyền có bầu. Đèn đường hắt vào cũng đủ soi cho Tuyền thấy Khang cười âu yếm: "Thì chúng mình nuôi nó!", rồi Khang sửa lại: "Khang nuôi!".

Tự nhiên Tuyền thấy thật là tình nghĩa khi nghe Khang khẳng định như vậy. Tuyền đi lấy khăn lau mặt cho Khang. Khi cái khăn chạm đến, Khang chợt rùng mình như muốn né. Khang không quen nhìn Tuyền như thế, Khang quen nhìn Tuyền lạnh lạnh, khó hiểu rồi.

Họ nằm, nhìn lên trần nhà và nhắc lại những câu chuyện từ cách đó 10 năm, lúc mới vào đại học. Đó là những câu chuyện lần nào gặp cũng nói và đã chết cứng lại rồi, nhưng kẻ hứng, người tung, còn có đối thoại. Bây giờ, Tuyền nghĩ, lại có thêm một câu chuyện để cùng nói. Tuyền nhắc lại: "Nhỡ đâu Tuyền có bầu?..." - "Thì chúng mình cùng nuôi!", Khang vui vẻ lặp lại.

***

Tuyền thấy mình quan trọng hẳn và tự nhiên thành mỏng manh. Tuyền thấy mình bước đi có hơi chậm lại, và mắt khi nhìn có dịu đi. Tuyền bỏ uống kháng sinh, dù còn phải uống tới hai ngày vì Tuyền đang viêm họng, bài học vỡ lòng cô gái nào cũng biết là không nên uống thuốc khi đang có bầu. Tuyền cũng bỏ đi chơi đêm, sợ về cảm lạnh. Nghe nói ba tháng đầu bị cúm là quái thai.

Bây giờ, Tuyền chỉ nghĩ tới đứa trẻ. Tự nhiên, Tuyền nghĩ nó là con trai. Có thể vì Tuyền thích gương mặt Khang, với mũi dài và mắt xếch. Cũng có thể vì suốt 10 năm, chưa bao giờ Tuyền chắc Khang thuộc về Tuyền, nên một đứa con sẽ là một sợi dây ràng buộc, mà con trai ắt dây phải chắc.
Tuyền không đợi nhưng Khang cũng không gọi lại. Vả lại, Tuyền nghĩ cũng hơi sợ, gọi lại thì nói cái gì bây giờ, có bao nhiêu chuyện thì hôm nọ nói cả rồi. Nhưng Tuyền định sẽ có hôm Tuyền nói, Khang đừng lo, Tuyền nuôi con một mình. Chỉ cho Tuyền xin con được mang họ mẹ. Cái mà Tuyền mong chờ, cuối cùng, rất mơ hồ, là Khang phản đối. "Con Khang là của Khang!", Khang sẽ sừng sộ. Rồi Khang sẽ đưa Tuyền đi siêu âm. Khang sẽ đi sau Tuyền khi Tuyền bước lên cầu thang. Khang sẽ chở Tuyền đi làm vào những buổi sáng Tuyền gọi điện than mệt. Cả cơ quan sẽ phải xì xào trước cái bụng mỗi ngày mỗi lùm lùm. Tuyền sẽ không khai ra cho đến một hôm chỉ vào Khang hào hoa: "Bố của con em đó!"... Tưởng tượng đến khúc ấy thì Tuyền chán oặt cả người. Không, Tuyền muốn bí ẩn mặc áo bầu, Tuyền muốn mọi người tức tối khi Tuyền không chịu nói đó là con ai. Nói ra, câu chuyện đã khép lại.

***

Nhưng Khang vẫn không gọi lại. Tuyền đi qua cái điện thoại và hơi thắc mắc, có nên gọi cho Khang không. Nhưng nói cái gì ? Tuyền không thể rủ Khang đi chơi. Tuyền thích mắt Khang cười, thích gia cảnh Khang, thích ngồi sau xe Khang đi ngoài phố cho mấy cô nhìn nhìn, nhưng phải đi chung, đi riêng thì gượng gạo. Tuyền cũng nhớ là mình chưa bao giờ lo cho Khang. Có vẻ như khó khăn nào Khang cũng thoát ra được, không phải bằng tài khéo, không phải bằng thông minh, mà bằng sự vô tâm. Khang vô tâm nên không có gì chạm đến Khang được. Cho nên Tuyền thắc mắc, có con rồi, Khang có yêu con không?

Tuyền sẽ yêu con như thế nào, Tuyền chưa biết. Tuyền vào cơ quan họp, nghe các chị bàn chuyện con cái mà tò mò. "Có con thì sao, có vui không?", Tuyền hỏi. "Vui lắm, nhưng mà cực. Cỡ em không biết có chịu nổi không!". Tuyền nghĩ, chịu nổi chớ. Hai mẹ con tôi ở với nhau. Buổi chiều mẹ qua nhà trẻ đón con ra, con mặc quần áo toàn bằng vải trắng, đi giày đỏ ; mặc thêm một cái gi-lê cho ấm, đội cái mũ có quai vào, đeo khẩu trang và cầm bong bóng, hai mẹ con mình về... Tuyền đi vào nhà sách, thấy bán cuốn dạy chăm sóc trẻ con. "Vừa nhấc bé bạn vừa phải nựng nịu bé ", hình minh hoạ có em bé nằm ngo ngoe cười. Trong sách, người ta chơi với trẻ con, tắm cho chúng, cho chúng ngủ... như với búp bê. Nhưng khi chúng bệnh hay khóc lóc chắc không ai chụp ảnh. Những lúc đó, những lúc khó khăn đó, Tuyền khựng lại... Tuyền không thể một mình. Tuyền muốn gọi cho Khang: "Nếu Tuyền có con, Khang có phiền không?". Rồi Tuyền thấy việc đó vô ích quá chừng, Khang sẽ nói, không có chi, chúng ta sẽ nuôi, rồi lại im lặng không gọi điện thoại, biết đâu không gọi cả lúc "con chúng ta bệnh?".

Tuyền không chắc đã có đứa bé trong bụng chưa nhưng tình cảm dành cho nó đã bắt đầu phai nhạt. Bây giờ thì Tuyền không chắc mình có còn yêu đứa bé không nếu không có bố nó bên cạnh và chỉ còn nó như một cục nợ.
Tuyền biết, Khang chỉ cần gọi điện hỏi thăm thôi là Tuyền sẽ yêu đứa bé chưa rõ ràng này ngay. Nó quả thực không phải là đứa con của tình yêu nhưng ít nhiều lúc đầu cũng là tình cảm. Chẳng phải là Tuyền đã cúi xuống vuốt tóc Khang và nói Khang đừng hút thuốc nữa như nói với một ông bố của đứa bé trong bụng sao? Nếu không có tí tình cảm nào với Khang thì việc gì Tuyền phải nghĩ về đứa bé? Tuyền chưa đến tuổi để có bằng được một đứa con. Tuyền còn trẻ. Tuyền đi ngang cái điện thoại và kêu thầm, Khang ơi, gọi lại đi, cho Tuyền có lại cái tinh thần yêu trẻ. Khang không gọi lại, Tuyền cảm tưởng như cái thai không lớn thêm được nữa. Tuyền thấy thương nó. Nó như một đứa nhỏ chờ ba về mới chịu ăn cơm và đói lả, Tuyền nói, con ăn trước đi rồi ba sẽ về nhưng nó không nghe. Cái thai chờ đợi và giờ thì Tuyền không còn nhìn ra nó là con gái hay con trai. Trong óc Tuyền, nó rút xuống hình ảnh của một cái bào thai, nằm co co, đầu rất to, như trong mấy cuốn tạp chí vẫn hay đăng ảnh.

***

Một buổi sáng thức dậy, Tuyền tự nhiên thấy ghét Khang kinh khủng và ghét cả mình. Mười năm đã qua kể từ cái ngày đầu tiên Tuyền làm quen Khang trong căng tin trường. Tuyền thích Khang và thấy Khang vừa đẹp, vừa dễ mến, vừa không quý báu đến nỗi để Tuyền không dám đến làm quen trước. Nếu Tuyền thích Khang hơn, Tuyền đã không làm quen như thế. Nếu tình cảm của Tuyền dành cho Khang lớn hơn, Tuyền đã phải giấu đi vì sợ nó có thể bị sây sát. Rồi Tuyền rủ Khang đi uống nước, rủ Khang ôn bài mà không ngượng ngùng hay cân nhắc. Có những lúc Tuyền không thích Khang nữa, Khang cũng không được trân trọng đến mức Tuyền không dám nói thẳng ra. Tuyền không hề ân hận rằng mình có làm tổn thương Khang hay không, bởi lần nào gặp lại cũng vẫn thấy Khang tươi tỉnh như cũ. Có vẻ như Khang không nhớ chuyện gì cả. Tuyền thấy phí, nếu có yêu, ghét gì dành cho Khang.

Bây giờ, Tuyền ghét mình vì tự nhiên Khang rất không quan trọng như thế mà làm cho Tuyền phải đánh giá lại bản thân: "Mình xấu quá phải không? Mình lố bịch quá phải không?". Tuyền ước gì Khang gọi lại và rủ đi chơi để Tuyền từ chối, trật tự cũ như vậy mới mong thiết lập lại được.

Mình già rồi, Tuyền nằm và nghĩ. Đời một người đàn bà chán thật với tuổi xuân không dài và càng về sau càng chỉ là chịu đựng và thất thế. Nhưng trước nay mình vẫn nói là không phải chịu đựng nếu mình không muốn chịu đựng cơ mà! Khi nào chán quá thì mình chết. Chừng nào còn chịu được thì cứ sống, bởi vì ai mà biết được, nhỡ đâu ngày mai có một chuyện vui rơi xuống đời ? Nhớ lại cái ý nghĩ về việc mình có thể tự quyết cuộc đời mình làm Tuyền thích thú. Tuyền bò dậy mở nhạc. Cái đĩa bị hỏng, giật cục. Mới đêm qua nó còn hát bình thường. Sự trục trặc đáng bực lúc đầu ngày này tự nhiên làm Tuyền nhớ đến đứa bé, nếu có nó, mình còn tự quyết được đời mình không? Hay là mình phải sống theo nó, ngay cả khi đời mình không vui. Mà nó là ai, nó chỉ là đứa con của một người bạn trai, chưa bao giờ mình thật yêu và bây giờ thì thằng ấy làm mình khó chịu. Tuyền bỗng thấy sự tự do của mình bị đe doạ. Tuyền không nghĩ tới chuyện đứa bé ngăn cản Tuyền đi lấy chồng. Tuyền cũng không sợ việc nó không cho Tuyền đi du lịch. Tuyền chỉ sợ, nó không cho Tuyền quyết định khi nào chấm dứt cuộc đời Tuyền. Tuyền sẽ phải sống ngay cả khi không muốn sống nữa, chỉ vì nó. Mà Tuyền biết, Tuyền không thể bỏ nó. Tuyền sợ đẻ con ra không phải như mua búp bê về. Búp bê chơi chán thì cho ai đó hay bỏ vào tủ xong quên hẳn. Con thì không cho được trong khi Tuyền cũng không chắc có một ngày nào mình sẽ chán con không.

Tuyền không muốn nghĩ nữa. Tự nhiên Tuyền sợ đứa bé không khỏe nếu Tuyền cứ nghĩ mãi như thế này. Tuyền thấy thương nó và thương cả mình. Tuyền nghĩ nó đang nằm trong hồ nước và những nghĩ ngợi đen tối của mình làm cái hồ nổi sóng. Nó sẽ rất mệt, Tuyền tưởng tượng, và rồi nó yếu thần kinh. Tuyền muốn hai mẹ con yên bình, Tuyền gọi cho Khang. Máy ở nhà Khang không ai bắt, chắc Khang đi làm. Tuyền gọi theo Khang ra đường, máy di động bảo là " Nghẽn mạch ". Không gọi được, Tuyền lại tự an ủi, thôi thế là may, biết đâu Khang nghĩ là mình muốn ràng buộc rồi nói nặng thì sao. Tuyền hú vía.

***

Bây giờ thì Tuyền đã không còn tưởng tượng ra nổi khuôn mặt của đứa bé vì thấy nó như không liên hệ gì đến Khang. Khang vẫn không gọi điện lại và Tuyền cũng mất hẳn sự đắn đo có nên gọi cho Khang hay là không. Tuyền không còn thắc mắc mảy may "Giờ này Khang ở đâu?". Tuyền không hề âu lo: "Hay Khang gặp chuyện gì?". Tuyền cũng chẳng còn thù oán hay trách móc. Tuyền soi gương và thấy mình tự nhiên khắc khổ. Đứa bé trong bụng bây giờ là của Tuyền. Một mình Tuyền đối đầu với nó. Buổi tối Tuyền lên kế hoạch chi tiêu nếu có nó. Một người giúp lúc mới sanh mà cũng có thể không cần, tự Tuyền xoay xở được. Tã và quần áo. Sữa và đồ chơi. Có nó Tuyền sẽ không đi làm thêm được, một mình lương chỉ đủ lúc nó không bệnh hoạn. Tuyền không tính phần Khang vào đây. Tuyền cộng bản dự toán lại và mệt mỏi khi thấy nó vừa khít tiền lương, không còn thừa lại một đồng nào có nghĩa là sẽ thiếu. Tuyền thấy vô lý quá và tức đến muốn đập nát cả cái máy tính. Tự nhiên một buổi tối nằm mơ thấy Khang, rồi hôm sau Khang gọi điện, và rồi Tuyền đang tự do hết mực bây giờ lại phải đau đầu vì cái kết quả của cuộc gặp nhau đó. Tuyền tức giận, mình đang thoả hiệp đây, và chuyện này sẽ đem đến những kết quả không thay đổi được. Mọi chuyện mình đều có thể thí nghiệm, trừ việc thí nghiệm có một đứa con. Mình không chuẩn bị để có việc này. Mình còn nhiều việc phải làm. Mình bắt nó làm người khi chưa chuẩn bị gì cho nó. Mình tung nó ra cuộc đời trong khi chính mình nhiều lúc muốn từ bỏ. Mình chưa muốn có con. Mình không muốn có con...

***

Nhưng Tuyền không phải làm gì cả, đứa bé ấy không có. Khi biết mình không có bầu, Tuyền đang ngồi trên xe lửa. Tuyền nằm lắc lư, lắc lư trên cái võng của một người đi buôn. Tự nhiên Tuyền thấy hụt hẫng và buồn vô kể. Không phải là buồn phát khóc hay là muốn chết, hay là nghẹn ngào; Tuyền chỉ thấy buồn, có phần hỗn độn vô lý, như những ngày thi căng thẳng vừa hết, như những năm học cực nhọc vừa xong, vừa nhẹ gánh vừa man mác... Mà so sánh như vậy cũng sai nốt, Tuyền chỉ thấy cuộc đời trước mặt mình thăm thẳm, mới cách đây ít giờ nó còn rõ ràng, các nhiệm vụ nó đặt ra đáng ghét, nặng nề, nhưng cụ thể... Tuyền thấy thương đứa bé không có thực ấy, mình đã tính toán chi li với nó, Khang cũng phải mất công trốn nó, mà nó có thực đâu. Tuyền định khi nào xuống ga rồi sẽ gọi cho Khang, giống như hồi bé chơi trốn tìm báo cho nhau: "Ra đi!", nhưng chỉ thoáng nghĩ thế thôi trong một giây rồi mất ngay, bởi hình ảnh của Khang tự nhiên mờ mịt. Nó mờ nhanh quá làm Tuyền cũng hoảng nhưng quả thực nó mất hẳn rồi. Tuyền không muốn nghĩ nữa, bây giờ thì không phải vì sức khoẻ của đứa bé, mà chỉ vì Tuyền muốn quên đi. Tuyền nằm lắc lư, lắc lư và ngủ thiếp đi, không nghe cả tiếng còi tàu rúc lên khi vào đến sân ga tỉnh lẻ...

The End.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 04-09-2005, 14:26  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Đất đỏ

1. Anh phụ lái vỗ đùng đùng vào hông xe, và cái xe than dừng lại một cách khó nhọc, đít xe mở ra xọc xạch, thả xuống hai đứa con gái rũ rượi như hai con bụi đời. Hai bên bờ là rừng cao su đều thẳng tắp, quy củ mà hoang sơ trong trời xám đất đỏ; trước, sau, đường nhựa uốn dốc, tôi và Hà nhìn nhau bối rối: "Sao mới đến mà buồn thế này ?"

Hai đứa đi giữa lô cao su, vắng lặng và trơn trợt, Hà chỉ lên cao: "Móng rồng kìa !", rồi chỉ vào gốc cây: "Chén đựng mủ kìa !" xong nhìn tôi thăm dò, xem thử may ra mấy cái vặt vãnh lạ lùng ấy có thể làm tôi vui lên chăng. Tôi chưa từng có một mùa hè vui, hè nào cũng đau ốm, hoặc không thì nhân tình nhân ngãi bỏ, mà chủ yếu là nhân tình nhân ngãi bỏ. Để đỡ buồn, tôi làm vài việc, khi thì học cắt giấy, tỉa tót những nét tranh bằng cái kéo to cộ; khi thì cùng một đám bạn đi sưu tầm các quán cafe và ngồi quán nào cũng thấy buồn...Hè năm nay, một chuyện hiểu lầm vặt vãnh, và Tuyển biến mất, tôi hiểu rằng đó chỉ là một cái cớ và người ta đi chỉ vì người ta chán, vậy nên tôi nằm nhà, lôi một chồng tạp chí cũ ra xem, vừa xem vừa ngủ vật vờ, chán nản. Hà bảo: "Mày thảm quá, xem tao này, tao có buồn đâu nên tao mập !". Tôi cười, nó mập thật, mặt không một nếp nhăn, mắt không một quầng thâm mất ngủ... Rồi nó cười: "Ở Suối Tre, nhà cậu tao, mùa này chôm chôm còn nhiều lắm !..."

2. Có vườn chôm chôm nào đâu, nhà cậu Hà nằm cô độc trên một khu đất không biết nên gọi là đồi hay u. Một ngôi nhà kiểu Tây đỏ quạch đất bùn, quanh nhà, cỏ mọc ẩm ướt, buồn thảm. Vài đứa trẻ con trông cũng uể oải như cảnh vật, ngồi trên thành xi măng bể nước, dùng mấy cành cây ngó ngoáy xuống mặt đất... Thấy Hà, bọn nó nhảy xuống, rồi nắm níu, rồi hỏi han: "Mẹ đâu, bố đâu ?"... ầm ĩ; còn tôi, hoàn toàn dửng dưng, tôi chỉ muốn có ngay một cái giường để ngủ
!
Trong nhà đầy trẻ con. Đứa nào cũng lem nhem, tưởng chừng như đất đỏ ngấm vào cả da thịt chúng. Cơm chiều, cả nhà quây quần lại nghiêm túc, mấy đứa bé lâu lâu kêu lên: "Nhặt con đậu đen kìa, cạnh bát canh kìa !"... Hà trấn an tôi: "Đừng sợ, con này không bẩn, không cắn". Cả nhà nhìn tôi có vẻ hơi ngộ nghĩnh rồi lại tiếp tục ăn, chỉ một người, một chị tóc dài, thưa thớt, vàng hoe, mặt thuột ra; chị buông bát đũa, nhìn tôi chăm chú và cười, cười mãi. Mợ Hai đút bát vào tay chị, và chị ăn, chậm rãi, có vẻ ăn cho mợ vui lòng, vậy thôi, còn công việc chính lúc này là phải nhìn tôi, nhìn cái đứa sợ giống đậu đen hiền lành kia, và cười. Hà thầm thì: "Chị Hai đó, ăn đi !", rồi nó ngạc nhiên hỏi: "Hoài đâu ?". Cậu mợ thản nhiên: "Nó đi chơi rồi !".

3. Bọn trẻ con vác bộ cờ cá ngựa ra, giảng giải: "Ở đây tối chẳng có chỗ nào để đi, mưa nữa, bẩn lắm...Sáng mai em dẫn xuống vườn mua sầu riêng... Mấy chị chơi cá ngựa không ?" Và cứ hai người một màu ngựa mà đấm mà đá lẫn nhau. Hà trầm ngâm trước bàn cờ: "Bọn này hiếu chiến lắm, mình muốn về chuồng cũng không được. Tao với mày đi thế này nhé, đá là chủ yếu, đừng cho đứa nào qua !". Rồi rình rập nhau, trẻ con cay cú hờn dỗi, người lớn mưu mô, rồi la hét ầm ĩ, giường chiếu run bần bật... Tôi dựa lưng vào cái bàn máy may kê đầu giường, thấy chị Hai đứng đó từ lúc nào, tóc xoã, miệng vẫn cười cười, mắt ngây ngô vô hồn. Tôi bảo: "Ngồi xuống giường này, chị Hai, đứng chi cho mỏi !". Không nói tiếng nào, chị vuốt ve cạnh bàn, ngơ ngẩn... Hà lại hét lên: "Con Thảo sắp về chuồng rồi, bỏ mẹ rồi !", thế là hùynh hụych đuổi theo con ngựa của Thảo, những cục xí ngầu vội vàng tung lên, rơi xuống, bọn trẻ con lại rên rỉ...

Cứ vậy đến đêm, mưa ngoài kia rả rích, đậu đen rớt xuống bàn cờ, tôi quay lại, vô tình tìm thấy chị Hai, và hoảng sợ. Trong ánh đèn nê-ông xanh xao khuất bóng, một khuôn mặt biến dạng, nó dài ra kì lạ, u uẩn như chìm trong một cơn đau dai dẳng. Tôi bấm tay Hà: "Chị Hai kìa !". Hà ngước lên nhìn rồi bình thản bảo tôi: "Tại tụi mình vui quá đó !", quay lại, chị đã biến mất, như ma, và tôi không còn tâm trí đâu mà chặn đường đấm đá với mấy con ngựa nữa.

4. Ván cờ kết thúc trong những cái ngáp dài, những bóng dáng trẻ con, người lớn nghiêng ngả dựa nhau. Hà bảo: "Không có tiền là không thắng nổi"... Bọn trẻ hỏi: "Hai chị ngủ đâu ?". "Cho tao cái giường cạnh cửa sổ, không cần gối, với một ly nước để nửa chừng tỉnh dậy tao uống". Rồi hai đứa tựa thành cửa nhìn xuống khoảng đất dông dốc mờ ảo ngoài kia. Mưa đã tạnh và trời lạnh lẽo, cây lá thả nước lộp độp theo mỗi trận gió, tôi chợt thắt lòng mà nghĩ đến Tuyển, giờ này hẳn đang ngủ, mắt xếch mày dài khép lại, cái mặt luôn hờn dỗi ngoẹo qua một bên gối, và tôi thấy buồn cườị.. Chợt Hà lẩm bẩm: "Vì tình !". Tôi hỏi: "Cái gì ?". Nó chỉ về một gốc cây gần bể nước: "Chị Hai !". Chi Hai ngồi đấy, một cái bóng thẳng đuột như một khúc cây trông có vẻ ngây ngô, biếm họa hơn là u uẩn hay mơ mộng. Tôi hỏi Hà: "Lâu chưa ? Vì ai vậy ?". Nó cười ruồi: "Mấy năm! Thằng cha nào làm bên bệnh viện, không biết. Mà cũng không hẳn vì tình hoàn toàn, xưa kia bả cũng tàng tàng rồi, cái ông quỉ kia chỉ là cái cớ thôi..." Tôi cười: "Tàng tàng mà cũng có người yêu sao ?" Hà phì cười: "Yêu hồi nào? Bả lên khám bệnh, mê ổng, còn ổng có biết chị Hai tao là ai đâu !"...À thế là điên thật, điên có sẵn ! Tôi thấy buồn cười, trước đây tôi vẫn quen với hình ảnh những thiếu nữ thất tình xinh đẹp của tiểu thuyết, đầu đội hoa chẳng hạn, quần áo vẫn sạch sẽ, đi lang thang vơ vẩn giữa những hàng cây, để lại sau lưng những chuyện tình đẹp như truyền thuyết. Còn chị Hai của Hà, một mối tình "độc mã", một gương mặt dài ngây dại, một dáng ngồi thẳng đơ giữa một đêm miền Đông, trong tiếng côn trùng rỉ rả chán đời !

The End.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 04-09-2005, 14:27  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Hoa Muộn

1. Những vườn xung quanh, mai đã bắt đầu trụi lá. Ngày nào, chú Tảo cũng cái quần soọc đen lơ lửng, áo may-ô thủng lỗ chỗ, đầu đội cái nón kết đỏ, len lỏi giữa những hành cây hỏi sang: "Bên ấy chưa nhặt lá à?". Chưa ai nhặt lá mai cả. Trong vườn, mai vẫn rậm rịt, không ai rảnh mà làm việc ấy, gần cuối năm, bà cụ lại được mời đi tỉnh chơi, những người trẻ còn lại trong nhà đùn đẩy nhau, ai cũng ngại, ai cũng cố cho rằng người ta chỉ bày vẽ, chứ cứ thử không nhặt xem, nó có nở không? Nở quá đi chứ!

Rồi một người nhớ ra, bảo "Ờ năm nay không có chú nhỏ nào đến nhặt lá giùm nhỉ?". Ở nhà, không cần quy ước, cứ ai lân la tán tỉnh Hạc đều được gọi là "chú nhỏ", có chú đến rồi đi luôn, có chú lai rai lâu lâu đảo qua một lần rồi biến mất, mỗi chú để lại một vài kỷ niệm trong nhà, trong vườn, trong cái trại gà lợp lá dừa mục nát. Ðó là những cái ghế con đóng vuông vức đầy đinh; những cành cây bị bẻ quặt, uốn cong, cố vặn theo hình con lân, con phụng; là hệ thống máng ăn cho gà, dùng không biết bao giờ mới hỏng... Mọi người vẫn đùa, hỏi: "Hạc! Mày có nhớ thằng nào làm việc nào không?". Hạc vêu mặt cười: "Nhớ chứ, tôi ghi sổ hết mà!". Mọi người cười đe: "Cẩn thận! Một trong những thằng ấy mà vớ được cuốn sổ thì mày khốn!"

...Ờ đúng rồi, mấy năm nay chẳng có ai đến nhặt lá mai cho Hạc. Tuyến lấy vợ. Nhật xuất cảnh. Chức cách đây mấy hôm thấy chạy xe vèo vèo ngoài ngã ba, chở một đứa con gái bé như cái kẹo, không ôm iếc gì cả nhưng nhìn thì biết ngay là bồ bịch. Ðó là những "chú nhỏ" năm xưa, tay lăm lăm kéo, đứng chông chênh trên cái ghế gỗ, hay khom lưng giữa những tàn mai già, nhặt lá. Lá mai xạm màu rơi đầy gốc, họ lại nghĩ ra việc quét vườn. Hạc lúc tựa gốc mít, lúc đi quanh chú nhỏ, nói chuyện "ngụ ngôn", đôi khi buồn cười, thấy hình như đã nói những câu thế này, cũng trong tiếng chổi lạt xạt quét vườn, vào năm ngoái, với người năm ngoái. Rồi về, nấn ná ở cổng, hẹn Tết nhớ đến coi mai nở, à trước Tết chứ, để còn chở đi chợ. Năm nào Hạc cũng phải giảng giải việc đi chợ Tết cho một người nào đấy, anh chị trong nhà lại cười: "Người vô duyên, không giữ ai được quá một năm!".




... 2. Rốt cuộc, cả đám người trẻ tuổi trong nhà vừa quyết định vừa cười láu cá: "Khỏi, thử một năm không nhặt lá, biết đâu hoa ra lác đác lại chẳng đẹp hơn?". Họ vùi đầu vào mua sắm, may cho nhanh mấy bộ quần áo Tết. Hai mươi tám Tết bà cụ mới về, đứng lọt thỏm giữa những bị cói, giỏ cước, trẻ con trong nhà ùa ra, miệng hét, tay xách, người lớn cũng ùa ra, cười: "Tết về rồi!". Bà cụ nhìn khoảng vườn còn rậm rịt lá mai, lắc đầu: "Chúng mày đáng sợ thật!" . Cả lũ lại cười.

Mùng Một, mùng hai Tết, không có mai, Hạc thấy Tết giống như một ngày chủ nhật, như nhà ai giàu có làm đám cưới đốt pháo thật nhiều. Một người nói: "Mày đừng có đổ thừa! Cái hoa mai quê mùa ấy việc gì làm mày mất Tết", rồi ngậm miệng ngay, nhìn Hạc như muốn nói: "Chẳng qua năm nay không thằng nào đến nữa mà thôi!". Hạc cũng chỉ cười, vào nhà nằm, lôi mấy tờ báo Xuân ra xem mà thấy buồn rũ rượi: "Năm nay mình đã bao nhiêu tuổi? Vì sao những ngày lễ Tết mình luôn phải nằm nhà?".

Một đứa cháu trèo lên giường, moi móc từ trong túi ra một đống hạt dưa và một nắm phong bao ra đếm lại. Hạc cười: " Dì thấy con đếm phải đến chục lần chứ không ít!". Cô nghĩ: "Ngày xưa mình cũng như thế này" rồi lơ mơ ngủ mất.




... 3. Mọi người kêu lên ngán ngẩm: "Hết Tết!". Rồi vặn đồng hồ báo thức, dậy sớm đi làm trở lại. Bây giờ bà cụ mới đi nhặt lá mai được, lụi cụi từ gốc này qua gốc khác, thỉnh thoảng pháo sót lẹt đẹt đâu đó trong xóm nhỏ. Hạc đi quanh mẹ: "Chi vậy?". Bà cụ móm mém cười: "Tội nghiệp, nhặt để nó nở!".

Mai nở. Một chiều kia, như đã hẹn, một cô bạn dẫn ông anh họ đến nhà Hạc, gửi anh ta lại bảo: "Ra chợ một chút" rồi phóng xe đi mất, lại bỏ nhỏ: "Ông đàng hoàng lắm đó!". Anh ta lù khù, tay khư khư giữ cái mũ vàng như củ nghệ, chậm chạp, mãi mới cởi được xăng-đan để vào nhà. Hạc cau mày: "Khi mình còn trẻ, cỡ này đừng hòng bò đến gần!". Rồi đau đớn nghĩ: "Sao mình cay đắng thế này!".

...Họ ngồi một lúc lâu, có tám trang báo giở qua giở lại, chẳng đọc được tin gì. Cũng không biết nói chuyện gì. Hạc rủ: "Ra vườn xem mai chơi!". Họ đi qua những góc vườn, nơi khoảng một chục cây mai bung ra đặc kịt những hoa vàng nở muộn. Hạc nghĩ: "Có mai rồi đấy, mà vẫn không thành Tết!". Hai người khoanh tay bước, chỉ có tiếng lá mai lạt xạt dưới chân. Họ vẫn không biết nói gì, nghiêm trang như giám khảo hội hoa Xuân... Và nắng chiều tắt dần, như một dải voan cũ vắt trên ngọn cây, nhợt nhạt...

The End.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 04-09-2005, 14:28  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Mười ngày

26 Tết.
Anh bảo: “Chiều nay về quê, mùng Năm anh lên”. Tôi làm tính nhẩm: Mười ngày. Mười ngày vừa tết, vừa đợi bằng một ngàn ngày thường, có nghĩa là tôi sẽ phải quét mạng nhện một mình, một mình đỡ những cánh cửa xuống, rồi một mình lắp vào chỗ cũ…
Tôi hỏi: “Sao lâu vậy?” Anh cười: “Có gần đâu để anh đi đi về về như chuột!” Tôi lẩm bẩm: “Biết làm gì ở thành phố bây giờ?”. Anh trả lời bằng cách lập cho tôi một thời gian biểu với những công việc nhàm chán đến nỗi thay vì làm chúng, thà tôi uống một thứ thuốc gì đó để ngủ liên tục mười ngày còn hơn.
Rồi anh dặn: “Nhớ viết thư!”. Tôi gật đầu, đây là sở thích của tôi.

27 Tết:
Tôi bước vào bưu điện thành phố để bỏ lá thư đầu tiên cho anh. Khi phong bì chui tọt vào thùng thư “các tỉnh”, tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng. Những giờ trước, khi cắm cúi trên tờ giấy cắt góc cẩn thận, những phút trước, khi bước tự tin trên những bậc tam cấp của bưu điện, tôi hoàn toàn nghĩ rằng anh đọc thư tôi.
Lúc này, nhìn quanh, tôi thấy sao mà lo lắng cho cái thư nhỏ bé của tôi. Mọi người tất bật gọi điện, bôi hồ dán tem. Hàng trăm ngàn người như tôi nhưng xem ra họ đều bình tĩnh hơn tôi, xong việc là lạnh lùng bước ra ngoài trời nắng như ran, ngước mắt nhìn nhà thờ Đức Bà bên kia đường như thói quen của tất cả mọi người, rồi đi. Còn tôi, sau vài phút thẫn thờ, tôi ngượng nghịu nhìn quanh rồi cũng chuồn thẳng.

28 Tết:
Khách khứa nhà tôi đến chủ yếu vào những ngày trước Tết. Họ hỏi: “Cháu đâu?” Mẹ tôi tự hào chỉ tay không định hướng: “Nó đi làm kiệu, hành bên nhà bạn!”.
Tôi thích mọi thứ không phải nhà mình, ăn cơm nhà khác, ngủ nhà khác, trèo lên một cây ổi nhà khác vặt quả… đều thích hơn làm tại nhà mình, thích hơn, bởi vì nó lạ, và tôi chỉ cần lạ.
Tôi ngồi cắt rễ kiệu, hai chân tê dại. Châu thọc tay vào cái chậu của tôi, bĩu môi: “Con này keo, cắt kiệu hà tiện, để đuôi xanh lè!”. Tôi nghĩ, nếu đây cũng là một cách xem tướng, tôi sẽ phát cho các bạn trai của tôi, mỗi đứa một cái dao sắc, một nắm kiệu, không ai được nhìn và cắt. Hẳn kết quả sẽ là:
A: Không cắt lá kiệu, chỉ cắt rễ.
B: Cắt rễ sạch sẽ, kiệu giống như đang nẩy mầm.
C: Thất thường hỗn độn.
Và anh, tôi nghĩ, nắm kiệu sau khi đã lọt vào tay anh đành phải vứt đi vì đã cắt phạm đến cả thân kiệu.
Châu hỏi: “Mày cười cái gì?”. Rồi không đợi tôi trả lời, nó ngoe nguẩy đi xuống bếp. Ngày Tết, không ai có thì giờ để làm điều gì đến nơi đến chốn.

29 Tết:
Tôi gửi cái thư thứ hai, hy vọng bưu điện sẽ làm việc đến 30 Tết, đủ kịp cho cái thư đầu đến anh. Anh đang quét mạng nhện chẳng hạn, né tránh một cách bản năng và vô vọng những đám bụi chắc chắn sẽ rơi lên đầu… Ông đưa thư dừng lại trước cửa, hét to: “ Thư nha!”… rồi tôi hy vọng, cứ cái đà làm ăn nhanh chóng này, mùng Năm anh sẽ đọc cái thư thứ hai, anh sẽ tưởng tượng được cái cảnh tôi chen lấn trong chợ Tết, tôi hoa mắt chóng mặt ra sao trước một núi công việc.
Ở chợ, dưa hấu nằm chồng chất lên rơm, đủ cỡ. Anh bán hàng xoen xoét xoen xoét về những quả dưa và tôi đâm nghi ngờ. Một người ăn mày bò lết dưới chân Uyển và tôi, lở lói, đầy bùn “nhân tạo”. Uyển thì thầm: “Xin tiền để lấy sức mà sống, sống để đi xin tiền, vậy sống làm gì?” Tôi nghĩ, nhiều khi, người ta kéo dài cuộc sống một cách vô ích, hình như ai cũng có, dù cụ thể hay mơ hồ, một cách hy vọng ngày mai khá hơn, người bệnh hy vọng khoa học phát hiện ra một thứ thuốc mới, người ăn mày hy vọng một ngày mai nhặt được vàng…
Trong chợ, tôi gần như tựa vào Uyển mà bước. “Đông quá, ngộp quá!”. Tôi bảo. Uyển an ủi: “Mỗi năm chỉ có một lần, chịu khó!”, rồi giở mục lục ra, lẩm bẩm: “Còn bóng heo, mộc nhĩ, măng khô…”. Tôi thấy, hình như suốt mấy ngày qua, tôi chuẩn bị Tết không để cho gia đình tôi, tôi chuẩn bị cho những người khác chưa rõ mặt, cho một phong tục rắc rối không theo không được… Ở cửa, mẹ tôi bảo: “Mẹ đã đặt bánh chưng cho con đỡ mệt”. Tôi cười, đỡ mệt thật nhưng cái Tết đã mất đi một nửa. Những cái bánh của Lang Liêu đã có người mang đến tận nhà, tôi sẽ không rửa lá, đãi đậu và cùng anh chị thức đêm ngoài vườn canh nồi bánh như xưa nữa, lúc còn cha.

30 Tết:
Tôi dồn lá vào một góc vườn và đốt, xong đứng hít thở mùi khói vườn. Trước sân, mai đã nở vàng. Con mèo đủng đỉnh ra chọn một khoảng đất sạch sẽ đầy ánh nắng, lăn lộn vài vòng rồi nằm ngửa ra bất động, đầu ngoẹo qua một bên, trông hơi giống một anh động kinh. Tôi nghĩ, nó hạnh phúc hơn tôi, nó không phải chờ đợi điều gì. Còn tôi, tôi đợi thư anh, sao đến giờ này vẫn chưa có.
Châu tạt qua vài phút dặn: “Tối xong hết việc, tao và mày đi một vòng rồi về đón giao thừa!” Đi một vòng Sài Gòn, vừa đi vừa nghĩ, một năm qua mình được gì mất gì… Tôi cũng thích cái trò này.
… Bẩy giờ tối, tôi thấy mẹ Châu còn ngồi may đồ. Nhà vắng hoe, vì sạch sẽ, gọn gàng nên trông càng vắng. “Đi chơi hết rồi, Châu cũng đi gội đầu rồi, chắc sắp về!” Cô bảo, rồi đưa tôi hộp mứt: “Ngồi đợi nó một chút!” Tôi mở nắp hộp, tự nhiên thấy ngán ngẩm, như thể mấy ngày nay mình đã phải ăn những thứ này thay cơm… Tôi quay mặt đi, che miệng ngáp, tự nhiên giật mình, giờ này, mẹ tôi cũng đang ở nhà một mình giống như mẹ Châu. Vội vã, tôi chào cô, dặn lại vài thứ rồi ra về, trong những giờ phút cuối cùng này của năm cũ, người ta “người” nhất.
Tôi về, thắp một cây hương lên bàn thờ cha, rồi vào phòng nằm, nước mắt chảy dài trên má.
… Giao thừa, tôi có cảm giác một bàn tay vô hình cuốn lại tấm thảm cũ, trải ra trước mặt tôi một tấm thảm mới tinh, việc đầu tiên tôi làm trên đó là cùng mẹ tôi uống trà, ăn bánh và nghe pháo nổ. Pháo nổ khắp nơi, cả trong TV lẫn ngoài đường. Chó mèo hoảng hốt thật tội nghiệp, tôi ôm tất cả bọn lập cập đó vào lòng, thấy tràn ngập một cảm giác yêu thương cao cả.

Mùng Một:
Tôi mở mắt vì tiếng pháo xa gần khắp nơi, mùi thuốc pháo bay vào tận trong phòng. Mùng Một, trong nắng mới, trẻ con đóng bộ đi lại nhăng nhít trên con đường trước nhà. Mẹ tôi bảo: “trẻ con cả xóm hôm nay trông cứng như hộp”. Anh chị tôi và thằng bé đến xông nhà, anh tôi nhìn sân, hỏi: “Sao không đốt pháo?”. Tôi bảo “Không dám!”. Anh treo pháo vào cành xoài, pháo nổ, các nhà bên cạnh cũng đì đẹt nổ theo, giống cái kiểu gà gáy đua bình minh. Chị tôi bịt tai, mắt rạng rỡ, tôi thấy, người Á đông nhiều thú vui buồn cười, ngay cả ăn uống cũng vậy, lúc nào cũng thích có cảm giác pha trộn mâu thuẫn.
Xác pháo hồng một khoảng sân lẫn những cành mai rụng. Mai vàng rực rỡ cùng lá mới, chị tôi đếm và hoan hỉ kêu lên: “Toàn sáu cánh!”.
Mùng Một, tôi phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Hàng xóm sang chúc Tết, như người xa lạ vì những lời chúc văn hoa. Tôi nghĩ, may mà mùng Một anh không đến, nếu đến chắc anh cũng thành người lạ.

Mùng Hai:
Mặc dù năm giờ chiều qua, chị tôi tuyên bố: “Hết Tết!”, tôi vẫn cảm thấy hôm nay mới thật là Tết. Buổi sáng, khách và họ hàng ngập nhà. Trẻ con rủ nhau ra ngoài hè, mở những phong bao ra đếm tiền, so đo, tị nạnh. Trẻ con dưới sự chỉ đạo của bố mẹ, nói thật máy móc: “Chúc dì (cô) có bồ!”. Tôi cười, thật là một lời chúc tốt đẹp cho tất cả những đứa con gái.
Chiều, tối, Châu, Uyển và tôi đã khoác tay nhau trong Tao Đàn xem hoa phong lan và hòn non bộ. Châu bảo: “Sao dáng hoa lan đều giống nhau?”. Uyển hoang mang: “Tao chịu, không biết đánh giá mấy cây cổ thụ này, thấy cũng giông giống mấy chỗ bán ngoài đường”.
Đường phố đầy xác pháo, chợ búa vắng tanh. Đêm về, ngang qua quán cũ, tôi nhớ anh thắt ruột, Uyển hỏi: “Mày nhận được cái thư nào chưa?”. “Chưa! Chắc bưu điện nghỉ!” “Hôm nay làm việc rồi mà?” Uyển bảo, “Có bồ mệt nhỉ, tao không thích có bồ là vì vậy!”. Châu liếc: “Thật không?” Ai cũng hiểu, trả lời là thừa.
Về nhà, tôi trệu trạo nhai bánh chưng, nghe pháo lẹt đẹt đâu đó, biết rằng Tết đã qua rồi. Tôi ngồi vào bàn, viết một cái thư cho anh, đúng hơn là cho mình vì biết chắc rằng nó không tới kịp.

Mùng Ba:
Cũng như mọi năm, tôi ở nhà để đợi Lương tới. Lương bảo: “Tụi mình làm gì ăn cho đỡ ngán bây giờ? Lương thèm ăn canh cải và củ đậu chiên chấm mắm ớt”. Tôi cười: “Kiếm ở đâu ra để hầu cho ông đây?”. Tụi tôi ngồi cuốn bánh tráng ngoài vườn mẹ tôi đi qua hỏi: “Mấy đứa có muốn uống rượu mít không?”.
Lương hỏi: “An còn giữ thư từ chứ?” - “Còn, khoảng 80 cái”. Có lẽ tôi cũng viết cho Lương khoảng chừng ấy thư, có thể hơn nữa. Không hiểu vì lẽ gì và bằng cách nào, tụi tôi đã hạ bậc tình cảm xuống chỉ còn là bè bạn và sự chuyển cấp thoải mái này chứng tỏ cái mà chúng tôi ngỡ là “tình yêu” xưa kia chỉ là ngộ nhận.
Rồi hai đứa đi thăm bạn bè cũ. Nhà nào cũng giống nhau ở bữa ăn thịt kho, dưa hành, khổ quá… Chủ, khách nói chuyện không tập trung nổi vì cắn hạt dưa lách tách, mọi người trêu chọc “Chúc Lương và An năm nay…”. Chúng tôi nhìn nhau cười, cố ý trêu chọc lại bằng cách làm cho mọi người hiểu lầm… Để đến tối, lúc chia tay, Lương mở đầu: “Chúc An và…” cũng vậy, tôi lặp lại: “Chúc Lương và…” một cơn mưa nhỏ bất chợt đổ xuống trái mùa, tôi tự hỏi, những lời chúc của mình có chân thành không?

Mùng Bốn:
Mãi mùng bốn, đám bạn chung của Uyển và tôi mới đến. Ồn ào như cái chợ dù chỉ có vài đứa, tụi nó trong giây lát tạo được không khí Tết vốn rất mờ nhạt trong nhà tôi. Phong ôm con chó tên Xịt đang ngoe nguẩy ngoài hiên vào lòng, leo lên xe rồi bảo: “Về nhà tôi!”.
Phong dựng cái chòi xinh xắn để học bài trong khu vườn của ba mẹ nó. Trước cửa chòi, đầy xác pháo và vỏ hạt dưa. Tụi nhỏ kéo một cái ghế cho Xịt nằm xong lấy bài ra đánh. Uyển và tôi, hai “người già” ngồi bổ dưa, dọn bánh thuẫn và pha trà, thỉnh thoảng hé mắt nhìn, không hiểu gì lắm.
Từ xa, thấy anh đưa thư đạp xe tới, tôi chạy ra chặn đường hỏi thư, anh cười: “Không!” Uyển bảo: “Tao nghĩ, nó không viết gì cho mày đâu, chắc mải đi với em nào dưới đó!” Tôi thấy người ta thường mong người khác bất hạnh để được tỏ lòng thương hại, ai cũng vậy, có điều người khôn thì giấu đi, kẻ dại thì để lộ.
Buổi chiều, cả bọn lên chùa, tụi con trai ngồi ngoài ghế đá đợi Uyển và tôi vào thắp nhang. Trên vòm điện chính, chim sẻ ríu rít bay chuyền qua các chùm đèn lồng, tôi đứng trước Phật và khấn:: “Xin cho mẹ con mạnh khỏe và con được bình an”. Rồi tự hỏi, sao lần nào thắp nhang, tôi cũng chỉ xin “bình an”.
Rồi chụp hình, ông phó nhòm nói như ra lệnh cho đám loay hoay này: “Nhìn tôi đi, nhìn tôi”. Phong lẩm bẩm: “Ông có đẹp gì mà nhìn”, rồi nó đưa hai ngón tay lên đầu tôi như hai cái sừng con, tôi cười, hơi thương hại, cái trò đùa này hàng trăm, ngàn kẻ đã làm, nó lặp lại làm gì cho nhàm chán?

Mùng Năm:
Anh lên thành phố với một dáng vẻ lạ lùng. Tôi hỏi: “Anh có nhận được thư?” Anh gật đầu, “Sao anh không viết?” “Anh cũng không biết”. Tôi bảo: “Về đi, mệt lắm rồi” Rồi tôi ngồi đằng sau, nhắm chặt mắt cho đến khi xe dừng trước cửa nhà. Anh chúc: “Năm mới…” Tôi ngăn lại: “Thôi đủ rồi!”. Vào nhà, tôi xé tờ lịch mùng năm, bỏ vào trong tủ.
Đêm đó, trời Thanh Đa đầy sao, Châu, Uyển và tôi trong một cái quán cùng những vỏ bia. Tôi bảo: “Mượn cho tao ghế bố”, bên bờ sông, tôi nằm, nhìn lục bình trôi cùng gió lạnh, bờ bên kia là dừa nước, là những rặng cây hoang dại. Trong trạng thái lơ mơ, tôi nhớ lại mười ngày chờ đợi đã qua. Châu, Uyển nắm lấy vai và lau mắt cho tôi: “Thôi, An!”. Cảm động, tôi mỉm cười, nghe trên sông, róc rách một chiếc thuyền chèo đêm.

The End.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 04-09-2005, 14:51  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Nhật ký

1. Cả lớp uể oải buông bút xuống. Thầy hỏi: "Các anh, chị có thắc mắc gì không?" Hoàn toàn trống rỗng trong đầu, tôi không thấy nẩy ra câu hỏi hào, băn khoăn nào về bài học. Thầy cười buồn bã: "Thụ động quá! Cách học này sẽ giết các anh, chị!", rồi thu vở đi ra. Tôi cũng vội vàng thu vở về nhà. ở bãi xe sinh viên, những chị giữ xe đã cau mày đứng đợi. Tôi nhìn đồng hồ, mười một giờ ba mươi, một nửa ngày sắp trôi qua, không có gì vui, không có gì mới lạ.

z. Có nhiều người đang chết như tôi. Chúng tôi hàng ngày vào quán café, thờ ơ uống những thứ nước ở đâu pha cũng giống nhau, bàn những chuyện không đi quá xa tường trường và ra về trong cảm giác mệt mệt. Buổi chiều, nhạc các quán café quanh ký túc xá giống lẫn nhau, nam sinh ăn cơm chiều xong, đầu gội còn ướt dấu lược chải, lững thững bước vào, kéo ghế và ngắm cô gái nhỏ phấn son bưng nước; vài nữ sinh viên cặp tay nhau đi qua, nhìn vào bất lực rồi quay mặt bước đi, trong vài giây, thấy oán cái gánh nặng kiến thức đang đè oằn trên sắc đẹp.

... Sáng qua, thầy Thống bảo: "Các em nên ghi nhật ký công việc hàng ngày!". Cả lớp mỉm cười, thầy bảo: "Đừng cười, mỗi ngày ít nhất đều có một cái gì đấy đáng ghi, nếu không ghi được cái gì, các em phải coi chừng!". Tôi đã phải coi chừng, bởi đêm qua, sau khi ghi ngày tháng vào trang đầu của sổ nhật ký, tôi đã không biết phải viết gì thêm. Hôm qua, ở giảng đường, tôi đến và chép bài, rồi ra chơi, rồi chép, rồi café, chiều lại café, tối về học một chút, học thuộc lòng, có gì đáng ghi nhận vào đây? Và tôi xé trang đầu, lên giường ngủ.

4. Năm giờ. Nguyện uống hớp nước cuối cùng rồi cương quyết đứng lên, nhìn tôi: "Về đi Khanh, Khanh đi học đi!".

Nguyện đưa tôi đến cửa tu viện, hẹn: "Thứ năm tuần sau!". Tôi không quan tâm đến lời hẹn ấy, tôi thì thào với Nguyện: "Lâu lắm Khanh mới đi học lại ở đây!". Nguyện quay xe: "Thôi vào đi, có cần Nguyện đón về không?" - "Không! Để Khanh về một mình!". Tôi không muốn trong một ngày phải thấy Nguyện hai lần!

... Ma soeur bảo: "Các con phải nói chuyện bằng tiếng Anh, cố gắng đừng nói tiếng Việt. Nhớ đấy! Bây giờ thì tự giới thiệu với nhau đi!", rồi soeur cười hiền lành, đầy khích lệ. Anh bạn cùng lớp tôi, to lớn, hồng hào, nói thật lưu loát, thật hùng hồn, tôi chỉ kịp nghe ít chữ, và hoang mang, tôi mỉm cười, tay mân mê cái tai, ấp úng giới thiệu: "Tôi tên Khanh, sinh viên năm thứ... tôi là học trò cũ của Ma soeur cách đây năm năm. Tôi học ngoại ngữ không đều nên nói và nghe kém!" Soeur cười, bảo Luân, tên anh bạn - "Con bắt đầu đi, nói về bất cứ đề tài gì con thích!". Và anh ta nói, lưu loát, nhưng hai bàn tay xoắn chặt nhau như giữ hết nguồn gốc của lời nói trong đó. Soeur hỏi tôi: "Con có hiểu không?" - "Chút chút!", và từ đầu đến cuối tôi chỉ biết nói vài chữ đại loại vậy, tôi hoang mang vì sự dốt nát của mình và sự giỏi giang của Luân. Soeur lại cười: "Con có hỏi gì không? Cứ tự nhiên đi!" Tôi nói: "Xin lỗi, nãy tôi nghe không kịp, anh làm nghề gì?" Luân cười, độ lượng: "Tôi là lái xe cho công ty Y..." Soeur hỏi: "Con làm có bận không?" - "Dạ, bận", rồi anh cười, khoe, dễ thương như một đứa trẻ: "Con bận nhưng vẫn cố gắng đi học, con còn một lớp tiếng Pháp nữa, ngay sau buổi học này!", anh vẫn nói bằng tiếng Anh và tôi vẫn luôn phải cười, ngượng nghịu: "Xin anh nói chậm lại!". Soeur an ủi tôi: "Rồi con sẽ quen, nghe riết rồi sẽ quen!". Luân cũng an ủi: "Đừng lo, những người mới bắt đầu bao giờ cũng thế!"

5. "Những người mới bắt đầu!"... thật là nhục nhã! Và tôi đi dọc theo con đường vắng, trong trời tối, mặt lem nhem nước mắt vì hổ thẹn. Một năm nữa tôi sẽ ra trường và vốn ngoại ngữ bao nhiêu năm được một người lái xe tóm tắt bằng mấy chữ. Và tôi đã khóc, nhớ rằng lâu lắm rồi không khóc cũng như lâu lắm rồi không học cho ra học. Rồi tôi mỉm cười như một người điên, trong chiều tối, ít ra thì cũng phải như thế chứ, thỉnh thoảng cũng phải có chuyện để mà khóc hay cười chứ, lặng lẽ mãi sao được! Một cuộc sống lặng lờ cũng như một vở kịch không cao trào, người ta muốn khép màn lúc nào cũng được, như tôi hằng đêm, nằm lơ mơ nghĩ, "Bây giờ mà chết cũng không có gì để tiếc!" Vậy thôi! Hôm nay, Nguyện đã gay gắt bảo tôi: "Một đất nước với những thanh niên như Khanh sẽ không bao giờ làm nên chuyện gì; những người không muốn điều gì và cũng không biết mình phải ham muốn điều gì!" Và lúc này, tôi hiểu phần đuôi mà Nguyện đã không dám nói thẳng vào mặt tôi: "Những người ngu dốt mà không biết mình ngu dốt". Nguyện không dám nói, và anh Luân lái xe, trong một lớp học thêm vắng người đã hồn nhiên nói hộ. Trời chiều sụp tối và tôi lau nước mắt, cúi mặt để không ai thấy mình đang cười và khẽ nói: "Cảm ơn!".

The End.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 07-09-2005, 21:12  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

NGÀY HỌC CUỐI

Tôi chào thầy: "Thưa thầy, em mới đến!" rồi liếc cả dẫy xe đạp nghiêng ngả dựa nhau . Vẫn chưa đến, cái xe sườn ngang màu đen ấy vẫn chưa đến. Tôi lại liếc vào phòng học, trong cái phòng bé tí ban ngày cũng phải bật đèn ấy, mấy đứa con gái đang lơ láo nhìn tôi.

Hôm nay là ngày cuối cùng của lớp học thêm toán. Ba ngày nữa chúng tôi sẽ thi đại học, một buổi học cuối cùng như thế này là để tổng kết lại những kỹ năng giải toán đã học trong cả năm, để thầy dặn dò lũ học trò: phải cẩn thận, phải bình tĩnh; và nhất là không được chủ quan. . . Dưới mắt ông thầy nội dung buổi học chỉ là như vậy, thế nên thầy có vẻ không để ý đến cái vẻ nháo nhác của tôi mỗi khi cánh cửa động đậy, và tôi lúc bồn chồn, lúc lơ đãng nhìn qua cửa sổ, ngoài đấy, mấy đứa nhỏ đang đánh khăng, thỉnh thoảng, một người đạp xe ngang, loạng choạng trước cái đám trẻ con không còn để ý gì ngoài hai khúc cây, cứ lao thẳng ra giữa lối . Người lớn hét lên vài tiếng, trẻ con mãi chơi vội vàng trả đũa vài tiếng... rồi thôi.

Thầy nhìn đồng hồ: "Giờ này sao Thụy, Kha chưa tớỉ" Mấy đứa con gái dự đoán một cách vô nghĩa: "Chắc đi trễ đó thầy!". Cả lớp chỉ mình tôi ngồi im, cái thái độ lộ liễu này có lẽ đã làm thầy nghi ngờ, thầy nhìn tôi, cười cười: "Không lẽ tụi nó dám nghĩ bữa nay saỏ", tôi cũng cười cười: "Dám lắm chứ thầy!". Nói xong câu đó, tôi thấy mình thật ác miệng với mình.

Thầy bảo: "Đợi chút vậy!" rồi ra trước cửa đứng hút thuốc. Mấy đức con gái, đẩy qua đẩy lại vật gì đó, có vài tiếng mặc cả: "Tui viết dở lắm!" hay "Viết chút thôi à nhe!", tôi đoán là lưu bút và biết rằng mình thế là không thoát ra được cái trò nàỵ Ddược khoảng ba phút, Phương bảo: "Giang viết truớc đi!", tôi cười: "Tôi viết chắc không vui nổi, được không?" rồi mở cuốn lưu bút xem thử người ta đã viết những gì. Trang đầu là một cái ảnh màu, có lẽ là chụp ở chùa Vĩnh Nghiêm, Phương mơ màng nhìn về một cõi xa xăm nào đấy; cạnh ảnh là một bản lý lịch trích ngang: Tên, tuổi, nhà ở đâu, thích ăn gì, yêu màu gì, ghét điều gì, mơ ước sau này ra sao... Đương nhiên là Phương cũng như ai, thích ăn quà vặt, yêu hoa hồng, yêu màu tím, ghét thói giả dối... Tôi cười, Phương hỏi dò: "Cười cái gì?". Tôi bảo: "Không có gì đâu! Giang cười vì sao Phương yêu màu tím mà không có cái áo nào màu tím?".

Vài trang sau, người ta xưng ta, mi... như những cô gái Huế chính hiệu, tôi hỏi: "Phương, Giang viết vào đây có phải xưng là ta, mi không...?", nó bảo: "nhiều chuyện! Viết đi!". Tôi viết: "Phương! Ngày hôm nay là xong, Giang nghĩ tụi mình khó gặp lại. Chúc Phương thi đậu!". Phương đọc, không vui, bảo tôi: "Ngắn quá! Viết "lý lịch" vào đây đi!". Tôi ngượng vì cái trò này, bảo: "Phương viết, Giang đọc cho!". Phương viết tên tuổi, hỏi tôi: "Số nhà?", tôi đọc số nhà; hỏi: "Sở thích", tôi đọc: "gì cũng thích!"; hỏi:"yêu màu gì?", tôi đọc: "Ghét màu hoa phượng". Phương sựng lại: "Yêu cơ mà!", tôi bảo: "Thì yêu tất, ghét mày hoa phượng thôi!". Phương lắc đầu, vẻ chán nản..., ghi được vài câu nữa thì thôi không hỏi nữa, tôi nghĩ, Phương đưa tôi lưu bút làm gì, ngày thường có khi Phương lơ tôi mà!

... Thầy bảo: "Thôi, học!", tôi nhìn đồng hồ, đã 25 phút rồi. Ngoài kia, trời tự dưng vần vũ, một trận gió đột ngột luồn qua cửa, thổi tốc những trang vở, mọi người lại kêu lên: "Chắc mưa!". Tôi thấy vô vọng và muốn khóc, hôm nay là ngày cuối, tôi đạp xe từ ngoại thành giữa trưa nắng vào đây học, chẳng lẽ Thụy không biết điều này sao ? Tôi lật vở, thật khó mà phân biệt được trang nào tôi viết trang nào Thụy viết. Thụy đã bảo: "Sao Giang không viết chữ cuả Giang? Chữ của Thụy xấu hơn mà!", tôi nhớ hôm ấy Kha phá bĩnh: "úng đấy, chữ tôi đẹp hơn chữ nó, Giang bắt chước chữ tôi đi!"... Hôm nay, tôi mở vở, ghi ngày tháng ở một góc, viết bằng chữ "nguyên gốc" của mình, khác hẳn, trong lòng giận dữ, bảo: "Không nghĩ tới nữa!"

3h15, trời mưa, mấy đứa rên rỉ: "chết rồi!". Tôi cũng nghĩ: "Thế là xong rồi!", mưa thế này, có đi trễ cũng không đến được nữạ Thầy đứng ở đầu bàn, cạnh tôi, nhìn ra cửa, bảo: "Tụi này kỳ thật, chắc tối nó mới ghé thầy!". Tôi không nói gì thêm, chỉ cười, cái cười có lẽ thảm lắm, nên thầy nhìn tôi cười, tôi có cảm giác rằng thầy đang nhớ lại hình như xưa kia mình cũng đã từng có một buổi học cuối cùng đầy chờ đợi như thế này, cũng mưa gió, cũng lo lắng của những ngày gẫn thi cử. Thầy bảo, mắt mơ màng qua kính cận: "Ngày xưa, buổi trước hôm thi, thầy không ăn, không ngủ nổi vì sợ!".

... Trời không tạnh nổi, tôi thưa thầy về, thầy nói:"Em cầm áo mưa của cô về không, kẻo bệnh!". Tôi cười: "Em không bệnh được đâu thầy!". Phố vắng vẻ, mưa tạt ướt hết cái áo mới tôi mặc cho hôm nay, đường Cống Quỳnh nước đã ngập đầy, tôi lội qua quãng nước ấy xong, tự nhiên thấy nhẹ nhõm hẳn, như tâm trạng của một con hổ sau khi quẹt ngang đám lá. Ba ngày nữa tôi sẽ vào phòng thi, ba ngày nữa, những chuyện như thế này sẽ thu lại còn tí hon rồi biến mất, và tôi tự an ủi mình: "Ngày cuối cùng như thế mà lại tối!", rồi đi.../.

The End.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 07-09-2005, 21:13  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Người có học

Một lớp ngoại khoá mở ra cho những sinh viên chăm chỉ trong dịp hè. Mỗi người có một phiếu vào lớp với số ghế cố định, có nghĩa là dù đi sớm hay muộn, anh vẫn có một chỗ ngồi đàng hoàng. Nhầm to! Ban tổ chức lớp nhầm to, ngày nào cũng có cãi vã đòi chỗ: số người nhiều hơn số ghế và đâu phải chỗ nào cũng dễ nhìn thấy bảng đen.

Tôi ngồi ghế số một, hàng hai ở một góc mà từ đây tôi phải liếc về bảng chứ không nhìn thẳng được. Một cái quạt trong góc giảng đường luôn làm đầu tóc tôi rối tung rối mù, vở lật tứ tung. Ba giờ học trôi qua như trong cơn giông. Tóm lại là cũng chẳng béo bở gì! Vậy mà cũng không thoát. Vào buổi học thứ ba, tôi đi muộn năm phút. Một anh béo tóc xoăn đang ngọ nguậy trong cái ghế của tôi. Co mình lại vì ý thức được rằng cả cái giảng đường dốc ngược kia đang ngồi nhìn xuống mà tôi thì đang đứng, tôi bảo : "Anh ơi! Chỗ này của em!". "Giấy đâu?". Tôi buồn cười, rút tờ giấy có ghi số ghế đưa anh béo, cảm thấy hành động của mình sao mà khúm núm giống như các gia đình có công đi nộp một tờ giấy chứng nhận thành tích cho cán bộ phường để xin một mảnh đất làm nhà. Anh béo đọc xong, rất thờ ơ và công chức, bảo tôi: "Đợi tí được không? Để tôi nghe nốt đoạn này đã!". Tôi cũng không nhớ đã nói gì, hình như là nằng nặc đòi lại cái ghế bão gió của mình. Không phải để ngồi nghe giảng nữa, đơn giản là tôi sợ bị quê, tôi cần phải chứng tỏ cho cả một đống người đang nhìn xuống kia rằng đây là cái ghế của tôi, rằng nãy giờ tôi đòi ghế chứ không phải xin ghế... Cuối cùng, thằng béo ấy cũng rút, để lại một câu chửi tôi không nghe rõ. Một vụ tranh chấp cũng khá nhẹ nhàng, tôi không cho có gì là ghê gớm lắm...

Buổi học thứ năm. Kem bảo tôi: "Đi sớm để khỏi phải đòi ghế!". Vào sớm nhưng trong cái ghế của tôi, một cô nàng đang chống cằm tư lự, mắt nhìn xa xôi... Lần nay, hùng dũng hơn, tôi cười: "Chị ơi, tôi ngồi chỗ này!". Một đôi mắt xếch ngược ngước lên nhìn tôi rồi cô ả nói như ra lệnh: "Chị đuổi cái anh đang ngồi ghế số chín ra đi rồi tôi trả lại chỗ!" "Sao kỳ vậy?" Tôi hoàn toàn đảo điên trước con người này. "Ghế số 9 là của tôi, ảnh chiếm, tôi đuổi không ra!". "Đó là chuyện của chị, chị đuổi không được nên sang lấy ghế của tôi sao?". Tôi lắp bắp, thấy mình có vẻ hèn hèn sao đó. Một cái cười khinh bạc như cái cười của nữ tặc và nó bảo: "Không biết, tôi không đi! Chị mời ban tổ chức lại đây!". Mọi thứ đều u mê đi trong tôi, tôi đứng đó gọi Kem: "Kem, anh Huy đâu?" Anh Huy - người hùng của những ai bị chiếm chỗ - hôm nay biến mất. Hoảng loạn (và cũng không hiểu vì sao tôi hoảng loạn lên như vậy ), tôi hỏi câu ấy bốn năm lần dù Kem đã bảo: "Không thấy". Kem cũng đang đằng đằng sát khí ở cái ghế của nó! Tôi nhìn tất cả, thấy sao ai cũng kinh khủng quá, trơ tráo quá. Tôi bảo nữ tặc mắt xếch ấy: "Chị ra đi!". "Không, tôi không đi!". Mọi người đã bắt đầu nhìn tôi và tôi ngượng, một câu nói như đứa con hoang tự động vọt ra miệng: "Chị đừng có ăn nói du côn như thế!". Và con người ấy ngồi thẳng lên. Một cái áo soie hồng kín cổ, tay phồng, một mái tóc dài kẹp lưng đoan trang, như một nhà đạo đức, bảo tôi: "Này! Vào đại học rồi, chúng ta là những người có học, đừng có dùng chữ du côn ở đây. Khi chị nói chữ đó ra, chị đã mất dạy hơn người ta rồi đấy!". Và khoảng một chục cặp mắt xung quanh nhìn tôi, nhìn một đứa ngày thường vẫn được coi là ngổ ngáo giờ đã có người trị. Tôi không nhận ra được ai quen ai lạ trong đám đó, tự nhiên thấy sợ hãi: "Hay mình mất dạy thật?". Tôi thấy mọi chuyện như trong mơ. Một ví von rất tiểu thuyết nhưng đúng là như vậy. Vì thế tôi hành động một cách u mê. Những tác phong bạo dạn ngày thường tôi bỏ đi sạch! Tôi cảm thấy hình như cái cổ áo mình quá rộng, cái đầu mình quá ngắn, cái quần mình quá to... Tóm lại là không có học tí nào! Một loạt ý nghĩ diễn ra như chớp trong đầu tôi lúc ấy, để bây giờ quay chậm lại, ấy là tôi cảm thấy cô đơn vô cùng. Tôi nhớ đến Mỹ, con bạn "vườn" của tôi. Nó đi làm ở một xưởng may mặc, vào làm được hai tháng đã suýt đánh nhau ba lần chỉ vì cáu tiết, bất bình bé tí, vậy mà về nhà nó như em tôi. Tôi ngồi nơi bàn học bài thi, nó nằm dưới đất, thò hai chân vào gầm, đọc truyện trinh thám... Trời đất, tôi mong có nó ở cạnh biết bao nhiêu. Không bị ràng buộc bởi chữ học to tướng, nó sẽ nhảy vào thộp cổ, vò nát cái áo soie hồng kia cho đúng luật và bảo con ấy một cách vô cùng đơn giản, minh bạch: "Tao không cần biết, chỗ tao, mày lấy là tao đánh!". Rồi tôi nhớ đến Luynh của tôi với cái đầu tóc lộn xộn, với một nghề nghiệp mọi người coi là hư hỏng. Tôi muốn có phép lạ nào đó khiến mình tự nhiên biến mất trước hàng trăm cặp mắt kia, bay vù một cái về bên Luynh, ở một cái quán nào đó, nghe nó nói bậy cũng được, sặc sụa vì khói thuốc nó hút... Hình như tôi hợp với thế giới đó hơn. Trong cái thế giới bị coi là mất dạy của tụi nó, chuyện gì cũng được hiểu theo nghĩa đen, sòng phẳng. Ở đó, một hành động nghĩa hiệp có thể tiến hành song song với một câu chửi thề. Cũng chẳng ai ý thức được câu chỉ đó có ý nghĩa gì, đơn giản là quen miệng vậy thôi. Và hình như tiếng chửi đó thốt ra mạnh bạo chỉ cốt để che giấu sự bối rối vụng về của một người bị coi là vô đạo đức nay lại đi làm việc thiện.

... Bất lực. Những người xung quanh không ai nói gì, tôi đi tìm một ai đó có máu mặt. Ở văn phòng Đoàn, cửa đóng. Ở thư quán, cửa cũng đóng. Tôi bò lại giảng đường, lo âu và uất ức, chẳng lẽ mình thua sao! Nhưng quả thật, ở đây, giữa một đám trí thức tương lai này, tôi không được xử sự như ở ngoài đường. Ở đây, một cái trừng mắt, một nắm tay nổi gân khẽ đưa lên cũng có thể khiến những con người tinh tế ấy cảm thấy bị tổn thương kinh khủng. Tôi đứng lại cạnh Nghiệm, một người quen khác lớp. Nghiệm chỉ: "Anh Khoa kìa!". Và tôi rối rít kêu gọi anh cán bộ lớp ấy, cũng là một việc khá vất vả! Rồi như đứa bé dẫn mẹ đến gặp đứa đã bắt nạt mình để rồi bẽ bàng khi hiểu rằng cái thằng ấy mới là con ruột của bà, còn mình chỉ là con nuôi, tôi lại lâm vào trạng thái hư thực khi anh Khoa cười cười , nó với cái áo hồng: "À, bạn của X . À ! Xin lỗi nhé , xin lỗi nhé ... ", và : "Xuyên , em chịu khó một chút qua góc kia được không?". Bây giờ tôi mới hiểu thế nào là công lý. Nó vô vọng và thật không định nghĩa nổi. Cái ghế của tôi mà tôi phải bỏ đi, phải thu xếp một chỗ khác sau bao nhiêu thời gian đứng ngượng nghịu giữa một đám người ngồi, lại còn bị chửi nữa chứ... Không nhớ tôi đã nó gì, anh Khoa loay hoay khó xử đã nó gì, cái áo hồng kia đã nó gì, chỉ nhớ kết cục, dưới sự điều động của anh Khoa, một bạn trai đã tìm một cái ghế phụ, nhường chỗ cho cái áo hồng, và tôi rơi phịch vào cái ghế của tôi. Mọi người nhìn tôi khó chịu vì các mặt sưng sỉa đau đớn không biết kiềm chế tình cảm. Dở thật! Tôi quay sang con bé đó. Nó vẫn đạo mạo như không, tay chống cằm, đầu gật gật, mắt chớp theo lời thầy giảng, rất đúng tác phong con nhà!

Ba tiết sau đó, tôi hầu như không nghe, không hiểu được gì. Dù mọi việc đã ổn, tôi vẫn cảm thấy đau đớn vì nhận ra mình là một đứa hèn, chỉ giỏi ở nhà bắt nạt mẹ và bà, đau đớn vì ngượng và ngượng vì tác phong bặm trợn hàng ngày của mình rốt cuộc chỉ là một cái vỏ rỗng.

Tối về, tôi chạy như bay đến nhà Mỹ. Nó mặc cái áo pun xanh, một cái quần soọc, ngồi chồm hỗm trên cái ghế đá nhìn tôi trêu chọc: "Sao có vẻ tức giận thế kia hả con?". Tôi kể lại, nó vừa nghe vừa chửi luôn miệng, nhiều nhất là chửi tôi. Nó dài mồm: "Đại học! Là những người có học! Sao mày không cho cái con đạo đức giả ấy một bợp, hỏi nó: Mầy biết tao là ai không?". Rồi Mỹ nhìn tôi từ đầu đến chân thảm hại, phì cười: "Mọi ngày dữ lắm mà?". "Không, quả thật tao chưa bao giờ gặp chuyện ngang ngược như vậy, tạo lạ quá nên không biết làm sao!". Mỹ lại nổi cáu: "Không biết làm sao! Tụi này phải để tao xử luật rừng. Mẹ, đồ vô học!". Tôi bảo: Mày mở miệng là chửi thề, cái miệng bẩn kinh khủng!". Mỹ nhìn tôi, cười đơn giản: "Cà phê?"

Và tôi ngồi sau xe, bình an và cũng chẳng còn giận hờn gì cả. Tôi thấy mình hình như là hai nửa con người, nửa hướng thiện và nửa hướng ác. Lúc này, nửa hướng thiện đang trên đường ra quán cà phê.

The End.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 08-09-2005, 09:37  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Rồi sẽ yêu ai

"Hoàn ơi, có thằng mết mày lắm đấy . Ở cùng tổ mày, nhà trên đường mày về. Mày đứng, nó ngồi thì cao bằng nhau". Cả bọn ngồi vắt vẻo trên lan can nhìn tôi chờ đợi .

"Tao biết rồi, thằng Tường chứ gì? Nó đáng tuổi em tao!".

Tôi biết có nói cũng thừa Giờ này trường vắng tanh. Văn phòng, căng tin đều đóng cửa . Thực tập xong, chúng tôi ở lại một chút để tán dóc. Con gái 19, 20, chuyện nào cũng quay về chuyện tình yêu . Tôi băn khoăn nhìn Lan và Xuân, không hiểu tụi nó nói đùa hay thật về cái tin lúc nãy nhỉ?

Tường nhỏ hơn tôi ba tuổi . Hôm qua là sinh nhật nó, tôi vào căng tin mua một gói me: "Mừng oắt con thêm một tuổi nhé". Tường không cười, chăm chú nhìn gói me: "Sao lại không thêm được ba tuổi nhỉ". Vì sao hôm qua tôi lại không nghĩ gì cả. Trong thâm tâm, tôi coi nó như em, con gái trong lớp cũng coi nó như em út.

Tôi đọc một quyển truyện nói về tình yêu giữa một cô bé và một người lớn tuổi . Vì chênh lệch nên họ xưng hô là "ông" và "em". Khép sách lại, tự nhiên tôi nảy ra ý nghĩ vô cùng bất ngờ là mình phải có một người lớn để yêu và phải hơn tôi nhiều tuổi để có thể áp dụng cách xưng hô của truyện. Người ta bảo con gái hay coi thường con trai bằng tuổi, và tôi, tôi đã chán cái cảnh ngồi cãi nhau om lên với mấy thằng bạn trong lớp chỉ vì chép khác nhau một chữ trong bài .

Tôi hỏi mẹ: "Nếu bồ mình lớn tuổi quá thì mình gọi là ông, xưng là em hả". Mẹ đang đếm tiền nên cáu: "Im đi, tao nhầm bây giờ. Mà mày bồ với người lớn làm gì? Để con rể là bạn của tao với ba mày à?".

Sáng nay không có nắng, trời lại có vẻ muốn mưa. Gửi xe xong tôi đi vòng vòng qua cây thị xem may ra có nhặt được quả nào không. Tổ trực đêm qua đã vơ vét hết, chỉ để lại mấy quả nát bét trên sân. Ở sân hành lang, tôi gặp Tường, nó đi ngược lại, xòe năm ngón tay ngó ngoáy như định móc mắt tôi, cái miệng non choẹt méo qua một bên. Tôi bảo: "Thằng điên!". Tường bỏ vào túi tôi một quả thị con rồi cùng đi vào giảng đường. Hai tiết đầu là Sinh Vật, tôi luôn luôn quên đem viết chì. Thầy Sinh vật chưa già nhưng dáng đi chậm chạp, các bạn của tôi gặp thầy đi chợ mua toàn những bó rau bé tí, phòng thầy ở trọ cũng bé tí. Tôi nghe kể bỗng thấy mũi mình cay cay . Lan ngồi cạnh tôi, mặt bé như con chuột con, chép miệng như một bà già: "Trí thức chân chính là khổ thế đấy!". Tôi nhìn nó, phì cười, không hiểu cô ả học phong cách người lớn ấy ở đâu .

Tôi ở lại trường buổi trưa . Tất cả lên hành lang các phòng thực tập ngủ. Con gái ở lầu hai, con trai ở lầu ba. Đôi khi có những cậu sinh viên lớ ngớ xuống nhầm lầu làm các cô nháo nhác như gà phát hiện ra trong chuồng mình có chuột. Ngủ dậy, ở vòi nước rửa mặt, tôi gặp Bảo Bảo chờ tôi, nôn nóng: "Đi uống nước, Hoàn!" - "Sắp đến giờ rồi!". "Còn mười phút nữa mà!".
Bảo bằng tuổi tôi nhưng người lớn hơn, là một nhân viên chép bài hộ khi tôi nghỉ học. Nước chanh ở trường tôi rẻ và dở hơn bất cứ nơi đâu, vị ngọt của nó làm người ta càng khát hơn. Ở cuối căng tin, Tường ngồi với mấy đứa bạn, nhìn tôi buồn bã, miệng hút thuốc phì phèo . Bảo nói với tôi ra vẻ đàn anh: "Tường nó đang tập thở ra vòng tròn!". Tôi không hiểu hút thuốc thì ngon lành gì nhỉ. Ở phòng thực tập, Tường úp mặt lên cái túi của tôi trông thảm não lắm. "Tường đau đầu hả, xin nghỉ đi!". "Không, sao Hoàn lúc nào cũng muốn tôi nghỉ học?". Tôi nhìn cái gáy trẻ con của nó, tóc có cái đuôi dế mèn, người ta bảo đây là dấu hiệu của trẻ con ăn tham. Tôi đi mượn dầu, dù biết rằng dầu chẳng có tác dụng gì trong việc này. "Thôi đi Hoàn, tôi có bệnh đâu mà cần dầu". Tôi thừa hiểu cái giọng trách móc ấy nhưng cố giả ngu ngơ "Vậy Tường buồn khổ cái gì mà thảm vậy. Ai làm khổ Tường?". "Chẳng ai cả, tôi làm khổ tôi" rồi nó bỏ sang bàn thực tập bên cạnh. Tôi thắng 1-0.

Hình như tôi đã có tình cảm gì đó dành cho Tường. Rất dịu dàng, mơ hồ... không thể hiểu nổi . Mặt Tường non choẹt, răng khểnh dùng vào việc nhe ra trêu tôi hơn làm dùng để cười duyên. Cả lớp hình như lờ mờ đoán ra, nhưng Tường chỉ bằng tuổi em tôi! Buổi chiều tôi, Xuân, Lan ngồi học bài trên hành lang dẫn vào thư quán. Một chỗ ngồi lý tưởng trên đầu là tán me, nhìn xuống hồ cá như một quả tim xây theo kiểu tượng trưng. Ba đứa ngồi xa nhau để tránh nói chuyện. Chợt tôi nghe Lan rít lên nho nhỏ: "Em mày kìa Hoàn!" rồi tôi nghe rất rõ bước chân Tường đang tới gần, gần lắm rồi đi mất, không có gì thêm. "Sao kỳ vậy Hoàn, mày và nó giận nhau hả?" - "Không, quen vậy rồi, xem kẽ một ngày là lơ, một ngày vồn vã, hai đứa điên mà!". "Tếu vậy! Tụi mày làm vậy để làm gì?". Tôi cũng chịu, không hiểu cả cái trò ú tim này dùng để làm gì. Có lẽ, cả tôi lẫn Tường đều sợ người kia đoán được tình cảm của mình cho nên có ngày, cả hai cùng vui quá mức, có ngày lại lạnh như tiền. Chị tôi bảo "Đồ con nít!". Tôi vặn lại: "Khi đi học, bà có vậy không!” Bà chị tôi đanh mặt: "Tao không điên như mày!". Có lẽ tôi điên thật!

Ban đêm, trường tôi như khác hẳn, vắng lặng. Tự nhiên xuất hiện mấy con mèo to tướng, mắt sáng quắc, chạy vụt trong sân tối . Tôi ngồi trên bệ tường, đằng sau là cây mận hương hoa ngai ngái dễ chịu; phiá dưới là voì nước khóa không kỹ, nhỏ tí tách, tí tách. Tôi muốn ngồi một mình như thế này mãi không phải nói chuyện với ai, thở cái không khí mát mẻ, lạ lùng của ngôi trường ban đêm. Đêm nay, chúng tôi trực, không chè cháo vì trường sẽ cúp nước. Mỗi tổ viên mang theo một loại bánh kẹo để liên hoan chung.
Có tiếng chân bước lại, tôi biết là Tường nên quay mặt về phía sân trường nơi ánh sáng của mấy ngọn đèm neon xanh xao hắt xuống. Quay đi như thế này sẽ làm tôi đỡ bối rối hơn. "Vô lâu chưa Hoàn?" - "Mới. Tường mới vào" - "Ừ. Mệt quá!". Sau cái câu muôn thuở đó, chúng tôi ngồi im. Ngày thường tôi vẫn hay tưởng tượng một hoàn cảnh như tối nay, ngồi cạnh Tường, tôi sẽ kể mọi thứ chuyện cho Tường nghe. Vậy mà lúc này, đầu óc tôi trống rỗng, bối rối cực độ...

Tường ngắt một cái lá mận, vò vò rồi đưa tôi: "Hoàn gửi thử coi, giống như sắp được ăn mận vậy!" Tôi cầm lấy và thấy bàn tay mình bị giữ lại một cách vụng về của trẻ con. Mọi ngày, tôi vẫn mong sẽ hiểu được tình cảm Tường giành cho tôi, yêu hay không yêu, đừng ú tim nữa . Nhưng lúc này, một tiếng nói khác trong tôi, rã rời: "Thôi, thế là hết, chẳng còn gì là bí mật nữa!". Tôi cười: "Tường còn trẻ con lắm, đừng bao giờ làm cái trò này nữa nhé!". Mắt Tường bối rối rồi cụp xuống hối hận, cả tôi cũng hối hận ngay lúc đó. Tường bỏ ra bàn trực cách không xa nơi tôi ngồi. Hai phút sau đã nghe tiếng cười của Tường và tôi bắt đầu rối trí.

Đêm trực đi qua, Tường hút thuốc và đánh cờ như mọi khi và tôi càng bối rối. Sáng ra, Tường lấy xe về trước, để tôi lại sau. Mặt Tường bình thản, còn tôi, tôi hối hận vì sao đêm qua, mình thốt ra cái câu điên rồ ấy... Có lẽ, chẳng bao giờ Tường tỏ tình lần thứ hai với tôi ?

Tôi mua những đặc san về tình yêu, không thấy hoàn cảnh nào như vậy. Mỗi sáng, tôi mong vào trường gặp lại Tường, nhìn quanh quất giảng đường, tìm cái dáng cao cao quen thuộc. Chiều nay, trời mưa và tôi buồn hơn. Tường không vào ôn bài nữa. Mặt Tường không tỏ vẻ buồn bã nhưng lạnh lùng, xã giao với tôi hơn xưa. Giờ thì đến lượt tôi khổ vì Tường, Tường không chào bằng những cái méo để tôi có thể mắng "Thằng điên" được nữa, bây giờ Tường gật đầu như người lớn chào nhau. Tôi đưa Tường cái kẹo, Tường cười: "Cảm ơn nhé!". Tôi muốn vặn cổ hai chữ "cảm ơn".

Tôi hỏi mẹ: "Mẹ này, yêu người nhỏ tuổi hơn thì buồn lắm nhỉ!" - "Không biết, sao chẳng bao giờ mày hỏi về yêu cùng tuổi thì như thế nào, lúc thì đòi chơi với ông già lúc thì đòi chơi với trẻ con!" - "Không phải con mẹ ạ! Con bạn con..."

Mẹ ngủ rồi, tờ báo rơi bên cạnh. Ngày mai, tôi sẽ mua một quyển sổ làm nhật ký. Không thể tâm sự cùng ai những trò ấm ớ này.

The End.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 08-09-2005, 09:38  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Sau những hẹn hò

Tỉnh dậy thấy trời mờ mờ sáng và tiếng radio, tiếng trẻ con léo nhéo ngoài đường, tôi mất vài giây để xác định xem lúc này là năm giờ sáng hay sáu giờ chiều.

Đầu giường, một phong bì với rất nhiều con dấu chồng chéo nằm đợi. Tôi cầm lên, nhìn qua một cái rồi nhét xuống dưới chiếu. Đây là chỗ tôi để thư, những cái thư tôi ghét, cứ đêm đêm lại có cảm giác rằng mình đang nằm bẹp trên cái đống tình cảm này.

Chị Quyên bước vào, vén màn hỏi : "Thư thằng Lâm, phải không?". Tôi cười: "Nó chứ còn ai!". "Nó nói gì nữa?". "Tôi không đọc, chắc lại anh nhớ em, mưa buồn lắm, anh muốn biết em đang làm gì... Lải nhải mãi, sao nó không bỏ vợ đi nhỉ?". Chị tôi nhướn mày: "Nó bỏ vợ, mày có lấy nó không?". "Không! Tôi ghê nó lắm!". "Ghê sao mày vẫn đi chơi?". "Vì những thằng con trai chưa vợ không rủ tôi đi!". Chị tôi cười, bỏ ra ngoài. Tôi với tay bật đèn, thò tay xuống chiếu, lấy cái thư, thấy buồn cười, đây cũng là một hành động đáng ghét, tôi làm mà không cưỡng lại được, cũng như việc đi chơi với anh ta...


*

Mỗi tháng Lâm lên thành phố một, hai lần.

Trở về nhà vào lúc chạng vạng tối, thấy chiếc xe màu nho dựng ở một góc sân, tôi thót tim lại, rã rượi nghĩ: "Nó lên rồi!". Phản ứng đầu tiên của tôi là muốn quay xe lại, đi tiếp, rồi sau đó, cũng là không cưỡng lại được, tôi vào nhà, hất hàm: "Anh lên hồi nào?". "Đến thành phố cách đây hai giờ!". Tôi ghét cái thói kể công đó, cái lối biểu lộ tình cảm đó, nó có vẻ giả tạo ở Lâm, nhất là khi anh ta nhìn, mắt buồn bã, yêu đương... Rồi sợ tôi chưa hiểu, Lâm thêm: "Anh phải đến em ngay". Tôi phẩy tay: "Biết rồi! Không ai ép anh phải thế!". Anh ta ngồi im, không gian xung quanh thoảng nước hoa và tiếng giở báo khẽ sột soạt. Rồi anh nhìn trước sau, hỏi tôi: "Em rảnh không?". Tôi ngả đầu ra sau ghế, nhướn mày: "Để làm gì?". "Cà phê?". Anh ta ngoan cố dưới cái vỏ rụt rè mà các anh có vợ thường hay có, và lần nào cũng vậy, tôi im lặng vài phút, thấy ghê ghê với cảm giác là lạ. Rồi tôi chợt oán những thằng bạn trai hàng ngày của tôi, những người đã để tôi phải đấu trí trong những tối thứ bảy, chủ nhật, và đổ tội cho lòng căm tức, tôi đứng lên, bảo: "Đợi hai phút, em thay đồ!".

*

Chúng tôi chậm rãi vòng vèo các phố. Tôi nghĩ đến vợ Lâm, giờ này ở Vũng Tàu, nghe ì oạp sóng biển mà nhớ chồng, Lâm vẫn nói, đều đều, buồn buồn. Đôi lúc tôi nhãng đi, không rõ anh ta đang bày tỏ điều gì. Hình như anh ta nhắc lại cái ngày mới biết tôi, đứng chờ vêu vao trước cổng trường, rồi những quán nước hiếm hoi mà chúng tôi đã tạt qua. Rồi buồn hơn, vẻ "bỏ mặc", oán trách hơn, anh ta nói về gia đình xa lạ của mình. Tôi ngồi sau, buồn cười, chẳng lẽ Lâm không thấy rằng nhờ anh lấy vợ mà tôi mới đi chơi nhiều với anh ta hơn sao; nhờ có vợ, anh ta mới trở thành một trò chơi lạ đối với tôi, không ràng buộc, không ai được hy vọng...

Dừng lại ở một quán cà phê, trong khu vườn, Lâm chọn một chỗ ngồi tối tăm, thanh minh : " Cho đỡ ồn!". Tôi vênh mặt: "Không, em thích sáng, thích ồn. Nếu tránh ồn, về vườn nhà em thiếu gì xó xỉnh!", và tôi đến ngồi bên cái bàn kê sát bể cá, trước mặt là cái tượng thạch cao mỉm cười thờ ơ trong ánh đèn lá cây ảm đạm. Tôi bỏ kẹp tóc xuống bàn, một cái kẹp rẻ tiền với bông hoa vải rũ rĩ. Lâm cầm lên nhìn, tư lự. Tôi cười: "Thích không? Em sẽ mua tặng vợ anh một cái!" Lâm nhìn xa xôi, vẻ uất ức. Tôi phì cười: "Chị chừng nào sanh?". "Có lẽ tháng sau!" "Anh sẽ đặt tên gì?". "Em đừng hỏi, anh không muốn nhắc đến đứa bé!". Tôi chợt thấy thương hại đứa bé, chưa ra đời đã bị nói xấu!

Trưa qua, Chân nằm vắt cẳng lên người tôi, thủ thỉ: "Tao không biết sẽ đi tới đâu, ông bồ tao không biết có bỏ vợ được không?". Tôi cười: "Chuyện đó theo tao có gì khó khăn nếu người ta muốn!". Chân lắc đầu buồn bã: "Mày tưởng, còn đứa con, ổng nó tội nghiẹp thằng con, ổng còn muốn sống chẳng qua cũng vì nó". Rồi Chân thở dài: "Tao muốn chết quách đi cho rồi! Vì sao những người hoàn hảo đều vội đi lấy vợ?". Tôi đùa, xoa đầu nó: "Mày ngu lắm, đáng lẽ mày phải nói: "Sao đàn ông phải đợi đến lúc có vợ rồi mới trở nên hoàn hảo?". Rồi tôi hỏi Chân: "Theo mày, hoàn hảo là sao?". "Khó nói lắm. Tao thấy họ không chấp nhặt và nhút nhát như bọn con trai, họ không kiêu căng và ghen tuông vớ vẩn!". Tôi cười: "Bởi vì họ đã mất hết quyền để làm những việc ấy với bất cứ ai, ngoài các bà vợ!". Rồi tôi nhớ đến Bảo, đến Trung, những người bạn vừa kiêu ngạo vừa nhút nhát của tôi, họ vụng về tìm cách che đậy tình cảm của mình như tôi phải che đậy thịt da của tôi!

Trở về lúc mười một giờ đêm, tôi đã có thể ngồi gần Lâm hơn cho bớt lạnh và kể đủ thứ chuyện vặt vãnh cho anh ta nghe. Diễn biến tâm lý mỗi lần gặp Lâm bao giờ cũng thế: đầu tiên là sự ghê ghê, khi đã ngồi lên xe là sự buông xuôi và dần dần quen đi, để đến giờ này thì lại muốn hỏi :"Chừng nào anh lên?". Tôi vẫn nghĩ, cái gì làm tôi vừa thích vừa ghét ở Lâm? Anh ta đẹp và từng trải, anh ta sung túc mà khinh bạc tiền nong, có điều, lúc nào anh cũng trầm ngâm, vẻ tư lự hiền triết với những triết lý về cuộc đời mà hàng trăm ngàn miệng người đã nói, và tôi đúc kết: "già nua!", đây là cái mà tôi không cần!

Xe đi chậm chạp giữa phố khuya, tiếng xe ù ù nho nhỏ trong đêm, hai bên đường chỉ còn ít quán nhậu vỉa hè hay trà đêm hoạt động, hoặc giả mấy anh dân phòng ngồi phanh ngực trước cửa uỷ ban tán gẫu. Lâm buồn bã: "Anh có thể chở em đi như thế này cả đêm mà không mệt. Trưa mai anh phải về rồi, anh không muốn về chút nào, cái gia đình xa lạ của anh!". Rồi anh ta hít một hơi dài, thở ra mệt mỏi, rất kịch. Tôi nhìn xuống mặt đường: "Lại sắp có trò vui rồi đây!", và ra vẻ oán trách, tôi nén cười : "Vậy sao anh không ly dị?". "Em còn trẻ con lắm, mọi chuyện đâu phải đơn giản như em nghĩ!". Tôi ước chừng anh ta đang cười thầm mà cũng có thể không phải như vậy. Trong những trò như thế này, chưa chắc ai đã là đồ chơi của ai, chỉ chắc chắn một điều là, dù gì, cuối cùng tôi cũng nắm phần thua thiệt. Tôi đặt tay lên vai Lâm: "Anh biết em ghét anh vì cái gì không? Vì trong tất cả các bạn của em, chỉ có anh là hay nói xấu vợ con. Em ghét cái trò lén lút của anh lên đây hàng tháng, em ghét anh lúc nào cũng ra vẻ buồn bã nhưng con anh vẫn nối đuôi nhau ra đời...". Rồi tôi bảo:" Anh dừng ở đây đi, em muốn vào nhà bạn em một chút." Anh ta bảo: "Khuya rồi, anh không muốn. Anh phải giao em cho mẹ em đã!". Tôi cười: "Em đã lớn lắm rồi, muốn cưa sừng cũng không được nữa rồi!". Anh nói: "Thôi, tuỳ em! Rồi anh sẽ viết cho em, em sẽ hiều. Em ngang ngạnh và không chịu nghe ai, vậy nên anh sẽ không giải thích bằng miệng với em. Em ở lại khoẻ, anh đi!". Tôi lặp lại: "Anh đi!", và cúi đầu bước.

Tôi không ghé nhà ai, tôi về thẳng nhà. Đêm, bên hồ nước, những người yêu nhau cũng đã chia tay, chỉ có trăng trước rằm, lạnh lẽo và cô độc giữa trời cao không may. Tôi đi dọc theo những hàng cây, thấy lòng như đang tan ra, loang lổ. Sẽ đi về đâu những tình cảm "không cao trào" này? Không ai tự quyết định được chuyện gì, không ai dám liều mạng hứa một điều gì, và người ta dễ dàng làm những chuyện điên rồ trong lúc đợi chờ vô vọng. Tôi bước trên đường đêm, nghe cát đá lạo xạo dưới chân và nghĩ về lớp học cũ của mình. Ngày mai, nhất định tôi sẽ quay về. "Đừng trốn nữa, tôi nghĩ, đừng trốn nữa!", đấy là thế giới của tôi, những cực hình của nó xét cho cùng cũng lại là niềm vui. Có thể chỉ vì quá yêu nó mà tôi đã khổ, và tôi hít một hơi dài trong gió đêm, như cố thu hết hương hoa bạch đàn, thiên lý hai bên ngào ngạt.

The End.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 08-09-2005, 09:40  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Si tình

Mười một giờ đêm, khách đã bắt đầu lục đục ra về, anh và em đã bắt đầu ngáp vặt, (chúng mình thân nhau quá mà, điều này đâu còn phải là cái để gọi là “xúc phạm” nhau như hồi mới quen cách đây hai năm!).

Trình tự một buổi cà phê đã diễn ra đủ: đã kể chuyện cơ quan anh, ở lớp em cho nhau nghe, đã chửi người này, khen người nọ, xong đến chuyện hai đứa, lại giận nhau, rồi khóc, rồi xin lỗi… và đến mục kể chuyện cười, những chuyện không vui lắm cũng cười (đôi lúc, trong bóng tối, em cảm thấy mình thật giả dối, những cơ cười cứ nhệch ra cầu tài…)

Mười giờ đêm, trời bắt đầu lạnh. Anh vu vơ hỏi em tên một nhà văn nữ. Em bảo em có đọc và ái mộ lắm lắm con người ấy, đôi mắt mở to ấy… mà có lần em được nhìn thấy ngoài đời thật. Anh bảo: “Đọc truyện thấy ngồ ngộ”. Anh mà cũng đọc truyện sao? (Một lần, anh bảo: “Ghét tiểu thuyết, anh chỉ đọc sách vớ vẩn, đại loại “Bạn biết gì về cá voi” hay “Tâm lý phụ nữ”… chẳng hạn, đọc trong lúc nghỉ ăn cơm, vớ được một quyển, hay tối về, đợi giờ đến nhà em…”)… Vậy nên em hào hứng kể cho anh nghe về những gì của chị X. mà em đọc được, mười giờ đêm, em mơ màng với những cốt truyện nhân ái em yêu. Anh lại bảo: “Em về tìm lại cho anh mượn nhé!”. Và em “Vâng!”, và sự khổ sở trong tình yêu của em lại có thêm một chi tiết mới.

II. Từ đấy, anh không quay lại nữa. Ngày hẹn, em mặc áo xanh thêu hai hàng lá đen mọi rợ, đợi anh đến. Mẹ em bảo: “Tao nghi lắm, nó luôn luôn sai hẹn!” Em cũng nghi lắm (kinh thật, sao em có thể chịu đựng được tình trạng phập phồng này trong suốt hai năm nhỉ?)… Rồi cũng như những lần trước, em nằm vật ra, úp mặt vào cái chăn lông vịt, thấy mình như chết lặng đi, em nghĩ: “Hết rồi!”

Lần này bình tĩnh hơn, em nằm xuống, vạch ra ngay trong đầu một kế hoạch sống mà không có anh, một đời sống gần như là tu hành, có điều, không có vị thần nào để em thờ phụng cả. Mẹ em bước vào phòng, dè dặt: “Con có đến cơ quan tìm nó không?” - “Để làm gì?”, em thấy, thật chẳng để làm gì. Mẹ em dè dặt mà giận: “Nó tệ quá!”, em phì cười: “Tệ gì, người ta không yêu, ép sao được!”. Ép sao được, càng ngày em càng thấy anh chủ tâm xử tệ để em đừng yêu nữa, có lẽ em cảm thấy anh tốt quá, phần “nghĩa” của em đè nặng lên vai anh quá, nếu nói trắng ra: “Thôi nhé, tôi không yêu nữa”, thì có vẻ hơi kinh, nên anh chọn cách nhân đạo hơn, anh làm những việc không ra gì để em tự quyết định… Và rồi cũng có hiệu quả, em cũng đau đớn nhận ra chuyện tình của mình gồm tám phần nghĩa, hai phần tình. Thật khốn nạn cái thân em, từ bé vẫn mơ mộng một mối tình với tám phần tình, hai phần nghĩa!

Em nằm, rứt mấy cọng chiếu ngo ngoe, mẹ em mắng: “Đừng rứt ra nữa, mấy bữa mà hư!”. Buồn cười thật, mẹ em lúc nào cũng tỉnh táo mà quan sát mọi việc, nhượng bộ em vài cọng chiếu này cũng không được sao? Nó an ủi em phần nào đấy chứ!

III.Em cầm cái chổi lông gà đã bị bầy chó con gặm chơi hết một nửa, một cái ghế đẩu, xuống nhà phụ đựng sách. Ở đây có năm dãy kệ cao hai thước, đứng xếp hàng, mạng nhện nhiều vô kể và mái tôn hầm hập nóng. Trên kệ, vô thiên lủng tổ tò vò, một con tò vò đang cong đít bên cái tổ như cái nậm rượu, em lấy cán chổi đụng vào nó, tò vò hoảng hốt bay đi, rồi vo một nùi mạng nhện, em nhét vào cửa nhà nó. (Một lần thấy em làm thế, có điều, em nhét bằng cơm nguội, anh bảo: “Em ác quá!”. A, anh là người luôn luôn mắng em ác!)

Em đi lần lượt từ cái kệ sát tường, từ tầng dưới lên tầng trên, hắt hơi liên tục vì bụi. Trong đầu em chỉ còn một hình ảnh duy nhất là cái bìa sách có vẽ một mảng cỏ úa làm nền cho hai chữ tựa sách bằng mực đen to cộ. Sách ra đã được năm năm, em đọc đi đọc lại cũng vài lần, một tập truyện về những khu vườn, những người yêu nhau, về một ông thầy giáo già… (Em nghĩ, nếu anh được đọc, có thể anh sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới: Thích đọc truyện).

… Em đi lẩn thẩn giữa những hàng kệ tăm tối, ẩm mốc. Trong đống báo cũ, em nhặt được một quả trứng gà ( gà nhà em có tật xấu đẻ rơi khắp nơi), trong đầu em ngay lập tức tưởng tượng ra cái cảnh tường thuật lại cho anh chi tiết này. Em lục được một chồng hồ sơ cũ, hồi ấy chữ còn tròn trịa, chữ “g” có một cái đuôi như một cái móc tay mời gọi. Sổ nào cũng ép vài tờ thư dở dang hay vài trang nhật ký. Không phải tờ nào cũng viết về anh, em sửng sốt vì thấy rằng mình cũng có lúc đau lòng vì người này, người nọ, khi đã có anh. Em yêu mình lắm, nên em không kết cho em cái tội “ngoại tình”, em gọi là “chọn lựa”… Em chợt hoảng lên, trước khi em lấy chồng một tháng, hẳn em sẽ phải giở lại từng quyển sách trong nhà, nhặt lại hết những tờ giấy ma mãnh này và ông chồng em sẽ an tâm rằng mình là mối tình đầu!

… Thất bại thảm hại, quyển sách không có gì ở đây. Em kê cái ghế ra trước cửa phòng ngồi hóng gió. Gió không có, nắng như đổ lửa, chị em hái đậu quyên mà mặt nhăn nhăn nhó nhó, hỏi: “Tìm sách cho nó à?”. Em thách thức: “ờ”, rồi em lảo đảo muốn ngã, anh có cần lấy sách đâu, anh hỏi vu vơ thôi mà, lúc ấy khuya rồi, hết chuyện rồi, anh hỏi vu vơ thế thôi, còn em, em thần thánh mỗi lời anh nói, em cầm cái chổi lông gà xông pha vào đống mạng nhện, vào đống bụi, vì anh.

IV. Rồi một người hiền đến với em. Tối thứ bẩy hàng tuần (sách vở như bao cặp tình nhân khác!), “Người hiền trên núi” ấy lặng lẽ ngồi ở cái bàn học của em, chờ đợi. Nếu may mắn trời mưa, em sẽ ở nhà, nếu trời tạnh ráo, em biến đi từ sớm cùng vài đứa bạn gái, để chín giờ tối về, đảo qua đảo lại vài câu rồi xin lỗi, vào buồng nằm thẳng cẳng, nghe ngoài kia, tiếng chào lí nhí và tiếng xe buồn bã lùi xa. Một lần, tụi bạn mách em, anh đi đâu ngoài phố, với một thằng bạn trai, anh phóng xe như bay, đẹp lắm với cái đầu vô cùng lạ mắt. Tụi bạn an ủi: “Thứ bẩy mà đi chơi với bạn trai, chắc là chưa có bồ mới!” (Trời ơi, tụi nó vô tình nhắc lại thói quen của hai ta, anh và em căm ghét ngày thứ bẩy, nó chật chội, đông đúc, ai cũng như ai. Và em chọn ngày thứ Tư làm thứ bảy để hẹn hò).

… Tối thứ bảy đó, em nằm nhà. Người hiền kia lại đến, gõ lạch xạch vào cái cổng tôn han rỉ phủ đầy tigôn rồi lí nhí mời em đi “uống nước”. (Anh ấy không dám dùng từ “cà phê”, sợ rằng sẽ xúc phạm em. Tội nghiệp!). Em ngồi sau xe, thẳng đơ, hai tay khoanh lại, ngửa mặt nhìn trời. Hai bên đường là đất mờ mờ ánh trăng, xe đi ngang vạt đất trồng vạn thọ, em hít thở hương hoa hồng ấy mà ứa nước mắt. Em bảo: “Đừng đi xa, mệt lắm rồi!”. Vào một quán nước bé tí, ghế mây thấp lè tè trên nên cát sỏi sạch sẽ, một anh chủ quán bé tí ưỡn ẹo đi ra, hỏi: “Anh chị dùng chi?”, anh bạn lại quay sang lịch sự: “Em dùng gì?”, em cáu tiết: “Cho bình trà!”, rồi em lấy tay ôm mặt, trong cái tư thế bất lịch sự ấy, em ngồi, nghe một người đang chịu đựng em, như em đã chịu đựng anh, như anh đang chịu đựng ai (biết đâu!), và cũng biết đâu, có một đứa con gái hiền lành đang chịu đựng anh bạn ngồi cạnh em bây giờ! Luẩn quẩn, em tưởng tượng ra một cuộc rượt bắt vĩ đại, em thấy mình mệt quá rồi, thấy mình ngu dại, sao không quay lại mỉm cười với cái người đang đuổi mình, rồi cả hai sẽ cùng nghỉ mệt dưới một bóng cây, như cây xoài ở cái quán này chẳng hạn.

V. Đến lúc này, em đã có người yêu mới, một người làm em thanh thản đến mức có thể ngủ quên đến tận giờ hẹn mỗi tối thứ bẩy, nghe tiếng gọi cửa, em bật dậy cười thầm: “Thế này sao gọi là yêu?”. Một người thật đến độ em không nỡ nói dối. Anh sẽ hỏi: “Còn nhớ không?”, nhớ lắm chứ, nhớ đến phát điên. Cơ quan của anh, căn nhà quét vôi hồng ấy em không dám đi qua lần nào, em đi học bằng một nẻo vòng vèo khác, ngang qua một khu chợ nhỏ, có một anh giữ xe đạp mắt lác vẹt đứng căng dây từ tờ mờ đất, qua một trường cấp một, trẻ con buổi sáng mắt nhắm mắt mở, khăn quàng xộc xệch đến lớp… Em đi cái đường vòng vèo ấy, xa xôi cốt để cho anh không phải thấy mặt, để anh không bị ám ảnh bởi cảm giác có một đứa theo đuổi, làm phiền.

Hàng ngày em làm việc như một cái đồng hồ. Sáng nghe bính boong chuông lễ, em mở mắt ra, việc đầu tiên là nghĩ đến anh như một thói quen, kế đến là bình thường an tưởng đấ

The End.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 08-09-2005, 09:57  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Cha tôi

Một ngày của cha tôi bắt đầu vào lúc bốn giờ. Cha tôi dậy sớm để nấu cơm, nấu nước, rồi sắp vào một cái khay con, một đôi đũa, một cái bát… xong hết mới gọi tôi dậy ăn.

Cha đã để sẵn nước sôi trong nhà tắm, dắt sẵn xe đạp ra ngoài sân… Làm xong hết những việc ấy, cha đi học bài.

Cha học cho đến lúc mẹ dậy. Học thơ, thơ từ cổ chí kim, của bất cứ ai, miễn đáng gọi là thơ, học kịch, học văn, học văn chương và học cả những gì dường như văn chương không bao giờ thèm đụng tới. Cho đến lúc gần bảy mươi, cha tôi vẫn là một học trò ngoan, bất chấp tuổi già mà len lỏi vào bất cứ góc nào của khu vườn văn hóa.

… Khoảng bảy rưỡi, cha, mẹ ăn sáng. Rồi cha tôi ngồi vào bàn, cái bàn mà tôi học bây giờ, ngày ấy ít ai dám đến gần khi cha đang viết. Trên bàn đầy giấy và sách, lâu lâu bình mực quên không đậy đổ một lần, khi ấy loạn cả nhà. Không ngày nào cha không ngồi viết, cả khi gãy tay, bó bột, ngày trước, ngày sau đã nguệch ngoạc viết bằng tay trái. Đôi lúc tôi thấy, nghề văn như một cái ách, người ta lúc nào cũng áy náy lo âu, sợ mình chưa đọc đủ, chưa viết đủ, chưa viết xong lại thấy bực bội như thể có điều gì oan trái trong lòng chưa nói ra hết được. Và tôi nghĩ, có lẽ cha tôi chọn cho mình một cái ách nặng. Cha luôn luôn tất bật, yêu hoa cỏ nhưng chưa bao giờ dám bỏ hàng giờ ra để ngồi uống trà thưởng hoa. Cha sợ những quán cà phê, nhìn chúng như nhìn những nấm mồ chôn thì giờ. Chỉ những đêm rằm, vườn nhà tôi đầy trăng, cha bảo: “Tắt đèn! Ra ngoài hè ngồi xem!”. Chị em tôi theo ra, ngồi khen trăng được vài phút, cha lại quay sang bàn chuyện văn chương với mẹ, rồi tranh luận, có khi cãi cọ, quên cả trăng!

Cứ vậy, đầu óc của cha tôi không lúc nào thảnh thơi, đôi lúc tôi nghĩ, cha đã già rồi, đã có một vị trí ít ai dám mơ tới trong văn học rồi, sao cha không nghỉ ngơi một chút. Cha dạy chúng tôi: “Phải học, học không phải để vui, mà để không ai giết được mình!”. Cha cũng muốn tôi học, tôi đã có gần một chục quyển vở chép tay của cha, ở bìa ghi rõ: “sách dạy cho Vàng Anh”, cha muốn hàng ngày đều có ít thì giờ để giảng cho tôi, nhưng tôi, vì đã không ý thức được những giờ học ấy quý như thế nào, tôi đã trốn bằng đủ mọi cớ, khi ấy, tôi chỉ thích làm thơ chứ không thích học thơ. Chỉ khi cha tôi vào nằm bệnh viện, tôi biết cha bệnh nặng, khó mà qua khỏi, mỗi chiều, sau khi đi học về, tôi vào thăm, cha luôn để dành cho tôi bánh kẹo hoặc một quả cam, và tôi dù mệt đến mấy cũng đề nghị cha giảng bài, không tiếp thu được bao nhiêu, nhưng tôi muốn cha được an tâm. Ở bệnh viện, cha tôi đã làm một phong bì to đựng các bài học của tôi, giờ đây chép thành giấy rời, cuối mỗi bài đều ký: “Cha: Chế Lan Viên”, và ghi: “Chợ Rẫy ngày… tháng… năm…” như đánh dấu từng chặng của một cuộc chạy đua tàn khốc.

… Thời khóa biểu của cha tôi cho một ngày thế nào cũng có giờ làm vườn. Thường vào khoảng mười giờ, khi viết lách, đọc sách đã mệt. Ra vườn, cha tôi đắp đất, làm cỏ như một nông dân, và cha tự hào về điều đó. Vườn nhà tôi rộng đủ để mọi người “thí nghiệm” trồng cây này, cây nọ, kết quả là cây cối mọc lung tung. Một cây dừa mọc trên mô đất cao, nước quanh năm không với tới, những cây mận, cây cam tranh giành nắng, xúm xít cạnh nhau. Tuy vậy, tôi yêu khu vườn, bởi vì nó là nơi thân thiết nhất của cha, mẹ tôi, bởi vì, ở đâu trong vườn cũng có dấu tích của cha, những chậu phong lan cha tôi đem từ rừng về, một cây ổi cha trồng riêng cho tôi gần giếng nước, bụi hương nhu bên bờ ao cha trồng cho cả nhà gội đầu… Người ngoài ít ai biết rằng cha tôi lại có thể làm những việc li ti như vậy, còn chúng tôi vì quá quen với những việc li ti ấy nên lại thường không biết cha tôi có thể làm được những việc lớn như thế nào. Thỉnh thoảng, tôi đi theo cha đến các hội nghị hoặc các lớp học cha giảng thơ văn. Ở đấy, người ta dành cho cha ghế hàng đầu, rồi các cô, các chú đến chào, nhắc về vài bài viết, hay quyển sách mới của cha, tôi nghe và lần nào cũng lặp lại cái ý nghĩ: “Tệ thật! Mình chẳng biết gì về cha cả!”. Khi ấy, tôi theo cha chỉ để đi chơi, cũng không để ý cha tôi giảng bài gì, phát biểu điều gì, chỉ để ý cha đã chải đầu chưa, cổ áo đã bẻ xuống chưa, có quên kính không… Trong những chuyện này, cha nhất nhất nghe tôi. Một lần khi tôi học lớp năm, theo cha xuống Cổ cò, người ta đón bằng một bữa tiệc, cha tôi uống rượu, thỉnh thoảng hỏi tôi: “Mặt cha đỏ chưa?”. Tôi bảo “Chưa!”, mấy phút sau lại nghiêm mặt bảo cha: “Đỏ rồi! Cha đừng uống nữa!” Và cha tôi ngưng liền.

Cha tôi nóng tính, điều đó ai cũng nói. Ở nhà không ai dám đùa với cha, ngoài chị Thắm. Chị là người duy nhất dám nhờ cha tôi dịch hộ bài học rồi ngang nhiên ngủ gật ngay bên cạnh. Chị Thắm cũng là người duy nhất biết nhổ tóc sâu và lấy ráy tai, và làm cũng tùy hứng, bất kể lúc đó cha tôi đang bận bịu đọc sách hay học bài. Ra trường, chị đi thực tập một năm ở An Giang, lâu lâu mới về một lần, thời gian đó, tóc cha tôi bạc hẳn. Tôi nhớ, khi chị đi được mấy ngày, một buổi tối, người yêu chị đi thăm về, tả lại cho cha tôi nghe cái cảnh lạ nước lạ cái của chị dưới quê, cha bảo: “tội nghiệp!” Rồi hai người sụt sịt khóc, khi ấy, hai mẹ con tôi thấy cha thật là ủy mị!

Rồi cha tôi bệnh nặng, những tháng cuối cùng, cha chỉ nằm trong phòng, không nói được, không biểu lộ tình cảm gì trên mặt, chỉ ngơ ngác nhìn trời qua cửa sổ. Vậy mà, theo thói quen, thấy tờ báo nào ở cạnh cha cũng cầm lên đọc, khi thấy mẹ tôi cầm quyển sách nào đi ngang cha cũng nhìn cho được cái gáy sách, dù đã không hiểu được gì nữa. Bạn của cha tôi đông lắm, họ đến thăm và ai cũng thấy rằng ông Trời sao thật tàn bạo, bắt một con người thông minh như cha phải sống như một đứa trẻ mới sinh. Tôi đi học về, vào giường ngồi chơi, nắm tay cha, gầy guộc, và khóc, có lần, cha tỉnh ra, nhìn tôi cau mày và cũng khóc theo. Sau đó ít ngày, cha mất.

Sau lễ hỏa táng, anh Định và tôi được giao nghi lễ cuối cùng là đem tro của cha thả xuống sông. Tôi ngôi sau, ôm chặt cái túi còn ấm nóng. Đây là cha tôi, ngày nào còn ôm tôi, đứa trẻ con ngủ gật trên xe; đây là thầy giáo tôi… giờ thu lại trong hũ cốt và một bao tro. Chúng tôi ra sông Sài Gòn, khi tro được thả xuống, tôi biết từ nay mình đã mồ côi cha, chỗ dựa lớn nhất đời tôi đã mất, và tôi sẽ phải học, như cha dạy: “Học không phải để vui, mà để không ai giết được mình!”. Học để thành người.

The End.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 08-09-2005, 09:59  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Chuyện Hồng

1.

Khi mới quen cô gái nào, một trong những câu chuyện đầu tiên Lâm phải kể là chuyện vườn hồng nhà anh. Vườn nhỏ thôi, chừng sáu mươi mét vuông, có hàng rào lè tè bằng gỗ sơn trắng, trông sang những mảnh vườn hàng xóm cũng vuông vức như thể khăn tay, xanh um. Trước cổng nhà có một đoạn mương chảy ngang, dưới thả bông súng tím, trên là chiếc cầu gỗ... Khi mới chuyển về, vườn đầy cỏ. Dọn dẹp đâu đó xong, cả nhà hỏi nhau: " Trồng gì?" Mẹ Lâm đòi trồng cải và mùng tơi. Bé Mị nói trồng một cây ổi, một cây mận, một cây cerise, một cây cóc... cho thỏa chí ăn quà vặt. Ba Lâm lại chỉ muốn trồng hồng và cỏ nhung, nhớ cái thời chỉ được chăm hoa trên mấy chậu sành trên gác... Lâm muốn cả nhà đều vui, anh nói ba cứ làm vườn hồng rồi cố gây một mảng cỏ nhung ở giữa, hàng rào sơn trắng để mùng tơi leo, dọc theo đoạn mương ngắn cắm hai cây ổi con cho bé Mị. Nhà Lâm trước nay vẫn thế, không ai phải tranh chấp với ai bao giờ.

2.



Một năm vườn cỏ đã xanh. Lâm cũng đã có vài bạn gái hơi thân mà lựa chọn. Bé Mị về nói với mẹ, con thấy anh Lâm đi ăn kem với chị kia, mặt đen đen mà xinh lắm. Bà mẹ gạt đi, bảo: "Bạn thôi!". Các bà mẹ đều mong đứa con trai mới lớn của mình chỉ coi bọn con gái là "bạn", họ khó mà chia xẻ con mình với ai! Bé Mị lại mách, hơi lưỡng lự rằng có vẻ như dạo này ba đẻ cho anh Lâm cắt hoa hồng đi tặng bạn. Bà mẹ thấy lo, vậy là đã có một cuộc nói chuyện giữa đàn ông với nhau rồi, có nghĩa là chuyện nghiêm chỉnh rồi, và bà hơi khó chịu.

... Lâm thấy thật là vướng víu khi cầm cành hồng mập mạp, lởm chởm gai nhọn, đi xe ngược gió đến nhà cô bạn gái. Anh đã mang đến nhiều lần, mỗi lần một bông đẹp nhất vườn vừa mới bung nhẹ cánh. Mỗi lần một màu, khi vàng, khi đỏ thẫm, lúc lại cam cam, và mấy cô em trong nhà ngó ngó xem xem, nhìn nhau như hỏi màu hoa ấy nói lên điều gì. Cái thái độ quan trọng hóa vấn đề ấy làm Lâm hơi bực mình, anh nghĩ: "Gớm, chúng mày ..." nhưng quên ngay khi cô bạn gái rất kiểu cánh ngửi hoa, khen thơm quá, rồi cắm vào cái độc bình bằng sơn mài bé con. Nghi lễ tặng hoa thế là xong, và người ta nói sang chuyện khác...

3.



Rồi cô gái ấy cũng không xong, bà mẹ Lâm dáng hiểu đời, bảo "Trẻ con cả mà! Còn hỏng nhiều lần!". Ông bố đã gây được cỏ nhung, từng cụm, từng cụm tròn như nắm cơm úp trên đất mịn. Bé Mị bảo chừng nào cỏ lan ra hết, thành cái thảm, tối tối em sẽ ra đây nằm chơi, rồi em sẽ học cách ba chăm sóc vườn hoa, em làm thủ quỹ, ai muốn lấy hồng đi đâu phải hỏi. Lâm hơi buồn, anh biết lần này mình không được tặng hoa dù bé Mi có tự tay cắt cho, cô gái mới lần này như một con mồi cả trường cùng săn, cô ta đàng điếm mà trẻ con, làm như không cần che chở mà rút cuộc anh nào cũng mong được nhảy vào che chở. Cô ta không cần những trò lãng mạn nho nhỏ như chép vở tặng hoa. Lâm đi chơi vài lần tháy ngày càng khó đi về đâu mà không dứt ra dược. Mẹ Lâm nói:" con sao gầy đen đúa, lo âu!". Một tối kia Lâm về, thấy ba soi đèn pin bắt sâu hồng, anh chống xe, xuống ngồi trên núm cỏ, ông bố xót lắm mà không nỡ kêu con ngồi ra chỗ khác, ông hỏi:"Com mệt móilăm phải không?". Lâm bảo:"Vâng!". Ông bố soi đèn qua một góc hồng khác, cười nhẹ:"Xưa, ba cũng như coc, lận đận mãi mới gặp mẹ con. Cũng có nhiều chuyện tưởng như không quên rồi cũng quên được hết!". Lâm cúi đầu, như nghẹn giọng:"Nhưng lần này chắc con cũng không quên!". Rồi anh đi vào nhà, sáng ra tỉnh giấc thấy một ngày trước mặt như gánh nặng không thể mang nổi, rồi tự thề:"Từ nay mình sẽ không yêu".

4.



Lời thề lâu dần mọi người cũng biết. Khi thấy Lâm chở Ngân đi ngang ký túc xá, mấy thằng bạn hỏi:"Đã yêu lại chưa?". Lâm cười, anh không dám nói "chưa", anh sợ đến tai Ngân, tội nghiệp. Ngân hiền, cả nhà cô đều hiền, mỗi khi Lâm tới chơi thấy mọi người cư xử với nhau đôn hậu như những gia đình trong sách tập đọc, đại loại theo kiểu: " Mẹ đi làm đồng về, Tí vội đỡ cuốc mang vào, Tèo bưng bát nước ra rồi phe phẩy quạt cho mẹ ... Sau đó cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm vừa chín tới...". Lâm chở Ngân đi chơi, thấy cứ hiền hiền, không ai cãi cọ ai, ttrêu chọc ai, lại thấy nhớ ngày xưa đi chơi vui biết bao nhiêu, sao đứa con gái hồi ấy có thật lắm trò để mình như chết đi sống lại!

Và Lâm cũng chẳng tặng hoa vườn, chẳng kể về vườn. Đôi khi nhớ lại anh thấy mình buồn cười, sao hồi ấy bỏ công nhiều đến thế. Sinh nhật Ngân, anh chở thằng bạn đi mua một bó hồng, nó hỏi:"Mày có một vườn cơ mà?" Lâm bảo: "Rắc rối, để người ta bó cho xong!". Anh đưa hoa cho Ngân thấy mình không run rẩy chút nào, lại còn nói được một câu chúc mừng đúng cú pháp, trong khi Ngân bối rối hết sức với bó hoa, cô ôm nó vào tay rồi tay kia. Bà mẹ bảo, để mẹ cắm cho, con đi chơi đi, và Lâm tự nhủ: "Từ nay, mình phải có trách nhiệm với họ!".

Lâm thử đếm, lọ hoa đã được dời chổ mấy lần. Tối sinh nhật, nó ở trên bàn, sáng hôm sau đã chẳng thấy đâu. Ngân bảo: "Em đem lân phòng". Hôm sau nữa lại thấy trên tủ sách. Lâm không hỏi, anh nghĩ để đâu cũng được, nhưng Ngân vội vàng giải thích, cái phòng bé mà nóng quá, em sợ hoa héo mất, phải đem ra đây. Rồi cô dứng lên, chỉ quạt trần xoay vù vù trên đầu: "Gió quá, để em tìm chổ khác cất đi, anh há!". Lâm chợt thấy thương Ngân vô kể, anh kéo tay áo cô: "Ngồi xuống đi em, kệ nó! Hoa là để chơi thôi, rồi cũng tàn, việc gì emphải vất vả!". Ngân ngồi xuống, cô thu mình lại, nói rụt rè: "Không biết người khác thì sao, còn em nhận hoa thì khổ sở hết mấy ngày, cứ loay hoay giữ cho nó lâu tàn...". "Tàn rồi vứt vào đâu cũng áy náy phai rkhông?"- Lâm tiếp lời. Ngân sợ sệt cười, thú nhận, và Lâm như người từng trải, thầm vui sướng đánh giá: "Cô ta mới yêu lần đầu!".

5.



Cỏ nhung đã mọc tham rdày. Tối, Lâm trở về nhà, thấy ba anh và Mị soi đèn tìm sâu bên những cây hồng cao ngất. Họ vui vẻ hỏi anh: "Đã cần hồng chưa?". Lâm cười: "Có loại nào không héo thì cho!' Ba anh nói, chậm rãi: "Cái gì mà không tàn!". Lâm bảo: "Làm sao con giải thích điều ấy với bồ hả va!". Rồi hai cha con cười hà hà, Mị kêu lên: "Mấy người này nói chuyện thật khó hiểu!". Lâm muốn đùa: "Trong nhà mình còn em thuộc loại tin hoa không tàn thôi đấy!", rồi lại thôi. Anh nghĩ nói trước làm gì, cứ để một ngày sẽ có một thằng đến giải thích "không lời" cho Mị về điều đó.

Trăng trôi, và Lâm nằm nhìn trời, thấy bình an khi nghĩ về Ngân, tưởng tượng ra cảnh cô đang loay hoay với lọ hồng chợ. Tự nhiên anh muốn khoe với cô về mảnh vườn nhà, về hàng rào mồng tơi với đoạn mương đầy sung tím, về bãi cỏ nhung, về những hoa hồng đã bao nhiêu năm rồi anh chưa tặng lại.

<div align=right>22.03.1994
P.T.V.A</div>



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 08-09-2005, 10:01  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Có vợ

ột buổi chiều như các buổi chiều từ một năm nay, Hoài - anh nhân viên tiếp thị đến đón vợ ở cửa hàng sách rồi về nhà. Trên các con đường giờ tan sở, người đông ken, tiếng xe máy âm âm, mùi khói xe cay cay vảng vất. Vy - vợ Hoài, ngồi sau, bịt mặt, đeo thêm đôi mắt kính tròn, to; trông Vy giống như sắp đi phun thuốc trừ sâu . Họ không nói gì với nhau nhiều . Ở công ty Hoài hôm nay vẫn thế . Cửa hàng của Vy buổi trưa cúp điện 15 phút rồi lại có ngay. Những ý nghĩ vụn vặt trong đầu có đầy nhưng vụn quá, chưa đủ thành hình dạng mà nói ra. Cứ mỗi lần xe Hoài lướt ngang qua một cửa hàng điện máy Vy lại liếc vào. Cái máy giặt, cái máy giặt, màu nào hợp với nhà? Xanh lá cây nhạt hay là xám?
Chợt Vy thấy, có cô gái mặc áo rộng bay phấp phới, tóc dài nhuộm hoa hoe tím có vẻ dân chơi, chạy lên ngang xe Hoài rồi gật đầu với Vy, Vy bấm hông chồng, "Ai kìa anh!" Hoài vừa quay sang thì cô gái cười giòn giã, mắt nhìn Hoài long lanh, trong khi đó cái xe Hoài chao nghiêng, làm Vy luống cuống bấu chặt vào hông anh. Mấy cái xe khác vượt qua, trừng mắt.
o0o
- Châu gọi thế này có phiền Hoài không?
- Không! Không có gì phiền hết?
Hoài nằm trên giường, điện thoại không dây hễ trở mình là rọt rẹt luống cuống dò tìm sóng. Vy nằm bên đọc báo, phải đến 5 phút rồi chưa lật sang trang kế. Vy chợt quay người, kéo cánh tay không cầm điện thoại của Hoài duỗi ra và gối đầu vào, đọc báo tiếp. Trong cái tư thế này, tự nhiên, Hoài thấy mình như anh hai vợ, và thấy yêu thương mà cũng phiền phức bực bội phần cái người đàn bà đang gối tay mình, đọc báo một cách thiếu tập trung kia.
- Vy nhìn giống Hoài lắm!
- Vậy sao?
Giọng Châu thăm dò. Hoài muốn nói và Châu vẫn thế, vẫn làm Hoài luống cuống mỗi khi gặp, đến nỗi chiều nay suýt đụng xe. Nhưng Hoài không dám nói, Hoài liếc qua trang báo của Vy, và thoắt một cái, từ cảnh sung sướng của anh gà trống, Hoài thấy mình bị bó buộc. Hoài tiếng Châu như từ một thế giới của sự tự do nào vọng tới . Ở đó Châu không bị ràng buộc, Châu hỏi thăm Hoài như hỏi thăm anh tù. Mà quản giáo đang đọc báo, Hoài chỉ dám ừ hử "vậy sao", thế à"...
- Châu gọi điện thế này có Vy phiền không?
- Không.
Hoài đáp gượng gạo, Hoài thấy cái đầu Vy nặng quá, nó đè lên bắp chuột ở tay. Hoài liều mạng gồng cánh tay làm Vy giật mình. Vy quay lại nhìn chồng dò hỏi:
- Nặng hả anh?
Hoài lắc đầu, cũng lại gượng gạo nốt.
Hoài chợt thấy thương mình quá. Hoài nhớ nhung một cái gì đấy không rõ, hình như là nhớ cái không khí lúc Hoài còn độc thân.
Ðó là mỗi buổi chiều đi ngang qua nhà chị Hai cầm về một cục cơm nắm và một bịch đồ ăn. Ðó là những khoảng 7-8 giờ tối không thiết làm gì mà lại chưa buồn ngủ. Ðó là chuông điện thoại reng và đoán thật nhanh, là Ðào hay là Mận... Mà không bao giờ đoàn là Châu.
Châu là cái giống gì nhỉ, làm người ta hồi hộp mà nếu biến mất thì cũng chẳng sao. Hoài nghỉ là lúc nào mình cũng thích Châu, nhưng không bao giờ cảm thấy gắn bó. Hoài nhớ có lần đi ngoài đường, thấy Châu ôm eo ai đó, mà tự nhiên Hoài ngạc nhiên "sao con này cũng có bồ?" Hoài không thể tưởng tượng nổi Hoài có thể khóc vì ai hay nghĩ một cách sâu sắc đến ai. Trong óc Hoài lúc nào Châu cũng khoác một cái ba lô đầy cọ và màu vẽ, lang thang đâu đó trong bản, trong mường. Châu thì vui rồi, nhưng Hoài không biết được Châu có phải là người sâu sắc không. Cứ vui hoài, vui hoài, Châu làm Hoài sợ rồi nản. Hoài tìm ra chân lý: Châu khiến Hoài thấy mình hết là đàn ông.
o0o

- Hoài chẳng khác gì cả. Buổi chiều Châu nhận ra ngay từ sau lưng.
- Còn Châu nhìn người lớn hơn.
- Châu già rồi Hoài.
Châu cười giòn giã.
- Hoài đám cưới mà không nói!
Châu trách nhẹ.
- Thử nghĩ xem, nếu đám cưới Châu mà Châu không mời Hoài?
- Hoài thấy thót tim. Nếu Châu lấy chồng! "Lấy vợ rồi vẫn chưa hết độc thân. Chỉ hết độc thân thật sự khi sau đó những người yêu của ta lần lượt đi lấy chồng." Cái câu nói đáng chán này của ai Hoài quên mất nhưng bây giờ Hoài thấy đúng. Những Ðào, những Mận, những Lê... ai lấy chồng cũng không gây ra hậu quả tai hại như Châu. Châu mà lấy chồng thì cũng giống như người ra khỏi nhà sau cùng, khép lại vĩnh viễn cánh cổng của nhà tuổi trẻ. Và cả đám không còn một nhân vật nào để bấu víu vào mà nghĩ rằng mình vẫn còn trai tráng, tự do.
-Châu đừng lấy chồng!
Hoài thốt ra mà không chủ đích,
- Chẳng ai lấy Châu đâu!
Châu lại cười vang.
Cái tiếng cười của Châu tự nhiên mờ mịt đi vì máy điện thoại tự nhiên u u như bị nhiễu. Giọng Hoài cũng xa xăm như thể viễn liên, cách một đại dương.
- Cái gì vậy Hoài?
- Tại Vy đi tắm.
- Cái máy nước nóng nhiễu điện phải không
Hoài thấy Châu khó mà lấy chồng thật, bây giờ lại nhảy vào cả lĩnh vực điện cơ điện tử thế này.
Hoài ngầm so sánh, thấy nữ tính của Vy nổi trội, giờ này trong ngọc trắng ngà như một bông ngọc lan trong phòng tắm.
Cái máy vẫn âm u.
- Vy không biết tiết kiệm nhé! Mở máy nước nóng lâu quá.
Châu vừa đùa xong thì điện thoại trong veo trở lại.
Hoài mơ màng:
- Chắc ngừng lại để xát xà bông.
- May mà Hoài không lấy Châu, Châu xát xà bông vẫn mở nước nóng.
Cái máy điện thoại vẫn trong veo veo, làm Hoài hình dung ra Vy tắt nước, gác vòi sen lên, áp tai vào cửa nhà tắm, nghe ngóng xem Hoài có còn nói chuyện điện thoại không.
Cái máy điện thoại trong lâu quá.
- Vy lại xát xà bông quá nhiều rồi!
Giọng Châu hơi giễu.
- Nếu Hoài lấy Châu, Hoài sẽ đỡ tốn xà bông hơn là lấy Vy!
Bây giờ thì Hoài thấy Châu đùa trở lại như xưa. Cái vẻ người lớn dè dặt, sợ làm phiền lúc đầu đã mất.
Nhưng Hoài thấy như thể Châu trêu Hoài.
Khi Hoài còn độc thân và sẵn sàng lấy Châu, sao không khi nào Châu nói những lời gợi ý như vậy! Hay Châu thấy Hoài có vợ rồi, Châu mới dám nhởn nhơ trêu gẹo?
Hoài thấy bực.
Cái điện thoại lúc ấy lại u u.
- Bây giờ bắt đầu xả nước rồi nhé! Hoài chỉ còn ít phút tự do nữa thôi! Nói những câu mà Hoài muốn nói đi!
Châu nói trúng tim đen làm Hoài bực quá.
- Hoài ơi, Hoài khác quá rồi. Ðến nói chuyện với Châu mà Hoài cũng len lét như thế này!
Hoài thấy Châu dồn Hoài làm Hoài mệt! Hoài thấy thương Vy, cái bông ngọc lan đang gồng mình cao thượng trong nhà tắm.
Hoài muốn cho xong mọi việc. Hoài thở hắt ra rồi nói:
- Rồi, khi nào Hoài gọi lại. Bây giờ Hoài đi sấy tóc cho Vy.
o0o

- Cô đó người yêu cũ của anh phải không?
Vy ngồi sau hỏi qua vai Hoài.
10 giờ đên, họ chở nhau đi ăn hột vịt lộn.
- Hình như em nghén. Dạo này lúc nào cũng thích hột vịt lộn. Cô đó bồ cũ anh hả?
- Không, hồi chiều anh cũng đâu nhận ra ngay.
- Cô đó lẳng phải không. Gọi điện thoại cho người có vợ mà nói quá trời lâu.
"Rồi, rồi..., mình sa vào cuộc chiến của mấy mụ đàn bà rồi." Hoài giật mình.
Vy nói làm Hoài lại thấy thương Châu. Giờ này Châu một mình, Châu làm gì? Chẳng lẽ bữa nào mình gọi lại và xin lỗi vì đã bịa ra chuyện đi sấy tóc cho vợ? Nhưng biết Châu có để ý chuyện đó không? Hay Châu lại coi những người có gia đình như những người chết rồi, còn Châu rong chơi ở một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới vui hơn của mấy tay hoạ sĩ lấm lem màu giang hồ hảo hán?
Thế là, vụt một cái, ý nghĩ về Châu tự do làm Hoài thấy Châu xa xôi trở lại, như là không có buổi chiều nay, như không hề có tỉ tê điện thoại tối nay.
Và Hoài hơi hốt hoảng nhớ là lúc nãy nghe vợ mình nói có nghén mà chưa trả lời. Hoài bóp nhẹ tay Vy, như thể đã ngẫm nghĩ hồi lâu, giọng thâm trầm:
-Em thích con trai hay con gái?

The End.



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 05-10-2005, 17:05  

V.I.P
 
Join Date: 10-09-2005
Posts: 1.651
KL$: 556
Awarded 32 time(s)
Sent 11 thank(s)
Received 12 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A14 (2005-2008)
Location: Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa :)

KỊCH CÂM

Từ đây, nó nghĩ, mọi thứ tự, luật lệ đã thay đổi: Với mẩu giấy này, nó trở nên một người có vai vế trong nhà, nó sẽ được tự do, tự do tiếp bạn bè và chiều tối, thoải mái mà đi chơi và nhất là, nó đã có cái cớ để đổ tội cho những sai lầm nếu có, sau này.

Tờ giấy thông hành ấy nhỏ bằng hai bao diêm, một cạnh xé lam nham, vội vã, một lời hẹn yêu đương của một người già quên tuổi tác và nghĩa vụ - bố nó - với một người nó không hề có một tý khái niệm nào về tuổi, đẹp, xấu, nghề nghiệp, hoàn toàn lù mù, chỉ hiểu bố nó tha thiết viết:

“Em!”…

Như một con rắn, nó trườn đến một hàng photocopy thật sang, ở đấy chắc không ai biết nó là ai, hai tờ, một tờ đút túi, một tờ nó lẳng lặng đưa cho ông bố đang ngồi đọc báo, và cười một cái cười ngang hàng, không phải của con dành cho bố. Một trật tự mới ngay lập tức được thiết lập, bố nó cầu khẩn và căm thù nhìn nó, cái đứa lầm lì nhất trong bốn đứa đây, cái đứa ít nhìn vào mắt ông nhất trong nhà, hầu như hai bố con không trao đổi gì ngoài những câu chào, tiếng mời cơm, đứng trước nó, ông thật sự thấy mình là chủ gia đình, một gia đình của trăm năm xa xưa mà trong thâm tâm ông đàn ông nào cũng ao ước… Bây giờ, nó đứng trước ông, điệu bộ rất lễ phép, cũng lẳng lặng không một lời… chỉ có cái cười nhẹ nhàng và đôi mắt… Ông bố hiểu ra, nó thỏa mãn biết bao nhiêu, nó đã căm hờn ông biết bao lâu…

Bà mẹ không biết gì, chỉ thấy các con mình ít bị la mắng hơn, những bữa cơm dọn trễ một chút cũng không sao, đứa nào chậm chân ngồi trễ một chút cũng không sao, ông chồng đăm chiêu, thờ ơ dễ tính… lẫn lộn.

Và nó, nó không sử dụng ngay cái quyền của giấy “thông hành” ấy, vẫn chưa thằng bạn trai nào được tiếp vào chiều tối, vẫn chưa một buổi đi chơi nào quá lâu… Không phải vì nó còn sợ, chỉ đơn giản là nó chưa quen được tự do, chỉ thế thôi, chẳng có tí ti đạo đức nào trong việc chậm trễ này cả. Rồi nằm dài, một trưa, nó nghĩ: Hay thật, mình bây giờ lại còn đạo đức hơn bố mình! Bây giờ, mà đi chơi nhiều thì lại hư bằng nhau. Mình càng nghiêm trang ông cụ càng hãi, như vậy đã hơn.

Và như thế, hàng ngày nó quan sát lại mọi việc trong nhà. Nó nhìn bố nó, ông hiệu phó của một trường cấp 3, lầm lũi với cái cặp đen, gầy gò mực thước trong bộ quần áo phẳng phiu, đến lớp nó cười thầm: “Đi giảng đạo đức đấy!”.

Nó quan sát mẹ nó say sưa trong cái trò rửa thịt, nhặt rau, nhìn bà mẹ hồn nhiên giữa mấy đứa con lít nhít, đứa nào cũng giống mẹ, mắt lồi. Mà nhìn mấy mẹ con quấn lấy nhau trong góc bếp: Chẳng cần có bố cũng sống được! Nhưng khi ngồi vào bàn ăn, nhìn thấy mẹ mình yêu thương và sợ sệt gắp thức ăn cho chồng, nó tủi thân một cách trẻ con: “à, cái đám mắt lồi chúng mình đây được yêu thương chẳng qua chúng mình là sản phẩm của ông bố này. Mẹ yêu bố gấp đôi tụi mình. Nếu bây giờ có một đám cháy, cho mẹ cứu một người duy nhất, chắc hẳn là mẹ sẽ cứu bố”. Rồi như thật, nó kín đáo liếc các em nó, liếc những đứa bé bị bỏ rơi trong đám cháy thử thách mà nó tưởng tượng ra… Rồi bình tâm trở lại, nó nhìn bà mẹ rất đơn giản ấy mà thương hại: “Thôi, giấu đi là vừa, mẹ hiểu quá chắc cũng chẳng làm gì được, và ngây ngô quá, chưa chắc đã khổ, chuyện lớn sẽ thành trò đùa, bố sẽ quen đi, rồi sẽ không sợ ai trong nhà này cả”. Vậy là nó tiếp tục ăn, mẹ tiếp tục gắp, bố tiếp tục lặng lẽ, các em nhai nuốt hồn nhiên, ngày này qua ngày khác, không ai biết có hai người khổ sở trong nhà.

Nó khổ sở trong nhà, cũng chẳng nghĩ đến việc thù tiếp bạn bè, hay chơi bời khuya khoắt nữa. Cảm thấy mình giống một tên “thừa nước đục thả câu”, nó cụt hứng, ngồi lặng lẽ bên một đám bạn ồn ào, nó nhìn hàng dầu gió bên đường thả quả như những cái trực thăng tí hon và nghĩ: “Khốn nạn thật, nếu không có chuyện bẩn thỉu kia thì bây giờ phải đạp bán sống bán chết về nhà rồi!”. Và một tối, một thằng bé chưa biết luật lệ của gia đình nghiêm khắc này, cao hứng ở lại đến 9 giờ, cười cười nói nói, tay chân múa may không biết sợ. Ông bố, theo thói quen cùng một chút tự ái thua cuộc đi ra rồi bất lực đi vào. Tự nhiên nó thấy cái miệng thằng bé sao mà rộng, tay chân nó sao mà như hề, và nó cáu lên một cách vô lối, nghĩ rằng từ đây mọi trò của mình có được chẳng qua cũng nhờ một trò đáng khóc.

Rồi nó tiếc, phải như không nhặt được tờ giấy quỷ quái ấy. Nhặt được, tưởng rằng từ đây sẽ có gan nhìn thẳng vào mắt bố nó khi cần thiết, hóa ra càng ngày càng ít dám nhìn, nhìn nhau, mắt bố con dại đi, và nó ngượng.

Cay đắng, nó nghĩ đến cuộc sống gia đình đen tối mà nó sẽ phải có. Nó sẽ không được hồn nhiên trời phú như mẹ nó. Chồng nó, dễ gì có được cái địa vị mực thước như bố nó, có nghĩa là cái gia đình tương lai ấy càng dễ tan nát gấp trăm lần cái tổ ấm bây giờ. Nghi ngờ, nó gác lại những kế hoạch yêu dương, sợ hãi và giễu cợt, nó nhìn những thằng bạn đi bên cạnh như nhìn những tên lừa đảo còn ẩn mình trong cái lá ủ!

Và ông bố, mỗi sáng lầm lũi trên đường đến trường, ông nghĩ ra mọi cách để giải thích tại sao lâu nay mình ít nói trước học trò, ông sợ rằng một ngày nào đó, rủi như chuyện này vỡ lở, những cái áo dài nết na kia, những bộ đồng phục ngoan ngoãn kia sẽ làm thịt ông như trả thù một đạo đức giả hiệu bao lâu nay vẫn áp bức chúng nó. Rồi lo sợ, ông miên man nghĩ đến bà vợ và những đứa bé ở nhà như một cái án treo lơ lửng trên đầu, và co rúm người lại, ông vô tình tập trước cái tư thế sẽ thay cho tác phong uy quyền xưa nay.

Nước mắt, người và xe nhoè nhoẹt, ông nghĩ đến đứa con gái lớn: “Mình mất nó thật rồi! Nó có rơi xuống bùn, mình cũng không đủ tư cách kéo nó lên, thò tay xuống kéo, biết đâu nó sẽ trừng mắt rồi tự nguyện lặn luôn xuống đáy!”. Rồi tủi thân, ông loạng choạng đạp xe giữa cây cỏ hai bên đường. “Mình chết đi, nó có khóc không?”. Lẩn thẩn, như mơ, ông tưởng tượng ra một đám tang, một bà vợ, mấy đứa bé mịt mù khóc lóc cùng nhang khói. Chỉ một đứa con gái làm lũi và cương quyết như đang canh gác một phạm nhân.



------------------------------
Ta sẽ nhắn ngàn lau phơ phất trắng
Khe khẽ giùm kẻo gió cuốn em đi
angry_bee is offline  

Old 05-10-2005, 17:08  

V.I.P
 
Join Date: 10-09-2005
Posts: 1.651
KL$: 556
Awarded 32 time(s)
Sent 11 thank(s)
Received 12 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A14 (2005-2008)
Location: Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa :)

SAU NHỮNG HẸN HÒ
Tỉnh dậy thấy trời mờ mờ sáng và tiếng radio, tiếng trẻ con léo nhéo ngoài đường, tôi mất vài giây để xác định xem lúc này là năm giờ sáng hay sáu giờ chiều.

Đầu giường, một phong bì với rất nhiều con dấu chồng chéo nằm đợi. Tôi cầm lên, nhìn qua một cái rồi nhét xuống dưới chiếu. Đây là chỗ tôi để thư, những cái thư tôi ghét, cứ đêm đêm lại có cảm giác rằng mình đang nằm bẹp trên cái đống tình cảm này.

Chị Quyên bước vào, vén màn hỏi : "Thư thằng Lâm, phải không?". Tôi cười: "Nó chứ còn ai!". "Nó nói gì nữa?". "Tôi không đọc, chắc lại anh nhớ em, mưa buồn lắm, anh muốn biết em đang làm gì... Lải nhải mãi, sao nó không bỏ vợ đi nhỉ?". Chị tôi nhướn mày: "Nó bỏ vợ, mày có lấy nó không?". "Không! Tôi ghê nó lắm!". "Ghê sao mày vẫn đi chơi?". "Vì những thằng con trai chưa vợ không rủ tôi đi!". Chị tôi cười, bỏ ra ngoài. Tôi với tay bật đèn, thò tay xuống chiếu, lấy cái thư, thấy buồn cười, đây cũng là một hành động đáng ghét, tôi làm mà không cưỡng lại được, cũng như việc đi chơi với anh ta...

*


Mỗi tháng Lâm lên thành phố một, hai lần.
Trở về nhà vào lúc chạng vạng tối, thấy chiếc xe màu nho dựng ở một góc sân, tôi thót tim lại, rã rượi nghĩ: "Nó lên rồi!". Phản ứng đầu tiên của tôi là muốn quay xe lại, đi tiếp, rồi sau đó, cũng là không cưỡng lại được, tôi vào nhà, hất hàm: "Anh lên hồi nào?". "Đến thành phố cách đây hai giờ!". Tôi ghét cái thói kể công đó, cái lối biểu lộ tình cảm đó, nó có vẻ giả tạo ở Lâm, nhất là khi anh ta nhìn, mắt buồn bã, yêu đương... Rồi sợ tôi chưa hiểu, Lâm thêm: "Anh phải đến em ngay". Tôi phẩy tay: "Biết rồi! Không ai ép anh phải thế!". Anh ta ngồi im, không gian xung quanh thoảng nước hoa và tiếng giở báo khẽ sột soạt. Rồi anh nhìn trước sau, hỏi tôi: "Em rảnh không?". Tôi ngả đầu ra sau ghế, nhướn mày: "Để làm gì?". "Cà phê?". Anh ta ngoan cố dưới cái vỏ rụt rè mà các anh có vợ thường hay có, và lần nào cũng vậy, tôi im lặng vài phút, thấy ghê ghê với cảm giác là lạ. Rồi tôi chợt oán những thằng bạn trai hàng ngày của tôi, những người đã để tôi phải đấu trí trong những tối thứ bảy, chủ nhật, và đổ tội cho lòng căm tức, tôi đứng lên, bảo: "Đợi hai phút, em thay đồ!".

*


Chúng tôi chậm rãi vòng vèo các phố. Tôi nghĩ đến vợ Lâm, giờ này ở Vũng Tàu, nghe ì oạp sóng biển mà nhớ chồng, Lâm vẫn nói, đều đều, buồn buồn. Đôi lúc tôi nhãng đi, không rõ anh ta đang bày tỏ điều gì. Hình như anh ta nhắc lại cái ngày mới biết tôi, đứng chờ vêu vao trước cổng trường, rồi những quán nước hiếm hoi mà chúng tôi đã tạt qua. Rồi buồn hơn, vẻ "bỏ mặc", oán trách hơn, anh ta nói về gia đình xa lạ của mình. Tôi ngồi sau, buồn cười, chẳng lẽ Lâm không thấy rằng nhờ anh lấy vợ mà tôi mới đi chơi nhiều với anh ta hơn sao; nhờ có vợ, anh ta mới trở thành một trò chơi lạ đối với tôi, không ràng buộc, không ai được hy vọng...
Dừng lại ở một quán cà phê, trong khu vườn, Lâm chọn một chỗ ngồi tối tăm, thanh minh : " Cho đỡ ồn!". Tôi vênh mặt: "Không, em thích sáng, thích ồn. Nếu tránh ồn, về vườn nhà em thiếu gì xó xỉnh!", và tôi đến ngồi bên cái bàn kê sát bể cá, trước mặt là cái tượng thạch cao mỉm cười thờ ơ trong ánh đèn lá cây ảm đạm. Tôi bỏ kẹp tóc xuống bàn, một cái kẹp rẻ tiền với bông hoa vải rũ rĩ. Lâm cầm lên nhìn, tư lự. Tôi cười: "Thích không? Em sẽ mua tặng vợ anh một cái!" Lâm nhìn xa xôi, vẻ uất ức. Tôi phì cười: "Chị chừng nào sanh?". "Có lẽ tháng sau!" "Anh sẽ đặt tên gì?". "Em đừng hỏi, anh không muốn nhắc đến đứa bé!". Tôi chợt thấy thương hại đứa bé, chưa ra đời đã bị nói xấu!
Trưa qua, Chân nằm vắt cẳng lên người tôi, thủ thỉ:"Tao không biết sẽ đi tới đâu, ông bồ tao không biết có bỏ vợ được không?". Tôi cười: "Chuyện đó theo tao có gì khó khăn nếu người ta muốn!". Chân lắc đầu buồn bã: "Mày tưởng, còn đứa con, ổng nó tội nghiẹp thằng con, ổng còn muốn sống chẳng qua cũng vì nó". Rồi Chân thở dài: "Tao muốn chết quách đi cho rồi! Vì sao những người hoàn hảo đều vội đi lấy vợ?". Tôi đùa, xoa đầu nó: "Mày ngu lắm, đáng lẽ mày phải nói: "Sao đàn ông phải đợi đến lúc có vợ rồi mới trở nên hoàn hảo?". Rồi tôi hỏi Chân: "Theo mày, hoàn hảo là sao?". "Khó nói lắm. Tao thấy họ không chấp nhặt và nhút nhát như bọn con trai, họ không kiêu căng và ghen tuông vớ vẩn!". Tôi cười: "Bởi vì họ đã mất hết quyền để làm những việc ấy với bất cứ ai, ngoài các bà vợ!". Rồi tôi nhớ đến Bảo, đến Trung, những người bạn vừa kiêu ngạo vừa nhút nhát của tôi, họ vụng về tìm cách che đậy tình cảm của mình như tôi phải che đậy thịt da của tôi!



Trở về lúc mười một giờ đêm, tôi đã có thể ngồi gần Lâm hơn cho bớt lạnh và kể đủ thứ chuyệnvặt vãnh cho anh ta nghe. Diễn biến tâm lý mỗi lần gặp Lâm bao giờ cũng thế: đầu tiên là sự ghê ghê, khi đã ngồi lên xe là sự buông xuôi và dần dần quen đi, để đến giờ này thì lại muốn hỏi:"Chừng nào anh lên?". Tôi vẫn nghĩ, cái gì làm tôi vừa thích vừa ghét ở Lâm? Anh ta đẹp và từng trải, anh ta sung túc mà khinh bạc tiền nong, có điều, lúc nào anh cũng trầm ngâm, vẻ tư lự hiền triết với những triết lý về cuộc đời mà hàng trăm ngàn miệng người đã nói, và tôi đúc kết: "già nua!", đây là cái mà tôi không cần!
Xe đi chậm chạp giữa phố khuya, tiếng xe ù ù nho nhỏ trong đêm, hai bên đường chỉ còn ít quán nhậu vỉa hè hay trà đêm hoạt động, hoặc giả mấy anh dân phòng ngồi phanh ngực trước cửa uỷ ban tán gẫu. Lâm buồn bã: "Anh có thể chở em đi như thế này cả đêm mà không mệt. Trưa mai anh phải về rồi, anh không muốn về chút nào, cái gia đình xa lạ của anh!". Rồi anh ta hít một hơi dài, thở ra mệt mỏi, rất kịch. Tôi nhìn xuống mặt đường: "Lại sắp có trò vui rồi đây!", và ra vẻ oán trách, tôi nén cười : "Vậy sao anh không ly dị?". "Em còn trẻ con lắm, mọi chuyện đâu phải đơn giản như em nghĩ!". Tôi ước chừng anh ta đang cười thầm mà cũng có thể không phải như vậy. Trong những trò như thế này, chưa chắc ai đã là đồ chơi của ai, chỉ chắc chắn một điều là, dù gì, cuối cùng tôi cũng nắm phần thua thiệt. Tôi đặt tay lên vai Lâm: "Anh biết em ghét anh vì cái gì không? Vì trong tất cả các bạn của em, chỉ có anh là hay nói xấu vợ con. Em ghét cái trò lén lút của anh lên đây hàng tháng, em ghét anh lúc nào cũng ra vẻ buồn bã nhưng con anh vẫn nối đuôi nhau ra đời...". Rồi tôi bảo:" Anh dừng ở đây đi, em muốn vào nhà bạn em một chút." Anh ta bảo: "Khuya rồi, anh không muốn. Anh phải giao em cho mẹ em đã!". Tôi cười: "Em đã lớn lắm rồi, muốn cưa sừng cũng không được nữa rồi!". Anh nói: "thôi, tuỳ em! Rồi anh sẽ viết cho em, em sẽ hiều. Em ngang ngạnh và không chịu nghe ai, vậy nên anh sẽ không giải thích bằng miệng với em. Em ở lại khoẻ, anh đi!". Tôi lặp lại: "Anh đi!", và cúi đầu bước.
Tôi không ghé nhà ai, tôi về thẳng nhà. Đêm, bên hồ nước, những người yêu nhau cũng đã chia tay, chỉ có trăng trước rằm, lạnh lẽo và cô độc giữa trời cao không may. Tôi đi dọc theo những hàng cây, thấy lòng như đang tan ra, loang lổ. Sẽ đi về đâu những tình cảm "không cao trào" này? không ai tự quyết định được chuyện gì, không ai dám liều mạng hứa một điều gì, và người ta dễ dàng làm những chuyện điên rồ trong lúc đợi chờ vô vọng. Tôi bước trên đường đêm, nghe cát đá lạo xạo dưới chân và nghĩ về lớp học cũ của mình. Ngày mai, nhất định tôi sẽ quay về."Đừng trốn nữa, tôi nghĩ, đừng trốn nữa!", đấy là thế giới của tôi, những cực hình của nó xét cho cùng cũng lại là niềm vui. Có thể chỉ vì quá yêu nó mà tôi đã khổ, và tôi hít một hơi dài trong gió đêm, như cố thu hết hương hoa bạch đàn, thiên lý hai bên ngào ngạt.

Hết



------------------------------
Ta sẽ nhắn ngàn lau phơ phất trắng
Khe khẽ giùm kẻo gió cuốn em đi
angry_bee is offline  

Old 05-10-2005, 17:10  

V.I.P
 
Join Date: 10-09-2005
Posts: 1.651
KL$: 556
Awarded 32 time(s)
Sent 11 thank(s)
Received 12 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A14 (2005-2008)
Location: Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa :)

SI TÌNH


Mười một giờ đêm, khách đã bắt đầu lục đục ra về, anh và em đã bắt đầu ngáp vặt, (chúng mình thân nhau quá mà, điều này đâu còn phải là cái để gọi là “xúc phạm” nhau như hồi mới quen cách đây hai năm!).

Trình tự một buổi cà phê đã diễn ra đủ: đã kể chuyện cơ quan anh, ở lớp em cho nhau nghe, đã chửi người này, khen người nọ, xong đến chuyện hai đứa, lại giận nhau, rồi khóc, rồi xin lỗi… và đến mục kể chuyện cười, những chuyện không vui lắm cũng cười (đôi lúc, trong bóng tối, em cảm thấy mình thật giả dối, những cơ cười cứ nhệch ra cầu tài…)

Mười giờ đêm, trời bắt đầu lạnh. Anh vu vơ hỏi em tên một nhà văn nữ. Em bảo em có đọc và ái mộ lắm lắm con người ấy, đôi mắt mở to ấy… mà có lần em được nhìn thấy ngoài đời thật. Anh bảo: “Đọc truyện thấy ngồ ngộ”. Anh mà cũng đọc truyện sao? (Một lần, anh bảo: “Ghét tiểu thuyết, anh chỉ đọc sách vớ vẩn, đại loại “Bạn biết gì về cá voi” hay “Tâm lý phụ nữ”… chẳng hạn, đọc trong lúc nghỉ ăn cơm, vớ được một quyển, hay tối về, đợi giờ đến nhà em…”)… Vậy nên em hào hứng kể cho anh nghe về những gì của chị X. mà em đọc được, mười giờ đêm, em mơ màng với những cốt truyện nhân ái em yêu. Anh lại bảo: “Em về tìm lại cho anh mượn nhé!”. Và em “Vâng!”, và sự khổ sở trong tình yêu của em lại có thêm một chi tiết mới.

II. Từ đấy, anh không quay lại nữa. Ngày hẹn, am mặc áo xanh thêu hai hàng lá đen mọi rợ, đợi anh đến. Mẹ em bảo: “Tao nghi lắm, nó luôn luôn sai hẹn!” Em cũng nghi lắm (kinh thật, sao em có thể chịu đựng được tình trạng phập phồng này trong suốt hai năm nhỉ?)… Rồi cũng như những lần trước, em nằm vật ra, úp mặt vào cái chăn lông vịt, thấy mình như chết lặng đi, em nghĩ: “Hết rồi!”

Lần này bình tĩnh hơn, em nằm xuống, vạch ra ngay trong đầu một kế hoạch sống mà không có anh, một đời sống gần như là tu hành, có điều, không có vị thần nào để em thờ phụng cả. Mẹ em bước vào phòng, dè dặt: “Con có đến cơ quan tìm nó không?” - “Để làm gì?”, em thấy, thật chẳng để làm gì. Mẹ em dè dặt mà giận: “Nó tệ quá!”, em phì cười: “Tệ gì, người ta không yêu, ép sao được!”. Ép sao được, càng ngày em càng thấy anh chủ tâm xử tệ để em đừng yêu nữa, có lẽ em cảm thấy anh tốt quá, phần “nghĩa” của em đè nặng lên vai anh quá, nếu nói trắng ra: “Thôi nhé, tôi không yêu nữa”, thì có vẻ hơi kinh, nên anh chọn cách nhân đạo hơn, anh làm những việc không ra gì để em tự quyết định… Và rồi cũng có hiệu quả, em cũng đau đớn nhận ra chuyện tình của mình gồm tám phần nghĩa, hai phần tình. Thật khốn nạn cái thân em, từ bé vẫn mơ mộng một mối tình với tám phần tình, hai phần nghĩa!

Em nằm, rứt mấy cọng chiếu ngo ngoe, mẹ em mắng: “Đừng rứt ra nữa, mấy bữa mà hư!”. Buồn cười thật, mẹ em lúc nào cũng tỉnh táo mà quan sát mọi việc, nhượng bộ em vài cọng chiếu này cũng không được sao? Nó an ủi em phần nào đấy chứ!

III.Em cầm cái chổi lông gà đã bị bầy chó con gặm chơi hết một nửa, một cái ghế đẩu, xuống nhà phụ đựng sách. Ở đây có năm dãy kệ cao hai thước, đứng xếp hàng, mạng nhện nhiều vô kể và mái tôn hầm hập nóng. Trên kệ, vô thiên lủng tổ tò vò, một con tò vò đang cong đít bên cái tổ như cái nậm rượu, em lấy cán chổi đụng vào nó, tò vò hoảng hốt bay đi, rồi vo một nùi mạng nhện, em nhét vào cửa nhà nó. (Một lần thấy em làm thế, có điều, em nhét bằng cơm nguội, anh bảo: “Em ác quá!”. A, anh là người luôn luôn mắng em ác!)

Em đi lần lượt từ cái kệ sát tường, từ tầng dưới lên tầng trên, hắt hơi liên tục vì bụi. Trong đầu em chỉ còn một hình ảnh duy nhất là cái bìa sách có vẽ một mảng cỏ úa làm nền cho hai chữ tựa sách bằng mực đen to cộ. Sách ra đã được năm năm, em đọc đi đọc lại cũng vài lần, một tập truyện về những khu vườn, những người yêu nhau, về một ông thầy giáo già… (Em nghĩ, nếu anh được đọc, có thể anh sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới: Thích đọc truyện).

… Em đi lẩn thẩn giữa những hàng kệ tăm tối, ẩm mốc. Trong đống báo cũ, em nhặt được một quả trứng gà ( gà nhà em có tật xấu đẻ rơi khắp nơi), trong đầu em ngay lập tức tưởng tượng ra cái cảnh tường thuật lại cho anh chi tiết này. Em lục được một chồng hồ sơ cũ, hồi ấy chữ còn tròn trịa, chữ “g” có một cái đuôi như một cái móc tay mời gọi. Sổ nào cũng ép vài tờ thư dở dang hay vài trang nhật ký. Không phải tờ nào cũng viết về anh, em sửng sốt vì thấy rằng mình cũng có lúc đau lòng vì người này, người nọ, khi đã có anh. Em yêu mình lắm, nên em không kết cho em cái tội “ngoại tình”, em gọi là “chọn lựa”… Em chợt hoảng lên, trước khi em lấy chồng một tháng, hẳn em sẽ phải giở lại từng quyển sách trong nhà, nhặt lại hết những tờ giấy ma mãnh này và ông chồng em sẽ an tâm rằng mình là mối tình đầu!

… Thất bại thảm hại, quyển sách không có gì ở đây. Em kê cái ghế ra trước cửa phòng ngồi hóng gió. Gió không có, nắng như đổ lửa, chị em hái đậu quyên mà mặt nhăn nhăn nhó nhó, hỏi: “Tìm sách cho nó à?”. Em thách thức: “ờ”, rồi em lảo đảo muốn ngã, anh có cần lấy sách đâu, anh hỏi vu vơ thôi mà, lúc ấy khuya rồi, hết chuyện rồi, anh hỏi vu vơ thế thôi, còn em, em thần thánh mỗi lời anh nói, em cầm cái chổi lông gà xông pha vào đống mạng nhện, vào đống bụi, vì anh.

IV. Rồi một người hiền đến với em. Tối thứ bẩy hàng tuần (sách vở như bao cặp tình nhân khác!), “Người hiền trên núi” ấy lặng lẽ ngồi ở cái bàn học của em, chờ đợi. Nếu may mắn trời mưa, em sẽ ở nhà, nếu trời tạnh ráo, em biến đi từ sớm cùng vài đứa bạn gái, để chín giờ tối về, đảo qua đảo lại vài câu rồi xin lỗi, vào buồng nằm thẳng cẳng, nghe ngoài kia, tiếng chào lí nhí và tiếng xe buồn bã lùi xa. Một lần, tụi bạn mách em, anh đi đâu ngoài phố, với một thằng bạn trai, anh phóng xe như bay, đẹp lắm với cái đầu vô cùng lạ mắt. Tụi bạn an ủi: “Thứ bẩy mà đi chơi với bạn trai, chắc là chưa có bồ mới!” (Trời ơi, tụi nó vô tình nhắc lại thói quen của hai ta, anh và em căm ghét ngày thứ bẩy, nó chật chội, đông đúc, ai cũng như ai. Và em trọn ngày thứ Tư làm thứ bảy để hẹn hò).

… Tối thứ bảy đó, em nằm nhà. Người hiền kia lại đến, gõ lạch xạch vào cái cổng tôn han rỉ phủ đầy tigôn rồi lí nhí mời em đi “uống nước”. (Anh ấy không dám dùng từ “cà phê”, sợ rằng sẽ xúc phạm em. Tội nghiệp!). Em ngồi sau xe, thẳng đơ, hai tay khoanh lại, ngửa mặt nhìn trời. Hai bên đường là đất mờ mờ ánh trăng, xe đi ngang vạt đất trồng vạn thọ, em hít thở hương hoa hồng ấy mà ứa nước mắt. Em bảo: “Đừng đi xa, mệt lắm rồi!”. Vào một quán nước bé tí, ghế mây thấp lè tè trên nên cát sỏi sạch sẽ, một anh chủ quán bé tí ưỡn ẹo đi ra, hỏi: “Anh chị dùng chi?”, anh bạn lại quay sang lịch sự: “Em dùng gì?”, em cáu tiết: “Cho bình trà!”, rồi em lấy tay ôm mặt, trong cái tư thế bất lịch sự ấy, em ngồi, nghe một người đang chịu đựng em, như em đã chịu đựng anh, như anh đang chịu đựng ai (biết đâu!), và cũng biết đâu, có một đứa con gái hiền lành đang chịu đựng anh bạn ngồi cạnh em bây giờ! Luẩn quẩn, em tưởng tượng ra một cuộc rượt bắt vĩ đại, em thấy mình mệt quá rồi, thấy mình ngu dại, sao không quay lại mỉm cười với cái người đang đuổi mình, rồi cả hai sẽ cùng nghỉ mệt dưới một bóng cây, như cây xoài ở cái quán này chẳng hạn.

V. Đến lúc này, em đã có người yêu mới, một người làm em thanh thản đến mức có thể ngủ quên đến tận giờ hẹn mỗi tối thứ bẩy, nghe tiếng gọi cửa, em bật dậy cười thầm: “Thế này sao gọi là yêu?”. Một người thật đến độ em không nỡ nói dối. Anh sẽ hỏi: “Còn nhớ không?”, nhớ lắm chứ, nhớ đến phát điên. Cơ quan của anh, căn nhà quét vôi hồng ấy em không dám đi qua lần nào, em đi học bằng một nẻo vòng vèo khác, ngang qua một khu chợ nhỏ, có một anh giữ xe đạp mắt lác vẹt đứng căng dây từ tờ mờ đất, qua một trường cấp một, trẻ con buổi sáng mắt nhắm mắt mở, khăn quàng xộc xệch đến lớp… Em đi cái đường vòng vèo ấy, xa xôi cốt để cho anh không phải thấy mặt, để anh không bị ám ảnh bởi cảm giác có một đứa theo đuổi, làm phiền.

Hàng ngày em làm việc như một cái đồng hồ. Sáng nghe bính boong chuông lễ, em mở mắt ra, việc đầu tiên là nghĩ đến anh như một thói quen, kế đến là bình thường an tưởng đến người hiền. Rồi em rửa mặt, đánh răng, nấu một nồi cơm, nhét chặt cùng rau thịt vào một cái lon guygô mà đến lớp. (Em tưởng tượng anh sẽ cười khi biết em bắt đầu có cái trò làm nhà lành này!). Ở lớp em lặng lẽ làm đủ số việc được giao, buổi trưa, ở một góc hành lang, em lặng lẽ mở nắp lon cơm đọng đầy nước, rồi ngủ một giấc ngắn ngủi với vài cơn mơ lẫn lộn… Sáu giờ tối, em về nhà. Ở cửa, em hỏi mẹ: “Có thư không?”, mẹ em sẽ uể oải: “Không!”. Em sẽ vào nhà, ăn cơm, nghỉ một chút rồi học bài. Để tám giờ ba mươi tối, ngày nào cũng đúng giờ ấy, em dành mười lăm phút để mở lại báo cũ xếp thành từng chồng lớn trong nhà, em tìm ở trang “Sáng tác” cái tên X. hay những gì liên quan đến X. rồi em cắt ra, tỉa góc tròn, phủi bụi, cho vào một cái phong bì to dán bằng bìa cứng, mà ở một góc, em đề chữ tắt, tên anh.



------------------------------
Ta sẽ nhắn ngàn lau phơ phất trắng
Khe khẽ giùm kẻo gió cuốn em đi
angry_bee is offline  

Old 05-10-2005, 17:11  

V.I.P
 
Join Date: 10-09-2005
Posts: 1.651
KL$: 556
Awarded 32 time(s)
Sent 11 thank(s)
Received 12 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A14 (2005-2008)
Location: Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa :)

KHI NGƯỜI TA BUỒN
Giỗ cô tôi vào khoảng tháng sáu âm lịch. Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ biết trong cái tháng âm ấy, vào gần những ngày tang tóc ấy, bà tôi nh một nguời khác, lờ dờ, uất ức, lẫn lộn...
Cô tự tử bằng thuốc ngủ. Không ai cứu duợc vì cô là sinh viên y và lại hay dọc tiểu thuyết, nên cô dùng thuốc với liều chết thật chắc chắn, ở một noi không ai có thể can thiệp duợc. Còn lại mình bà sống trong can nhà rộng, hàng ngày dốt nhang cho hai bàn thờ của ông và của cô.
Ba tôi bảo với mẹ: "Ðể con Hoàn về với bà". Mẹ tôi không vui nhung biết sao! Công việc hàng ngày của tôi là di học, di chợ, làm vài việc vặt. Bà tôi nấu an, nuôi gà, tới phong lan và gắng giữ sao cho cả một ngày dài lúc nào huong cung lập lòe trên bàn thờ.
Cô là một nguời dầy mâu thuẫn, ngông nghênh mà lại sợ du luận: an nói ác dộc, kiêu cang mà lại rất tự ti, choi rất nhiều mà học cung rất nhiều. Cô nhiều bạn nhung chỉ thích tiếp bạn ngoài quán cà phê, là một nguời không bao giờ làm duợc việc gì dến noi dến chốn, trong ngan kéo còn lại vô số những bản tự cam kết: Sẽ không... Nếu không... Trong tủ dầy những mảnh vải thêu cắt dở dang, những cuốn tiểu thuyết gập góc ở những trang gần cuối. Thích dấy rồi chán dấy, cô làm khối kẻ diên tiết...
Rồi cô cung dừng chân lại. Nguời cô yêu (hon là nguời yêu cô) cả tính tình lẫn dáng vẻ dều còn rất trẻ con. Tôi gọi Vỹ bằng thằng vì nó bằng tuổi tôi, nghia là thua cô hai tuổi. Sau lung, cô cung gọi bằng thằng - thằng Vỹ. Hẹn nó không dến, cô chửi: "Ðồ khốn nạn!". Nó dến, cô lại ngỏn nghẻn di choi, không hề dám giận. Mời một giờ dêm cô về, có bữa vui vẻ kể dủ chuyện, có bữa lặng lẽ lên giuờng ngủ thẳng. Bố tôi bảo: "Coi chừng!". Bà tôi chỉ cuời: "Nó thì nó làm nguợc lại. Thôi kệ!".
Kệ! Cô tôi vẫn di di về về cùng Vỹ dù rằng anh "công tử Bạc Liêu" này dã có một kẻ già nhân ngãi, non vợ chồng duới Long Xuyên. Hàng tháng, từ Sài Gòn, anh chàng phóng nhu bay trên cái xe dẹp nhất truờng về tỉnh, mặc kệ diểm danh thực tập, mặc kệ những buổi học giảng duờng, mặc kệ cô tôi ở lại tro tro váo váo. Dam bữa sau anh chàng lên với tiền dầy túi không rõ từ dâu, với những bộ quần áo thật môden. Cô hỏi: "Về làm gì?". "Hết tiền!". "Có gặp Ngân không? Vui không?". "Không, chán rồi! Nó cà chớn lắm!". Cô tôi tự lừa mình mà vui duợc ít ngày, dể rồi sau dó tự an ủi: "Nó còn nói thật là còn yêu!". Khi Vỹ nhịn không duợc, liền kể cho cô về một can nhà ở duới dó, trong một duờng hẻm có bán com tấm thật ngon, Ngân và Vỹ nằm dài tán dóc. "Mệt lắm, chẳng muốn tý nào!". Cái câu than thở này thật chẳng thích hợp tý nào với khuôn mặt rạng rỡ của Vỹ.
Mẹ tôi hỏi: "Sao em lại có thể chịu dựng duợc cảnh một gà hai mề thế hả Xuyên?". Cô ngồi bam thịt nhu chém vào mặt thớt, cuời nhạt: "Nó có phải là chồng em dâu, choi cho vui vậy thôi. Ði với ai cung duợc, ngủ với ai cung duợc, em không quan tâm!". Mẹ tôi lí nhí: "Ðừng có dùa, em! Rồi khó dứt ra lắm!".
Khó dứt thật, cô tôi ngày ấy thật khó trở lại với những quán cà phê khiêm tốn, với những buổi di choi "chay" ít xu. Thế giới sách vở của cô thu lại bé tí, cô làm những bài tho tình quanh quẩn chẳng ai thèm dang, cô viết những trang nhật ký u uẩn chỉ ba nhân vật: cô, Vỹ, Ngân. Cô không dám dề nghị một sự lựa chọn thẳng thừng ở Vỹ, sợ rồi Vỹ sẽ thẳng thừng chọn Ngân khi bị dồn vào chân tuờng.
Hồi ấy tôi hay sang choi với bà, phụ bà hái xoài, vú sữa, thông ống máng, hay xách nuớc khi cúp diện... là những công việc không bao giờ cô làm. Cô ngồi ở cái bàn gần cửa sổ có cây hồng xiêm thò cành lá vào, vui thì ra choi với hai bà cháu, buồn thì mở nhạc, ngồi viết nhật ký, thu từ, ai dụng dến cung quạu quọ. Bà bảo tính cô thất thuờng nhu ông. Có diều ông không mê choi, phù phiếm nhu cô. Bà bảo cô dễ tủi thân, buồn bã nhung uất quá dến nỗi không khóc duợc, mặt chỉ lì ra, u ám. Tôi dã từng chứng kiến và hoảng hồn truớc bộ mặt này khi cô dợi Vỹ trễ hẹn. Nó dữ tợn và tang tóc. Tôi kể lại, mẹ tôi bảo: "Mày chỉ khéo tuởng tuợng!".
Bạn bè xa cô dần. Những anh học trò nghèo hiền lành. Những anh van nghệ si nửa mùa dang say sa với cái nghèo tài tử chợt giật mình khi thấy cô dánh dổi tất cả dể dến với Vỹ. Họ phân tích bằng cách này hay cách khác, xa hay gần, cho cô thấy rằng Vỹ chỉ là "thằng Vỹ" mà thôi. Một thằng Vỹ ít nói vì không biết gì dể nói, một thằng nhà giầu ích kỷ, choi bời và tàn bạo. Mặc kệ, cô gọi những cái ấy là dàn ông, là amateur. Cứ nhu vậy, giảng duờng trở nên xa lạ dối với cô và Vỹ. Cúp học liên miên. Thi lại cung liên miên. Trong ngan tủ lại thêm rất nhiều những mẩu giấy kể từ mai phải học, phải... nếu không...
... Rồi những tháng hè dến. Cậu Vỹ thì biến dâu mất. Cô tôi càng lầm lì, bỏ cà phê, ca nhạc... Hàng ngày cô vẫn ngồi bên cái bàn cạnh cây hồng xiêm, học bài và viết những trang giấy nhỏ bé nhu bàn tay. Bà hỏi:"Con cha nghỉ hè à?" "Thi lại!". Ðây là chuyện com bữa, bà tôi cung chẳng nói gì, lại nhờ tôi làm giúp các việc vặt dể cho cô nấu sử sôi kinh.
Sinh nhật cô, không mua sụt sùi, không nắng chói chang nhung cung chẳng ma nào dến ngoài hai bạn gái cùng lớp khệ nệ mang dến một bó hoa với vài cục xà bông. Cô tôi cắm hoa vào cái ly cu không cần sửa sang, rồi dặt vào một góc bàn. Ngày ấy, tôi mang quà của bố mẹ tôi sang và nấu cho cô tôi nồi chè. Cô nằm trong màn không thức, không ngủ. Tôi hỏi:"Cô di uống cà phê với cháu không?". Cô bật dậy ngay: "Ði, ở nhà mệt quá!". Tôi dẫn cô ra quán cà phê Phi Vân là noi tôi hay uống. Cô ngo ngáo nhìn duờng mới, nhìn xe qua lại, không nói nang gì. Rồi cô hỏi: "Hoàn, cháu có bồ cha?" "Bạn thôi cô!". Tôi hạnh phúc và nguợng ngùng khi cô hỏi dến "nguời" của tôi. Cô hỏi: "Làm gì? Có tốt không?" "Học cùng với cháu. Hiền lắm, nông dân lắm, tốt lắm!". Cô cau mày: "Nông dân lắm là sao?" "Là thật lắm, cháu dùa sao cung tin là thật!". Cô cuời một cái cuời xanh xao, dôi mắt u ám chợt trở nên buồn và trong veo kỳ lạ. Tôi "lịch sự" hỏi lại: "Tối chú Vỹ mới dến hả cô?" Cô sa sầm: "Không, chẳng ai dến cả. Cô bây giờ ít bạn lắm rồi!". ít bạn lắm rồi, có thế, vào cái ngày này tôi mới duợc ngồi với cô ở dây chứ!
Bà tôi nhớ lại, truớc khi chết vài ngày, cô tôi vui vẻ lại, di uống cà phê, mua quà bánh, chở bà di choi lung tung: "Con thi xong hết rồi!". Rồi nhu các tiểu thuyết vẫn có mà chẳng ai ngờ, cô xin di Long Hải hai ngày. Ðể ít ngày sau, bà tôi nhận xác cô từ một khách sạn ở Vung Tàu. Không một cái thu tạ lỗi nhu nguời ta hay làm, không trách móc ai, bên cạnh cung không có ảnh của ai, chữ của ai. Chỉ có cô và vỉ thuốc trống rỗng.
Bà tôi mặc cho cô cái áo mầu rêu cô hay mặc, cái quần thùng thình cô hay diện di choi, chải cho cô cái dầu bụi dời. Cô út dã cho bà một dòn nặng. Cô di không dể lại lý do làm cho mọi nguời dâm áy náy, mọi nguời dều kiểm tra xem dã có chuyện gì dể cô tôi - cái nguời hay hờn dỗi ấy - tủi thân không?
Ðám tang cô không có "chú Vỹ". Nghe dâu "chú" di Quy Nhon chua về. ở ngoài ấy, tôi chỉ mong sao sóng cuốn phang nó di!
... Hai nam rồi, chẳng còn ai nhớ về cô rõ ràng nữa, ngoài bà. Nếu biết diều này hẳn cô dã chẳng tự tử làm gì cho mất công! Bố tôi kết luận: "Con diên! Ðiên nhu nó không chết truớc cung chết sau!". Mẹ tôi bảo: "Chắc có gì với thằng Vỹ rồi!". Có hay không chẳng ai biết duợc. Nhật ký cô dể lại không ghi cái gì cụ thể, chỉ thấy u ám. Ma hay nắng cung u ám, di choi cung u ám, di học cung u ám. Cái gì cung có vẻ nhu không lối thoát. Ðến nỗi dọc xong, tôi có cảm giác: "Chết di là vừa!". Với cái dầu tò mò và ấm ớ, tôi thử làm một bản tổng kết và quy ra rằng cô tôi dã dổi tất cả dể rồi Vỹ ta cao chạy xa bay; rằng cô dã không chịu nổi cảm giác ở lại thêm một nam học dể bị bạn cuời thuong hại. Mẹ tôi lại bảo: "Vớ vẩn, có dáng gì dâu". Có dáng gì dâu?
Ðáng lắm chứ. Tôi bám vào cánh cửa, ngoài vuờn ma nhu giông. Nếu mẹ tôi hiểu, ở cái tuổi này nguời ta diên dến mức nào và cần có bạn bè dể an ủi biết bao nhiêu, nguời ta lại thích trả thù nữa chứ! Khi chết, hẳn cô dã tuởng tuợng ra mọi nguời khóc lóc, Vỹ hoảng sợ, hối hận, ôm lấy quan tài nhu muốn xuống mồ theo... Than ôi, ngày dám tang cô, Vỹ ta tắm biển. Vui lắm và nắng lắm!

Phan Thị Vàng Anh



------------------------------
Ta sẽ nhắn ngàn lau phơ phất trắng
Khe khẽ giùm kẻo gió cuốn em đi
angry_bee is offline  

Old 05-10-2005, 17:12  

V.I.P
 
Join Date: 10-09-2005
Posts: 1.651
KL$: 556
Awarded 32 time(s)
Sent 11 thank(s)
Received 12 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A14 (2005-2008)
Location: Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa :)

YÊU

Đề ngoại khoá vỏn vẹn một chữ: "Yêu", giới hạn trong một ngàn chữ. Đã có những câu hỏi, đại loại: "Thưa thầy, viết cái gì, nghị luận yêu hay quan điểm riêng trong yêu?", hoặc "Kể chuyện yêu của mình thôi có được không thầy?" Thầy cười: "Sao cũng được, miễn là xoay quanh yêu, nhớ là một ngàn chữ!"

Tôi không được khoẻ, tôi cúm từ đêm qua. Đêm qua, chúng tôi đi trong mưa, ướt lẹp nhẹp, tôi ngả đầu lên vai Nhã, nhìn các cửa hiệu tắt đèn dần mà nghĩ: "Chuyện này sẽ kéo dài đến khi nào?". Tôi hỏi Nhã câu này, Nhã đã nhăn mũi trêu: "Mơi!" Tôi lại hỏi: "Em có biết em đang làm gì không?" Nhã cũng hỏi lại: "Chị có biết chị đang làm gì không?" Tôi cười: "Biết, chị lo một ngày em tỉnh ra!". Một con mèo từ bên đường tự nhiên chạy vụt qua, cái xe chúng tôi loạng choạng, và câu chuyện dang dở ở đó.

Chúng tôi đã làm gì nhỉ? Đã nuôi phải đến ba con heo đất, ngày mua gọi là sinh nhật, ngày đập gọi là ngày giỗ, hai ngày vui ngang nhau. Cả nhà tôi nhìn con heo, bĩu môi: "Dị hợm!", tôi không nói gì; Lại hỏi: "Chúng mày vẫn xưng chị, em?" Tôi bảo: "Tôi tên chị, nó tên em, vậy thôi!" Tiền heo, tôi giao cho Nhã giữ, hai đứa chi tiêu như một gia đình nhỏ, ăn một quả ổi cũng bàn nhau; tôi hơi buồn cười, tất cả những trò vui này, chỉ cần đi kèm một tờ đăng ký kết hôn là khó chịu hẳn!

...Cái đề này thật khó viết, khó vì tôi không hiểu cái mà mình đang nói có phải là tình yêu không, hay chỉ là một trò lạ cho cả hai người, một thằng bé mới lần đầu "vào đời", và cho tôi đã qua âm u, giờ loá mắt bởi sự trong sáng?

Sáng qua, chúng tôi bắc thang lên mái tôn hái vú sữa. Vú sữa vú bò, tím đen, bé tí teo và đầy hột. Nắng lên và mái tôn ấm dần, Nhã nắm bàn chân tôi: "Nóng mất rồi!". Mẹ tôi ngồi dưới sân rửa bát, hỏi to: "Trên ấy nhiều quả chín không?" Nhã cười: "Dạ, rất nhiều quả ngọt!". Nhã hỏi nhỏ: "Chừng nào tụi mình mới được ngang nhiên?" Tôi thấy mệt mỏi: "Chừng nào tụi mình ở riêng! ... Mà chuyện ấy không bao giờ có đâu?" Nhã bóp mạnh chân tôi rồi buông ra: "Chị lúc nào cũng nói thế!" Rồi chúng tôi đi hái quả, vừa hái vừa ăn, từ trên cao, Nhã lấy vỏ nhắm gà đi quanh quẩn dưới sân mà ném. Tôi muốn khóc, nó lại quên mất rồi, nó lại đang vui rồi, nó đang nheo mắt nhắm gà, nó vẫn là trẻ con, cái gì đến và đi cũng nhanh, với nó.
* * *
Tôi phải kể lại chúng tôi đã quen nhau ở đâu. Ở lớp học thêm Anh văn tuần ba buổi với một buổi cúp điện được thay bằng đèn dầu. Con gái thầy, mỏng manh và tinh khiết như bằng sứ, lần lượt mang ra những cái đèn to, nóng ngốt ... Những chi tiết này, chúng tôi vẫn nhắc lại luôn. Nhã thêm: "Hồi ấy ngồi cạnh chán chết, chị chẳng bao giờ thèm làm bài tập!". Tôi cười: "Thì em cũng thế, có nhờ được gì đâu!" Nhã vẫn nhắc lần đầu đến nhà tôi, mẹ tôi ra nói: "Cháu vào không? Chị Mai Hoa đi chơi rồi!" Nhã vào, mượn cái chổi, ra quét vườn chờ đợi. Hôm ấy tôi đi đâu? Tôi đén nhà Thảo, Thảo nói: "Đừng ngại, kể ra đi cho đỡ khổ, vì sao chúng mày chia tay?" Tôi cũng không biết vì sao anh ta bỏ đi, tôi nói: "Tao không khóc vu vơ được, phải có lý do, mà tao nói rồi, tao không biết lý do!". "Hôm ấy - sau này Nhã kể lại - sao vườn nhà chị đầy lá mục và tổ kiến, em vừa quét vừa nghĩ: Thôi, mình ngu rồi!". Ra vậy, ngày hôm ấy, tình yêu đã mon men đến nhà tôi mà tôi không biết, một năm sau tôi vẫn không biết.

... Tôi đếm thử, khoảng bảy trăm chữ rồi, phải chừng mực lại thôi, để phần cho cái kết. Hôm qua mẹ tôi cũng nói: "Phải chừng mực lại thôi!" tôi cãi: "Con không thích sống cứ phải lo để phần!". Ba tôi hiền lành hơn: "Con không nghĩ đến con sao?" Nghĩ nhiều lắm chứ, không phải chỉ nghĩ đến mình tôi, tôi nghic đến ba mẹ, đến tôi, đến ông chồng tương lai của tôi, đến những đứa bé tương lai của tôi ( hai hạng nhân vật này có thể không bao giwò có!), và rồi không biết làm gì, đành đổ tội "Duyên số". Mẹ tôi đề nghị: "Để tao lấy tử vi cho hai đứa!". Mất hai buổi trưa tôi nằm cạnh đợi luận từng sao như đọc kết quả xổ số, tôi không trúng giải, mẹ tôi tóm tắt: "Mày hai đời chồng, không thấy đời nào giống nó. Nó rất lăng nhăng, thậm chí sa đoạ!" Tôi cãi:"Có thấy gì đâu!" Mẹ tôi cười: "Đang nói chuyện tử vi, với lại đời còn dài, ai mà biết được!"

Không ai biết được thật, thế thì lo xa làm gì. Đêm qua, có mưa trái mùa, Nhã "quyết định": "Được ngày nào hay ngày đó!". Vậy là, cứ tiếp tục nuôi heo đất với nhau tạo cảnh gia đình, rồi lớn lên tự đổi xưng hô, rồi cứ thế, cứ thế ... Một ngàn chữ hết rồi, cũng như câu chuyện cũng bế tắc rồi, tôi nộp bài. Chấm hết."



------------------------------
Ta sẽ nhắn ngàn lau phơ phất trắng
Khe khẽ giùm kẻo gió cuốn em đi
angry_bee is offline  

Old 06-10-2005, 10:37  

kBank Manager
 
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28): 4.298
Awarded 58 time(s)
Sent 329 thank(s)
Received 236 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006)
Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*

Em angry_bee post lặp mấy bài của sis liền



------------------------------
Nobody falls in love by choice, it is by chance.
Nobody stays in love by chance, it is by work : )
Midori is offline  

Old 06-10-2005, 17:59  

V.I.P
 
Join Date: 10-09-2005
Posts: 1.651
KL$: 556
Awarded 32 time(s)
Sent 11 thank(s)
Received 12 thank(s)
School: PTTH Kim Liên
Class: A14 (2005-2008)
Location: Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa :)

ủa?????????? thiệt hả????
e ko để ý.........sozy c nhìu nhìu..............



------------------------------
Ta sẽ nhắn ngàn lau phơ phất trắng
Khe khẽ giùm kẻo gió cuốn em đi
angry_bee is offline  

Old 16-10-2005, 09:31  

Phá sản!
 
Join Date: 19-05-2004
Posts: 118
KL$: 0

Truyện hay wa',Phan Thị Vàng Anh là con gái duy nhất của Chế Lan Viên đúng ko?
Con giống cha là phải thui
keomut is offline  
 

KLNetBB - Member of Kimlien Network
Copyright © 2002-2009 by dcuongtran
Skin designed by Kusanagi - Banner designed by FunkyJan
Powered by vBulletin® Version 3.6.8
Copyright ©2000 - 2016, Jelsoft Enterprises Ltd.