15-08-2005, 22:52 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
Đây là những tùy bút rất hay và ý nghĩa của chị Đông Vy. Post lên cho mọi người cùng đọc ^^
NHỚ LÁ Ngọai mê lá. Với ngọai, tất cả các lọai lá trong vười đều có ích: lá trầu để chưng bàn khách cùng với cau và vôi, lá ổi non, lá chùm ruột, lá đinh lăng làm nem, lá dứa để nhuộm nếp hay bột thành màu xanh, lá dừa để làm những chiếc hộp bánh su sê… Nhiều nhất vẫn là lá dong và lá chuối, để gói. Ngọai chuẩn bị nếp, bột, đậu xanh… Tôi lãnh phần phơi lá cho vừa héo, mềm, rồi lau sạch và xếp ngay ngắn thành từng chồng … Đối với ngọai, lau lá là một công việc nhẫn nại. Những chiếc lá chuối bóng láng, xanh mướt, sạch sẽ , phơi một lượt nắng bỗng dưng dịu lại, màu sậm hơn… Ngọai nói, lá cũng như con người, trải nắng sương rồi mới chín chắn lên và có ích hơn. Ký ức mạnh mẽ nhất về ngọai là sự khéo tay và cần mẫn. Bánh Tét hình khúc, bánh ú hình tháp với gạo nếp và đậu xanh gói khéo léo bằng lá chuối. Bánh nậm với bột gạo, đậu xanh đánh nhuyễn, tôm khô, thịt băm… gói lá dong. Bánh su sê đặt trong những chiếc hộp nhỏ bằng lá dừa. Bột màu xanh trong để lộ nhân đâu xanh xen lẫn sợi dừa trắng… Và cuối cùng là món nem “truyền thống” đã làm cho ông phải lòng ngọai. Thật buồn cười, nhưng vì thế mà ngọai chỉ làm món nem đặc biệt đó vào ngày giỗ ông. Tôi chưa bao giờ đủ khéo tay để xắt những sợi bì sao cho thật mỏng, thật đều, những sợi thịt dài và mảnh và không bị nát, nên tôi lại lau lá, rửa sạch lá đinh lăng hoặc lá ổi non, và xem bà trộn bì, thịt và thính (gạo hoặc cơm khô rang vàng rồi xay nhuyễn) thành một hỗn hợp thơm phức và hấp dẫn lạ kỳ với màu vàng của thính, màu hồng của thịt, màu trong của bì…rồi xem ngọai lót một lớp lá ổi non hay đinh lăng trước khi gói lại bằng lá chuối, vuông vức, nhỏ nhắn và khéo léo… Lá gói nem bao giờ cũng phải là những mảnh lá chuối sạch, bóng và đẹp nhất, vì lá không được nấu chín mà sẽ giữ nguyên màu tươi qua mấy ngày, cho đến khi nem đã đạt độ chua nhẹ và gói lá được mở ra, bày lên bàn, bên cạnh kiệu chua, lớp lá gói phải là một cái dĩa đẹp… Tôi mê lá từ những buổi sáng , buổi chiều ngồi cắt lá, lau lá bên cạnh ngọai. Ngọai làm cho tôi những chiếc vương niệm bằng lá xòai, những chiếc rá tí hon bằng vỏ cau, những chiếc mủng bằng lá mít. Tôi vẫn nhớ những đêm giao thừa, khi chiếc thùng thíêc bình thừơng đựng gạo được lôi ra, rửa sạch để nấu bánh Tét. Dưới gốc xòai, trong những cơn gió đêm se lạnh, ánh lửa bập bùng, tôi gối đầu lên chân ngọai đợi bánh chín. Và tôi luôn ngủ thiếp đi trong đêm ba mươi, dù có lần ngọai dọa tôi rằng, ai ngủ trong đêm giao thừa thì lông mày bị bạc trắng… … Nhiều năm qua, khi tôi trở về khu vườn của ngọai, cây cối vẫn xanh tươi và cảm xúc về những chiếc lá trong tôi vẫn trọn vẹn. Vòm cây vẫn xanh, nhưng tôi biết rằng mỗi chiếc lá rơi luôn để lại một khỏang trống không thể bù bắp đối với những chiếc lá nằm ngay bên cạnh nó. … Mỗi lần trở về, tôi lại đi đong nếp, pha bột. Phải làm bánh thôi, để nhớ ngọai. Và cũng để làm những chiếc lá dong rung rinh trong vườn kia sống thêm một phần đời khác của nó, có ích không kém lúc nó còn xanh tươi… ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
15-08-2005, 22:53 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
NHỮNG CHIẾC HỘP
Một lần tình cờ, tôi phát hiện chiếc hộp sắt tây khóa kín để trên nóc tủ. Ba nói, nó đựng di chúc của ông nội. Trong đó viết rõ ông để lại cho tôi cái gì khi ông “về với đất”. Tôi chợt nghĩ, nếu mình cũng phải đi xa, xa thật xa, mình sẽ để lại gì cho những người mình thương yêu. Vây là tôi quyết định mình cũng sẽ làm “di chúc”. Tôi cũng tìm một chiếc hộp có khoá. Trong đó, tôi cất tờ “di chúc” và tất cả… gia tài sản nghiệp của tôi. Bản di chúc đầu tiên năm tôi 8 tuổi, rất ngắn vì gia tài của tôi chẳng có gì nhiều, và những người chung quanh tôi chỉ có thế. Tôi để lại cho ba tấm ảnh ba đang bế tôi trên tay cười toe toét, để lại cho mẹ tấm ảnh mẹ tấm ảnh mẹ đang dỗ tôi ngay trước nhà thờ Đức Bà. Để lại cho hai đứa em trai của tôi những chiếc xe điện mới toanh mà tôi đã phải dọa dẫm để giành với chúng… để lại cho ông nội cây gậy mà tôi nhặt được ở nhà kho, để lại cho Bảo Vi, đứa bạn thân nhất của tôi chiếc nón vải… Rồi tôi lớn lên, dù có ra sao tôi vẫn về nhà vào mỗi đêm giao thừa, ngồi vào chiếc bàn bên cạnh cửa sổ, nhìn ra bầu trời tối đen, mịn màng của đêm ba mươi và viết. Mỗi năm, tôi đến nhiều nơi hơn trong những chuyến du lịch với bạn bè, những chuyến công tác… và những thứ nhặt nhạnh về cũng nhiều hơn : một chiếc lược đồi mồi từ Hà Tiên, những nụ hoa ngọc lan khô cong vẫn thơm nồng nàn như khi chúng đáng thức tôi dậy trong một đêm rất trong bên cạnh sông Tiền, một chiếc vỏ ốc tầm thường dạt vào bãi cát ở Nha Trang, một mảnh đá xấu xí văng ra khi tôi đi ngang qua những người thợ đục đá Non Nước. Và mỗi lần nhặt lên, tôi đều nghĩ rằng tôi sẽ dành lại chúng cho một người nào đó mà tôi đã gặp trong đời. Chúng đánh dấu sự hiện hữu của tôi trên thế gian, đánh dấu những bước chân của tôi đã đặt lên mảnh đất này, miền đất nọ, và đánh dấu tình yêu thương mà tôi dành cho những con người đã đến rồi đi trong đời tôi. Mỗi năm, những đồ vật chẳng đáng giá gì mấy cứ chất đầy chiếc hộp, cả một quả bàng khô, một con ve sầu chưa kịp lột xác còn giữ nguyên màu xanh óng… đến nỗi tôi phải thay một chiếc hộp lớn hơn. Khi ông nội mất đi, ba tôi mở hộp ra và đọc cho mọi người nghe tờ di chúc, thứ duy nhất ông để lại là những khoảnh đất, chia đều cho tất cả mọi người, đất trồng cây ăn trái, đất trồng khoai sắn và đất trồng lúa… Ông để lại cho tôi tủ sách và một rẻo đất rất nhỏ hình tam giác, nằm cạnh những mảnh ruộng mà ông đã làm lụng suốt đời trên đó. Một mảnh đất đủ để tôi trồng những cây cà chua và những luống rau muống, ông viết vậy, với tất cả tình yêu thương. Trước đây, có lần ông bảo rằng, chỉ với một miếng đất bé xíu như thế thôi, người ta cũng chẳng thể nào đói được… Tôi đã đứng trước rẻo đất ấy và khóc rất nhiều. Những ngày tháng qua đi, đến một lúc nào đó tôi chợt nhận ra là cuộc sống thật ngắn ngủi và đầy bất trắc. Tôi cũng nhận ra là làm cho những người khác biết mình yêu thương họ ngay lúc này tốt hơn là ấp ủ tình yêu đó trong những đồ vật, để rồi, có thể, một ngày nào đó, những kỉ vật ấy sẽ làm cho họ hụt hẫng… Tôi buồn bã khi nghĩ rằng đáng lý ra, tôi phải cho em tôi những chiếc xe điện khi điều đó còn làm cho chúng vui sướng, hơn là cất giữ hàng năm trời… Từ đó, tôi không viết di chúc nữa, tôi vẫn nhặt nhạnh những đồ vật xinh xinh mà tôi nhìn thấy, nhưng không cất đi mà tặng ngay cho ai đó mỗi khi có dịp. Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ chiếc hộp đã trống không của tôi, cũng như chiếc hộp sắt tây chỉ đựng tờ di chúc dài hai trang giấy của ông nội, vì tôi biết, có một thứ mà ông để lại cho tôi vẫn luôn đầy ắp trong những chiếc hộp ấy, đó là tình yêu thương tôi dành cho mỗi người tôi gặp, và cho cuộc sống này. ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
15-08-2005, 22:53 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
TRẬN ĐÒN MÙA KHOAI MÌ
Mùa khoai mì luôn là mùa vui nhất trong năm. Ở quê tôi, nhà nào cũng có vài sào rẫy trồng khoai mì. Những ai không có đất thì đi làm cỏ mì, nhổ mì, gọt mì thuê. Vào mùa thu họach, những chiếc xe bò chở lúc lỉu củ mì nối nhau đi trên đường, nhà nào cũng chất vài đống to. Từ sáng đến chiều, mọi người tập trung quanh đống củ, gọt vỏ bằng những chiếc bào tự tạo hoặc những con dao có kẹp thanh thép uốn. Bên cạnh đó là chiếc bàn xắt để cắt củ mì thành lát rồi đem phơi. Tất cả những chuyện vui buồn, trên trời dưới đất, chuyện thật, chuyện xạo, chuyện khóc, chuyện cười, đều được kể vào mùa khoai mì… khi mọi ngừơi mặc những bộ quần áo xấu xí nhất để không phải tiếc rẻ khi mủ mì dính vào … và ngồi suốt 10 tiếng đồng hồ chỉ với công việc bào vỏ, xắt lát… Tiếng cười nói rổn rảng khắp thôn xóm. Trẻ con là lực lượng “lao động” đông đúc và ồn ào nhất. Nhưng chỉ gọt được chục củ, hay giỏi lắm thì ngồi hai tiếng đồng hồ là mỏi, chúng tôi len lén lỉnh đi chơi… Một lần, ba tôi nhặt những củ mì bé tí, những mẫu gãy, bảo: nếu con chịu khó gọt, xắt phơi, bán được bao nhiêu thì ba sẽ cho con phần tiền đó, để bỏ ống heo. Nghĩ đến cơ hội tự kiếm tiền đầu tiên trong đời, tôi thích chí gật đầu. Từ đó, ngày nào cũng vậy, ngòai giờ học, tôi ngồi lì bên đống khoai mì vụn, chăm chỉ gọt gọt, xắt xắt… Mọi người ai thấy một củ mì nho nhỏ đều ném qua cho tôi. Khi phơi, mọi người thường phơi ngòai sân, ngòai lề đừơng, còn tôi leo lên mái nhà, trên là nắng, dưới là mái tôn, mì mau khô, lại sạch sẽ… Ba cho phép tôi phơi ở đó với điều kiện đi lại nhẹ nhàng. Sáng phơi lên, chiều gom xuống, sáng mai lại phơi… Vài ba nắng thì khô. Tôi sung sướng nhận ra những lát khoai tí hon của tôi trắng và sạch nhất. Cuối mùa, mẹ kiếm cho tôi một cái bao tải, chất mì vào và mang đi bán … Bao nhiêu hy vọng khấp khởi vỡ vụn vì công sức của tôi chỉ thu được một khỏan tiền nhỏ, chẳng đáng là bao… Lần đầu tiên, tôi nhận ra một điều đơn giản là kiếm tiền chẳng dễ dàng gì. Chưa hết, khi biết được người ta không mua khoai nhỏ để xuất khẩu, hoặc xay bột như tôi tưởng, những lát mì bé xíu của tôi được bán ngay ngòai chợ để… cho heo ăn, tôi càng buồn thúi ruột. Sau mùa thu họach, người ta chọn những thân mì mập mạp, tươi tốt nhất, chặt ra thành từng khúc để làm giống cho mùa sau. Tụi trẻ con thường chọn cây mì có hình chữ L để làm gậy rồi đóng giả người bị tật, ngửa tay xin ăn như những ông lão hành khất chúng tôi vẫn nhìn thấy trên đừơng. Đôi khi, người lớn vẫn cười và còn vặt lá làm tiền bỏ vào nón cho chúng tôi nữa… Một lần khi cả nhà đang vui vẻ, tôi cao hứng nhặt một thân cây và chơi trò cũ. Mặt ba bỗng dưng tối sầm lại, rồi ba thét tôi vứt ngay và quỳ úp mặt vào tường suốt buổi. Khi đã xong việc, ba xách vào chiếc roi bằng cây mì: “Ba sẽ đánh con vì hai tội. Thứ nhất, ba mẹ sinh con ra lành lặn, sao con lại muốn làm người thọt chân?… Thứ hai, nếu những người tàn tật nhìn thấy thì họ sẽ cho là con chế giễu họ, con lấy sự thiệt thòi của ngừơi khác ra để đùa giỡn. Có đáng ăn đòn không?” Tôi mếu máo: “Thưa ba, có”. Cây mì giòn và có nhiều mắt, đánh vài roi đã gẫy, nhưng cũng kịp đau thấu trời. Mấy vết lằn trên mông tôi in đậm hơn những lần khác. Dù sao, trong ký ức của tôi, mùa khoai mì luôn là mùa vui nhất. Bây giờ, người dân quê tôi ít ai trồng mì nữa. Họ đi làm ăn xa, hoặc chuyển sang nuôi tôm xuất khẩu… Còn tôi, tôi nhớ mãi những ngày sôi động ấy. Nhưng không chỉ vì sự vui nhộn… ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
15-08-2005, 22:54 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
LÚC LẮC TRÍ ÓC
Ông lão xuất hiện trong sân trường với bộ quần áo cũ kỹ và hàng ria mép đen vểnh lên như lão phù thủy trong truyện Aladin. Trên yên sau của chiếc xe đạp là một chiếc thùng gỗ chứa đầy điều kỳ diệu. Một thằng bạn tôi sau khi đưa cho ông một đồng bạc mới đã được ghé mắt vào hai lỗ nhỏ trên thành thùng gỗ, cái miệng nó há ra đầy kinh ngạc và khóai trá. Rồi nó tung tăng chạy về lớp, kéo theo là một dây những đứa tò mò như tôi: “Có gì trong đó mày?”. Không may, đó lại là thằng dở văn nhất lớp, nó chỉ có thể cười ngất ngây: “Đẹp… kinh dị luôn. Đẹp lắm! Y như xi nê” Hết. Tôi gần như điên lên vì tò mò. Giờ ra chơi, bao giờ tôi cũng là đứa đầu tiên chạy như bay đến bên cạnh ông, nhưng ngay sau đó, bị đẩy bật ra bởi những đứa có tiền: “Ông ơi, cháu coi “Người đẹp và quái vật”, cháu coi “Gullivơ phiêu lưu ký”… cháu coi “Bạch Tuyết bảy chú lùn…” Rồi tôi cũng nghĩ ra cách kiếm tiền để coi cổ tích. Sắp đến mùa hoa lê-ki-ma rụng đầy gốc, xanh biếc, óng ánh như ngọc. Tôi nhặt đầy một bụng áo, buổi trưa bỏ cơm ngồi lui cui xỏ chỉ, xâu hoa… làm thành những sợi dây chuyền, vòng đeo tay, nhẫn, vương miện rồi mang lên trường, bán cho những con bé lớp dưới. Khấp khởi đếm những đồng tiền lẻ, tôi chạy ngay đến chỗ ông lão : “Cháu muốn xem…” Ông lão , vốn đã quan sát tôi ngồi bán cả buổi chiều, tủm tỉm gật đầu: “Được rồi… để xem nào… Bạch tuyết nhé”. Tôi ghé mắt vào hai lỗ nhỏ trên thành thùng gỗ. Giọng thì thầm của ông lão trôi vào tai tôi, trong khi tôi dõi theo những tấm slide hình ảnh lên màu rực rỡ khi được ánh sáng chiếu qua trong thùng tối. Những hình ảnh tôi vẫn tưởng tượng hiện lên trứơc mắt tôi rực rỡ và đầy màu sắc. Khi những hình ảnh cuối cùng biến mất, tôi ngẩng lên, ngơ ngẩn vì tiếc nuối. “Cháu muốn xem nữa không” “Nhưng cháu… hết tiền rồi! Để mai ạ!” và tôi mải mê nghĩ xem ngày mai lũ nhóc lớp dưới có còn thích những chuỗi hạt Lê-ki-ma nữa hay không? Ông lão nói nhanh: “Ngày mai ông đi nơi khác rồi!”. Tôi đã thấy nước mắt trào lên mí, còn bao nhiêu chuyện cổ tích nữa tôi chưa được xem. Ông lão bối rối thật sự. “Thôi đừng khóc cháu, ông sẽ cho cháu xem hết những phim ông có”. Và chiều đó, bên gốc dương liễu sần sùi trong sân trường, với trái tim hầu như ngừng đập vì vui sướng, tôi nhón chân dán mặt vào vách thùng gỗ, xem tất cả những cuốn phim mà tôi từng mơ ước. Khi đã xem xong tất cả, tôi lại thẫn thờ vì tiếc nuối, mai ông lão sẽ đến những ngôi trường khác, với những đứa học trò khác và mang theo chiếc thùng gỗ kỳ diệu của mình. Bỗng ông lục trong chiếc thùng và lấy ra cho tôi một vật rất kỳ lạ, tôi chưa từng thấy bao giờ, một chiếc kính vạn hoa cũ. Tôi sững sờ hơn khi nhìn những bông hoa ánh sáng trong đó, và càng sững sờ hơn phát hiện ra mỗi lần tôi lúc lắc cái ống, những bông hoa khác lại hiện ra. Ông bảo tôi trước khi đạp xe đi: “Nếu cháu chịu khó “lúc lắc trí óc” thì như cái kính vạn hoa này cháu sẽ làm nên nhìêu điều kỳ diệu lắm”. Đó là những gì một ông lão lang bạt với chiếc thùng kỳ diệu nói với tôi từ thời thơ ấu, chẳng ai có thể mang đi điều kỳ diệu của bạn, chỉ có điều là bạn có chịu “lúc lắc trí óc” để nhìn thấy nó không mà thôi. ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
15-08-2005, 22:54 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
LÁ CUỐI NĂM
Đó là buổi chiều đẹp nhất của một năm. Ông ngoại tôi bảo vậy. Chiều 30 Tết. Có rất nhiều công việc nhưng đến chiều 30, tất cả phải hoàn tất. Bánh chưng đã gói xong, đã bắc lên bếp. Nhà cửa đã dọn dẹp sạch sẽ. Điều mà ngoại bắt buộc mọi người phải làm vào chiều cuối năm là gom hết lá khô vào một góc sân, đốt lên, và cả gia đình ngồi quây quần quanh đó để… chẳng làm gì cả. Đó là buổi chiều những ai đi xa đã trở về, những người đã khuất quay trở lại trong những câu chuyện. Những người lớn thì trầm ngâm. Bọn trẻ con bấm nhau cười khúc khích trước vẻ nghiêm trang mà theo chúng hình như là vô lý. Gió nhẹ và se lạnh. Lửa ấm áp nổ tí tách. Và khói thì có mùi thơm của lá khô. Vườn nhà ngoại rộng lắm và có đủ thứ cây: xoài, mít, ổi, mận, măng cầu… Cái thú của chúng tôi bên đống lửa là hít hà và đoán xem đó là mùi của lá nào. Lá xoài cháy hăng hăng. Lá ổi thơm nồng nồng. Và lá của những loài cây dại bên rào chẳng thể biết tên. “Vòm cây không thay đổi, nhưng những chiếc lá thì thay đổi. Trên đó không còn chiếc lá nào của năm trước, phải không con?” Mỗi năm, ông lại chỉ lên tán lá xanh trên đầu và hỏi một đứa cháu vừa lớn lên một chút. Lúc nhỏ, tôi vẫn nghĩ câu hỏi chiều ba mươi Tết của ông thật buồn cười. Những chiếc lá và vòm cây có gì liên quan đến những buổi chiều cuối năm? Ngày hôm sau là Tết, mọi người rộn ràng và vui vẻ. Chúng tôi mặc đồ đẹp và xúng xính đi thăm nhau, đi chơi lô tô ở ngoài chợ, lấy tiền lì xì mua vô số những quả bóng bay… Cho đến ngày ông hấp hối, tôi đứng cuối chân giường và khóc. Ông vẫy tôi lại, thều thào : “Này con, những chiếc lá thay đổi, nhưng vòm cây vẫn không thay đổi. Phải không?”. Tôi mếu máo gật đầu, và trong khoảnh khắc đó tôi hiểu ra tất cả. Không có chiếc lá nào xanh trọn 365 ngày trong một đời lá. Nhưng có bao giờ ta tự hỏi tại sao vòm cây ta nhìn thấy vẫn xanh như ngày xưa. Đời người vẫn giống như chiếc lá. Mỗi năm Tết lại đến một lần. Trái Đất mỗi ngày một đông nhưng có những người thân yêu của ta không còn nữa. Những chiếc lá khô đi và rụng xuống sau một thời xanh, nhưng vòm cây vẫn giữ nguyên vẻ mát xanh vững chãi. Bởi thế hãy bình tâm sau mỗi lần mất mát. Và chỉ những chiếc lá ở cạnh nhau mới thấy đau với khoảng trống khi chiếc lá ngay cạnh mình rơi xuống. Bởi thế, hãy quan tâm đến những người xung quanh. Mặt Trời vẫn mọc mỗi ngày và mọi người vẫn mặc những bộ quần áo cũ, nói những câu nói cũ, không có nghĩa là người ta không buồn hơn, không vui hơn, không tổn thương hay không trưởng thành hơn. Từ khi ông mất đi, những chiều cuối năm không còn ai ngồi quanh đống lửa, nhưng dù đi đâu, chúng tôi vẫn luôn quay về góc vườn cũ, thăm lại những hàng cây. Bao nhiêu lớp lá khô rơi đã tan thành tro bụi, vậy mà vòm lá vẫn xanh và rì rầm trong gió. Nhưng tôi biết rằng: trong vòm cây nguyên lành như chưa bao giờ biến đổi kia, có một chiếc đã rơi và để lại khoảng trống trong tôi không gì bù đắp nổi. Chiếc lá ấy vẫn trở về trong trái tim những chiếc lá khác - vào mỗi buổi chiều cuối năm. ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
15-08-2005, 22:55 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
KÝ ỨC ĐỒNG DAO
Cá rô cá rạch/ Gặp trận mưa rào/ Mày chẳng ở ao/ Mày lên rãnh nước/ Nước xuôi mây ngược/ Mày thích ra sông/ Thoả chí vẫy vùng… Bài đồng dao này tôi nghe mẹ hát vào một chiều mưa, khi một con cá rô nhỏ xíu lạc theo dòng chảy lách tách rơi vào sân nhà tôi. Mẹ bắt nó thả vào thau nước, để ngày mai tôi đem thả nó về lại ruộng đồng. Ấu thơ tôi lớn lên cùng đồng dao. Những câu hát ngô nghê dù có nghĩa hay vô nghĩa cũng chứa đựng một tâm hồn trong trẻo, một cái nhìn hồn nhiên trước cuộc đời. Những chiều mưa dầm ngồi trước hiên nhà nhìn bong bóng mưa lần lượt vỡ tan ra, tôi lại lẩm nhẩm: Lạy trời mưa xuống/Lấy nước tôi uống/Lấy ruộng tôi cày/Lấy đầy bát cơm/Lấy rơm đun bếp. Những đêm trăng sáng, chúng tôi thường tập trung trên bãi cát để chơi trò “Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc…” hay túm tụm lại và thay nhau đọc từng câu: Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo/Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút/Ông trăng xuống chơi ông Bụt thì ông Bụt cho chùa/Ông trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính, cho đến khi không tìm ra người bạn nào cho ông trăng nữa thì thôi. Rồi trò Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ba vương ngũ đế. Cả những trò chơi đơn giản nhất cũng có câu hát : Tập tầm vông tay nào không, tay nào có? Tập tầm vó, tay nào có, tay nào không? … Lâu rồi không nghe ai hát đồng dao. Cả những đứa trẻ ở miền quê xa cũng đã bắt nhịp được với cuộc đua của những con số trong sổ điểm. Bây giờ, những đứa trẻ sinh ra đều phải là thiên tài. Khi tôi lớn lên, “trẻ con” xa lạ với “thiên tài”. Những đứa trẻ quanh tôi chỉ quen với những bài đồng dao mỗi sáng và mỗi tối, với đất đai và cỏ cây. Bây giờ, mười lăm năm sau, những đứa trẻ ấy đang học tiến sĩ ở nước ngoài, khi chưa đầy 30 tuồi. Bây giờ, những đứa trẻ ấy là kiến trúc sư, giảng viên đại học, nhà báo và nhạc sĩ, vẫn sống hạnh phúc với mỗi ngày đang đến và những câu đồng dao trong kí ức. Cũng như tôi, họ vẫn nhớ bài đồng dao về chiếc đồng hồ: Lúc la lúc lắc/Tích ta tích tắc/Ngày ngày đêm đêm/Chỉ giờ chỉ khắc Người đời nhờ tôi/ Lúc làm lúc chơi/ Có giờ có giấc/ Ngày thức đêm ngơi (nghỉ) Khi nhìn vào chiếc đồng hồ, bạn nhìn kim nào trước? Kim giờ hay kim phút? Tôi thì nhìn kim giây. Tôi thích những chiếc đồng hồ có kim giây. Khi chiếc đồng hồ còn chạy tốt, đó là chiếc kim duy nhất chuyển động bất cứ lúc nào ta nhìn vào mặt đồng hồ. Nó báo hiệu sự sống. Bây giờ, người ta ngày càng thích giản đơn, và những nhà sản xuất đồng hồ nhiều lúc bỏ quên mất chiếc kim giây. Tôi thấy buồn vì người ta đã bỏ quên những khúc đồng dao đâu mất, loại chúng khỏi cuộc sống của trẻ con, xoá chúng khỏi ký ức của người lớn. Có ai đó đã nói rằng, khi người ta còn nhớ về tuổi thơ, là người ta còn có thể sống tốt đẹp. Trở về với đồng dao, là trái tim ta trở về với niềm hứng khởi nguyên sơ và ngời sáng. Tình yêu cuộc sống bỗng trỗi dậy và được thanh lọc khỏi những bộn bề rác rưởi của bao nhiêu năm tháng bon chen. Cuộc đời bắt đầu từ những điều nhỏ bé, thời gian bắt đầu từ một giây. Và nhân loại, chẳng phải bắt đầu từ trẻ con đó sao?! ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
15-08-2005, 22:58 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
Khi ta không phải thiên tài
Ông Nội tôi là một người rất đặc biệt. Trong khoảnh khắc tình cờ, tôi mới chợt nhận ra điều đó giữa những suy nghĩ cứ luôn chảy liên tục trong đầu tôi. Ba thì gật gù một cách nghiêm túc: “Tất cả các ông Nội đều là những người đặc biệt!”. Hiển nhiên là Ba đang muốn nói về ông Nội của Ba, tức ông cố của tôi, người vẫn xuất hiện thường xuyên trong các câu chuyện của ông Nội. Và tôi nhớ nhất là chuyện về người nông dân nghèo sống cạnh sông Gianh đã trở thành ông chủ một trang trại lớn như thế nào. “Tất cả bắt đầu bằng một tia sáng loé lên trong suy nghĩ – ông Nội tôi thường nói như vậy trước khi kể chuyện- nhưng muốn tia sáng loé lên thì những suy nghĩ phải chuyển động trước đã”. Ông minh họa bằng cách làm cháy bó rơm khô với hai cục đá nhặt bên lề đường. “Phải có chuyển động thì mới có những tia sáng, con thấy không?” Tất cả bắt đầu từ những tia sáng như thế. Vào một ngày nọ, ông cố lúc đó là anh nông dân tay trắng quyết định đem bán tất cả những tài sản mình có, ra chợ mua một con bò gầy giá 1 đồng rưỡi. Đó là thời kỳ khó khăn, mùa màng thất bát, con bò gầy đến nỗi chỉ còn da bọc xương, bước chân loạng choạng vì bị cột lâu ngày. Nó bị bỏ quên một góc ở chợ Bò (Đồng Hới, Quảng Bình) vì chẳng ai thèm để ý đến. Nó quá ít thịt đối với những lò mổ, và quá yếu ớt để kéo xe hay cày bừa. Ông cố tôi mang nó về và đưa nó vào tận trong thung lũng. Nơi đó ở xa làng, nhưng có nhiều cỏ non và không khí, có những khe nước hiếm hoi bé xíu róc rách chảy xuống từ trên những vách đá. Ông chăm cho con bò béo lên. Sau vài tháng, con bò gầy thành con bò béo, mông nó đủng đỉnh, bụng nó căng tròn, vì công việc thì nhẹ nhàng, lại ăn toàn cỏ tươi và nước ngọt. Ông mang nó ra chợ, bán lại với giá 5 đồng, một đồng để tiêu xài, còn 4 đồng thì mua hai con bò gầy, và mang vào thung lũng chăm sóc. Cứ thế, mua một bò gầy, bán một bò béo, lại mua hai bò gầy… Có khi, ông giữ lại những con khỏe mạnh để cày bừa, hay để sinh con…và bán đi những con còn lại. Ba năm sau, ông có cả một đàn bò cả trăm con, có đất đai, vườn tược, có những người làm thuê trên khắp các cánh đồng…Ông trở thành một ông chủ trang trại giàu có nhất làng… Sau hai ba cuộc chiến tranh, ông cố đành khoanh tay chứng kiến gia tài của mình tiêu tan cùng với loạn lạc và ly tán, rồi cả ông cũng vậy. Nhưng câu chuyện về cuộc đời ông lưu truyền trong gia đình tôi như một huyền thoại. Câu chuyện bắt đầu từ một tia sáng lóe lên trong suy nghĩ, khi người nông dân nhìn thấy trong chợ bò những con bò béo giá cao, và những con bò gầy, giá rẻ. Khi ông Nội kể câu chuyện đó, mẹ tôi thường cười: “Ông cố kinh doanh giỏi thật!”. Ông Nội nghiêm nghị : “Đó không phải là kinh doanh, đó là cuộc sống!”. Ý ông muốn nói, những tia sáng phải loé lên luôn luôn trong mỗi ngày ta sống. Kỉ niệm tôi nhớ nhất về ông là một cái Tết nóng bức của miền Trung. Đó là những ngày độc địa, cái nóng bất chợt giữa mùa đông thật đáng sợ, hơi nóng bốc lên cả trên mặt đất lẫn mặt đường nhựa. Gió tát vào mặt, nước ngọt chỉ còn trong một vài giếng nước sâu hơn 15 mét. Ông Nội là người chịu đựng cái nóng giỏi hơn ai hết. Cả buổi trưa, ông cũng lang thang ngoài đường. Chiều 28 Tết, ông trở về với đôi mắt sáng ngời : “Hà hà hà… Tết này nhà ta sẽ có tủ lạnh”. Mẹ hoảng hốt nhìn ba. Thời đó, điện vẫn còn là thứ xa xỉ, nói gì đến tivi hay tủ lạnh. Nhưng tủ lạnh của ông Nội giá chỉ có 30 nghìn. Tết năm đó, nhà tôi đãi khách bằng cây nhà lá vườn chính cống: Dưa leo, dưa hấu, rau muống, xà lách tươi rói, ổi, mận ướp lạnh… và uống nước chanh dây (còn gọi là quả mát mát)…với đá lạnh. Ai cũng trầm trồ vì cái “tủ lạnh” độc đáo của Nội tôi. Mùa hè sau đó, ngoài chợ rộ lên cơn sốt mua thùng xốp, loại thùng xốp đựng đá thường thấy ở những quán nước dã chiến lề đường. Giá thùng xốp tăng lên 50 ngàn và cả xóm tôi ai cũng có trong nhà một “tủ lạnh” nhẹ tênh, gọn gàng hữu ích trong mùa nắng nóng. Bên trong có đầy đủ mọi thứ rau quả và…nửa cây nước đá. Ông Nội tôi vẫn nhắc đi nhắc lại rằng, chúng ta không phải là thiên tài, vì thế ta phải học mỗi ngày một chút. Cuối cùng thì mỗi người chỉ là một tâm hồn cô độc du hành suốt thời gian và học tất cả những gì ta có thể học trên cuộc hành trình đó. Có vài người sống cuộc đời của mình như thể họ sẽ sống mãi mãi cùng với Trái Đất. Vài người tranh đấu suốt đời để mưu cầu sự giàu có về vật chất hay danh vọng. Tham lam ấy đẩy họ về phía trước. Nó là chất xúc tác của họ. Còn đối với ông Nội tôi, của cải chính là sự khôn ngoan mà ông tích luỹ được bao nhiêu năm trong đời. Ta chú tâm bao nhiêu, ta học được bao nhiêu, và nhớ được bao nhiêu những kinh nghiệm của mình - đó là điều cốt lõi của sự tồn tại. Tôi không biết chắc mình đang du hành về phía trước, hay về phía sau trong hạn độ của thời gian. Cùng với ông, tôi học được rằng tôi lúc này có thể yếu đuối, lúc khác rất quả cảm, đôi khi tôi sợ hãi, nhưng phần lớn thời gian còn lại – tôi tự do. Khi người ta có thể tự do, cũng là khi những suy nghĩ có thể chuyển động muôn phương, và từ đó, lóe lên những tia sáng của sự sáng tạo. Với tâm hồn và trí óc rộng mở, thế giới luôn mới mẻ và không bao giờ quá bất ngờ. Tôi nhớ một câu nói của nhân vật Laura trong phim Men internet Black II : “Từ khi ta còn bé, lúc được mọi người bảo cho biết ta phải nghĩ gì, tin gì, thì trái tim ta đã nói với ta rằng ở ngoài kia còn có nhiều hơn thế!”. Và trái tim chỉ có thể nói được điều đó khi trái tim mở rộng và luôn luôn chuyển động. ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
23-08-2005, 15:16 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
BỮA ĐIỂM TÂM BẰNG HỒ DÁN
Tôi còn nhớ đó là một buổi sáng tháng Chạp lành lạnh, tôi dậy thật sớm, lúc mặt trời vừa ửng lên, khóac áo ấm, giày vớ đủ bộ rồi đĩnh đạc leo hàng rào sang nhà Minh mập. Tôi có hẹn sẽ theo ba nó đi chặt mai . Ba mẹ Minh kiếm sống bằng cách trồng đủ thứ trên khỏanh đất nhỏ sau vườn: dưa leo, củ kiệu, hành ngò, hoa hồng , hoa cúc… và mang ra chợ bán. Có khi lỗ, có khi lời. Nhưng chặt mai mới là nghề “cha truyền con nối” từ thời ông cố nó. Mỗi năm chỉ được một lần, nhưng nhờ đó mà tới chiều 30 mới kiếm được tiền ăn Tết. Năm nay, ba Minh bảo sẽ cho nó đi theo để “nối nghề” … Vì Tết nào, ba tôi cũng mua cho nhà Minh mập cành mai to nhất, đẹp nhất và đắt tiền nhất nên tôi phải hứa với Minh là chỉ đi theo cho biết thôi, không được chặt cành nào vì như thế ba mẹ nó sẽ … mất mối. Khi tôi thò đầu qua cửa sổ thì thấy ngay Minh mập và đám em út lau chau đang ngồi quây quần bên chiếc bàn gỗ thấp, đứa nào cũng áo trắng, quần soọc xanh, cũ kỹ nhưng thẳng thớm, tinh tươm. Cả bọn chụm đầu quanh một chiếc nồi gang to đen bóng vì ám khói, bên trong chứa đầy … hồ dán. Tôi biết rõ nó là hồ dán. thời đó chưa có những lọ “keo dán” công nghiệp xinh xinh như bây giờ, mỗi khi tôi có môn thủ công ở trường, ba tôi vẫn lấy bột sắn trong kho ra, cho vào xoong nước, bắc lên bếp rồi khuấy đều tay cho tới lúc chất lỏng trắng đục như sữa kia biến thành một thứ bột sền sệt, dẻo quánh và trong veo. “Đây là hồ dán”- Ba tôi tuyên bố. Vậy mà bây giờ anh em nhà Minh mập xúm vào nồi, mỗi đứa một chiếc muỗng, hăm hở múc hồ dán chấm vào nước mắm… cho vào miệng ăn ngon lành. Nhìn thấy tôi, Minh mập vui ra mặt: “Ăn sáng không, mày?” Tôi nhìn đám em nó mặt mũi đính tèm lem thứ chất dẻo trong veo, buột miệng: “Hồ dán làm sao ăn được, ghê thấy mồ!” Minh mập lừ mắt : “Không ăn thì thôi, đồ làm phách!” May mà nó không giận đến nỗi đuổi tôi về nhà, nhưng suốt buổi chặt mai hôm đó, Minh mập đâm ra lầm lì, chẳng thèm nói với tôi câu nào. Tôi cũng chẳng để ý đến những cành mai xem chúng nhiều hoa hay nhiều nụ, thế đẹp hay không đẹp, vì mãi nghĩ đến món …hồ dán. Thứ bột sắn đó, tôi chỉ mới thấy bà ngoại trộn với rau băm để cho heo ăn mà thôi. Chuyện tôi phát ngôn một câu xanh rờn ở nhà Minh mập, không hiểu sao ba mẹ tôi lại biết. Sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy mẹ đặt lên bàn ăn một nồi hồ dán còn bốc khói. Ba xoa xoa bàn tay, tỉnh rụi: “Lạnh quá, lạnh quá! Ăn sáng thôi!” Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ăn… “hồ dán”, thứ bột sắn lọc pha với nước rồi khuấy lên một cách giản đơn. Ba quấn quanh chiếc đũa, chấm với nước mắm ớt, vừa ăn vừa hít hà. Mẹ múc vào chén, chan nước mắm, vừa ăn vừa cười tủm tỉm. Còn tôi, sau vài phút ngỡ ngàng cũng nếm thử… vì tò mò. Và tôi nhớ mãi… nhớ mãi vị nhạt nhếch của nó. Buổi sáng hôm ấy, ba nói với tôi rằng không có gì đủ “kỳ cục” để phân biệt người này với người khác. Rằng trên đời này không có gì đủ “kỳ cục” để con người thấy xa lạ với nhau. …Minh mập bây giờ là một ông chủ trang trại trẻ chuyên trồng hoa, vẫn đi chặt mai mỗi mùa Tết đến và thỉnh thỏang, vẫn khuấy một nồi hồ dán để ăn. Nó viết thư nói với tôi rằng: “Mình đã lớn lên từ những bữa ăn hồ dán đó”. Tôi biết là cả tôi cũng vậy. ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
13-04-2006, 04:44 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
Hãy đến tìm tôi giữa một cánh đồng
Đời vẽ tôi - tên mục đồng Rồi vẽ thêm con ngựa hồng Từ đó lên đường phiêu linh... (Chỉ có ta trong một đời - Trịnh Công Sơn) Nếu bạn hỏi tôi thích làm gì nhất, câu trả lời chắc chắn sẽ là: “Tôi thích chăn bò!”. Có thể bạn không tin, nhưng thật tình, tôi thích chăn bò lắm! Tôi rất thích nhìn vào đôi mắt to trong veo của con bò nhà tôi, đen láy và ướt át, chúng luôn khẽ khàng nấp dưới hàng mi dài cụp xuống. Trong đời, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một đôi mắt nào buồn đến thế. Nó toát lên vẻ ẩn nhẫn, cam chịu, và hiền lành khiến cho tâm hồn trẻ thơ ngập tràn thương cảm. Một tình bạn thầm lặng bắt đầu từ đó! Nốc nốc nác nác/ Cỏ trước nước sau/ Hai hông bằng nhau/ Tau về cho sớm. Tôi sung sướng biết bao khi được giao nhiệm vụ chăn bò, tức là dắt bò đi tìm những vạt cỏ ngon, cho nó ních đến căng bụng, đến nỗi da bóng lên, lông mướt rượt, hai hông núng nính. Như một cách đền đáp công lao của nó sau buổi cày. Nhưng không chỉ vậy, mỗi buổi chăn bò đối với tuổi thơ tôi là cả một hành trình mơ mộng. Niềm vui có thể đến từ bất cứ đâu: dưới hòn đá này là một chú dế cồ than háu đá, trên ngọn lá kia là một chú chuồn kim ngủ quên, và vừa thoát thân khỏi bụi cỏ đang bị chú bò ngoạm lấy, chẳng phải là chú châu chấu may mắn đó sao? Chú hoảng hốt nhảy thật mạnh, xa khỏi cái mõm đen mềm mại ướt át của con bò, và rơi vào …chiếc mũ của tôi. Hay niềm vui sẽ đến trong khi chú bò tha thẩn uống nước, còn tôi buông câu nằm khểnh đợi mấy chú cá rô con… Tôi thích âm thanh của con bò gặm cỏ, ngay lúc hàm răng của nó ngoạm lấy từng búi cỏ tươi và cắn đứt chúng ở gần sát gốc. Cái tiếng roàn roạt giòn tan ấy chất chứa hình ảnh những lớp cỏ xanh trải dài trên bờ đê mấp mô, những ruộng lúa chín vàng hay những đám mạ non tươi mơn mởn. Nó chất chứa cái trong trẻo, mát mẻ của gió đồng, những ngọn gió như được ướp bởi hương sen, bởi mùi bùn đất, mùi rơm rạ, và cả mùi sương lạnh rơi tự đêm qua còn chưa tan hết. Bạn có thể đi trước hoặc sau chú bò tơ nhởn nhơ, tay cầm dây mũi, hoặc thả cho nó đi lang thang, miễn đừng để nó lân la xuống bất kỳ ruộng lúa nào. Nếu mỏi, bạn có thể trèo lên ngồi trên lưng nó nghêu ngao hát và ngắm nghía những bông mía trổ cờ xa xa, những cụm mây trắng cứ hết tan ra rồi kết lại thành vô số hình thù kỳ lạ trên nền trời xanh ngắt. Nếu mệt, bạn có thể cột nó vào một bụi cỏ lớn hay một gốc cây và thả hồn vào thế giới thần kỳ trong những cuốn truyện cổ tích, hoặc hồn nhiên ngủ say trên lớp rơm rạ còn sót lại của mùa lúa cũ. Tôi rất yêu những bông hoa dại nhỏ xíu mọc e dè giữa đám cỏ xanh trên cánh đồng. Chúng thường cà vào mũi tôi khi tôi đang nằm dài trên bờ ruộng, ngay bên cạnh chú bò cũng ngả lưng lim dim mắt, một cách thân thiện. Cho dù thỉnh thoảng chú bò của tôi lại thè cái lưỡi dài ra và lơ đãng cuốn những bông hoa dại đang rung rinh cạnh đó vào miệng, nhẩn nha nhai. Chăn bò là khi tôi hoàn toàn hoà nhập với thiên nhiên, bên cạnh người bạn lặng lẽ của mình. Và những ước mộng viển vông nhất của tôi cũng có thể bay cao hơn cả cánh diều của anh bạn mục đồng kia trong một chiều lộng gió. Đó là khi tôi không phải băn khoăn giữa tham vọng và trách nhiệm, không cảnh giác và dè chừng... Tôi chỉ là chính tôi, đơn sơ và trong trẻo, hồn nhiên và yêu đời như những cô cậu mục đồng khác, chạy lon ton trên cánh đồng trong bộ quần áo lấm lem cũ kỹ, chiếc mũ vải nát nhàu rách rưới, làn da sạm cháy khô sần dưới ánh nắng mùa hè, đôi chân trần nóng bỏng dẫm lên đất đai rơm rạ. Và hạnh phúc đơn giản chỉ là được ngồi ngất nghểu trên lưng chú bò thân thuộc đã no căng, thổi một khúc ca vui nhộn bằng chiếc kèn lá. Thong dong trở về... Ôi, tuổi thơ mục đồng, những năm tháng thần tiên giống như chiếc dây diều cứ neo mãi trong tâm hồn tôi những giấc mơ trong trẻo, thơm mát và nhẹ tênh như sợi rơm vàng sau một mùa nắng đủ! Để bây giờ, rất nhiều khi thấy chán chường những con đường chen chúc người xe và khói bụi, mệt mỏi với cuộc sống vội vã đua tranh, tôi lại thèm quá những ngày huy hoàng cũ, khi tôi còn là một cô bé chăn bò. Bởi thế, nếu một ngày nào đó không tìm thấy tôi trong chốn đô thị bon chen, bạn hãy đến tìm tôi giữa một cánh đồng... ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
13-04-2006, 05:57 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
Những chiếc bánh Tét con
Những năm cậu đi học xa, mẹ cho tôi đến ở với bà để nhà đỡ cô quạnh. Mọi việc trong nhà được chúng tôi phân định rạch ròi: bà việc lớn, cháu việc nhỏ. Chẳng hạn như mỗi sáng thức dậy, bà quét sân, tôi quét nhà. Bà bằm rau nấu cháo cho heo, tôi thì xúc tấm cho gà ăn. Bà đi chợ, còn tôi ngồi đợi. Bà dọn mâm, tôi sắp chén. Cuộc sống trở nên ngắn nắp rõ ràng, và...không ai được tị nạnh ai – bà nói vậy. Dưới con mắt của tôi thì tất cả các hoạt động của bà đều hướng đến một cái đích duy nhất: Tết! Tưới rau, để Tết. Nuôi gà, để Tết. Trồng cây dong riềng, để Tết! Chuẩn bị cho Tết với bà là cả một quá trình, lặp lại mỗi năm. Và quan trọng nhất là nuôi heo, nguồn thu nhập chính để ăn Tết. Đầu năm, bà nuôi một con heo mẹ. Vỗ béo cho đến một đêm bà gọi tôi dậy giữa khuya, khi heo kêu rống lên đau đớn. Nó sắp sinh con. Dưới ánh sáng chập chờn của cây đèn dầu, tôi đứng bên cạnh đợi bà đỡ từng con heo con đỏ hỏn, bé xíu, lau rửa sạch sẽ, dùng kềm bấm răng nanh rồi đưa cho tôi đặt vào máng ổ bên cạnh được bà lót bằng vải sạch và rơm từ mấy ngày trước. Có những con bé xíu, vặt vẹo tưởng chết. Bà bĩnh tĩnh thổi hơi rồi nhúng chúng vào nước ấm. Tôi reo lên nho nhỏ khi thấy chúng khẽ cựa mình và mở mắt ra. Hai bà cháu tiếp tục nâng niu chăm bẵm cho lũ heo con mau lớn. Bà lo phần heo mẹ, còn tôi chịu trách nhiệm canh chừng lũ heo con khi chúng bú, để những con mạnh khỏe háu ăn không được tranh giành vú mẹ với những con gầy yếu. Gần Tết, bà kêu lái đến cân hết heo mẹ heo con, chỉ để lại vài con khỏe. Số tiền đó dùng để mua sắm cho Tết, và chủ yếu là để làm bánh Tét. Bà mua về thật nhiều thịt, đậu xanh, nếp và hành. Lá chuối và lá dong thì sẵn sau vườn. Mỗi năm bà gói rất nhiều bánh Tét, cho cả gia đình các dì, cậu… Tôi không gói được, vì tay tôi chưa đủ mạnh để ém chặt bánh và xiết những sợi lạt. Tôi chỉ phụ trách phần lau lá. Khi chỉ còn một ít nguyên liệu, bà thường ngẫu hứng làm cho tôi một cái bánh Tét con, nhỏ xíu xinh xinh. Tôi sung sướng vô bờ, nâng niu như trứng, ngồi đợi canh cánh suốt đêm để chờ nó chín. Rồi sáng mai đem khoe khắp xóm. Những đứa trẻ khác tha hồ ghen tị. Chúng cũng thèm những cái bánh Tét nhỏ dành cho riêng mình. Những chiều 30 Tết, bà thường xếp bánh vào giỏ rồi mang đi đâu đó. Tôi hỏi thì bà nó: “Đem biếu những người nghèo, những người không có bánh Tét để ăn Tết, không có gì cả!” Tôi lại hỏi: “Họ có con nít không?” Bà trả lời “Có!” rồi dừng lại nhìn tôi, một tia sáng ấm áp lóe lên trong ánh mắt. Tôi thẽ thọt: “Vậy năm sau bà làm cho con nhiều nhiều bánh Tét con!” “Để làm gì?”Tôi cười sung sướng “Bí mật!”. À, bí mật của tôi. Bà cười : “Rứa à ? ” Nhưng bà cũng làm. Tết năm sau, tôi hầu như đã quên béng đề nghị của mình, còn bà vẫn nhớ. Khi dì và mẹ tôi về nhà bà lấy bánh thì thấy trên giàn bếp treo hai dãy bánh Tét, một dãy dài những cặp bánh Tét to đùng, và bên dưới là một dãy 12 cặp bánh Tét con ngộ nghĩnh. Tôi chỉ: “Ở trên là của bá, ở dưới là của con”. Mọi người nhìn bánh Tét, nhìn bà và tôi đang hớn hở, rồi nhìn nhau than: “Trời ạ, cả bà lẫn cháu đều trẻ con như nhau”. Chiều 30 năm đó, bà xếp bánh vào giỏ. Tôi cũng vậy. Rồi bà cháu dắt nhau đi sâu vào phía núi. Bà xách giỏ lớn đựng bánh Tét to, tôi xách giỏ nhỏ đựng bánh Tét nhỏ. Chúng tôi im lặng đi, ghé vào những ngôi nhà xập xệ, xiêu vẹo, với những người lớn đăm chiêu và những đứa trẻ gầy còm, dơ bẩn. Ai cũng hồ hởi chào đón bà. Bà để lại nhà này một cặp, nhà kia hai cặp bánh. Còn tôi thì rộng rãi hơn, mỗi đứa một cái bánh Tét con, lớn nhỏ như nhau. Giao thừa. Ở nhà chỉ còn hai cái bánh lớn và không còn chiếc bánh Tét con nào cho tôi cả. Nhìn tôi buồn buồn, bà nói : “Con nít hơi đông, hè !”. Tôi gật gù: “Năm tới phải làm nhiều hơn bà ạ”. Bà im lặng xoa đầu tôi. Nhưng năm sau, Tết chưa đến thì bà đã mất. Tôi vẫn chưa tự mình gói bánh được, cả đến bây giờ, khi đã tốt nghiệp đại học. Nhưng Tết nào về quê tôi cũng đi lại con đường từng đi với bà, trên tay là hai chiếc giỏ cũ, một đựng bánh mứt, một đựng đồ chơi và những cuốn truyện cổ tích. Một cho người lớn, một cho trẻ con. Một vì tấm lòng bà đã yên giấc cỏ, một cho tuổi thơ tôi đã xa tít tắp... Bao giờ cũng vậy, trên con đường hẹp gập ghềnh đi vào núi, tôi lại cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc đơn sơ từng làm tim tôi rung động từ ngày xa xưa ấy: niềm hạnh phúc được cho, từ những cái bánh Tét con, nhỏ bé nhưng chứa đựng tình thương sâu xa của bà. ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
13-04-2006, 06:00 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
Còn tiếng ve sầu
Cả tôi và Đăng đều thích ve sầu. Nhưng Đăng thích ve sầu còn sống, còn tôi chỉ thích những cái xác. Chúng tôi cãi nhau mãi về điều đó. Đăng bảo: “Còn sống ve sầu mới đẹp, vỏ bóng, cánh còn óng ánh, mắt long lanh, xanh biếc”. Tôi thì nghĩ, khi những con ve còn hát được, phải để chúng hát cho hết cuộc đời ngắn ngủi của chúng. Tại sao không đi tìm những xác ve sầu lột vỏ để giữ chúng lại như lòng biết ơn. Ve sống thì kêu inh ỏi và Đăng biết chúng đang đậu ở đâu. Còn tôi, suốt mùa hè cứ phải chuyền như vượn trên những cành cây để tìm nhặt những cái xác rỗng không, trong suốt và giòn tan, dễ vỡ như giấy bóng gói kẹo, chỉ động một chút là nát như vỏ hạt đậu phộng đã rang. Chúng tôi yêu ve sầu vì chúng không bao giờ hát một mình. Bạn rất hiếm khi được nghe một tiếng ve lẻ loi. Khi không thấy ai hoà theo, chúng im bặt và bay tìm chốn khác. Khi một con ve cất tiếng, cả đàn ve không biết nấp từ đâu trong những vòm lá sẽ hòa theo. Với tôi và Đăng, ve là biểu tượng của tình bạn. Nhưng tôi thấy ghét Đăng khi nó vác cây sào tre có bôi mủ mít trên đầu để bắt dính những con ve sầu đang ra rả hát. Còn Đăng thì cười nhạo khi nhìn thấy những cái vỏ tội nghiệp, mỏng tanh và giòn tan mà tôi nâng niu giữ trong hộp. Một lần, Đăng lỡ tay bóp vỡ một xác ve của tôi, hai đứa giận nhau từ đó. Trải qua nhiều chuyến đi, những cái xác ve tôi mang theo không còn nguyên nữa, cái thì bị nát từ trong vali, cái thì tự vụn vỡ ra theo thời gian. Nhưng tôi vẫn giữ lại những mảnh vụn. Mỗi khi nhìn chúng, tôi lại nhớ đến ngày chúng còn ca hát, nhớ đến những buổi trưa cùng Đăng nằm dưới vòm cây đoán xem dàn đồng ca kia được tạo nên bởi bao nhiêu “nghệ sĩ ve”. Đôi khi, tôi thèm được nhìn thấy lại màu xanh biếc trên những đôi cánh mỏng. *** Từ quê nhà, Đăng gửi cho tôi một con ve sầu ép khô của mùa hè cũ: “Tôi muốn gọi thời gian trở về thời thơ ấu, những ngày tháng đầy niềm vui. Khi còn nhỏ, chúng ta chưa biết gì về những ganh đua và tham vọng. Yêu thương và chơi đùa là tất cả những gì ta biết về cuộc đời. Và những con ve sầu còn tượng trưng cho tình bạn. Tôi biết bạn giận vì tôi đã cố giữ lấy cho riêng tôi những màu sắc đẹp, những con ve sầu còn đang ca hát. Nhưng từ khi bạn đi, bộ sưu tập của tôi vĩnh viễn không có thêm một con ve sầu nào nữa. Tôi biết mình có lỗi. Nhưng chúng ta cũng đánh mất tình bạn rồi sao? Tôi nhớ bạn.” Tôi đọc ở đâu đó rằng: “Chúng ta thường đi qua cuộc đời mà không nhận biết sự khác nhau giữa tình bạn và sự quen biết. Người quen là người ta biết tên và thường hay gặp. Ta có thể chia sẽ nơi ở, bàn làm việc, những bữa ăn, kể cả thời gian. Nhưng họ không phải là người để ta chia sẻ những khoảnh khắc đặc biệt trong đời. Và ta cũng không biết được đâu là những khoảnh khắc quan trọng trong đời họ. Còn bè bạn là những người ta nhớ đến khi nhìn thấy điều gì đó mà ta biết là họ thích, có liên quan đến họ, hay gợi đến những giờ phút đã chia sẻ cùng nhau.” Tình bạn bắt đầu từ đó. Tôi với Đăng cũng vậy. Tình bạn đầu tiên ấy, đối với tôi, cũng giống như lần đầu tiên được chiêm ngưỡng cầu vồng sau một cơn mưa phùn mùa xuân. Như vẻ đẹp của nụ hôn đầu tiên, của một đoá hồng leo lẻ loi trên tường nhà, của một lớp vỏ óng ánh sức sống của một con ve sầu còn biết hát. Có những vẻ đẹp bạn không nhận ra cho đến khi đã đánh mất nó, không phải như người yêu đã chia tay, không phải như nụ hoa đã tàn héo, mà như một phần cuộc đời bạn, không gì thay thế nổi. Tôi gửi lại cho Đăng con ve sầu và viết : “Không nhớ sao, ve sầu tượng trưng cho tình bạn. Nó không bao giờ ca hát một mình. Ở đây không có ve sầu. Hãy để nó trở lại với Đăng, và tôi cũng vậy!” ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
13-04-2006, 06:03 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
Trong lâu đài của ký ức
Mùi hương là vị phù thủy đầy uy lực, đưa bạn vượt qua hàng ngàn dặm và tất cả những tháng năm mà bạn đã sống. (Helen Keller) Hôm hăm lăm tháng Chạp, cô bạn thân thuở nhỏ gửi email về từ Silicon Valley, viết rằng: “V. ơi, sao tự nhiên mình nhớ quá cái mùi gạo nếp sau khi ngâm lá dứa, chuẩn bị để gói bánh Tét. Nhớ không chịu được, cái mùi thơm thơm ngọt ngào toả ra từ thúng nếp có màu xanh nhạt đó. Lạ ghê, Tết nhất không nhớ gì lại đi nhớ một cái mùi quá đỗi mơ hồ!” Có gì đâu mà lạ, bạn của tôi. Mùi hương chẳng phải là cội nguồn của nỗi nhớ đó sao, là thứ được lưu giữ lâu dài và mạnh mẽ nhất trong ký ức của con người. Trong cuốn sách lẫy lừng “Đi tìm thời gian đã mất”, Marcel Proust đã viết thế này: “Từ một quá khứ xa xăm nơi không còn gì tồn tại nổi, sau khi mọi con người đã chết, sau khi mọi sự vật đã tan vỡ, thì chỉ còn độc nhất mỗi hương vị là lưu lại, trong một thời gian rất dài, điềm tĩnh và chung thủy tựa những bóng ma, mỏng manh mà rất kiên cường, mơ hồ nhưng vô cùng bền bỉ, và chỉ trong giây lát xuất hiện của nó, trong cái cốt lõi bé nhỏ mà rất đỗi tinh tế của nó chứa đựng cả toà lâu đài mênh mông của ký ức”. Tôi nhớ có lần tôi hỏi bạn, trong bài hát “Scarborough fair” có một câu lặp lại trong tất cả các đoạn, nhưng dường như vô nghĩa: “parsley, sage, rosemary and thyme”. Đó chỉ là tên của bốn loại thảo mộc: ngò tây, xô thơm, hương thảo và húng tây. Nó liên quan gì đến Scarborough fair và tình yêu kia chứ? Bạn trả lời, nó có nghĩa đấy. Cả bốn loại thảo mộc này đều là biểu tượng của tình yêu, lòng chung thủy và những hoài niệm. Và đặc biệt nhất, tất cả đều có mùi thơm rất riêng. Chúng gợi lên nơi chàng trai nỗi nhớ da diết về “mùi hương xuân sắc” của người con gái mình yêu. Chúng như một tín hiệu nhắn gửi rằng: “Em yêu ơi, anh đã luôn mang theo mùi hương trong nỗi nhớ. Còn em, sao không trở về” Bài hát sau đó đã được nhạc sĩ Phạm Duy đã chuyển lời Việt với tựa đề "Giàn thiên lý đã xa". Không biết vô tình hay hữu ý, nhưng thật tuyệt vời khi ông đã tìm được một hình ảnh tương đồng với những thảo mộc trong “Scarborough fair”: những bông hoa thiên lý dân dã, có mùi thơm thoảng dịu, màu xanh ngọt ngào để làm khởi đầu cho tình yêu, nỗi thất vọng, và cả những hoài niệm êm đềm của một “trái tim non”. Một sáng tháng chạp, khi vừa mở bừng mắt dậy, tôi bỗng nghe phảng phất trong không gian một mùi nồng nồng quen thuộc lắm. A, mùi củ kiệu. Không cần chạy xuống bếp, cũng biết mẹ đã mua liền mấy thúng củ kiệu về chuẩn bị ngâm chua. Cái mùi củ kiệu ấy còn vương bám trên mọi ngóc ngách trong nhà dai dẳng đến vài ngày sau, qua mấy công đoạn ngâm, phơi, cắt...cho đến khi đã yên vị hẳn trong lọ, những củ kiệu trắng tinh, ngon lành, sạch sẽ. Bắt đầu từ đó, tôi biết Tết đã cận kề. Những ngày tiếp theo, khứu giác của tôi làm việc hết cỡ vào mỗi buổi sáng. Quấn mình trong chăn ấm, tôi thích thú gọi tên từng mùi: đây là mùi măng khô đang luộc trong nồi. Đây là mùi thịt kho hột vịt, nghe thoảng thoảng vị béo của mỡ. Đây là mùi ngọt gắt của đường cát chưa tan hết trong chảo mứt đang sên. Đây là mùi đậu xanh vừa xát vỏ. Đây là mùi hoa vạn thọ, hẳn ba vừa mua mấy chậu về đặt trước hiên nhà. Còn đây chắc chắn là mùi khói của nồi bánh Tét đang sôi. Và đây, mùi nhang trầm – hôm nay đã là ba mươi rồi đó, dậy đi thôi để chuẩn bị rước ông bà về ăn Tết với cháu con. Có người nói với tôi rằng, đôi khi đang chạy xe trên đường, chợt nghe mùi vôi vữa là anh nhớ Tết, khi nhà nhà xây sửa, khi những bức tường đua nhau mặc áo mới. Tôi thì nhớ Tết khi ngửi thấy mùi vẹc-ni, nhớ lúc mấy chị em hè nhau đánh lại bộ ghế xa lông bằng gỗ trong phòng khách. Thỉnh thoảng, khi tình cờ đi ngang xưởng mộc, một niềm vui lạ lẫm bỗng len vào tim tôi, khơi lại cảm giác êm đềm của những ngày giáp Tết, nỗi nôn nao chờ đợi Tết đến. Lạ vậy đó, mỗi năm Tết lại đến một lần, nhưng lần nào ngửi thấy mùi vẹc ni, hay mùi củ kiệu... tôi đều có cảm giác như sắp được đón Tết lần đầu vậy. Có một tài liệu nghiên cứu viết rằng khứu giác của con người chúng ta có thể nhận biết được đến 10.000 mùi khác nhau. Phải chăng vì vậy mà chúng ta luôn bị bao vây bởi ký ức. Một mùi nước hoa ám ảnh. Mùi tóc thơm dịu dàng của cô bạn gái. Mùi khói chiều cuối năm. Mùi nhang trầm đêm Giao thừa. Mùi nếp ngâm lá dứa. Mùi củ kiệu hăng hăng. Mùi bông vạn thọ chưng trên bàn thờ... Phải chăng vì vậy, mà khi nhớ Tết quê nhà, bạn không chỉ nhớ màu mai vàng rực rỡ, đào phai thắm hồng, dưa hấu đỏ, bánh chưng xanh, mà còn nhớ cả những mùi hương nhẹ tênh mà quấn quýt mãi trong tiềm thức. Biết gọi tên những mùi hương mơ hồ ấy là gì đây - chỉ biết nó đồng nghĩa với nỗi nhớ thiết tha cái Tết quê nhà! ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
13-04-2006, 06:07 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
Thương trái mãng cầu bở
Vườn nhà ngoại có hai cây mãng cầu, một mãng cầu bở, một mãng cầu dai. Bà ngoại nói xưa nay chẳng ai thích mãng cầu bở, vì nó ít cơm, nhiều hạt. Chỉ trừ ông ngoại. Mà lạ, ông ngoại bị rụng gần hết răng từ hồi mới 40 tuổi, đến khi già chỉ còn hai hàm lợi, miệng móm mém, nhưng cứ khăng khăng đòi ăn mãng cầu bở. Cây mãng cầu bở mọc ngay bên cửa sổ. Mỗi mùa trái chín, bà lại ngồi chăm chú, cần mẫn bẻ quả mãng cầu làm đôi, dùng thìa xắn xắn, lấy từng cái hạt đen nhánh, để riêng phần cơm ít ỏi vào một cái đĩa nhỏ cho ông ăn. Ông mất đi rồi, chẳng còn ai ăn mãng cầu bở. Cả đến chim và dơi cũng không thèm ăn. Trong khi cây mãng cầu dai ở góc vườn thật đông khách viếng thăm, bà ngoại, cậu, rồi mẹ và các anh chị tôi thay phiên nhau ra thăm suốt ngày, để thấy có trái nào vừa già, gai vừa nở to là hái mang ngay vào nhà vì sợ để chín cây thì chim ăn mất, không đến lượt người. Bên cửa sổ, cây mãng cầu bở mọc chơ vơ, lá cứ nhỏ dần, cành cứ khẳng khiu dần, trái chín rồi rụng xuống. Họa hoằn lắm, mới có một buổi sáng thấy vỏ và hạt đen rơi đầy trên mặt đất, phía trên cao treo lủng lẳng một quả mãng cầu đã bị chim mổ gần một nửa. Cậu nói : “Chặt quách nó đi cho rồi”. Tôi nghe xót lòng, liền thì thầm với ngoại, “Đừng chặt, ngoại à. Con thích ăn mãng cầu bở thôi!” Bà ngoại cười, lắc đầu: “Cha mi , răng giống ông mi rứa, thích chi mà lạ lùng. Thôi, bà nỏ chặt mô!” Từ đó tôi cần mẫn hết mấy mùa với mãng cầu bở, vừa ăn vừa nghịch hạt trong miệng, phải tập cả tính kiên nhẫn, giống như ăn hạt dưa mà không dùng tay, lừa lừa, cắn cắn, đôi khi vẫn không tách được lớp cơm mãng cầu mỏng tang bọc quanh cái hạt đen nhánh. Tôi nhớ lời con chồn trong Hoàng tử bé (Saint Exupéry): “Khi đã thuần dưỡng nó rồi, thì nó thuộc về ta, và ta phải có trách nhiệm với nó”. Cứ mỗi lần cầm trái mãng cầu dai ngon lành tôi lại thấy có lỗi với cây mãng cầu bở mọc buồn bên cửa sổ. Cây cũng như người, ra hoa kết trái có cầu chi đâu, chỉ mong dâng cho đời chút gì thơm thảo, cũng đâu phải tự nó muốn mình sinh ra làm giống mãng cầu ít cơm nhiều hạt, rời rạc lỏng bỏng như vậy, chẳng làm hại ai sao lại hất hủi nó đi. Chắc chắn trời phải có gì bất công, giống như sinh người xấu lại sinh người đẹp, sinh người thông minh lại sinh người ngờ nghệch, sinh người tài năng lại sinh người kém trí... Giống như một câu chuyện nào đó mà ông ngoại từng kể cho tôi nghe, trong đó nói rằng vạn đồng tiền bố thí của người giàu cũng không bằng mấy đồng lẻ chắt chiu chia sẻ của một bà goá. Tôi nghĩ có lẽ xưa ông cũng nghĩ vậy, khi ăn mãng cầu bở, vì thương. Tháng tư, đi trên đường Sài Gòn thấy người ta đẩy từng xe chất ngất ngưỡng những quả mãng cầu to đi bán. Tôi dừng lại hỏi theo thói quen: “Mãng cầu dai hay bở hả chị?”. Người bán hàng giở nón lên, quệt tay lau mồ hôi trán, nhìn tôi mà cười khoan dung như với một kẻ ngờ nghệch : “Làm gì có bở. Toàn mãng cầu dai!”. Cũng dễ hiểu thôi, cái giống mãng cầu bở ăn bắt mỏi miệng. Theo quan điểm “ưu sinh” làm sao không tiệt chủng cho được. Tôi cầm lên một trái mãng cầu, mềm mà chắc tay, bóp vào không thấy rời từng hạt, vỏ mỏng tươi, gai nở to. Chắc chắn là mãng cầu dai rồi. Tự nhiên thấy buồn, tự nhiên thấy nhớ cây mãng cầu bở của ông ngoại. Tuổi nhỏ tôi với tấm lòng trong trẻo cố ngồi ăn cho hết mấy mùa mãng cầu bở, để đến lớn, lại theo thuyết “ưu sinh” của người lớn chọn mãng cầu dai để ăn. Tôi gọi điện thoại về nhà. Hỏi mẹ cây mãng cầu ra sao. Mẹ nói , nhớ con nên không chặt. Nhớ ngày xưa ngày nào con cũng leo lên đó. Tới mùa thì ngày nào cũng ra thăm, gặp trái chín thì rút ngay cùi vứt đi, rồi vắt vẻo ăn ngay trên cành, cả chim cũng không giành được…Bây giờ nó không ra trái nữa, nếu có thì chỉ còi cọc, chẳng ai buồn ăn. Ba cứ tỉa bớt cành, chỉ còn gốc và những cành nhỏ, nhưng được cái mỗi mùa mưa, nấm mèo mọc nhiều lắm. Cũng lạ, những cây khác chẳng thấy mọc nấm mèo, chỉ có nó, sau mỗi ngày mưa, sáng ra nấm mèo nở đầy gốc. Tôi cười, ứa nước mắt. Ôi cây mãng cầu của tôi, cảm ơn mày vẫn cố sống, cám ơn những hoa quả từ giọt nhựa chắt chiu mày vẫn cố mang đến cho cuộc đời này, dù phải vay mượn từ những cơn mưa. ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
13-04-2006, 06:10 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
Hãy luôn mở cửa
Ngôi nhà được “khởi công” vào một ngày cuối năm 1978, trước khi tôi ra đời đúng hai tháng tròn và hoàn tất sau 52 ngày. Ông Nội đã tích góp từng tấm tôn, từng bao xi măng, từng thiên gạch…từ nhiều vụ lúa trước, và mặc dù nguyên liệu chưa được bao nhiêu nhưng ông vẫn quyết định bắt tay xây dựng ngôi nhà. Vì đứa cháu Nội đầu lòng của ông sắp chào đời. Mùa lạnh thì đang đến, và căn chòi trống lốc quây bằng cót, lợp bằng lá dừa nằm chơ vơ giữa rẫy mì mà ba mẹ tôi đang ở chắc chắn không thể che chở nổi cho sinh linh bé nhỏ (là tôi) qua những cơn gió buốt da tháng Chạp. Thế là, trong khi ba tôi đi cày, mẹ tôi đi dạy, bà Nội đi chợ thì ông Nội hì hục một mình đào móng, trộn vữa, đặt từng viên gạch…trên mảnh đất mà ông khai phá được từ nhiều năm trước. Và rồi căn nhà hoàn thành, rất đơn giản, chỉ là hai gian phòng chữ nhật ghép vào nhau thành hình L, lợp tôn, vách bằng gạch, quét vôi màu mỡ gà, những cánh cửa sơn xanh…và một chái bếp nhỏ chìa ra như cái đuôi xấu xí. Đối với ba mẹ tôi, món quà của ông là một thiên đường. Ông chỉ dặn một câu: “Trong ngôi nhà này, các con hãy yêu thương nhau, và hãy luôn mở rộng cửa!” Trong ngôi nhà ấy, tôi đã lớn lên. Những ngày thơ ấu êm đềm. Ban đêm, tiếng mưa xối, tiếng gió đưa những cành xoài ràn rạt trên mái tôn, cả tiếng xe chạy qua lại ngoài đường quốc lộ, những âm thanh quen thuộc dỗ tôi vào giấc ngủ. Buổi sáng mở mắt, chạy ra sân đã thấy những hàng bắp, những luống dưa leo tươi nõn, xanh ngắt mà ông Nội trồng quanh sân. Cỏ lóng lánh sương. Chim ríu rít trên cành ổi sau nhà…Con bò vàng cất tiếng “ụm bò… ò” bên cạnh cây rơm. Lớn lên một chút, ngôi nhà cùng chúng tôi trải qua những sự kiện đáng nhớ. Nhà tôi ở ngay mặt đường quốc lộ, lại có vườn xoài râm mát nên nhiều xe tải, xe khách Bắc Nam dừng lại cho khách nghỉ ngơi hoặc bị hỏng xe cả hai ba ngày trời. Sau một thời gian phải trả lời cho quá nhiều khách vào hỏi xin nước uống, tắm giặt, nấu ăn…Ba tôi quyết định dỡ cả hàng rào, chặt bớt cành xoài để xe có thể vào đậu hẳn trong sân. Đồng thời, đóng một tấm biển đề chỉ dẫn đến nhà bếp, nhà vệ sinh, giếng nước, và chua thêm câu : “Miễn phí!”. Tôi nhớ mãi những buổi trưa, mấy chị em ngồi chơi trước hiên, nhìn ra sân la liệt người trải chiếu, tấm nilông nằm ngồi dưới bóng xoài đợi sửa xe, nói chuyện ồn ào với đủ giọng… Cũng một buổi trưa như thế, khi mẹ tôi đang nấu ăn trong bếp thì có người đàn bà mang bầu chạy vào kéo tay: “Chị ơi làm ơn làm phước. Em sắp sanh rồi!” Những người khách lỡ đường rỗi rãi liền nhao nhao chạy vào xem và la lên, bảo mẹ tôi đưa người phụ nữ ấy ra gốc xoài ngay, chứ để bà ấy đẻ rớt trong nhà mình thì…xui lắm! Mẹ rất bình tĩnh, lịch sự mời mọi người yên lặng ra ngoài, đóng cửa lại, lấy khăn gối sạch trải lên tấm phản gỗ cho người kia nằm, bảo tôi chạy đi gọi cô mụ gần đó. Cô mụ đến chưa được 10 phút thì đứa bé oe oe chào đời, ngay trên tấm phản mà chị em tôi vẫn ngủ trên đó. Cảm giác lạ lẫm mà tôi trải qua buổi trưa hôm ấy chưa bao giờ tan biến. Vài năm sau sự kiện đó, ba tôi mua giường mới cho mấy chị em, còn tấm phản thì mang ra hiên để ngủ trưa cho mát. Đêm nọ, một ông lão hành khất đột nhiên xuất hiện, xin được tá túc trên chiếc phản. Mẹ mang ra cho ông thêm cái gối và tấm mền. Cứ sáng sớm, ông xếp chăn gọn gàng rồi tay bị tay gậy mà đi cho đến tận khuya, khi cả nhà tôi đã ngủ, ông mới về. Đến khi trời trở lạnh, và đột ngột đổ mưa xối xả, mẹ đi qua đi lại ngó ra hiên vài lần, rồi bảo ba mời ông lão vào ngủ luôn trong nhà. Sáng mai, tỉnh dậy thì ông lão đã đi, không lời từ biệt, để chăn gối lại, chỉ mang theo… chiếc áo len của ba tôi vẫn treo ở đầu giường. Nhiều năm sau, gia đình tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc lại những chuyện xưa cũ ấy. Tôi cười rằng: “Mẹ gan thật, chẳng may ông ấy không phải là người tốt và khiêng hết đi thì sao”. Mẹ cười hiền lành: “Ừ, cũng có thể. Nhưng để ông ấy ngủ ngoài mưa thì mẹ không chịu được. Con không biết cái cảnh đó khổ sở như thế nào đâu. Ông Nội cũng đã luôn nói là “hãy mở rộng cửa”. Mà mẹ nghĩ, mình đối xử như vậy, lẽ nào…” Cái triết lý đó của ba mẹ tôi, cũng đơn sơ giản dị như ngôi nhà vậy, cứ thế mà qua bao thăng trầm cuộc đời. Và cứ mỗi năm, cho đến gần 20 năm sau, đứa bé tên Rớt ngày nào bây giờ đã thành chàng trai chững chạc, vẫn theo cha (mẹ của cậu bé thì không bao giờ đến vì…mắc cỡ) trở lại cám ơn ba mẹ tôi và rất áy náy khi thấy gia đình tôi vẫn cứ thế, vẫn ngôi nhà cũ, khu vườn xưa, chứng tỏ chẳng làm ăn “lên” được, trong khi gia đình họ thì khá giả hơn xưa rất nhiều. Thật ra, mẹ nói, bây giờ ba mẹ đã có dư khả năng xây một căn nhà mới. Nhưng mỗi lần nhìn lại tường vôi loang lổ, cánh cửa gỗ sơn xanh, mẹ lại nhớ ông Nội nay đã về với đất mà không đành lòng. Vả lại, mẹ nhấn mạnh : “Ba mẹ vẫn thấy mãn nguyện khi sống trong căn nhà này!”. Tôi hiểu mẹ, bởi tôi cũng vậy, ngay cả khi đã lấy chồng, và đến sống trong một ngôi nhà khác, tiện nghi và đẹp đẽ hơn rất nhiều, nhưng chỉ khi về lại ngôi nhà cũ, tôi mới có được những giấc ngủ thật sâu. Ngôi nhà không chỉ là ngôi nhà, mà là tổ ấm thương yêu, là kỷ niệm. Nó cũ kĩ đơn sơ vậy, nhưng đã chở che cho cả một gia đình, từ khi đưá con đầu lòng của ba mẹ tôi ra đời cho đến khi đứa con út tốt nghiệp đại học. Nó nhỏ bé chật chội vậy, nhưng luôn mở rộng cửa, để chở che cả những mảnh đời nào đó tình cờ ghé ngang. ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
13-04-2006, 06:13 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
Giáng Sinh ư ? Hãy đến một nơi xa lạ!
Tôi nhớ có người nói rằng: “Giáng Sinh luôn luôn là khoảnh khắc bạn cảm thấy nhớ nhà - kể cả khi bạn vẫn đang ở nhà” (Carol Nelson) Ấy vậy mà mười năm nay tôi đã phải đón Noel ở Sài Gòn, hỏi sao tôi không nhớ nhà cho được. Tôi lớn lên giữa một xứ đạo. Và ký ức về Noel đầu tiên của tôi là năm bảy tuổi, khi tôi được chọn vào đội thiên thần múa bài “Cao cung lên” ở nhà thờ trong buổi lễ nửa đêm. Lần đó, tôi đã khóc đến sưng mắt để đòi ba phải cho tôi uốn tóc xoăn, và mẹ phải may cho tôi một cái áo đầm trắng. Phải vậy chứ, vì tất cả các thiên thần đều có mái tóc xoăn, mang áo trắng và đeo một đôi cánh cũng trắng tinh. Mất bao nhiêu nước mắt thuyết phục, đến khi ba mẹ tôi đồng ý thì hỡi ôi, tôi bị loại khỏi đội múa vì...tay chân cứng quá! Để xoa dịu nỗi buồn của cô gái nhỏ, tất cả những người lớn trong gia đình đã làm tất cả để Giáng Sinh năm ấy trở thành một sự kiện tuyệt vời nhất trong đời tôi. Có lẽ vì vậy mà từ đó Giáng Sinh đã trở nên rất quan trọng với tôi! Cậu làm cho tôi một chiếc đèn ngôi sao thật lớn. Dì tôi làm bánh buche, mẹ ngâm dâu tây…Cả nhà cùng nhau thiết kế một hang đá khổng lồ với cây lồ ô, rơm và bao xi măng, dựng “cây thông” bằng cành dương đính bông gòn và kim tuyến, treo đèn rực rỡ hơn bất cứ nhà nào trong xóm. Chúng tôi ăn Réveillon với nồi cháo gà vàng ngậy, thơm phức của bà ngoại... Nhưng điều đặc biệt nhất đối với tôi, đó là Ba Mẹ đã quyết định đưa tôi đi lễ nửa đêm ở một giáo xứ khác, để tôi không phải chạnh lòng khi thấy bạn bè múa “Cao cung lên” trong đôi cánh thiên thần. Đó là một giáo đường lạ, với những giáo dân tôi chưa từng gặp bao giờ. Nhưng chính khung cảnh náo nhiệt, ấm cúng, sự hồ hởi vui mừng của tất cả mọi người, bài thánh ca quen thuộc “Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng....” đã khiến tôi cảm thấy mọi thứ đều vô cùng thân thuộc. Rất nhiều năm đón Noel ở Sài Gòn, nỗi nhớ quê nhà luôn tràn ngập trong tim, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn hay buồn chán. Bởi mỗi một đêm Giáng Sinh, tôi đều tìm đến một nơi hoàn toàn xa lạ, chưa đặt chân đến bao giờ. Có năm, tôi không đi lễ ở nhà thờ quen mà ghé thánh đường nhỏ tên là “Phanxicô khó khăn” trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Có năm, tôi đi dự lễ hội hoá trang ở một trường Đại học với người bạn mới quen. Năm sau, tôi tham gia đội tình nguyện mặc áo ông già Noel đi phát quà cho trẻ em đường phố ở Tao Đàn. Một lần khác, tôi xin một chân bán hàng thời vụ tại một cửa hàng bán đồ trang trí cây thông trước cửa Nhà thờ Tân Định. Nhưng cũng có lúc, không có cuộc hẹn nào cho đêm Giáng Sinh, tôi đã một mình bước chân vào quán cà phê lạ, ngồi đối diện với cây nến nhỏ và lặng ngắm những cặp tình nhân... Giáng Sinh, đó là một thời điểm đặc biệt, không chỉ về mặt tôn giáo. Nó là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm, có lẽ chỉ sau Tết Nguyên đán. Ngay từ đầu tháng mười hai, ông già Noel đã dạo những bước đầu tiên trên đường phố Sài Gòn. Các cửa hiệu đều trang trí chủ đạo ba màu trắng, xanh lá và đỏ sậm, những con phố chuyên bán cây thông và đồ trang trí bắt đầu nhộn nhịp. Các shop bán quần áo và đồ chơi trẻ em treo lủng lẳng những dây dài các bộ quần áo Noel đỏ rực. Các trung tâm thương mại lớn giăng đèn và dựng cây thông khổng lồ với tượng ông già Tuyết bên cỗ xe tuần lộc... Phố Sài Gòn nhộn nhịp đến từng nhịp chân đi... Nhưng dưới mắt tôi, Giáng Sinh là thời điểm đặc biệt còn vì một lý do khác. Nếu như bạn ở xa nhà vào khoảnh khắc Giao thừa tết Nguyên đán, cảm giác lớn nhất có lẽ là nỗi cô đơn. Ngay cả khi bạn đang đứng giữa một buổi party đông đúc, một quán cà phê quen, những người bạn thân thiết. Khoảnh khắc Giao thừa luôn khiến bạn nhận ra một khoảng cách nhất định với những người khác và ngay lập tức bạn muốn trở về căn nhà ấm áp của mình bên những người ruột thịt. Đó là khoảnh khắc bất cứ ai cũng thấy lòng chùng xuống một cách vô thức, thu mình lại trong nỗi khát khao được trở về. Giáng Sinh thì khác, một thời điểm không có lý do gì để buồn. Một niềm hân hoan rõ rệt in trên mỗi gương mặt dù lạ hay quen. Một không khí nhộn nhịp, ấm cúng, đầy chia sẻ và cởi mở hiện diện ở bất cứ đâu sẽ khiến bạn không cảm thấy e dè khi phải là người lạ. Đón Giao thừa ở nhà người khác thì thật vô duyên và lạc lõng, nhưng ăn Réveillon ở nhà bè bạn lại là những khoảnh khắc tuyệt vời. Đối với tôi, Giáng Sinh luôn là thời điểm giúp tôi nhận ra những khía cạnh tốt đẹp ở người khác một cách dễ dàng nhất. Những con người này, tôi có thể đã gặp họ đâu đó trên đường, khi họ càu nhàu vì khói bụi, nhăn nhó và bẳn gắt vì những chuyện bực mình ở gia đình hay nơi công sở. Bình thường họ trưng ra những bộ mặt có thể đáng ghét biết bao nhiêu, nhưng vào đêm Noel, họ ăn mặc rất đẹp, họ cười nói một cách thoải mái và vui vẻ! Họ thân thiện và đáng yêu! Cũng như tôi, họ cảm thấy dễ chịu, bình an, trái tim mở rộng và sẵn sàng chia sẻ niềm vui. Vì vậy, tôi gọi Giáng Sinh là thời điểm tốt nhất để bắt đầu một tình bạn! Hãy đến một nơi xa lạ vào đêm Giáng Sinh. Biết đâu bạn sẽ gặp tôi ở đó, với nụ cười trên môi, tôi sẽ chúc bạn câu này: “Cầu cho niềm vui của hôm nay luôn tràn đầy ân phúc, và mỗi con đường đều dẫn đến bình an.(Agnes M. Pharo) Giáng Sinh vui vẻ ! ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
13-04-2006, 06:15 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
Đá mọc trong vườn
“Một linh hồn khép kín tự trăm năm Đừng cúi nhặt sẽ đau lòng biển cả Đừng lăn đi mất dấu chỗ tôi nằm” (T.T.Đ) Thỉnh thoảng, khi ngồi ngắm mấy hòn đá nhỏ đặt bên cạnh hồ cá trước sân nhà, mẹ tôi lại tủm tỉm nhắc lại một kỷ niệm vui ngày mới về làm dâu. Vốn tính gọn gàng, và ưa chăm sóc vườn cảnh, mới về mấy ngày mẹ đã ra tay sắp xếp lại cái hồ cá bằng xi măng be bé vốn để không từ lâu lắm, xin mấy con cá vàng, cá bảy màu về thả, gom mấy chậu hoa vứt lỏng chỏng khắp nơi, bày thêm mấy hòn đá nhỏ đủ màu để bài trí thành một góc vườn rất đẹp. Đến chiều, khi mẹ đang lui cui nấu cơm sau bếp thì nghe ông Nội vừa đi rẫy về hét ầm lên từ ngoài sân: “ Trời ơi, đứa mô lấy mấy cục đá... kỳ lưng của tau ra vứt ở đây rứa bây?”. Thì ra... mẹ cứ tưởng ai đó bày mấy cục đá trong nhà tắm cho có vẻ thiên nhiên, nhưng mẹ thấy đặt ở đó hình như chúng trơ trọi và ít được chăm sóc quá nên hí hửng đem ra vườn cho đúng chỗ! Nghe mẹ tái xanh mặt ấp úng giải thích, cả nhà bò ra cười, còn mẹ thì tấm tức khóc vì vừa sợ ông Nội vừa…quê! Cho đến giờ, mẹ tôi vẫn không hiểu nổi tại sao người ta lại có thể dùng những viên đá đẹp như vậy chỉ để... kỳ lưng cho được. Một cách cực đoan, bà cho rằng, đó quả là một sự xúc phạm đến thiên nhiên! Những viên đá đó, nếu tình cờ bắt gặp trên đường, bên bờ suối, ngòai bãi biển, mẹ đều nâng niu nhặt về đặt lên thành cửa sổ hay trên bàn học. Và khi chúng trở nên quá nhiều, mẹ cặm cụi xếp thành đống dọc theo bờ rào. Thật ra, mẹ chỉ nhặt những hòn đá lẻ loi đâu đó, tập trung về một chỗ cho chúng có bạn. Đôi khi, lăn lóc bên đường đó, nhưng chúng đã nhìn thấy bao cuộc đổi dời. Khi có chuyện buồn, mẹ thường ra hiên ngồi ngắm cây và ngắm đá! Mẹ nói, nhìn vào đó có thể thấy quá khứ, vị lai của con người, và rồi thấy lòng nhẹ như tơ. Có lúc, tôi đùa rằng: “Người Nhật vẫn luyện tâm thiền bằng cách ngắm “đá mọc”. Còn mẹ, ngắm đá mấy chục năm rồi, mẹ đã bao giờ thấy đá nở hoa chưa?” Mẹ nghiêm mặt. “Thiên nhiên có đời sống riêng của nó. Đơn giản và lặng lẽ thôi nhưng có thể dạy cho con người nhiều lắm đấy! Mẹ không biết đá có nở hoa không, nhưng mẹ biết là khi con thấy trái tim và trí tưởng tượng của mình không nở hoa được nữa thì khi ấy con đích thị chỉ là một viên đá mà thôi!” Hôm nọ, tôi đến thăm “gia trang” mới lập của một người quen ở quận 12, vừa bước qua khỏi cánh cổng gỗ kiểu xưa đã thấy sừng sững một cột đá cao ngất... Chủ nhà kể, vẻ tự hào, khối đá ấy được mua tận Ninh Bình, tiền thuê xe chở vào, tiền thuê xe cẩu để cẩu viên đá qua khỏi cổng vào trong sân còn nhiều gấp mấy lần giá trị khối đá ấy! Nhưng đã chơi thì...phải cỡ đó mới sướng! Bây giờ, chơi đá cũng là một thú chơi sang. Từ những hòn nhỏ, đến những cột lớn nặng cả tấn. Từ những viên đá vân màu, được bào nhẵn, trơn tru từ nghìn năm dưới lòng suối cho đến những viên đá vừa được chẻ ra từ vách núi còn nóng hổi. Từ những viên đá có hình dạng kỳ thú, đến những khối đá xù xì mộc mạc. Theo một trào lưu mới, đá bắt đầu tiến từ chốn hoang sơ về nơi đô thị. Tôi về kể mẹ nghe, có ý so sánh với mấy viên đá nhỏ mẹ nhặt ngòai vườn, mẹ tôi mỉm cười: “Chiếm hữu thiên nhiên vốn là tham vọng của con người, và tham vọng đó chỉ có ngày càng lớn hơn chứ chẳng bao giờ nhỏ đi cả!” Càng ngày con người càng thấy thiếu thiên nhiên. Và người ta cố đưa một chút thiên nhiên vào nhà để cân bằng lại cuộc sống công nghiệp bề bộn máy móc và kỹ thuật. Trong vườn nhà phải có “cỏ cây chen đá, là chen hoa”, rồi phải có ao sen, hồ cá. Bởi vậy mà đá cũng đang “mọc” trong rất nhiều khu vườn, bên cạnh ao hồ và cây xanh. Mẹ tôi chỉ tự hỏi, người ta chơi đá như một cách đến gần với thiên nhiên hay một cách chiếm hữu nó? Bà cho rằng, sẽ vô duyên làm sao, nếu như những viên đá đặt trong vườn kia chỉ để trang điểm phô trương, chứ không phải để gợi nhớ đến con sông ngọn suối, không tưởng nhớ đến núi cao rừng sâu… Lãng phí làm sao, nếu ta không bao giờ chịu bỏ chút thời gian quý giá để ngồi ngắm đá “mọc” trong vườn, và để nhận ra rằng lòng mình vẫn nở hoa... ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
13-04-2006, 06:19 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
Giấc mơ màu khói
Người thương ơi Mùa xuân cạn rồi Bếp lửa tro tàn Tình ta còn ấm không? (Thủy Vũ) Trong đầu óc lũ trẻ nhà quê, bếp chưa bao giờ là một nơi đẹp đẽ. Có gì mà đẹp, nhà nghèo, bếp thường chỉ là một chái nhỏ sau nhà, nền đất, vách đất,nằm cuối chiều gió thổi để khói bếp không bay lên nhà trên. Bếp thường đắp bằng đất sét, trông như một ụ mối nhỏ, trổ hai hoặc ba cửa, có gắn một cái kiềng trên miệng. Phía trên là một giàn tre treo lủng lẳng nào hành, tỏi, bắp khô, bên cạnh là một cái kệ thấp úp nồi niêu xoong chảo. Trên bức vách bám bồ hóng đen xì còn treo cả cặp gióng gánh! Một căn bếp dù sạch sẽ đến mấy cũng lỉnh kỉnh đồ đạc: chày cối, thúng mủng, một nhúm rơm, một thau trấu, mấy thanh củi, một ống thổi lửa và một que cời … Ấy vậy mà mỗi chiều đi học về, nơi đầu tiên bọn trẻ bước vào là bếp. Ở đó luôn có hơi ấm của nhấm trấu. Buổi sáng nấu nướng xong, mẹ không bao giờ quên đổ một mớ trấu, dằn lại để âm ỉ. Chiều về chỉ cần bới lớp trấu trên mặt, lấy ống thổi nhẹ là lửa cháy. Ở đó luôn còn bắc trên bếp một nồi khoai nóng hổi tuỳ mùa, khoai lang, khoai mì, khoai dong trồng sau vườn hay bắp luộc, đậu phộng tươi vừa nhổ ngoài ruộng về…Ở đó, luôn có mùi thơm của rơm khô. Cuối mỗi mùa lúa, ba luôn cẩn thận phơi rơm cho thật khô, rồi “xây” quanh một cây cột thành đụn lớn ở góc vườn, dành riêng cho mẹ đun bếp. Rơm khô bắt lửa rất nhanh, cháy rừng rực và mau chóng lụi tàn. Nhưng làn khói từ lửa rơm toả ra khắp vườn bao giờ cũng có một mùi thơm đặc biệt, mùi thơm của nắng vàng và của mùa lúa chín còn sót lại. Nhớ nhất là những buổi sáng cuối năm. Gió ngoài vườn thổi u u lạnh lẽo, trời còn tối đen, nhưng mẹ vẫn dậy sớm xuống bếp nhóm lửa. Lũ trẻ con nằm ngủ say trong chăn ấm, hễ nghe tiếng mẹ thổi lửa là bật dậy. Tiếng thổi lửa đặc biệt lắm, chỉ là một làn hơi dài đi qua cái ống nhỏ, một tiếng “phù” đùng đục, tròn trịa và rất nhẹ, nhưng luôn là âm thanh đánh thức lũ trẻ mỗi sáng. Chúng nhẹ nhàng chui ra khỏi chăn, xỏ chân vào dép và đi xuống bếp. Mùi khói toả ra thơm nồng nàn, làm ấm căn bếp nhỏ. Ánh lửa bập bùng soi mắt mẹ cười hiền : “Ăn sáng đi con!”. Ngồi thu mình bên bếp lửa ấm, ăn một chén cơm nóng chan nước mắm và mỡ đông. Vậy mà thấy ngon không tưởng nổi… Con gái lớn lên một chút, ngày thật sự bắt đầu làm bếp được đánh dấu bởi một buổi chiều ràn rụa nước mắt vì không biết thổi lửa. Khi củi chưa kịp cháy đượm, càng thổi mạnh thì lửa càng lụi đi. Mẹ bảo, phải thổi nhẹ thôi, như thổi sáo vậy, chỉ một làn hơi mỏng! Lửa bếp đó mà, gió nhẹ thì bùng cháy, nhưng gió mạnh thì tắt mất thôi! Giữ lửa là cả một nghệ thuật đấy, con ạ! Những điều đó, sau này cô gái lớn lên rồi mới hiểu. Nhất là khi bắt gặp hoài một tiểu tiết trong các bộ phim trinh thám: “Lửa còn chưa tắt, (tức là) người vẫn ở quanh đây!”. Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp, nhưng cái vắng vẻ của căn nhà không thể sánh nổi với một gian bếp lạnh lẽo. Nhất là bếp quê, cánh cửa xập xệ, bụi phủ đầy trên đồ vật, và trong bếp chỉ là một nắm tro tàn lạnh ngắt. Không có khói bếp, là không có hơi ấm của lửa, một căn nhà nhìn từ bên ngoài không bao giờ thấy khói, là một căn nhà thiếu bóng dáng của người mẹ, người vợ. Làn khói mỏng manh vậy đó, mà bao hàm ý nghĩa lớn lao của sự sống, của hạnh phúc gia đình. Từ đó mà đi, người đàn ông mơ về gian bếp ấm như mơ về hạnh phúc “giá là em, bên kia bếp lửa. Để cùng mơ êm ấm mái gia đình”. Bởi từ đó mà đi, thể hiện nữ tính cao nhất của người phụ nữ sau giấc mơ làm mẹ chính là giấc mơ làm bếp. Sau khi kết hôn, ước được ra riêng cũng bởi mong có được một gian bếp của riêng mình. Mỗi người phụ nữ, đều là nữ hoàng trong gian bếp riêng. Thế rồi, đến khi có bếp riêng, với đầy đủ những tiện nghi…không khói, thì lạ thay, thỉnh thoảng lại có người mơ về gian bếp quê nghèo nàn, chật chội, nhưng nồng ấm mùi rơm thơm trong làn khói lam chiều. ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
22-02-2008, 06:58 | |
kBank Manager
Join Date: 24-04-2004
Posts: 2.502
KL$ (TOP! 28):
4.298
Awarded 58 time(s) Sent 329 thank(s) Received 236 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A3 (2003-2006) Location: Where the 4-leaf-clover grows ^__*
|
Mộng đinh lăng
Vườn nhà bà ngoại có rất ít hoa, chỉ toàn lá. Dường như đối với ngoại, lá thì hữu dụng hơn hoa nhiều. Ngay bên cổng nhà là hai cây dừa, lá sẽ dùng để làm bánh phu thê khi nhà hàng xóm có đám cưới. Leo tràn trên bờ rào là một màu xanh mởn của lá sương sâm. Cứ dăm ngày, bà lại cắp rổ ra lặt về làm món sương sâm nước cốt dừa mát ngọt, thơm thơmmà lũ chúng tôi luôn mê mẩn. Chuối thì bà trồng thành hàng cạnh bờ rào. Để Tết gói bánh Tét khỏi phải mua, không thì lâu lâu cắt một hai tấm lá gói mấy cái bánh ú ăn chơi. Sát cạnh giếng là mấy cây dong, một bụi riềng, dăm khóm xả, một vạt lá lốt, một bụi trầu lớn. Và hai bụi đinh lăng xanh rờn trồng ngay bên cửa bếp. Bà ngoại tôi yêu quý nhất hai bụi đinh lăng này, ngày nào cũng tưới. Mỗi năm vào dịp Tết, tự tay bà sẽ chọn lặt từng ngọn lá đinh lăng để làm món nem bì. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa gặp ai làm món nem bì ngon như bà. Chính món này làm ông ngoại phải lòng bà. Ông ngoại vốn là bạn cờ vong niên của ông cố, thỉnh thoảng vẫn đến chơi nhà, nhưng không bao giờ gặp mặt bà. Ngược lại, bà thì biết ông rất rõ vì bà vẫn nấp sau rèm nhìn trộm chàng trai trẻ ngồi chơi cờ ngoài phòng khách. Ông cố là người khó tính, nên bà luôn phải giấu mình đi khi có khách đàn ông đến nhà. Tóc bà không bao giờ được cắt, và răng thì phải nhuộm hạt huyền. Một Tết nọ, ông cố mời ông ngoại đến nhà, nếm món ruột của cô con gái rượu. Ông ngoại đang mải mê ăn, mải mê nhấp rượu, chợt nghe ông cố hỏi: “Anh thấy răng, có được không?” ông ngoại liền gật đầu tới tấp: “Dạ được lắm, rất ngon” Ông cố cười ha hả: “ Tui không hỏi nem có ngon không. Nem con gái tui làm là nhứt xứ rồi đó nờ. Chừ tui muốn hỏi là anh có ưng cái người làm món nem ni không?” Vậy là, ông ngoại ưng luôn người con gái làm món nem bì ngon tê lưỡi đó, dù chưa một lần gặp mặt. Khi về lập nghiệp tại đất này, việc đầu tiên ông làm sau khi dựng ngôi nhà gỗ nhỏ là trồng hai bụi đinh lăng, để bà làm món nem bì cho ông nhắm rượu. Mỗi khi nhắm rượu, ông lại kể chuyện ngày xưa ông phải lòng bà vì món này. Bà lại cười lỏn lẻn, khoe hàm răng đen nhánh. Sau khi ông ngoại mất, cậu tôi muốn xây lại nhà, đã tranh cãi với bà một trận ra trò. Vì bà nhất định giữ hai bụi đinh lăng ở nơi chúng đã được trồng xuống, mà nếu vậy, thì ngôi nhà sẽ phải xây lệch qua một bên. Bà khăng khăng: “Tau chỉ còn có hai bụi cây này để nhớ đến thầy mi. Để yên đó!” Cậu tôi chịu thua, ngôi nhà không thể nằm giữa mảnh đất, và hai bụi đinh lăng giờ thành ra mọc cạnh cửa hông. Từ khi ông mất, bà ngoại chỉ làm món nem vào dịp Tết. Cứ đến 26 Tết, bà mới mua thịt, bì về, tự tay rang thính, tự tay bà thái thịt nạc thành từng miếng mỏng, thật mỏng, bì luộc sơ rồi thái chỉ, thái vừa, rồi trộn với thính, tỏi, tiêu. Xong rồi nắn thành từng khối vuông, đệm vài lá đinh lăng xung quanh rồi gói lại bằng lá chuối tươi, buộc lạt, đem treo trên đầu bếp. Đến trưa ba mươi lấy xuống đặt lên đĩa rồi mở gói. Thịt chín nhờ lên men có màu phớt hồng, thính vàng ruộm, điểm những sợi mỡ trắng và những sợi bì trong. Bên ngoài lớp lá gói vẫn nguyên màu xanh, lá đinh lăng lót trong cũng vậy. Bày thêm cạnh đĩa mấy tép tỏi bóc sẵn, mấy quả ớt hiểm đỏ tươi. Chưa ăn đã thấy thơm nức mũi. Lá đinh lăng vừa làm đẹp món ăn, lại có mùi hăng hăng nhẹ, vị hơi đăng đắng và cũng có tính an vị, nên ăn với nem vừa chua thì rất bắt. Nhắm chung với chút rượu nữa thì uống đến mềm môi. Tôi đã ngồi xem bà làm món nem ấy suốt những cái Tết thời thơ ấu, nhưng đáng buồn làm sao, không chịu quan sát kỹ. Các dì và mẹ tôi cũng vậy, bởi cứ nghĩ rằng công thức chung là đơn giản. Chính vì vậy mà không chịu hỏi kỹ các công đoạn thái thịt, trộn, gói, tỉ lệ thịt, bì, thính chính xác ra sao. Vì vậy khi bà mất đi, món nem cũng thất truyền. Dì tôi nhớ mang máng cách làm, Tết năm nọ quyết tâm gói thử, nhưng chỉ một lần rồi thôi vì ai cũng nhận ra là khác xa món nem bà làm ngày xưa. Ngồi bên mâm cơm ngày cuối năm, cả nhà ngậm ngùi nhớ ông, nhớ bà, nhớ món nem bì ngon tuyệt mà ứa nước mắt. Có bao nhiêu chuyện bởi cứ tưởng là đơn giản mà chúng ta đã bỏ qua, để rồi nó qua luôn không thể nào níu lại? Ngôi nhà còn được cơi nới thêm hai lần nữa, nhưng vẫn xây lệch, chừa lại hai bụi đinh lăng và khoảng sân rộng bên hông nhà. Lá non vẫn mọc ra, rồi già đi, không ai lặt hái nên ngày càng xum xuê. Tôi nghe người ta nói rằng cây đinh lăng khi được 100 năm tuổi sẽ thành cây thuốc quý. Cậu tôi thì kể rằng có một trưa Ba mươi năm nọ, cậu nằm ngủ quên bên cửa, mộng thấy Đinh lăng hoá người… ------------------------------ Nobody falls in love by choice, it is by chance. Nobody stays in love by chance, it is by work : ) |
18-12-2009, 10:03 | |
God Member
Join Date: 07-09-2009
Posts: 618
KL$ (TOP! 21):
5.040
Awarded 18 time(s) Sent 14 thank(s) Received 29 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A2 (2009-2012)
|
Vãi ((((((((((((((((((((((((((((((((((((
------------------------------ e là thằng vô danh tiểu tốt |
04-01-2010, 10:09 | |
V.I.P
Join Date: 03-01-2010
Posts: 1.293
KL$ (TOP! 13):
7.106
Awarded 21 time(s) Sent 93 thank(s) Received 55 thank(s) School: PTTH Kim Liên
Class: A7 (2009-2012) Location: Paradise o:-)
|
1 câu truyện dài ... để lại cho ta khá nhiều cảm xúc
|