Đã qua rồi cái thời những người Việt Nam ghé tai vào những chiếc đài bán dẫn nghe tường thuật các trận đấu của ĐT Liên Xô, háo hức trước màn hình tivi Neptuyn hồi hộp với dòng chữ “Nếu điều kiện kỹ thuật cho phép…”, hay chôn chân hàng giờ đồng hồ ở cửa Thông tấn xã VN để ngóng kết quả trận đấu của “Gấu Misa”. Tất cả giờ đã thành hoài niệm…
Sau nốt thăng cuối cùng tại EURO 1988, nền bóng đá hậu Xô Viết cứ dần nhạt nhoà với những cung trầm tưởng như bất tận. Hơn một thập kỷ qua, bóng đá Nga chỉ là con số 0 trên bản đồ Cựu lục địa ở cả cấp CLB cũng như ĐTQG. Với nhiều người Nga quen hoài niệm, họ tránh xem những trận đấu của “gấu Misa”. Bởi chẳng có gì đau đớn hơn khi chứng kiến người mình yêu phản bội. VCK World Cup 1994, EURO 1996, ĐT Nga bị loại ngay từ vòng đấu bảng. World Cup 1998 và EURO 2000, “Gấu Nga” không tìm được đường đến VCK. Tại World Cup 2002, Nga cũng không để lại dấu ấn nào và phải xách va li về nước sau vòng 1. Và giờ đây, thất bại trước Bồ Đào Nha đã khiến Nga trở thành đội bóng đầu tiên bị loại tại VCK EURO 2004. Đó cũng là trận đấu thứ 9 liên tiếp không thắng tại các VCK EURO của họ, một kỷ lục buồn!
Mấy giải đấu lớn trước, giới chức bóng đá Nga từng nêu ra nguyên nhân thất bại của “Gấu Misa” là do… Quốc ca Nga chỉ có giai điệu hùng tráng chứ không có lời. Nên mỗi khi ĐT Nga ra trận, khi Quốc ca Nga cất lên thì cầu thủ Nga chỉ biết... ngậm miệng lại, cúi gầm đầu xuống đất mà im lặng lắng nghe thôi. Còn khi đến lượt quốc ca đối phương, người ta ngẩng cao đầu hiên ngang hát ầm ầm làm mất hết khí thế của họ. Nhưng giờ đây, khi Quốc ca Nga đã có lời (lời bản Quốc ca của Liên bang Xô viết trước đây) mà ĐTQG vẫn thất bại, chắc hẳn họ chỉ còn cách nhìn lại mình…
Sự thối nát của nền bóng đá hùng mạnh một thời đã tới tận gốc rễ! Việc chuyển đổi cơ chế quá nhanh, đốt giai đoạn, đã làm thay đổi bộ mặt của cả nền bóng đá đất nước Bạch dương. Những tài năng không còn được quy tụ mà rải rác ở các nước cộng hoà thuộc Liên bang Xô viết trước đây. Các ngôi sao thì tìm đường ra nước ngoài thi đấu, chẳng mấy mặn mà đến chuyện màu cờ sắc áo, nội bộ ĐTQG lại thường mất đoàn kết vì chuyện phe phái… Công tác đào tạo trẻ bị bỏ bê, các CLB cũng chẳng mấy hứng thú thu hút các cầu thủ trẻ có năng khiếu mà thích “ăn xổi”. Những “ông lão” Onopko, Mostovoi… vẫn là linh hồn! Trong khi đó những Sychev, Panov…mãi vẫn chỉ là “thần đồng”. “Nước Nga mất ít nhất 1 thế hệ cầu thủ bóng đá”- Koloskov, Chủ tịch LĐBĐ Nga cay đắng thừa nhận.
Những gì mà ĐT Nga thể hiện ở 2 trận đấu vừa qua khiến người hâm mộ càng thêm nuối tiếc. Lối chơi mà Hoàng đế Berkenbauer từng hết lời ca ngợi: “Người Nga chơi bóng với tốc độ của máy bay siêu âm”, giờ đã nhường chỗ cho những miếng phối hợp rườm rà vô ích, tủn mủn và bế tắc. Sự lười nhác, thiếu ý chí thay cho ngẫu hứng, sự bùng nổ chuyển thành… mất ổn định trong thi đấu.
Sự thành bại của một đội bóng có vai trò khá lớn của người HLV, trong hơn 1 thập kỷ qua, ĐT Nga luôn phải chịu những tác động tiêu cực từ tình cảm chủ quan của các HLV. Với Romantsev, ĐT Nga là Spartak Moscow tăng cường các cầu thủ có lối đá tương tự (hầu hết cũng là cầu thủ từ lò Spartak hiện đang thi đấu ở nước ngoài). Qua thời Gazaev, với khẩu hiệu “dùng hàng nội”, ĐT Nga là CLB CSKA + phần còn lại. Và giờ đây, với Yartsev, tính cách nóng nảy và ngang ngạnh của ông khiến không khí trong ĐT Nga lúc nào cũng căng như dây đàn. Một HLV ngoại cho ĐT Nga là điều mà báo chí nước này đã kêu gào từ sau VCK World Cup 2002… Bóng đá Nga đang chờ đợi một cuộc đại phẫu, và nếu điều đó vẫn không xảy ra, người hâm mộ có lẽ sẽ phải ca hoài giai điệu: Tạm biệt búp bê thân yêu, tạm biệt gấu Misa nhé…
|